Số lần đọc/download: 1802 / 12
Cập nhật: 2015-08-14 14:50:03 +0700
Đ
i Sài Gòn lần nào tôi cũng chui vào cái nhà khách ở cuối đường Sương. Ở đó, tôi thuộc lòng phòng nào thì cái điều khiển máy lạnh hư, phòng nào nút nguồn ti vi rơi mất, phòng nào quạt hút kêu như… máy chà gạo, và cầm chìa khóa mang dãy số 3xx, tôi biết sẽ phải lếch thếch ra phòng tắm dùng chung đằng cuối dãy. Những tối ngồi với bạn bè, nửa chừng phải nhấp nhổm ra về vì nhà khách đóng cửa sớm. Bạn kinh ngạc với chuyện “giới nghiêm” lúc mười một giờ trên đất Sài Gòn, và đặt câu hỏi, “sao em cứ phải ở đó?”.
Khá nhiều chuyện chính tôi cũng cần lời giải thích từ… tôi. Phải có một lý do hay ho lắm, người ta mới chấp nhận việc rúc vào phòng khi cơn buồn ngủ chưa đến, ti vi nín thít trong khi máy lạnh, quạt gió, kim đồng hồ thì kêu như… kèn. Vì con đường Sương quá đẹp, với cây cao, biệt thự, cao ốc, khách sạn và những quán cóc nhỏ vỉa hè, với những nhân viên công ty FPT váy áo ra vào và những đứa trẻ đánh giày hôi nắng; với cái ồn ã sôi lên ban ngày và xao xác, yên bình của sớm mai? Một Sài Gòn duy nhất mà tôi biết. Hay vì mỗi lần tôi xốc ba lô bước vào, cô nhân viên nhà khách lại cười, và hỏi, “Mới lên hả? Chị chuyến xe nào mà sớm vậy?”. Cảm giác, sau tám giờ đồng hồ đằng đẵng trên đường, tôi lại về nhà mình, gặp em gái mình.
Rốt cuộc, tôi chỉ có câu nói, nụ cười của một người dưng để giải thích cho việc gắn bó lâu với nhà khách “made in quốc doanh” này. Ít ra thì cũng thuyết phục được mình, một đứa chẳng mấy khi duy mỹ, duy lý mà khăng khăng với một chữ tình. Bạn bè chắc cũng có người ôm bụng cười, không phải ai cũng chịu chờ đợi chị trực quầy tiếp tân đang ướt sũng ngoài… vườn rau, chấp nhận những mảng trần nhà loang ố nước mưa, hay phải đi cầu thang bộ lên tầng 5, 6...
Tôi chấp nhận, chỉ để có những người dưng. Dung mạo không quá đẹp, ăn mặc giản dị, hơi quê mùa, đôi khi gặp vài người đã chớm già. Như anh bảo vệ ở nhà khách Ủy ban thị xã Hội An mà đôi lần tôi ghé trọ. Một kiểu kiến trúc công sở bình thường và xanh xao như cơ quan hội phụ nữ hay văn nghệ. Đêm xuống, càng khó nhận biết đây là một chỗ có thể an ủi đôi chân khi khu nhà lùi sâu trong một khoảng sân tối và lặng lẽ. Tôi có bữa ghé vào, anh đang bưng tô cơm ăn ngỏn ngoẻn, hỏi ngỏn ngoẻn, “cô đi xa vậy chắc là vất vả lắm…?’ bằng cái giọng Quảng đặc sệt. Buổi tối đi chơi phố về thấy anh giăng mùng dưới đất, đằng trước quầy tiếp tân, thò đầu ra anh cười nhẹ nhỏm, “khuya quá, tôi lo cô lạc đường”. Lúc thanh toán tiền phòng, anh rầy, “con gái mà giữ tiền bạc chểnh mảng quá…”. Tôi ngượng ngịu cười, cúi nhặt mấy tờ giấy bạc rơi, thấy thiếu một cái cốc đầu nữa, thì người đàn ông xa lạ này giống y chang anh trai tôi.
Chẳng biết gì nhau ngoài trơ trụi cái tên, sáng sau thì anh ra ca trực, về nhà, anh ở đâu đó trong Hội An này. Tôi thì khoác ba lô lên đường. Mà, đôi lúc tôi nghĩ, có thể cả đời này, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ gặp nhau lần nữa, vì cách trở và bất trắc. Nhưng điều đó cũng chẳng ngăn người nói vài câu tử tế với người.
Đôi khi nghĩ mình đã gặp may, vì ghé qua những chỗ trọ đơn giản đó, tôi chưa lần nào gặp một chị cứ say sưa ngồi giũa móng tay, hay rưng rức dán mắt vào cái phim nào đó trên ti vi, hay mãi mê tán chuyện với bạn trong quầy reception… mà không ngó ngàng gì tới khách. Những người tôi đã gặp luôn biết ngẩng lên và mỉm cười, đôi khi nói vài câu bỗ bã, làm trùng trình lòng đứa giang hồ vặt.
Mà chủ nhân của nụ cười, câu nói đôi khi chẳng biết mình đã làm điều kỳ diệu. Ký ức, nhiều lúc tinh tế chỉ một hơi thở nhẹ sau gáy, chỉ đầu ngón tay chạm khẽ của một chàng trai cùng đứng trú mưa… Đông, bạn tôi, cũng là đứa lang thang chuyên nghiệp, hay du lịch ta bà khắp thế giới. Có lần về tới cửa khẩu Việt Nam, làm thủ tục nhập cảnh, anh cán bộ hải quan bảo, “Vào đi, Đông!”. Cảm động không chịu được, Đông kể lại. Gặp tôi, biết đâu tôi còn ứa nước mắt, không chừng.
Tôi và Đông, không vì thiếu thốn tình thương, không vì cái cảm giác lạc lõng khi xa nhà mà ngơ ngẩn trước những người dưng. Tôi nhìn thấy ở đám đông xa lạ chất người. Tôi đã đổi những phòng ngủ tiện nghi, những gian sảnh sáng loáng, những cái cúi chào lịch thiệp… để đôi khi còn được nhìn thấy lại.
Với tôi, đổi gì cũng đáng hết, khi mà cuộc sống ngày càng khắc nghiệt và lạnh lẽo, vô chừng…