The act of love . . . is a confession. Selfishness screams aloud, vanity shows off, or else true generosity reveals itself.

Albert Camus

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Minh Khuê
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Minh Nguyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 2
Cập nhật: 2021-01-12 19:41:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ớp tiếng Đức luyện nghe nói học năm tháng, tuần ba buổi. Nhì nhằng cũng gần kết thúc. Vào tháng tư. Toàn những kẻ cần mua chữ mua bằng đặng vào các thứ cửa cho trót lọt sau khâu “đầu tiên”. Tối thứ sáu này, buổi học cuối cùng chia tay thầy. Có ngài bây giờ mới biết tên thầy giáo. Thầy Thanh. Cái tên chung chung thế không nhớ cũng phải. Lớp có 28 mống nhiều nơi tụ về. Nhiều nhặn gì nhưng cũng không ai nhớ ai trừ nhóm ngồi gần nhau. Ông thầy trẻ tuổi có cái khác người là bắt trò - dù trò đóng tiền mua chữ - cũng phải tuân theo kỷ luật lớp. Trừ những lý do không thể khắc phục, tất cả phải tới lớp đúng ngày. Đúng giờ. Ai ngồi đâu hôm sau ngồi lại chỗ đó. Cho tôi thấy mặt. Tôi bán chữ nhưng tôi cũng là thầy. Mong các anh chị đại xá!
Thầy dạy tiếng Đức. Nhưng thầy hay xài tiếng Nôm. Tiếng Hán Việt. Hay trích dẫn ca dao, thành ngữ. Có vẻ là một ông Tây. Các ông Tây hay mê văn hóa xứ người. Bản sắc văn hóa dân tộc xứ người ông Tây thường nắm rõ hơn người bản xứ, lại thích chòi xứ Tây chê xứ mình.
Có một cô gái trắng trẻo đeo kính nghe thầy giảng, hay nhìn thầy và phân tích về thầy như thế. Dù hay theo học các lớp đóng tiền ngắn hạn, cô gái này không bỏ được thói quen quan sát. Chấm điểm. Và lặng lẽ một mình bình giá trị một con người. Cô này tên Yến. Học năm cuối một trường gọi là đại học. Đầu vào khá căng do ít ai để ý học lực để mà kiếm sinh viên giỏi cho trường. Mà cũng không dễ tìm ra chỗ để “trao và múc”. Những chỗ bí hiểm bỏ cha. Nhưng Yến vào được vì có người họ hàng tìm ra kẽ hở. Vào rồi ghi tên rồi yên tâm đóng tiền học ở ngoài để lấy kiến thức thật còn trường thì cứ để đấy thể nào cũng ra. Giống như nhập cảnh vô nước tư bản. Cực khó. Nhưng ra thì thoải mái ai giữ làm gì cho chiếm chỗ mất cân bằng mất an ninh?
Cả bọn gấp vở hỏi nhau mấy hôm nữa buổi học cuối “ấy” có đến không? Sao lại không nhỉ? Buổi cuối cùng cũng học cơ mà! Mỗi chữ mỗi tiền. Khiếp quá. Tính toán chi li thế. Vét cạn chữ của thầy vì xót mấy đồng lẻ hả tên kia! Phải rồi. Còn cậu thế nào? Cả lũ quay nhìn Yến. Cô gái đeo kính trắng trẻo tính tình rụt rè có hai bàn tay nuột nà như tay công chúa truyện cổ tích. Yến bảo phải đến học còn chào thầy chứ. Mình nên đóng góp mua tặng thầy món quà gì đi.
Cả nhóm ngớ ra như bị gió thổi thốc vào mặt. Tuấn giơ hai tay lên trời: tớ không đâu đấy. Xong cua này tớ ghi tên cua khác. Học tiếng Tây Ban Nha. Chỗ làm này tớ chấm rồi, chỉ cần chào hỏi tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha. Thầy nhiều vô khối quà sao cho xuể. Vả lại xa xỉ thời gian. Tớ không nhé!
Tôi đồng ý hai trăm phần trăm. Học ngoại ngữ buổi tối như đi mấy cuốc xe ôm đến nơi ông lái mặt vuông mặt dẹt thế nào ai để ý quà không thành vấn đề kinh tế quà thời này rẻ như bèo hoa dâu nhưng thời gian thì tốn lại phải à ơi tình cảm nổi cả da gà ai mà kham nổi.
Yến nhìn gã kế toán công ty trách nhiệm hữu hạn xuất thân dân sông nước, nghe nói quê gã không có nhà xí dù xây nhà cả tỷ cũng rủ nhau đi ỉa bờ sông cả lũ ngồi như vượn. Gã nói không bao giờ chấm câu. Sống cũng chả thèm dừng nhìn. Đi xe máy như uống thuốc lắc lao ra cổng là phóng sống chết mặc bay.
Trời đang mưa. Gã kế toán nói không chấm câu đội mưa đi luôn. Chắc phóng xe đến chỗ nào đó rồi ngồi chứ công lên việc xuống gì. Cái thói phóng xe lấy được của gã như bệnh dịch lây lan cộng đồng không kiểm soát nổi. Chả có việc gì cũng phóng. Đến nơi ngồi không. Các con đường thành phố như lối đi của bọn kiến gió. Rối rít tít mù nhưng chả làm nên trò trống gì sất. Xã hội rối như nắm xơ rửa bát… Yến ngồi yên lặng ngắm nghe và bình giá trị. Thói quen… Chàng trai gầy gầy tên Vũ ngồi cạnh Yến từ buổi đầu. Mặc áo của đội Arsenal những hôm trời nóng. Lạnh mặc áo khoác cũng mang logo của Arsenal. Đội bóng ruột. Nghe nói các cổ động viên hay tụ họp huy hoàng rực rỡ như đại hội cỡ quốc gia. Chàng này ít nói. Tẩm ngẩm mang một tình yêu say đắm gì đó. Không nói ra sợ người ta cười cho là cái chắc. Nghe Yến nhắc chuyện nên tặng quà cho thầy giáo tiếng Đức cậu này không phản đối cũng không gật.
Trời mưa to hơn. Yến lẩm nhẩm cầu cho xe máy của gã kế toán nói không chấm câu chết máy trong vũng nước cho rồi. Cái đồ tham lam kế toán cả trong chuyện tình cảm. Sợ nói ra một câu có tình là mất cái giá trị nghênh ngang. Vũ quay nhìn Yến. Lúc này mới bảo tôi góp tiền Yến mua quà tặng nhé. Tôi không biết nói gì với thầy đâu. Ở nhà khóa mồm quen rồi.
Sao lại khóa mồm?
Nói cho mà nghe nhé. Gần kết thúc khóa học rồi ít khi gặp lại nên tâm sự mùi mẫn tí cho vui. Bố với hai ông chú của tôi giống hệt nhau. Mở mồm là tiền. Giải thích mọi thứ vì tiền thì ô kê ngay mặc dù chả ai keo bẩn gì hết. Rất phóng khoáng thậm chí vung tay quá trán. Tôi yêu đội Arsenal thì tôi yêu, thế thôi. Giải thích thế nào được. Phân tích để thuyết phục người khác cũng không được. Ai mà nói được vì sao yêu vì sao ghét. Thế mà suốt ngày hỏi: sao mày mất thì giờ thế? Đội ấy nó cho mày cái gì mà mỗi lần nó đá cả lũ như hóa rồ… Hỏi quanh năm suốt tháng vì sao lại cứ chết mệt vì cái bọn chả liên quan đến mình. Một hôm tức quá tôi giải thích luôn: bọn con cá độ với fan Chelsea. Cá độ hả? Có thế chứ. Ô kê! Thắng độ bao giờ không? Thắng nhiều chứ chú!
Ô kê! Cá độ thì mới say được thế chứ. Hai ông chú cực kỳ hài lòng. Trận tối qua Arsenal phải đá penalty. Trên ti vi trực tiếp có một ông cực già ngồi nhắm tịt mắt khi Eduardo của Arsenal đá hỏng. Ông này cũng là loại fan cỡ đau tim. Bố tôi chép miệng: gì mà phải khổ thế. Lăn đùng ra đấy thì khổ con khổ cháu. Ham cái nỗi gì. Tôi tỉnh bơ giải thích. Tiền bạc đấy bố ơi. Ông này cũng độ đấy. Hỏng một quả là mất khối tiền. Mặt mũi ông ta đầy tiền bố không thấy à? Ô kê! Thế thì được… Từ đó tôi toàn lấy chữ tiền ra giải thích khi các ông già dè bỉu tôi ham mê thái quá. Tiền cả. Tiền cả đấy! Thế có chán không...
Vũ làm hành động kéo khóa ngang miệng. Yến cười xòa. Thế hệ cha anh xem chừng thích tiền hơn chúng ta.
Tóm lại nào. Không ai đồng ý tặng quà thầy hả? Không. Mưa tạnh rồi, về thôi, ngồi hơn hai mươi phút rồi đấy. Thóc đâu bồ câu đấy. Phải đóng tiền học thứ khác lằng nhằng một chỗ mất thời gian bỏ cha.
Mỗi người một câu rồi đi hết. Yến đi sau cùng. Vũ đứng chờ. Yến bảo thôi cậu về đi. Cảm ơn cậu đã đồng ý kiến. Tôi sẽ tặng quà cho thầy.
Chiều thứ sáu. Yến lang thang phố cổ tìm được chiếc cà vạt lụa, thứ không đắt mấy hợp túi tiền sinh viên. Chiếc cà vạt trong hộp dán giấy màu trông trang nhã. Yến bỏ hộp quà trong túi nghĩ tới những người học cùng lớp tiếng Đức, cảm thấy bối rối không biết mình làm thế này có gì lố bịch.
Tối. Con đường vào trung tâm ngoại ngữ vắng hoe. Trời mưa nhỏ ngấm một chút lạnh cuối xuân vào cây vào tóc làm người ta xốn xang. Tháng tư rồi. Buổi học tám giờ tối có mưa, có hạn cuối càng vắng hiu hắt. Lớp hai tám học sinh buổi này đếm cả thầy mới được năm người. Buổi cuối cùng thầy nhìn xuống thờ ơ như quá quen với các buổi cuối cùng ở nhiều lớp trước. Cái thói ăn bánh trả tiền của người Việt thầy quen rồi. Nhìn vài người trong lớp Yến ngượng nói to chắc hôm nay mưa mọi người ở xa ngại lội mưa, thưa thầy!
Thầy tiếng Đức nhìn cô học trò có đôi bàn tay tuyệt đẹp và dáng vẻ con nhà lành rất hiếm thấy. Thầy dạy nhiều quá. Gặp gỡ nhiều quá nhưng để nhớ một khuôn mặt thì có lẽ là không. Cũng như buổi học cuối này. Lần đầu tiên thầy chú ý đến một cô trong đám ăn bánh trả tiền. Thầy cười. Hết giờ rồi bao giờ chả vắng. Thôi. Bốn người ta cũng học nhé. Để cho hết tiền của các anh chị!
Thầy định nói cái câu bất nhã ấy nhưng kịp dừng lại khi thấy Yến giở vở ra nghiêm túc như cả khóa học bao giờ cũng ngồi nhìn thầy đúng kiểu học sinh vở sạch chữ đẹp. Con cái nhà ai đặc biệt thế giữa thời buổi này!
Thầy tổng kết chương trình. Đánh giá sức học. Cảm ơn vì các anh chị đã đến học trong từng ấy thời gian. Thầy nhìn Yến và trái tim đàn ông ba mươi mốt tuổi của thầy có vẻ chưa bị cứng vì tiền. Yến đứng lên đi về phía thầy. Ba người trong lớp cười cười nhìn hộp quà trên tay Yến thấy không có cớ để đùa bỡn khi Yến tặng quà thầy giữa lớp với vẻ mặt xúc động. Em thay mặt những người trong buổi học cuối này tặng thầy thay lời cảm ơn. Yến nói nhỏ. Có vẻ không phải loại con gái nhà quê ra thành phố thạo từ cách phóng xe máy đánh màu xanh lên mắt nói năng lưu loát sành sỏi hơn đứt người sinh ra ở đây. Thầy ngạc nhiên thấy mình lúng túng. Lần đầu tiên lúng túng trước học trò. Có lẽ lần đầu trong giai đoạn dạy thêm lấy tiền thầy có quà tặng chia tay lớp học. Cảm ơn! Cảm ơn các anh chị!
Thầy ngồi một mình trong lớp học thêm tối thứ sáu giữa trung tâm ngoại ngữ mưa vắng hoe. Chiếc cà vạt lụa như một dải nước sạch mát mịn trên tay thầy. Thầy đã từng buồn lòng khi một lần đi trên lối nhỏ sân trường đại học mà thầy dạy bộ môn. Ba gã sinh viên năm cuối tán phét trên ghế đá sân trường. Một gã đứng ra nói như dạy hai gã kia. Ai bảo mày. Thời này cái gì cũng phải đậm tay. Ai bảo mày “đi” nó mỏng thế. Mày “đi” nó mỏng nó xuống tay cho điểm mày mỏng theo. Trách cái nỗi gì. Rút kinh nghiệm con ạ. Còn cuối năm nữa đấy!
Chả hiểu ông nào trong số “nó” nhưng sao mà buồn cho cái tình người.
Thầy tiếng Đức ướm cái cà vạt lụa vào cổ áo. Cái màu rất ưa rất hợp y như cô bé đọc được ý nghĩ của thầy. Thầy giở cuốn sổ có ghi số điện thoại của học sinh. Đây rồi. May quá là trong dòng chảy rối rít của loài kiến gió cũng có chút gì cho ta dừng lại. Thầy đọc số điện thoại và trầm ngâm một chút dịu lòng một chút. Trái tim đàn ông của thầy chưa đến nỗi hóa đá vì tiền.
Chả hiểu con cái nhà ai mà đặc biệt thế.
Một Chiều Tháng Tư Một Chiều Tháng Tư - Lê Minh Khuê