Số lần đọc/download: 0 / 22
Cập nhật: 2023-03-01 08:44:10 +0700
Chương 34 Quí Trát, Công Tử Nước Ngô Xem Lễ Nhạc
T
ương Công nhị thập cửu niên (năm 544 trước công nguyên)
Công tử nước Ngô là Quí Trát đến nước Lỗ thăm viếng, hội kiến Thúc Tôn Ngao, Thúc Tôn Ngao rất thích ông ta. Thế là Quí Trát nói với Tôn Thúc Ngao: “Có lẽ ông không thọ được lâu? Bởi vì ông thích kết bạn với những người tốt, nhưng lại không biết chọn người nào để làm bạn, những người nào không nên giao du với họ. Tôi nghe nói rằng: một người quân tử nên chọn nhân tài một cách kỹ lưỡng. Ông đồng tông với quốc quân nước Lỗ, lại là thế khanh đảm nhận chức vụ quan trọng của nước Lỗ? Nếu như tuyển dụng người tài không thận trọng, lỡ có xảy ra việc gì sai sót thì làm sao ông gánh chịu được? Sợ rằng những tai họa như vậy sẽ liên lụy đến ông”,
Quí Trát xin phép nước Lỗ cho ông ta được thưởng thức lễ nhạc của Chu thiên tử. Nước Lỗ bèn sai nhạc công biểu diễn cho ông xem các điệu nhạc ở vùng Chu Nam, Triệu Nam. Quí Trát xem xong, bình luận rằng: “Hay tuyệt! Đã biểu hiện được nền móng của cơ sở giáo hóa, nhưng vẫn chưa đạt được đến mức hoàn thiện. Có chút hơi hướng của nhạc điệu đánh chém nhau. Thể hiện được tâm tình của nhân dân lúc bấy giờ là cần cù lao động mà không hề oán hận”. Tiếp đó lại biểu diễn các nhạc điệu thuộc ba vùng Bội (đông nam huyện Thang Âm tỉnh Hà Nam ngày nay), Dung (tây nam huyện Tân Thượng, tỉnh Hà Nam ngày nay), Vệ (huyện Kỳ, tỉnh Hà Nam ngày nay). Quí Trát bình luận rằng: “Rất tuyệt! Du dương sâu lắng vô cùng! biểu hiện được nhân dân tuy có chút ưu tư nhưng không hề tuyệt vọng. Tôi nghe nói Vệ Khang Thúc, Vệ Vũ Công... phẩm chất đạo đức đều như thế cả. Phong thái của nước Vệ chắc cũng là như vậy?” Lại biểu diễn nhạc vùng Vương (phía tây huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam ngày nay). Quí Trát lại bình luận: “Hay lắm! Tuy có ưu tư, nhưng không sợ hãi. Có phải là tác phẩm sáng tác sau khi Vương thất nhà Chu dời về phía đông hay không?” Lại diễn xướng các điệu nhạc của vùng Trịnh (huyện Tân Trịnh, tỉnh Hà Nam ngày nay). Quí Trát bình luận rằng: “Hát rất là hay, âm tiết của bản nhạc rối rắm vụn vặt. Người dân đất Trịnh có lẽ không chịu đựng được sự rối rắm của chính quyền vùng họ. Phải chăng là nước Trịnh sẽ sớm bị diệt vong?” Lại biểu diễn nhạc vùng Tề (thuộc huyện Lâm Não tỉnh Sơn Đông ngày nay). Quí Trát bình luận rằng: “Tuyệt! Biểu hiện được những âm thanh hùng vĩ như gió lớn! Âm thanh đó nói rằng họ có thể làm gương cho chư hầu khắp vùng đông hải. Đây chẳng phải là quốc gia do Khương Thái Công xây dựng hay sao? Tiền đồ của đất nước này là vô cùng xán lạn”. Lại biểu diễn cho ông ta nghe âm nhạc vùng Mân (huyện Phần, tỉnh Thiểm Tây ngày nay). Quí Trát bình luận ràng: “Hay tuyệt! Biểu diễn một cách thẳng thắn, không chút che đậy. Tuy rất hoan lạc nhưng có tiết chế, không phải là hoang dâm vô độ. Có phải là những bài thơ lúc Chu Công đông chinh hay không?” Lại biểu diễn nhạc vùng Tần Tần (huyện Bình tỉnh Thiểm Tây ngày nay). Quí Trát lại bình luận rằng: “Đây là giai điệu của người Hạ. Có thể hát được giai điệu của người Hạ là có thể phát huy lên được. Phát triển lên đến đỉnh cao là có thể kế thừa sự nghiệp cổ xưa của người Chu”. Lại biểu diễn cho Quí Trát xem nhạc vùng Ngụy (huyện Nhung Thành, tỉnh Sơn Tây ngày nay) Quí Trát bình luận rằng: “Hay tuyệt! Tiết tấu du dương bay bổng, biểu hiện được nhân dân vùng Ngụy tuy phải làm việc không theo ý muốn của mình, nhưng không đánh mất lễ tiết. Tuy rằng tiết kiệm thiên kiến, nhưng không cố chấp bảo thủ. Nếu một người quân chủ dùng giáo dục đạo đức để giúp đỡ những người này, thì đó là một vị quân chủ anh minh”. Lại biểu diễn nhạc vùng Đường (tức nước Tấn, thời kỳ Xuân Thu) cho Quí Trát nghe. Sau khi nghe xong, Quí Trát nói rằng: “Một nỗi buồn sâu lắng, là di dân của Đào Tường thị chăng? Nếu không thì làm sao có thể có nỗi buồn sâu lắng như vậy. Nếu như không có những hậu duệ có đức tính tốt, thì ai lại có thể có nỗi buồn xé gan xé ruột như vậy!” Lại biểu diễn cho Quí Trát xem nhạc vùng Trần (huyện Hoài Dương, tỉnh Hà Nam ngày nay). Quí Trát nói: “Hoang dâm phóng đãng không biết sợ sệt gì cả, thật giống như một đất nước không có người cai trị. Phúc đức của một nước như vậy, làm sao có thể lâu dài được?” Còn đối với âm nhạc thuộc các vùng Hội (đông bắc huyện Mật, tỉnh Hà Nam ngày nay), vùng Tào (vùng Hà Trạch, Dinh Đào, tỉnh Sơn Đông ngày nay)... Quí Trát không có lời bình luận nào.
Lại biểu diễn nhạc tiểu nhã cho Quí Trát xem. Quí Trát nói: “Hay lắm! Tuy có biểu lộ sự ưu tư, nhưng không có sinh lòng phản bội, tuy có tình cảm ai oán, nhưng lòng dạ nhân hậu, không nhẫn tâm chỉ trích. Chằng phải là công đức của vương đình nhà Chu tuy đã suy thoái rồi, nhưng những người trung thành với tiên vương vẫn còn tồn tại hay sao?” Lại biểu diễn xướng cho Quí Trát xem đại phã. Ông ta nói rằng: “Thật là mênh mông bát ngát, hòa quyện cùng với cái đẹp! Bên ngoài mềm mại bên trong cứng rắn. Đó chẳng phải là đức hạnh của Chu Văn Vương hay sao?”. Lại diễn thơ tụng cho Quí Trát thưởng thức. Ông ta nói: “Hay lắm, hay đến độ không còn gì hay hơn nữa cứng rắn mà không ngạo mạn, mềm mại mà không khuất phục, chặt chẽ mà không bức bách người ta, du dương nhưng không xa vời, thanh âm biến hóa đa dạng nhưng không làm cho người nghe cảm thấy quá đáng. Điệu nhạc láy đi láy lại nhưng không làm người ta cảm thấy nhàm chán. Bi thương mà không sầu khổ, hoan lạc mà không đi quá xa. Nhạc điệu phong phú, dùng mãi không hết. Nhạc điệu hàm xúc có dư vị, nhưng không hoàn toàn biểu lộ ra bên ngoài. Âm thanh thiên biến vạn hóa, không giảm bớt đi được, lại cũng không cảm thấy dư thừa. Nghe âm thanh có lúc như lắng đọng nhưng thực ra không bao giờ bị đứt đoạn. Nghe âm thanh có lúc như dòng nước trôi mãi không ngừng, nhưng không phải là chảy tràn lan, một đi không quay lại. Cung, thương, giác, trưng, vũ cả năm âm hài hòa với nhau. Tám loại nhạc khí là kim, thạch, trúc, tơ, bào, thổi cách, mộc phối hợp nhịp nhàng. Mỗi một âm điệu có một tiết tấu nhất định, các loại nhạc khí có thứ tự diễn tấu đã được sắp đặt sẵn. Nhưng âm nhạc này như một người có đức trị vì một quốc gia, trị vì thiên hạ. Có tiết tấu, có nhịp điệu. Có thực hiện, có giữ gìn bảo vệ”.
Xem qua vũ nhạc của Chu Văn Vương như Tương Tiêu, Nam Thược, Quí Trát nói: “Đẹp tuyệt vời. Nhưng vẫn còn thiếu sót”. Xem xong vũ nhạc của Chu Thiên Vương, Quí Trát nói: “Hay lắm! Lúc vương đình nhà Chu hưng thịnh nhất, chắc cũng chỉ như vậy!” Sau khi xem xong điệu Thiên Hộ vũ nhạc của Thương Tháng, ông ta nói: “Thánh nhân quả là vĩ đại, nhưng vẫn có thiếu sót, điều đó có thể thấy được cái khó khăn khi phải xử lý nhân tình thế thái của thánh nhân”. Sau khi xem xong vũ nhạc đại hạ của Hạ Vũ, Quí Trát nói: “Đẹp lắm! Vất vả phục vụ nhân dân mà không kể công. Nếu không phải là Đại Vũ thì ai có thể làm được như vậy?" Xem xong điệu Thiệu của vua Thuấn, ông ta bình phẩm rằng: “Đức hạnh của vua Thuấn thật là cao cả, thật là vĩ đại! Như là trời che phủ mỗi một sự vật, như đất chuyên chở mỗi một thứ hàng mà không bị mất mát một thứ gì. Tuy đức hạnh của vua Thuấn cao cả vĩ đại như trời, đất, múa và nhạc của Thiệu Tiêu toàn thiện toàn mỹ, không còn có gì phải thêm bớt nữa. Đến lúc này thì dừng lại. Dù rằng vẫn còn nhiều loại vũ nhạc nữa, tôi cũng không muốn thưởng thức thêm”.