There is always, always, always something to be thankful for.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Jeff Edwards
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Quang11
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Saigon Vĩnh cửu
Số chương: 60 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1178 / 7
Cập nhật: 2017-04-18 08:47:09 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 43 - Uss Towers (Ddg-103) Vịnh Bengal Thứ Hai, 1 Tháng 12, 17:34 Giờ Địa Phương
iên sĩ quan Tác Chiến (TAO) chỉ vào màn hình Aegis. “Báo động tập kích, thưa Đại tá. Hai mươi Bogies bay cao đang tiếp cận từ hướng Tây Nam. Không tín hiệu truyền tin, không IFF. Hướng bay là khoảng hai-một-bốn. Xem ra chúng đang lập đội hình để không kích chiếc Midway đó.”
Bowie gật đầu. “Hawkeye nói sao?”
“Hawkeye đồng ý là đây có lẽ là một cuộc tập kích vào chiếc tàu sân bay, thưa đại tá. Họ đang chỉ dẫn cho ba nhóm tuần tra tác chiến thu dọn chiến trường, trong trường hợp có tên nào vượt qua khỏi chúng ta.”
Bowie nhìn vào đám phù hiệu máy bay địch. Hai mươi hình chữ V ngược đang tiến về phía chiếc Towers và chiếc tàu sân bay nằm phía bên kia của vòng tên lửa phòng vệ.
Phải mất vài giây hắn mới ý thức rằng có cái gì đó có vẻ không đúng trong trận hình của các mục tiêu trên màn ảnh. Các phù hiệu máy bay địch đang tiến đến đều đặn, nhưng tốc độ tiếp cận có vẻ không đủ nhanh.
Hắn hỏi. “Bọn bogies này bay nhanh bao nhiêu thế?”
Viên TAO kiểm tra một khung số trên máy của gã. “Tốc độ phi hành khoảng 400 hải lý/giờ.” (ND: 400 hải lý = 720 km)
Bowie nhíu mày. “400 hải lý? Cái này hơi chậm cho một vụ không kích, phải không?”
“Quả thật là không bình thường.” Viên TAO nói. “Nhưng mà chúng ta chưa từng thấy qua hải quân Trung quốc thực hành một vụ không kích nào chống lại một chiếc tàu sân bay cả. Không ai biết chắc chiến thuật của họ trong một phi vụ như vậy là như thế nào cả.”
“Cái đó thì anh nói đúng rồi.” Trung Tá Silva bình thản nói. “Nhưng mà 400 hải lý vẫn là cực kỳ chậm chạp cho một vụ không kích đó!”
Trước khi viên TAO kịp đáp, báo cáo vang lên trên mạng từ nhóm Tác Chiến Điện Tử (Electronics Warfare, EW). “TAO, đây là EW. Nhóm Bogies vừa bật sáng lên rồi. Tôi đang theo dõi hai mươi, chính là hai-không, mục tiêu phát sóng X-band. Theo chữ ký ‘Doppler xung’ của chúng, rõ ràng là ra-đa điều khiển vũ khí KLJ-10. Ước lượng đầu tiên là tiêm kích J-10.”
Viên TAO bấm nút nói. “EW, TAO đây. Nghe rõ. Chuẩn bị quấy phá và bắn chaff.”
Gã thả nút nói ra và quay sang vị sĩ quan chỉ huy. “Đại tá, xin được phép khai hỏa vào đám Bogies đang tiếp cận.”
Bowie ngập ngừng. Có cái gì đó có vẻ không được đúng trong cách hoạt động của đám Bogies. Tín hiệu EW và đường bay tiếp cận cộng lại cho thấy là một vụ tấn công cỡ lớn bằng máy bay tiêm kích từ chiếc tàu sân bay Trung quốc, nhưng tốc độ tương đối chậm của đám máy bay lại kỳ quái.
Tốc độ chỉ bằng 2/3 tốc độ âm thanh cũng không phải là rề rà gì, nhưng mà tiêm kích J-10 có thể bay nhanh hơn Mach 2 (36). Tại sao chúng không tận dụng sở trường tốc độ của mình nhỉ? Thật là không hợp lý.
Hay đúng hơn là điều này không hợp lý đối với Bowie. Nó rõ ràng là hợp lý đối với kẻ đã lập lên kế hoạch cho cuộc không kích này. Chắc chắn phải có lý do nào đó khiến kẻ này không làm theo chiến thuật được mọi người chấp nhận. Dĩ nhiên, không có khả năng Bowie có thể chợt nghĩ thông suốt được nguyên nhân ấy trong vòng vài giây tới. Tốc độ nhanh hay chậm, máy bay địch cũng vẫn đang bay về phía chiếc tàu sân bay Mỹ. Nhiệm vụ của chiếc Towers là bảo đảm chúng không đến gần đủ để phóng phi đạn vào chiếc Midway.
Điều này khiến cho việc quyết định thật là dễ dàng. Bowie nhìn vào mắt viên TAO, nói. “Tiến hành đi. Anh được phép điều hành mọi vũ khí.”
Viên TAO lại bấm nút nói ngay tức khắc. “Điều Khiển Vũ Khí, đây là TAO. Tấn công các mục tiêu Không Không Một đến Không Hai Không bằng tên lửa.”
“TAO, Điều Khiển Vũ Khí đây. Tấn công mục tiêu Không Không Một đến Không Hai Không bằng tên lửa, aye. Chờ một chút…”
Một loạt chấn động liên tiếp chuyền suốt thân chiếc chiến hạm, kèm theo một loạt tiếng gầm xa xôi khi 20 quả tên lửa SM-3 (37) vọt vào không trung.
Tiếng nói của viên sĩ quan Điều Khiển Vũ Khí vang lên trên mạng. “TAO, đây là Điều Khiển Vũ Khí. Hai mươi con chim đã cất cánh. Không thấy con nào trục trặc.”
Chúng xuất hiện trên màn hình Aegis chỉ 2 giây sau: phù hiệu màu xanh lơ của 20 tên lửa bạn nhanh chóng tiếp cận phù hiệu máy bay địch.
Bowie nhìn đám phù hiệu tiếp cận nhau suốt vài giây trước khi với tay đến ống nghe và nhấn nút của hệ thống 1-MC của chiến hạm. Khi hắn lên tiếng, tiếng nói của hắn vang lên ở mỗi chiếc loa trên cả chiến hạm.
“Toàn bộ thủy thủ đoàn nghe đây, đây là hạm trưởng. Chúng ta vừa phóng tên lửa vào một nhóm lớn máy bay địch. Lần này là thật đó, quý vị. Đây là vì sao quý vị đã phải huấn luyện cực khổ và tôi biết mọi người đã sẵn sàng. Hãy tiếp tục chú tâm. Hãy tiếp tục mạnh mẽ. Và hãy chuẩn bị cho tất cả mọi thứ.”
Hắn thả nút nói ra và nói thì thào. “Chúc mọi người may mắn. Mọi người chúng ta.”
Xianglong:
Với động cơ phản lực lắp bên trên và đuôi hình chữ V, chiếc máy bay không người lái Xianglong nhìn giống như chiếc RQ-4 Global Hawk do hãng Northrop Grumman thiết kế, đã từng thu hút biết bao sự chú ý từ giới báo chí trong suốt thời gian Hoa Kỳ tham chiến tại Iraq và Afghanistan. Tuy vậy, mặc dù bề ngoài tương tự như chiếc máy bay không người lái của Mỹ, khả năng của chiếc Xianglong vẫn còn là một bí ẩn đối với các phân tích gia và kỹ sư Hoa Kỳ.
Tên của nó có thể được dịch quấy quá sang tiếng Anh là ‘cắc kè bay’, nhưng nhà sản xuất chiếc máy bay không người lái này chắc chắn là ưa chuộng cách dịch hoành tráng hơn là “rồng bốc cao” (thăng long).
Các phân tích gia Tây phương đã đoán đúng khi cho rằng chiếc Xianglong có nhiệm vụ chính là trinh sát chiến lược tầm xa ở độ cao. Tuy nhiên mô-đun đang được lắp trên hai cánh máy bay có công năng khác hẳn.
Mô-đun lắp bên cánh trái là một dụng cụ làm khuếch đại ảnh chiếu ra-đa, để tăng cường độ và phóng ngược trở về các tín hiệu ra-đa khiến cho chiếc máy bay nặng 7,5 tấn này có vẻ lớn hơn nhiều trong cảm biến của quân địch. Cho lần nhiệm vụ này, hình ảnh ra-đa của chiếc máy bay đã được tăng lên gấp đôi, khiến cho chiếc Xianglong thon gọn có một hình ảnh ra-đa rất giống như một chiếc tiêm kích J-10 của Trung quốc nặng 16 tấn.
Mô-đun bên cánh phải là một trang bị phát tín hiệu vi sóng và nó đang phát ra tín hiệu X-band không khác gì tín hiệu ‘doppler xung’ của ra-đa kiểm soát vũ khí Chengdu KLJ-10 của tiếm kích J-10.
Hai mô-đun mồi nhử và giả lập điện tử của gói lừa gạt này rất thành công giả dạng một chiếc tiêm kích J-10. Nhược điểm chính yếu trong vụ lừa gạt này là tốc độ quá thấp của chiếc máy bay không người lái.
Chiếc Xianglong có động cơ phản lực là một trong những chiếc máy bay không người lái nhanh nhất trên địa cầu, còn nhanh hơn chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ đến 180 km/giờ. Tuy nhiên, cho dù chiếc Xianglong có nhanh đối với mọi máy bay không người lái khác đi nữa, nó cũng vẫn không đủ nhanh để giả tốc độ của một chiếc J-10.
Chiếc Thăng Long này không phải là một mồi nhử hoàn hảo, nhưng nó cũng vẫn là một mỗi nhử rất tốt. Mà nếu không được hoàn hảo, thì nhược điểm này lại được bổ xung bằng số lượng. Nó không hoạt động đơn lẻ mà còn có 19 chiếc khác cùng thiết kế và khả năng bay quanh nữa. Toàn bộ vụ lừa gạt này làm chúng trở thành những mục tiêu quá hấp dẫn khiến cho những chi tiết nhỏ như tốc độ bị bỏ qua.
Mà các gói lừa gạt ấy còn chưa xử dụng hết mọi chiêu thức chiến thuật của chúng. Chúng còn vài chiêu thức còn chưa thi thố nữa.
USS Towers:
“TAO, Không Gian đây. Bogies đang phóng chaff và bắt đầu né tránh!”
“TAO, aye!”
Các thao tác tránh né lập tức hiện rõ trên các màn hình Aegis, khi các máy bay địch nhào lộn để tránh các quả tên lửa đang lao vào chúng.
Mắt của Bowie vẫn dán vào các phù hiệu xanh và đỏ đang nhảy múa loạn xạ. Vẫn có cái gì đó không đúng. Hắn không làm sao xác định được vấn đề, nhưng hắn không cách nào gạt bỏ ý tưởng là có điều gì đó không đúng trong phương cách đám Bogies tránh né.
Rồi, đột nhiên hắn bừng tỉnh. Hắn vỗ vai viên TAO. “Kiểm tra tốc độ của chúng đi. Bọn Bogies bay nhanh bao nhiêu?”
Viên TAO nhanh nhẹn bấm một số nút trên bàn phiếm. “Có vẻ như… khoảng 400 hải lý. Nhanh hay chậm hơn một chút.”
Viên TAO ngước nhìn thượng cấp. “Cái này không đúng…”
“Không.” Bowie nói. “Quả là không đúng. Bọn Bogies nhào lên lộn xuống như điên, nhưng mà không một tên nào bật lên buồng đốt hai lần để tránh tên lửa của chúng ta.”
“Chúng là mồi nhử.” Viên TAO nói.
Bowie gật đầu. “Chắc chắn là vậy rồi.”
Hắn với tay lên bên trên đầu, giật mạnh ống nghe màu đỏ của hệ thống Đỏ của Hải quân và áp mạnh vào tai. Hắn bấm nút nói và chờ một thoáng cho hệ thống mã hóa kích hoạt: một loạt tiếng ríu rít mà máy truyền tin tần số cực cao UHF dùng để đồng bộ hóa tín hiệu mã hóa của nó với vệ tinh truyền tin mật. “Alpha Whiskey, đây là Towers. Tập kích của quân địch từ hướng hai-một-bốn của tôi được đánh giá là tấn công giả. Tôi lặp lại, Bogies đang bay theo hướng hai-một-bốn có lẽ là mồi nhử! Đơn vị của tôi sẽ tiếp tục tấn công và theo dõi, nhưng đoán rằng sẽ có tập kích khác từ những phương vị khác. Hết!”
Viên sĩ quan Phối Hợp Không Chiến trên chiếc hàng không mẫu hạm trả lời sau 10 giây. “Towers, đây là Alpha Whishey. Roger tất cả và đồng ý. Chúng tôi đã thấy nhiều Viper đang tiếp cận, hướng bay không-bảy-năm. Cẩn thận nhé. Alpha Whiskey, hết!”
Viper (đang bay):
Chúng bay thật thấp và thật nhanh. Bốn mươi quả tên lửa chống hạm 3M-54E2 (38), bay cách lớp sóng biển 3,5 m với tốc độ 0,8 Mach.
Theo cách chỉ định của khối NATO, chúng thuộc gia đình phi đạn hành trình SSN-27 được gọi chung là Sizzler. Phiên bản Trung quốc của phi đạn này đã lần lượt được đề cao rồi hạ thấp bởi bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ từ hơn một thập niên. Giới báo chí Tây phương đã mệnh danh phi đạn 3M-54E2 là Sát Thủ Tàu Sân Bay của Trung quốc. Lời nhận định này chưa từng được biểu diễn qua trong thực chiến. Cho đến nay.
Mỗi quả phi đạn đã tắt ra-đa truy tìm của nó trong giai đoạn này của hành trình, chỉ bay theo một đường bay đã được lập trình, lâu lâu lại được điều chỉnh nhờ tín hiệu định vị từ nhóm vệ tinh Beidou, phiên bản GPS của Trung quốc đã triển khai.
Các quả phi đạn đang bay một cách mù lòa, nhưng nhìn từ chính diện, tiết diện ra-đa của chúng khá nhỏ. Thêm vào đó là việc chúng không phát ra tín hiệu nào và lộ tuyến sát mặt nước khiến chúng khó bị phát hiện và theo dõi.
Tuy nhiên tất cả sẽ thay đổi trong vòng vài phần ngàn giây tới đây, khi mà chúng cùng lúc bật hết mức ra-đa truy lùng mục tiêu. Khi ấy, cả 40 quả phi đạn sẽ lập tức hiện rõ trên cảm biến của chiến hạm và máy bay Mỹ, tuy nhiên chúng sẽ bù đắp việc bị lộ diện bằng cách tăng tốc lên Mach 2.2 cho giai đoạn cuối của cuộc tấn công.
Phát ‘nhảy vọt’ siêu âm này chỉ chừa vài giây cho các phương tiện đánh chặn của đối phương nhận diện nguy cơ và phản ứng lại. Trên lý thuyết, khoảng thời gian để mục tiêu (chiến hạm) khai hỏa chống cự sẽ quá ngắn để có thể sử dụng hữu hiệu.
Lý thuyết này sắp được đem ra nghiệm chứng.
USS Towers:
Màn kịch diễn ra trên màn hình tác chiến thành hai cảnh, cách biệt bởi cả thời gian lẫn không gian. Phía tây nam, Cảnh Một đã gần như kết thúc rồi. Né tránh thế nào đi nữa thì các quả tên lửa SM-3 được chiến hạm phóng đi cũng vẫn đánh tan đám Bogies đang tới gần. Giờ phút này thì Bowie đã biết chắc rằng chúng chỉ là mồi nhử mà thôi.
Cảnh Hai đang diễn ra phía đông. Bốn mươi phù hiệu phi đạn đã xuất hiện và đang tiếp cận chiếc Midway với một tốc độ khó tin.
Hai phi tuần đang được điều đến để ngăn chặn nhóm Viper này, nhưng cũng như mọi người khác trong biên đội, họ đã bị lừa cho dời chú ý đến nơi khác. Cho dù đã bật buồng đốt hai, đợi đến khi các chiếc tiêm kích F/A-18 bay đến vị trí thì cuộc chạm trán đã kết thúc rồi.
Chiếc Midway cũng có lực lượng phòng không của chính nó: hai ụ phóng tên lửa ‘xoáy’ Rolling Airframe Missile (39), ba giàn phóng tên lửa Sea Sparrow (40) và bốn khẩu CIWS, loại súng Gatling 20 mm thường được gọi là Phalanx. Chiếc tàu sân bay này có thể tự bảo vệ nếu phải đối đầu với một số phi đạn hành trình vừa phải, bay với tốc độ cận âm. Nhưng mà số lượng Vipers đang tiếp cận không vừa phải tý nào cả và chúng lại bay với tốc độ siêu âm.
Vật duy nhất chặn giữa chiếc hàng không mẫu hạm và sự diệt vong là chiếc USS Frank W. Fenno, một chiếc khu trục hạm tên lửa dẫn đường lớp Arleigh-Burke (41) được bố trí ở phía đông vòng đai phòng thủ của biên đội.
Trong khi Bowie và nhân viên trong phòng hành quân CIC quan sát các màn hình chiến thuật, chiếc Fenno bắt đầu phóng tên lửa SM-3 từng chùm. Những phù hiệu tên lửa bạn chồng lên nhau và che lẫn nhau suốt nhiều giây, rồi bắt đầu tách ra, mỗi quả bay về hướng mục tiêu riêng của mình.
Chúng quá nhiều để có thể đếm bằng mắt thường trong khoảng thời gian chặn đánh ngắn ngủi, nhưng phần mềm của hệ thống Aegis đã cho biết tổng số. Tám mươi quả tên lửa. Chiếc Frank W. Fenno phóng tên lửa theo phương án ‘bắn-bắn-nhìn-bắn’. Phóng hai quả tên lửa nhắm vào mỗi quả Viper đang tiếp cận, theo dõi bằng ra-đa để xác định đã phá hủy được bao nhiêu, rồi lại bắn tiếp vào những quả Viper nào còn sống sót sau đợt công kích đầu.
Phản ứng đầu tiên của Bowie là cho rằng đó là một sai lầm, nhưng có lẽ không đúng thế. Hắn không biết chiếc tàu khu trục kia mang theo vũ khí như thế nào, nhưng có lẽ cũng không khác bao nhiêu so với chiếc Towers. Chiếc Fenno có khoảng 90 quả SM-3, xê xích chút đỉnh. Điều này có nghĩa là hạm trưởng của chiếc Fenno vừa phóng đi khoảng 90% số tên lửa phòng không trong đợt đầu tiên rồi. Thông thường, cái này không phải là một quyết định mà một hạm trưởng tàu khu trục khôn ngoan sẽ làm. Nhưng mà đám Viper lao đến quá nhanh. Chiếc Fenno sẽ không có cơ hội để bắn lần thứ nhì nữa. Những gì còn sống sót qua đợt đầu sẽ đánh trúng chiếc hàng không mẫu hạm chắc rồi.
Bowie dập ống nghe của điện thoại Đỏ Hải quân xuống bệ. “Trời ơi! Có cách nào chúng ta có thể giúp chiếc Fenno đánh chặn đám Viper này không?”
Viên sĩ quan Tác Chiến lắc đầu. “Không một hi vọng nào, hạm trưởng ạ. Cho dù chúng ta có xạ trường thông thoáng đi nữa, chúng cũng cách quá xa. Đợi đến khi đạn của chúng ta đến nơi, cũng đã quá muộn rồi.”
“Không có gì anh có thể làm cả.” Silva nói nhẹ.
Bowie quay sang. Nàng đang đứng kế bên hắn. Hắn thở hắt ra. “Tôi biết chứ. Nhưng mà tôi không thích chút nào.”
Hắn lại quay sang màn hình Aegis, nói. “Khốn kiếp! Khốn kiếp! Khốn kiếp! Khốn kiếp!”
Cuộc chạm trán diễn ra trên các màn hình lớn. Phù hiệu hai quả tên lửa bạn nhập vào phù hiệu một quả tên lửa địch khi các quả tên lửa đầu tiên của chiếc Fenno tiêu diệt một quả Viper. Rồi các phù hiệu chiến thuật giống như phi nước đại, phù hiệu xanh và đỏ nhấp nháy, giao thoa, biến mất và thay đổi vị trí bằng một tốc độ không thể nào theo dõi được.
Khi tất cả chấm dứt, 9 quả tên lửa địch vẫn còn trên màn hình, lao nhanh đến cái vòng tròn xanh lơ to tượng trưng cho chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ.
USS Midway:
Đô đốc Zimmerman nắm chặt tay cầm của ghế và nhìn chăm chú các phù hiệu tên lửa đang lao nhanh đến trên màn ảnh chiến thuật lớn. Ông đã kiểm tra lại lần nữa dây cài an toàn của ghế. Ông không muốn bị hất văng trong căn phòng chỉ huy như một con búp bê vải khi những quả tên lửa khốn kiếp ấy đánh trúng.
Ông nghe các tiếng gào rú xa xôi khi các quả tên lửa RAM và Sea Sparrow lao đi, nhiều lần còn được nhấn mạnh bởi âm thanh sắc bén như kim loại bị xé của các khẩu CIWS đang bắn. Các phù hiệu tên lửa bạn nhấp nháy thoáng qua trên màn ảnh chiến thuật và phù hiệu địch biến mất. Một số Viper đã bị đánh gục rồi. Bao nhiêu quả bị hạ, ông cũng không biết, nhưng mà trên màn ảnh vẫn còn hai hay ba phù hiệu địch khi quả tên lửa địch đầu tiên húc vào bên phải của thượng tầng kiến trúc.
Đô đốc bị bắn vào dây an toàn mạnh đến nỗi ông có cảm giác như bị một gã võ sĩ đấm một quyền vào bao tử vậy. Ánh đèn nhấp nháy, nhưng hệ thống điện có vẻ không sao, ít nhất là trong phòng chỉ huy.
Tai ông kêu ù ù và mắt ông dường như không tập trung được. Ông ngửi thấy mùi khói và ông nghe được ai đó đang kêu la những gì nghe như mệnh lệnh, nhưng các từ trong âm thanh ấy không mang theo nghĩa lý gì đối với ông cả.
Ông ngẩng đầu lên và mắt ông tìm được các màn ảnh chiến thuật lớn. Bốn màn ảnh trong nhóm đã tối thui, nhưng màn ảnh tận cùng bên phải cho thấy cả đám ký hiệu đủ màu đang nhảy múa. Một dấu hiệu màu đỏ kỳ dị lao ngay vào giữa cái vòng tròn xanh lơ lớn.
Hai phù hiệu chạm vào nhau và đô đốc cảm thấy mình lại bị hất mạnh vào dây an toàn một lần nữa.
Đèn đuốc tắt hết.
Chú Thích:
(36) Mach: đơn vị đo lường tốc độ bay. Mach 1 là tốc độ âm thanh, khoảng 340 m/giây hay 1.200 km/giờ. Thí dụ, Mach 2 = hai lần tốc độ âm thanh; Mach 0,8 = 0,8 X 1,200 km/giờ = 980 km/giờ.
(37) SM-3, RIM-161 Standard Missile 3: tên lửa phòng không của Hải quân Hoa Kỳ là một thành phần của hệ thống chống tên lửa đạn đạo Aegis, có khả năng chống tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung, và chống vệ tinh ở quỷ đạo thấp. Ngoài hải quân Hoa Kỳ, hải quân Nhật cũng triển khai loại tên lửa này. Ngoài ra, phiên bản phóng từ mặt đất cũng được sử dụng ở Ba Lan và Romania. Phiên bản mới nhất có tầm hoạt động lên đến 2.500 km và cao độ 1.500 km, tốc độ 4,5 km/giây (Mach 15,25).
(38) 3M-54E2 Klub là phi đạn do Nga sản xuất. Dòng phi đạn đa năng hai tầng này gồm nhiều loại đầu đạn khác nhau: chống tàu, đối đất và chống tàu ngầm; và nhiều loại động cơ khác nhau gồm nhiên liệu rắn/rắn, tua-bin/rắn. Hiện tại, chỉ có phiên bản 3M-54E1; tác giả hư cấu phiên bản 54E2 có thể bay thấp hơn (3,5 m thay vì 5-10 m), do đó càng khó bị phát hiện hơn. Phiên bản phi đạn hành trình còn được gọi là Kalibr 3M-14 và 3M-14T đã được Nga bắn vào Syria từ chiến hạm lớp Gepard và Buyan-M cuối năm 2015 (tháng 10-11) và từ tàu ngầm Kilo. Tàu ngầm Kilo của Việt Nam được trang bị phiên bản 54E hay 54E1; một số tàu mặt nước Việt Nam được trang bị phiên bản 54TE có đặc tính tương tự như 54E1. Phiên bản 54E1 mang đầu đạn nặng 400 kg và có tầm bắn 300 km (phiên bản 54E đầu đạn 200 kg, tầm 220 km). Phi đạn này bay sát mặt nước với tốc độ Mach 0,8, rồi khi tiếp cận mục tiêu, lao nhanh đến với tốc độ hơn Mach 2. Dòng phi đạn chống tàu này có khả năng lẫn tránh với góc độ và tốc độ cao khi bị ra-đa từ mục tiêu theo dõi, thay vì chỉ bay đường thẳng như nhiều loại phi đạn chống tàu khác.
Cần ghi nhận là các phiên bản xuất khẩu như 54E đều có công năng kém hơn phiên bản nội địa dành cho lực lượng quân sự Nga rất nhiều. Dòng phi đạn này được khối NATO mệnh danh là SSN-27 Sizzler.
(39) Rolling Airframe Missile (RAM), RIM-116 là loại tên lửa phòng thủ tầm ngắn cho chiến hạm, được thiết kế bởi một nhánh của hãng General Dynamics (nay đã được hãng Raytheon mua lại) từ năm 1976 cho hải quân Đan Mạch, Tây Đức; về sau, Đan Mạch rút lui, nhưng hải quân Hoa Kỳ lại tham gia. Tên lửa được triển khai từ năm 1992 và được liên tục nâng cấp về mọi phương diện (tên lửa, ra-đa điều khiển, ổ chứa) cho đến ngày nay. Tên lửa được thiết kế để phòng thủ chống phi đạn và có khả năng truy lùng
mục tiêu bằng hệ thống hồng ngoại và tín hiệu ra-đa do chính mục tiêu phát ra.
(40) Sea Sparrow RIM-7 là tên lửa phòng thủ phi đạn chống hạm. Tên lửa này được triển khai từ tên lửa Sparrow, một loại tên lửa không-đối-không từ thập niên 1960. Dòng tên lửa Sparrow ban đầu không được hữu hiệu lắm trong chiến tranh Việt Nam, nhưng dần dần được nâng cấp và trở nên rất đáng sợ. Đây là loại tên lửa truy lùng mục tiêu nhờ vào ra-đa của chiến hạm (hay của máy bay tiêm kích khi được sử dụng không đối không) chiếu rọi. Cho đến ngày nay, tên lửa này vẫn còn được sử dụng qua nhiều lần nâng cấp và có thêm công năng hạm-đối-hạm. Tầm hoạt động là 19 km, tốc độ bay 4.250 km/giờ, đầu đạn 41 kg.
(41) Arleigh-Burke, lớp tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Hải quân Hoa Kỳ đầu tiên được thiết kế dùng hệ thống tác chiến Aegis làm trụ cột (trước kia, Aegis chỉ được sử dụng trên tuần dương hạm lớn hơn). Đây là một lớp tàu khu trục đa năng: chống không, chống ngầm và chống tàu mặt nước. Lớp mới nhất có lượng choáng nước là 9.800 tấn, dài 155 m, rộng 20m. Tàu được trang bị 96 ống phóng tên lửa thẳng đứng, có khả năng phóng các loại tên lửa và phi đạn hành trình của Hải quân Hoa Kỳ như Tomahawk, RIM-66M, RIM-161; ngoài ra còn có hai bệ phóng phi đạn chống tàu Harpoon; một khẩu đại bác 127 mm, một khẩu Phalanx CIWS và hai đại bác 25mm; hai dàn phóng tổng cộng 6 ống ngư lôi. Tàu mang theo 1 trực thăng MH-60R Seahawk. Đây là tàu khu trục trụ cột của Hải quân Hoa Kỳ, được đánh số từ DDG-51 đến 126.
Lưỡi Kiếm Của Thần Shiva Lưỡi Kiếm Của Thần Shiva - Jeff Edwards Lưỡi Kiếm Của Thần Shiva