Freedom is not given to us by anyone; we have to cultivate it ourselves. It is a daily practice... No one can prevent you from being aware of each step you take or each breath in and breath out.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 662 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ổ mạch hàn phong cộng nhất nhân
(Trên con đường cũ, gió lạnh thổi cả vào một người)
(Nguyễn Du)
Ðêm từ sông La tràn lên cánh đồng nhưng trên đỉnh núi Hồng Lĩnh vẫn còn một khoảng sáng. Từ ngày về quê, Nguyễn đã nhiều lần ngắm núi. Lần nào chàng cũng nhìn thấy một khoảng rừng thưa và sáng, không có cây mà chỉ có cỏ. Một làn sương mỏng bao quanh, khí núi bốc lên ngùn ngụt. Thân phụ chàng một lần đưa chàng về làng, nói với con trai: “Chỉ những thằng ngu mới không biết cúi đầu trước núi “.
Chàng đang cúi đầu trước núi Hồng Lĩnh. Trên lưng chừng núi, người bạn thơ, bạn rượu của chàng là hoà thượng Huyền hư tử có lẽ đang chờ chàng. Ðêm nay cũng như mọi đêm. Trong ngôi chùa lưng núi chỉ có nhà sư và con chó đốm. Nó bỏ một cuộc săn, ở lại chùa không về làng với chủ cũ nữa. Huyền hư không tin là nó muốn đi tu dù ông nói với Nguyễn là nếu biết đường tu thì con chó cũng có thể thành Phật. Con đốm chán đời. Chán săn đuổi và ngốn ngấu thịt sống khi ngoạm được vào mông con lợn rừng hay con nai, tận hưởng dòng máu ấm và ngọt trôi xuống họng trong tiếng la hò thất thanh của phường săn. Nó quen chàng nhưng bao giờ cũng nhìn chàng bằng đôi mắt cảnh giác như chàng chưa đủ tư cách mon men đến mảnh đất thoát tục của nó và chủ nó.
Thực ra chàng đang có tâm trạng chán chường nên mất tự tin mỗi lần đặt chân vào con đường mòn dốc đứng dẫn tới ngôi chùa. Mười năm lầm lạc, mình không hơn gì một tên vô lại. Không nuôi nổi vợ con. Không nên cơm cháo gì trong cuộc phục hưng một vương triều mà cái gốc đã trốc. Ðã hơn một tuần trăng chàng không lên núi. Chàng nhớ tới đôi mắt của con Ðốm nhìn mình mà ngần ngại. Nhưng đêm đã xuống, bóng tối đậm đặc vây chặt ngôi nhà làm những cột đá xanh thành mầu đen thẫm. Chàng thấy bơ vơ. Anh em mỗi người một ngả. Vợ con vứt ở góc trời chưa đón về được mà cũng không biết đến bao giờ mới đón về được. Không thể ngồi trong nhà dưới ánh sáng đĩa đèn dầu lạc và tự ngâm ngợi những câu thơ chán chường làm hồi còn nương thân trong nhà ông anh vợ ở Thái Bình.
Lão Tân ho trong bếp. Người lão bộc ấy vẫn trông coi những thứ còn sót lại của một danh gia vọng tộc giàu có nay đã thành tay trắng. Thóc lúa, tiền tài không mà danh vọng cũng không. Lão ở lại đây với chàng chỉ vì chút nghĩa cũ. Mấy mẫu ruộng hương hoả cho người ta cày rẽ không nuôi nổi lão trước đây, nay lại thêm chàng nữa. Thật tội cho lão quá. Chàng chỉ lo lão hiểu lầm tưởng chàng về đây để chia sớt với lão mấy mẫu ruộng cho cày rẽ, không còn nuôi nổi ai. Nhưng không về làng thì Nguyễn biết đi đâu? Hôm chàng mới về ông lão bộc bảo: “Có cậu về con thấy vững dạ lắm. Một mình con giữa lũ vô ơn, con chỉ lo thất thố với hương hồn cụ nhà ‘. Chàng biết giậu đổ thì bìm leo, có một anh tá điền đã ngang nhiên đái vào cánh cổng nhà thờ họ Nguyễn trong ngày giỗ trọng khi lão bộc không cho anh ta vào ăn cỗ. Chàng nói để ông lão bộc yên tâm: ‘Tôi thì cũng như rơi vào giỏ giam [1], bị kẹp bốn bề. Ðược về nhà ở với lão đã là may lắm!”
- Cậu ơi, cậu đi ngủ chưa để con còn cài cửa. - người lão bộc dưới bếp đi lên hỏi - Hay là con đốt ít trầm để cậu làm thơ?
Nguyễn bỗng dưng ngửi thấy mùi trầm ngào ngạt tuy chàng biết ông lão đã đốt trầm đâu. Chàng hỏi:
- Sao? vẫn còn trầm cơ à?
- Dạ vâng. Con cất được một ít cho ngày giỗ cụ.
- Thôi - Nguyễn nói, chàng nẩy ra ý định lên chùa thăm Huyền hư tử - hay là lão cho tôi một nhúm, được không?
Ông lão đưa cho chàng một nhúm trầm. Chàng mặc vào người tấm áo kép, khoác áo lương xanh bên ngoài, đội lên đầu chiếc khăn nhiễu Tam Giang đã sờn mép. Lão bộc hỏi:
- Cậu định đi đâu giữa đêm hôm thế này?
- Tôi lên chùa thăm “ông già”. Lão cứ đóng cửa ngõ tử tế, đừng chờ tôi.
Ông lão nhìn chàng như nhìn đứa con trai thơ dại sắp xông pha vào mưa gió.
- Ðể tôi lấy cà-boong cho cậu.
Ông quay xuống bếp cầm lên cây cà-boong đã châm lửa. Khói nhựa trám tràn ngập mấy gian nhà gỗ, vờn quanh hàng cột lim đã mấy đời. Ông lão nhìn chàng thư sinh cạnh chiếc cột, nhớ lại một thời, lửa cháy trong sân dinh thự mênh mông, những con bê thui nằm vắt vẻo trên giá gỗ chờ xả thịt để chia phần. Ðó là ngày cụ quận hồi hương khao bà con, rượu thịt ăn no nê, có hai người chết vì bội thực. Bây giờ thì hương lạnh khói tàn, trẻ con ngồi trên lưng trâu diễu qua cổng đá ngêu ngao hát ghẹo cảnh con vua đi quét chùa. Không biết ai bày cho mà một lũ mới nứt mắt đã biết châm chọc ông quan võ thất thế về làng. Lão biết cậu Nguyễn không chấp nhặt nhưng chắc cậu buồn lắm. Chỉ sợ cậu ấy phẫn chí. Lão thường không ngủ, dỏng tai nghe động tĩnh nhà trên, theo dõi từng bước chân cậu chủ. Nhà này đã có hai người đàn ông phẫn chí treo cổ lên cây xà ngang.
Nguyễn bước xuống sân, dụi tàn đuốc vào mấy bậc tam cấp, chợt nhớ ra điều gì, quay lại ông lão bộc đang co ro chờ đóng cổng:
- Ông tổng Tích có lại thì bảo tôi không đi Châu Phố với ông ấy vào ngày mai nữa. Lão nói hộ thế nhé!
Nguyễn quay ra cổng, phăm phăm đi vào bóng đêm. Chàng tự thấy mình đã xử sự đúng. Ông cựu chánh tổng là một người đáng trọng vốn trước đây có kết thân với quan Hiệp Trấn, anh cả chàng. Nghe tin chàng từ Bắc về, ông mừng lắm, đến thăm ngay, lại còn xách tay một con gà trống nữa. Ông hỏi chuyện Bắc Hà, nói với chàng chí hướng nối lại dòng vua đã tuyệt. Chàng nghe ông, thấy ông hăng hái mà lặng đi vì buồn. Giá như ông biết được mười năm trước đây chàng cũng hăng hái không kém gì ông. Chàng cũng muốn vá trời lấp bể như ông, cũng muốn dựng lại một triều vua, kinh bang tế thế, phỉ chí vẫy vùng, về già thì đọc sách ngâm thơ, chết được lưu danh sử sách. Chàng đã muốn và đã làm. Nhưng ba mươi tuổi chàng về quê với mái đầu bạc trắng. Ông tổng Tích là người có học, từng đỗ tú tài, quân Tây Sơn ra Bắc Hà, ông ngược lên Lào định đưa vợ con sang ở bên đó luôn. Nhưng không ăn được cơm nếp, ông lại về. Lũ chó săn của vua mới quấy nhiễu, hạch sách, ông lên nguồn sông Phố lập trại gần chùa Hầm Hầm, nơi ở ẩn của Hải Thượng Lãn Ông. Ông thường đến uống rượu, ngâm thơ với nhà danh y nhưng ý tưởng hai người có khác. Ông tổng thường ngâm câu “thời lai đồ điếu”của Ðặng Dung mà nuối tiếc đời trai thời loạn không nên cơm cháo gì. Còn Hải Thượng thì nghe mà chỉ cười không nói. Cho đến một hôm ông “già lười” không mời ông uống trà mà chỉ bảo tiểu đồng pha một ấm hoa hòe. Chủ khách yên vị, vị đại y sư mấy đời khoa bảng nói: “Ðạo như khí trời, ở đâu cũng có, làm cho con người ta ấm no, yên ổn, khỏi bệnh tật là đắc đạo, đạo gì cũng quý. Duy chỉ có cái đạo đè đầu cưỡi cổ dân đen, lấy công thiên hạ làm công một người thì mỗ đây không ham.”Ông chánh tổng chấp tay: “Thế còn Ðức Thánh? Tu tề trị bình thì sao? Ngài không làm thuốc vì muốn chữa cho dân căn bệnh trầm kha là tính nô bộc và vô trách nhiệm”. Hải Thượng cười: “Không phải ông Thánh nào cũng làm thuốc được. Cụ Khổng bôn ba giữa thời liệt quốc mà không ai dùng là may mắn cho cụ lắm.”Rồi ông rót cho ông tổng một chén trà hòe, nói: “Ông uống đi, hoa hoè là thứ hạ hoả.”Từ hôm ấy ông tổng Tích không đến uống trà ở chùa Hầm Hầm nữa. Nghe ông kể đến đó, Nguyễn cười ngất. Mình có lẽ đã gặp may, chàng nghĩ bụng. Năm Quang Trung thứ tư, Hải Thượng Lãn Ông mất. Ông tổng Tích nhịn ăn và cho vợ con để tang ba ngày. Ông nói con người này khinh bỉ nghề vua chúa chứ không hèn.
Nguyễn rất tiếc là chàng về Hồng Lĩnh thì Hải Thượng vẫn còn, từ nhà chàng lên châu Phố không bao xa thế mà không kịp đi thăm vị danh y chàng từng biết tiếng hồi ở Bắc Hà. Ông tổng Tích buồn, không còn người đối ẩm. Các nho sĩ trong vùng sợ Tây Sơn như cọp, họ ẩn náu trong những khu vườn mênh mông, ăn nhút quanh năm ngồi khua chuyện Lão Trang. Khi nghe tin cậu tam trường cùng tuổi con cụ quận Tiên Ðiền về quê, ông đuổi khắp vườn bắt được con gà trống gáy hay nhất xóm, đến ngay. “Sao ông không để nó gáy mà bắt nó cho tôi?”- Nguyễn hỏi. Ông tổng quật con gà xuống đất, nó dãy đành đạch rồi chết hẳn. “Nó gáy đủ rồi. Bây giờ tôi đi vặt lông.” Ông lão bộc đi mua rượu về thì hai người đã ngồi bên đĩa gà luộc với bát nước dùng thả mấy lá hẹ lơ thơ. Tính tình phóng túng của tổng Tích làm Nguyễn thích thú. Chàng đã quen sống với người Bắc, lúc đầu cái mềm mỏng của họ làm chàng cảm phục nhưng sau thì chàng sợ. Một lần chàng đã suýt bị một ông tú tài mới quen bắt nộp quân Tây Sơn, hôm đó trên đường về Phụ Dực, y với chàng trú trong cái điếm canh đê, bên ngoài mưa to gió lớn đầy trời. Y ngon ngọt rủ chàng về nhà nghỉ qua đêm, chàng thuận lời. Nhưng y đưa nộp chàng cho một toán lính Tây Sơn đồn trú bên bờ sông Luộc. Chàng đành thúc thủ, chỉ nhớ tới câu chuyện thương tâm của tiến sĩ Lý Trần Quán mới xẩy ra không lâu. May sao, người quản cơ đội đồn trú hôm đó lại là bạn chàng hồi Nguyễn còn là một ông quan võ ở Thái Nguyên. Anh ta cho chàng uống rượu, bảo: “Làm vua thì không chắc đến phần huynh, còn làm một anh quan võ thì đánh thuê cho vua nào mà chẳng được. Tôi về với Tây Sơn là vì thế. Xem ra họ cũng biết quý kẻ sĩ.” Rượu ngon nhưng miệng chàng đắng ngoét. Chàng kể chuyện đó cho tổng Tích nghe. Ông ta nói: “Sao huynh không phang cho hắn một dao? Chẳng nhẽ lòng trung quân xứ Bắc đã mạt đến thế ư?” Nguyễn không trả lời, hỏi lại: “Có phải hồi Nguyễn quang Bình ra Bắc, ông ấy có đến tận núi Thiên Nhẫn gặp La Sơn Phu Tử?”Tổng Tích nói: “Nếu có vậy thật thì cũng là mẹo. Vua nào mà chẳng mị trí thức. May mà Phu Tử không ra. Ngài không như bọn Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích.”Nguyễn thở dài, nhớ lại lần gặp người bạn ở đầu sông Luộc, nói: “Xem những việc ông ấy làm mấy năm nay thì cũng chẳng phải chỉ biết dương oai diễu võ không đâu!” Ông chánh tổng nhìn chàng lúc lâu, mặt buồn hẳn đi. Rồi nói: “Hay bác lại định ra làm quan?”Nguyễn cười. Người đời hiểu được nhau cũng thật khó. Tổng Tích mời chàng lên Hương Sơn, về thăm cảnh châu Phố, bảo trại ông ấy có ba mươi con chó săn đủ ba màu lông mực vàng vện, mỗi thứ một chục. Toàn lai chó Lào, chó Mẹo cả. “Dân đinh lúc nào cũng sẵn, tôi hô là họ đến liền! Tây Sơn bắt họ làm thẻ bài để bắt lính, họ lên núi Giăng Màn chặt cây, vỡ hoang trốn biệt.”Nguyễn thôi cười: “Bác rủ tôi làm loạn phải không?” Tổng Tích bảo: “Tôi muốn chữa bệnh hèn cho kẻ sĩ. Kẻ sĩ hèn thế đủ rồi “.
Nguyễn hứa lên Hương Sơn. Nhưng bây giờ chàng không muốn đi nữa. Ðêm nay chàng muốn lên núi. Cái hèn của kẻ sĩ là bệnh trầm kha, không nhờ một ông chánh tổng bốc thuốc được.
Nguyễn đi mà như đang lần mò trong bẫy. Ðuốc cà boong chỉ soi lập loè được một vòng sáng nhỏ quanh chàng. Thỉnh thoảng một con mai gầm đuổi theo ăn tàn đóm. Nguyễn rất sợ rắn. Chàng có can đảm lao thẳng ngọn mác vào con lợn lòi đâm bổ tới mình, nhưng lại không dám bước vào vạt cỏ tranh nhặt một con chim vừa bắn hạ. Chàng sợ rắn, lũ trơn lưng, cơ hội và nham hiểm. Thế mà đêm nay chàng thản nhiên nhìn những con mai gầm vút qua đường trước mắt mình. Chàng nghĩ tới Huyền hư tử, người tu hành trên lưng núi. Chắc ông ấy đang chờ mình - chàng nghĩ bụng và dấn bước.
Ðuốc đã tắt. Cõi thâm u nuốt chửng chàng. Rừng dày đặc, cây to, bóng cả nhưng ít rậm rịt hơn vì lũ giây leo, hoàng xà và cỏ dại không còn đất sống. Dưới chân chàng không phải cỏ mà đá sít vụn lổn nhổn trên con đường mòn do phường săn và lũ chó tạo ra vào ban ngày, đàn hươu nai và cả hổ, lợn lòi ban đêm. Một con chim “bắt cô trói cột”thảm thiết
kêu theo người đàn ông đang một mình phăm phăm đi trong đêm rừng. Nó chuyền cành dõi theo chàng như bạn đồng hành, không ngừng “bắt cô trói cột”. Có tiếng hổ gầm trong núi xa. Cu Nứa bảo có đôi vợ chồng hổ bơi qua sông Lam đầu tuần trăng tháng vừa rồi, chính anh ta nhìn thấy dấu chân ở bãi Long Vỹ. Y nói đúng vì chàng vừa nghe tiếng hổ, không phải một mà hai con. Ðàn nai chạy từ đồng cỏ lên núi tìm nơi ẩn nấp. Cái sợ làm con nai cũng như con người trở nên ngu xuẩn, chạy vào miệng cọp lúc nào không biết. Chính vì thế mà lũ hổ mới gầm. Nếu bầy nai khôn ngoan hơn thì mấy con oọp phải bỏ đi nếu không muốn chết đói.
Một đốm lửa lập loè lưng chừng núi. Hồng Lĩnh như một bức tường đen án ngữ chân trời. Nguyễn nghe tiếng sóng biển ì ầm phía sau. Biển động, chàng tưởng như đang nhìn thấy từng đợt sóng ầm ầm chạy từ Hội Thống về phía Nam rồi tan dần. Lòng chàng lâng lâng trước cảnh hùng vĩ của quê hương và bỗng chốc chàng quên hẳn tiếng hổ gầm trong núi. Chàng lần trong bóng đêm đi về phía đốm lửa, biết chắc đó là ngôi chùa của Huyền hư và mình đã không lạc đường.
Cửa Phật rộng mở. Nguyễn đi cạnh con Ðốm xun xoe đón khách. Nhà sư đang ngồi toạ thiền trước tam bảo, không quay đầu lại. “Nam mô A di đà Phật!”Ông chào Nguyễn. Chàng đáp lời rồi bước sang gian tả, ngồi lên tấm phản gụ trước đây thân phụ chàng cúng dường nhà chùa. Ngôi chùa cũng do ông xây lên sau ngày vinh quy. Ông bảo: “Ðã làm quan thì cũng phải biết tìm chỗ mà chui” Ông định chui vào cửa Phật nhưng rồi cũng không kịp.
Hai người tự pha trà uống. Nguyễn đốt trầm trong cái đỉnh đất nung. Huyền hư cởi áo cà sa. Ông mặc một bộ lụa nhuộm nâu, thứ lụa Hạ mà lần nào về quê anh em chàng thế nào cũng sắm mỗi người một bộ để đưa ra Bẵc mặc mùa hè.
- Tôi cho bác gặp một bất ngờ. Trà ngấm rồi, tôi vào gọi ông ấy dậy.
Nhà sư bước xuống nhà ngang.
Nguyễn nhìn thấy tổng Tích đi sau Huyền hư lên gặp mình. Chàng nghiêng người chào.
- Sao ông không ghé qua nhà tôi?
- Xin lỗi bác - tổng Tích nói, có vẻ ngượng - tôi tiện đường nên vào núi với sư thầy luôn.
ấm trà nhài lẫn mùi trầm rất thơm nhưng vẫn không át được mùi hương mộc tràn qua cửa sổ. Ôi, hương mộc! Ðó là tuổi thơ, là bầu không khí để hít thở của anh em Nguyễn. Nhà thờ họ Nguyễn có hai cây mộc trở thành cổ thụ, sau vì ít được chăm sóc, chúng chết già. Thân phụ chàng cho người cưa ngang gốc làm hai cái bàn con đặt hương hoa trước khi bày lên ban thờ. Ông không cho trồng mộc nữa. Ông nói: “Mộc là thứ hoa của thánh thần, không nên trồng ở sân nhà thờ họ’ Ông anh cả chàng nói: ‘Nơi thờ cúng quan Thái Bảo quận công mà cha chưa coi là nơi thần thánh ư?”Quận công Thái Bảo Nguyễn Nhiệm là ông nội chàng, ông không làm quan nhưng có năm người con là đại thần triều Lê. Cha chàng nói: “Ông nội con không viết được sách.” Anh chàng nói: “Cha và các chú con thì sao?” Cha chàng nói: “Tay đã nhúng chàm cả. Ðã làm chính trị thì không nên làm thánh nữa. Hai thứ ấy không hợp nhau.” Rồi ông vỗ nhẹ vào vai chàng, cười rất hiền: “Họ Nguyễn nhà mình với hậu thế may ra còn Du này thôi!”Hồi đó chàng chưa biết làm thơ, cái tú tài cũng chưa đỗ, không hiểu sao cha chàng lại nói vậy. Ông có hai mươi mốt người con chứ phải ít đâu. Ông xem tướng chàng hay vì ông quá yêu mẹ chàng, người vợ lẻ mọn xứ Bắc Ninh hào hoa? Hay ông diễu cái thói đa sầu đa cảm, suốt ngày ôm sách mà thi không đỗ của chàng? Chàng không biết nữa. Chỉ thấy run sợ khi nghe cha nói thế. Mồ hôi túa ra đầy mình còn mặt thì đỏ như gấc. Xem ra thì cha chàng đã đoán nhầm rồi. Ba mươi tuổi có lẻ mà chửa nên cơm cháo gì. Họ Nguyễn chắc rồi phải chịu nhục vì có một người vô tích sự như chàng.
Khi lập chùa, thân phụ chàng cho trồng ngay hai cây mộc. Giờ đây hương mộc đang làm Nguyễn ngây ngất. Huyền hư rót trà:
- Lứa nhài đầu thu này không được thơm vì móc xuống sớm hơn mọi năm. Lại vì tôi đuổi mất chú tiểu nên không hái kịp. Hoa nở hơi quá.
Giờ Nguyễn mới sực nhớ đến chú Nuôi, chàng thanh niên tu hành nhưng lại rất thích thơ và hâm mộ chàng.
- Sao ông lại đuổi chú ấy? - chàng hỏi.
- Nó làm một con bé hái củi phễnh bụng ra. Tôi bảo hoàn tục đi mà cưới người ta cho rồi, vô trách nhiệm với đàn bà thì tu mấy kiếp cũng không thành Phật được.
Tổng Tích cười nói:
- Xem ra quý sư ông cũng thoáng lắm!
Huyền hư phẩy tay áo:
- Ông xem, cửa chùa tôi có đóng bao giờ đâu? Tôi gần Phật nhưng không xa đời. Chú tiểu Nuôi nó bảo tôi: “Thưa thầy, con quý nhất thầy ở chỗ không đạo đức giả!”
Nguyễn không nói gì. Chàng nghĩ chú tiểu chỉ làm chuyện ai cũng làm, chỉ có điều là không nên làm chuyện ấy trong chùa thôi. Tổng Tích có vẻ sướng khi thấy quanh bàn trà đã có chuyện đời. Ông lên núi gặp nhà sư không phải để bàn chuyện đạo. Ông nói với Nguyễn:
- Thật may mà gặp bác ở đây. Tôi mong ngày mong đêm được đón bác ở châu Phố. Cả sư huynh Huyền Hư đây nữa.
- Thì ra huynh còn định rủ ông hòa thượng khả kính của tôi cùng làm loạn?
Tổng Tích không biết Nguyễn nói thật hay đùa, im lặng. Huyền hư nói:
- Không có ông ấy thì đời cũng loạn rồi. Tôi xem ra, mình cứ tụng kinh, uống trà để chờ Tây Sơn đổ là hơn. Ông vua con mười tuổi với bọn họ Bùi, họ Trần cũng chẳng được mấy nả. Ông Tổng, ông định mưu tính gì bây giờ?
- Dân tình khốn khổ quá!
Huyền hư liếc nhìn Nguyễn:
- Ông có định lên Hương Sơn một chuyến không?
Nguyễn nhìn tổng Tích:
- Xin bác tha lỗi. Tôi đành thất hẹn với bác.
Tổng Tích chừng như đã liệu trước chuyện này. Ông vẫn thường có định kiến với bọn nho sĩ. Lần này ông quyết nói toạc ra.
- Trí thức các ông thường vẫn quen dùng máu của người khác để rửa nhục cho mình.
Huyền hư e ngại nhìn bạn. Ông biết Nguyễn vẫn coi thường bọn hào lý. Có lần chàng nói với ông: “Trong dinh thân phụ tôi trước đây có một anh dạy chó, một anh nấu ăn từng là chánh tổng” Chàng bảo hào lý không nằm trong thập loại chúng sinh. Lần đó Huyền hư bắt bẻ: “Còn vua quan thì sao? Họ là Thánh à?” Nguyễn nhớ lại lời cha hôm nói về cây mộc, bảo: “Họ có học hơn bọn hào lý. Nhưng tay người nào cũng nhúng chàm.”. Như vậy là Nguyễn không trả lời thẳng vào câu hỏi, có lẽ quá khó đối với chàng. Ðức Khổng hay cả Ðức Phật nhiều khi cũng lúng túng trước những câu hỏi của trẻ con, huống gì chàng. Trong thâm tâm Huyền hư vẫn coi hào lý như những con đỉa mén nhung nhúc quanh mấy con trâu hiền lành quanh năm cày sâu cuốc bẫm. Còn quan lại thì cho lên chảo từng con đỉa một và chiên ăn dần. Cái sang của họ là thế. Tổng Tích có khác. Ông ta có học, tính nết cang cường. Giá như có ai khuyên ông ta xây tường thành vây quanh tổng An ấp của ông ta lại rồi xưng vua ông ta cũng nghe. Ôi, cái ngông cuồng của tuổi trẻ. Con người ấy chỉ loanh quanh câu hỏi: “Làm sao cứu được dân đây?” Còn Nguyễn thì loay hoay mười năm để “cứu một triều vua” đang như một lũ nha môn thất sủng bên Tàu.
Huyền hư lim dim mắt như ông muốn tránh nhìn thẳng vào hai người, nói:
- Ông tổng đây rủ chúng ta lên Hương Sơn dạy dân không đi lính, đi phu cho Tây Sơn mà chỉ đánh nhau cho ông ấy thôi. Còn anh - ông nhìn sang Nguyễn - anh muốn cứu cựu triều hay chỉ để giữ danh dự cho chính bản thân anh?
Tổng Tích như chạm phải lửa:
- Ông nói oan cho chúng tôi. Vậy theo ông thì ai là người tâm huyết với dân với nước đây?
Nguyễn mỉm cười, nụ cười của chàng hiền từ tỏ ra không tự ái, nhưng ai cũng nhìn thấy được một vẻ cao ngạo giấu bên trong. Huyền hư chờ nhưng thấy chàng không nói gì, trả lời tổng Tích:
- Triều vua nào thì dân cũng khổ. Họ sẽ có cách. Cứ mỗi lần nho sĩ chõ mũi vào là máu chảy đầu rơi. Còn vua thì... không đáng cứu.
Nguyễn chợt nhớ những chuyện nhà sư kể cho nghe hồi ông phụng giá đưa Lê tự hoàng sang Tàu rồi nửa chừng trốn về quê đi tu. Chàng tự hỏi, nếu hồi đó chàng cũng tòng vong với nhà vua thì không biết có đi đến cùng như bọn Lê Quýnh? Chắc là không! Ðối với chàng thì có lẽ danh dự bản thân được coi trọng hơn một ông vua thật. Ðiều này chàng chưa thổ lộ với ai, chàng cũng không nói lên trong thơ mình, ngay trong ý nghĩ cũng không dám vì đó là một trọng tội. Chẳng thà chết dưới chân một ông vua hèn đớn nhưng không thể chịu nhục nơi đất khách quê người. Dưới gầm trời này chỉ có Huyền hư mới dám nói ra điều mà chàng chôn chặt trong góc sâu thẳm của tâm hồn đó.
Và Nguyễn mở miệng:
- Vậy thì ai? Ai sẽ là người cứu nhân độ thế?
- Ðức Thích Ca. - nhà sư nói.
Tổng Tích cúi đầu. Nguyễn biết anh chàng có máu hoàng bào này không biết xử sự nào khác hơn vì anh ta không dám bổ báng trước mặt một người như Huyền hư. Tự dưng chàng thấy trong lòng mình một tình cảm khác lạ. Lòng yêu kính một người như Ðức Thích Ca hoà lẫn với tâm trạng của kẻ cùng đường không dẫn chàng tới vực thẳm mà đưa chàng bay lên bầu trời. Chàng thấy mình không còn là mình trước đây nữa. Ông quan võ Nguyễn Du, nho sĩ Cần Vương Nuyễn Du đã biến mất như chưa hề có. Mạch máu chàng sôi trong huyết quản, một dòng máu khác, mới hơn, nồng thắm hơn và mạnh mẽ hơn đang chảy. Chàng nói:
- Thơ! thưa bác, còn thơ nữa. Thơ sẽ cứu nhân độ thế! Thơ sẽ mạnh hơn cả gươm giáo!
Nguyễn đứng dậy. Cái sức mạnh sáng tạo vừa chợt bùng lên trong lòng chàng như ngọn lửa, như rượu mạnh làm chàng nhìn quang cảnh ngôi chùa lưng núi trở nên xa lạ, tổng Tích là một người xa lạ, người bạn vong niên đã lâu năm của chàng là Huyền hư tử cũng trở nên xa lạ. Trước mắt chàng chỉ còn bầu trời mênh mông mà chàng vừa chợt phát hiện thấy như trong một cơn mơ khi chàng bay lên từ nỗi đau khổ vô bờ bến của nhân dân. Chàng phải về ngay, về với cái nghiên mực đã sứt một miếng nơi miệng, cái nghiên mà ông nội chàng đã dùng để viết bài Gia huấn ca răn dạy năm người con trai tu tề trị bình, cha chàng đã dùng để viết những bài thơ thổ lộ những ẩn ức tình cảm dồn nén với mỹ nhân tuy ông đã có quá nhiều nhưng vẫn không bao giờ đủ. Chàng hốt hoảng tưởng như cái nghiên mực ấy đang bị kẻ trộm lấy mất trong khi chàng đang ngồi ở đây, cái nghiên, quản bút, bộ “văn phòng tứ bảo” cha chàng thửa mua tận bên Tàu đã lâu lắm rồi bị bỏ xó, chàng không đụng tới vì còn mải mê với mộng mưu bá đồ vương và những con thú săn núi Hồng Lĩnh. Chàng muốn về nhà ngay xem tất cả có còn đó hay không, những thứ xưa kia đã cùng với những con người trác việt làm nên danh tiếng họ Nguyễn Tiên Ðiền. Nhưng cái danh tiếng ấy không còn làm chàng tự hào nữa. Không phải chàng không tin vào lòng yêu chúng sinh của Ðức Phật. Không phải chàng kiêu ngạo, hỗn láo hay thất lễ. Nhưng chàng đang tin vào chính bản thân chàng, tin vào những gì chàng sẽ làm khi ngồi bên cái án thư, mài mực và mở nắp hộp sơn Tàu của bộ tứ bảo. Rồi chàng sẽ cầm bút lông lên. Ôi, niềm vui độ thế đang tràn ngập lòng chàng!
- Ðêm tối thế này mà ông về? - Huyền hư ngạc nhiên nhìn chàng, hỏi. Lòng ông đau quặn. Ông linh cảm thấy người bạn vong niên duy nhất của ông, con người tài hoa ông luôn kỳ vọng sẽ có một ngày nào đó không còn lên chùa uống trà và thổ lộ những suy nghĩ chán chường với ông nữa. Cái ngày ấy đang đến đêm nay. Tổng Tích có lẽ cũng chỉ là một cái cớ ngẫu nhiên và không đáng kể. Cái nguyên cớ ở bên trong chàng nho sĩ đầu bạc ở tuổi tam tuần này lớn hơn nhiều.
- Tôi xin kiếu hai bác...
Nguyễn vái hai người một vái, nghiêng mình thi lễ rồi bước vào đêm tối.
Chàng không lạc đường nhưng mãi đến tang tảng sáng mới về đến nhà. Ðêm ấy, giữa tiếng beo gầm và bầy chim đêm chao chác trong rừng Hồng Lĩnh, chàng đã ngồi lại một mỏm đá lưng chừng núi, nhìn xuống sông Lam và bãi Long Vỹ mơ màng trong đêm, con đường thiên lý chạy qua Bãi Vọt, nơi xưa kia có một trạm ngựa của tiên triều, những cuộc chinh chiến không ngừng không nghỉ đã qua đây và không biết bao giờ mới dứt. Chàng vun một đống lá và đốt lên trong đêm, chàng không lạnh nhưng hình như ngọn lửa vừa bất chợt cháy trong lòng chàng đã bắt sang đống lá. Trước ánh lửa rừng đêm ấy, chàng không nghĩ tới, không nói ra, chính bản thân chàng cũng không biết những gì vừa xẩy ra trong lòng mình một cách rõ ràng nữa, nhưng chàng biết chắc một điều là chàng đã được trời đất và đêm tối chứng giám cho một Nguyễn Du không còn như trước.
Con đường xuống núi đã mờ ảo hiện ra trước mặt, phía xa. Gió thổi từ sông Lam lên mạnh hơn rất nhiều. Nguyễn cúi khom thân mình gầy guộc vì thiếu ăn và những đêm không ngủ đi ngược làn gió thổi trên con đường mà ông nội, cha chàng, các anh chàng đã từng đi nhưng hình như họ không bao giờ đến một nơi nào cả, không trả lời được một nan vấn nào cả. Tất cả họ đi đâu hết rồi? Chỉ trơ lại mình chàng, gió dồn cả vào mỗi mình chàng.
Ðêm đó chàng ngồi vào án thư, viết một mạch xong bài Dạ Hành, bài thơ Ði đêm...
Ði Đêm Ði Đêm - Sưu Tầm