A good book is always on tap; it may be decanted and drunk a hundred times, and it is still there for further imbibement.

Holbrook Jackson

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Ban Thanh
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 1
Cập nhật: 2021-01-03 10:49:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ôm trước gặp chị, chị khoe đang viết cái ký "nhớ đồng". Tôi hỏi vặn chơi, nhớ đồng là nhớ những gì, chị cười buồn, nhớ lúa, nhớ vườn, nhớ dòng nước ngọt ngào năm cũ. Nhớ cái hồi dân xứ chị nghèo nhưng trong bồ có lúa, ngoài vườn có rau, dưới ao có cá, hồi nghèo mà thanh thản, chưa phải chịu cảnh nợ nần chồng chất đến nỗi, hột muối, chén cơm, chai nước mắm bà con ăn đều là từ tiền vay hết.
Thú thật là hôm ấy tôi đã cười thầm trong bụng, nghĩ, làm gì mà khổ dữ vậy, chắc cái chị này nói quá lên. Nhưng rồi tôi đã đi Hưng Mỹ, chị à. Ở đó, tôi thẹn thò nhận ra, Hưng Mỹ là đây, Thị Tường là đây, cái quê xứ anh hùng này chẳng có gì khác xa lời chị kể.
Hưng Mỹ quê chị nằm giữa Phong Lạc và Phú Mỹ, ba xã vòng tay quây lấy Đầm Thị Tường. Đây là vùng căn cứ nổi tiếng hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Anh là người Cà Mau, nếu anh từ hai cuộc chiến tranh thần thánh ấy ra, hẳn anh còn nhớ cái vị ngọt đằm của những hạt cơm được gặt từ những cánh đồng quê xứ nầy. Nhớ những người dân áo vá, chân bùn nhưng một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Nhớ hàng ngàn cái hầm đào dưới những vườn dừa bạt ngàn mà người Pháp, người Mỹ không tìm được lối vào vì miệng hầm nằm trong trái tim mỗi cụ già, em nhỏ. Họ dũng cảm, kiên cường, hào sãng rộng rãi mà cũng rất giỏi giang. Chúng tôi tin rồi, chị ơi, thương quá chừng bà con Hưng Mỹ, nhất là những người mẹ, người chị, khách vừa đặt chân đến thềm nhà đã hối hả bắc nồi cơm lên bếp, biểu "làm gì làm cũng ăn bậy ba hột cho vững dạ nghen con". Lời mời tình cảm, hồ hởi đến mức mình không nỡ chối từ, dù cái thanh âm của cái lon sửa bò chạm vào đáy thạp gạo nghe cồn cào, xót xa trong bụng.
Thương quá chừng bà con Hưng Mỹ, chị Ngờ ơi. Ba mươi tháng Tư này nữa, là tròn hai chín năm hòa bình, con đường quốc lộ về ngang qua xã vẫn ca hoài bài "Đường chỉ đẹp khi còn… dang dỡ", xã có 3911 hộ đã ngót 251 hộ nghèo, 13 ấp thì một ấp rưỡi chưa có lưới điện. Ai sai ai biểu mà cái nghèo vẫn còn tận tuỵ với Hưng Mỹ dữ vậy không biết.
Thì tôm chết triền miên, chết suốt ba mùa chuyển dịch rồi, hỏi dân làm sao không nghèo. Ở ấp Rau Dừa C, thậm chí chẳng có được con đường lành lẽ để nối các xóm với nhau, nên ấp giống như một cái đảo nhỏ. Mùa mưa, nước ngập các mương ranh, mỗi nhà là một ốc đảo nhỏ hơn. Những năm 68, 72, nơi đây là căn cứ cho nhiều cơ quan trọng yếu của tỉnh như Dân y, Quân y, Binh vận, Ban chính trị Tỉnh đội… Với cách mạng, chén cơm bà con từng xẻ nửa, hạt muối chia đôi, vậy mà giờ đây, cái cảm giác bị quên lãng đau đáu trong lòng. Coi lại, Rau Dừa C chưa có công trình phúc lợi công cộng nào gọi là được con mắt. Đường không, cầu cũng không, có ngôi trường tiểu học dựng tạm bằng cây lá tạm bợ từ hồi bão số 5 giờ đã bệu xệu như răng ông già, mùa mưa, trường ngập lút mắt cá học trò. Coi lại, những người đã từng sống, chiến đấu ở đây đã chẳng ai trở về thăm, để cùng ăn với nhau nồi cháo cá, cùng uống với nhau ly rượu, nhắc chuyện xưa, cái hồi bà con Rau Dừa mình nghèo mà tốt quá trời đất… Chẳng ai trở lại…
Bây giờ đất này còn nghèo hơn trước, cái nghèo lừa mị người xứ xa, lừa mị những ông quan kinh lý ưa kiểm tra lớt lớt. Chú Sáu Tấn, nhà ở Kinh Ngang bảo, "trời ơi, cô đừng thấy bà con cất nhà mái tole mới cáu, dưới bến có xuồng có máy mà lầm tụi này giàu, cô phải vô tới trong bếp để coi hủ gạo, coi túi tiền của tụi tui. Nó trống trơ thôi. Coi cái vỏ vậy chứ trong ruột tan nát hết".
Nhà chị Võ Thị Nga nằm trong số đó. Ba năm chuyển dịch, tôm chết triền miên, nợ hơn mười triệu ở ngân hàng. Không sống được trên năm công ruộng nhà, chồng chị làm thợ mộc kiếm tiền mua gạo. Anh vái hoài, vái trả hết nợ anh cạo đầu, rủi quá, tới bây giờ tóc vẫn còn nguyên. Anh chị có bốn đứa con nhưng ba đứa đã thôi học. Chị chỉ cậu con trai đầu lòng của mình, giọng rười rượi, "Tội nghiệp thằng nhỏ, học hết lớp mười hai rồi mà không có tiền, tui bắt nó nghỉ. Tương lai của nó, tui coi như xong rồi". Trí tật nguyền do sốt bại liệt hồi sáu tháng tuổi, biết mình không làm được việc đồng áng như người khác, em dồn sức vào việc học. Nhưng cái mơ ước trở thành bác sỹ đã tan mau như mây, phủ phàng như chẳng có cái hồi mẹ cõng em tới trường ngày hai buổi, như chẳng có những đứa em tình nguyện nghỉ học để cha mẹ dành dụm cho anh… Chị Nga rân rấn nước mắt, " Còn nhỏ Út, con nước nào cũng vái ông bà phò hộ cho trúng vuông để được đi học tiếp. Mà, hỏng biết chừng… Hồi sáng này bán tôm được 24.000, có nhiêu đó mà phải lo gạo, dầu hôi, nước mắm, đưa ông chồng tui bỏ túi đi làm chỗ xa, hỏi tiền đâu cho nó… Tui làm mẹ mà, đau chớ sao không, cô?".
Gần đó một đỗi đường là nhà chú Bảy Chà, được coi là nghèo nhất ấp. Đó là một căn nhà nhỏ và rách tả tơi đến mức khi bước vào tôi muốn rơi nước mắt. Nhà có ba bộ vạc vá đắp bằng ván vụn chừng bốn lớp, hai cái võng cũng tưa tải như xơ mướp. Chú nói, "trận mưa đầu mùa hôm rồi, tụi nhỏ ướt hết, phải cuốn mùng chạy. Mà, chạy chỗ nào cũng dột", rồi chú nghẹn lại, "khổ như chó…". Tôi bước vào gian bếp ngoi ngóp khói, ngó nồi cơm trộn khoai bắt đầu lên tim. Gia đình chú Bảy không đất canh tác, sống bằng cách làm mướn, làm thuê. Mỗi tháng, thím Bảy lĩnh tiền chính sách (chồng trước của thím là liệt sỹ) được 150.000. Hỏi cô con gái tên Trang đã học tới lớp mấy rồi, cô cười, nghèo quá, mấy anh em em hỏng ai biết chữ. Rồi cô lặng lẽ nhìn ra sân, chỗ những đứa trẻ đang chơi, lê lết cái mông trần trên đất, tóc cháy vàng, gầy gò, khô khốc. Hỏi anh Nguyễn Đồng Khởi - trưởng ấp Rau Dừa C về việc nhà chú Bảy chưa được cấp sổ nghèo, anh trả lời, " Các ấp khác trong Hưng Mỹ mình đã có rồi, nhưng riêng Rau Dừa C vẫn chưa. Tại sao mà kỳ vậy hả? Tại hồi làm thủ tục, Ban chính sách nhập nhằng làm lộn hai cột thoát nghèo với còn nghèo nên phải chờ làm lại". (Ở đây cũng có vài chuyện hơi bị… lãng xẹt hả, chị Ngờ, thí dụ như chuyện kéo điện, một xóm nhà lẽ ra phải cắm hai mươi cột nhưng dự toán thế nào chỉ cắm có mười tám, thành ra còn sót lại một khúc xóm, bà con phải xúm nhau tự mua điện giá trên trời mà chất lượng thì ở dưới đất)
Buồn cười, tới đây thì con Tư "lý trí" xuất hiện và chúng tôi cãi nhau. Cứ mỗi lần được nghe những quan điểm trái ngược nhau từ người dân và chính quyền, nó lại tới "để giữ cho bạn thật tỉnh táo. Tụi viết văn hay sống theo tình cảm, có lúc cũng không nên". Nên thấy cái cảnh tôi sụt sịt cảm thương, nó nhảy xổ vào, "Ở xã người ta nói ông Bảy nầy nhậu nhẹt tối ngày, mấy đứa con thì hổn hào, phá làng phá xóm, đừng thèm thương". Tôi hỏi, "Nếu bạn là chú thím Bảy, sinh ra những đứa con như vầy, bạn có buồn không, Trang hơn hai mươi mà thân hình như mười ba, mười bốn; Dương mười một tuổi mà thua cậu bé lên năm. Nhà lại nghèo như vậy, hỏi chú có buồn không? Và nếu thiệt những đứa trẻ này không được tử tế lắm, có phải vì chúng thất học, chúng thiệt thòi không?" Con Tư "lý trí" im lặng, nhưng nó không chịu thua, nó đang tìm lý lẽ để tranh luận tiếp, tranh luận dài dài.
Nên chúng tôi vẫn phải lườm lườm ngó nhau khi nắng cuối mùa đang đỏ úa trên đầu, chúng tôi vòng qua chợ Rau Dừa đi Thị Tường. Cái ấp Thị Tường của chị Ngờ của mùa gió chướng, của những bờ kinh bông so đũa nở trắng trong ký ức của chị đây, chị Ngờ ơi. Mà, thiệt buồn thay, cũng là Thị Tường làm tôm thất bát nhất trong số 13 ấp của Hưng Mỹ. Cả ấp có 365 hộ hết 105 hộ nghèo, năm nào huyện cũng lên cứu đói chừng năm ba chục hộ. Học trò từ cấp hai trở đi bắt đầu bỏ học, đi làm mướn, mà cũng phải làm mướn xứ khác, chứ đất này ai cũng như ai. Nhiều thanh niên của Thị Tường bây giờ đang ở biển, ở rừng, mỗi mùa gió chướng rao rao lại cồn cào nhớ quê xứ. Tôi nhớ có lần hỏi chuyện làm ăn của bà con ở quê nhà, chị nói, "Hồi đó Thị Tường có "ba không", không theo giặc, không bỏ Đảng, bỏ cách mạng… bây giờ "tùm lum không". Không gạo, không tiền, không cá, không rau cỏ…". Môi trường nước mặn quá khắc nghiệt, người ta sống còn muốn le lưỡi, nên gà vịt chim cò cũng vắng hoe. Qua nhà anh Tám Hải, thấy vẫn còn cặm cái bảng bán đất, nghe kể thì đã dựng bảng hơn một năm rồi, chẳng thấy ai tới mua, nghĩa là sổ đỏ vẫn ở ngân hàng, nghĩa là món nợ sáu mươi triệu vẫn còn nguyên trân đó. Chúng tôi ra chỗ Mũi Ông Lục, chỗ mà chị đã từng gọi là "đất trắng", mà thương chị thật lòng. Ở đây, cái thứ lau sậy lì lợm là vậy mà ngó bộ sống cũng vất vã. Chúng xơ rơ cháy đến phai cả màu vàng, chỉ thấy thân sậy trắng bệt ra, rụi ngọn trên những bờ đất khô nẻ. Không có một thứ cây nào khác sống ở đây ngoài những đám lau sậy này, nên trảng đất hoang vu tràn đến những bìa dừa xanh thẩm đằng phía chân trời. Nước dưới kinh trong tới đáy, thấy cả mấy con cá ốm nhằng lội tới lui. Khu vực này gồm 251 hecta, trước đây đất hoang hóa, cây tạp mọc thành rừng, máy bay Mỹ rải thuốc mấy lần, đất trở thành đất trắng. Anh Vương Thanh Dũng, trưởng ấp Thị Tường cho biết, "Chỗ này bà con mình cũng vừa vào đây khai phá hồi năm 80, 81. Nghe mấy ông kỹ sư nói cái thứ phèn này độc dữ lắm, nên hồi làm ruộng cũng thất te tua, lúa bắt đầu trổ là quéo ngọn, chết queo. Năm 99, nhà nước làm thuỷ lợi múc đê Ông Lục, dân Ông Lục năm đó mừng húm, vì làm lúa bắt đầu trúng. Nhưng cũng được có một năm thôi, bắt đầu chuyển dịch, bà con còn nghèo dữ hơn trước… Mới đây chừng hai tháng, ở Sở Thuỷ sản cũng có người xuống, nghiên cứu coi đất này hợp với cây gì, con gì, quy hoạch ra làm sao để tính lại con đường sống cho bà con. Mà, chắc cũng lâu…". Và sự chờ đợi đã mỏi mòn, nên trong xóm đã có người cho mướn vuông với giá rẻ để qua U Minh thuê đất ruộng. Nói chuyện mướn đất, anh Dũng kể cái hồi Cái Nước bắt đầu chuyển dịch, dân Đầm Dơi chạy qua mướn vuông quá trời, tưởng bên này cũng ngon như ở bển, nhào vô Mũi Ông Lục chừng năm rưỡi đã chạy mất, chạy không kịp trả đất. Rồi anh chùng giọng xuống, "tui thấy phải làm thuỷ lợi cho ngon dân mình mới có cơ hội thoát nghèo cô à".
Tới đây thì chúng tôi lại cãi nhau nữa, chị Ngờ ạ. Con Tư lý trí nó nói thiếu điều văng nước miếng, "Bà con cứ đổ thừa thuỷ lợi kém nên tôm chết, nên nghèo hoài là không phải. Ngay từ đầu Hưng Mỹ cũng như Cái Nước làm đề án là vụ lúa vụ tôm, tui nói đúng hôn? Nhưng bà con mê tôm quá nên bỏ bê cây lúa, nên đất bạc màu, nguồn nước bị ô nhiểm, nên tôm lụi đầu, nên hỏng có gạo ăn, tui nói đúng hôn? Đó, anh Huỳnh Công Trí, chủ tịch xã cũng có nói đó, bây giờ đã nghèo túng, nợ nần như vầy mà bà con còn dùng dằng chưa chịu làm vụ lúa vụ tôm. bà con sợ làm lúa rồi cực khổ hôm sớm chớ gì, tui nói đúng hôn?".
Tôi không tranh cãi gì hết, tôi hỏi, "Bạn còn nhớ cái kinh Ngang chỗ nhà chú Sáu Tấn mình vừa đi qua không. Mùa này, kinh cạn chỉ còn non một thước. Xuồng chạy qua, sình cặn cồn lên đục ngầu, nước này thì làm sao bơm vào đồng đây. Ngược lại, bà con cũng không thể tháo nước, xổ phèn khi mực nước kinh thấp hơn cả trong vuông. Nên bạn thấy đó, những cánh đồng trơ nẻ đất như người ta bắc cái chảo lên bếp rồi kho cho cạn. Làm sao tôm không chết thành dịch khi người này vừa bơm nước ra, người khác lại lấy nước vào? Ba tôi làm vuông ở Rạch Bộ Tời, đêm nào cũng canh chờ con nước lớn nửa đêm, cả xóm kinh rủ nhau ra tát, năm cái máy bơm hút nước chừng nửa giờ đồng hồ, rạch đã cạn trơ lòng. Rồi ai nấy ngồi thừ ra, muốn khóc. Nhà nước còn nghèo, lại thương hết thảy mọi người, nên nạo vét dàn trải ra, không đồng bộ, có con kinh ngang được múc nhưng hai kinh dọc thì không nên nước khó chảy tới lui. Hệ thống thuỷ lợi như vầy thì làm gì cũng khó, kỳ công rửa mặn, tháo nước để trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm còn khó hơn. Vì chi phí cao lắm, tiền đâu?".
Tiền đâu khi nợ cũ vay để cải tạo kinh mương hồi mới chuyển dịch bây giờ vẫn còn nguyên đó, trả lãi còn vất vả đừng nói chuyện hoàn vốn để vay lại. Người dân Hưng Mỹ nợ ngân hàng trên ba mươi tỉ đồng, hy vọng trả được rất xa xôi, mờ mịt. Anh Nơi, chạy đò bao ở chợ Rau Dừa kể, "Ông Trọng ngoài Ngân hàng công thương vô đây hoài chớ gì, chả biểu tui chạy đưa ổng đi lòng vòng để đòi nợ. Riết rồi tui biểu, thôi cha nội ơi, đi hoài cũng đâu có được gì, rồi mắc công cha nội cằn nhằn cử nhử. Coi cái cảnh bà con ở đây, chạy gạo từng bữa còn đuối nói chi trả nợ".
Nên có người lên tiếng, phải nhà nước chịu thấy đất trừ nợ, tôi buông xuôi cho rồi. Chớ bây giờ, nhớ tới nợ, ăn ngủ không yên, lúc nào cũng thấy bồn chồn.
Chị Ngờ ơi, tôi có cảm giác cái nghèo giăng ra sẵn những cái bẫy mà bà con nông dân mình đi lẩn quẩn thế nào vẫn quay về ngay trân chỗ ấy. Những người tốt, những người lam lũ cả đời chẳng được (hay chưa được) đền đáp.
Nhưng lạ là không bao giờ họ tắt đi niềm hy vọng, chị ạ. Bà con khoe với tôi, nghe râm ran mùa tôm về dài theo mé Đầm Thị Tường bên Phú Mỹ, bên đó mấy năm nay cũng khổ, nhưng bây giờ coi bộ dỡ lắm rồi, nghe mấy ông thầy coi nước nói năm nay tôm tép khá lắm đây. Tôi chưa mường tượng được về mấy ông thầy coi nước, không biết có giống thầy bói không, không biết có phải là những lời an ủi, vực nhau đứng dậy rồi bị đồn đại ra không nhưng tôi biết ơn mấy ông lắm lắm, khi nhen lại cái khát vọng sống trong lòng người Hưng Mỹ.
Ờ, sống để mà bước tới.
Ngậm Ngùi Hưng Mỹ Ngậm Ngùi Hưng Mỹ - Nguyễn Ngọc Tư