Điều tôi quan tâm không phải là bạn đã thắng hay thua, mà là bạn có sẵn sàng đón nhận thất bại hay không.

Abraham Lincohn

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Little Rain
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1940 / 21
Cập nhật: 2015-08-14 12:01:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
he nước đá sáng sớm nhắn vói hai bờ, bảo dân xóm Rạch khỏi chờ, Tám Lê sẽ không tới nữa. Chiếc ghe hàng bông cùng người đàn bà mặn mà đã mang thằng con của ông Sáu Lò Rèn đi mất. Nuốt không trôi cái sự thật con trai bỏ nhà theo tiếng gọi tình, ông già xách mác vót lục lọi nát mấy khúc sông. Nhưng nước sớm xóa dấu vết, phẳng lặng như chưa từng xước dưới lườn ghe. Kinh rạch thì giăng giăng, nếu may mắn bắt được đôi tình nhân so le, lúc đó chắc lưỡi dao cũng gỉ sét rồi, ông già còn biết làm gì người đàn bà lớn hơn con trai ông mười sáu tuổi, bưng một đứa trẻ ra và nói đây là cháu nội ba. Đành vái trời cho cái đời sống nổi trôi làm thằng con trai buồn chân nhớ đất mà tự trồi đầu về.
Cuộc trốn chạy làm đàn bà xóm Rạch nhốn nháo đến tuần sau. Chợ trôi không ngang qua, bữa ăn thiếu thịt. Ngó quanh chỉ tìm được mấy cái hột vịt kho ăn với mớ rau luộc hái sau nhà. Ít xà bông còn lại không đủ giặt mẻ quần áo trẻ con. Chai nước mắm cũng gần cạn đến đáy. Chợ xã thì xa, cách nửa giờ đò.
Mới hôm qua mọi chuyện vẫn còn dễ dàng, chỉ cần bước ra trước nhà ngoắc ghe Tám Lê ghé lại. Chiếc ghe tưởng nhỏ mà hỏi gì cũng có, từ thịt cá đến rau củ, từ cây kim tây cho tới thùng chứa nước mưa. Họa hoằn vài thứ không sẵn trên ghe, chủ chợ hẹn lại sáng mai mang tới. Bảy năm buôn bán rạch trên kinh dưới, chợ trôi đi theo sự chống chèo của người đàn bà đơn lẻ. Hỏi từ đâu tới thì chị kêu lên một địa danh lạ hoắc, hỏi chồng con đâu thì chị hát “Bến cũ đò xưa, sao người quên bến đò xưa/chiều yên tiếng gió mà nỉ non ai khóc một mình/anh buông chèo, chứ ai chèo em lái qua truông/dòng sông bát ngát mà lẻ loi trơ trọi dòng đời”. Bài Dòng đời bình thường Hương Lan ca đã rầu, qua giọng Tám Lê thêm phần chới với. Như cái sào cắm hụt chỗ nước sâu.
Con nít trong xóm trông ghe chị Tám Lê vì bánh kẹo, đồ chơi. Người lớn trông chị bởi thịt tươi rau giòn. Trí nhớ tốt, chị biết nhà nào nết ăn ở ra sao, gợi ý luôn hôm nay nên nấu món gì đổi bữa. Chiều chuộng giỏi, chị hay làm khách hàng cảm động khi dúi cho thêm củ khoai, dây buộc tóc. Buôn bán thẳng ngay, cá ươn thì chịu thiệt hôm qua ế ẩm, không lấp liếm nhiều lời. Ghe hàng bông của Tám Lê lấy lòng hết thảy đàn bà xóm Rạch. Những bữa khách kẹt tiền, chị cho thiếu chịu, “cứ để đó, thím có dọn nhà đi đâu được mà con lo”. Mưa nắng không làm tắt miệng cười rờ rỡ. Chỉ mắt là buồn, thằng con trai mới lớn một lần té vào đó chìm luôn, không thèm ngoi lên nữa.
Chiếc ghe hàng bông quen thuộc biến mất, cư dân xóm Rạch nhận ra nó cũng một phần của đời mình. Tám Lê đem tới nhiều hơn những món hàng chị chất trên ghe. Mỗi sáng chị mang theo những câu chuyện của chân trời, ngoài tỉnh hôm qua xảy ra vụ cháy chết người, bên cống Cả Giếng có con nhỏ bị đánh ghen, axít cháy cả mặt mày, hồi tối đoàn hát về xã, đào Mỹ Lan ăn một hơi bốn tô bún mắm, bụng bự vậy mới lấy được hơi dài.
Xóm Rạch thấy chân trời gần lại, sông nước không còn là thứ cản trở, đời sống xó quê bớt đi tẻ nhạt. Không biết có phải vì những câu chuyện tươi rói đó mà người ta hay nhớ Tám Lê, thường nhắc không biết giờ chị đang trôi chợ ở miệt nào. Ngay cả khi mấy ghe hàng bông khác đã trờ tới lấp đầy chỗ trống chị bỏ lại, hàng hóa của họ cũng tươi cũng thơm, cũng giòn chuyện đầu đồng cuối bãi.
Phải mất nhiều thời gian kẻ bán người mua thông thuộc cảnh nhà nhau, để nhắc “cá ngừ này thịt có phong, coi chừng thằng nhỏ nhà chị nổi mề đay”, “bữa trước chị nói ông chồng thèm thịt trâu xào khổ qua, nay em kiếm được thịt trâu tơ, rất mềm”, “sau này thím có bị chú đánh thì dấp nước lạnh cho đỡ sưng, chớ đàn bà mà mặt mày bầm tím, nhìn xót”. Đâu chỉ ân cần, dân xóm rạch mấy lúc còn gặp phải ông già bán hàng bông hay nổi khùng khi ai đó hỏi mua ớt, “đất mênh mông vậy, sao không trồng lấy mà ăn?”.
Ông già có ba đứa con gái, đều gả lên bờ. Làm sui gia với người chợ trôi, đỡ phải lọ mọ đưa rước dâu. Ghe đậu dưới bến, cô dâu bước lên đã đến đất nhà chồng. Nhiều mối nhân duyên mà người dưới nước kẻ trên bờ gặp nhau hồi còn nhỏ, nói năng xẵng lè, má tao cho má mày tương. Hết xác ghe thì tụi nhỏ lớn lên, vẫn nói ngang phè không ngôi thứ, cho nắm tay cái coi.
Hết xác ghe, tuổi chợ được tính thêm chục năm, từng ấy tháng ngày bám từng khúc sông khúc xóm. Cực chẳng đã mới bỏ đi, như Tám Lê. Gầy dựng một mối thâm tình giữa kẻ bán người mua đâu dễ. Và đâu phải ngày một ngày hai mà người trên bờ nhắm mắt cũng đoán trúng phóc tên chủ ghe. Tiếng máy nổ xịt lụi như nghẹt mũi vầy là ghe hàng bông của vợ chồng Ba Chà. Vẳng tiếng Phượng Hằng ca hơi dài, ghe tạp hóa của hai má con Xíu Muội chớ đâu. Cái nết rao lơ lớ này là xuồng mắm của bà Cà Bụi không sai.
Nên dân xóm Rạch cứ lo ghe Tám Lê lén qua đây thể nào cũng bị bắt. Ai cũng biết chiếc ghe đó vẫn thường mở băng Hương Lan, tua đi tua lại bản Dòng đời. Mà ông Sáu Lò Rèn lúc rày hay bắc ghế ngồi canh chừng dưới bến, ngoắc những cái chợ trôi ghé lại, chỉ để hỏi có gặp thằng con ông không.
Nghĩ, người có đôi rồi, cái chợ trôi đó chắc không còn ca bài dòng đời nữa
Chợ Trôi Chợ Trôi - Nguyễn Ngọc Tư