Nếu bạn đã cố gắng hết sức mình thì bạn sẽ vẫn thanh thản ngay cả khi gặp thất bại.

Robert S. Hillyer

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Minh Nguyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 4
Cập nhật: 2021-05-22 19:02:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ạ nhất là bạn thấy bực bội, hôm trở lại chợ Cùng. Chừng như chẳng có gì thay đổi. Quen thuộc không chịu nổi. Vẫn mấy ngả đường ướt ngoi bởi con nước cuối năm. Cuộc tắm gội không có vẻ gì sảng khoái, mà tái nhợt như thiếu chút nữa chết đuối. May mà triều xuống kịp, may mà nắng lên. Nước rút đi, rác ở lại, những túi ni lông chai nhựa, vài con ba khía gãy càng, trên đường nằm phơi nhiều trái mắm trái đước còn tươi.
Nắng lên vẫn không làm dãy nhà lồng chợ bớt tối chút nào. Nó vẫn lụp xụp như hồi nào giờ vậy. Nằm bám theo mấy con đường nhỏ chạy dọc mé sông vẫn những ngôi nhà sàn ghép tạm bợ, rùng mình dưới bước chân người. Mấy chị đàn bà bưng tô cơm ngồi ăn trên võng treo trước hàng ba. Vài anh say nằm ngủ bải hoải trên đống lưới đang vá dở. Ai đó xỏ cá khoai vào dây phơi. Mấy đứa con nít đánh bài ăn quỳ cãi rền trời đất.
Có thể nhiều nhà lầu hơn. Có thể con đường kia được nới rộng ra. Nhưng cái không khí nơi này chừng như y vậy, không khí của một nơi chốn bên lề. Buổi sáng này không khác chi buổi sáng mười lăm năm trước, bạn đi loanh quanh đợi tàu đò, thứ duy nhất đưa bạn thoát ra khỏi cái chợ cuối trời.
Bị mắc kẹt. Đó chính xác là cảm giác của bạn, mỗi lần đưa khách của cơ quan đi tới chấm đất cuối cùng. Chuyến tàu dài bảy giờ đồng hồ từ thị xã tới đây, thì chuyến tàu cuối chạy chiều ngược lại đã rời bến. Ở cái nơi chốn mà sông nước cắt mỗi xóm làng thành ốc đảo, không có tàu chỉ còn cách ngồi ngáp bên sông. Bọn bạn buộc phải qua đêm ở chợ Cùng. Không có nhà trọ, nhưng dễ tìm một chỗ ngủ ở nhà dân, còn cầu kỳ hơn thì ghé ủy ban xã mượn cái mùng lên hội trường giăng đỡ.
Đêm lên ngay khi mặt trời chưa lặn, đêm rất dài. Không có chỗ nào để đi, qua khỏi bến tàu là tường thành bóng tối dựng ngược. Trên bến vài ba cái quán chong đèn. Một chị lỡ thì bắc cái ghế ngồi đằng trước ngó ra sông, cái nhìn khó tả. Rõ ràng là chẳng phải trông khách, bởi khách đã vào rồi chị vẫn cố nán nhìn thêm chút nữa, trước khi bước qua quầy nước. Cái bớt nâu tối thẫm nửa trái gương mặt. Bên sông treo vài ngọn đèn dây tóc đỏ nhợt sau lớp lưới phơi giàn. Vài chiếc ghe biển trở về, lừ lừ dọc theo con rạch.
Bạn vừa qua hai mươi tuổi, mỗi năm có chục ngoài lần qua đêm ở cái nơi chốn hiu quạnh này, cảm thấy mắc kẹt bởi tối đêm, dây tóc bóng đèn lúc rạng lúc lịm đi bởi nguồn điện phập phù, người phụ nữ mang bớt nâu trên mặt nhìn ngó mông lung, bến tàu vắng ngắt. Và thứ tình cảm gần như ủy mị của những người khách đi hàng ngàn cây số tới đây, chỉ để chạm vào cột mốc số 0, cũng khiến bạn khó bề vùng vẫy.
“Ôi trời, nửa thế kỷ, tốn biết bao nhiêu xương máu mới tới được chỗ này”, họ kêu lên bằng cái giọng miền ngoài mà bạn vẫn chưa quen tai, mân mê mãi cái trụ bê tông tróc lở. Chừng như chỉ chạm tay vào đó, chụp cái ảnh làm chứng, móc cục sình hít hà, họ mới tin đây không phải giấc mơ. Bạn thì dòm chừng anh chạy đò máy, lỡ ảnh đói bụng bỏ về thì không biết làm sao quay lại chợ.
Mười bốn năm sau, những con đường những cây cầu đưa bạn trở lại chợ Cùng, vẫn cảm giác bị mắc kẹt. Lần này là trong một nếp gấp thời gian, rõ ràng là lâu vậy rồi, nơi này lại không thay đổi mấy. Như thể bị bỏ rơi.
Con đường ngàn tỉ không chạy qua chợ Cùng, nó xuyên rừng đi thẳng tới cột mốc số 0. Ở đó những Công trình đắt tiền khác đang và sắp được xây mới, được trang hoàng đẹp đẽ, nhằm vừa lòng du khách ngày mỗi đông lên. Họ ngồi xe hơi tới, kịp ăn trưa với hải sản tươi rói, kịp đăng ảnh thông báo với thế giới mình đang chinh phục mảnh đất cuối trời, rồi ngủ một giấc sâu trên mấy cái võng treo trong quán, vẫn kịp đi một trăm cây số quay lại thành phố lúc lên đèn.
Không có bao nhiêu người ghé thăm cái chợ khuất sau mấy vạt rừng, cách khu du lịch một vài cây số. Nó như cái chái sau, chẳng ai dọn dẹp vì khách đâu ngó tới. Bạn cũng không, nghĩ mình có lý do. Những kỷ niệm bạn có với cái chợ nhỏ này là những đêm buồn tẻ, mà tiếng gà đập cánh, giọng cười của đứa trẻ cũng bị sông nước làm cho bớt giòn. Là cảm giác thất vọng khi mặt trời lên mà dưới bến không có chiếc tàu đò nào đậu cho khách. Ông chủ tàu bỏ bến, vì nghe đâu tối qua nhậu say. Chị chủ quán nước có cái bớt son an ủi khách, nói vẫn còn một chuyến tàu trưa. Nhưng nghe giọng thì chính chị cũng không chắc chiếc tàu đó có y hẹn và nó có chở hết cả đống khách ngồi chờ.
Người phụ nữ đó, chừng như vẫn sống một mình trong cái quán nhỏ trên cái bến tàu bỏ không. Gia cảnh đơn chiếc có thể nhìn thấy qua mớ đồ treo trong tủ áo sau quầy nước. Cái bớt son choán chật gương mặt nhiều nếp nhăn. Hỏi chị có nhận ra em không, chị cười, mắt nhìn ra sông, vẫn cái nhìn không rõ nghĩa.
“Cái anh tóc quắn đi với cưng hồi xưa, khỏe chứ?”.
Bạn không biết chị hỏi anh nào. Có quá nhiều người được bạn đưa đi.
“Ảnh chụp hình mấy ông bà già trong xóm, hứa là về rửa hình gửi xuống tặng để họ làm ảnh thờ”, chị nhắc thêm. Bạn chịu thua, khách của cơ quan khi đó, không dân chụp ảnh cũng người làm thơ. Nghe nói chị cũng làm mẫu cho anh nọ chụp cả tối. Bạn hơi lạ, bởi trong trí nhớ, hồi đó ai hỏi chụp hình, chị cũng xua tay nói “tui xấu lắm, đừng!”.
Nhưng chị đã bị thuyết phục, và cho tới giờ vẫn chưa được nhìn thấy chân dung chính mình. Người đàn ông ấy đã nói gì, rằng cái bớt chàm kia không che được vẻ đẹp của chị, rằng vẻ đẹp tâm hồn quan trọng hơn nhiều, rằng anh muốn giữ gương mặt chị bên mình, cho dù trí nhớ có bị mai một? Chị không kể. Như mười mấy năm trước, chị không phải kiểu người xởi lởi như đa số dân trôi giạt xứ này.
Không biết người đàn ông đó có lần nào quay lại chót đất không, như bạn tới lui khu du lịch suốt. Chỉ là không ghé qua một nơi chốn bên lề. Nói cho cùng, hồi đó cái chợ là nơi bất đắc dĩ mới dừng chân. Khách tới vì cột mốc chứ không phải vì nó. Và người đàn bà kia nữa, khách đọc thơ tặng chị bởi không quán nào thức khuya hơn. Nhưng cuộc gặp lại của chục ngoài năm sau khiến trong bạn nảy ra một ý nghĩ đáng sợ, rằng chợ Cùng vẫn giữ nguyên cảnh cũ, để cho những hứa hẹn xưa.
Đợi Xa Xôi Đợi Xa Xôi - Nguyễn Ngọc Tư