Những gì làm bạn đau khổ sẽ dạy bạn nhiều điều.

Benjamin Franklin

 
 
 
 
 
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: Dang Long
Upload bìa: Dang Long
Số chương: 56 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1223 / 63
Cập nhật: 2019-01-08 18:11:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chị Chín
Bến Bọng, ngày 28-1-1975
Chín giờ đêm hôm qua (giờ Sàigòn) mình đặt chân vô nhà chị Chín. Người dẫn đường nói nhỏ gì đó với chị Chín ở phía sau nhà... Chị Chín ra gặp mình, tay cầm đèn bánh ú. Chị liếc nhìn mình một cái rồi chỉ cho mình cái bộ ván:
- Anh ngủ ở đây. Chị nói gọn lỏn có bấy nhiêu, rồi vô nhà trong. Mình căng mùng. Phòng trong, ánh đèn còn le lói Phòng ngoài, chỉ còn một cọng nhang với một đốm đỏ.
Mình chưa nhắm mắt được, vì còn phải lượng định tình hình đang diễn tiến một cách thật hồi hộp. Nghe động tĩnh bên trong, mình hiểu phòng trong có hai người: người con trai chỉ nằm cách mình một tấm vách bằng lá buông; còn chị Chín thì nằm cách đó chừng năm mét, ngay sau bàn thờ. Như vậy có nghĩa là chị Chín ở giá nuôi con. Cây nhang còn đốm đỏ kia là hương hồn của anh Chín.
Sáng nay mình còn đang ngồi thẫn thờ trên bộ ván, thằng con trai tên Phong còn đang ngủ nướng ở bên kia tấm vách lá, thì chị Chín xăm xăm đến trước mặt mình. Chị vào đề một cách đột ngột:
- Anh đừng nói với người ta là tôi không nói chuyện với anh. Tôi là đàn bà giá, còn anh là người tu hành.
Nói xong chị đi thẳng vào phía trong, ra cửa sau, rồi biến đi đâu mất. Mình chẳng hiểu gì cả. "Người ta" là ai? Phải chăng "người ta" muốn chị Chín quen thân với mình mà chị thì từ chối, nhưng lại sợ "người ta" biết? Lạ thật, suốt ngày hôm nay mình không hề thấy bóng chị Chín, ngoài hai lần chị bưng mâm cơm ra để trên bộ ván, chỗ mình ngủ. Mình chỉ thoáng thấy cái lưng của chị và sau đó là tiếng chị vọng ra từ phía nhà trong:
- Anh Tám ăn cơm với thằng Phong. Tôi ăn sau.
Bến Bọng,...5-1975
Chị Chín đi chơi Cà Mau và mới về hôm qua. Mình đứng nói chuyện với Phong, thằng con trai của chị. Nó sắp đi bộ đội, nên muốn nói chuyện với mình thật nhiều. Ba của Phong hy sinh từ hồi Phong lên năm. Năm nay Phong 18 tuổi. Như vậy là chị Chín đã ở góa được 13 năm. Bỗng mình phát giác có một tấm ảnh 6x9 mới toanh cài trên vách. Đó là một người phụ nữ nông thôn có nước da "mai-liên". Mình hỏi Phong:
- Hình ai vậy?
- Má tôi mà anh không nhìn ra sao?
- Má cậu chụp hồi nào vậy?
- Má tôi mới đi Cà Mau chụp nè.
Mình xấu hổ quá chừng, vì mình ở đậu nhà chị Chín đã trên ba tháng rồi, mà vẫn chưa nhìn rõ mặt của chị. Chị cố tình tránh mặt mình. Mình ở trước sân, thì chị ở sau vườn. Mình ở nhà ngoài, thì chị ở nhà trong. Ngoài giờ ra đồng, thì chị thường đi xóm. Những ngày đầu chị bưng cơm ra nhà ngoài, rồi vô nhà trong nói vọng ra:
-"Anh Tám ăn cơm đi". Những ngày kế đó, thì chị chỉ nói vọng ra:
-"Có cơm rồi, anh Tám vô bưng ra mà ăn".
Những ngày đầu mùa mưa, chị ra đồng làm cỏ đám mạ, mình tự nấu cơm lấy mà ăn. Mấy ngày hai mẹ con chị đi Cà Mau, thì mình vừa nấu cơm cho mình, vừa nấu cháo cho heo. Các buổi tối, chị thường đi chơi xóm thật khuya và chỉ về vào lúc mình đã yên giấc.
Quả thật có một cái gì đó không bình thường chút nào giữa bà chủ nhà và người khách không mời mà đến.
- Năm nay anh Tám mấy mươi rồi, bỗng Phong hỏi mình?
- Mấy mươi hả? Con chuột, ba mươi chín tuổi.
- Má tôi tuổi trâu. Vậy là anh hơn má tôi một tuổi.
Phong có ý nghĩ gì khi so sánh tuổi chuột với tuổi trâu, tuổi của mình với tuổi của má hắn. Không lẽ hắn lại muốn có một người cha ghẻ, một điều cực kỳ nghịch tâm lý. Hay có ai đó đã mớm cho hắn ý tưởng ấy?
Bến Bọng,...5-1975
Sáng nay, thầy Đức lén đến thăm mình và nói lên một chút ưu tư cộng với thương mến:
- Chị Chín giận bố và nói xấu bố.
- Có chuyện gì thế?
- Chị Chín nói: "Đi làm cỏ đám mạ về mệt muốn chết, muốn nằm võng nghỉ một chút, mà thằng Tám Hậu nó cứ nằm ở đó hoài”.
Mình buồn nhói một cái. Cái võng căng chéo trên bộ ván mà chị Chín đã chỉ cho mình từ hôm mình đến đây. Võng và giường gắn bó với nhau. Mình vẫn thường ngồi trên võng, thả chân xuống giường, kê sách trên đùi mà đọc, kê sổ trên đùi mà viết. Bỗng dưng mình mang mặc cảm xâm lăng hạnh phúc của người chủ nhà.
Không một lời nhận xét, mình xách túi đồ dời sang bộ ván đối diện, để trả cái võng cho người chủ nhà mệt mỏi. Lòng nặng trĩu phiền muộn. Những ngày sống ở đây bỗng trở nên nặng nề quá chừng.
Bến Bọng,...5-1975
Anh Năm Hoạch, người bạn chí cốt của mình đã khẳng định ý muốn của anh như sau:
- Tôi kiên quyết đấu tranh để tôi và anh Tám đổi chỗ cho nhau. Anh Tám qua bên chị Năm. Còn tôi thì từ đó qua bên chị Chín. Bên chị Năm vui hơn, ăn uống thoải mái. Mấy thằng con trai chị Năm đi bắt lịch, gài chuột, bữa nào cũng có thịt nhậu lai rai. Còn tôi ở với chị Chín thì chỉ như hai chị em thôi.
- Tôi biết anh thương tôi, nên mới quyết tâm như thế, nhưng mà không được đâu. Ông Hai đã nói với tôi thế này: "Anh Tám là người thích làm việc trí thức, nên ở bên chị Chín thuận lợi hơn. Nhà chị Chín không có con nít. Vả lại ở đây vắng vẻ, tu hành cũng thuận lợi”
Anh Năm Hoạch nhìn mình bằng ánh mắt thương cảm và phiền trách. Anh cay cú vì thấy mình không chịu đấu tranh để đổi chỗ ở. Ở nhà chị Chín thì ăn uống khắc khổ thật. Có bữa chỉ ăn cơm chan nước dừa mà thôi. Nhưng không vì thế mà hoán chuyển chỗ ở. Mình thấy thế là hèn.
Bến Bọng,...3-1975
11 giờ đêm hôm qua, có tiếng nhừa nhựa của một người đàn ông đi nhậu về.
- Má thằng Phong có còn thức đó không?
- Anh có quyền gì mà kêu tôi là má thằng Phong. Đồ mắc dịch!
Người đàn ông bước đi trong bóng tối nhạt nhòa, miệng cứ lải nhải câu điệp khúc: "Má thằng Phong ơi! Má thằng Phong à!". Nằm trong mùng, mình vẫn tưởng tượng được hình ảnh của người đàn ông ấy: mặt to bè và đỏ gay, cái lưng rộng rinh như tấm phản, mùi rượu phả ra nồng nặc quyện lấy bộ râu muối tiêu mọc lởm chởm.
Phải chăng những câu chuyện nhăng nhít ấy vẫn thường diễn ra vào giờ phút yên tĩnh này. Là người đàn bà góa không có nhan sắc, chị Chín là trái cây vừa tầm tay hái, ai hái cũng được. Nhưng chị lại không để cho ai hái. Chị cứ gào lên:”đồ mắc dịch", thế là xong. Trong xóm không ai nói xấu chị về chuyện ấy. Mình cảm phục người đàn bà nông thôn chất phác, nhưng giàu nghị lực này. Phải chăng Chúa đã an bài như thế, để hôm nay mình có được một chỗ dựa an toàn?
Năm Căn, ngày 12-6-1975
Sáng nay ông Mười Thăng cho biết mình sẽ chấm dứt những ngày ăn chực nằm chờ. "Chúng tôi bắt các anh chị vì nghi vấn chính trị. Điều tra thấy không có thì cho về..." Cũng tình cờ chiếc xuồng tam bản từ Năm Căn đến thăm mình, trong xuồng có một chục trái khóm và một nồi thịt cầy. Chị Chín được mời liên hoan với tụi này. Chị vui vẻ nói cười với mọi người và chúc mình mạnh giỏi.
Sau bữa cơm liên hoan và trước khi chia tay, năm ông thầy "quỷ sứ" của mình bưng một mâm khóm đến trước mặt chị Chín, tất cả cùng khúm núm. Út Niệm đại diện anh em khoanh tay thưa:
- Thưa má Chín, chúng con xin cám ơn má Chín đã có công nuôi nấng cha chúng con trong suốt bốn năm tháng qua...
Chị Chín cười như nắc nẻ, mắng yêu:
- Đồ quỷ sứ, mày dám cáp đôi cáp lứa cho cha mày hả?
Mọi người cười hề hà. Còn mình thì ngượng chín cả người. Thì ra xung quanh căn nhà lá này vẫn có những cặp mắt dòm ngó và chờ đợi một tin vui, một tin khôi hài, một tin tuyệt vọng. Chỉ có mình thì cứ tỉnh bơ như con vịt xiêm.
Cà Mau,...6-1975.
Hôm nay mình mới có giờ để tâm sự với anh Năm Hoạch một cách sâu sắc.
- Anh Năm nè. Hồi đó tại sao anh cay cú đòi đổi chỗ ở với mình vậy?
- Tôi lo quá, vì thường thường anh Tám ngủ ở cái giường bên kia, bỗng thấy anh Tám đổi sang cái giường bên này, mà giường bên này chỉ cách giường chị Chín có một tấm vách lá buông.
- Như vậy thì anh Năm đánh giá mình hơi thấp đấy.
- Biết đâu đấy, anh hùng thấm mệt thì sao?
Anh Năm Hoạch cười khằng khặc, cần cổ gật gù như con vịt trống đang đùa với con vịt mái. Anh sung sướng vì những lo âu dồn nén trong đầu anh nay đã qua. Cái cười của anh là cái cười đắc thắng.
Nhật Ký Truyền Giáo Nhật Ký Truyền Giáo - Linh Mục Piô Ngô Phúc Hậu Nhật Ký Truyền Giáo