Phần thưởng cho sự chịu đựng gian khổ chính là những kinh nghiệm bạn thu được.

Aeschylus

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyễn Hà
Upload bìa: Võ Lâm Như Tâm
Số chương: 42 - chưa đầy đủ
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6301 / 64
Cập nhật: 2016-07-27 21:36:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cư Xá Của Các Bà Viện Sĩ - Nguyễn Quốc Trung
Sự việc cô Quỳnh, con gái chú Thi, yêu con trai lão Đại, đã khiến những người đàn bà trong cư xá Văn Thịnh bàn tán xì xầm. Họ nói với nhau ở chân cầu thang, ở vòi nước công cộng, cốt để chú Thi nghe, rằng ai lại cho con gái làm dâu cái nhà lão Đại ấy.
Dân cư xá Văn Thịnh phần đông là cán bộ của một viện khoa học. Vốn xuất thân từ nông thôn, thời ấy con nhà nông vẫn dễ dàng đến trường và trở thành trí thức, nên mọi cung cách ứng xử còn mang dáng dấp người ở làng. Lắm chuyện xảy ra chỉ ở một gia đình vẫn được cả cư xá quan tâm, người ta sống với nhau rất đầm ấm. Dân thành phố gọi đây là cư xá của các bà viện sĩ. Gọi thế cho nó sang chớ thực chất trong cư xá chỉ có dăm ông được công nhận là viện sĩ thực thụ, còn đa số là chuyên viên bình thường, nhiều người chỉ là nhân viên phòng thí nghiệm, được gọi là phu nhân viện sĩ các bà nhà ta phỡn lắm. Các ông lo việc ở cơ quan viện, còn điều hành cư xá là do các bà. Sống với nhau đã mấy mươi năm nên họ nhẵn mặt, thuộc tính nhau lắm. Chỉ riêng ở cư xá cũng khối chuyện để nói, họ bàn tán cả ngày không vãn. Lắm bà hễ ngồi với nhau là tranh luận, mặt mũi đỏ tía lên, nhưng vắng nhau là nhớ. Trong thực tế, cũng có người không ưa gì nhau nhưng họ có một người để dồn tất cả mâu thuẫn vào là lão Đại, nói nôm na kẻ thù chung của họ chính là lão Đại. Nghe tin cô Quỳnh yêu con trai lão Đại, bà Lam, người được coi là phát ngôn chính ở cư xá đã đẩy cửa vào phòng tranh chú Thi:
- Ông Thi, chả lẽ ông để cho cái Quỳnh tự do yêu đương kiểu đó.
Chú Thi đang vẽ, đặt cây cọ xuống:
- Cái cậu thường tới căn hộ tôi ấy à? Chúng nó luyện tiếng Anh với nhau đấy chứ?
- Anh với em gì. Thằng ấy là con trai của lão Đại, tên nó là Nghĩa, lão ấy ăn theo vần đại - nghĩa mà. Chà, thời này hình thức và nội dung lộn tùng phèo hết. Ông suốt ngày ở phòng tranh để cho hai đứa ở trong phòng kín, trời rét thế này, ai chả muốn sưởi hơi của kẻ khác giới. Mà thằng ấy đẹp mã, mắt đỏ ngầu như thế dễ hút con gái lắm.
Vốn tính cả lo, chú Thi hoảng thật sự. Quả lâu nay mình không nghĩ đến chuyện ấy. Khi con Quỳnh xin phép cho một người bạn cùng lớp chiều thứ ba, thứ năm, thứ bảy hàng tuần đến học ngoại ngữ với nhau, mình nghĩ rằng, con cái mà biết kiếm bạn để học là tốt quá, học thầy chẳng tày học bạn, sao lại không đồng ý. Rồi cậu ấy đến, mình đã thầm khen, con nhà ai mà tuấn tú đến thế, dáng cậu ấy cao to, mặt sáng, nói năng nhỏ nhẹ. Nào ngờ...
Bà Lam bồi thêm:
- Ông nên nhớ rằng xưa nay con gái nhà lành thường dễ tin, dễ bị lợi dụng vì nó được sống trong môi trường quá trong sạch, hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Ông cứ nghĩ xem, đã bao giờ ông dạy con gái cảnh giác với bọn con trai chưa? Chưa chứ gì? Đấy, những vụ thất tình xảy ra trước mắt ta là con gái nhà lành cả đấy chứ. Còn thứ gái ba trợn, chúng nó cứ sống bừa mà chả sao là bởi vì chúng nó miễn dịch rồi. Cả cư xá này đều quý con Quỳnh, tôi cũng thương nó nên mạo muội báo động với ông thế.
Chú Thi tái mặt, ấp úng:
- Cảm ơn bà, tôi đoảng quá. Để tôi ngăn nó.
- ấy chết. Mấy lần tôi giả đò nhắc đến thằng ấy, mắt con bé sáng rực, má đỏ ửng như mào gà mái ghẹ. Thế là tôi biết con Quỳnh đã quyến hơi thằng đó lắm rồi. Ông ngăn cấm nó sẽ thất vọng, và thằng ấy nó sẽ lợi dụng sự chấn động tinh thần của con Quỳnh là nguy. Phải rất từ từ, việc này tế nhị lắm, bọn tôi sẽ kiếm cách khuyên bảo cháu.
Tiễn bà Lam ra cửa, chú Thi cảm ơn rối rít. Chú biết mọi người đều quý con Quỳnh. Nó là con bé xinh người, đẹp nết. Ngay hồi còn ở làng nó cũng được dân làng thương, sáng cắp sách đến trường, chiều cùng mẹ làm đồng, nó gặt rất lẹ, cấy đến là nhanh, từng đoạt giải nhất hội thi cấy lúa xuân của huyện. Tính nó ngoan, mặt lúc nào cũng tươi rói, cả làng đều khen, nhiều gia đình đã ngấp nghé dạm nó làm dâu. Mấy ông già, bà lão trong làng đều bảo, ai cưới được nó làm dâu phúc cả họ. Nó học rất giỏi, đậu tốt nghiệp phổ thông trung học loại giỏi, thi đại học đạt điểm rất cao và nó ra Hà Nội với bố trong cư xá Văn Thịnh này. Lòng tốt của nó tự nhiên như đất trời, cây cầu thang trước đây đầy rác rưởi người ta chỉ giữ sạch trong căn hộ của mình còn rác thải ra cầu thang cho thiên hạ, mỗi sáng nó dậy từ lúc năm giờ, dọn căn hộ nhà mình rồi quét luôn cây cầu thang từ lầu bốn xuống đất và gom rác vào cái cần xế. Cư xá tự nhiên mát mẻ hẳn, những ai quen sống bừa bãi cũng ngượng và biết giữ gìn ý tứ hơn. Hễ gặp ai mang đồ nặng lên xuống nó đến xách giùm. Bà Lam vốn là người khó tính, đến con cháu cũng không sống gần nổi, vậy mà chịu con Quỳnh. Mấy lần bà cảm cúm, nó ra chợ mua lá về nấu để bà xông. Lắm hôm bà khóa cửa sang ngồi hàng giờ xem nó học bài, nhiều bữa bà thấp thỏm ở cửa chờ nó đi học về.
Bị bà Lam giáng cho một hồi không còn lòng dạ nào vẽ vời nữa, chú Thi tập tễnh đi ra hành lang. Đến gần đầu cầu thang, chú gặp chị Hạnh, người phụ nữ vốn trầm lặng nhất cư xá cũng ghé tai nói nhỏ với chú:
- Anh là nghệ sĩ có tiếng, sống nhân đức, lẽ nào lại thông gia với lão Đại. Cái Quỳnh xinh người, đẹp nết, lẽ nào lấy thằng con trai lão Đại lắm mưu ma chước quỷ ấy. Chả lẽ anh không biết lão Đại?
II
Biết chứ. Chú Thi biết chứ. Lão Đại có dáng ngũ đoản, mặt gồ ghề như bức tượng đắp thô vụng, mắt to, mắt bé, lúc nào cũng nheo nheo như ngắm đâu đó, lúc cười mặt cúi xuống, mép khẽ nhếch lên khinh khỉnh và bí hiểm. Lão đã chơi cho dân cư xá Văn Thịnh này những vố điếng người.
Cư xá Văn Thịnh vốn là kho bãi chứa thiết bị đã cũ kỹ, lạc hậu, sau hòa bình được xây thành tòa nhà bốn tầng chia thành những căn hộ cấp cho các gia đình trong viện. Ngày đó, người ta xây tường nhà ở riêng nhưng khu vệ sinh lại chung nằm sát ngoài cổng. Lão Đại là người bảo vệ khu kho ấy những mấy chục năm, sau hòa bình được cử vào canh gác một khu kho ở căn cứ Long Bình. Khi lão trở ra, các căn hộ đã phân hết, và cùng lúc lão nhận được quyết định nghỉ hưu. Lão phát khùng réo từ cấp cao đến cấp thấp của viện mà chửi. Lão khăng khăng phải được cấp nhà mới chịu cầm quyết định nghỉ hưu, bằng không lão sẽ tẩm xăng tự thiêu trước cửa cư xá. Ai cũng biết tỏng lão hù, vì người tuẫn tiết ai nói trước, đã nói ra miệng là không dám. Nhưng xét cho cùng cấp nhà cho lão cũng đúng vì lão coi kho cho viện đã mấy chục năm, vợ bán rau ở chợ Hòe Nhai, hiện tại gia đình lão đang ở nhờ nhà bố mẹ vợ, bốn cặp vợ chồng với con cái nhét vào một căn hộ bốn chục mét vuông trong hẻm ở đường Phùng Hưng, quả là cực. Cơ quan biết vậy, khốn nỗi không còn phòng nào nữa. Lão làm dữ quá, hàng ngày lão cầm tờ đơn đến ngồi trước cửa phòng làm việc của viện trưởng. Thấy quá găng, viện trưởng nói: "Chỉ còn khu nhà vệ sinh trước cửa cư xá, ông thỏa thuận được với bà con ở cư xá, chúng tôi cấp mặt bằng ấy cho ông dựng nhà". Lão Đại đến cư xá và không hiểu ai đã mách nước mà hai hôm sau lão tới gặp viện trưởng: "Nếu tôi có cách dựng nhà mà không ảnh hưởng đến khu vệ sinh, cấp không?". Rồi lão vẽ cách dựng nhà lên nóc khu vệ sinh rất gọn cho gọi bí thư đảng ủy, công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ đến cùng nghe và tất cả đều cười ngất, khen: "Giỏi, giỏi, có thể cấp bằng kiến trúc sư cho lão già được". Rồi ban quản lý cư xá cũng đồng ý luôn, thôi thì cho lão một chỗ ở cho rảnh chuyện, cái khoảng không trên nóc khu vệ sinh là của trời ơi đất hỡi, chứ phải của riêng ai. Thế rồi, một căn nhà độc đáo nhất Hà Nội được xây dựng, lão cho người đổ bốn cái trục bê tông to cỡ người ôm, toàn những cây sắt xoắn Liên Xô to như cây nứa cắm xuống bốn góc khu vệ sinh, rồi đúc lên hai tầng lầu, mỗi tầng rộng đến cả trăm mét vuông, cao ngất ngưởng án ngữ bên phải cư xá, cửa hướng ra đường lớn. Các ông viện sĩ, kỹ sư trầm trồ khen lão tài, còn các quý phu nhân nổi máu ghen tị, một người văn hóa chưa hết cấp hai bỗng dưng có nhà to gấp mấy chục lần nhà ông tiến sĩ, kỹ sư là vô lý. Một nhân viên coi kho bỗng dưng có tòa nhà ba tầng án ngữ ngay trước cư xá có căn hộ của các ông viện trưởng, viện phó, ai mà chịu nổi. Nhưng các quý bà cũng chỉ nói với nhau cho bõ tức vậy thôi chứ làm sao dám động đến tường nhà lão vì giấy tờ lão đầy đủ cả. Đã thế buổi sáng sớm lão còn trêu ngươi, lão đứng chót vót trên lan can tầng thượng nheo mắt ngó xuống từng đoàn người xếp hàng rồng rắn chờ đi xia, các bà các cô ngượng đến chín mặt. Cả cư xá vốn đã khổ vì cái kiểu nhà vệ sinh chung, nay càng cực thêm. Đã có người thảo đơn kiện nhưng làm gì có luật để xử hành vi ấy, cũng có người định đánh cho vỡ cái mặt mo ấy, nhưng cũng là dọa vậy chứ đánh thế nào được lão. Mấy người có học vị cao ngăn lại: "Xóm giềng với nhau nên ôn hòa, lão đã hàm hồ mình phải lấy văn hóa để cảm hóa". Lão Đại nắm được bản tính hay nhân nhượng của các ông trí thức nên cứ làm lấn tới. Còn các ông viện sĩ vẫn cầm chắc lòng tốt của mình sẽ cảm hóa được lão nông dân khôn lỏi, trí trá này. Nhưng chưa cảm hóa được lão thì thời mở cửa đến, người ta thấy cần phải có căn hộ khép kín, nghĩa là có nhà vệ sinh trong từng nhà. Thế là khu nhà vệ sinh tập thể bỏ hoang mặt bằng rộng cả trăm mét vuông ấy nghiễm nhiên của lão Đại, chứ còn của ai nữa? Lão thuê thợ về tán vụn nhà vệ sinh ấy làm nền, xây ba bức tường lên là thành tầng trệt. Lão phá đoạn tường trước cửa, vốn là vách khuôn viên cư xá, để mặt trước nhà hướng ra đường lớn. "Bức tường này làm ta bức bối mấy năm nay rồi", lão nói với đám thợ như thế. Căn nhà bỗng nhiên sang nhất khu phố. Lão ngăn hai phần ba phía trước tầng trệt cho người ta thuê bán đồ điện lạnh, mỗi tháng bỏ túi cả ngàn đô. Một phần ba phía sau lão trổ cửa ra phía cư xá để vợ bán hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm phục vụ toàn cư xá. Thời gian đầu cả cư xá gần như cấm vận tẩy chay hàng của lão. Nhưng dần dà họ thấy mua ở đó rất tiện mà giá cả rẻ hơn ngoài phố, lão chịu ít lời để thu hút khách mà, thôi thì mua quách ở đây cho gần. Duy chỉ có năm người, đứng đầu là bà Lam, kiên quyết tẩy chay hàng của lão. Cũng chả sao, năm người so với ba trăm hộ chẳng bõ bẽn gì, lão nghĩ và cúi mặt cười mỉa.
Nhà lão Đại đẹp thế nhưng hai lầu trên lão ở lúc nào cũng âm âm trong ánh điện đùng đục. Lão là kẻ thích sống trong không gian mầu nước gạo như thế. Đến quần áo lão mặc cũng mầu nước dưa, tay áo, ống quần co gấp lò xo, mặt lão lúc nào cũng lem nhem như mới từ hầm than bước lên. Ai cũng ngỡ có cơ ngơi như thế lão thỏa mãn, nào ngờ máu tham của lão vẫn ngùn ngụt bốc cao.
III
Đêm nào cũng thế, chú Thi - họa sĩ Hoàng Thi - cũng pha ấm trà thật đặc, mời mấy ông viện sĩ nhà bên thưởng thức và đàm đạo thế sự hoặc xem ti vi tường thuật bóng đá. Chú là họa sĩ nổi tiếng nhưng sống bình dị, hễ ai cần là chú giúp đỡ, đức tính ấy ảnh hưởng rất lớn đến con chú. Từ bữa bà Lam cảnh báo chuyện cậu Nghĩa, chú lo quá.
Tối nay bà Lam dẫn hai người đàn bà nữa đến. Bà Lam hỏi ngay khi vừa bước vào cửa:
- Con Quỳnh đâu?
- Nó đi học ngoại ngữ buổi tối.
- Lại học với thằng ấy chứ gì? - Bà Lam hỏi dồn - Ông chủ quan quá.
Chú Thi trả lời thật thà:
- Thì nó bảo đi học đêm nào cũng mười giờ mới về...
Thế là mấy người đàn bà thi nhau nói cho chú biết cái bọn Sở Khanh thời nay. Họ nói một thôi rất lâu đến độ chú Thi đâm hoảng. Cuối cùng chú phải nói:
- Rất cảm ơn các bà nhưng xin các bà cho tôi bình tĩnh kẻo tôi tưởng mọi việc xảy ra rồi.
Hai người đàn bà kia động lòng thương chú. Thật ra chuyện chưa đến nỗi phải lo đến thế. Nhưng bà Lam vẫn chưa buông tha:
- Lão Đại đã chơi xỏ cư xá mình mấy vố, ngay như chuyện điện và con chó.
Dứt lời họ kéo nhau về. Chú Thi khẽ thở dài:
- Đúng là ông Đại cũng gây nhiều chuyện rắc rối thật.
Cư xá Văn Thịnh vốn dùng chung một trạm biến thế điện, từng nhà có đồng hồ riêng, nhưng ngành điện lại thu tiền theo đồng hồ lớn ở trạm biến thế. Vậy là các hộ đóng tiền theo số điện dùng ở nhà còn phải nộp khoản hao hụt từ đồng hồ lớn qua đường dây, trung bình mỗi tháng mười ngàn. Cả cư xá một tháng đóng tiền hao hụt ba triệu chứ đâu có ít. Nhiều bà viện sĩ cự lại, không xài điện mà phải nộp tiền, lý nào! Tất nhiên ngành điện vẫn ghi vào sổ nợ, đến độ lên tới hơn ba chục triệu và họ cúp điện toàn cư xá. Cả cư xá như sống trong sa mạc, dưới tầng hầm, các phòng đều nóng đến chảy mỡ, đêm đêm người ta phải kéo ghế ra ban công hóng gió và cãi nhau chí chóe. Trong lúc ấy nhà lão Đại điện vẫn ổn định, quạt máy chạy vù vù, như trêu chọc các ông các bà viện sĩ ở cư xá, bởi vì lão mắc đường điện riêng. Giữa lúc cư xá tối như địa ngục, lão Đại đến gặp ban quản lý, xin đóng số tiền nợ ấy với điều kiện cho lão bày cây cảnh và hòn non bộ dọc hành lang phía trước cư xá, cái hành lang rộng đến năm mét và dài chừng năm chục mét. Mọi người như mở cờ trong bụng, cái hành lang bỏ không từ xưa đến nay là chỗ chứa rác rưởi và còn để những cặp uyên ương ở ngoài vào tình tự đến là ô uế, lão Đại bày cây cảnh, hòn non bộ càng thêm đẹp và giữ được an ninh cho cư xá, tiện lợi biết chừng nào. Sau cái gật đầu của trưởng ban quản lý cư xá, lão Đại nhấc máy điện thoại hứa với trạm điện là ngày mai sẽ nộp tiền đủ, điện bừng sáng cả cư xá, có người nhảy lên tầng thượng hô to: Cụ Đại vạn tuế, Cụ Đại vạn vạn tuế. Và nhiều tiếng hô hưởng ứng. Suốt cả tháng người ta ca tụng lão Đại như ân nhân. Lão bày khắp khu tiền sảnh những gốc bon sai, những chậu thiên tuế, vạn tuế, giá hàng chục triệu, rồi lão mắc thêm mấy chục cái lồng chim nào khướu, nào họa mi, nào chào mào, sáo sậu, tiếng chim hót véo von suốt ngày đến là nhộn tai. Lão có một con yểng bắt chước tiếng người rất giỏi. Thời gian đầu thấy người là hót chào khách. Nhưng bọn trẻ ranh ở đâu tới luyện cho nó hễ thấy người là: "Bố mày, bố mày". Chiều chiều khi thấy các ông viện sĩ bước xuống xe ôm cặp vào cư xá là con yểng cất tiếng: "Bố mày, bố mày" như chửi các vị. Các vị cũng tức nhưng chả lẽ chấp với con chim. Nhưng dần dần cả cư xá mới sửng sốt hóa ra cái tiền sảnh ấy là quyền tư hữu của lão rồi, mỗi tháng lão thu lời hàng chục triệu tiền bán cây cảnh, bán chim. Cho tới khi có chiến dịch dọn dẹp thông thoáng lòng lề đường, những người buôn bán nhỏ đôn đáo đi tìm chỗ, và họ được lão Đại cho thuê, một chỗ ngồi chưa đầy vài mét vuông vừa đủ để thúng xôi và mấy cái ghế con lão lấy một tháng ba trăm ngàn, và chỉ được bán sáng sớm, một khoảnh vừa đủ để sạp báo nhỏ lão thu bốn trăm ngàn, cứ thế lão dành một phần ba tiền sảnh cho các vị hưu non, hưu già trong cư xá thuê lại, tính sơ sơ mỗi tháng lão thu đến bảy triệu. Để bảo vệ cây cảnh, lão tậu một con bẹc giê Đức to gần bằng con bê, con chó này tai nhọn, mõm to, răng nhọn hung dữ như cọp. Ngày lão nhốt chó ở cái vọng gác cửa ra vào cư xá, nơi trước đây lão ngồi gác kho, tám giờ tối lão thả chó ra. Con bẹc giê phóng hồng hộc dọc theo tiền sảnh như tìm người lạ để xé xác. Người trên các lầu nghe tiếng chó gầm gừ dựng cả tóc gáy. Ban đêm cả cư xá bị phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Thế là năm người bài trừ hàng của lão nay buộc phải mua vì con bẹc giê không cho ra phố. Bà Lam uất tưởng đến chảy nước mắt, đã thế phải dùng độc trị độc, đánh bả con bẹc giê cho biết tay. Nhưng đâu có dễ vì con chó này chỉ có lão Đại cho ăn và chỉ ăn trong một cái đĩa cổ giá vài ngàn đô. Và khi con chó liếm sạch xong là lão Đại bỏ đĩa vào tủ chè khóa lại làm đồ trang trí trong nhà thêm sang. Thành ra món cháo thịt bò có bả độc lại giết chết con mèo tam thể của chính bà Lam.
IV
Trong lúc nhiều bà viện sĩ trong cư xá nói cho Quỳnh biết những nét tham lam, xấu xa của lão Đại, Quỳnh chỉ cười khúc khích. Cô biết Nghĩa đã khá lâu, mùa hè năm ấy cô lên thành phố để học thêm. Cô chú ý tới cậu con trai ở nhà ấy thường hay tha thẩn chơi một mình, người trong cư xá không cho con cái chơi cùng với cậu vì đó là con lão Đại. Năm ấy Nghĩa học lớp mười hai, người cao mảnh khảnh, mắt lúc nào cũng ngó xuống đất. Ba năm sau, Quỳnh vào đại học Ngoại ngữ, gặp Nghĩa, anh vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự và đậu một lúc ba trường đại học, Nghĩa học một lúc hai trường Ngoại thương và Ngoại ngữ. Quỳnh ngạc nhiên trước sự thay đổi của Nghĩa, người anh rắn rỏi, mặt kiên nghị, đặc biệt mắt không bao giờ nhìn xuống đất. Sau này yêu nhau, có lần cô hỏi:
- Sao trước kia anh hay ngó chằm chằm xuống đất thế?
Nghĩa đáp thành thật:
- Từ nhỏ bọn cùng tuổi hay xa lánh anh vì bố anh cư xử làm mất lòng mọi người. Khi vào bộ đội, bạn bè luôn nhắc anh, con trai nhìn xuống đất là xấu lắm, nó hèn người đi. Nhưng anh đã thành tật cố hữu. Thế rồi, một lần anh đang nhìn xuống đất thì bất ngờ một thằng bạn giáng cho anh một cú tát nảy lửa và mắng một hồi. Từ đó anh sửa được.
Quỳnh quý Nghĩa ở tính chân thật. Quỳnh đã nghe nhiều người kể về tính xấu của bố Nghĩa. Cô vẫn nghĩ, thực ra ông ấy không phải là người hoàn toàn xấu, con người ta xấu tốt là do hoàn cảnh, nếu mọi người cố tình bới móc, xa lánh thì bản tính nông dân của ông sẽ chơi cho nhiều vố nữa. Muốn cải tạo một người xấu phải có nhiều người tốt gần gũi. Nghĩa cũng hổ thẹn vì bố anh nhưng không dám nói. Có lần bà Lam gắt với cô:
- Lẽ nào mày bắt bố mày, họa sĩ Hoàng Thi, lịch lãm, có văn hóa ngồi ngang hàng với cái lão Đại tham lam ấy.
- Nhưng con yêu anh Nghĩa...
- Nghĩa với nhân gì giống ấy.
Trước sự cáu giận vô lý của bà Lam cô sinh viên năm thứ tư đại học Ngoại ngữ chỉ cười khúc khích.
V
Quỳnh đồng ý cho Nghĩa dẫn sang nhà gặp bố anh. Cô đi qua tầng trệt, mấy anh chàng bán hàng điện lạnh như sững sờ trước sắc đẹp của cô. Nghĩa dẫn cô lên lầu, ánh điện sáng đục như pha khói. Lão Đại dùng giấy mầu quấn vào các tuýp nê-ông để tạo nên thứ ánh sáng đó. Nghĩa nói nhỏ cho Quỳnh hay, bố anh thích sống trong ánh sáng như thế, ông cho rằng ánh sáng như thế để người ngoài ngó vào không thấy được của nả trong nhà, tránh được sự ghen ăn tức ở. Quỳnh bật cười khúc khích, thảo nào mấy bà, mấy chị ở cư xá bảo nhà lão Đại lúc nào cũng như nấu rượu lậu ấy.
Trông thấy con trai dẫn Quỳnh đến chào, lão Đại mừng rơn, lão biết con bé này ngoan lắm, chăm chỉ lắm, nhiều sáng sớm lão trông thấy nó quét dọn cầu thang, chính lão cũng mủi lòng trước tính tốt của nó, đâu ngờ nó lại yêu con trai mình. Lão luýnh quýnh lôi trong tủ lạnh nào nước ngọt, nào trái cây tiếp cô. Lão bối rối vì ánh điện làm cho cô gái khó chịu, mình sống quen rồi nên chả sao, còn nó khó nhìn là phải, lão nghĩ và chậc lưỡi "chà, chà thế này thì...".
Sau lần gặp gỡ cô dâu tương lai, tính tình lão Đại đổi khác, lão đưa con chó bẹc giê đi khỏi cư xá, sắp xếp những chậu cây cảnh, hòn non bộ gọn lại, dành lối đi thoáng đãng, và lão bỏ việc thu tiền mặt bằng của mấy người bán hàng ở tiền sảnh. Lão muốn bắt chuyện với mấy người ở cư xá nhưng cứ sợ. Hai tầng lầu nhà lão, lão thắp mấy bóng tuýp nê-ông dài, ánh sáng xanh trưng, nhiều người qua đường tưởng ngôi nhà đã đổi chủ. Quả thật, bấy lâu quen sống trong ánh sáng tù mù nay sống giữa ánh điện như ban ngày khiến lão thấy trống trếnh, lắm khi lão giật mình như thể lão làm điều gì mờ ám. Nhưng chẳng sao, rồi mình cũng quen thôi.
Ngày lễ ăn hỏi đến. Cả cư xá bảo nhau để coi lão ấy nói năng như thế nào. Lão Đại mặc áo thụng đỏ, đầu vấn khăn điều, bây giờ mọi người mới nhìn kỹ, tóc lão đã bạc, chòm râu pha cước ra dáng lão làng đáo để. Mấy bà viện sĩ bạo mồm nhất nay cũng tự nhiên không dám bờm xơm như mọi ngày. Tay trái lão phất phơ cây quạt nan, tay phải chống gậy, cũng là thêm một điểm tựa để vững lòng khi sang mảnh đất có nhiều người thù ghét, chứ lão làm quái gì đã phải chống gậy. Theo sau lão là cậu Nghĩa, cao lớn, đĩnh đạc. Nào ai ngờ một kẻ người nhỏ bé, tính tủn mủn lại sinh hạ được chàng thanh tuấn tú đến thế. Bước lên cầu thang, lão nói để bớt ngượng:
- Gần nhà xa ngõ, hôm nay mới được dịp qua thăm các ông, các bà.
Tuy chỉ là lễ ăn hỏi nhưng chú Thi mời bà con trong cư xá đến chia vui. Mọi người đến chật căn hộ ba chục mét vuông, để xem lão Đại nói năng thế nào nếu cần choảng cho lão một mẻ.
Từ bấy đến nay, bọn này giữ để khỏi mang tiếng cư xá của viện sĩ mà không biết ăn ở với nhau, rồi để lão lấn lướt chứ thật ra thứ lão làm sao ngồi ngang hàng với chúng tôi. Bà Lam nói to cho mọi người nghe trong khi nhiều người đưa mắt nhìn nhau bụm miệng cười, lão Đại vẫn điềm tĩnh, lão đứng dậy, tay chắp trước ngực, mắt nhìn thẳng:
- Bữa nay được trời cho ngày đẹp, tôi sang đáp lễ ông Thi và bà con trong cư xá đã giúp cho cháu Nghĩa bén duyên cùng cháu Quỳnh. Được cháu Quỳnh làm dâu quả là phúc đức cho dòng họ nhà tôi lắm. Trước đây, tôi ăn ở không phải, làm phiền đến bà con quá nhiều nay bà con lượng thứ, ơn này làm sao trả hết.
Thảy mọi người động lòng, tự dưng lại thương quý lão. Mối hiềm thù mấy chục năm phút chốc tan biến. Chính bà Lam đứng lên nói to:
- Thôi, chuyện cũ coi như cho qua, ngày vui của các cháu ta nói chuyện tốt lành thôi.
Mỗi người nâng một ly rượu, chúc tụng đôi trai gái, chúc tụng chú Thi, chúc tụng lão Đại, ồn ào vui vẻ, như đấy là niềm vui của mình, chứ không của riêng ai.
Sau một lúc, không khí trở lại trầm ấm. Lão Đại đứng dậy nước mắt dấp dính mi, giọng nghẹn ngào:
- Con người ta lúc trẻ khó tránh được lòng tham nhưng ở tuổi tôi mới hiểu của nả không phải là yếu tố quyết định của một đời người. Tình người vẫn là quý hơn hết. Nếu ông Thi và bà con thương, tôi làm lễ cưới cho hai cháu. Cưới xong, tôi giao căn nhà ở đây cho vợ chồng chúng nó ở. Tôi và bà nhà tôi về bên Nhân Chính, tôi đã tậu được mảnh vườn và hơn năm trăm mét vuông đất trồng màu. ở đó là làng nên đất đai rẻ vừa đủ túi tiền nhà tôi. Tôi sẽ dựng căn nhà nhỏ và trồng rau. Rau tôi trồng sẽ không hề bón phân hóa học, chẳng dùng thuốc trừ sâu, gọi là rau sạch tuyệt đối. Hàng tuần tôi sẽ cho vợ chồng thằng Nghĩa về chở lên biếu bà con cư xá lấy thảo.
Yên Thế, 3-1996
Truyện Ngắn Chọn Lọc Truyện Ngắn Chọn Lọc - Nhiều Tác Giả Truyện Ngắn Chọn Lọc