Số lần đọc/download: 0 / 1
Cập nhật: 2023-04-23 21:51:54 +0700
T
ôi nói với các bạn tôi, hầu hết là dân tri thức xuất khẩu lao động trình độ cao đang làm việc tại các trường học hay doanh nghiệp tại Pháp rằng chúng ta dù có sống ở đây đến cuối đời thì mãi vẫn là người Việt, người Châu Á. Vì thế mọi thay đổi hay biến động gì của châu Á nói chung và của Việt Nam nói riêng đều sẽ ảnh hưởng một cách gián tiếp đến chúng ta.
Châu Á mà tôi muốn nói ở đây phỏng theo cách gọi của người châu u khi đánh đồng tất cả tóc đen, da vàng, mũi tẹt, mắt hí là người Trung Quốc. Tất nhiên không phải người Tây nào cũng dốt hay cố tình dốt thế, ít nhất trong môi trường học thuật hay dân trí cao thì họ còn biết ngoài người Tàu còn có người Việt, người Lào, người Campuchia, còn lại đối với đại đa số người Pháp khác thì tất cả châu Á (trừ Nhật Bản, Hàn Quốc) đều giống nhau, từ văn hóa đến tính cách. Có lẽ đúng. Cũng như cách chúng ta nhìn nhận phiến diện rằng tất cả người rệp là một cộng đồng cùng tôn giáo, cùng tính cách vậy.
Bởi thế khi hình ảnh người Trung Quốc nếu có trở nên xấu đi thì người Việt ở Pháp cũng không tránh khỏi bị vạ lây. Thế mới có chuyện khi đại dịch coronavirus tại Trung Quốc xảy ra, những người Việt bỗng cảm thấy bị kỳ thị, xa lánh. Càng những vùng dân trí thấp thì mức độ kỳ thị càng cao. Điển hình ở các thành phố theo Đảng Cộng Sản nghèo đói như Saint Denis, Aubervilliers một số học sinh bản địa bị tiêm nhiễm từ bố mẹ, họ hàng chúng không ngần ngại nói thẳng vào những bạn học châu Á mắt hí của mình bao gồm đương nhiên có không ít bạn Việt rằng hãy cút về nước với con virút bẩn thỉu của chúng mày. Đó chính là sự ảnh hưởng gián tiếp tôi muốn nói đến cho những người bạn của mình.
Đó cũng chính là lý do mà cá nhân tôi không ghét người Trung Quốc như cách ghét của những người Việt trong nước. Trái lại tôi luôn song hành với họ, cùng đi biểu tình, đấu tranh khi họ xuống đường vào năm 2016 tại Paris. Năm đó ước tính có khoảng 50 nghìn người Trung Quốc tham gia tuần hành với khẩu hiệu "la sécurité pour tous".
Và khi đất nước Việt Nam hay người Việt có vấn đề gì tôi luôn cảm thấy có liên quan. Không hẳn chỉ bởi những vấn đề đó sẽ có thể ảnh hưởng gián tiếp tới tôi mà vì tôi cũng là người Việt.
Tôi bị ám ảnh bởi câu nói của Seung Li: "Xét ở khía cạnh lịch sử thì Việt Nam là một quốc gia thảm bại, nghèo khổ nhất thế giới. Câu chuyện 39 người Việt thảm tử khi tìm đường vào Anh làm thuê hồi cuối năm ngoái chính là ví dụ. Phải nhớ, hơn 5.000 công ty Nam Hàn đóng góp đến 30% GDP của Việt Nam. Việt Nam không chỉ làm nô lệ cho Nam Hàn mà còn làm nô lệ cho những quốc gia giàu mạnh khác. Việt Nam không thể có độc lập, tương lai nếu người Việt không chịu tỉnh ra và sửa chữa sai lầm của mình. Người Việt không hiểu thế nào là dân chủ và không biết làm thế nào để đạt được điều này thành ra tốt nhất là phải chấp nhận thực tế và đừng u mê nữa".
Những con số nói ra một sự thật phũ phàng cho Việt Nam vào năm 2020. Với gần 200 nghìn người Hàn Quốc hiện đang sống tại Việt Nam thì gần hết trong số đó là chủ doanh nghiệp hoặc sếp lớn tại các công ty có quyền sai khiến, định đoạt cuộc sống vật chất của hàng triệu nhân viên người Việt trên chính đất nước của họ.
Ngược lại, cũng với số lượng tương tự như thế khoảng 200 nghìn người Việt Nam tại Hàn Quốc thì làm gì? Phần lớn sang làm thuê với giá rẻ mạt theo dạng xuất khẩu lao động hoặc làm vợ nhặt theo dạng xuất khẩu cô dâu.
Sự thật là thế. Tôi không làm được gì hiện tại. Không tham gia tranh luận trên các diễn đàn. Các bạn tôi cũng không biết hay không muốn phải làm gì. Chúng tôi đang ở Pháp và làm việc trong môi trường tri thức. Và vì thế dường như những điều ấy chẳng ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi.
Paris 01/03/2020