The smallest bookstore still contains more ideas of worth than have been presented in the entire history of television.

Andrew Ross

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 704 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ậu là em mẹ tôi. Thời kháng chiến chống Pháp, cậu đi bộ đội, hoà bình lập lại năm 1954 cậu chuyển ngành sang làm ngoại thương rồi sau làm ngoại giao, nhờ có ít chữ nghĩa có được từ Quốc học Huế.
Hồi tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng cậu ghé thăm bố mẹ tôi, biếu một vài thứ quà lặt vặt sau chuyến công tác nước ngoài nào đó. Có lần đi Bắc Kinh về, cậu kể là nhà bên đó cao lắm, mình đứng ngoài đường ngẩng đầu nhìn lên là mũ rơi ra đằng sau. Tôi cứ nhớ mãi chuyện này, sau thấy cái nhà nào cao tôi cũng thử dương mắt nhìn lên xem có rơi mũ không, mới hay là cái nhà chỉ cao dăm tầng mà anh đứng dưới chân nhà nhìn lên thì mũ cũng rơi được ngay.
Cậu lấy vợ theo motiv phổ biến trong cán bộ thời đó: lấy thành phần chứ không phải lấy vợ. Anh nguồn gốc tạch tạch xè lấy được một bà thành phần cơ bản là rất tốt. Bấy giờ người ta nói lóng tiểu tư sản là tạch tạch xè, ngụ ý mấy người tiểu tư sản lập trường không kiên định như dây pháo lép, một trái xè mấy trái tạch. Tổ chức giới thiệu cho cậu một bà cán bộ phụ nữ xã mãi tít trên Phú Thọ. Tôi cứ băn khoăn: hay bà này là em hay cháu ông cán bộ tổ chức cơ quan cậu?
Hai vợ chồng cậu là hai cực đối nghịch. Cậu thư sinh, bà vợ thô kệch. Cậu lịch sự, bà vợ đuểnh đoảng. Có lần cậu đưa mợ về chơi Hà nội, ghé thăm chúng tôi, cả nhà đang xúm xít vui vẻ nói chuyện bỗng mợ tụt quần cô em gái 9 tuổi của tôi đang đứng bên cạnh hóng chuyện, xem ở trong quần còn có gì nữa không. Mợ cười rất thật thà:
- Nghe họ bảo ở thành phố trẻ con cũng mặc quần xịp?
Con bé khóc nức nở, dỗ mãi mới nín.
Ấy thế rồi họ cũng sinh con đẻ cái, có lẽ nhờ một năm cậu về thăm vợ đôi ba lần. Thường thì cậu ở Hà nội, trong một căn hộ độc thân có 18 mét vuông, đầu giường đơn của cậu, đúng hơn là cái phản gỗ bộ đội, có cái hòm gỗ, trong đó có bếp dầu, mắm muối, gạo và một ít mì chính. Đến bữa, cậu mở khoá hòm, lôi bếp dầu ra nấu cơm. Rau muống cậu không bao giờ luộc hay xào mà hấp trên cơm để đỡ tốn dầu hoả và cũng đỡ mất công lâu lắc. Một ngày cậu nấu một lần, ăn sáng xong lấy một ít cho vào cặp lồng trưa ăn ở cơ quan, còn lại tối về ăn nốt. Mẹ tôi thấy thế, thương cậu, nói chủ nhật ghé qua nhà chị chơi với các cháu, thực ra là để làm cái gì đó tươi tươi cho cậu ăn.
Khác với nhiều cán bộ thời đó (và cả thời nay), cậu không tìm cách xin cho vợ con về Hà nội. Khó gì đâu, xin cho vợ về làm một chân cấp dưỡng hay làm tạp vụ là trong tầm tay của cậu, nhưng tính cậu khí khái, không muốn phiền hà ai và cũng không muốn quỵ luỵ xin xỏ ai. Vì vậy con cái cậu cứ lớn lên ở quê, học hành được đến đâu thì học, cậu chẳng thể kèm cặp chúng nó được phút nào. Bây giờ đứa thì đi công nhân, đứa đi trung cấp, ở khắp ba miền đất nước, có gia đình riêng hết cả rồi.
Nói như thế, chắc bạn đọc hiểu là cậu đã già rồi, năm nay ngót nghét 80. Khi về hưu, cậu vẫn sống trong căn hộ độc thân ở khu tập thể của cơ quan. Mấy năm sau, cơ quan có chủ trương đập nhà tập thể đó đi, xây lại cho đàng hoàng to đẹp hơn, nếu cậu chịu khó đợi xây xong sẽ được cấp lại căn hộ ngon lành, nhưng vì không có tiền, cậu chấp nhận phương án đền bù giải phóng mặt bằng mười tám triệu và thế là hết nơi tá túc ở Hà nội.
Cậu về Phú Thọ ở, mỗi tháng đáp tàu hoả về Hà nội một lần. Ngày mồng năm họp chi bộ tổ hưu, mồng sáu tham gia sinh hoạt tổ thơ “Sông Tô”, mồng bảy đi lĩnh lương hưu. Những ngày đó cậu ở nhà tôi. Nhà tôi không rộng nhưng có một phòng chuyên dành tiếp khách từ xa đến.
Cậu chỉ ngủ ở nhà tôi, cả ngày cậu đi mấy cái sinh hoạt kể trên. Nói chung cậu không gây phiền hà xáo trộn gì cho cuộc sống gia đình chúng tôi, khác hẳn với cậu Tú. Cậu Tú là em sau cậu Toại, cũng đi bộ đội, bị thương về an dưỡng ở Thiệu Hoá, Thanh Hoá rồi làm hiệu trưởng suốt đời trường cấp một ở đấy và cũng lấy một bà nông dân như cậu Toại. Mỗi lần cậu Tú ra Hà nội là cả một chuyện kinh hoàng. Mỗi bữa phải lo cho cậu một chai nửa lít quốc lủi. Tiền thì không đáng bao nhiêu, nhưng trông chướng mắt lắm, nhất là bố tôi lại rất ghét uống rượu và những ai uống rượu. Nhưng mình phải chiều khách chứ biết làm sao? Khổ nhất là cậu hút thuốc lào, thổi phì bã tàn thuốc bay khắp sàn, cặn chè cậu cũng vô tư hắt xuống nền nhà lát gạch men, cái nền mà hai anh em chúng tôi phải thay nhau lau mấy lần hàng ngày để tối tối còn lăn ra ngủ trên đó! Có lần cậu vào nhà tắm, đứng trong đó cả tiếng đồng hồ, tôi sốt ruột hỏi vọng vào xem có chuyện gì, cậu nói vọng ra:
- Cậu đang chờ cho nước nguội!
Hoá ra cậu Tú xả toàn nước nóng 80 độ vào chậu, rồi trần truồng đứng đợi nước nguội!
Cậu Toại chỉ hành hạ tôi duy nhất có mỗi một việc, đó là phải ngồi nghe cậu đọc thơ. Cậu làm nhiều thơ lắm, hàng trăm bài, phần lớn theo Đường luật, đọc bài nào cũng na ná như bài nào, mây, gió, trăng sao, lạc quan yêu đời, tin tưởng ở tương lai tươi sáng v.v.. Cậu chép thơ của mình vào một quyển sổ tay bằng nét chữ đẹp và chân phương. Quyển sổ thơ cậu bọc kỹ trong túi ni lông, có giây chun chằng bên ngoài, lỡ đi đâu gặp mưa khỏi ướt.
Thơ cậu không dở, nhưng chả có gì đặc sắc. Tôi nhẫn nại ngồi nghe hết bài này đến bài khác, thỉnh thoảng làm ra vẻ tâm đắc ý nọ tứ kia, làm cho mắt cậu sáng lên phấn khởi:
- Cháu cũng hiểu thơ đấy nhỉ?
Gần đây cậu Toại sinh sự. “Sinh sự” là từ mà bà dì ruột tôi đặt tên cho sự việc xảy ra với cậu. Cậu yêu! Cậu yêu say đắm một người đàn bà ngoài ba mươi tuổi, nhan sắc trung bình, làm nghề cô nuôi dạy trẻ ở một làng ngoại thành Huế. Người đàn bà này bị một kẻ lừa gạt buông lời ngon ngọt sao đó mà sinh với hắn một đứa con gái rồi hắn ù té:
- Nhà tôi không có con trai, tưởng cô sinh cho tôi con trai, chớ con gái tôi đâu cần?
Mẹ kiếp, giả sử có đẻ ra con trai cho mày mà bùng thì mày vẫn cứ bùng?
Cô ta một mình nuôi con, sống trong sự ghẻ lạnh của họ hàng và làng xóm.
Không biết cậu Toại quen người đàn bà này vào dịp nào, ở đâu, hình như cũng đã mấy năm. Tháng rồi, nhân dịp giỗ ông ngoại tôi, bà dì về quê ra kể chuyên cậu Toại sinh sự tôi mới biết. Cậu xin đưa cô người yêu về ra mắt họ tộc nhân dịp cả đại gia đình có mặt đông đủ, cả họ nhảy đựng lên:
- Gần 80 tuổi rồi, mổ tiền liệt tuyến, thay thuỷ tinh thể cả hai mắt rồi mà còn yêu với đương!
- Ông chấm dứt cái trò này đi kẻo con cháu nó cười cho không có lỗ mà chui xuống đất đâu!
- …
Dì tôi kể: “Cậu mày ngang như cua, dám công bố với mọi người rằng đó chính là tình yêu của cuộc đời cậu, rằng bây giờ cậu mới biết thế nào là yêu, rằng muốn ra sao thì ra, cậu không bao giờ bỏ người đàn bà đó”.
Tình yêu là cái mà ta không bao giờ có thể lý giải, nhưng chuyện một ông già gần kề miệng lỗ mà lại bắt đầu yêu và yêu say đắm thì quả là người tân tiến như tôi cũng không hiểu nổi. Càng không thể hiểu cái người đàn bà trẻ kia, cô ta có được những rung động gì bên cạnh một ông già nghèo kiết xác, tài sản duy nhất là một tập thơ mà không nhà xuất bản nào thèm đọc lướt qua?
Nhưng sự thực là họ yêu nhau. Có lẽ người đàn bà kia cần một tấm lòng đàn ông yêu thương hơn là cần một tấm thân đàn ông tình ái? Cậu Toại dành dụm tiền, mấy tháng lại mua vé tàu hoả (khổ thân, cậu mua vé ngồi thôi, tiền đâu mua vé nằm?) về thăm cô người yêu, bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của bà con làng xóm.
Lâu lắm rồi cậu Toại mới lại ghé nhà tôi, ở chơi ba ngày như những năm tháng trước đây. Trông cậu khoẻ khoắn, nhanh nhẹn hơn trước, giọng nói cũng sang sảng hơn. Có phải tình yêu làm cho người ta tăng thêm sinh lực?
Chúng tôi chả đả động gì đến câu chuyện tình của cậu. Tôi vai cháu, không được hỗn. Cậu là bề trên, cậu nghĩ là có nói ra tôi cũng sẽ không thông cảm, chỉ rách việc.
Chúng tôi lại ngồi đọc thơ của cậu mới sáng tác, cậu đọc ngân nga và tôi nghe với vẻ chăm chú giả tạo. Vẫn là những bài thơ tuy mới viết nhưng không có gì khác những bài thơ trước, sáo mòn và công thức!
Không hiểu vì sao tôi bỗng đứng bật dậy:
- Cậu vứt những bài thơ rỗng tuếch này đi!
Cậu Toại bị bất ngờ, há hốc mồm nhìn thằng cháu từ xưa đến nay vẫn một mực lễ phép với cậu mà nay dám đỏ mặt tía tai quát vào mặt cậu:
- Tại sao cậu không làm thơ về tình yêu của cậu, về những gì cậu thực sự rung động, về những khoảnh khắc chờ đợi, về niềm vui gặp gỡ, về …tất cả những gì đang cháy trong tim cậu? Không nhất thiết phải là thơ Đường, mà thể loại nào cũng được, thậm chí không cần cả vần nữa, miễn đó đúng là những xúc cảm thơ chân thực nhất mà ta không thể nào không ghi lại?
Tôi tại sao, tại sao một hồi, mệt quá ngồi phệt xuống. Cậu Toại lặng lẽ cho quyển sổ thơ vào túi ni lông, buộc mấy sợi dây chun, cất vào túi xách.
Hôm sau cậu ra về, chả thèm chào tôi lấy một tiếng.
Tuần sau, tôi nhận được lá thư từ cậu, trong đó không có gì ngoài một bài thơ cậu mới viết:
Em cho tôi bốn mùa
Em cho tôi mùa xuân
Tim tôi tràn nhựa sống
Một nhành hoa lay động
Một cánh chim cuối trời
Em cho tôi mùa hè
Phượng đỏ reo trong lá
Tôi thấy mình trẻ quá
Nắng tràn dâng lên môi
Em cho tôi mùa thu
Tôi lặng yên suy nghĩ
Cuộc đời ta bình dị
Như những cánh cúc vàng
Em cho tôi mùa đông
Gió heo may se lạnh
Tôi biết mình cô quạnh
Vì em xa - xa xăm
Em cho tôi ngàn năm
Để được yêu em mãi…
Đó là bài thơ hay nhất của cậu mà tôi được biết.
Cậu Toại Cậu Toại - Sưu Tầm