Biển lặng không làm nên những thủy thủ tài giỏi.

Tục ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Tác giả: Ts. Aitmatov
Thể loại: Truyện Ngắn
Dịch giả: Đào Minh Hiệp
Biên tập: Lý Mai An
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 906 / 8
Cập nhật: 2016-11-20 23:03:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
singhiz Aitmatov (1928-2008) là nhà văn Kiếcghizi, thuộc Liên bang Nga, giải thưởng Lênin 1963, giải thưởng Quốc gia Nga 1969, giải thưởng Quốc gia Liên xô 1977 và 1982, Anh hùng Lao động Liên Xô, viện sĩ Viện Hàn lâm châu Âu. Những tác phẩm chính: Giamilia (1958), Chuyện núi đồi và thảo nguyên (1961), Cánh đồng mẹ (1963), Vĩnh biệt Gunxarư (1968), Con tàu trắng (1970), Con chó khoang chạy ven bờ biển (1977), Và một ngày dài hơn thế kỷ (1983), Đoạn đầu đài (1986)…
o0o
Lần đầu tiên nó nhìn thấy cha mình là ở trong phim, khi đó nó còn là một chú bé mới năm tuổi.
Chuyện đó xảy ra trong khu trại nhốt cừu rộng rãi, quét vôi trắng, nơi hàng năm người ta thường tiến hành công việc xén lông cừu. Trại nhốt cừu lợp bằng fibrôximăng, hiện vẫn còn nằm phía sau khu làng của nông trường, ngay trên đường cái, dưới chân núi.
Dạo ấy nó thường chạy đến đây với mẹ. Mẹ nó là Jengun, nhân viên điện thoại của chi nhánh bưu điện nông trường. Mỗi năm, khi mùa xén lông cừu bắt đầu mẹ nó lại được bố trí làm thợ phụ ở đó. Người thiếu phụ phải xin nghỉ phép và nghỉ bù những ngày trực ngoài giờ bên tổng đài vào mùa gieo hạt và mùa súc vật đẻ. Chị làm cho đến khi công việc xén lông cừu kết thúc. Ở đây người ta trả lương theo sản phẩm nên thu nhập cũng khá. Mà đối với chị, một thiếu phụ có chồng hy sinh ngoài mặt trận thì một xu cũng là quý, mặc dù gia đình chỉ có hai mẹ con, nhưng dù sao cũng là một gia đình, luôn phải tính đến các khoản chi tiêu: nào là củi dự trữ cho mùa đông, bột mỳ cũng phải mua ngay khi chưa tăng giá, rồi còn quần áo, giày dép…thiếu gì việc cần phải chi tiêu.
Đứa con trai không thể để ở nhà một mình vì vậy chị đành phải mang nó theo đến chỗ làm việc. Ở đây suốt ngày nó chạy quanh những người thợ xén lông cừu, những người chăn cừu và những con chó chăn súc vật lông lá bờm xờm. Mặt mũi thằng bé lúc nào cũng lọ lem, nhưng nó có vẻ rất thích thú.
Thằng bé là người đầu tiên nhìn thấy đội chiếu phim lưu động đang tiến vào sân và cũng là người đầu tiên loan báo cho mọi người biết cái tin bất ngờ và phấn khởi đó.
- Phim đến rồi! Phim!
Buổi chiếu phim bắt đầu sau giờ làm việc, khi trời đã tối. Thằng bé phải chờ đến mỏi mắt, nhưng sau đó nó đã được đền bù xứng đáng: người ta chiếu một bộ phim về chiến tranh. Trên tấm phông trắng căng giữa hai cây cột cuối dãy nhà, cuộc chiến đấu bắt đầu. Những phát súng rền vang, những quả pháo sáng bay vút lên chiếu sáng bóng đêm vốn đã bị cày nát bởi những tiếng động hỗn loạn, soi rõ những chiến sỹ trinh sát đang ép mình sát đất. Khi những quả pháo sáng vừa tắt, các chiến sỹ trinh sát bật dậy lao về phía trước. Những tràng súng máy nổ liên hồi xé toang bóng đêm làm cho cậu bé sợ đến ngạt thở. Chà, đúng là chiến tranh!
Hai mẹ con ngồi trên những kiện lông cừu phía sau mọi người. Ở đây nhìn rõ hơn. Tất nhiên thằng bé cũng muốn ngồi ngay ở hàng đầu trước màn ảnh, trên nền đất cùng với đám trẻ của nông trường. Nó định chạy ra đấy nhưng mẹ nó đã kéo lại:
- Chạy rông suốt ngày thế là đủ rồi, ngồi đây với mẹ. - chị bế nó đặt lên đùi mình.
Chiếc máy chiếu phim kêu xè xè, chiến tranh vẫn tiếp diễn, mọi người hồi hộp theo dõi. Người mẹ thở dài, thỉnh thoảng lại giật mình sợ hãi ôm chặt lấy nó mỗi khi thấy xe tăng lao thẳng về phía mình. Người đàn bà ngồi trên những kiện lông cừu bên cạnh, lúc lại chép miệng, lúc lại lẩm bẩm:
- Trời đất ơi, cái gì thế kia, trời đất ơi!...
Còn thằng bé lại chẳng sợ đến thế, ngược lại thỉnh thoảng nó tỏ ra thích thú khi thấy bọn phát xít ngã gục, còn khi quân ta ngã xuống nó có cảm giác sau đó họ sẽ vùng dậy.
Nói chung, trong chiến tranh mọi người ngã xuống trông cũng rất ngộ nghĩnh, y hệt như bọn chúng chơi trò đánh trận giả. Nó cũng biết ngã như vậy, giống như bị ngáng chân lúc đang chạy. Tất nhiên là cũng đau, có thể bị xây xát nữa, nhưng chẳng sao, bọn chúng lại nhổm dậy, lại tấn công và quên hết đau đớn. Còn những người trong phim, họ không dậy nữa, cứ nằm mãi như thế, bất động như những gò đất đen thẫm. Nó còn biết ngã theo kiểu khác nữa, như những người kia mỗi khi bị đạn trúng bụng. Họ không ngã ngay, thoạt đầu họ đưa tay ôm bụng, sau đó cong người lại rồi từ từ buông súng ra, đổ vật xuống bãi cỏ. Sau mỗi lần ngã như vậy nó tuyên bố là chưa chết và lại tiếp tục chiến đấu. Thế mà những người kia lại không dậy được nữa.
Chiến tranh vẫn tiếp diễn. Máy chiếu phim kêu xè xè. Trên màn ảnh xuất hiện những pháo thủ. Trong trận bão lửa, giữa những tiếng nổ và khói súng mù mịt, họ quay những khẩu pháo chống tăng nhằm bắn trực tiếp. Họ đang cố đẩy những khẩu pháo leo lên bờ khe. Cái dốc vừa dài vừa rộng, nhìn cứ hun hút. Và trên cái dốc ấy loé lên những tia chớp và từng đoàn pháo thủ vẫn rầm rập chuyển động. Trong sự chuyển động và trong hình dáng của họ có một cái gì đó làm cho người xem cảm thấy tim mình đập dồn dập. Họ cảm thấy tự hào, đau xót và một nỗi chờ đợi khắc khoải về một cái gì đó thật khủng khiếp, thật vĩ đại sẽ xảy đến. Họ chỉ có bảy người, quần áo sém lửa cháy âm ỉ. Một trong số những pháo thủ ấy có vẻ mặt không giống người Nga. Có thể chính thằng bé cũng không để ý đến điều đó nếu như mẹ nó bỗng nhiên không thì thào:
- Nhìn kìa, cha con đấy…
Và thế là từ phút ấy người lính kia trở thành cha nó và toàn bộ phần còn lại của bộ phim là nói về người lính ấy, nói về cha nó. Cha trông vẫn còn trẻ như những thanh niên trong nông trường. Vóc dáng cha không cao lắm, khuôn mặt tròn, cặp mắt linh lợi. Trên khuôn mặt lấm lem bụi đất và khói súng, cặp mắt cha loé lên giận dữ, còn tư thế thì cương quyết, dẻo dai như một con mèo. Đấy, cha đang dùng vai đẩy chiếc bánh xe của khẩu pháo rồi quay đầu lại gọi một người nào đó ở phía dưới: “Đạn! Nhanh lên!”, câu nói của cha bị tiếng nổ át đi.
- Mẹ, cha con đấy phải không? - thằng bé hỏi lại mẹ.
- Cái gì? - người mẹ không hiểu. - Ngồi im mà xem.
- Chính mẹ bảo đấy là cha con.
- À, phải, tất nhiên rồi, cha con đấy. Chỉ có điều con không được nói chuyện làm phiền người khác.
Sao mẹ lại nói thế nhỉ? Tại sao? Có thể trong một phút không suy nghĩ mẹ chỉ tình cờ nói vậy thôi, có thể mẹ đang xúc động, mẹ đang nhớ đến cha. Nhưng nó, một đứa bé chưa biết suy nghĩ, đã tin như thế. Nó cảm thấy vô cùng thích thú và tỏ ra bối rối vì niềm vui sướng bất ngờ và kỳ lạ đó. Nó tự hào vì cha nó là một người lính. Đó mới đúng là một người cha thực sự. Người đó chính là cha nó, thế mà bọn trẻ con cứ trêu nó không có cha. Bây giờ thì bọn chúng đã nhìn thấy cha nó, cả những người chăn cừu nữa, cũng nhìn thấy! Những người chăn cừu suốt ngày lang thang trong núi, không bao giờ hiểu được bọn trẻ. Nó đã giúp họ lùa cừu vào sân để xén lông, đã đuổi những con chó chăn cừu của họ khi chúng cắn nhau, vậy mà họ cứ quấy rầy nó bằng những câu hỏi vớ vẩn. Bất cứ một người chăn cừu nào, dù họ có bao nhiêu trên mặt đất này, hễ cứ gặp nó là lại hỏi:
- Này, chàng kỵ sĩ tài ba, tên cháu là gì?
- Avanbec.
- Cháu con ai?
- Cháu là là con của cha Toktoxun!
Ngay lúc ấy những người chăn cừu vẫn không hiểu nó là con ai.
- Toktoxun à? - từ trên lưng ngựa họ cúi xuống hỏi lại. - Toktoxun nào nhỉ?
- Cháu là con của Tôtxun. - nó nhắc lại.
Chính mẹ nó đã dặn phải trả lời như vậy, và cả bà nội, mặc dù mắt đã mờ rồi cũng dặn đi dặn lại không được quên tên cha, nếu không bà sẽ vặn tai. Nội chẳng hiền tý nào.
- À, à, từ từ, để xem nào, có phải cháu là con của chị nhân viên điện thoại làm việc ở bưu điện, đúng không?
- Không, cháu là con của Toktoxun! - nó vẫn khăng khăng.
Và lúc ấy những người chăn cừu cố đoán xem tại sao lại như vậy.
- Đúng rồi, cháu đúng là con của Toktoxun! Khá lắm! Chẳng qua là các chú muốn thử cháu đấy thôi. Đừng giận nhé, chàng kỵ sĩ tài ba, các chú quanh năm ở trong núi, trong khi chúng mày ở đây lớn nhanh như thổi, chẳng khác gì cỏ dại, thật khó mà nhận ra lũ nhóc.
Sau đó họ còn nói chuyện rất lâu về cha nó. Họ thầm thì với nhau rằng, lúc cha nó ra mặt trận vẫn còn rất trẻ và nhiều người không còn nhớ về cha nó nữa. Họ còn nói, mọi chuyện thật là tuyệt vì cha nó vẫn còn người nối dõi tông đường, trong khi bao nhiêu người trẻ tuổi khác cũng ra mặt trận mà vẫn chưa có vợ và giờ đây chẳng có ai để nối dõi nữa.
Còn bây giờ, kể từ khi mẹ nó nói: “Nhìn kìa, cha con đấy”, thì người lính trên màn ảnh đã trở thành cha nó. Và chú bé bắt đầu nghĩ về người lính ấy như nghĩ về cha mình. Quả thật, người ấy rất giống bức ảnh cha nó trong bộ quân phục, một người lính còn rất trẻ đội mũ calô. Bức ảnh ấy sau này mẹ nó đã phóng to lên và treo trong chiếc khung lồng kính.
Từ giờ phút ấy, Avanbec bắt đầu nhìn người lính bằng cặp mắt của đứa con, và trong tâm hồn trẻ thơ của nó đang dâng lên một tình cảm mới mẻ, rạo rực của một tình yêu dịu dàng trìu mến đối với người cha. Còn người cha trên màn ảnh hình như cũng biết đứa con đang dõi theo mình vì vậy mà trong khoảnh khắc ngắn ngủi này của cuộc đời anh cũng cố tỏ ra xứng đáng để đứa con sẽ mãi mãi nhớ đến mình, mãi mãi có thể tự hào về mình - về một người lính trong cuộc chiến tranh đã qua. Và cũng từ phút ấy, đối với đứa bé, chiến tranh không còn là một trò chơi ngộ nghĩnh nữa, và cũng chẳng có gì đáng buồn cười khi mọi người ngã xuống. Chiến tranh trở nên nghiêm trọng, đáng sợ và khủng khiếp. Lần đầu tiên đứa bé phải trải qua nỗi lo sợ thực sự cho người thân, một người mà nó chưa bao giờ được gặp mặt.
Chiếc máy chiếu phim kêu xè xè, chiến tranh vẫn tiếp diễn. Phía trước là những chiếc xe tăng đang tràn lên một cách dưng dưng tự đắc, vừa chạy vừa nhả đạn, vòng xích nghiền nát đất đá, tháp pháo quay qua quay lại. Còn những pháo thủ của chúng ta đang cố hết sức kéo pháo lên. “Nhanh lên, nhanh lên, cha ơi! Xe tăng đến rồi, xe tăng!” - thằng bé hối hả giục cha. Cuối cùng họ cũng kéo được khẩu pháo lên, đẩy vào bụi cây phỉ tử và bắt đầu nhả đạn vào những chiếc xe tăng. Những chiếc xe tăng cũng bắn lại, chúng nhiều vô kể.
Đứa bé cảm thấy như mình cũng đang có mặt ở đó, bên cạnh cha, giữa đám lửa đạn của chiến tranh. Nó nhảy cẫng lên trên đùi mẹ khi những chiếc xe tăng bị bắn cháy phun khói đen xì, khi những vòng xích văng ra khỏi bánh xe và chiếc xe tăng quay cuồng loạn xạ mãi một chỗ. Còn khi những người lính của ta ngã xuống cạnh khẩu pháo, thằng bé im bặt, co rúm người lại. Mỗi lúc họ càng trở nên ít dần, ít dần…Mẹ bật khóc, khuôn mặt đầm đìa nước mắt và nóng rực.
Chiếc máy chiếu phim kêu xè xè, chiến tranh vẫn tiếp diễn. Cuộc chiến đấu trở nên khốc liệt hơn, những chiếc xe tăng càng tiến gần hơn nữa. Cúi xuống cạnh càng pháo, cha nó đang giận dữ gào thật to một câu gì đó vào chiếc máy điện thoại dã chiến, nhưng nó không nghe được vì những tiếng nổ ầm ĩ. Một người lính nữa lại ngã xuống bên khẩu pháo, người đó cố gượng dậy nhưng không nổi, đổ vật xuống đất. Và miếng đất trở nên đem thẫm lại vì thấm máu của người lính. Thế là họ chỉ còn lại có hai người - cha nó và một người lính nữa. Họ bắn một phát đạn, sau đó bắn tiếp hai phát nữa, nhưng những chiếc xe tăng vẫn tràn lên. Một quả đạn nổ tung bên khẩu pháo, lửa cháy và sau đó là bóng tối bao trùm. Từ dưới đất chỉ có một người nhổm dậy, đó là cha nó. Cha lại lao đến chỗ khẩu pháo, tự mình nạp đạn, tự mình ngắm. Đó là phát đạn cuối cùng. Một tiếng nổ nữa lại bùng lên choán hết cả màn ảnh. Khẩu pháo của cha bị cong lại, văng sang bên cạnh, nhưng cha vẫn còn sống. Cha chậm chạp nhổm dậy, tiến thẳng về phía chiếc xe tăng, toàn thân sém lửa, bộ quần áo rách tươm bốc khói nghi ngút. Trong tay cha là quả lựu đạn. Cha không còn nhìn thấy gì, cũng chẳng nghe thấy gì nữa. Cha cố gắng tập trung hết mọi sức lực còn lại.
- Đứng lại! Chúng mày không qua được đâu! - cha tung quả lựu đạn và vào chính lúc đó cha lặng người đi trong tư thế ấy với khuôn mặt biến dạng vì căm thù và đau đớn.
Người mẹ ôm chặt lấy nó, thiếu chút nữa làm nó nghẹt thở. Nó muốn vùng ra chạy đến chỗ cha, nhưng khẩu súng máy trên xe tăng đã khạc ra một tràng đạn dài và cha ngã xuống như cái cây bị đốn ngã. Cha lăn trên mặt đất, cố gượng dậy nhưng lại ngã vật xuống, hai tay giang rộng…
Chiếc máy chiếu phim bỗng im bặt. Chiến tranh bị gián đoạn đột ngột. Phần đầu bộ phim đã hết, người thợ máy bật đèn lên để lắp phim.
Khi đèn bật lên mọi người đều nheo mắt lại, trở về với cuộc sống thật của mình từ thế giới điện ảnh, từ chiến tranh. Và vào đúng lúc ấy, chú bé trượt từ những kiện lông cừu xuống, la lên bằng một giọng hoan hỉ:
- Này, các cậu ơi, cha tớ đấy! Thấy chưa! Cha tớ bị giết rồi!...
Không ai ngờ một chuyện như thế và cũng chẳng ai có thể hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra. Song thằng bé vẫn cứ chạy đến chỗ màn ảnh, nơi những người bạn nhỏ tuổi của nó đang ngồi và la lên, giọng đắc thắng. Đối với nó, ý kiến của đám trẻ kia là quan trọng hơn cả. Một sự im lặng nặng nề bao trùm khắp khu trại. Người ta vẫn chưa hiểu nổi ý nghĩa lạ lùng trong niềm vui sướng của một đứa bé trước đó chưa một lần nhìn thấy cha. Chẳng ai hiểu gì cả, mọi người bối rối im lặng nhún vai. Người thợ máy đánh rơi chiếc hộp đựng phim, làm vang lên một tiếng keng, nó lăn đi và tách ra làm hai mảnh. Chẳng ai chú ý đến chuyện ấy và người thợ máy cũng không chạy theo để nhặt lên. Còn nó, chú lính nhỏ, con trai của người lính đã hy sinh vẫn tiếp tục chứng minh lẽ phải của mình:
- Các cậu thấy chưa, cha tớ đấy!...Chúng nó đã giết chết cha tớ rồi! - càng nói nó lại càng xúc động hơn, nhưng mọi người lại càng im lặng. Và nó, không hiểu tại sao mọi người lại không vui mừng, không tự hào vì cha nó như nó.
Một người nào đó, có vẻ không hài lòng, ngăn nó lại:
- Này, thôi đi cháu, đừng nói thế nữa.
Nhưng một người khác lại phản đối:
- Thì đã sao nào? Cha nó đã hy sinh ngoài mặt trận. Không đúng thế à?
Đến lúc ấy, một chú bé ở tuổi học sinh ngồi bên cạnh quyết định nói cho nó biết rõ sự thật:
- Này, đấy không phải là cha mày đâu. La hét cái gì thế! Đấy không phải là cha mày mà là diễn viên! Mày hỏi chú thợ máy mà xem.
Những người lớn không ai muốn tước mất của thằng bé cái ảo tưởng tuy rất cay đắng nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ, bởi thế họ hy vọng người thợ máy từ nơi khác đến sẽ thay họ nói rõ mọi chuyện. Mọi người đều quay về phía người thợ máy, nhưng người đó im lặng. Anh chăm chú vào chiếc máy chiếu phim làm như đang rất bận.
- Không phải. Đó chính là cha em, cha em! - chú lính nhỏ vẫn không chịu.
- Người nào là cha mày? Người nào? - thằng bé bên cạnh lại hỏi.
- Cha em là người cầm quả lựu đạn tiến đến chiếc xe tăng. Anh không nhìn thấy à? Cha em ngã thế này này.
Nói xong nó ngã vật xuống đất và lăn đi, diễn tả một cách chính xác cho mọi người thấy cha nó đã ngã như thế nào. Nó nằm ngửa trước màn ảnh, hai tay giang rộng.
Tất cả khán giả bất giác bật cười, còn nó vẫn nằm yên như chết, không cười. Một sự im lặng bối rối bao trùm.
- Cái gì thế này? Cô để mắt đi đâu thế, Jengun? - người đàn bà chăn cừu thốt lên giọng trách móc.
Mọi người nhìn thấy người mẹ chạy đến chỗ con trai, khuôn mặt đau khổ, xót xa, nước mắt lưng tròng, bế đứa bé từ dưới đất lên.
- Chúng ta đi thôi con, đi thôi! Đó là cha con đấy! - chị nói với thằng bé và đưa nó ra khỏi trại.
Trăng đã lên cao. Trên nền trời đêm màu xanh thẫm hiện rõ những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng, còn thảo nguyên bên dưới trải dài mênh mông như một vực thẳm…
Và chỉ đến lúc này, lần đầu tiên trong đời đứa bé mới cảm nhận được nỗi đau của sự mất mát. Nó bỗng cảm thấy một sự xúc phạm ghê gớm, một nỗi đau đớn xót xa cho người cha đã bị giết trong trận đánh. Nó muốn ôm lấy mẹ và khóc, nó muốn mẹ cùng khóc với nó, nhưng người mẹ vẫn im lặng, và nó cũng im lặng nắm chặt tay lại, cố nuốt những giọt nước mắt.
Nó không biết rằng từ giờ phút ấy, người cha đã hy sinh từ lâu trong chiến tranh bắt đầu sống trong tâm tưởng của nó.
(Dịch từ nguyên bản tiếng Nga)
Chú Lính Nhỏ Chú Lính Nhỏ - Ts. Aitmatov