A good book should leave you... slightly exhausted at the end. You live several lives while reading it.

William Styron, interview, Writers at Work, 1958

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Thanh Hải
Số chương: 108 - chưa đầy đủ
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5810 / 96
Cập nhật: 2016-04-25 23:39:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
52 - William Fisher-Rudolf Abel (1903-1971) - Những Hoạt Động Sống Sau Tên Một Người Chết
à một nhà cách mạng chuyên nghiệp, không hiểu duyên số thế nào mà Henrik Fisher vốn là người Đức mà lại trở thành cư dân thành phố Saratov. Anh lấy cô gái Nga Lyuba. Vì hoạt động cách mạng anh bị trục xuất. Sang Đức thì không thể được, bên đó anh đã có án, gia đình nhỏ này đành sinh sống ở Anh, ở những nơi Shakespear đã sống. Ngày 11 tháng 7 năm 1903, Lyuba sinh hạ một cậu con trai, để kỷ niệm kịch tác gia vĩ đại họ đặt tên là William.
Henrik Fisher tiếp tục hoạt động cách mạng, đứng về phía những người bolsevich, đã gặp gỡ Lenin và Krzizanovxki. Năm 16 tuổi William vào đại học, nhưng không được học lâu: năm 1920 gia đình Henrik Fisher trở về Nga và nhập quốc tịch Xô Viết. Năm 17 tuổi William bắt đầu yêu mến nước Nga và trở thành một nhà ái quốc nồng nàn. Anh không được tham gia Nội chiến, nhưng tự giác gia nhập Hồng quân. Anh học nghề điện báo viên và sau này rất phù hợp với anh.
Một người thanh niên thông thạo tiếng Nga và tiếng Anh, đồng thời biết tiếng Đức và tiếng Pháp, hơn nữa lại có nghề vô tuyến và có lý lịch trong sạch thì không thể không bị cơ quan mật vụ để mắt đến. Năm 1927 anh được đưa vào cơ quan an ninh quốc gia do Artuzov lãnh đạo. Có một thời gian William Fisher làm việc ở cơ quan trung ương. Nhưng theo một số tư liệu, thời gian này anh hay đi công tác bí mật sang Ba Lan. Tuy nhiên cảnh sát không cho kéo dài thời hạn cư trú, nên anh chỉ ở bên đó ít ngày. Năm 1931, anh đi công tác dài ngày hơn, cũng có thể gọi là "bán hợp pháp", bởi vì anh đã mang họ tên của mình. Tháng 2 năm 1931 anh đến Tổng lãnh sự Anh ở Moskva yêu cầu xin cấp hộ chiếu Anh. Nguyên nhân anh là người gốc Anh, anh sang Nga là theo ý của bố mẹ, bây giờ anh đã cãi lộn với họ và có nguyện vọng đưa vợ và con gái về nước. Họ đã cấp hộ chiếu và cặp vợ chồng William Fisher ra nước ngoài, có giả thuyết cho rằng là sang Trung Quốc, tại đó William mở một xưởng radio. Chuyến công tác kết thúc vào tháng 2 năm 1935. Nhưng đến tháng 6 năm đó gia đình này lại có mặt ở nước ngoài. Lần này William sử dụng chuyên môn thứ hai - nghề họa sĩ tự do. Có thể là anh cũng có vẽ một cái gì đó mà không được lòng cơ quan mật vụ địa phương, cũng có thể vì một lý do khác mà đợt công tác kéo dài 11 tháng.
Tháng 5 năm 1936, William Fisher trở về Moskva và tham gia đào tạo những cán bộ bất hợp pháp. Một trong những cô học trò của anh là Kitti Harris, làm liên lạc cho nhiều điệp viên Liên Xô xuất sắc, trong đó có Vaxili Zarubin và Donald Maclean.
Còn "Abel R.I. là ai?"
Đây là những dòng trong lý lịch tự thuật:
"Tôi sinh ngày 23.09.1900 ở Riga. Bố tôi là thợ ống khói (ở Latvia nghề này được coi trọng, gặp một người thợ ống khói ngoài phố là điềm may mắn), mẹ tôi là nội trợ. Tôi sống với bố mẹ đến năm 14 tuổi, học hết lớp 4 trường tiểu học... tôi làm nghề bán báo. Đến năm 1915 tôi chuyển về Petrograd".
Chẳng bao lâu sau cách mạng nổ ra, cũng như hàng trăm trẻ em khác, chàng thanh niên Latvia đứng về phía chính quyền Xô Viết. Là thợ đốt lò, Rudolf Ivanovich Abel chiến đấu ở vùng Volga và ở Kam, tham gia chiến dịch trong vùng địch hậu của quân Bạch vệ trên tàu ngư lôi "Retivy". Sau đó là những cuộc chiến đấu ở Sarisưn, là lớp đào tạo điện tín viên ở Kronshtadt và hoạt động điện tín viên ở quần đảo xa xôi Komandor và đảo Bering. Từ tháng 7 năm 1926 làm quản lý lãnh sự quán Thượng Hải, sau đó làm điện tín viên của đại sứ quán Xô Viết ở Bắc Kinh. Từ 1927 là cán bộ Phòng ngoại vụ Cục Chính trị quốc gia. Hai năm sau, "năm 1929, được điều sang công tác bí mật ngoài biên phòng. Làm việc này đến hết mùa thu năm 1936". Trong lý lịch của Abel không có những chi tiết về đợt công tác này. Nhưng đáng chú ý là thời gian trở về - 1936, tức là gần như đồng thời với W. Fisher. Có phải đó là sự trùng hợp đầu tiên trong hoạt động của hai người, hay là hai người đã quen nhau và chơi với nhau từ trước? Có lẽ điều thứ hai đúng hơn. Trong bất kỳ trường hợp nào thì từ thời gian đó, theo tài liệu dẫn ra ở trên, họ đã làm việc với nhau. Việc họ không rời xa nhau đã được viết rõ trong các hồi ký của các cộng sự. Khi hai người vào nhà ăn, những người cộng sự này thường nói: "Kìa, anh em nhà Abel đã đến". Họ còn chơi với nhau bằng cả gia đình nữa. Con gái của V.G. Fisher là Evelin viết rằng chú Rudolf thường đến nhà luôn, lúc nào cũng bình thản, yêu đời, hay chơi với trẻ... Abel không có con. Vợ anh, Alecxandra Antonovna, là con nhà quý tộc, điều đó rõ ràng đã làm cản bước đường công danh của anh. Tệ hơn nữa, anh ruột anh là Voldemar Abel, trưởng ban chính trị ngành tàu biển, năm 1937 lại là "thành viên âm mưu phản cách mạng dân tộc chủ nghĩa Latvia và vì tội gián điệp phá hoại tay sai cho Đức ở Latvia mà bị xử tội nặng". Khi anh trai bị bắt thì tháng 3 năm 1938, R.I. Abel cũng bị thải hồi khỏi các cơ quan nội vụ. Abel đi làm xạ thủ cảnh vệ, tháng 12 năm 1941 được quay về Bộ Nội vụ. Trong lý lịch của anh có ghi rằng từ tháng 8 năm 1942 đến hết tháng 1 năm 1943 anh ở trong đội tác chiến bảo vệ vùng núi Kavkaz xung yếu. Trong lý lịch còn ghi: "Trong thời kỳ chiến tranh Vệ quốc nhiều lần đi thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt... về đào tạo và đưa điệp viên của chúng ta vào hậu phương địch". Khi chiến tranh kết thúc được nhận huân chương Cờ Đỏ và hai huân chương Sao Đỏ. Năm 46 tuổi rời khỏi các cơ quan an ninh quốc gia với quân hàm thượng tá.
Tình bạn của nhóm "Abel" vẫn được tiếp tục. Rudolf biết về chuyến công tác của William sang Mỹ. Họ gặp nhau khi William đi nghỉ. Nhưng về việc thất bại của Fisher và về việc anh giả danh Abel thì Rudolf không hề biết gì cả. Rudolf Ivanovich Abel chết đột tử năm 1955 mà không hề biết rằng tên tuổi của anh đã đi vào lịch sử tình báo.
Số phận trước chiến tranh cũng không mỉm cười với William Hendrikhovich Fisher. Ngày 31 tháng 12 năm 1938, anh bị sa thải khỏi Bộ Nội vụ. Nguyên nhân không rõ. May là chưa bị tù và bị xử bắn. Hai năm rưỡi trời anh sống cuộc đời "dân sự", đến tháng 9 năm 1941 mới được quay về đội ngũ. Trong những năm 41-46, Fisher làm ở cơ quan tình báo trung ương. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là suốt ngày anh ngồi bàn giấy. Anh còn làm nhiệm vụ đào tạo và tung điệp viên vào hậu phương địch. Ngày 7 tháng 11 năm 1941, với tư cách là thủ trưởng đơn vị liên lạc, Fisher cùng với anh em điệp viên làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cuộc duyệt binh trên Hồng trường. Người ta biết chắc rằng năm 44-45 anh đã tham gia vào trò chơi điện đài "Berezino" và đã lãnh đạo nhóm nhân viên điện đài Xô Viết và Đức. Năm 1946, Fisher được đưa vào đội dự bị đặc biệt và được chuẩn bị đi công tác dài ngày ở nước ngoài
Fisher được đào tạo toàn diện cho hoạt động bí mật, anh rất sành về thiết bị điện tử, có chuyên môn là kỹ sư điện, am hiểu hoá học và vật lý hạt nhân. Về hội họa anh đạt trình độ chuyên nghiệp, mặc dù không học ở đâu cả.
Đầu năm 1948, ở Bruclin thuộc New York xuất hiện một họa sĩ và nhiếp ảnh gia tự do là Emil R. Goldfus, đó chính là William Fisher, cũng chính là Mark. Xưởng của anh ở số 252 phố Fulton. Đây là thời kỳ khó khăn đối với ngành tình báo Xô Viết. Tại Mỹ chủ nghĩa Makkarti, chủ nghĩa bài Xô Viết, nạn "săn đuổi phù thuỷ" và nghề điệp viên đang hoành hành. Các nhà tình báo hoạt động "hợp pháp" trong các cơ quan Xô Viết đều bị thường xuyên theo dõi, bất kỳ lúc nào cũng có thể bị khiêu khích. Quan hệ với tình báo cũng rất khó khăn. Thế nhưng họ vẫn cung cấp được những tin tức quan trọng về việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Việc tiếp xúc với các điệp viên trực tiếp làm việc trong các công trình nguyên tử bí mật là Persey và những người khác được duy trì thông qua Louise (Koen) và thông qua nhóm "Tình nguyện viên" do anh lãnh đạo. Họ nằm trong dây liên lạc của Klod (Yu.S. Sokolov), nhưng tình hình lúc này là anh không thể nào liên hệ với họ được nữa. Chỉ thị từ Moskva nói rằng Mark phải nắm quyền lãnh đạo nhóm "Tình nguyện viên".
Ngày 12 tháng 12 năm 1948 lần đầu tiên Mark gặp Lesli và thường xuyên làm việc với cô, qua cô nhận những thông tin quan trọng về chất plutonium để làm vũ khí và các dự án nguyên tử khác. Đồng thời, Mark cũng có quan hệ với cộng tác viên tình báo Mỹ "Gerbert". Từ chỗ anh qua Lesli mà có được dự án luật của Schuman về việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia và tổ chức trực thuộc của nó là CIA. Gerbert đã trao cho họ bản Điều khoản chung về CIA trong đó thống kê các nhiệm vụ được trao cho tổ chức này. Kèm theo đó có cả dự thảo Chỉ thị của tổng thống về việc giao cho Văn phòng điều tra liên bang thuộc Cơ quan Tình báo Quân sự trách nhiệm bảo vệ việc sản xuất các vũ khí bí mật - bom nguyên tử, máy bay phản lực, tàu ngầm, v.v... Qua những văn bản ấy người ta thấy rõ rằng mục đích cải tạo lại các cơ quan mật vụ của Mỹ là nhằm tăng cường hoạt động phá hoại chống Liên Xô và tích cực khai thác các công dân Xô Viết. Các "tình nguyện viên" rất lo lắng và sốt ruột trước tình hình gia tăng nạn "săn đuổi phù thuỷ" nên cố gắng thường xuyên liên hệ với người lãnh đạo mình là Louis, gây nguy hiểm cho cả mình, cả anh và cả Mark. Trong trường hợp đó cần quyết định cắt đứt quan hệ của Louis và Lesli với anh ta và đưa họ ra nước ngoài. Tháng 9 năm 1950 vợ chồng Koen rời Mỹ. Biện pháp này giúp cho William Fisher trụ lại ở Mỹ 7 năm liền.
Sự nghiệp tình báo của Fisher kết thúc khi nhân viên liên lạc và điện đài Reyno Heyhannen tố cáo anh. Khi biết rằng Reyno nghiện ngập và trác táng, ban lãnh đạo tình báo quyết định triệu hồi anh ta về nước, nhưng đã không kịp. Anh ta nợ nần nhiều quá và trở thành kẻ phản bội.
Đêm 24 rạng ngày 25 tháng 6 năm 1957, Fisher dưới cái tên Martin Kollins nghỉ đêm trong khách sạn New York "Latam", tại đó anh có buổi liên lạc điện đài. Gần sáng có 3 người mặc thường phục vào phòng. Một tên nói: "Thưa đại tá! Chúng tôi biết ngài là đại tá và những gì ngài đang làm trên đất nước chúng tôi. Chúng tôi là nhân viên Văn phòng điều tra liên bang. Trong tay chúng tôi có thông tin chính xác rằng ngài là ai và đang làm gì. Tốt nhất là ngài hợp tác với chúng tôi. Nếu không ngài sẽ bị bắt". Fisher thẳng thừng cự tuyệt hợp tác. Lúc đó các nhân viên Cục Nhập cư vào phòng và bắt anh vì visa nhập cảnh giả mạo vào đất Mỹ. Fisher đã kịp vào toalet huỷ bộ mật mã và bức điện mới nhận đêm qua. Nhưng bọn chúng đã tìm được những văn bản khác và các vật dụng làm bằng cho công tác tình báo. Anh cùng các tang vật được đưa ngay về bang Tezcat, vào trại nhập cư.
Fisher đoán ngay ra rằng kẻ phản anh là Heyhannen, nhưng hắn lại không biết tên thật của anh. Anh quyết định xưng tên người bạn quá cố Abel và cho rằng nếu ở nhà biết tin Abel bị bắt thì biết ngay là ai. Anh sợ rằng bọn Mỹ sẽ chơi trò chơi điện đài. Khi nhận cái tên mà Trung Tâm đã biết anh muốn thông báo rằng anh đang bị tù... Anh tuyên bố với bọn Mỹ: "Tôi sẽ khai hết với điều kiện là tôi được viết thư về cho Đại sứ quán Xô Viết". Họ đồng ý, và quả thật bức thư đã đến được Phòng lãnh sự. Nhưng ông lãnh sự lại không hiểu chuyện gì. Ông ghim bức thư lại để "điều tra", và trả lời cho người Mỹ rằng không có công dân nào như vậy. Nhưng ông cũng không có ý định thông báo cho Trung Tâm biết. Vì thế chúng ta chỉ biết về việc Mark bị bắt qua báo chí mà thôi.
Chính vì người Mỹ cho phép viết thư, nên Abel buộc phải cung khai. Anh tuyên bố: "Tôi, Rudolf Ivanovich Abel, công dân Liên Xô, tình cờ sau chiến tranh nhặt được trong một nhà kho cũ một số lớn dollar Mỹ, tôi liền đi sang Đan Mạch. Tại đó tôi mua hộ chiếu giả, năm 1948 tôi qua Canada rồi qua Mỹ". Cách nói ấy không thuyết phục được bọn Mỹ. Ngày 7 tháng 8 năm 1957, Abel bị buộc vào 3 tội: 1) âm mưu chuyển về Liên Xô những thông tin về nguyên tử và về quân sự (dự kiến tử hình); 2) mưu đồ thu thập những thông tin trên (10 năm tù); 3) sống không đăng ký trên đất Mỹ với tư cách điệp viên cho nước ngoài (5 năm tù). Ngày 14 tháng 10 tại toà án liên bang quân khu phía Đông New York bắt đầu bản án số 54094 "Nước Mỹ chống lại Rudolf Ivanovich Abel".
Về hành vi của Abel trên toà, nhà báo Mỹ I. Esten trong cuốn "Cơ quan mật vụ Mỹ làm việc thế nào" đã viết: "Trong vòng ba tuần người ta định chiêu mộ lại Abel, khi hứa hẹn với anh đủ mọi nguồn lợi cuộc sống... Khi việc đó không thành, người ta bắt đầu đe dọa bằng ghế điện... Nhưng điều đó cũng không làm con người Nga đó xiêu lòng. Toà án hỏi anh có thấy mình lầm lỗi không, anh không do dự trả lời: "Không!" Abel từ chối mọi lời cung khai". Cần nói thêm rằng người ta hứa hẹn và dọa nạt không những trong thời gian phiên toà mà là trước đó và sau đó. Nhưng kết quả vẫn như vậy. Luật sư của Abel, ông James Britt Donovan, một người hiểu biết và có lương tâm, đã làm nhiều việc để bảo vệ anh, cũng như là để trao đổi. Ngày 24 tháng 10 năm 1957 ông đã đọc lời bào chữa hùng hồn, có ảnh hưởng nhiều mặt đến quyết định của "các ông lớn, bà lớn hội thẩm".
Nhưng các hội thẩm viên vẫn phán quyết Abel có tội. Theo luật Mỹ bản án được dành cho quan toà. Giữa phán quyết của các hội thẩm viên với việc kết tội đôi khi có một thời gian dài.
Ngày 15 tháng 11 năm 1957, Donovan gặp quan toà yêu cầu không kết án tử hình, bởi vì ngoài các nguyên nhân khác, "hoàn toàn có thể là trong một tương lai gần nước Nga Xô Viết hoặc một nước liên bang cũng có thể chộp được một người Mỹ cùng đẳng cấp, trong trường hợp đó việc trao đổi tù binh theo các kênh ngoại giao có thể được công nhận là phù hợp với quyền lợi quốc gia của nước Mỹ". Cả Donovan, cả quan toà - người kết án Abel 30 năm tù - đều là những người có tầm nhìn xa. Khó khăn lớn nhất đối với anh trong nhà tù là không được trao đổi thư từ với gia đình. Việc này mãi mới được chấp thuận (với điều kiện kiểm duyệt ngặt nghèo) sau khi Abel được gặp giám đốc Cục Tình báo trung ương Allen Dulles. Ông này, khi chia tay với Abel và nói chuyện với luật sư Donovan, đã nói một câu mơ mộng:"Tôi mong sao chúng ta có được ba, bốn người ở Moskva như Abel".
Bắt đầu cuộc đấu tranh giải phóng Abel. Tại Drezden các cộng sự tình báo tìm được một người phụ nữ hình như là bà con với Abel. Mark đã viết thư gửi từ nhà tù ra theo địa chỉ của bà, nhưng bỗng nhiên, không nói lý do, người Mỹ không cho anh trao đổi thư từ nữa. Lúc này "ông anh họ của R.I. Abel", một chàng Yu. Drivs nào đó, một viên chức nhỏ sống ở Cộng hoà dân chủ Đức phải nhập cuộc. Đóng vai trò của anh ta là một nhân viên tình báo nước ngoài Yu. I. Drozdov, người lãnh đạo tương lai của tình báo bất hợp pháp. Công việc kéo dài mấy năm vất vả. Drivs đã trao đổi thư từ với ông Donovan thông qua một luật sư ở Đông Berlin, mọi người trong gia đình Abel cũng viết thư từ. Người Mỹ rất thận trọng, họ kiểm tra địa chỉ của "ông anh họ" và của luật sư.
Mọi việc được thúc đẩy nhanh hơn sau ngày 1 tháng 5 năm 1960, khi ở vùng Sverlovsk bắn hạ được chiếc máy bay do thám U-2 và bắt được tên phi công Frensis Harri Pauers. Liên Xô cáo buộc Mỹ là có hành động gián điệp, tổng thống Eisenhower đã trả lời bằng cách nhắc nhở người Nga nhớ đến vụ Abel. Tờ "Thời báo New York" là tờ báo đầu tiên trong bài xã luận của mình đã đề nghị đánh đổi hai người. Như vậy là tên tuổi Abel lại một lần nữa là tâm điểm chú ý. Tổng thống Mỹ chịu sức ép của cả gia đình Pauers và của cả dư luận xã hội. Các luật sư hoạt động sôi nổi. Kết quả là hai bên đi đến thoả thuận.
Ngày 10 tháng 2 năm 1962, có mấy chiếc xe đi từ hai phía Đông và Tây Berlin tiến tới chân cầu Alt Glinica. Abel xuống xe của Mỹ, còn Pauers xuống xe Liên Xô. Họ đi về phía nhau, trong một giây họ dừng lại nhìn nhau rồi rảo bước đi về phía xe nước mình. Những người chứng kiến nhớ lại rằng khi Pauers được trao cho người Mỹ anh được mặc chiếc áo bành tô đẹp, đội mũ lông tuần lộc, thân hình cường tráng, khoẻ mạnh, còn Abel thì mặc bộ quần áo mũ tù màu xanh xám, và theo lời Donovan, "trông gầy còm, mệt mỏi và già xọm đi". Một giờ sau tại Berlin Abel gặp vợ con, sáng hôm sau cả gia đình hạnh phúc bay về Moskva.
Những năm cuối đời William Hendrikhovich Fisher, cũng là Rudolf Ivanovich Abel, và là Mark, làm việc trong ngành tình báo nước ngoài. Anh đã sang cộng hòa dân chủ Đức, Rumani, Hungari, thường nói chuyện với các cán bộ trẻ, tham gia đào tạo kèm cặp. Năm 1971, anh qua đời ở tuổi 68.
Về việc mai táng, con gái anh là Evelina kể lại cho nhà báo N. Dolgopolov: "Đây là việc phức tạp khi phải quyết định là mai táng ở đâu. Nếu ở nghĩa trang Novodevichye thì phải mang tên Abel. Mẹ tôi phản đối: "Không!". Tôi cũng lên tiếng như vậy. Và chúng tôi đòi phải chôn cất bố tôi với chính tên của ông ở nghĩa trang Donskoe... Tôi nghĩ rằng tôi mãi mãi có thể tự hào với cái tên William Hendrikhovich Fisher".
108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. - Đoàn Tử Huyến (Chủ Biên) 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới.