Thành công là đi từ thất bại này sang thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt tình của mình.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Thi Nại Am
Thể loại: Kiếm Hiệp
Upload bìa: Ngô Thúy Ngọc
Số chương: 50
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 34747 / 365
Cập nhật: 2015-11-23 16:30:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hồi 99 - Hoa Hoà Thượng Thoát Khỏi Giếng Duyên Triền,
ang nói chuyện Điền Hổ bóc thư của Diệp Thanh, sai viên quan hậu cần đọc. Thư viết:
"Thần Ô Lê đã chọn viên dũng tướng Toàn Vũ làm rể. Toàn Vũ từng đánh bại địch quân, khiến bọn Tống Giang phải lui về giữ phủ Chiêu Đức. Ngay hôm nay thần sai ái nữ Quỳnh Anh cùng Toàn Vũ đi thu phục thành Chiêu Đức. Thần kính cẩn sai tổng quản Diệp Thanh mang tin về báo tin thắng trận và tâu việc hôn nhân của con gái, cúi xin đại vương lượng thứ cho".
Điền Hổ nghe xong lấy làm mừng, truyền lệnh phong Toàn Vũ làm Trung hưng bình nam tiên phong quận mã, sai Diệp Thanh cùng hai viên chỉ huy sứ đem lệnh chỉ và hoa hồng, gấm vóc, vàng bạc đến huyện Tương Viên phong thưởng cho quận mã Toàn Vũ. Diệp Thanh lạy chào Điền Hổ rồi cùng hai viên chỉ huy sứ lên đường về huyện Tương Viên.
Lại nói chuyện ngày hôm trước Thần hành thái bảo Đái Tôn vâng lệnh Tống Công Minh đã đi truyền báo quân lệnh khắp các châu huyện. Sau đó Tống Giang lại sai Đái Tôn sang hỏi tin tức của quân doanh Lư Tuấn Nghĩa bên phủ Phần Dương. Các viên quan mới được bổ nhiệm đã lục tục đến nhậm chức ở các châu huyện. Các tướng tá giữ thành hoàn tất việc chuyển giao quyền chính cho các tân quan, rồi dẫn quân mã về phủ Chiêu Đức hội quân. Đội quân thứ nhất là quân trấn thủ Vệ Châu do Quan Thắng, Hô Diên Chước chỉ huy cùng tướng trấn thủ ải Hồ Quan là bọn Tôn Lập, Chu Đồng, Yến Thuận, Mã Lân; tướng trấn thủ núi Bão Độc là Văn Trọng Dung, Thôi Dã. Quân mã đã vào thành yết kiến Trần an phủ và Tống tiên phong.
Vừa lúc ấy có tin đầu lĩnh thuỷ quân Lý Tuấn nghe tin lấy được huyện Lộ Thành, bèn cùng Trương Thanh, Trương Thuận, Nguyễn Tiểu Nhị, Nguyễn Tiểu Ngũ, Nguyễn Tiểu Thất, Đồng Uy, Đồng Mãnh dẫn đoàn chiến thuyền từ sông Vệ ra sông Hoàng, rồi rẽ thuyền vào sông Lệ Thuỷ ở phía đông huyện thành. Tống Giang sai dọn cơm rượu khoản đãi các đầu lĩnh. Ngày hôm sau, Tống Giang sai Quan Thắng, Hô Diên Chước, Văn Trọng Dung và Thôi Dã đem quân đến Lộ Thành truyền lệnh cho đầu lĩnh thuỷ quân Lý Tuấn hiệp đồng với các cánh quân của Quan Thắg, Sách Siêu tiến đánh các huyện Du Xã và Đại Cốc để tiến vào phía sau sào huyệt giặc ở châu Uy Thắng, vì nếu không đề phòng, quân giặc cùng đường sẽ chạy sang đầu hàng quân Kim. Bọn Quan Thắng tuân lệnh đem quân ra đi. Các tướng trấn thủ huyện Lăng Xuyên là Lý Ứng, Sài Tiến; tướng trấn thủ Cao Bình là Sử Tiến, Mục Hoằng; tướng trấn thủ Cái Châu là Hoa Vinh, Đổng Bình, Đỗ Hưng, Thi Ân sau khi giao quyền quản hạt cho các quan mới, cũng lần lượt dẫn quân về yết kiến Tống tiên phong. Bấy giờ mọi người mới biết chuyện bọn Sơn Sĩ Kỳ, sau khi mất ải Hồ Quan, đem tàn quân về huyện Phù Sơn, vào lấy thêm quân ở huyện ấy rồi kéo đến cướp phá thành Cái Châu. Hoa Vinh chia quân mai phục, bắt sống Sơn Sĩ Kỳ, giết tại trận hơn hai nghìn quân giặc. Sơn Sĩ Kỳ thế cùng lực tận phải đầu hàng. Quân tướng còn lại đều tán loạn tìm đường chạy trốn. Hoa Vinh dẫn Sơn Sĩ Kỳ vào yết kiến, Tống tiên phong sai dọn rượu tiếp đãi ân cần. Trong mấy ngày quân mã của Tống Giang chỉ đóng trong thành Chiêu Đức, tỏ ý e sợ quân của Trương Thành và Quỳnh Anh để đánh lừa Điền Hổ.
Lại nói chuyện phó tiên phong Lư Tuấn Nghĩa lấy được phủ Phần Dương; Điền Báo phải chạy về huyện Hiếu Nghĩa, dọc đường gặp Mã Linh đem quân đến tiếp sức. Mã Linh người Trác Châu, có yêu thuật đạp hai bánh xe gió, lửa mỗi ngày đi ngoài ngàn dặm, người ta thường gọi là "thần câu tử" (ngửa câu thần). Mã Linh còn có phép ném quả cầu sắt rất lợi hại, lúc lâm trận thường mọc thêm một mắt ở giữa trán vì thế người ta thường gọi là "tiểu hoa quan" (ánh lửa nhỏ). Dưới quyền của Mã Linh có hai viên phó tướng là Vũ Năng và Từ Cần cũng học được yêu thuật của Mã Linh. Mã LInh và Điền Báo hội binh, rồi cùng bọn Vũ Năng, Từ Cẩn, Sách Hiền, Đăng Thế Long, Lăng Quang, Đoàn Nhân, Miêu Thành, Trần Tuyên đem ba vạn quân đến đóng trại cách thành Phần Dương mười dặm về phía bắc. Suốt mấy ngày liền, quân Lư Tuấn Nghĩa phải cho lui quân vào thành Phần Dương, không dám ra giao chiến. Lư Tuấn Nghĩa đang lo buồn thì quân sĩ vào báo tin Tống tiên phong sai Công Tôn Thắng và Kiều Đạo Thanh đem hai nghìn người ngựa đến trợ chiến. Lư Tuấn Nghĩa sai mở cửa thành mời các đầu lĩnh dẫn quân vào. Hai bên chào hỏi xong, Lư Tuấn Nghĩa mời Công Tôn Thắng lên ngồi ghế trên, Kiều Đạo Thanh ngồi ghế tiếp, rồi sai dọn rượu khoản đãi. Lư Tuấn Nghĩa nói:
- Yêu thuật của Mã Linh rất lợi hại. Các tướng Lôi Hoành, Trịnh Thiên Thọ, Dương Hùng, Thạch Tú, Tiêu Đĩnh, Trâu Nhuận, Trâu Uyên, Cung Vượng, Đinh Đắc Tôn, Thạch Dũng đều bị hắn đánh trọng thương. Tuấn Nghĩa tôi chưa biết xoay xở ra sao, may có hai tiên sinh đến kịp.
Kiều Đạo Thanh nói:
- Bần đạo cùng Công Tôn tiên sinh được Tống tiên phong sai đến đây hợp sức với tướng quân đánh bại Mã Linh.
Kiều Đạo Thanh chưa dứt lời thì có tên quân vào báo:"Tướng giặc là Mã Linh đã đem quân đến ngoài cửa đông. Bọn Vũ Năng, Từ Cẩn đánh vào cửa tây. Điền Báo cùng bọn Sách Hiền, Đăng Thế Song, Lăng Quang, Đoàn Nhân đánh vào cửa bắc". Công Tôn Thắng nói:
- Bần đạo xin ra cửa đông đối địch với Mã Linh. Đồ đệ Kiều Đạo Thanh ra cửa tây bắt bọn Vũ Năng, Từ Cẩn. Xin tiên phong đem quân ra cửa bắc đối địch với Điền Báo.
Lư Tuấn Nghĩa bèn sai các tướng Hoàng Tín, Dương Chí, Âu Bằng, Đặng Phi đem quân mã đi trợ chiến cho Công Tôn Thắng. Đái Tôn nghe nói Mã Linh có phép thần hành xin được cùng đi với Công Tôn Thắng để bắt Mã Linh. Lư tiên phong lại hạ lệnh cho bọn Trần Đạt, Dương Xuân, Lý Trung, Chu Thông đem quân đi trợ chiến cho Kiều Đạo Thanh, Lư Tuấn Nghĩa đích thân cùng các tướng Tần Minh, Tuyên Tán, Hách Tư Văn, Hàn Thao, Bành Kỷ đem quân ra cửa bắc giao chiến với Điền Báo. Ngày hôm ấy khắp ba cửa đông, tây, bắc ngoài thành Phần Dương cờ xí rợp đất, chiêng trống vang trời.
Tạm gác chuyện Lư Tuấn Nghĩa, Kiều Đạo Thanh chia hai đường đem quân đi chặn địch. Kể tiếp việc Thần câu tử Mã Linh cho giương cờ gióng trống, dẫn quân đến sát thành chửi mắng khiêu chiến. Bỗng cửa thành bật mở, cầu treo sập xuống, các tướng trong thành dẫn quân ồ ạt xông ra, dàn ngay thành thế trận trường xà. Mã Linh xách thương thúc ngựa tiến lên quát lớn:
- Bọn nhãi tướng, mau trả thành cho ta! nếu chần chừ thì các ngươi không còn mảnh giáp!
Âu Bằng, Đặng Phi thúc ngựa phóng đến quát đáp:
- Mi đã đến ngày tận số!
Dứt lời Âu Bằng nâng thương, Đặng Phi múa dây xíc sắt cho ngựa chồm tới đánh Mã Linh. Mã Linh vội vung kích đón đánh. Ba tướng giao chiến hơn mười hiệp. Mã Linh lén lấy quả cầu sắt định ném Âu Bằng. Ngay lúc ấy Công Tôn Thắng đã kịp phóng ngựa đến, tay chống kiếm làm phép. Mã Linh liền giơ tay, bên này Công Tôn Thắng chỉ kiếm, một tia chớp loé lên, tiếng nổ vang trời rồi một luồng sáng đỏ trùm lên, mặt Công Tôn Thắng đỏ rực như lửa. Quả cầu sắt của Mã Linh rơi xuống đất quay tròn rồi chảy ra. Chỉ trong chớp mắt, thế trận trường xà của quân Tống biến thành con rồng lửa nóng rực. Công Tôn Thắng vẫy cây gậy đuôi chồn ra lệnh cho quân sĩ tiến lên khép kín vòng vây. Quân Điền Báo thiệt hại đến quá nửa, xô nhau bỏ chạy. Mã Linh tìm đường thoát thân. Nhờ có phép thần hành đạp bánh xe gió lửa bay lướt về phía đông. Bên quân Tống, Thần hành thái bảo Đái Tôn đã buộc xong bùa phép, tay cầm phác đao, trổ phép thần hành đuổi Mã Linh. Trong khoảnh khắc, Mã Linh đã đi được hơn hai mươi dặm, Đái Tôn mới chỉ được mười sáu, mười bảy dặm, hút bóng không đuổi kịp Mã Linh. Một lúc sau Mã Linh đang lướt như bay bỗng vấp phải một vị hòa thượng to béo từ phía trước xồng xộc chạy tới. Hoà thượng bất ngờ vung thiển trượng đánh Mã Linh, rồi thuận đà bẻ quặt tay bắt sống. Hoà thượng đang truy vấn Mã Linh thì Đái Tôn đuổi đến. Đái Tôn nhận ra đó là Hoa hoà thượng Lỗ Trí Thâm. Đái Tôn kinh ngạc hỏi:
- Hoà thượng làm sao đến đây đựợc?
Lỗ Trí Thâm hỏi lại:
- Đay là nơi nào?
Đái Tôn trả lời:
- Đây là lũy ngoài cửa đông thành Phần Dương. Tên giặc này là Mã Linh, có yêu thuật nhưng vừa bị Công Tôn Thắng đánh bại. Tiểu đệ đuổi theo nhưng phép thần hành của hắn đi nhanh hơn. May sao có hoà thượng ở đây mới bắt được hắn!
Lỗ Trí Thâm cười, đáp:
- Lão gia không phải từ trên trời rơi xuống thì cũng từ dưới đất chui lên!
Nói đoạn, Lỗ Trí Thâm và Đái Tôn trói Mã Linh đem về phủ Phần Dương. Dọc đường Lỗ Trí Thâm kể chuyện:"Điền Hổ sai một tướng đàn bà đem quân đến đánh ngoài thành Tương Viên. Con nữ tặc ấy cũng có phép ném đá, nhiều anh em đầu lĩnh bị thương. Lão gia dánh sâu vào giữa trận, muốn bắt sống con nữ tặc ấy, không ngờ trong lùm cỏ rậm có một hang sâu. Lão gia ngã nhà xuống hang, rơi một hồi thật lâu mới chạm đáy, may không xảy ra việc gì. Lão gia đứng dứới hang nhìn lên, mới biết bên cạnh lại còn một hang nữa, có ánh sáng mờ mờ. Lão gia thử chui vào xem thì thấy cảnh tượng rất kỳ lạ: trong hang cũng có trời, có trăng, có thôn trang, nhà cửa, dân chúng làm việc bận rộn. Thấy lão gia ai cũng chỉ cười mà lão gia thì cũng chẳng buồn hỏi han bọn họ. Đến một nơi làng óm đông đúc, phía trước có cánh đồng yên tĩnh, không một bóng người. Lão gia đi một hồi lâu nữa đến một ngôi thảo am, nghe bên trong có tiếng gõ mõ đều đều. Bước vào am nhìn xem thấy một hoà thượng bằng trạc tuổi lão gia. Hoà thượng ấy đang xếp chân ngồi tụng kinh. Lão gia nhờ chỉ cho lối ra. Hòa thượng đáp:"vào đường nào thì ra đường ấy". Lão gia nổi nóng, nhưng hoà thượng ấy chỉ cười hỏi lại:
- Ngươi có biết đây là đâu không?
Lão gia đáp:
- Đây là đâu ta chẳng cần biết đến!
Vị hoà thượng lại cười nói:
Trên là chốn vô cùng
Dưới là nơi vô tận
Thế giới rộng mênh mông
Đại thiên ba ngàn coi
Con người có tấm lòng
Ắt phải suy nghĩ rộng.
Đâu địa ngục thiên đường
Nào ai có biết không?
Một niềm không lay động
Lục căn phải tiêu vong
Luân hồi thôi báo ứng.
Lão gia nghe xong bèn lạy tạ. Hoà thượng ấy lại nói:
- Ngươi đã rơi xuống giếng Duyên Triền, muốn trở về cõi tục thì để ta chỉ đường cho.
Nói đoạn hoà thượng dẫn lão gia ra khỏi thảo am.
Đi chừng bốn năm dặm, hoà thượng ấy nói:
- Chia tay ở đây, hẹn ngày sau gặp lại.
Hoà thượng lại chỉ tay về phía trước mà nói:
- Ngươi cứ đi về phía đó sẽ bắt được Ngựa câu thần.
Lão gia ngoái đầu lại không thấy hoà thượng ấy đâu nữa. Cảnh vật lại hiện lên sáng bừng như trước. Vừa lúc ấy lão gia vấp phải gã này. Thấy hắn đang nhón chân đi vùn vụt, lão gia liền vung thiền trượng quật hắn ngã nhào. Thực tình lão gia vẫn chưa biết tại sao mình đến nơi đây? Lão gia nhớ rõ thời tiết trong hang không giống ở phủ Chiêu Đức, đào mận thì lá to nhưng không có nụ hoa nào cả.
Đái Tôn cười nói:
- Nay đã hạ tuần tháng ba, lấy đâu ra hoa đào, hoa mận?
Lỗ Trí Thâm không tin, cãi lại:
- Làm gì đã đến hạ tuần tháng ba? khi ta rơi xuống hang vào ngày cuối tháng hai ở đó một lúc rồi đi ngay?
Đái Tôn cũng hết sức sửng sốt. Hai người áp giải Mã Linh theo đường tắt về thành Phần Dương.
Bấy giờ Công Tôn Thắng đã đánh lui quân Điền Báo, thu binh vào thành. Lư Tuấn Nghĩa, Tần Minh, Tuyên Tán, Hách Tư Văn, Hàn Thao, Bành Kỷ đã chém được các tướng giặc Sách Hiền, Đăng Thế Long, Lăng Quang, đuổi bọn Điền Bưu, Đoàn Nhân ngoài mười dặm. Điền Bưu cùng bọn Đoàn Nhân, Trần Tuyên, Miêu Thành dẫn tàn quân chạy về phía bắc. Lư Tuấn Nghĩa thu quân về thành. Kiều Đạo Thanh cũng đã đánh tan bọn Vũ Năng, Từ Cẩn, cùng với Trần Đạt, Dương Xuân, Lý Trung, Chu Thông đem quân đuổi theo tàn quân Điền Báo. Bị quân Tống từ hai phía đánh vào, quân Điền Báo thua to, bị giết tại trận nhiều không đếm xuể. Vũ Năng bị Dương Xuân vung trường đao hất xuống ngựa. Từ Cẩn bị Hách Tư Văn đâm suốt gáy. Quân Lư tiên phong thu được ngựa chiến, áo giáp và nhiều binh khí khác. Lư Tuấn Nghĩa và Kiều Đạo Thanh cũng hội quân thắng trận về thành. Vừa về đến phủ đường thì thấy Lỗ Trí Thâm và Đái Tôn áp giải Mã Linh tới.
Lư tiên phong cả mừng, vội hỏi:
- Lỗ hiền đệ đến đây bằng cách nào? huynh trưởng Tống Công Minh giao chiến với bọn Ô Lê thắng bại ra sao?
Lỗ Trí Thâm đem chuyện Tống Giang giao chiến với bọn Ô Lê và việc mình bị rơi xuống hang kể lại một lượt cho Lư Tuấn Nghĩa và các tướng quân nghe, ai nấy đều lấy làm kinh lạ.
Lư Tuấn Nghĩa tự tay cỡi trói cho Mã Linh. LÚc đi đường Mã Linh đã nghe câu chuyện của Lỗ Trí Thâm nói với Đái Tôn, lại thấy Lư Túân Nghĩa là người độ lượng nghĩa khí, bèn sụp lạy xin hàng. Lư Tuấn Nghĩa truyền lệnh khao thưởng ba quân tướng sĩ.
Ngày hôm sau các tướng giữ thành Tấn Ninh giao lại quyền chính cho các tân quan rồi đưa quân về phủ Phần Duơng chờ lệnh. Lư Tuấn Nghĩa sai Đái Tôn đưa Mã Linh đến doanh trại của Tống tiên phong báo tin thắng trận. Ngay ngày hôm ấy Lư Tuấn Nghĩa cùng phó sư Chu Vũ tính kế tiến quân, chuyện hãy tạm gác chưa nói đến.
Nói tiếp chuyện Mã Linh. Trên đường đi Mã Linh đã truyền cho Đái Tôn phép ngày đi ngày dặm. Chẳng bao lâu hai người đã đến quân doanh của Tống tiên phong. Đái Tôn đem Mã Linh vào yết kiến chủ tướng, thuật lại chiến công của Lư tiên phong. Tống Giang nghe chuyện Lỗ Trí Thâm thì ngạc nhiên vui mừng, rồi lên ngựa đến doanh trại của Trần an phủ để báo tin thắng trận, chuyện không nói đến.
Lại nói Điền Báo cùng với Đoàn Nhân, Trần Tuyến, Miêu Thanh dẫn tàn quân hoảng loạn chạy về châu Uy Thắng yết kiến Điền Hổ, khóc lóc kể lại việc mất đất mất quân. Vừa lúc ấy khu mật viện hốt hoảng vào tâu:
- Thưa đại vương, hai ngày nay có quân lưu tinh thám mã đem thư về cấp báo: thống quân đại tướng Mã Linh đã bị quân Tống Giang bắt. Tướng bên Tống là bọn Quan Thắng, Hô Diên Chước đã đem quân đến bao vây huyện Du Xã. Quân của Lư Tuấn Nghĩa đã hạ thành Giới Hưu. Chỉ còn thành huyện Tương Viên do Ô Lê quốc cữu đóng giữ là có vài lần báo tin thắng trận, quân Tống Giang chưa dám dòm ngó đến.
Điền Hổ nghe tin lấy làm lo sợ. Các cận thần khuyên Điền Hổ chạy về phía bắc đầu hàng nước Kim. Hữu thừa tướng thái sư Biện Tường quát mọi người lui ra, rồi tâu riêng với Điền Hổ:
- Thưa bệ hạ, quân Tống đem quân ba lộ đến bao vây. Châu Uy Thắng đây có núi non trùng điệp bao quanh, lương thảo đủ dùng vài năm, quân ngự lâm hộ giá còn đến hơi hai vạn. Phía đông có huyện Vũ Hương, phía tây có huyện Tẩm Nguyên, mỗi huyện có năm vạn tinh binh. Phía sau là các huyện Thái Nguyên, Ký Lâm, Đại Cốc thành trì kiên cố, lương thảo sung túc, có thể giữ được. Người xưa có câu:"làm đầu gà hơn làm đuôi trâu".
Điền Hổ nghe xong chần chừ chưa đáp thì quân hầu vào báo có tổng quản Diệp Thanh đến xin yết kiến. Điền Hổ cho mời vào. Diệp Thanh sụp lạy tâu rằng:
- Quận chúa Quỳnh Anh và quận mã Toàn Vũ nhiều lân chém tướng lập công, binh uy chấn phát, hiện đã đem quân về bao vây phủ thành Chiêu Đức. Không may Ô Lê quốc cữu bị cảm phong hàn, không thể chỉ huy binh mã chặn địch. Xin đại vương sai thêm tinh binh tướng giỏi đến hợp sức với vợ chồng quận chúa Quỳnh Anh giành lại phủ thành Chiêu Đức.
Đô đốc là Phạm Quyền tâu:
- Thần được biêt quận chúa Quỳnh Anh và quận mã Toàn Vũ là tướng kiêu hùng, quân Tống sợ uy không dám nhòm ngó thành trì. Nếu đại vương đem binh hùng tướng mạnh thân chinh thì cuộc trung hưng tất thành. Thần xin dốc sức giúp thái tử làm giám quốc trông coi việc nước.
Điền Hổ chuẩn tâu. Nguyên là Phạm Quyền có người con gái xinh đẹp nhan sắc khuynh thành, Quỳền đem dâng vào nội cung, được Điền Hổ sủng ái, không điều gì không nghe theo. Phạm Quyền đã nhận của hối lộ của Diệp Thanh, lại thấy thế lực quân Tống Giang hùng mạnh, nên đã rắp tâm thừa cơ làm phản.
Bấy giờ Điền Hổ sai Biện Tường thống lĩnh mười viên chánh phó tướng, dẫn ba vạn quân tiến đánh Hoa Vinh, Lư Tuấn Nghĩa. Lại sai thái uý Phòng Học Độ thống lĩnh mười viên chánh phó tướng, dẫn ba vạn quân đến huyện D xã đón đánh quân mã của Quan Thắng. Điền Hổ đích thân thống lĩnh bọn thượng thư Lý Thiên Tích, Trịnh Chí Thuỵ, khu mật Tiết Thời, Lâm Hân, đô đốc Hồ Anh, Đường Hiển, tuyển lấy mười vạn tinh binh, giết trâu mổ ngựa, khao thưởng tướng sĩ, chọn ngày làm lễ tế cờ xuất quân. Lại truyền lệnh cho hai em là Điền Báo, Điền Bưu cùng đô đốc Phạm Quyền và các quan văn võ phò tá thái tử Điền Định làm giám quốc để trông coi quyền chính. Diệp Thanh biết tin liền sai người tâm phúc ngày đêm ruổi gấp đến thành Tường Viên báo cho Trương Thanh và Quỳnh Anh biết. Trương Thanh truyền lệnh cho Giải Trân, Giải Bảo mang theo dây thừng và các dụng cụ trèo núi, ngày đêm luồn rừng, đưa tin cấp báo với Tống tiên phong.
Lại nói Biện Tường nhận binh phù, chọn quân cử tướng, ba ngày sau mới dẫn bọn Phàn Ngọc Minh, Ngô Đắc Nguyên, Phó Tường, Cố Khải, Khấu Tham, Quảng Diệm, Phùng Dực, Lã Chấn, Cát Văn Bính, An Sĩ Long đem ba vạn quân ra ngoài cửa đông châu thành Uy Thắng. Đội tiền quân do các tướng Phàn Ngọc Minh, Ngô Đắc Nguyên, Phùng Dực, Cố Khởi dẫn năm nghìn quân mã tiến đến huyện Tẩm Nguyên. Vừa đến khu rừng rậm dưới núi Miên Sơn, bỗng nghe một tiếng thanh la vang dội. Từ sau khu rừng một đội quân ồ ạt xông ra. Đó là cánh kỵ binh của các tướng Hoa Vinh, Đổng Bình, Lâm Xung, Sử Tiến, Đỗ Hưng, Mục Hoằng, vâng lệnh Tống tiên phong, ngày đêm ruổi gấp đến chặn đường.
Song thương tướng Đổng Bình thúc ngựa lên trước trận quát lớn:
- Người ngựa từ đâu tới? không đầu hàng chịu trói còn đợi bao giờ?
Phàn Ngọc Minh cả mắng:
- Bọn giặc cỏ đầm lầy cả gan dám chiếm đoạt thành trì của chúng ta!
Đổng Bình quát đáp:
- Quân thiên triều kéo đến, sao các ngươi dám chống cự?
Dứt lời, Đổng Bình vỗ ngựa, vung song thương xông vào đánh Phàn Ngọc Minh. Phàn Ngọc Minh cũng thúc ngựa, nâng thương chặn đánh. Hai tướng giao chiến hơn hai chục hiệp, Phàn Ngọc Minh đuối sức, đỡ gạt không nổi, bị Đổng Bình đâm thương xuyên họng, lăn nhào xuống ngựa. Bên quân Điền Hổ, Phùng Dực cả giận thúc ngựa lao vào Đổng Bình. Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh liền vỗ ngựa đuổi đến chặn đánh. Giao chiến hơn mười hiệp, Hoa Vinh quay ngựa chạy về trận nhà. Phùng Dực quất ngựa đuổi theo. Hoa Vinh liền cắp thương vào nách, kéo căng dây cung, nghiêng mình thả mũi tên cắm phập giữa trán Phùng Dực. Chiến mũ sắt lật hẳn sang một bên, Phùng Dực bổ nhào xuống ngựa. Hoa Vinh giật ngựa quay lại tiếp một thương kết liễu đời hắn. Bọn Đổng Bình, Lâm Xung, Sử Tiến, Mục Hoằng, Đỗ Hưng vẫy quân kỵ xông lên giáp chiến. Lâm Xung vung giáo hất nhào Cố Khởi. Ngô Đắc Nguyên ngã ngựa liền bị đám loạn quân xéo nát. Quân Điền Hổ một phen thu lớn, năm nghìn người ngựa thiệt mạng đến quá nửa, số còn lại tán lọan tìm đường chạy trốn. Quân của Hoa Vinh thu được nhiều ngựa chiến, chiêng trống, đuổi đánh quân Điền Hổ đến ngoài năm dặm mới gặp đại quân của Biện Tường đến cứu viện.
Biện Tường vốn xuất thân là nông phu ở trang trại, có đôi tay vạm vỡ, tinh thông võ nghệ, được Điền Hổ phong chức thượng tướng. Quân hai bên gặp nhau, giương cờ gióng trống, dàn thế trận đối địch, tù và rúc inh ỏi, trống trận thúc liên hồi. Thân cao chín thước, mặt vuông vai rộng, mắt tròn, râu ba chòm che miệng, đầu đội mũ kim khôi cánh phượng, mặc áo giáp vẩy cá giát bạc, Biện Tường nhảy phốc lên lưng con ngựa chiến "xung ba", tay nâng búa lơn, hai bên tả hữu có bốn thống chế Phó Tường, Quản Diệm, Khấu Tham, Lã Chấn theo hộ vệ. Phía sau có bọn thống quân, đề hạt, phòng ngự, đòan luyện tiếp ứng. Hàng ngũ người ngựa sắp xếp mười phần chỉnh tề. Bên quân Tống Giang, Cửu văn long Sử Tiến phóng ngựa ra trước trận quát lớn:
- Tướng nào kia, mau xuống ngựa đầu hàng để khỏi bẩn lưỡi đao!
Biện Tường cười ha hả:
- Nồi đất còn có hai tai, mi lại không biết đại danh ta là Biện Tường hay sao?
Sử Tiến quát đáp:
- Tên phản loạn kia, quân thiên triều đến đây sao còn dám chống cự?
Sử Tiến dứt lời liền vỗ ngựa múa cây đao bát hoàn xông vào đánh Biện Tường. Biện Tường cũng vung búa lớn chặn đánh. Hai ngựa quần nhau, gươm búa cũng vung lên, tiếng vó ngựa dồn dập. Hai tướng giao chiến đến hơn ba mươi hiệp không phân thắng bại. Hoa Vinh thấy Biện Tường võ nghệ cao cường, có ý mến tài nên không bắn tên ngầm, chỉ thúc ngựa, xách thương đến giúp Sử Tiến. Biện Tường một mình đánh lại hai tướng, hơn ba mươi hiệp vẫn không phân thắng bại. Các tướng bên quân Điền Hổ lo Biện Tường thất lợi, vội khua chiêng thu quân. Hoa Vinh, Đổng Bình thấy trời sắp tối lại lo ít quân nên cũng ra lệnh thu quân về trại. Quân hai bên đóng cách nhau hơn mười dặm.
Đêm ấy nổi gío nam, mây đen che phủ bầu trời, nửa đêm sấm chớp ầm ầm, rồi mưa to trút xuống. Bấy giờ Điền Hổ đã đưa ngụy triều rời khỏi châu Uy Thắng, đến chiều tối đã xa thành hơn trăm dặm mới hạ trại nghỉ ngơi, thê thiếp người hầu đi theo đông đủ. Đêm ấy Điền Hổ cùng Phạm mỹ nhân ngồi trong trướng vui vẻ yếm ẩm. Liên tiếp trong năm ngày trời mưa dầm không lúc nào ngớt, trướng bạt che mưa uớt sũng, nước dềnh khắp nơi, quân sĩ không có chỗ đứng chân đặt bếp, cung tên chùng nát, quân mã các doanh đều phải ở yên trong trại, chuyện không có gì đáng nói.
Lại nói các tướng Sách Siêu, Từ Ninh, Đan Đình Khuê, Ngụy Định Quốc, Thang Long, Đừơng Bân đã nhận được thêm quân bộ của Quan Thắng, Hô Diên Chước, Văn Trọng Dung, Thôi Dã và chiến thuyền của các đầu lĩnh thuỷ quân. Các tướng cùng bàn tính kế hoạch đánh giữ: Đan Đình Khuê, Nguỵ Định Quốc ở lại giữ thành Lộ Châu; Quan Thắng đãn quân thuỷ bộ đánh huyện Du Xã; Sách Siêu, Thang Long giữ thành Phần Dương. Bọn Quan Thắng thừa thế đuổi dài, thế như chẻ tre, thu phục huyện Đại Cốc, tướng giữ thành bị giết tại trận, các phó tướng và quân sĩ ra đầu hàng nhiều không kể xiết. Quan Thắng treo bảng vỗ yên quân dân, khao thưởng tướng sĩ, rồi sai người đến quân doanh của Tống tiên phong báo tin thắng trận.
Ngày hôm sau mưa lớn, Quan Thắng cho quân nghỉ ngơi, không xuất trận. Bỗng có tin báo:"Lư tiên phong giao cho Tuyên Tán, Hách Tư Văn, Lã Phương, Quách Thịnh ở lại trấn thủ thành Phần Dương, tự mình đem quân đi thu phục hai huyện Giới Hưu và Bình Giao. Sau đó để Hàn Thao, Bành Kỷ đóng giữ huyện Giới Hưu; Khổng Minh, Khổng Lượng giữ huyện Bình Giao, Lư tiên phong tiếp tục đem quân bao vây thành huyện Thái Nguyên. Vì mưa to gío lớn chưa xuất quân được".
Đầu lĩnh thuỷ quân Lý Tuấn biết tin ấy, bàn với Quan Thắng:
- Lư tiên phong vì mưa dầm không tiến quân được, lại đang mùa mưa lụt không nên nấn ná ở lâu. Nếu quân giặc chọn quân cảm tử đến đánh thành thì quân ta trở tay sao kịp? Lý Tuấn tôi có một kế, muốn đến bàn với Lư tiên phong, chẳng hay đại huynh nghĩ thế nào?
Quan Thắng cả mừng giục Lý Tuấn đi ngay. Hỗn giang long Lý Tuấn cáo từ Quan Thắng trở về thuỷ trại, giao cho bọn Đồng Mãnh cai quản chiến thuyền, rồi cùng Trương Thuận, Trương Hoành, Nguyễn Tiểu Nhị, NGuyễn Tiểu Ngũ, Nguyễn Tiểu Thất đem hai nghìn thuỷ binh và chiến thuyền đội nón lá, khoác áo tơi, gội mưa to gío lớn đưa chiến thuyền đến doanh trại của tiên phong Lư Tuấn Nghĩa. Thuyền cập bến, Lý Tuấn vào trong trướng hội kiến với Lư tiên phong. Hai người chuyện trò thăm hỏi chốc lát rồi chụm đầu bàn bạc mật kế. Lư Tuấn Nghĩa cả mừng, truyền lệnh cho quân sĩ gội mưa băng gió vào rừgn chặt gỗ đóng bè. Bọn Lý Tuấn chia nhau đi lo liệu các việc.
Lại nói tướng trấn thủ Thái Nguyên là Trương Hùgn được trao chức nguỵ điện suý, bọn Hạng Trung, Từ Nhạc được trao chức đô thống chế, cả ba tướng này đều có tiếng hiếu sát. Quân sĩ dưới quyền phần nhiều là bọn tham tàn dâm bạo, dân chúng bị bức bách ngược đãi, phần nhiều phải bỏ gia tư tài sản phiêu bạt bốn phương. Bọn Trương Hùng bị bao vây, nhưng không chịu hàng phục, bàn nhau:
- Hiện nay đang mùa mưa lũ, đường thủy đường bộ đều bất lợi cho quân Tống, lương thảo thiếu thốn, quân sĩ chán nản không muốn ở lâu. Nếu ta tung quân đánh gấp, tất sẽ giành toàn thắng.
Bấy giờ đã là thượng tuần tháng tư, Trương Hùng muốn chia quân tiến ra bốn cửa đánh quân Tống, chợt nghe tiếng thanh la nổi vang bốn phía. Trương Hùng trèo lên chòi canh nhìn ra, thấy quân của Tống Giang đầu gội mưa, chân quấn xà cạp, đang băng băng trèo lên núi. Trương Hùgn hoảng hốt kinh sợ, lại nghe bên phía ngòi Trí Bá ầm ầm, vang động như nghìn quân muôn ngựa lướt tới. Trong khoảnh khắc nước to sóng cuộn tựa triều dâng thác đổ ập đến. Đúng là:
Sóng cả cuộn dâng ngòi Trí Bá,
Sông gầm vang động đất Hoài Âm.
Chưa biết nước cuốn về đâu xem hồi sau sẽ rõ.
Hậu Thủy Hử Hậu Thủy Hử - Thi Nại Am Hậu Thủy Hử