If you have love in your life it can make up for a great many things you lack. If you don’t have it, no matter what else there is, it’s not enough.

Ann Landers

 
 
 
 
 
Tác giả: Vũ Cao
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Phạm Kiều Anh
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 5
Cập nhật: 2021-07-20 19:13:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
Em bé bên bờ sông Lai Vu
_Vũ Cao_
Hồi đó là cuối tháng sau năm 1949. Trời oi ả, nắng nhiều, nhưng đôi lúc cũng có trận mưa bất thường như hồi này. Tôi nằm trong địa phận Hải Dương đã hơn mười hôm, ban ngày ra đồng với các đồng chí du kích, vừa làm vừa quan sát địch, ban đêm thì đi họp, đi lấy tài liệu. Thời gian công tác của tôi đã hết, tôi cần ra vùng tự do ngay để kịp về đơn vị trước ngày ba mươi tháng sáu.
Chiều ấy, như đã hẹn trước, tôi tìm đến nhà đồng chí Hoạt, cán bộ cơ sở. Nói là nhà nhưng thực sự chỉ là một gian tre dùng làm liên lạc, heo hút bên một cánh đồng chiêm ngập nước. Từ sáng đến chiều, đồng chí Hoạt đi hoạt động. thường buổi tối mới có mặt ở gian nhà này. Ban ngày, ai cũng tưởng là nhà bỏ hoang…
Tôi nói với Hoạt:
-Thế nào đồng chí, tôi cần được đi ngay, hết hạn ở với nhau rồi. Tôi đã gói chặt tài liệu vào ni-lông chuẩn bị đầy đủ.
Hoạt giơ tay về phía một bóng người trong góc nhà:
-Kia kìa, có một đồng chí nữa cũng cần đi đêm nay, việc rất cần, nhưng mà… đồng chí ấy lại bị cảm mới khỏi…
Trong ánh đền dầu le lói, tôi nhìn kỹ chỉ thấy bóng người ngồi tựa lưng vào cột, hai chân duỗi dài trên đám rạ:
-Sao, đồng chí?
Hoạt tỏ vẻ lo lắng:
-Địch nó mới kéo thêm lên cầu Lai Khê… Nó kiểm soát dữ. Nước sông Lai Vu thình lình lại lên. Anh em ở đây phải đi làm nhiệm vụ hết. Ai dẫn các đồng chí đi bây giờ?
Tôi sốt ruột:
-Thế tới khuya, có người dẫn đi không?
-Tôi chưa dám bảo đảm, vì bọn địch đang o ép, lùng các mối của ta. Phải đối phó với tình hình từng buổi… Mà nhiệm vụ chúng tôi là phải bảo vệ các đồng chí, không thể để các đồng chí đi một mình được…
Một cơn ho dội lên. Tiếng của người ngồi dựa lưng vào cây cột:
-Thời gian gấp gáp lắm đồng chí ạ. Ở đây thêm một hai ngày nhỡ hết. Tôi còn mệt, chẳng muốn nằm lại một đêm nữa để nghỉ ngơi hay sao?
Gió đồng tạt vào lật phật, ngọn đèn dầu chỉ còn nhỏ bằng hạt chanh, nhưng tôi cũng nhìn rõ đôi lông mày của Hoạt nhíu lại:
-Ai dẫn các đồng chí đi bây giờ? Qua hai con sông năm bốt giặc, đồng nước… trách nhiệm là trách nhiệm chung. Các đồng chí phải đi một mạch mười tiếng đồng hồ liền mới vượt được sông Kinh Thầy. Nếu vì lẽ gì không kịp, địch nó sẽ bắt gặp thì sao?
Bất giác tôi nắm chặt tay vào quả lựu đạn trứng nằm gọn trong túi áo, tôi xúc động nhớ đến cái khẩu hiệu của anh em ở đây: ‘’Hi sinh đến cùng để bảo vệ cơ sở, bảo vệ cán bộ và tài liệu của Đảng!’’. Tôi chưa biết nói thế nào thì Hoạt chợt bảo:
-Hay là tôi dẫn các đồng chí đi?
Nhưng anh đã lắc đầu:
-Không được. Còn tình hình ở xã ngày mai. Không được.
Nhìn ra đồng nước bao la đã bì bọp những tiếng sung vu vơ từ các bốt địch vọng lại, tôi thấy như thời gian qua nhanh một cách lạ lùng. Trời đã tối, lốm đốm mấy vì sao. Sắp bảy giờ rồi mà chưa biết có đi được hay không. Rồi nhỡ ra ngày mai, ngày kia cũng chưa đi được thì làm sao?
Tôi lại bên người bạn chưa quen đang ngồi tựa lưng vào cột, khẽ hỏi:
-Liệu đồng chí đã khỏe chưa, đi được không?
Tôi trông rõ dưới mái tóc dài lườm sườm là một đôi mắt sâu hoắm. Một bàn tay giơ lên.
-Khỏe chứ? Có làm sao đâu! Nghìn cây số còn đi được nữa là!
Nói xong, đồng chí ấy ngồi hẳn dậy, khoát vòng tay vào hai đầu gối một cách mạnh mẽ, rồi hỏi tôi:
-Đồng chí cũng thuộc đường chứ? Hay ta cứ vượt?
Hoạt đăm đăm nhìn ra cánh đồng nước như đang dự đoán một việc gì quan trọng sắp xảy ra, bỗng quay lại:
-Không được! Các đồng chí chỉ thuộc đường ban ngày thôi, còn ban đêm thì…
Một phút im lặng, thứ im lặng mà chỉ trong lòng địch, người ta mới thấy nó căng đầu óc đến mức nào. Thấy rõ sự lo lắng của chúng tôi, Hoạt trở lại bình thản:
-Các đồng chí cứ yên tâm, nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ các đồng chí, nhưng các hết sức tìm cách để các đồng chí đỡ mất thì giờ. Dù thế nào thì chúng tôi cũng không để các đồng chí đi một mình… Chặng đường này vừa dài lại vừa nguy hiểm, chỉ cần lạc một quãng là có thể rơi vào tay địch…
Đúng như vậy, riêng chặng đường này tôi đã vượt một lần cùng với một đoàn cán bộ hồi tháng tư, cứ nhắm mắt lao mình đi suốt đêm thì mới qua được sông Kinh Thầy. Mà đường thì toàn ruộng mênh mông, giá có đi đến năm bảy lần thì cũng không sao nhớ được, chứ chưa nói đến những bất trắc có thể xảy ra, phải thình lình đổi hướng…
Treo một cái túi ni-lông vào cột, tôi ngồi xuống đất. Đang mải suy nghĩ thì một bóng người nho nhỏ chạy ùa vào như một cơn gió. Một em trai người mảnh khảnh, tay cầm một chiếc gậy bằng thanh tre. Em nói với Hoạt, tay đập đập cái gậy vào thân cột một cách nghịch ngơm:
-Em đến tìm anh Tĩnh, nhưng anh ấy sốt nặng, đang ăn cháo, anh ấy bảo là không đi được.
Hoạt văn ngọn đèn to hơn:
-Nhất định không đi được à? Lại sốt. Đúng là bị muỗi Chí Linh đốt rồi. Rõ khổ!
Rồi quay sang tôi:
-Thôi các đồng chí đành chậm lại vậy, không còn cách nào khác. Tôi cũng đang cần có người sang vùng tự do mà chưa biết nhờ ai cho tiện…
Tôi thở dài, với lấy gói ni-lông thì em bé đã đến bên cạnh hỏi:
-Anh cần đi à? Việc cần lắm hả anh?
Tôi chưa kịp đáp, em đã lại hỏi:
-Anh kia cũng cần đi à?
Tôi nhìn em. Một em bé gầy, tóc húi ngắn, hai túi của chiếc áo cánh nâu trễ xuống đến tận đùi như đã từng phải đựng nhiều thứ quá nặng. Quần của em ngắn chỉ tới gần đầu gối để lộ đôi bắp chân nhỏ luôn luôn động đậy. Tôi đặc biệt chú ý đến đôi mắt của em, đôi mắt sáng và xếch lên khiến người ta có cảm giác ngay là một em bé vừa thông minh vừa thật thà.
Cái gậy tinh nghịch trong tay em vẫn cứ gõ lốp cốp vào cột nghe vừa rối ruột, vừa vui vui. Tôi chợt nhớ ra như đã gặp em bé này ở đâu. Phải rồi, bữa trưa hôm trước, khi thấy tôi ăn một nắm cơm muối trắng bên bờ đồng với một đồng chí du kích, có một em bé từ phía nội cỏ đã đưa đến cho tôi một dúm tép rang. Em ấy bảo tép của em cất được… Khi đó tôi tự hỏi: em này làm gì một mình giữa đồng mà lại đem cơm tép rang đi ăn? Tôi chỉ nhớ đôi mắt xênh xếch của em, đôi mắt lanh lợi nhưng cũng rất hiền. Đúng rồi… cũng gầy gầy, nho nhỏ, và trong tay cũng vẫn một chiếc gậy như người đi chăn vịt…
Tôi hỏi:
-Có phải hôm nọ, em cho anh ăn tép rang phải không?
Em trố mắt nhìn thẳng vào mặt tôi một lát, rồi túm chặt lấy tay tôi mà bảo:
-Lúc đó, anh mặc cái sơ-mi nâu cơ mà!
-Phải rồi, sơ-mi nâu.
-Thế thì đúng, em thấy anh ăn cơm nhạt, em thương, em cho tép. Tép của em cất đấy. Giá có tý lá chanh nữa thì phải biết là thơm!
Mấy chúng tôi cùng cười. Trong gian lều, bỗng như vui hẳn lên, tươi trẻ hẳn lên.
-Em tên là gì?
-Em tên là Toàn.
-Mười mấy tuổi?
-Mười bốn tuổi hơn một tí thôi, anh ạ.
Nghe câu trả lời ngộ nghĩnh, tôi hỏi tiếp:
-Tuổi dương lịch hay âm lịch?
Em ra vẻ đắc ý:
-Từ mấy năm nay em đã tính tuổi dương lịch, các anh ấy dạy em thế, anh còn hỏi em! Giá tính như thầy mẹ em trước đây thì bây giờ em cũng mười lăm tuổi rồi đấy!
Tôi đang định hỏi chuyện Toàn thêm, thì đồng chí Hoạt lại nói:
-Thôi các đồng chí trở về chỗ nghỉ, khi nào đi được sẽ đi. Tôi cũng phải sang làng bên bây giờ… Chưa chừng sớm mai địch nó sẽ tập trung… Các đồng chí cứ chuẩn bị…
Tôi ngơ ngác nhìn theo Hoạt bước chân ra phía cửa. Bỗng em Toàn đứng phát dậy:
-Anh Hoạt ạ!
Hoạt quay lại:
-Thế nào?
-Hay là anh cho em dẫn các đồng chí vượt đêm nay?
-Em không được đùa!
Toàn bĩu môi, ra vẻ tự ái:
-Em có đùa đâu! Anh cho em đi tất cả chín lần rồi, lần nào em cũng đi đến nơi, về đến chốn…
Hoạt ngần ngừ:
-Nhưng lần trước khác, lần này khác, quan trọng hơn, em không đi được. Đưa mắt nhìn tôi như có ý nhờ giúp ý kiến. Toàn lại cười tủm tỉm:
-Anh cứ nói thế chứ, em đi chặng đường này tất cả là hơn ba mươi lần rồi, bây giờ em nhắm mắt cũng cứ là đi được. Chắc vì việc quan trọng quá nên anh không dám giao cho em chứ gì!
Ngẫm nghĩ một lát, Hoạt vỗ vào vai Toàn một cái rồi nói tiếp:
-Cả ngày hôm nay, em có ngủ tý nào không?
-Một giấc trưa anh ạ.
-Được rồi. Không phải anh sợ không dám giao cho em việc này đâu. Nhưng em có đảm bảo vượt đường số 5 trước chín giờ tối không?
Toàn nhanh nhảu trả lời với cái tư thế nghiêm của một em bé đã từng được học quân sự:
-Báo cáo, lần trước em vượt đường rồi, các bốt mới bật đèn.
Hoạt lại hỏi:
-Thế em có đảm bảo vượt sông Kinh Thầy trước bốn giờ sáng không?
-Lần trước em qua sông Kinh Thầy, đánh một giấc no rồi gà mới gáy!
Tôi phải bịt miệng để khỏi phì cười. Hoạt nói thêm:
-Nhưng lần trước, em đi là đi với người khỏe hoặc đi một mình. Lần này, có một đồng chí mới bị cảm…
Vỗ tay vào bụng, Toàn đáp:
-Dào ơi! Có lần em đi với một chị cán bộ có mang to tướng, lại không bằng mấy người ốm đấy à? Thôi anh đừng đi nữa, để em đi cho, muộn rồi! Em cũng muốn sang vùng tự do chơi một buổi. Em còn nợ bà bán bún bên kia sông Kinh Thầy một bát bún, cho em sang trả bà ấy.
Câu nói vui vẻ và đầy tự tin khiến tôi bắt đầu có cái gì khâm phục con người nhỏ tuổi ấy và khuyến khích tôi nên đi với em đêm nay. Hoạt nhìn hai chúng tôi:
-Thế nào các đồng chí?
Tôi đáp gọn:
-Đi, đồng chí ạ. Nhưng tùy ý đồng chí quyết đinh.
Anh bạn đồng hành mới bị cảm của tôi cũng vụt đứng dậy như một người khỏe nhất. Thấy vậy, tôi hỏi:
-À, đồng chí tên là gì nhỉ?
-Thảo, bí danh.
-Được rồi, Thảo bí danh cũng được. Có tên để gọi nhau đêm này là được rồi. Thảo lúi húi xếp lại gói quần áo và tài liệu. Hoạt thì kéo em Toàn ra dặn điều gì rồi quay vào một mình, bảo chúng tôi:
-Em Toàn này là em của tôi đấy.
Tôi sửng sốt:
-Em của đồng chí sao không thấy ở với đồng chí?
-Bố mẹ nó bị giặc giết năm ngoái. Tôi nhận nuôi nó, đã định cho nó vùng tự do ở Hưng Yên, nhưng nó cứ nhất định đòi ở đây với tôi. Nó còn nhỏ, nhưng rất khôn, đã biết thế nào là căm thù giặc và trả thù cho cha mẹ. Nó vừa bị bọn trên bốt bắt lên đấy, nhưng khi vừa về thì nó cười hề hề và bảo là bọn trên bốt vừa nhát vừa ngu! Nó bơi sông rất giỏi…
Tôi lai hỏi:
-Thế hiện nay em đang làm gì?
-Làm liên lạc cho chúng tôi. Thường ban ngày thì đi xúc tép để quan sát địch tình, đêm thì nhận công tác đặc biệt. Nhanh nhẹn và gan dạ lắm. Vì nó sinh hoạt như vậy nên cũng ít người thấy nó và tôi ở gần nhau…
-Chắc anh thương nó lắm nhỉ?
Hoạt cười:
-Nhiều lúc thương đứt ruột ra nhưng cũng có lúc phải cốp cho cu cậu mấy cái vì bực mình…
Hoạt chưa kịp nói hết chuyện thì em Toàn đã nhảy tót vào, tay cầm thêm một cái nón nhỏ và một gói bọc ni-lông buộc sát thắt lưng bên người. Cái gậy của em vẫn khua khua và đôi chân vẫn nhún nhảy như sắp sửa chạy thi:
-Đi thôi chứ, các anh!
Tôi mừng rỡ:
-Đi à, tốt quá!
Hoạt cúi xuống dặn nhỏ Toàn mấy câu. Toàn cầm tay Thảo dẫn ra cửa:
-Anh còn mệt nhiều, anh đi giữa. Anh đi sát vào em nhé!
Chúng tôi lên đường.
Cánh đồng nước bì bõm có chỗ ngập quá đầu gối tôi, em Toàn chỉ còn một nửa người trên mặt nước. Đi được một quãng, tôi quay đầu nhìn lại: gian nhà của đồng chí Hoạt đã không còn ánh đèn nữa, chắc là Hoạt đã sang làng bên rồi. Không bao giờ tôi có thể quên được người cán bộ cơ sở sống ngày đêm đầy gian lao ấy.
Tiếng máy sình sịch ở một cái bốt trên đường vọng lại nghe vừa buồn vừa khó chịu. Vầng ánh sáng bập bùng của Hà Nội hắt lên trời một màu vàng nhạt nhòa vào trong mây.
Chốc chốc, Toàn lại ngó lại:
-Anh Thảo nhớ bám sát em.
Lúc vượt một mô đất cao, tôi thấy bóng Toàn vươn lên, mạnh mẽ như một người chỉ huy kéo quân ra trận. Tôi phải đi cuối cùng nên trong lòng hơi tiếc là không được đi ngay cạnh Toàn, vì càng nhìn, tôi càng thấy yêu Toàn quá đỗi. Câu chuyện “cha mẹ Toàn bị giặc giết, Toàn mồ côi’’ mà đồng chí Hoạt mới nói thoáng qua lúc nãy, cứ ám ảnh tôi. Tôi bỗng thấy tin ở Toàn lạ lùng. Nhất định Toàn sẽ dẫn chúng tôi vượt sông Kinh Thầy trước khi gà gáy sáng.
Qua một bãi cỏ rậm thì đến bờ sông Lai Vu.
Tôi nghển cổ nhìn. Mặt sông đục mờ nhưng tôi cũng nhận rõ là nước có cao hơn mọi ngày. Cỏ dày phủ kín cả bờ sông, chứng tỏ chỗ này trước kia không phải là một bến bờ qua lại. Toàn giơ tay ra hiệu cho chúng tôi ngồi, rồi cởi quần áo ra đưa cho tôi giữ, em từ từ lao xuống nước không một tiếng động. Đúng là kiểu bơi thông thạo của người quen hoạt động ngay sát nách địch. Nhờ có chút ánh sáng của những ngọn đèn điện trên cầu Lai Khê hắt lại, tôi thấy đầu của Toàn lừ lừ sang sông như một trái bưởi trôi theo cái đầu gậy, thò lên mặt nước chừng một gang tay. Tôi nghĩ bụng: chú bé này bơi nhanh và bí mật lắm. Quân địch có ở ngay bên cũng khó mà nhận ra được. Nếu cần, trái bưởi kia sẽ nhẹ nhàng hụp xuống là dòng sông kia lại phẳng lì như không.
Thảo và tôi nín lặng chờ đợi.
Cơn gió từ cánh đồng bên kia tạt lại, lành lạnh se se. Đèn trên cầu Lai Khê như những con mắt cú đang chĩa về phía chúng tôi không chớp. Tôi buộc chặt gói tài liệu bọc ni-lông rồi hỏi Thảo:
-Anh có mệt nhiều không?
Thảo thong thả:
-Không, đi nó toát mồ hôi ra lại đỡ mệt. Tôi lượng được sức tôi lắm, anh đừng ngại. Cái chú Toàn ấy chạy suốt ngày mà bây giờ còn thoăn thoắt như thế, mình lại không bằng chú ấy hay sao?
Tiếng cười rất khẽ của Thảo khiến tôi càng yên tâm.
Hai phút sau, trái bưởi lại lừ lừ trôi trở lại. Toàn lóp ngóp bò lên, hai tay vuốt nước trên mặt:
-Nước ngập quá đầu em hơn sải tay. Các anh chuẩn bị đi. Bọn nó vừa đổi gác ở cầu Lai. Nó chưa đi mò đâu, không sợ. Chúng nó cũng nhát lắm. Đi, các anh!
Trời tối, nhưng tôi thấy rõ nước chảy ròng ròng trên mình Toàn và nụ cười hóm hỉnh trên đôi môi em.
Em cắp lấy cặp tài liệu rồi nói:
-Anh Thảo qua sông với em trước.
Tôi ngạc nhiên:
-Sao không cùng qua cả ba?
Để ngón tay lên môi, Toàn khẽ bảo:
-Anh nói khẽ chứ! Anh Thảo mệt, em phải bơi cạnh để đỡ anh ấy, cả anh cùng bơi nữa, nhỡ có làm sao thì em dìu cả hai anh làm sao được!
Tôi không giữ nổi bực mình:
-Anh bơi được cơ mà, không làm sao đâu!
Toàn suỵt một cái:
-Không, anh Hoạt dặn em thế nào, em phải làm như thế. Anh ngồi yên đây, để em đưa anh Thảo sang rồi quay trở về đón anh. Ai biết đâu là anh bơi giỏi hay anh bơi tồi! Đi, anh Thảo!
Toàn nói tiếp:
-Em nói vậy chứ tránh bơi ba người một lúc, dễ lộ lắm.
Tôi đành phục tùng mệnh lệnh, ngồi yên cho Thảo và Toàn qua sông trước. Thì ra trước khi đi, đồng chí Hoạt đã dặn Toàn từng li từng tí để bảo vệ chúng tôi. Tôi bỗng cảm thấy mình bé nhỏ hơn Hoạt nhiều quá, bé nhỏ hơn cả Toàn mặc dù em kém hơn tôi những mười tuổi.
Chỉ mấy phút sau, Toàn đã trở lại bờ.
Toàn buộc quần áo lên đầu. Hai anh em từ từ nhoai ra dòng sông. Tôi gắng bơi thật mau. Bỗng Toàn giữ vai tôi lại, miệng ghé trên mặt nước mà bảo:
-Thư thả chứ anh, động mạnh nó nghe thấy đấy. Đến sông Kinh Thầy mà không có thuyền thì em sẽ bơi thi với anh.
Tiếng Toàn lõm bõm trong nước vỗ nghe càng ngộ nghĩnh dễ thương.
Quãng sông này chỉ rộng chừng hơn hai chục thước, chúng tôi thoáng đã nhảy lên bờ. Thảo đứng dậy chờ sẵn.
Tôi mặc vội quần áo:
-May quá, em không phải vớt anh nào cả! Thế là thoát được lô cốt thứ nhất rồi. Nhất định là vượt đường 5 trước chín giờ đi chứ!
Đến lượt tôi phải suỵt:
-Nói khẽ chứ, có tiếng gì…
-Có lẽ cuốc lủi. Trong bốt lúc này là giờ nó ăn uống, không sợ.
Mấy đợt liên thanh thình lình quét sẹt sẹt trên đầu và cứ thế quét ra bốn phía. Một ngọn đèn pha từ phía bên kia cầu chiếu xanh lè trên cánh đồng nước rồi tắt lịm. Chúng tôi không ai bảo ai, ngồi thụp xuống. Nhưng tôi cũng yên trí vì ánh đèn pha còn xa lắm mới chiếu đến chỗ chúng tôi. Một lát, Toàn bảo:
-Nó bắn như thế tức là nó chưa ra đâu. Đi vẫn kịp, các anh ạ.
Tôi nắm lấy tay Thảo, vẫn thấy Thảo không lộ vẻ gì mệt mỏi hơn lúc mới đi. Toàn giơ gậy, nhảy tót lên bờ ruộng. Thảo và tôi lao theo. Tiếng ếch nhái trên cánh đồng ì ọp đã át cả tiếng máy sình sịch trên bốt. Hàng đèn điện mắt cú trên cầu Lai Khê cũng lảng xa dần như đã chịu đầu hàng chúng tôi. Trời đã tối sẫm hẳn. Ba anh em không rời nhau nửa bước. Cỏ và nước vẫn vùn vụt qua dưới bàn chân.
Không mấy chốc, chúng tôi đã sừng sững giữa đường số 5, vệt vôi trắng dài bên đường xe lửa lờ mờ như ẩn như hiện. Tôi chợt hiểu, thì ra Toàn đã dẫn chúng tôi đi vòng ra xa hơn để tránh bốt Lai Khê, chứ không thì từ chỗ vượt sông đến con đường sắt này chỉ dài độ năm trăm mét.
Chúng tôi vút qua đường nhựa, qua một chiến hào rồi băng luôn một quãng đường dài đến bốn ki-lô-mét, cốt sao tránh làn đạn quét của địch. Đến một bụi dứa dại gió kêu xào xạc. Toàn đề nghị chúng tôi ngồi lại lấy sức. Em khẽ đập cái gậy xuống cỏ rồi bảo tôi:
-Có lần em đi một mình, lên đến đường, em đứng mãi rồi mới chạy, đường nhựa nhẵn mát chân lắm. Rõ ràng mình đứng giữa đường cái mà nó không làm gì được!
Tôi nhìn ra một bóng cây ở xa, hỏi:
-Cây gì đen to thế kia?
Toàn chỉ tay đáp:
-Cây quéo đấy. Các anh thấy ban đêm nó có giống đầu con gà trống không nào! Ở mỏ nó, lại có mấy ngôi sao, y như gà mổ thóc.
Tôi đùa:
-Thế em đi một mình mà không sợ ma à?
-Ứ, làm gì có ma! Có mấy bụi rậm và mấy cái thập ác nhà thờ thì có.
Thảo và tôi cùng phì cười nhưng cố nén để khỏi bật thành tiếng. Tôi nhìn đồng hồ: chín giờ bốn mươi phút. Toàn nói:
-Đấy nhé, em đã cam đoan với anh Hoạt là sẽ vượt đường 5 trước chín giờ mà, em nói có sai đâu. Từ đường 5 đến đây vào khoảng bốn cây số, ta đi mất hơn bốn mươi phút, bọn chúng ở bốt có biết mà bắn thì đạn đuổi theo cũng không kịp.
Nói xong, Toàn sờ vào vạt áo của Thảo:
-Khô rồi, em cứ lo qua sông anh lại bị cảm nữa thì không biết làm thế nào, người anh có thấy gai gai không?
Thảo lắc mái tóc lườm sườm:
-Không, dễ chịu. Khỏe hơn khi chưa đi.
Chỉ cái gậy về phía trước mặt, Toàn nói khẽ:
-Các anh có thấy cái gì kia không?
Tôi cố nhíu mắt lại:
-Cái nhà thờ.
-Vâng, bên cạnh đó là một cái bốt. Em sẽ dẫn các anh qua ngang sát cái bốt đấy. Nhưng em sẽ có cách vòng ra xa hơn.
Toàn lia từ từ cái gậy về phía tay phải, nói:
-Em nhận ra đường ban đêm là cứ phải dựa vào những đám làng xóm đen đen hay những cây quéo kia kìa. Quên mất những cái ấy là hỏng. Lại phải nhớ cả cái làng A, xóm B, gọi mật hiệu mà, và nhất là xóm nào tốt, làng nào xấu để nhỡ ra thì có chỗ tạm ẩn. Lần trước, em bị nó bắt được không phải vì em quên đường đâu, mà chỉ vì đêm ấy trời mưa, em ngại đi đường vòng! Về nhà, anh Hoạt cốp cho em hai cái vào trán!
Thảo và tôi chụm đầu vào nghe Toàn nói qua về tình hình các làng xóm sắp đi qua, nhắc chúng tôi vài cái mật hiệu. Rồi chúng tôi lại đi. Qua cánh đồng bông khô ráo, chúng tôi không ai bảo ai tranh thủ vừa chạy vừa nhìn ra chung quanh. Cánh đồng thoai thoai mát dịu. Tiếng máy sình sịch trên đường 5 đã tắt hẳn, chỉ còn nghe tiếng dế ri rỉ và tiếng chân chúng tôi sàn sạt trên mặt cỏ. Trên nền trời loáng thoáng mây, những vì sao lặng lẽ, bình yên. Gần đến cái đám đen có cái cây thập ác chơi vơi bên hàng rào. Toàn dẫn chúng tôi tạt qua bên trái, lội một cái ao bèo nước đền đầu gối. Lợi dụng bóng tối của cụm tre, Toàn dừng lại:
-Các anh đi lom khom nhé, vượt cái xóm cạnh đồng nước kia kìa. Trong xóm, có một ổ phản động có đại liên cơ đấy. Các anh bám chặt em nhé, đi khẽ chân nhưng đi thật nhanh. Rời em ra chỗ này là em không tìm được các anh nữa đấy.
Tôi không khỏi hồi hộp, soát lại gói tài liệu buộc bên dây lưng, sờ vào nắp lựu đạn. Nhưng vừa đi sát vào hàng rào thì trong xóm đã có tiếng vọng ra:
-Bọn nào đi đấy, bọn nào đấy?
Chúng tôi cũng dừng lại. Toàn giơ tay ra hiệu im lặng, rồi bước lên một bước. Lại vẫn tiếng hỏi như tiếng người say rượu:
-Bọn nào đấy, không nói ra thì bắt cả bây giờ!
Thảo nắm lấy cánh tay tôi thì thào:
-Chuẩn bị bảo vệ tài liệu, chuẩn bị tự vệ.
Tôi gật đầu trong bóng tối, lấy hết bình tĩnh để tính chuyện đối phó trước sự đe dọa của bọn phản động đang ở ngay bên mình.
Bỗng Toàn nghển cổ lên đáp, tự nhiên:
-Chúng cháu đi lấy thuốc lào đây, có hai người thôi, về huyện đây mà. Có phải ông phó đấy không?
Giọng một tay đàn ông hách dịch:
-Ừ, thuốc lào thì đi đi! Có thuốc ngon thì lúc nào qua đây nhé!
Toàn kéo dài giọng:
-Vâ…âng!
Rồi Toàn giơ tay ấn tôi với Thảo vút qua con đường xóm, vượt một bãi tha ma lởm chởm những bia và tập ác. Sau một quãng dài, chúng tôi lại đi từ từ. Tôi hỏi:
-Ông phó nào ở trong ấy đấy?
Toàn nói:
-Em biết trong xóm ấy có một phó lí Việt gian, em hỏi liều như thế cho có vẻ quen thuộc. Giá không có cánh đồng nước sâu thì chả tội gì mà đi sát vào cái xóm ấy. Vì rằng lội nước giữa dòng nó dễ nghe thấy, mà nhỡ nó hỏi thì khó trả lời. Có lần, em nói là em đi câu, lần này thì đi thuốc lào. Chúng nó cũng chẳng tin hẳn đâu, nhưng chính là chúng nó cũng sợ.
Tôi phê bình Toàn:
-Em không chủ quan đấy chứ?
-Em không… Em chỉ biết là bọn chúng rất sợ vớ phải du kích, nhỡ ra không được cái gì mà lại mất mạng. Nó lạ gì cái món phá tề của ta!
Càng về khuya, gió càng lạnh. Cứ đi độ hơn một tiếng, chúng tôi lại nghỉ vài phút. Có quãng, chúng tôi đi thoải mái như giữa vùng tự do, vừa đi vừa nói chuyện. Toàn hỏi Thảo:
-Anh ở trên rừng hay sao mà gầy thế?
Thảo đáp:
-Anh ở gần rừng thôi, nhưng không phải vì ở gần rừng mà gầy đâu, tại vừa bị sốt đấy.
-Vừa sốt mà anh đã vào địch hậu làm gì?
-Vào công tác. Em cũng gọi trong này là vùng địch hậu à?
-Em thấy các anh gọi thế.
Toàn quay sang hỏi tôi:
-Còn anh ở đơn vị nào?
-Bí mật quân sự.
-Sao anh là bộ đội mà đi một mình?
-Có công tác phải đi một mình.
-Công tác gì hở anh?
-Bí mật quân sự.
-À, em hiểu rồi, chắc các anh sắp đem bộ đội vào đây chứ gì! Vào nhiều nhiều vào, các anh ạ. Em là em yêu bộ đội nhất. Em muốn xin làm liên lạc cho bộ đội được không anh?
Tôi lắc đầu:
-Em hỏi anh Hoạt xem.
Toàn im lặng như ngẫm nghĩ một điều gì, rồi nói:
-Em chỉ muốn các anh về cho em đi cùng diệt mấy cái bốt chung quanh làng em, diệt mấy thằng tề…
Giọng Toàn lắng hẳn xuống. Tôi nghĩ em đang nhớ đến mối thù đối với bọn đã giết cha mẹ em. Để tránh không khí không vui, tôi nói lảng sang truyện khác…
-Em học lớp mấy rồi?
-Em mới học chữ được hai năm nay, bây giờ vừa công tác vừa học. Em chỉ lo lớn lên không học kịp nữa thì dốt chết…
-Không lo, cứ vừa làm vừa học, sau này ở đâu cũng có trường, chỉ lo mình lười thôi.
Đi một quãng, tôi lại hỏi:
-Thế ngày nào em cũng đi xúc tép à? Có được nhiều không?
Được hỏi trúng vào một chỗ “chuyên môn’’ của mình, Toàn ra vẻ thông thạo:
-Có mùa thôi anh ạ! Em còn đi cấy đi gặt nữa. Em xúc tép bằng lưới, cái lưới vuông vuông to bằng cái bánh đa ấy mà. Cũng chẳng được nhiều lắm đâu, còn bận vì mấy cái bốt. Cứ được mẻ nào là rang chén luôn.
Đến một chỗ nghỉ, Toàn lôi bên trong vạt áo ra một nắm cơm, giữa nắm cơm là một dúm tép rang mặn. Toàn bẻ cơm đưa cho Thảo và tôi:
-Các anh ăn đi! Anh Hoạt dặn là nắm cơm này chia ba, mỗi người một phần, và đúng đến quãng đường này mới được ăn. Anh ấy sợ là em đói thì sẽ ăn hết ngay từ đầu! Các anh ăn đi. Anh Hoạt bảo là các anh không chuẩn bị kịp thức ăn mà.
Thảo và tôi mỗi người chỉ ăn một mẩu vì thấy Toàn ăn ngon lành quá, muốn nhường cho Toàn ăn nhiều, Toàn vừa nhai vừa nói:
-Các anh nhường em chứ gì!
Tôi phải nói dối:
-Không anh Thảo thì mệt, còn anh thì mới ăn cơm buổi chiều no lắm, anh cũng ít khi ăn ban đêm.
Toàn ăn hết, còn nhặt nốt mấy hạt cơm dính trên tay đưa lên miệng. Tôi nhìn em mà thấy tội nghiệp quá. Thả sức ra có lẽ Toàn có thể ăn gấp hai ba lần.
Phủi tay, Toàn hỏi:
-Đố các anh biết cái món tép vừa ăn là loại tép gì, tép riu hay tép trắng?
Thảo đáp:
-Tép riu.
Toàn bật cười lên, cái cười hồn nhiên và trong sáng ấy như mấy vì sao trên trời:
-Thế thì anh lầm! Đồng vùng em toàn tép trắng. Có con to như con tôm con. Cất nó lên, cho vào giỏ, nó nhảy tanh tách như mưa rào ấy!
Chúng tôi lại đi. Bước chân đều đều qua hết làng này đến làng khác. Đôi lúc, tiếng chó ở đâu giật mình sủa vọng lại, rồi lại im. Một thứ im lặng đầm ấm và hiền lành. Tôi cảm thấy rõ ràng là mặc dù ở đây vùng địch nhưng đồng ruộng này, xóm làng này vẫn là ruộng đồng và xóm làng của ta. Mấy cái bốt rải rác đằng xa kia chỉ là những hạt gai nhỏ. Nghĩ vậy, tôi càng hiểu thêm tại sao người cán bộ và người dân cơ sở dù cực khổ bao nhiêu vẫn tin tưởng ở cách mạng, tôi càng hiểu tại sao em Toàn tuy nhỏ tuổi nhưng đã sớm biết, đã lớn hơn tuổi của mình. Giá không có quân giặc thì với tuổi này, Toàn đang được sống trong sự trìu mến của cha mẹ anh em, đang được học ở một nhà trường nào đó…
Ba giờ rưỡi, chúng tôi đến bờ sông Kinh Thầy.
Toàn lại tỏ vẻ thích chí:
-Đấy nhé, em nói với anh Hoạt có sai đâu, đến bờ sông Kinh Thầy trước bốn giờ sáng.
Tôi mừng thầm khi thấy quãng sông này không rộng lắm. Trời nhiều sương nhưng cũng trông rõ bờ bên kia, hai bên chúng tôi là một rặng chuối dài, gió vỗ những tàu lá kêu lạch xạch. Tôi vươn vai thở mấy cái cho lại sức. Khi nhìn xuống, tôi bỗng giật mình thấy Thảo ngồi gục đầu vào gối đang nôn ọe. Toàn vội ôm lấy Thảo:
-Sao anh! Anh tỉnh chứ?
Thảo cố ngẩng đầu:
-Tỉnh, em đừng lo, nôn tị thôi.
Toàn hoảng hốt:
-Chết chửa, tay anh làm sao lạnh thế này!
Tôi sờ lên trán Thảo cũng thấy lạnh. Tôi biết Thảo đêm nay đã đi quá sức, nhưng người cán bộ ấy vì công việc cần thiết vẫn phải đi cho kịp thì giờ. Toàn và tôi vội dìu Thảo lại ngồi dưới gốc chuối cho khuất gió. Rồi Toàn móc trong túi ra một lọ dầu con, xoa vào trán, vào mũi, vào ngực Thảo. Dần dần, người Thảo đã âm ấm. Anh thì thào:
-Vượt sông đi thôi chứ! Đây còn là đất địch!
Tôi nhìn Toàn:
-Thế nào?
Toàn vẫn ra sức xoa bóp cho Thảo. Tôi hỏi:
-Lúc nào em cũng mang dầu đi theo à?
-Không, dầu của anh Hoạt đưa cho, dặn là đề phòng anh Thảo bị cảm. Thật là may.
Một lần nữa, tôi lại thầm cảm ơn Hoạt, người cán bộ quả là chu đáo ấy. Toàn ghé miệng vào tai Thảo:
-Anh tỉnh thật rồi chứ?
-Tỉnh thật rồi, choáng một tí, không việc gì. Bỏ anh ra mà tìm cách vượt sông đi, gà gáy đến nơi rồi!
Chạy xuống bãi, Toàn đứng thẳng trên mô đất, rút bật lửa ra bật mấy cái làm hiệu cho bên kia sông. Tôi dán mắt nhìn theo. Không thấy gì.
Toàn bật tiếp mấy cái nữa.
Vẫn không thấy gì.
Mười phút qua.
Toàn sốt ruột bảo tôi:
-Có lẽ tại sương mù hay có việc gì xảy ra. Ở bên ấy, họ phải giấu thuyền suốt ngày đấy anh ạ.
Tôi bảo:
-Có thể gọi được không?
-Không được, gọi nhỡ lộ mất.
Nói rồi, Toàn bật thêm mấy cái nữa. Tia lửa xanh lè hiện ra như con đom đóm lạc giữa bờ sông.
Thêm năm phút nữa qua. Tôi nhìn đồng hồ, thấy chiếc kim như nhích nhanh một cách lạ thường. Toàn lẩm bẩm câu gì trong miệng rồi bảo tôi:
-Anh ngồi trông anh Thảo nhé. Để em vượt sông lấy thuyền. Anh Thảo anh ấy không bơi được nữa rồi. Phải mau mau kẻo nhỡ gặp bọn địch nó đi pa-tui(1) sớm.
(1) pa-tui: đi tuần
Tôi sửng sốt:
-Một mình em bơi sang, không được!
-Không, đã có thân chuối, anh đừng sợ. Chậm một tý nhưng chắc chắn. Ngồi đây mà chờ thuyền thì sáng mất. Anh phải ngồi lại trông anh Thảo, kẻo nhỡ anh ấy làm sao thì không có ai. Em phải sang sông mới tìm được thuyền, chứ anh có sang thì cũng chẳng được việc gì kia mà!
Tôi biết không thể làm trái ý Toàn nữa. Toàn đưa chiếc gậy cho tôi giữ hộ. Tôi khiêng thân chuối cho Toàn đến mặt nước. Sương mù xuống nặng, chỉ mấy phút sau tôi không thấy bóng Toàn đâu nữa. Mặt sông phẳng lặng như một dải cát đục. Thảo vỗ vai tôi, hơi thở đã đều đặn.
-Thằng bé nó can đảm và dễ thương quá. Hồi mình mười bốn mười lắm tuổi, mình thua nó xa.
Tôi không nói gì vì bụng dạ tôi lúc ấy chỉ lo cho Toàn bơi quá mệt nhỡ sang sông không có đò thì làm thế nào. Hai chúng tôi liệu có bơi dìu Thảo sang nổi không? Mà Thảo vừa bị cảm, ngâm nước lần nữa là rất nguy hiểm… Tôi cố giương mắt, lấy hết sức ra nhìn. Nhưng dòng sông vẫn đục lờ, không một bóng đen, không một tiếng động. Tôi bỗng thấy bực mình với mấy tàu lá chuối cứ vỗ lạch xạch như đùa và trêu tức chúng tôi.
Tôi lại nhìn vào đồng hồ.
Năm phút nữa qua.
Có lúc tai tôi như nghe thấy có tiếng mái chèo và mắt như thấy có gì động đậy trên mặt nước. Nhưng nhìn kỹ ra lại không phải. Thảo nói khẽ:
-Không nhanh được đâu, đừng nóng ruột!
Chợt tôi muốn nhảy người lên khi thấy lóe ở bờ sông bên kia mấy ánh lửa. Đúng là con đom đóm của Toàn rồi!
-Hoan hô em Toàn!
Tôi muốn rú lên vì vui mừng. Thế là Toàn đã qua sông!
Mười phút sau, một chiếc thuyền gỗ bơi sang, ghé bờ. Toàn ngồi chồm hỗm trên mũi thuyền, tay lái là một người đàn ông. Người lái này thấy chúng tôi chỉ nói khẽ: “Chào các đồng chí’’ rồi đứng im giữa thuyền. Tôi khen Toàn bơi nhanh. Toàn bảo:
-Em phải vác thân chuối xuống nước cho các anh yên tâm về em, rồi ra một quãng em thả đi, chứ ai lại ôm chuối mà bơi làm gì cho nặng!
Tôi lắc đầu chịu thua!
Hai anh em dìu Thảo xuống thuyền. Mỗi người một tay chèo thuyền rời khỏi bờ.
Chợt có tiếng ì ì từ khúc sông xa phía dưới vang lên. Tôi nói:
-Im lặng các đồng chí! Có lẽ ca nô nó đi tuần. Quay thuyền vào mau! Thuyền chao đi, vòng trở lại.
Nhưng chúng tôi chưa kịp nhảy lên đất thì tiếng ì ì đã im rồi tắt hẳn, Toàn vẫn ngồi chồm hỗm trên mũi thuyền.
-Em biết là nó không dám lên đến quãng sông này mà! Lại bơi sang thôi các anh ạ, chậm tí nữa nó lên thật thì nguy! Trời sáng, nó có thể lên đấy!
Ra đền quá giữa dòng sông, Toàn quay lại:
-Thế là thoát rồi. Chỗ này là bắt đầu vùng tự do đây, em hát nhé, hát khẽ thôi.
Toàn vừa hát vừa lắc lư cái đầu.
Em hát bài gì, tôi không nhớ. Tôi chỉ nhớ giọng hát của em đượm đầy tinh thần tuổi trẻ của một thiếu niên đang sức lớn và vô cùng lạc quan.
Tôi hỏi Toàn:
-Em không thấy mệt à?
-Đến đây là hết mệt rồi anh ạ.
Thảo cười khò khè trong cổ họng:
-Có phải lúc nãy em lo cho anh có thể chết ở bên bờ sông bên kia phải không?
-Vâng, em thú thật là lúc sờ thấy người anh lạnh đi, em suýt phát khóc đấy.
Chúng tôi lên bờ. Người đàn ông lái thuyền lại lặng lẽ nói: “Chào các đồng chí’’ rồi chèo đi ngay chỗ khác. Toàn dẫn Thảo và tôi lên con đê, và qua một quãng nữa thì tới một cái quán đang lập lòe ánh lửa.
Chúng tôi vào quán tạm nghỉ, kiểm tra tài liệu. Trên bếp là một nồi canh đang sôi. Bà cụ già nhìn chúng tôi, bảo:
-Các anh ngồi lửa cho ấm rồi ăn bún riêu mở hàng. Ở đây là vùng của ta rồi, không phải vội. Bún của tôi chỉ có các anh mở hàng thôi đấy.
Qua câu nói và cử chỉ của bà, tôi biết bà cụ rất hiểu chúng tôi là loại người nào và ở đâu đến. Thảo hơ hai bàn tay vào bếp lửa. Toàn nhìn vào nồi canh, bảo tôi:
-Lúc chiều, em nói là em có nợ một bát bún ở bên kia sông Kinh Thầy tức là em nợ cụ ở đây đấy. Lần trước em đói quá, cụ cho em ăn, em không có tiền. Lần này em sang, em trả lại cụ.
Bà cụ gạt đi:
-Bà biết thằng cháu rồi, không ai lấy tiền của thằng cháu nữa đâu!
Rồi quay sang Thảo và tôi:
-Các anh ăn bún nóng nhá.
Bà cụ múc ra ba bát. Chỉ nháy mắt, Toàn đã húp gọn một bát. Tôi bảo bà hàng:
-Cụ cho em nó một bát nữa.
Toàn tỏ vẻ lưỡng lự. Tôi nói:
-Em cứ ăn đi, anh có tiền.
Toàn ăn hết bát thứ hai rồi xách bát ra đằng sau rửa
Tôi sợ Toàn chưa no:
-Em ăn nữa đi!
Toàn vỗ vào vụng:
-Em no rồi. Bún ngon ghê quá.
Đến lúc trả tiền, Thảo và tôi phải nói, Toàn mới chịu để tôi trả hộ phần Toàn ăn. Nhưng sau đó, Toàn lộ ra vẻ không yên tâm.
Em lẩm bẩm:
-Anh Hoạt vẫn dặn em không được lấy cái gì của ai. Em ăn bún của các anh, thế là không phải. Anh Hoạt biết, anh ấy giận em.
Thảo cằn nhằn:
-Rõ lạ, các anh coi em như em ở nhà, sao em khó tính thế.
Toàn không biết nói sao nữa, đứng im.
Tôi ghé mắt nhìn ra ngoài. Trời hướng đông đã hửng sáng. Tôi cầm tay Toàn:
-Thôi, anh đi nhá.
Ngơ ngác, Toàn hỏi:
-Anh đi đâu?
-Anh đi về Đông Triều. Còn em đi đâu?
-Em còn công việc của anh Hoạt giao cho. Tối nay em lại vượt sông trở về xã…
Bỗng có tiếng sung “tắc bọp’’ xa xa.
-Tiếng súng, hay nó càn về xã em rồi? Anh Hoạt đã bảo em… Đấy, súng ở đường 5 rồi, đúng rồi!
Chúng tôi cùng lắng tai. Tiếng súng vẫn đì đẹt nhưng thưa dần. Thấy Toàn bối rối, tôi an ủi:
-Không, tiếng súng thưa, chắc nó bắn vu vơ gì đó. Lại giống sáng hôm qua chứ gì!
Toàn lắc đầu:
-Không, em sốt ruột lắm, tiếc là không thể quay lại bây giờ được. Không biết anh Hoạt em lúc này ở đâu?
Tôi bắt tay Thảo và kéo Toàn ra gốc cây đa bên bờ đường. Toàn cứ trố mắt ngắm nhìn tôi suốt từ đầu đến chân như để cố ghi lấy hình dáng tôi vào trong trí nhớ. Tôi nói:
-Anh cho em cái này làm kỉ niệm nhé.
Ngoắt quay đi, Toàn đáp:
-Không, em không lấy gì cả. Em ăn bún của anh rồi.
Tôi níu vai Toàn:
-Em tưởng anh cho em gì mà em không lấy? Anh cho em cái này.
Thấy tôi móc trong túi ra quả lựu đạn trứng. Toàn reo ầm lên:
-A, thích quá! Cho em, cho em! Ai cho anh đấy!
-Của một cán bộ ở Hải Dương.
-Cho em thật nhé!
-Nhưng em dùng để làm gì?
-Để em…
Toàn không nói nữa. Tôi biết em đang có những ý nghĩ mung lung trong đầu. Tôi dặn:
-Anh cho em làm kỉ niệm, để em tự vệ những khi đi liên lạc, không được dung liều nghe chưa? Khi về, phải báo cáo với anh Hoạt. Anh gửi lời thăm anh Hoạt nhé!
Toàn giấu biếm quả lựu đạn vào túi như sợ ai giành giật mất. Tôi bảo:
-Em cho anh cái gậy tre này nhé!
Toàn đưa gậy cho tôi. Tôi nắm chặt tay Toàn, giật giật luôn mấy cái. Mặt em đang hớn hở bỗng như xịu lại. Tôi biết em chưa muốn đi ngay. Nhưng để tranh thủ thời gian, tôi cứ quay đi, và theo con đường đất đỏ, tôi rảo bước về phía Đông Triều… Vừa đi, tôi vừa đập cái gậy tre của Toàn vào hòn đá bên cạnh đường kêu lốp cốp giống như Toàn đập vào cột nhà tối qua.
Em Bé Bên Bờ Sông Lai Vu Em Bé Bên Bờ Sông Lai Vu - Vũ Cao