Nhiều sự thất bại trên đời là do người ta không nhận ra người ta đang ở gần thành công đến mức nào khi họ từ bỏ.

Thomas Edison

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1006 / 7
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
Ông Tây Lơ Pheo vừa được “nhà nước thuộc địa Nam Kỳ” cấp cho một phần đất hoang vu, sình lầy ở rạch Xẻo Quao, làng Ðông Hưng, sát mé biển vịnh Xiêm La.
Sau khi hay tin ấy, mấy ông điền chủ Việt Nam ở gần không ngớt bàn tán:
- Bộ thằng Tây đó muốn tán gia bại sản sao chớ? Thứ đất khô không ra khô, ướt không ra ướt, tràm mọc vài cụm xơ rơ... Biết chừng nào mới làm ruộng được. Cỏ mọc cao hơn đầu người.
Có người đáp lại:
- Ông Lơ Pheo không ngu dại gì đâu, ông làm tới chức“bác vật,” ông có vốn liếng nhiều. Vài chục năm nữa, đất phèn, mùa nàng thạch mậu nhờ ổng mướn người xẻ kinh, đào mương cho rút bớt chất phèn.
- Vô lý. Vài chục năm sau, ông Lơ Pheo chết ngắt. Biết đâu Tây rút lui về chánh quốc trước khi đất này trở thành “đất thuộc” có huê lợi. Ông Trạng Trình tiên đoán rằng... thầy tăng trở về... gì đó, bà con mình quên rồi sao?
Nhưng Sấm Trạng Trình, năm ấy, chưa ứng nghiệm. Co bộ còn hơi lâu Tây mới rút về nước họ. nhà nước Tây còn mạnh lắm. Quan chủ quận vừa gời trát xuống cho thầy hương quản“tuân cứ” là hôm sau cả ban hội tề Ðông Hưng mặc chỉnh tề, khăn đóng, áo dài đen, chầu chực đón rước vị điền chủ mới.
Ông Lơ Pheo nói sành sỏi tiếng Việt Nam, không cần ai làm thôn ngôn. Ông không mang theo khí giới, súng đạn, khi người ta là một tay lịch lãm, dám bỏ quê xứ để qua thuộc địa miền nhiệt đới, khi người ta có bộ óc khá to, có cái trán sói sọi vì quá suy tư.
Nghe trình bày những khó khăn trong công việc làm ăn, ông Lơ Pheo mỉm cười:
- Hèn gì... Ngành canh nông ở đây kém phát triển, thua Nhật Bổn, Miến Ðiện, Nam Dương. Ðất nào mà không sanh ra huê lợi. Vậy chớ mấy ông điền chủ“An Nam” ở gần đất của tôi sanh sốn bằng nghề gì?
Thầy hương quản nói:
- Dạ, họ không làm ruộng.
Ông Lơ Pheo trố mắt:
- Tại sao họ xưng là người trồng tỉa lúa gạo. Họ khai trong giấy tờ làRi-di-cun-tưa (Riziculteur).
Thầy hương quản gãi đầu:
- Họ sống bằng nghề nuôi cá.
- Ồ!Phọt-mi-đáp. Nuôi cá là chuyện khác với làm ruộng. Bây giờ, thầy hương quản cứ cho tôi biết. Mỗi mùa nuôi bao nhiêu... con cá? Loại cá gì? Cho cá ăn mồi gì? Làm sao có đủ thức ăn cho cá lớn? Lúc cá đẻ, phải săn sóc cá mẹ cá con ra sao? Mỗi ngày, cá ăn mấy lần? Mỗi năm, bán được bao nhiêu tiền?...
Thầy hương quản nói tóm tắt:
- Dạ, theo chỗ tôi biết thì mỗi người chủ đều bán ra vài chục ngàn kí lô cá. Ðó là cá lóc, cá trê, cá rô do trời sanh, trời dưỡng. Từ hồi... tạo thiên lập địa, cá kiếm ăn một mình. Mình cứ ở không, uống rưọu mà chờ mùa nắng để bắt cá một lần. Gọi tắt là mấy ông điền chủ“An Nam” đắp vuông nuôi cá. Nuôi cá trong cái“vuông”.
- Vuông là cái gì? Sao tôi chưa nghe sách vở nói tới. Cái hình bốn góc bằng nhau. Làm sao cá ở trong đó?
Thật vô cùng bối rối cho thầy hương quản. Làm sao giải thích rõ ràng cho ông Tây thuộc địa nghe được. Thầ ngỏ ý muốn đưa ông Lơ Pheo ra ngoài vuông để ông ta quan sát tận nơi. Trời nắng chang chang, đổ sao. Ông Lơ Pheo lắc đầu, nghĩ đến những vụ ám sát, bắt cóc. Phía chân trời, dường như có một dẫy rừng chạy dài.
Rốt cuộc, thầy hương quản nói:
- Dạ, đó là một khoảng đất rộng từ bảy chục, tám chục hoặc hai ba trăm mẫu. Trong khoảng đất hoang vu, người ta đào nhiều đường mương nhỏ, như bàn cờ, cho cá ở. Bên ngoài có bờ bao ngạn như vòng thành khá cao. Cao hơn một thước tây. Vì vậy cá lội quanh quẩn trong vùng đất bao la bên trong. Làm sao cá nhảy ra khỏi bờ bao ngạn được. Cái vuông ấy không nhứt thiết hình vuông. Nó méo mó, hoặc theo hình chữ nhựt.
Ông Lơ Pheo thích chí:
- Tôi hiểu rồi. Giỏi quá! Nhưng mà... làm sao gom cá lại một chỗ, bắt cá đem lên. Chẳng lẽ dùngmáy bơm để hút nước ra ngoài. Muốn bắt cá, phải tốn bao nhiêu nhân công?
- Dạ bẩm, quan lớn... Qua mùa hạn bao nhiêu cá đều rút xuống mương, tự nhiên. Chừngmương cạn thì thì cá rút lui từ từ, dẫn vào một cái đìa khá to, ở sát bờ bao ngạn. Mình cất nhà ở bên cái đìa đó, để coi chừng kẻ trộm. cứ tát đìa. Cá lớn thì bán. Cá nhỏ thì để dành làm giống cho mùa tới.
Ông Lơ Pheo gật đầu lia lịa, khoát tay ra dấu nhận lời thầy hương quản. Chẳng lẽ người Pháp lại thua trí người nông phu“An Nam”? ông ta nói nhanh:
- Tôi hiểu rồi. Mấy người nuôi cá theo kiểu... cái Biển Hồ trên xứ Cao Miên. Mùa mưa cá lên rừng, lên ruộng, sanh đẻ trong lồng cỏ. Mùa nắng, cá gom xuống ao hồ. Tôi làm bài toán rồi. Mỗi năm, một cón cá mẹ sanh ra chừng mười ngàn cá con, hay quá.
- Như vậy nghĩa là quan lớn thấy xa hiểu rộng hơn tôi nhiều. Sáng mai, tôi dẫn quan lớn đi thăm mấy cái ruộng của điền chủ“bổn xứ”, gần đây...
- Cám ơn. Tôi đắp một cái ruộng, lớn bằng hai bằng ba... cho điền chủ An Nam noi theo. Ờ, tại sao mấy người điền chủ ở đây không làm giàu. Cá nưôi không cần mồi. Tiền bạc ở đâu? Tại sao không ai cất nhà lầu, mua tàu bè, lập nhà máy xay lúa. Tại sao ông chủ ruộng nào cũng nghèo xơ xác?
Thầy hương quản mỉm cười bí mật. Thầy ta cũng là một người chủ vuông, luôn cả những người trong ban hương chức hội tề:
- Thưa ông, khó nói quá.
- Sao vậy? Tại vì mấy người chủ vuông hút á phiện, mê cờ bạc?
- Dạ, khó nói quá.
o O o
Ông Lơ Pheo lấy làm hài lòng khi ông đích thân đến quan sát vùng đất, ông phác hoạ kế hoạch tương lai.
Này, cái bản đồ với bón góc A,B,C,D có thể chứa hàng triệu con cá.
Này, cái trại vuông, lợp bằng thiếc, nền lát gạch, vách ván, có cửa sổ che lưới sát mịn để ngừa loại muỗi đòn xóc gây bịnh rét rừng.
Này, cái phòng khách. Bên góc, có bình lọc nước, thư viện nghiên cứu. Và trước sân là một cái hồ nhỏ, cẩn xi măng để nuôi thử vài loại cá lóc, cá trê. mấy loại này sẽ lai giống, gây ra vài thứ cá mau lớn, dễ nuôi hơn, ăn ngon hơn.
Ngày đắp xong cái vuông, ông khen thưởng bọn“culi” một con heo quay.
Rồi suốt ngày, ông nằm trong trại, theo dõi tình hình nuôi cá.
Vài người đàn ông đen đúa, ở trần, tóc dài tới ót đi qua đi lại gần trại nuôi cá của ông Lơ Pheo.
Họ chào ông, ông chào họ. Họ tự xưng là người“làm ăn lương thiện” ở ngoài mé biển. Họ hút điếu thuốc của ông Lơ Pheo thân tặng rồi họ nheo mắt, khều nhau.
Họ nói nói, cười cười như âm mưu chuyện gì.
Ông Lơ Pheo cau mày, linh tính như báo trước chuyện bất an. Ngực của mấy kẻ“làm ăn lương thiện”ấy xâm đầy chữ Tàu, chữ quốc ngữ, luôn cả chữ Pháp. Bí mật quá.
Chờ khi họ khuất dạng, ông Lơ Pheo đến nhà hương quản:
- Mấy người ở đâu vậy? Tên họ gì? Có đóng giấy thuế thân không? Hay là dân bất lương?
Thầy hương quản nói:
- Họ ngoài mé biển, làm nghề câu cua, đốn củi, gài bẫy chim. Mấy nghề đó, nhà nước Lang Sa đâu cấm đoán. Còn về giấy thuế thân thì... khó quá. Tôi chua dam1 hỏi thử vì làm vậy sợ mất cảm tình. Ðể tôi hỏi thầy xã trưỡng xem thử họ có ghi tên trong bộ sỗ không.
Ông Lơ Pheo lắc đầu:
- Họ còn làm gì khác không? Coi bộ họ rảnh rang hơn tôi. À, họ biết chữ Tây không?
- Dạ, làm sao biết được Ở làng này, chẳng ai biết chữ Tây hết.
- Nè, thầy hương quản. Họ xăm mấy chữ Pháp quá vô phép:“Plutôt la mort que la honte”(thà chết hơn chịu nhục). Họ lại ở trần cho tôi đọc.
Thầy hương quản hơi bối rối:
- Họ xăm mình từ hồi nào lận kìa! Vả lại, chữ nho cũng vậy“Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục.”đã xăm vào da vào thịt rồi thì làm sao bôi xoá được. Chữ Tây mà. Chữ Tây ngụ nhiều ý nghĩa quá.
Ông Lơ Pheo lẩm bẩm:
- Câu đó để dành cho người Pháp bên chánh quốc. Hoặc cho tôi. Ở xứ Nam Kỳ này, không nên nhắc lại câu đó, sợ dân tình bắt chước. Ngoài mé biển, còn chừng bao nhiêu người sống lang thang rảnh rổi như vậy?
- Dạ, để tôi hỏi thầy phó hương quản. Phó hương quản lo trị dân ngoài đó.
- Phó hương quản là ngườ nào? Mặt mày ra sao? Kêu lại cho tôi biết mặt.
Thầy hương quản im lặng. Ngưòi xăm mình, xoay mấy chữ ngạo nghễ khi nãy chính là phó hưong quãn chó còn ai đâu xa lạ. Thầy che giấu:
- Dạ, phó hưong quản giờ này đi câu cua ngoài biển.
- Dân ngoài mé biển hiền hậu không? Uống rượu nhiều không? Họ uống rượu với... thịt chó hả? Ở vùng đồng bằng sông Hồng...
Thầy hương quản gật đầu để chấm dứt câu chuyện rắc rối.
- Dạ, uống rượu với thịt chó.
Rồi thầy ra về với nụ cưòi bí mật. Sự thật là dân miền biển ưa nhậu rượu với cá, loại cá nước ngọt, nuôi trong vuông. Cá đồng ngon hơn loài cá biển. Nay mai, đến mùa nước cạn, họ sẽ nhậu với cá trong vuông của ông Lơ Pheo và ăn trộm cá để mua rượu. Họ ăn cá, thay cho cơm.
Ông Lơ Pheo vào trại, tỏ thái độ cương quyết. Ông vừa thắng một trận giặc lòng. Lương tâm ông chẳng còn cắn rứt nữa. Ông quyết tâm vượt những khó khăn đầu tiên mà cuộc kinh doanh nào cũng vấp phải. Kế hoạch đối phó của ông như thế này: Về chợ Rạch Giá, tìm một tay võ sĩ, đánh lộn hay, chém lộn giỏi, rồi phong cho hắn làm chức quản lý vuông cá. Ấy là lấy độc trị độc. Mỗi tháng, cứ tăng lương đều đều cho hắn.
o O o
o O o
Mấy tháng qua, Tư Liệt lấy làm vui thích. Với trách nhiệm to tát, chú tư còn được quyền hạn khá rộng do ông Lơ Pheo giao cho.
Sáng sớm, vừa thức giấc là chú Tư Liệt dạo vòng quan bờ ruộng, đi hơn một tiếng đồng hồ mới giáp bốn phía bờ bao ngạn. Chẳng có kẻ bất lương nào ẩn náu trong vùng cấm địa cả! Ông Lơ Pheo đã la hoảng, vậy thôi. Trong vuông, chú Tư Liệt thấy nào chi, cò, trích, cúm núm. Hàng trăm con le le bay lên từng chặp, từ mấy cái lung đầy sen bạch, nở muộn. Gió chướng thổi hiu hiu. Mấy giề rong đuôi chồn tan rã, chìm xuống. Mắt nước lềnh bềnh, đầy bông súng.
Mấy tấm bảng“Vuông này là của riêng của ông Lơ Pheo, Cá có chủ! Coi chừng! Nếu trộm cắp sẽ bị nghiêm trị!”đứng trơ trẽn lạnh lùng trưóc cơn gió biển. Thỉnh thoảng, vài con cò quắm đáp xuống, đâu thử trên đầu bảng. Nhưng chặp sau, vì tấm bảng quá mỏng, nên cò quắm đau chân. Cò vỗ cánh, phóng uế, bay về phía rừng mắm xanh rì để đậu. Cành mắm tròn đậu êm ngón chân hơn.
Tư Liệt ngáp dài, trở về trại, uống viên ký ninh, đúng theo lời căn dặn của ông Lơ Pheo, và uống với nước lọc, những giọt nước mát lạnh nhểu xuống từ cái“phít” bằng đất sét trắng. Buổi chơm chiều, chú ăn chậm rãi. Nhà đóng kín, muỗi không lọt vào được. Ông Lơ Pheo đã trở về Sài Gòn từ tháng trước. Tư Liệt nghiễm nhiên trở thành chủ nhà, chủ vuông cá. Còn năm ngày nữa, ông Lơ Pheo mới trở lại Xẻo Quao này.
Chú nằm trên giường lắng tai. Bên ngoài có những tiếng động lạ thường.
Trong cái đìa sau trại, cá quậy nước nghe ầm ầm. Hàng ngàn con cá to đã gom vào đó. Im một chặp, lại nghe tiếng“chép chép,” “lụp bụp,” “lào xào”... cứ như thế, mỗi lúc một náo nhiệt.
Chú xách cây đèn“pin”, chạy ra ngoài rọi xuống đìa. Nước đục ngầu pha trộn với bùn đen. Hằng hà sa số cá lóc, cá trê cố vùng vẫy, toan lội trở ngược. Chú dạo một vòng, chung quanh bờ vuông. Cá gom xuống mương rồi. Cá muốn lội dài theo dòng nước đục, gom vào cái đìa lớn. Chú rọi đèn“pin”... Vài con cá choá mắt, nhảy dựng đứng để trốn ra ngoài bờ bao ngạn khá cao. “Cá ở đâu mà nhiều quá vậy?” Tư Liệt hỏi thầm.
Sau cuộc tuần tra ấy, Tư Liệt vào nhà mừng thầm vì nay mai ông Lơ Pheo sẽ hài lòng.
Hừng sáng, chú thúc dậy sớm, dạo một vòng trên bờ vuông. Ðằng kia, đôi ba người lực lưỡng đưa tay ngoắt chú. Bên cạnh họ, đống lửa cháy vàng lườm. Khói bay cuồn cuồn, đưa màu cá nướng thơm phức. Thấy họ đông đảo và mạnh khoẻ hơn mình, Tư Liệt dừng lại. Có tiếng kêu réo:
- Lại đây nhậu chơi nè. Chẳng lẽ ba người ráp đánh một người. Anh hùng một thứ với nhau mà.
Tư Liệt cười gượng, đến gần. Ô hô! Nãy giờ, và có lẽ từ mấy ngày trước, họ ăn hằng hai ba chục con cá lóc, cá trê, bỏ xương bỏ thịt một đống to. Dường như chưa thoả mãn, họ đang chuẩn bị cặp vào gắp tre chừng mười con cá trê mà nướng tiếp theo.
- Lại đây đại chúng ta. Uống một hớp cho tỉnh táo để thính lỗ tai, nghe tụi tôi hạch tội.
Tư Liệt ngạc nhiên:
- Hổm rày, tôi đã làm gì khiến bà con hờn giận?
Một người trong bọn nói:
- Hồi tối, đại ca đi đâu. Rọi đèn“pin” để rình bắt tụi tôi hả? Rình ban ngày chưa đủ sao? Lại đây ăn no rồi kéo tay sơ sơ coi ai mạnh, ai yếu. Nè! Cá lóc Xẻo Quao ngon lắm, ngốn một miếng cho biết mùi. Ăn lớn miếng mới biết ngon.
Cực chẳng đã, Tư Liệt phải ăn và uống. Bọn người cười vang:
- Cha nội này tiếc của dùm cho ông Lơ Pheo. Cá này là cá của mình mà. Tại sao đại ca lại trung thành“bất tử” với ổng?
Tư Liệt hỏi nhanh:
- Cá ở đây vậy?
- Cá ở trong vuông trốn ra chớ ở đâu.
- Cá biết trốn à? Làm sao nó nhảy qua bờ bao ngạn, cao hơn một thước tây.
- Nó đào hang, đào ngách. Ðất mềm lắm. Kìa! Thí dụ, như mấy bụi sen bạch này. Nó mọc phía ngoài nhưng nó trổ ngó, mọc thêm vài bụi phí trong vuông của ông Lơ Pheo. Hai bụi sen dính liền với nhau. Thử đào đất lên thì biết. Lời tục thường ví:“Ðất có con mắt”.
Hôm sau, ông Lơ Pheo từ Sài Gòn về Xẻo Quao để... bán cá. Ông hơi buồn phiền vì Tư Liệt cứ vắng mặt. Chỉ còn người bạn tâm giao của ông ta là thầy hương quản.
Thầy hương quản nói:
- Xứ này khó làm giàu lắm. Bởi vậy, mấy ông điền chủ Xẻo Quao chỉ lo nhậu rượu rồi làm hương chức hội tề cho vui. Làm sao phân biệt cái hang tự nhiên với cái hang của tụi nó đào. Tôi biết. Gây gỗ với tụi nó vô ích.
Ông Lơ Pheo nói giọng chán ngán:
- Chắc thằng Tư Liệt theo đảng xăm mình rồi. Còn thầy có xăm mình không?
Thầy hương quản mỉm cười:
- Ôi thôi. Cá nước chim trời mà.
Ðảng Xăm Mình Ðảng Xăm Mình - Sưu Tầm