A book that is shut is but a block.

Thomas Fuller

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Duc Pham
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 925 / 0
Cập nhật: 2015-11-16 17:57:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
uổi tối thằng Quốc gặp lại người nghệ sĩ ở cuối xóm. Ông đã chờ nó để thổi kèn cho nó nghe. Nó dẫn ông về trước sân nhà. Mẹ nó đang gọt những củ cải để làm dưa món ăn Tết muộn. Bà không lạ người thổi kèn đặc biệt này. Nhưng bà hơi ngạc nhiên vì thấy ông ta đi với thằng Quốc. Hai người ngồi xuống thềm nhà. Người nghệ sĩ bắt đầu thổi bản nhạc. Đó là bài tập họp lính. Thằng Quốc khoái chí vỗ tay thật lớn. Dường như mẹ nó cũng vui lây. Người nghệ sĩ sửa lại cặp kính đen trên đôi mắt, hỏi nó:
- Hết bài rồi. Cháu muốn nghe bài gì nữa?
Thằng Quốc cắn môi ngẫm nghĩ. Nó bỗng nhớ ra bài hát gì nghe mang máng như “mờ trong bóng chiều một đoàn quân thấp thoáng…”. Nó hát câu đầu lên cho người ấy nghe. Ông ta nói:
- À! Để bác thổi bài “Chiến sĩ vô danh” nhé!
- Đúng rồi bác! Bài “Chiến sĩ vô danh” đó!
Cây kèn đồng sáng lên kỳ lạ. Người nghệ sĩ làm không gian cô đọng lại bằng bản nhạc u buồn. Thằng Quốc nghe se sắt lòng. Trên sân nhà cô quạnh người góa phụ cũng dừng tay, lắng nghe. Khi bài nhạc dứt, thằng Quốc thấy mẹ nó đưa tay gạt nước mắt và bà bỏ đi vào nhà. Nó im lặng ngồi bên người nghệ sĩ. Ông hỏi khẽ:
- Cháu làm gì đó? Bác chẳng thấy gì cả.
Tự nhiên thằng Quốc thấy ngậm ngùi. Nó nhìn cặp kính đen của người và nghe thương vô hạn. Bao năm rồi quen sống trong bóng tối, người đã cam chịu một mình. Có ai hiểu người đang nghĩ gì không? Một quãng đời xông pha đã khép lại. Một quá khứ oai hùng đã trải qua. Chưa có đứa trẻ nào được hãnh diện về một người cha nghệ sĩ-chiến sĩ như người cả. Người cô độc và lạnh lùng trong cảnh sống rộn ràng. Người không biết đến mùa xuân, nhưng vẫn thổi những khúc nhạc xuân. Người không biết đến ánh sáng, mà vẫn góp tiếng cho đời thêm rạng rỡ.
- Cháu làm gì đó?
Người ấy hỏi lại. Thằng Quốc đặt tay lên chân người, đáp nhỏ:
- Cháu ngồi đây.
Người nghệ sĩ cười nhẹ:
- Bác sắp đi.
- Bác đi đâu?
- Về chỗ trú của bác. Ngày mai bác về quê.
Thằng Quốc giật mình:
- Ủa! Bác về quê?
Tiếng cười lại cất lên:
- Chứ cháu tưởng bác không có quê sao? Bác dành dụm những tiền kiếm được đủ mua một vé xe.
- Bao giờ bác trở lại đây?
- Chừng nào bác thấy thích. Không chừng bác ở luôn dưới quê. Bác muốn dừng chân, không đi thổi kèn rong nữa.
Thằng Quốc tiu nghỉu. Nó muốn nói với người ấy rằng nó rất thích thổi kèn, nó muốn học nghề với người ấy. Nhưng thôi. Ông ta sắp ra đi và nó cũng chưa có một cây kèn nữa.
Rồi cũng đến lúc người nghệ sĩ ra đi, vì trời đã quá tối. Mẹ thằng Quốc đứng trên thềm nhà nhìn theo, mắt còn ướt lệ. Thằng Quốc đưa ông ta ra đầu xóm. Nó biết việc đó hơi thừa nhưng nó muốn làm vậy vì chợt nhận thấy ở nó và người nghệ sĩ này có một thứ tình quyến luyến. Nó nói, khi đã ra đến đường cái:
- Cháu chúc bác ăn Tết ở quê vui vẻ.
Người ấy nắm lấy bàn tay bé nhỏ của nó, cười:
- Hết Tết rồi, nhưng bác sẽ ăn Tết muộn vậy. Cháu rán học nhé, thằng con ông Thượng sĩ Hạc.
- Dạ.
Thằng Quốc chỉ biết “dạ” và đứng im nhìn người nghệ sĩ đeo cây kèn đồng trước ngực, quơ gậy bước đi. Màu đồng sáng loáng trong đêm và mất hút. Thằng Quốc buồn bã quay về và lại gặp cây kèn đồng – cây kèn đồng nhỏ trên tay một thằng bé.
- Cho mày mượn nè Quốc.
- Ở đâu vậy?
Thằng bé nhe răng cười:
- Còn làm bộ hỏi. Hồi chiều tao “thổi” chứ đâu!
Thằng Quốc e dè cầm cây kèn. Nó nghĩ đến người mù giờ này đã đi mất. Phải chi nó có kèn sớm, giờ này chắc đã thổi được bài “Chiến sĩ vô danh”. Nó muốn chạy theo người, nhưng chân vẫn dán cứng một chỗ. Thôi thì tập một mình vậy. Nó đưa cây kèn lên môi. Cây kèn nhẹ hều. Mặc cho thằng Quốc bấm nốt lia lịa, cây kèn vẫn chỉ phát ra được một tiếng “toe”.
Thằng con ông hút ngạc nhiên khi thằng Quốc trả cây kèn lại:
- Ủa, mày khoái cây kèn này lắm mà?
Thằng Quốc lắc đầu và bỏ đi. Nó chỉ thích cây kèn của người mù, vì cây kèn đó thổi được bài “Chiến sĩ vô danh” làm mẹ nó khóc, làm nó se sắt lòng. Nhưng người mù nghệ sĩ đã đi. Nó vẫn chưa có dịp thổi kèn như ông ấy. Nó tiếp tục sống đời sống của một cậu học trò nghèo, đời sống của “thằng con ông Thượng sĩ Hạc”, con của một người lính đã nằm xuống đời đời. Nó tiếp tục hãnh diện với những người trong xóm mỗi lần nhắc đến tên ba nó và sẽ hãnh diện với ý nghĩ “nghèo vẫn trong sạch” của nó.
Trước sân nhà, mẹ nó vẫn đang gọt những củ cải để làm dưa món ăn Tết muộn. Có tiếng thằng bé con ông hút thổi kèn “toe, toe” khắp xóm. Có tiếng người mù thổi kèn tây nghe mơ màng trong gió – “rừng trầm phai sắc, thấp thoáng tàn canh, hỡi người chiến sĩ vô danh…” – tưởng như người vẫn còn đâu đây.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
(Bán nguyệt san Tuổi Hoa – Số 220)
Một Chút Hương Thừa Của Tết Một Chút Hương Thừa Của Tết - Nguyễn Thị Mỹ Thanh Một Chút Hương Thừa Của Tết