Nguyên tác: Những Chiến Dịch Đặc Biệt
Số lần đọc/download: 1895 / 18
Cập nhật: 2016-02-08 22:14:58 +0700
4. “Vụ Megrel” Bắt Đầu Âm Mưu Của Stalin Loại Bỏ Beria Khỏi Ban Lãnh Đạo Kremli
B
ắt đầu sự thanh lọc ban lãnh đạo Gruzia, những ai gần gũi với Beria. Chiến dịch chống tham nhũng ở Gruzia phình rộng trước với mục đích tách người Megrel ra khỏi Liên Xô. Stalin làm đến nước này là do ghét Beria và để làm mất cơ sở ảnh hưởng của ông ở Gruzia.
Thành công vấn đề nguyên tử đã nâng uy tín Beria lên. “Ông chủ” biết đó là một thành công đặc biệt, nhưng thay vào việc khen thưởng, ông đã tìm cách thay thế Beria bằng một người phụ thuộc vào ông hơn.
Bộ Chính Trị đề nghị Beria đứng đầu uỷ ban đảng điều tra vụ “phái Megrel lệch lạc”, cử ông về Tbilixi để ông đả phá “dân tộc chủ nghĩa Megrel” và cách chức chiến hữu gần gũi nhất của ông, Bí thư thứ nhất ĐCS Gruzia Tsarkviani, người theo lệnh Stalin bị thay bằng Mgeladze, kẻ thù không đội trời chung với Beria. Ngoài ra Beria cũng phải đóng cửa các tờ báo Megrel.
Trong khi Beria đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười, Ogolsov theo lệnh Stalin phái một nhóm điều tra về Tbilixi gặp những người Megrel bị bắt để lấy cung, nhằm bôi xấu Beria và Nina vợ ông. Những người Megrel không chịu nhận tội gì hết. Họ chịu một năm rưỡi tù đày, tra tấn, không được ăn ngủ, và Beria đã thả họ khi Stalin chết. 8 tháng trước khi chết Stalin tống giam Rukhadze vốn đã trở thành nhân chứng không mong muốn đối với ông. Một cách chính thức ông kia bị kết tội lừa dối đảng và chính phủ.
Giờ đây Kirill Xtoliarov làm tôi sáng tỏ tình huống mà tôi rơi vào ở Gruzia năm 1951 (hay 1952 gì đó), khi Ignatiev lệnh cho tôi đi Tbilixi. Tôi phải đánh giá khả năng của cơ quan tình báo Gruzia và giúp họ chuẩn bị bắt cóc các thủ lĩnh mensevich Gruzia ở Paris, họ hàng của Nina vợ Beria.
Điều tôi trông thấy ở Tbilixi gây sốc cho tôi. Người tình báo có năng lực nhất với các liên hệ tốt ở Pháp, Gigelia đang ngồi tù, bị buộc tội làm gián điệp và có tinh thần dân tộc quá khích. Không thể tin cậy các điệp viên của Rukhadze được, họ thậm chí không chịu nói tiếng Nga với tôi. Phó của Rukhadze lập kế hoạch đi Paris, chưa bao giờ ra nước ngoài, và ông ta tự tin là chỉ cần đưa thịt nướng và rượu Gruzia cho những người lưu vong là giải quyết được mọi sự.
Nhóm điều tra từ Moskva nghiên cứu vụ những người Megrel, vui sướng báo là hầu như họ đã xác định được liên hệ giữa gia đình Beria và những người phái dân tộc chủ nghĩa Megrel. Lúc ấy trong văn phòng Rukhadze tôi nhận thấy ảnh Beria trẻ tuổi dưới tấm kính trên bàn, một trong những kẻ thù không đội trời chung của ông ta. Mong lấy lòng Stalin, Rukhadze tích cực cố bôi nhọ thanh danh những người cấp dưới trước kia của Beria và chính ông.
Kẻ phiêu lưu Rukhadze làm tôi sợ và tôi vội về Moskva báo cáo với Ignatiev, ông ta và phó của ông, Ogolsov, chăm chú nghe tôi, nhưng nói rằng, xét việc đó không phải là chúng ta mà “cấp trên”, vì Rukhadze tự viết thư với Stalin bằng chữ Gruzia. Thế nhưng Stalin hiểu rằng Rukhadze và Riumin trở nên nguy hiểm: thay vào chỗ cố lấy những thú nhận về sự phản bội, trong tiến trình điều tra họ đã thể hiện mối quan tâm lớn đến các mưu mô trong giới chóp bu của đảng và chính phủ.
Stalin quyết định hy sinh Rukhadze và Riumin. Nhanh chóng Rukhadze bị nhốt vào Lefortovo, Riumin bị mất chức thứ trưởng Bộ An Ninh và bị sa thải khỏi cơ quan tháng 11-1952. Sau khi Stalin chết, ông ta bị bắt, nhưng nếu Stalin có sống, thì ông ta vẫn sẽ bị tiêu diệt. Khi Khrusev và Malenkov bắt Beria, họ buộc tội Rukhadze trong âm mưu với Beria, và ông ta bị xử bắn với các nạn nhân cũ của mình ở Tbilixi năm 1955.
Những môtíp và thói kiêu ngạo ẩn kín cuối những năm 40 - đầu 50 đóng vai trò khá quan trọng trong các sự kiện chính trị. Chúng tôi hiểu giới chóp bu của đảng tiến hành các chiến dịch đấu tranh với chủ nghĩa toàn cầu và các hậu quả tệ sùng bái cá nhân chỉ nhằm đạt tới quyền lực tuyệt đối, loại bỏ các đối thủ hoặc nâng đỡ người của phe mình. Họ tính đến việc ban kiểm tra đảng và cơ quan an ninh luôn luôn cấp cho họ các tài liệu. Nguyên tắc chung là thu thập tài liệu bôi xấu chống lại tất cả, và khi cần thì sử dụng. Tôi là công cụ và là nạn nhân của hệ thống ấy.
Abakumov báo cáo các tài liệu loại này cho chính Stalin, và trên cơ sở thông tin này Stalin có thể tống tiền được toàn bộ bộ xậu. Sau cái chết của Jdanov, sự cân bằng quyền lực mong manh bị phá vỡ. Stalin không cho Jdanov loại bỏ hoàn toàn Malenkov khi ông này dính líu đến chuyện tai tiếng với công nghiệp hàng không, vẫn để Malenkov là một uỷ viên Bộ Chính Trị có uy tín, và như vậy sẽ là đối trọng của Jdanov.
Từ Anna Tsukanova tôi biết được những sự kiện đáng kinh ngạc về “vụ án Leningrad” mà trong thời gian đó tất cả những người của Jdanov và đối thủ của Malenkov và của Beria bị xét xử và bị bắn. Năm 1949 chúng tôi không biết về những lời buộc tội khủng khiếp chống lại họ. Hồi đó Anna chỉ nói với tôi là Kuznetsov và Voznexenxky bị cách chức vì dính vào sự ngụy tạo kết quả bầu cử tại hội nghị đảng uỷ thành phố Leningrad. Tình bạn của Kuznetsov với Abakumov không cứu được ông: Stalin kiểm tra độ tin cậy của Abakumov, buộc ông ta tiêu diệt bạn của mình.