Số lần đọc/download: 1178 / 7
Cập nhật: 2017-04-18 08:47:09 +0700
Chương 23 - Phòng Tình Huống Nhà Trắng Thủ Đô Washington, D.C. Thứ Năm, 27 Tháng 11, 10:34, Giờ Địa Phương
T
ổng thống Dalton Wainright không để ý đến tập hồ sơ màu xanh lơ chứa tài liệu của buổi thuyết trình, mà gật đầu về phía màn hình rộng chiếm cả vách tường của phòng Tình Huống. “OK, quý vị, tôi đang nhìn vào cái gì đây?”
Sĩ quan trực phòng Tình Huống là một Hải quân đại tá có cái mũi ưng và tóc muối tiêu hai bên thái dương. Gã nói. “Xin lỗi đã làm gián đoạn ngày lễ Thanksgiving của ngài, thưa ngài Tổng Thống. Đây là một bản vẽ kiến trúc của đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang, bên nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.”
Gã để cho hình ảnh trên màn hình vài giây, rồi chỉ cây điều khiển vào màn hình. Bức vẻ kiến trúc bị thay thế bởi một bức không ảnh chụp tường chắn của đập Tam Hiệp, có cả cái hồ nước mênh mông phía sau.
“Đây là dự án đập thủy điện lớn nhất từ trước đến nay.” Viên sĩ quan trực nói tiếp. “Mà nó cũng là một trong các kiến trúc nhân tạo lớn nhất thế giới, chỉ thua Vạn Lý Trường Thành thôi. Chiếc đập này đã hoàn toàn hoạt động từ năm 2011 và ngày nay, nó tạo ra điện lực khoảng 85 terawatt-giờ mỗi năm. Cái này là hơn gấp đôi sản lượng hàng năm của toàn bộ nhà máy điện nguyên tử của Trung quốc.”
“Đáng nể thật.” Tổng thống nói. “Tôi nghĩ là anh có lý do nào đó khi nhắc đến cái này, phải không?”
Viên sĩ quan trực gật đầu. “Thưa ngài, vâng ạ. Vài giờ trước đây, chúng tôi nhận được tình báo sơ khởi rằng quân đội Ấn Độ có thể đang lập kế hoạch phá hủy đập Tam Hiệp.”
“Phá hủy nó sao? Làm sao được? Cái này chính là một con quái vật đó.”
Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, Gregory Brenthoven, gật đầu. “Nó quả thật là một quái vật, thưa ngài Tổng thống. Nhưng mà người Ấn Độ có vẻ như đang định đánh sập nó trong một vụ tập kích bằng phi đạn hành trình được phối hợp cẩn thận: bảy quả phi đạn Nirbhay mang theo đầu đạn tiên tiến chuyên xuyên phá mục tiêu cứng.”
Tổng thống Wainright giơ một tay lên. “Hai câu hỏi, Greg… Thứ nhất, nguồn tin của chúng ta là gì? Thứ nhì, có thể thành công không?”
Ông lại nhìn vào màn hình. “Cái này quả thật là một quái vật. Trừ phi họ dự định đánh bằng đạn hạt nhân, tôi không làm sao mường tượng được phi đạn hành trình có thể đánh xập nó.”
Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia móc từ trong túi áo ra một cuốn sổ nhỏ bìa da. “Nguồn tin là HUMINT (27).” Hắn nói. “Một nhân viên CIA ở New Delhi có quen biết trong bộ Quốc Phòng Ấn Độ. Hắn hay cô ta, tôi cũng không rõ, thành công lấy được một bản phân tích kỹ thuật và kế hoạch tập kích. Báo cáo của nhân viên này được chuyển đến bàn Nam Á ở Langley và gã chuyên gia giải tích đọc qua nó, lập tức đưa nó lên cho cấp cao ngay.”
Tổng thống gật đầu. “Như vậy, chúng ta cũng tương đối tin tưởng rằng tin tức này là thật sao?”
Brenthoven lật lật cuốn sổ và đọc lướt qua vài hàng. “Mức độ đáng tin được ghi là ‘trung bình’. Cái này có nghĩa là tin tức hợp lý và nguồn tin được coi là đáng tin, nhưng không có đủ đối chiếu từ nơi khác để làm tăng mức đáng tin.”
“Vậy là chúng ta phải tìm đối chiếu rồi, đúng không?” Tổng thống nói.
“Dĩ nhiên là thế, thưa ngài.” Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia đáp. “Chúng ta có CIA, DIA và ONI cùng tìm tin xác thực. Nhưng mà nếu kế hoạch này được giấu kỹ, chúng ta có thể sẽ không tìm được nguồn nào để xác thực cả. Nguồn cung cấp tin hiện tại có thể là tất cả mà chúng ta có rồi.”
Tổng thống ngập ngừng vài giây, rồi gật đầu. “Hiểu rồi. Bây giờ đến câu hỏi thứ nhì của tôi nhé. Có khả năng bao nhiêu rằng vài quả phi đạn hành trình có thể đánh sụp một kiến trúc đồ sộ như đập Tam Hiệp?”
“Thưa ngài, chúng tôi đang cho Phòng Nghiên Cứu Hải Quân chạy các mô hình về vấn đề này ngay lúc này đây.” Brenthoven nói. “Nhưng giải tích nhanh của chúng tôi cho rằng điều này có khả năng lắm, nếu phi đạn được trang bị đúng loại đầu đạn.”
“Mà người Ấn Độ có đúng loại đầu đạn không?” Tổng thống hỏi.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Mary O’Neil-Broerman chồm người ra phía trước, nói. “Chúng tôi nghĩ là họ có. Quân đội Ấn Độ có một loại đạn xuyên phá mục tiêu cứng được sản xuất tại nội địa. Đạn này có thể có đủ uy lực để đánh vỡ toang cái đập ấy.”
Tổng thống quay đầu nhìn trừng trừng vào viên bộ trưởng Quốc Phòng. “Bà nói là quân đội Ấn Độ đã phát triển một đầu đạn cực kỳ chuyên dụng, để dự phòng một ngày nào đó họ phải oanh tạc một đập thủy điện khổng lồ của Trung quốc sao?”
Viên bộ trưởng lắc đầu. “Không phải vậy, thưa ngài. Buồn cười là họ nghiên cứu đầu đạn này cho Không Quân. Không Quân của chúng ta.”
Tổng thống Wainwright xoa bóp gáy cổ mình. “Bà đùa tôi, phải không, Mary?”
“Tiếc là không phải vậy. Tôi không đùa đâu, ngài Tổng Thống.” Bà bộ trưởng nói. “Đầu đạn ấy được nghiên cứu chế tạo bởi tổ chức Nghiên Cứu và Triển Khai Quốc Phòng của Ấn Độ để tranh thầu dự án ‘Đầu Đạn Xuyên Phá Thế Hệ Mới’ của Không Quân Hoa Kỳ. Đó là cái mà Không Quân gọi là NGP (tắt cho Next Generation Penetrator, Đầu Đạn Xuyên Phá Thế Hệ Mới). Giới công nghệ quốc phòng Ấn Độ có lẽ đã quyết định rằng một dự án nghiên cứu lớn của Không Quân là một cách tốt nhất để họ chen chân vào các chương trình trong tương lai của bộ quốc phòng Hoa Kỳ. Thiết kế của họ không lọt qua vòng tuyển chọn sau cùng, nhưng họ quyết định tiến hành triển khai một NGP của riêng họ. Họ gọi nó là Rudrasya khadgah. Theo chúng tôi được biết thì nó cực kỳ hữu hiệu.”
Tổng thống nhíu mày. “Cái tên ấy là gì nhỉ? Rud…”
“Rudrasya khadgah.” Bà bộ trưởng đáp. “Nó là tiếng Phạn, nghĩa là ‘Thanh kiếm của thần Shiva’.”
Lông mày tổng thống nhướng cao. “Shiva sao? Vị thần của Ấn Độ giáo sao?”
“Đúng vậy, thưa ngài.” Bà bộ trưởng nói. “Shiva là vị thần của Ấn Độ giáo tượng trưng cho sự sáng tạo và hủy diệt. Nhưng khi ngài xuất hiện dưới cương vị Rudra thì ngài chính là thần của bão tố, giông gió, hủy diệt và chết chóc.”
Tổng thống Wainwright nhếch bên mép, cười nửa miệng một cách không vui. “Hài…, nghe có vẻ đầy hứa hẹn, phải không? Bà còn tin vui nào cho tôi nữa không?”
“Chúng tôi còn đang duyệt qua các bản đánh giá sơ khởi.” Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia nói. “Nhưng mà nếu Rudra, cái đầu đạn Kiếm của thần Shiva kia, quả thật hữu hiệu như các mô hình đầu tiên cho thấy, thì bảy quả có lẽ là dư thừa rồi. Rất có thể chỉ cần bốn quả đã đủ đánh sụp cái đập nước, đương nhiên nếu đánh đúng chỗ và đúng lúc.”
“Dĩ nhiên rồi.” Tổng thống nói. “OK, tình báo về kế hoạch này cũng đủ đáng tin và có lẽ một cuộc tập kích bằng phi đạn như vậy đục thủng được đập nước ấy. Có vẻ như phiền toái lớn cho Trung quốc rồi, nhưng mà cái đó tại sao lại là một vấn đề an ninh quốc gia trọng đại đối với chúng ta chứ?”
Viên sĩ quan trực của phòng Tình Huống cất tiếng. “Thưa ngài, người Ấn Độ không phải chỉ dự định phá thủng vài chỗ trên đập nước đâu. Dường như mục đích của họ là khiến toàn bộ tường chắn bị hủy. Cái đó sẽ dẫn đến nạn lụt thảm thiết trên toàn bộ lưu vực Trường Giang, suốt từ đập Tam Điệp ra đến biển Đông.”
Viên sĩ quan trực lại bấm nút điều khiển và màn hình chính trong phòng Tình Huống chuyển sang bản đồ vùng phía đông của trung phần Trung quốc. Đường màu xanh lơ ngoằn ngoèo của Trường Giang cắt ngang giữa bản đồ, chia hai phần nam-bắc thành hai vùng đất rõ ràng. Có ba chấm đen để chỉ ba thành phố bám trên dòng sông: Vũ Hán, Nam Kinh và Thượng Hải.
“Trường Giang chảy xuyên ngay giữa nơi tập trung dân chúng lớn nhất của Trung quốc.” Viên sĩ quan trực nói. “Khoảng 400 triệu người sinh sống trong vùng lưu vực Trường Giang. Cái này chính là gần một phần ba tổng dân số của Trung quốc.”
Gã chỉ vào màn hình. “Nếu đập Tam Hiệp bị sụp, ba trong những thành phố lớn nhất và đông dân cư nhất của Trung quốc sẽ nằm trực tiếp trên đường nước lũ tàn phá.”
Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia gật đầu. “Dân số của cả ba thành phố Thượng Hải, Nam Kinh và Vũ Hán cộng chung tương đương như dân số của New York, Los Angeles và Washington của nước ta. Và ba thành phố ấy chính là cột sống của nền công nghệ và tài chính của Trung quốc. Chỉ cần mất đi một trong ba thành phố ấy đã gây thiệt hại trầm trọng cho kinh tế Trung quốc rồi. Còn nếu mất cả ba…” Brenthoven bỏ lửng câu cuối.
“Đây là ác mộng của Trung quốc rồi.” Tổng thống nói. “Trong ngắn hạn là hằng triệu nhân mạng và thiệt hại nặng nề cho hạ tầng cơ sở quốc gia, tiếp theo là kinh tế suy sụp.”
“Đúng là như vậy, thưa ngài Tổng Thống.” Brenthoven nói. “Chưa hẳn là tận thế cho người Trung quốc, nhưng cũng gần như thế rồi.”
Tổng thống Wainwright lắc đầu. “Đã vậy, tại sao họ lại xây cái quỷ ấy chứ? Người Trung quốc có thể là đủ thứ, nhưng họ không phải là kẻ ngốc. Tại sao họ lại đặt bấy nhiêu dân chúng vào hiểm cảnh như thế?”
“Có lẽ họ cho rằng họ đã loại bỏ tất cả mọi may rũi rồi.” Bà bộ trưởng Quốc Phòng nói. “Trên phương diện kiến trúc, đập Tam Hiệp được xây kiên cố hơn là cần thiết một cách đáng kể. Họ đã dự phòng cho địa chấn và các loại thiên tai khác và, ngoài trừ vũ khí hạt nhân, thật ra chẳng có bao nhiêu bom hay phi đạn có thể tạo sứt mẻ nghiêm trọng nào cho nó. Có lẽ bộ Chính Trị Trung quốc cảm thấy họ đã tính đến hết mọi khía cạnh rồi.”
“Nhưng mà họ không tính đến cái đầu đạn mới của Ấn Độ.” Tổng thống tiếp lời.
“Rõ ràng là không có tính đến.” Brenthoven nói.
Tổng thống Wainwright nhìn sững suốt một lúc lâu vào cái màn hình rộng cả vách tường, rồi nói. “Chính phủ Trung quốc sẽ phản ứng như thế nào, nếu Ấn Độ thành công trong kế hoạch này?”
“Đó chính là câu hỏi lớn nhất.” Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia nói. “Ngài sẽ phản ứng ra sao trong trường hợp như thế, thưa ngài? Trong giả thuyết mà Hoa Kỳ đang chiến đấu với một đối thủ nào đó và đột nhiên, không một lời cảnh báo, đối thủ của chúng ta quét tan New York, Los Angeles và Washington, giết mất khoảng một phần ba dân chúng của nước ta. Ngài sẽ phản kích như thế nào, thưa ngài?”
“Tôi nghĩ mình là một người ưa chuộng hòa bình.” Tổng thống nói. “Nhưng nếu ai đó đánh chúng ta bằng một đòn tàn độc và trầm trọng như vậy, tôi sẽ phản kích bằng tất cả vũ khí mà tôi có. Tôi sẽ cố gắng hết sức để biến cả nước của chúng thành một bãi đậu xe.”
Bà bộ trưởng thở dài nặng nề. “Tôi thật không muốn nhìn nhận, nhưng chính tôi cũng sẽ làm như thế. Bất cứ một lãnh đạo nào nếu có khả năng và uy lực cũng sẽ đáp trả mãnh liệt như vậy. Nếu có người đấm mình một cú nặng như vậy, mình sẽ không đấm lại làm gì. Mình sẽ đập bẹt nó.”
“E rằng đó chính là giải đáp của chúng ta rồi.” Brenthoven nói. “Nếu quả thật Ấn Độ làm vụ này… Nếu họ đánh sụp đập nước Tam Hiệp, Trung quốc sẽ dùng mọi thứ để đánh trả…”
Những âm thanh cuối của gã như dừng lại trong không khí, mà mọi người không hề hoài nghi cái từ ‘mọi thứ’ có ý nghĩa là gì.
Tổng thống Wainwright dựa vào lưng ghế, nói. “Chúng ta đã bỏ qua một cái gì đó.”
“Chúng ta còn trong giai đoạn tìm hiểu, thưa ngài.” Brenthoven nói. “Chúng ta còn thiếu nhiều thứ nữa. Các cơ quan tình báo còn phải tốn một thời gian nữa mới phát triển được các nguồn đối chiếu và thu gom những chi tiết trọng yếu.”
“Tôi không nói đến chi tiết.” Tổng thống nói. “Mà tôi cũng không nói đến kiểm chứng các sự kiện.”
“Tôi không hiểu ngài muốn nói gì, thưa ngài.” Brenthoven nói.
“Mary mới vừa tổng kết thật hoàn hảo.” Tổng thống nói. “Nếu có người đấm mình một phát mạnh đến thế, mình sẽ không đấm qua đấm lại với họ. Mà mình đập bẹp họ. Đúng chứ?”
Brenthoven gật đầu, nhưng không nói gì.
“Tôi không tự cho là mình hiểu được tâm tình của chính phủ Ấn Độ.” Tổng thống nói. “Nhưng mà họ không đến nổi mù lòa để không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nếu họ đánh què Trung quốc bằng một cuộc tập kích có cường độ như thế. Toàn bộ kế hoạch này gần như là van xin người ta phản kích bằng vũ khí hạt nhân vậy. Đã thế, tại sao họ lại có thể nghĩ đến nó chứ?”
Không ai thử trả lời.
“Chúng ta đã bỏ qua một cái gì rồi.” Tổng thống lại nói. “Một phần lô-gic nào đó thiếu sót rồi.”
Trưởng phòng Hành Quân của Hải Quân gõ nhịp ngón tay nhẹ trên mặt bàn. “Có gì không hợp lý vậy?” Hắn hỏi. “Trước khi gã khùng kia, Zhukov, đánh bom Trân Châu cảng (*), tôi từng cho rằng không ai có thể cuồng tín đến độ có thể làm chuyện ngu xuẩn như thế. Nhưng mà những lúc gần đây, thưa ngài Tổng Thống, tôi không còn coi thường uy lực của sự ngu si và điên cuồng nữa rồi.”
(* được kể trong một truyện trước của cùng tác giả)
Tổng thống Wainwright nhăn mặt, nói. “Ông nói đúng đó. Nhưng mà điên cuồng hay không, các bằng hữu Ấn Độ của chúng ta đang giấu cái gì đó trong tay áo của họ. Mà tốt nhất là chúng ta phải tìm được cái đó là cái gì…”
Chú Thích:
(27) HUMINT hay Human Intelligence: Tình báo từ nguồn nhân viên, bao gồm đủ loại nhân viên tình báo, trong tối hay ngoài sáng, công khai hay bí mật. Đây là từ được dùng trong khối NATO. Ngoài ra còn có SIGINT hay Signals Intelligence bao gồm nghe lén liên lạc giữa người với người (tức là Communications Intelligence hay COMINT), hay máy với máy (ELINT hay Electronic Intelligence); IMINT hay Image Intelligence: phân tích hình ảnh từ vệ tinh hay các phương tiện trinh sát khác; và MASINT hay measurement and signature intelligence: tình báo gom góp và phân tích từ tín hiệu ra-da, phóng xạ, tiếng động, v.v.