Nếu bạn không đủ sức để chịu thua, bạn cũng sẽ không đủ sức để chiến thắng.

Walter Reuther

 
 
 
 
 
Tác giả: Thạch Lam
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1284 / 28
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ai người trẻ sống với nhau trong gian phòng hẹp. Phòng chênh vênh tít tầng ba của căn nhà cổ. Nhà cổ không thuộc phố cổ vì trước đây nó nằm trong hẻm hóc, nay do cơn lốc quy hoạch quét qua đành phải chường ra mặt tiền với bộ dạng lem nhem vá víu. Vôi vữa tróc lở từng mảng lớn kèm theo ngói thâm tường rêu. May có cái cây gì đó không biết tên cứ lòa xòa lá ngang bệ cửa sổ, nhưng nhằm tháng mười hai lại giơ thân gầy trùi trũi vì vừa rụng sạch lá rồi sau đó trổ rực hoa vàng. Hoa kết từng chùm đong đưa theo gió nhưng chẳng tỏa nổi một chút hương, tác dụng trang trí cho mảng tường tróc lở không được bao nhiêu mà chủ nhà mỗi sáng mang chổi ra quét xác hoa rơi cũng đủ mệt. Đôi lúc đâm cáu muốn đốn ngã cây cho rồi vì không hiểu giống hoa gì mà siêng năng rụng thế?
Từ phòng hẹp có thể nhìn xéo xuống giao lộ không thuộc điểm trung tâm nhưng sáng trưa chiều tối từng luồng xe và người cứ chồm chỗm phóng đi trông như bọn cào cào châu chấu đa sắc. Mới nhìn xuống một lúc đã thấy hoa cả mắt váng cả tai. Âm thanh rền rĩ vọng lên khiến một trong hai người trẻ ôm đầu nhăn mặt ra dấu: “Đóng chặt cửa lại đi!”. Người kia đi khép cửa. Cửa gỗ rít lên than vãn như một bà già kiệt sức vì buộc phải vận động nhiều. Ánh sáng lách mình nhọc mệt qua mấy lỗ thông gió, trượt dài trên những bậc cầu thang không mang lại chút sinh khí của sự sống. Thấy thế, người đi khép cửa đành phải ra mở cửa lại. Mở rồi khép – khép rồi mở. Vậy là đủ cho mâu thuẫn xảy ra. Bàn đi tính lại mãi, một trong hai kẻ bật ra ý thông minh: “Sao chúng ta không lắp kính nhỉ?”. Người còn lại gục gặc đầu: “Ừ, thì lắp!”.
Thế là nhà cổ nội thất cổ nhưng cửa kính dày 5 li sáng choang trông sao mà kệch cỡm. Mặc, một người chấm dứt cảnh ôm đầu rền rĩ vì tiếng ồn, bình thản ngồi vào xalông có mấy chiếc gối tựa lưng may bằng thổ cẩm (hay nói chính xác hơn là giả danh thổ cẩm vì sản phẩm đích thị của người Kinh nhái hoa văn rồi dệt ra bằng máy), tay cầm bút lông hý hoáy vẽ. Rồi mơ giấc mơ trở thành nhà thiết kế thời trang thượng thặng. Người còn lại chẳng thua kém gì, nỗ lực rèn luyện tài năng bằng cách cần mẫn hành hạ cây dương cầm với những cú nhấn phím thô bạo, nhưng lòng vẫn tơ tưởng một ngày nốt nhạc thanh thoát vút ra và nâng mình thành nhạc sĩ hàng đầu.
Hai người trẻ di chuyển chậm chạp trong phòng, có thể pha cà phê sữa theo công thức hai phần chất trắng một phần chất nâu và nhấm bánh ngọt hàng tuần mà không cần đụng tới cơm. (Vả lại, có muốn ăn cơm cũng chẳng thể, vì họa hoằn lắm mới có được một bữa tạm gọi là. Mà người trẻ thì vốn lười và vụng về trong trò bếp núc). Mặc bên ngoài hoa rụng gió đưa, mặc “cào cào châu chấu” chồm chỗm phóng đi dưới phố, và mặc dưới nhà có người đàn bà tuổi đã hết trẻ nhưng chưa kịp già buông tiếng thở dài tội nghiệp: “Số kiếp tôi sao mà khổ thế này? Hỡi ơi...”.
Tiếng thở dài trườn lên các phòng, va vào tiếng ho của ông cụ ở tầng hai, nhập vào tiếng kêu thảm thiết của con mèo gầy đang lười nhác nằm sưởi bóng đêm trong góc kẹt ẩm mốc, mãi mới chạm tới căn phòng chênh vênh tít tầng ba: “Khổ quá! Chúng mày làm gì mà ở lì trên này thế hả? Sao không chịu xuống đường cho da dẻ bớt xanh xao? Hả?”.
Kẻ thứ nhất cười - nụ cười lểnh loãng: “Nó không muốn nghe gì?”. Kẻ thứ hai khua tay - đôi tay gầy rộc: “Nó chẳng muốn thấy gì?”. Dứt câu, nắng vàng sụp tắt và điện thoại cá nhân của người đàn bà tuổi đã hết trẻ giãy lên đành đạch. Bà vội vã đi ra khỏi phòng còn hai người trẻ vẫn ở lại. Thế giới của họ mở ra về đêm.
Đêm. Những con gián đen trũi chui lên từ cống rãnh, men theo ống thoát nước và đập mình vào cửa kính như van nài được vào phòng. Một người bật cười khanh khách rồi đi thắp đèn lên. Họ tiếp tục giao tiếp với nhau theo cái cách của riêng họ. Một người gợi ý: “Có muốn ăn gì không?”. “Ăn gì nhỉ?” – người kia trầm ngâm, vẻ băn khoăn vì chiếc bụng rỗng đang sôi lên òng ọc. “Bánh quế nhé?”. Lời đề nghị bị bác bỏ bởi cái lắc đầu nguầy nguậy: “Thứ đó ăn hoài... Hay là...?”.
Hay là...? Và cả hai chuẩn bị ra phố.
Ngang qua tầng hai họ nghe tiếng ông cụ ho từng tràng khùng khục. Một người gõ cửa lấy lệ và hét váng lên: “Ông có muốn ăn gì không? Cháu sẽ mua luôn thể?”. Ông lão khua gậy đi ra, vẫn không ngừng ho và vì ho nên không thể nói ngay một lúc. Con mèo gầy rời cái kẹt ẩm mốc của nó, tò mò đi xuống, bám quẩn vào cây gậy của ông lão như để làm thân hòng kiếm chác chút đỉnh về sau, đoạn lơ láo nhìn hai người trẻ với vẻ bất cần. Một trong hai người trẻ thấy thế bèn đá vào hông nó làm nó kêu lên ảo não, tiếng “mi... eo” biến dạng thành ra nghe như tiếng “mi... éo, méo...”. Lúc này ông lão đã ngừng ho, lập cập rút tiền ra khỏi ví, trao cho đứa đi trước một tờ màu xanh, dặn dò dăm câu đứt quãng bằng làn hơi thiếu hụt.
Tầng trệt.
Người đàn bà tuổi không còn trẻ đã chấm dứt câu chuyện qua điện thoại cá nhân từ lâu và đang tiếp tục trao đổi với một ai đó bằng điện thoại bàn. Chốc chốc bà lại cười lên khe khẽ, vẻ như câu chuyện có nhiều chi tiết làm bà hứng khởi. Bà mải mê đến nỗi không nghe tiếng bước chân của hai người trẻ nhón nhén đi ra.
Lúc này họ đang tần ngần đứng bên cột điện, chỗ đặt cái thùng rác công cộng màu cam chói mắt cốt để thu hút khách qua đường, nhưng rất tiếc người dân vốn nhiễm thói quen lười nhác lại ý thức quá kém về vệ sinh công cộng nên cứ vứt bừa rác ra xung quanh, hình thành một bãi rác mini bốc mùi thum thủm thật khó chịu. Nhìn xéo qua kia đường một quãng là hiệu ăn sáng choang đèn đuốc, nơi treo lủng lẳng những con gà mái to sệ mỡ màng có làn da căng bóng vàng ươm. Một người hít hà mũi như ngầm hỏi: “Có vẻ rất ngon, đúng không?”. “Ừ! – người kia nồng nhiệt hưởng ứng - Có nhiều củ hành được treo nơi giá sắt, chúng có màu tím hoặc trắng ngà và một chốc người ta sẽ phi cho chúng vàng lên, mùi thơm sẽ tỏa ra ngộp cả mũi cho mà xem!”. Người nghe sốt ruột giật giật gấu áo người nói như ngầm hỏi rằng thế chúng ta có nên vào không?
“Đi nào”, hai người trẻ vừa lẩm bẩm vừa dắt díu nhau băng qua đường. Dòng thác người hối hả tuôn chảy không ngừng khiến họ phải mất nhiều phút mới băng qua được con đường lớn. Bụi trộn với khói xe hắt vào mắt cay xè. Âm thanh rộn rịp vang ra trong hiệu ăn với tiếng bát đũa va lanh canh nghe rất vui tai. Hai người chọn một chiếc bàn trong cùng, nơi họ có thể xoay trở thoải mái vì không bị vướng víu bởi những thực khách ra vào. Một trong hai người trẻ ấn vai người còn lại ngồi xuống ghế, còn mình thì đi ra “khảo sát” các món ăn và quyết định gọi một thức dùng chung cho cả hai.
Họ xì xụp ăn uống với vẻ thỏa mãn tột độ. Xong xuôi thì lại nắm tay nhau len lỏi qua con đường hỗn loạn xe hỗn loạn người trở về căn nhà cổ. Bỗng họ giật mình nhớ ra là quên mua thức ăn cho ông cụ. Vậy là một trong hai người đành đứng tựa cột đèn chờ người kia tiếp tục băng qua phố. Cái dáng gầy rộc nhanh chóng lẩn vào đám đông mất hút.
Thế nhưng chờ mãi chờ mãi vẫn không thấy người đồng hành quay lại. Người trẻ tuổi bắt đầu hốt hoảng, cho tay vào túi quần rỗng khua khoắng để kìm hãm sự lo lắng, xong lại rút tay ra vuốt tóc. Tóc bị gió đánh rối mù. Tiếng ồn xe cộ vẫn vang lên không ngớt. Chờ mãi... chờ mãi... Không chịu được, người trẻ bị bỏ rơi bèn khóc rống lên. Người đi đường tò mò ghé mắt vào. Một người, hai người..., và rất nhiều người. Chẳng mấy chốc đã hình thành một quần thể người nho nhỏ xoay tròn xung quanh cái dáng nhỏ bé. Một người sốt sắng hỏi có chuyện gì, và thất vọng nghe những lời đáp trả mơ hồ rối rắm. Đám đông ồ à liên tục tỏ thái độ bất bình. Giọng nam trung rền vang cứu nguy: “Nói xem nào, bị cướp giật?”. Im lặng... Giọng nam trung mất kiên nhẫn đành sa sả: “Hay đi lạc? Lớn tướng thế này sao lại đi lạc được nhỉ?”. Lại im lặng... Giọng gái trẻ lóe chóe đầy nghiệt ngã lập tức xen vào: “Hoặc loạn trí? Chỉ có loạn trí mới không biết đường mà về!”. Cứ im lặng..., lần này nghe rõ tiếng khóc thút thít. Tiếp theo là giọng đàn bà chua như giấm thối: “Tâm thần à? Trông sạch sẽ xinh đẹp thế hóa ra là tâm thần à? Tiếc nhỉ? Ôi chao tiếc nhỉ?”. Lại nổi lên một tràng à ồ. Chịu! Giúp đỡ kiểu này cầm bằng gây thêm nỗi bấn loạn cho người ta còn gì.
Bất ngờ, tiếng hét vang lên: “Các người làm gì em tôi đấy, hả?”. Đôi tay gầy rộc gồng lên túa vẹt đám đông, vươn tới chỗ người trẻ bất hạnh đang ngồi thụp xuống lòng đường rưng rức khóc. Rồi cả hai ấm ức dìu nhau đi khỏi. Một người nãy giờ đứng vòng ngoài bình tĩnh buông lời kết luận mỉa mai: “Tưởng gì, hóa ra con bé đó bị mù, các ông các bà rỗi hơi ạ!”. Đám đông giải tán.
o O o
“Anh đi đâu mà lâu thế? Em tưởng đã xảy ra chuyện gì không hay? Em sợ...”. Đã yên vị trong phòng hẹp tít tầng ba, con bé vẫn không thôi run rẩy. Nó thút thít hỏi thằng anh và tiếp tục bày tỏ nỗi lo lắng, dù thằng anh đã giải thích ngọn ngành, rằng khi băng qua đường để mua thức ăn cho ông cụ, nó đã bị xe máy tông vào chân. May mà không nặng nề lắm, nhưng cú va đập vẫn làm cho nó đau điếng. Nó đã đi bằng những bước chân khập khiễng chậm chạp, và vì thế quãng thời gian con bé em đứng chờ bỗng trở nên dài đằng đẵng.
Nhưng bây giờ thì mọi sự đã qua. Chúng có thể yên tâm di chuyển an toàn trong phòng, vừa nhấm bánh ngọt vừa mơ tiếp những giấc mơ viễn vông của chúng. Con em ngồi hành hạ cây dương cầm còn thằng anh cầm bút lông hý hoáy vẽ. Bên ngoài cửa kính, những vệt sáng hắt lên từ đèn đường khiến cây hoa vàng lung linh một vẻ đẹp kỳ bí. Bỗng dưng con em ngừng bặt tiếng đàn. Nó di chuyển dần ra phía cửa sổ và đứng tựa ở đó rất lâu mà không nói một câu gì. Từ rất lâu rồi, hai đứa trẻ không còn nhu cầu nói. Câu chuyện giữa chúng là những mẩu thoại què cụt. Chúng cảm thấy sự thiết tha với thế giới xung quanh hình như đang dần lịm tắt.
Do đâu? Không hẳn do phòng cổ nhà cổ với các món đồ gỗ xa xưa được chạm khắc tỉ mỉ. Không hẳn do con bé em bị mù. Không hẳn do thằng anh bị chứng trầm cảm nặng. Không hẳn do con mèo gầy lười nhác thích nằm sưởi bóng đêm. Cũng không hẳn do ông cụ ho từng tràng dài đứt quãng. Vậy thì do đâu?
Phía dưới nhà, người đàn bà trẻ sắp già vẫn chẳng hay biết gì. Hay nói chính xác hơn là bà không muốn biết gì. Vốn dĩ bà thờ ơ và lãnh đạm với các thành viên trú ngụ trong ngôi nhà này. Từ nhiều năm nay, bà có thói quen không thích lê bước lên các tầng trên. Bóng tối, sự tù đọng, những cá nhân kỳ dị khác thường khiến bà sợ hãi. Bà đang đi tìm sự khoan khoái cho chính bà – qua công việc bận rộn ở cửa hàng điện thoại di động đầu phố và mối quan hệ với một người đàn ông lạ mà những cái liếc mắt lẫn bắt tay càng thúc đẩy bà dấn xa hơn nữa. Giờ đây bà đang nằm thư giãn trong phòng riêng, mặt được đắp dưa leo để xoa dịu và nuôi dưỡng làn da đang có triệu chứng dăn dúm. Trên tay bà là tạp chí “Fashion” số mới nhất. Cuối phòng, tivi đang phát đi một chương trình giải trí tổng hợp khá sôi động.
Vậy đó. Bà tự an ủi rằng trong lúc ông chồng đam mê danh vọng còn lưu lại ở nước ngoài khoảng vài năm nữa, thì bà nên hết lòng với quãng đời của riêng bà. Có ai trách bà thì bà chịu, chứ bà không thể sống khác hơn. Phải tranh thủ từng chút một. Còn hai đứa nhỏ lầm lầm lì lì ấy, chúng có phải là con ruột của bà đâu mà bà phải quan tâm chặt chẽ? Còn ông cụ nữa – dĩ nhiên – cũng là cha chồng bất đắc dĩ mà thôi. Với lại, cái căn nhà này thật u ám. Mới về sống có năm năm mà bà thấy muốn ngộp thở. Nhiều đêm vắt tay lên trán, bà nghĩ: cái ông chồng già cỗi của mình, ông ta quá ham mê danh vọng nên cứ ở lì nơi xứ người không thèm về, vứt bà vào đây để làm một Ô-sin hoàn hảo. Ông ta chạy trốn ngôi nhà mang nhiều kỷ niệm với người vợ quá cố vì một tai nạn ô tô, chạy trốn đứa con gái mù mà lẽ ra ông nên dành nhiều tâm sức nuôi dưỡng. Nếu thế thì bà đành sống nốt quãng đời không còn trẻ nhưng chưa kịp già của riêng bà, kẻo chút tuổi xuân thừa sẽ tàn úa mất, mặc kệ người già tầng hai người trẻ tầng ba di chuyển trong những gian phòng hẹp.
Ơi những gian phòng hẹp thuộc một ngôi nhà rộng! Cớ gì mỗi sáng đầu ngày, nắng vàng sao mãi vô tình rơi từng giọt xuống nóc nhà chơi vơi, chơi vơi...?
Buổi Sớm Buổi Sớm - Thạch Lam