There is no way to happiness - happiness is the way.

There is no way to happiness - happiness is the way.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Bão Vũ
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Tu Nguyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 673 / 2
Cập nhật: 2017-11-08 13:59:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
hững ngày chiến tranh.
Nhóm thiết kế công trình đặc biệt phải sơ tán sâu vào vùng núi để giữ bí mật. Thực ra chỉ là thiết kế những trạm xá dã chiến có thể tháo lắp dễ dàng, chuyên chở gọn trên ô tô dùng cho các đơn vị quân y tiền phương. Chúng tôi được đưa đến một nơi cách biệt với dân chúng. Mọi liên hệ với bên ngoài thông qua một nhân viên bảo mật kiêm tiếp phẩm.
Trời cuối đông, lạnh buốt. Sương mù trắng đục đặc sệt bao phủ khắp vùng, thỉnh thoảng có chỏm núi cố vượt thoát khỏi lớp sương mù với những cây trụi lá khẳng khiu, trông đẹp và buồn như tranh thủy mặc. Một buổi sáng chúng tôi tỉnh giấc vì tiếng reo của Luận:
- Cây trên đỉnh núi đã có lá xanh. Tết đến nơi rồi. Dương béo hôm nay phải cố kiếm món gì cho anh em.
Hơn một tháng nay bữa ăn chỉ có ruốc cá và rau cải trắng. Món ruốc cá của nước ngoài viện trợ, là thứ cá không tên xay dối sấy khô đóng thành bánh cứng như những thỏi gỗ, khi ăn dằm vụn ra. Rau cải mua của dân địa phương là giống rau cải Trung Quốc, bẹ trắng ngắn ngủn trông tươi non mập mạp nhưng ăn thì nhạt phèo. Lúc đầu, ruốc cá là thức ăn ngon và quý hiếm. Nhưng ăn lâu ngày quá thì trở thành môt thứ hình phạt nặng.
Dương béo, gã cấp dưỡng bất đắc dĩ của chúng tôi là một gã to con, chỉ là sơ cấp kỹ thuật nhưng được vào nhóm công tác đặc biệt vì có thể nấu ăn cho nhóm. Ông nội Dương từng là đầu bếp của một hiệu ăn Trung Hoa thời trước, chế biến thông thạo từ những món ăn để các đức ngài “ngự” dùng cho nội cung cho đến các thức phàm dã, nên con cháu cũng được truyền cho ít nghề. Dương đã nghĩ ra đủ mọi trò với những tên gọi theo chữ Hán bịa đặt mà hắn học lỏm từ ông nội.
Cải tàng Ngư: Cải trần tưới “sốt cá”, tức là đun ruốc cá thành một món sền sệt rồi tưới lên đĩa rau cải luộc chưa chín hẳn. Ngư Cải giao hoan: Canh ruốc cá rau cải. Cải Ngư đấu: Rau cải xào ruốc cá. Cải hàm Ngư: Rau cải bọc ruốc cá hấp cách thủy. Dù vậy, bữa nào Luận - một gã có nhiều chữ nghĩa nhất trong bọn, cũng nhìn hai món cười như mếu:
- Thằng cha cung cấp thức ăn cho bọn ta, cái thằng Ruốc-Cá ấy, sáng nào cũng mò ra Cảng từ tờ mờ đất, thấy cái tầu thủy nào đi qua cũng nhảy cỡn lên vẫy khăn rối rít: “Ruốc cá phải không, đem hết vào đây!”
Nhân chêm vào, giọng đanh thép:
- Tội hủ hóa với con gái chủ nhà, tội ăn cắp và các tội nghiêm trọng khác phải chịu mức án cao nhất: Ăn ruốc cá và rau cải cho đến chết.
Hôm ông Táo chầu trời, Dương chế ra một món kinh khủng. Đó “Tam bảo hợp”: Cơm ghế lẫn với ruốc cá và rau cải băm nhỏ, thỉnh thoảng còn để nguyên một cọng rau. Nhân nếm thử, gật gù khen: “Tuyệt!” Rồi bất chợt nó hất tung cả mâm cơm đi, cười phá lên như điên.
Chúng tôi cũng chẳng buồn tiếc mâm cơm. Thậm chí coi việc làm của Nhân còn như một sự giải thoát cho cả bọn. Dương lẳng lặng thu dọn bát đĩa vỡ, lầu bầu:
- Chiều nay, ta sẽ kiếm một con gà mái ghẹ, hầm nhừ, luộc chín tới, quay thật ngậy thật đượm... cho các con tọng một bữa đến bội thực, rồi chết luôn đi, đỡ khổ đời.
Cả bọn nuốt nước miếng. Những gã trai đang lớn ăn uống kham khổ như chúng tôi lúc này mà được một bữa thịt gà thì chết cũng đáng.
Nhưng rồi Dương béo đã cho chúng tôi ăn con gà vẽ. Bữa chiều vẫn rau cải và ruốc cá. Ruốc cá rang qua dầu lạc và rau cải thì luộc. Dương không đặt tên là món gì nữa, và cũng không ăn cơm, nằm ôm bụng nhăn nhó. Hắn bị đi kiết vì ruốc cá. Luận cười thích chí:
- Đáng đời tên béo ị độc ác! - Và Luận cũng bỏ cơm, đi nấu nồi cháo trắng cho cả hắn và Dương.
Sáng hôm sau, trời lạnh buốt. Ngoài cửa sổ, sương muối phủ trắng núi, óng ánh như tuyết, chúng tôi chui đầu vào chăn chờ hửng nắng, dậy làm thông tầm.
Chợt có tiếng “be-be... be-be” vang lên lúc gần lúc xa.
Nhân lẩm bẩm:
- Kèn báo thức của đơn vị bộ đội đêm qua đến đóng quân gần đây.
- Thời chiến bí mật, ai thổi kèn ầm lên làm gì - Luận ngáp to.
Tiếng “be-be... be-be” vẫn vẳng đến. Nhân bật cười:
- Tiếng dê kêu. Có thế mà cũng không biết.
- “Ai uống nuớc này thì hóa ra dê”. Ai ăn ruốc cá nhiều cũng hóa ra dê - Luận nằm phủ phục nhún nhảy chiếc giường tre cót két, miệng kêu lên “be-he-he” - Ước gì tất cả ruốc cá trên đời biến thành thịt dê. Hay là chỉ một mình tên Ruốc-Cá biến thành dê cũng được. Ta sẽ chén thịt hắn.
Giá mà có con dê ở đây nhỉ. Chúng tôi nhao nhao bàn về thịt dê.
Món dê sốt vang hầm nhừ có tra bột nghệ và tưới rượu nho cho dậy mùi. Sườn dê ướp tỏi nướng. Dê thui trên lửa đến độ chín tới. Món bíp-tết dê tươi còn lòng đào. Tay Rô-bin-sơn trên hoang đảo đã uống sữa dê và chế ra món phó mát dê. Hình như anh ta còn làm cả thịt dê sấy khô nữa.
Sách thuốc cũng nói đến món “Dương nhục”, “Dương huyết tửu” và “Dương ngọc hoàn tửu”. Dê là món mỹ vị, là thực dược bổ dương tráng khí tuyệt hảo. Sau này trở thành những người có quyền chức, được thụ hưởng nhiều của ngon vật lạ, chúng tôi đã biết về những gì thuộc về con dê như vậy.
Nhưng, tất cả vứt đi hết chỉ có một món duy nhất: Tái dê.
Còn lúc này, những gã trai bị đi kiết, bị táo bón, bị “lở miệng long móng” vì thứ ruốc cá bã đắng như mùn cưa gỗ mục và những lá rau cải trắng nhạt toẹt, chúng tôi chỉ ước ao món dê luộc chấm muối chanh ớt, khi ăn miếng thịt vẫn bốc khói.
Tiếng dê kêu lại vẳng đến đứt quãng. Tiếng của một con dê non. Chúng tôi im lặng nuốt nước miếng, thưởng thức món thịt dê trong tưởng tượng theo cách của mỗi người.
- Ta ăn món “Tiếng dê kêu” - Nhân nói - Nhưng ăn dè thôi, còn để bữa chiều. Thằng nào nghe nhiều bây giờ, đến chiều phải bịt tai lại, nhịn. Này, Dương béo, món “Tiếng dê kêu” gọi là gì?
Nhưng Dương không còn nằm trên giường nữa. Chắc bệnh kiết- ruốc-cá lại hành hắn.
Tiếng dê kêu đứt quãng, nghẹn ngào như tiếng trẻ khóc. Tiếng dê không còn gợi cho chúng tôi nỗi thèm khát thực phẩm nữa. Nghe thê thảm như những tiếng kêu của một sinh thể nhỏ bé yếu ớt đang chịu sự đau đớn cùng cực. Chúng tôi nằm im lặng. Tôi nhớ tới con dê trắng nhỏ có tên là Mê.
Trước khi rời sâu vào núi chúng tôi ở nhờ nhà một gia đình người dân tộc Trại, nằm dưới chân núi. Người bố chừng bốn muơi tuổi khuôn mặt vuông vức phúc hậu, nhưng ông bị bệnh chân voi, suốt ngày ngồi im lìm trên tấm phản gỗ duỗi thẳng đơ chiếc chân to quá khổ như cây chuối bất động. Ông chăm chú nhìn chúng tôi vẽ, thỉnh thoảng húng hắng ho rồi nhéch mép mỉm cười vô cớ. Ông góa vợ, có một cô con gái chừng mười bảy tuổi tên là Miên. Cô bé rất xinh đẹp, ngây thơ nhí nhảnh và cũng hay cười như bố. Hàng ngày, Miên lên núi chăn đàn dê của nhà. Chiều về cô hái cho chúng tôi những mớ rau, củ rừng không rõ tên nhưng nấu ăn rất ngon. Có hôm cô còn cho chúng tôi mấy quả trứng gà.
Một lần, Nhân nói với cả bọn, ra vẻ xúc động lắm:
- Sau này, khi nước nhà bình yên, ta sẽ xin về hưu, trở lại đây, cùng nàng vui hưởng tuổi già. Các ngươi có thấy nàng hay cười với ta không?
- Có. Em cũng rất hay cười với tao - Luận gật. Dương béo cười hi hi:
- Hôm nọ, tao gửi em mua thịt trâu, tao không lấy lại tiền thừa, bảo để cho em mua cái gương soi, em cười rất nhiều với tao. Nói thật, lúc đó tao đã ôm hôn em. Vào má thôi. Nhưng bị em cắn một miếng vào tay.
Không biết Dương có khoác lác không, nhưng chúng tôi thấy có hôm hắn buộc băng ngón tay bảo bị dao cứa.
Miên rất yêu con dê lông trắng bé nhất đàn. Cô đặt tên cho nó là Mê. Mẹ của Mê sa xuống vực chết. Những con dê mẹ khác từ chối không cho Mê bú. Miên vắt sữa của lũ dê mẹ để nuôi Mê. Cô thường hay bế Mê lên lòng nựng nó và khẽ đung đưa như ru em. Con dê con lúc nào cũng quấn quýt bên chân Miên, ăn những búi cỏ non trên tay cô và đứng yên, mắt lim dim để được vuốt ve.
Chúng tôi gọi đó là “Nàng dê của ông Sơ-ganh”, theo một truyện ngắn cổ điển Pháp. Con dê lông trắng của ông chủ trại Sơ-ganh ngày ngày nhìn lên đỉnh núi khao khát những vạt cỏ non ngọt lịm bên kia núi, và mơ đến một chú dê đực tơ. Nó dứt đứt dây buộc, bỏ ngoài tai lời kêu gọi của ông Sơ-ganh, mặc cỏ sắc đá nhọn vực sâu, hăm hở dấn thân vào trong núi. Nó đã thấy những vạt cỏ gặp một con dê đực như mơ ước. Rồi nó đã làm mồi cho chó sói.
Dương béo không văn chương gì cả. Hắn bảo: “Con sói ấy đúng là tay sành ăn. Con Mê này chỉ vài tuần nữa, bắt đầu động hớn mà ngả ra thì ăn xong, chết cũng không ân hận gì”.
*
Những tiếng kêu nghẹn ngào thảm thiết cuối cùng của con dê khốn khổ như tiếng van xin tha mạng. Rồi khu núi im ắng như mọi buổi sớm. Có lẽ con dê đã chết hẳn. Rất lâu sau mới có tiếng chim hót xa lắc, khe khẽ. Lũ muông thú quanh đây đã khiếp đảm vì tiếng kêu của con dê bất hạnh, giờ mới hoàn hồn.
- Hay là con Mê của em Miên? - Nhân hỏi.
Không ai trả lời nhưng chúng tôi cùng có một dự cảm như thế. Cả bọn trở dậy nhóm đống lửa sưởi. Mới bảy giờ sáng. Đêm qua chúng tôi đi nằm từ rất sớm, nghe Luận kể chuyện “Thần hổ” ma quái để tránh khỏi cuộc bàn luận về những món ăn như thường lệ. Bây giờ mấy đứa khoác chăn ngồi sát vào nhau nhớ lại câu chuyện kinh dị về con hổ thành tinh báo oán. Rồi chúng tôi nói đến con dê non kêu gào thảm thiết trong núi đã chết. Có lẽ con dê bị hổ vồ. Vùng này có hổ không nhỉ? Nhân chợt kêu lên:
- Sao Dương béo vẫn chưa về nhỉ?
Nhân hất tấm chăn, chạy ra ngoài rồi trở lại hốt hoảng: Nhà xí không có Dương. Chúng tôi nghĩ đến hổ. Nhưng ngay lúc ấy Dương béo đạp cánh cửa liếp ì ạch bước vào, vai vác một con dê. ánh nắng ùa vào lán. Mặt trời đã mọc. Dương ném con dê đã chết xuống đất và thở hồng hộc:
- Nó bị kẹt vào khe đá, gẫy chân. Ta sẽ làm chầu tái dê thỏa thích. Còn đâu bó giò, kho đông, ăn Tết. Tạm biệt ruốc cá.
Con dê lông màu sữa, ở ức có một vệt đen như chiếc cravat. Chiếc “cravat” đã khiến chúng tôi nhận ra đó chính là “Nàng dê của ông Sơ-ganh”.
- Đây là dê hoang, sơn dương. Sừng con Mê của em Miên chưa cong và nhọn thế này. Chúng mày, nhóm bếp bắc nồi nước lên - Dương bác bỏ sự hoài nghi của chúng tôi. Hắn là đầu bếp có nghề gia truyền, không thể nói sai. Chúng tôi hào hứng nghĩ tới bữa thịt dê gần kề.
Khi món dê tái tỏa mùi thơm, Luận bật cười ha hả:
- Có câu đối này, tên nào đối được, sau này có con gái ta gả cho: “Tết Đinh Mùi, Trần Dương làm tái dê, bếp dậy mùi dê”. Ha-ha “Trần Dương - tái dê”, lại “mùi - dê” nữa thì đến Trạng ngày xưa cũng đầu hàng.
Không ai hưởng ứng trò chữ nghĩa cổ lỗ của Luận vì đầu óc chỉ chăm chăm nghĩ tới món thịt dê, mà cũng chẳng ai biết đối đáp là thế nào.
Rồi cũng đến lúc được ăn. Mâm thịt dê bốc khói đúng như ước muốn lúc nãy của chúng tôi. Cái đầu dê thui qua để trên bàn vẽ, trang trọng như kiểu trưng thành tích của những tay thợ săn, để dành ngày mai làm món hầm.
Nhân vừa nhai vừa hỏi Dương:
- Người ta bảo, phải nện cho con dê thật đau trước khi giết thịt thì ăn mới ngon. Có cái trò dã man ấy không, hả Dương?
- Dã man cái đếch gì? - Dương, miệng đầy thịt dê, trợn mắt nhìn Luận - Ăn thịt nó thì là đạo đức với nó à? Phải đánh cho ra mồ hôi mới hết mùi hoi chứ. Con này què, không chạy được, tao lấy cành cây giã cho nhừ tử.
Tiếng kêu như van xin một cách tuyệt vọng của con dê non là thế. Chúng tôi dừng đũa. Và đúng lúc ấy có tiếng gọi hốt hoảng lo lắng ngay cạnh lán chúng tôi: “Mê-ê-ê-ê... Mê-ê-ê-ê...ơi...”
Tiếng của Miên, con gái ông chủ nhà người Trại.
Để giữ bí mật, ô tô chở chúng tôi đi loanh quanh trong đêm rồi vòng lại chính ngọn núi cũ ở một phía khác. Miên hiện ra trước cửa lán, xinh đẹp rực rỡ hơn mấy tháng trước, nhưng tóc rối bù, áo quần rách xước.
Suốt đêm qua Miên đã băng núi đi tìm Mê. Con dê tội nghiệp đến tuổi đi theo bạn tình; bị lạc, kẹt kẽ đá, đã kêu cầu cứu chủ. Nhưng cô bé chưa kịp đến thì gã đồ tể trong đám chúng tôi đã đánh chết nó. Và bây giờ Mê đang bị chúng tôi ăn thịt.
Miên chạy bổ vào lán của chúng tôi, đứng sững nhìn chằm chằm mâm thịt dê và hiểu hết.
- Nó trốn đi tìm dê đực. Thế mà các anh lại giết thịt nó.
Miên lao đến bên cái bàn có bày đầu con Mê, ôm chầm lấy cái đầu của Mê khóc òa lên. Chúng tôi buông bát đũa, cúi gầm mặt. Chỉ có Dương béo là bình thản nhai nuốt xong miếng thịt trong miệng rồi đứng lên, móc túi lấy ra xấp tiền, đếm cẩn thận. Hắn đặt tay lên vai Miên vuốt ve như dỗ dành. Nhưng cái cách vuốt ve của hắn lại làm cho chúng tôi không nghĩ là hắn thông cảm với nỗi đau đớn của cô bé. Dương nắm lấy tay Miên, giúi mớ tiền vào lòng bàn tay cô bé. Miên cầm nắm tiền một cách vô ý thức, rồi lại mở bàn tay thả những tờ giấy bạc nhàu nát xuống đất.
Dương cúi nhặt từng tờ giấy bạc nhét vào túi áo ngực của Miên. Động tác của Dương hơi lâu. Thằng đểu, rồi hắn sẽ hi hi cười tự đắc với chúng tôi về chuyện này.
Chợt Miên thét lên: “Mê-ê-ê-ê!...” Tiếng kêu cũng giống như tiếng kêu nghẹn ngào tuyệt vọng của con Mê. Rồi Miên túm lấy tay Dương đưa lên miệng cắn lấy cắn để. Dương thét lên đau đớn.
Chúng tôi vẫn ngồi ngây. Nhưng khi Dương giơ nắm đấm lên cao định giáng xuống đầu cô bé thì Nhân chồm dậy tóm lấy cái nắm đấm đồ tể, bẻ quặt ra sau lưng. Chúng tôi gỡ được Dương ra khỏi Miên. Cô gái chạy vụt ra cửa lao theo con đường mòn hẹp dẫn xuống chân núi. Dương rũ xuống ôm chặt bàn tay trái máu chảy ròng ròng. Không ai nghĩ tới việc tìm bông băng cho hắn.
Luận chửi một câu rất tục tĩu rồi hất tung cả mâm thịt dê đi như trước kia nó đã hất cái món “Tam bảo hợp” quái gở của Dương.
Hai hôm sau, mồng một Tết Đinh Mùi. Dương khoác balô một mình lủi thủi xuống núi. Bàn tay quấn băng trắng của hắn thấp thoáng khuất dần sau đám lá. Lấy cớ Dương cần phải đi khỏi đây để tránh sự căm phẫn có thể còn nữa của Miên và dân bản, chúng tôi đã trục xuất hắn.
Chúng tôi quay về với hai món cổ truyền mà tay Ruốc-Cá lại tiếp tục gửi lên.
Mê - “Nàng dê của ông Sơ-ganh” đã liều mình vì tình yêu và tự do. Chỉ khác một chút ở đoạn kết. Nàng dê trong thiên truyện ngắn kia đã ngoan cường chống trả con sói hung dữ, cố chờ cho đến mặt trời mọc mới chịu gục thân hình với bộ lông trắng đẫm máu xuống làm mồi cho sói. Còn con dê non của cô bé Miên, thì vẫn muốn sống, nhưng khi mặt trời mọc nó đã bị chúng tôi ăn thịt.
Xin Mê và cô bé Miên hãy tha tội cho chúng tôi, những kẻ đói khát đã trở nên tàn nhẫn.
Bữa Thịt Dê Núi Bữa Thịt Dê Núi - Bão Vũ