Bí mật của thiên tài là có được tinh thần của trẻ con khi mình đã lớn, có nghĩa là không bao giờ mất nhiệt huyết.

Aldous Huxley

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Little Rain
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1710 / 33
Cập nhật: 2014-06-19 22:57:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
à bụi. Và tanh. Và ồn ào. Và hơi người. Và chen chúc…
Chợ họp mỗi lúc một đông.
Thế mà thằng Canh đến bây giờ chưa được một cơ hội tốt nào để thì hành cách kiếm ăn của nó. Người khôn của khó có khác! Được một miếng ăn, thật là vất vả.
Bỏ vốn ra buôn, được ít lợi quá, người ta ca kiết đã đành. Không mất đồng vốn nào, chỉ hòng thu lợi không, thằng Canh cũng nhăn nhó: nó làm nghề ăn cắp.
Nghề ấy mới xấu.
Mặt trời lừng lững lên cao chói lọi. Ánh nắng tung tóe mạnh mẽ, đã làm khô những bãi quết trầu. Bóng râm bụt ngắn dần.
Người ta chen nhau, đẩy nhau, cản nhau. Một tốp người đi. Một tốp người lại. Tranh nhau đi lại, rồi mắc ngẵng ở lối hẹp, ùn lại. Người ta đẩy nhau. Một bà đương chổng mông, mặc cả bìa đậu, bị giúi ngã sấp xuống mẹt hành. Một chuỗi của chẳng ngon bày ra để hiến các ông bà ông vải. Nheo nhéo.
Những người khôn ngoan, làm lơ, tay giữ túi, chân bước đi. Cho được việc. Người tò mò, hiếu sự đứng lại, tủm tỉm cười, hùn cho đám chửi nhau vui hơn. Vòng trong, vòng ngoài, người ta kéo đến xem và nghe. Đông như đám hội.
Thằng Canh vội thất thểu tới. Thế là khán giả, không ai bảo ai, giải tán dần.
Ung dung, nó đứng nhìn người bị nạn, nhởn nhơ chế giễu. Kì thực, trong bụng nó tiếc, vì nỗi nó đến quá muộn mằn.
Rồi nó giả vờ làm người điên hoặc người say. Nó thất tha thất thểu, đi loạng choạng, chân nam đá chân chiêu, đụng người nọ, va người kia. Vô phúc, nó dính vào ai, là luôn thể nó dính cả sự giàu có của người ấy đương bình tĩnh ẩn dật tận dưới đáy túi.
Nhưng người ta ai còn lạ gì nó. Chẳng ai để nó đến gần. Mặt nó, người ta nhẵn lắm rồi. Cả đời, nó mặc chỉ có thế. Cái quần cháo lòng xắn lá toạ, ống cao ống thấp, thì bở tơi, nhưng đầu cồm cộp những đất, bùn và ghét. Cái áo dài vải tây đen, nay chỉ còn giữ được màu nước dưa, thì ở lưng, vai, tay, ngực, bướp ra, mà năm khuy thì về hưu trí bốn. Mỗi chỗ rách là kỉ niệm một trận đòn mê tơi, kết quả của một kì công về sự nghiệp trong đời sinh sống của nó.
Cái áo ấy có hai công dụng. Vừa để che cái thân khẳng khiu, khô đét cho khỏi rõ những mạch máu và bộ xương sườn, vừa để giấu tạm thời các thứ lấy cắp.
Nhưng nó chẳng bưng kín được khí cục của nó hiện cả ở trên đầu, không có gì che đậy. Đầu nó chỉ còn hình cái sọ cắm trên cái cổ dai ngoách, mà luồng gân kheo như kéo nổi lên, mấp mô như thớ chiếc kẹo kéo. Da mặt bọc ít thịt quá, thành ra thừa nhiều, nó nhăn nheo lại, mà những đường nhăn chi chít như vết rạn của men cái lọ cổ. Tóc nó chịu nằm ẹp trên đầu, không dậy được, nhưng những ngọn lúa bị bão, mà chảy cả xuống, quắp vào trán, vào gáy, vào mang tai.
Nhưng cái tướng ăn cắp của nó tốt ở đôi mắt, nhỏ mà dài, có hai con ngươi rất mẫn cán trong việc đi tuần, lúc nào cũng lấm la lấm lét.
Nó là một con ma đói, con quỷ gian. Người ta ghét nó, người ta sợ nó, người ta tởm nó. Người ta lại giới thiệu nó cả với người lạ mặt, mới đến chợ lần đầu. Tên nó, cũng có tiếng như tên hai bậc vĩ nhân Hít Mút.
Chẳng ai thương nó cả. Nó cũng là người như mọi người. Duy chỉ khác mọi người là chẳng may nó bị tạo hóa ruồng bỏ, cho nên đói khát, phải ăn cắp giấm giúi để nuôi thân. Cái ấy cũng khác hẳn với người thường. Họ thừa, họ cũng cứ đường hoàng ăn cắp
Nó cần sống ngày hôm nay, về buổi chợ này. Mà chưa ăn cắp được thứ gì cả.
Mặt trời lên đến đỉnh đầu. Chẳng thừa một mẩu bóng râm nào ra ngoài.
Chợ đã vãn dần.
Đã bớt bụi. Đã bớt tanh. Đã bớt ồn ào. Đã bớt hơi người. Đã bớt chen chúc.
Thì nó liều. Liều chết để sống.
Nó thu vào tay một bọc, méo mồm, nhăn mặt để gãi quai hàm, sai mắt đi do thám. Hàng nồi: đất. Hàng lưỡi cày: sắt. Hàng thợ cạo treo cái gương tư mã trên thân cây: lách tách, tóc. Hàng thợ may, ông phó may máy “pho”: giẻ. Toàn những thứ không tiêu được.
Kìa! Hàng khoai lang. À! Khoai lang luộc! Được lắm!
Nó chòng chọc nhìn: những củ to, béo nung núc, tròn trĩnh, trôi qua họng, xuống dạ dày. Thế là no. Nó không còn ước muốn gì nữa. Nó lại lương thiện ngay.
Chân bước đi, nó nghĩ. Nhưng chỉ nghĩ được cách ăn giản dị ấy. Nó nuốt nước bọt. Nó thèm.
Đến nơi. Nó đứng lại. Chờ. Nhưng chờ gì? Bao giờ chỗ này vắng người? Vắng người thì bà hàng khoai cũng về. Thế là hốc.
Khoai không bóc vỏ, ăn càng khỏi tốn. Cứ thế kia, tọt vào mồm, trôi qua họng, xuống dạ dày. Thế là no.
Nó liếc mắt xuống, nhằm củ khoai to nhất. Bà hàng đương lúi húi cúi gục vào dải yếm, vét tí vôi ăn trầu.
Nhất định nó liều. Nó khuỵu cẳng. Ngã phịch. Một củ khoai ở mẹt biến mất.
Nhưng mà:
- Ối giời ơi! Nó ăn cắp khoai của tôi!
Thằng Canh vùng chạy.
Bà hàng nằm xoài ra, nắm ngay được nó.
Hỏng to! Bỏ trả? Khi nào! Phải tiêu thụ ngay của ăn cắp đi. Nó đưa phắt củ khoai lên mồm, ngoạm một miếng tướng đại.
- Các ông bà bắt thằng Canh hộ tôi! Nó ăn cắp.
Người ta huỳnh huỵch. Tán loạn.
Mặc kệ. Nó nuốt lấy nuốt để. Miếng khoai trôi xuống cổ nó phình ra. Nó lại vội vàng ngoạm miếng nữa, nhai ngấu nghiến.
Bà hàng ôm chặt lấy chân nó. Nó khoẻ hơn, giằng ra được. Người ta xúm lại, tóm ngang lưng nó. Nó không chạy. Nhưng nó vẫn nhai, vẫn nuốt. Rồi biết thế nguy, nó không nhai, trợn mắt lên để nuốt chửng. Rồi lại hấp tấp ngốn luôn miếng nữa.
Chửi. Kêu. Đấm. Đá. Thụi. Bịch. Cẳng chân. Cẳng tay. Như mưa vào đầu. Như mưa vào lưng. Như mưa vào chân nó.
Nó bị đánh túi bụi. Nhưng nó chẳng quan tâm. Không kêu. Mồm vẫn hăng hái làm việc. Mặc cho những chỗ khác bị đến tử hình.
Người ta đến càng đông. Vẫn đánh nó. Cả đòn càn, đòn gánh nữa. Người ta phang cho sướng tay.
Rồi người ta giữ chặt lấy nó. Nhưng nó cố cúi đầu xuống, để cắn cho mau. Người ta giằng ra. Còn những một góc củ nữa.
Người ta móc mồm nó, gang họng nó, quào chảy máu cả má nó. Nó cứ cố ghì, nhất định không nhả.
Nó ngã lăn ra. Mẩu khoai bị nắm chặt, nát bét trong tay nó.
Vẫn chửi. Vẫn kêu. Vẫn đấm. Vẫn thụi. Vẫn bịch. Vẫn cẳng chân. Vẫn cẳng tay. Vẫn đòn càn. Vẫn đòn gánh. Đáng kiếp!
- Cho nó chừa đi!
Người ta ghì chặt lấy nó. Nó oằn oài, cố cựa. Rồi gò miệng vào gần tay, co tay vào gần miệng, nó đưa bật được miếng khoai nát bét, lẫn cả đất cát vào mồm. Phóm phém, nó nhai. Rồi nuốt xong, nó nằm yên lặng nhăn mặt để cho tiêu… Trận đòn càng dữ dội.
Người ta trói nó lại. Nó không cựa được. Mồm nó hết việc làm, mới há hốc ra để ằng ặc.
À, ra nó đau.
Rồi nuốt xong nốt tí khoai lang dính bết ở hàm răng, nó mới ú ớ:
- Lạy các ông các bà, cháu thấy đau lắm rồi!
Thì ra trong khi lăn vào ăn để được bữa no bụng, nó quên rằng đương bị một trận đòn nhừ tử. Không trách được người ta, ăn xong mà lỡ ra mới bị đòn, thì đời nào tiệt được máu ăn cắp.
Được Bữa No... Đòn Được Bữa No... Đòn - Nguyễn Công Hoan