You are a child of the sun, you come from the sun, and that is something true with the Earth also... your relationship with the Earth is so deep, and the Earth is in you and this is something not very difficult, much less difficult then philosophy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Ayn Rand
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Tran Thi Huong
Số chương: 118 - chưa đầy đủ
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1861 / 41
Cập nhật: 2018-01-03 14:42:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10 Part 2
nh miễn cưỡng quay trở lại phòng khiêu vũ. Anh buộc mình phải nhập vào các đám khách khứa và trò chuyện. Anh quan sát Dominique Francon khi cô di chuyển qua các đám đông, khi cô dừng lại để trò chuyện với những người khác. Cô chẳng bao giờ liếc nhìn anh lần nào. Anh không thể quyết định liệu anh đã thành công với cô hay đã thất bại một cách thảm hại nữa.
Keating đã xoay xở để có thể ở cửa ra vào khi Dominique ra về.
Cô dừng lại và mỉm cười với anh một cách thích thú.
“Không,” cô nói, trước khi anh kịp mở miệng, “anh không thể đưa tôi về được đâu. Tôi có một chiếc xe đang đợi. Tuy nhiên tôi vẫn cám ơn anh.”
Cô đi và anh đứng ở cửa, bất lực và nghĩ một cách tức tối vì anh tin rằng mình đang đỏ mặt.
Anh cảm thấy một bàn tay mềm mại trên vai mình và quay lại thì thấy Francon bên cạnh.
“Về nhà chứ Keating? Để tôi cho cậu đi nhờ xe.”
“Nhưng cháu tưởng bác phải đến câu lạc bộ lúc bảy giờ.”
“Ôi, chả sao đâu, tôi sẽ hơi muộn một chút, không vấn đề gì, tôi sẽ lái xe đưa anh về nhà, không sao hết cả.” Có một chủ ý kỳ lạ trên khuôn mặt Francon, khá bất thường và không phù hợp với ông.
Keating lặng lẽ đi theo ông một cách ngạc nhiên và không nói năng gì khi họ đã ở trong ánh sáng mờ mờ thoải mái trên xe của Francon.
“Thế nào?” Francon hỏi một cách e dè.
Keating mỉm cười. “Guy, bác là đồ ngốc[4]. Bác không biết quý cái mà bác đang có. Sao bác không nói cho cháu biết? Cô ấy là cô gái đẹp nhất cháu từng gặp.”
“Ừ đúng thế,” Francon nói một cách rầu rĩ. “Có thể đó chính là rắc rối đấy.”
“Rắc rối? Rắc rối ở đâu nào?”
“Cậu thực sự nghĩ như thế nào về con bé hả Peter? Quên vẻ bề ngoài đi. Cậu sẽ thấy mình quên cái đó rất nhanh. Cậu nghĩ thế nào?”
“À cháu nghĩ cô ấy có cá tính rất mạnh.”
“Cám ơn cậu đã nói giảm nhẹ.”
Francon im lặng một cách ủ rũ, và rồi ông nói nhỏ, với một giọng hơi khác thường, như thể hàm chứa một chút hy vọng:
“Cậu biết đấy Peter, tôi đã ngạc nhiên. Tôi đã quan sát cậu, và cậu đã nói chuyện khá lâu với nó. Thật là đáng ngạc nhiên. Tôi đã hoàn toàn chờ đợi việc nó đuổi cậu đi bằng một câu châm chọc hay ho độc địa cơ. Rốt cuộc thì có thể cậu hợp được với nó. Tôi đã kết luận là không thể đoán trước cái gì về con bé. Nhưng có thể... Cậu biết đấy, Peter, điều tôi muốn nói với cậu là: Đừng để ý đến những gì nó nói về chuyện tôi muốn cậu đối xử tồi tệ với nó.”
Sự tha thiết trong câu nói cho thấy rõ đó là một gợi ý; môi Keating cử động và suýt phát thành tiếng huýt sáo nhẹ, nhưng anh đã kịp kìm lại được. Francon nói thêm một cách nặng nề: “Tôi không hề muốn cậu tồi tệ với nó.”
“Bác biết không, Guy,” Keating nói, giọng trách mắng kẻ cả, “bác không nên bỏ chạy như thế.”
“Tôi không bao giờ biết cách nói chuyện với nó cả.” Ông thở dài. “Tôi đã không bao giờ học cách. Tôi không thể hiểu nổi vấn đề của nó là cái quái gì, nhưng nó có một vấn đề gì đó. Nó cứ nhất định không cư xử như một con người. Cậu biết không, nó đã bị đuổi khỏi hai trường thượng lưu. Tôi không thể tưởng tượng được nó đã học xong đại học bằng cách nào, nhưng tôi có thể nói với cậu là tôi sợ phải mở thư trong suốt bốn năm liền, lúc nào cũng ngong ngóng chờ đợi thông báo về cái điều không thể tránh khỏi. Rồi tôi nghĩ, à, một khi nó đã tự lập rồi thì tôi sẽ thoát nợ và không phải lo lắng về điều đó nữa; nhưng giờ nó còn tệ hơn bao giờ hết.”
“Bác thấy phải lo lắng về cái gì cơ chứ?”
“Tôi không lo lắng. Tôi cố để không lo lắng. Tôi vui mừng khi tôi không phải nghĩ đến nó một tí nào. Biết làm thế nào được; tôi không hợp để làm cha. Nhưng đôi lúc tôi cảm thấy đằng nào, đó vẫn là trách nhiệm của mình, dù Chúa biết là tôi không muốn nó, nhưng nó vẫn ở đó, nên tôi phải làm gì đó với nó; chẳng có ai khác nhận cái trách nhiệm đó cả.”
“Bác đã để cô ấy dọa được bác, bác Guy ạ, và thực ra thì chẳng có gì phải sợ cả.”
“Cậu nghĩ như thế thật à?”
“Vâng.”
“Có thể cậu chính là người có thể cầm cương được nó. Giờ thì tôi không hối tiếc việc cậu đã gặp nó, và cậu biết là tôi đã không muốn cậu gặp nó. Phải rồi, tôi nghĩ cậu chính là người cầm cương được nó. Cậu... cậu khá quyết đoán – đúng không, Peter? – khi cậu theo đuổi một cái gì đấy?”
“Nhìn chung,” Keating nói, vung một tay lên với vẻ bất cần, “Cháu ít khi sợ cái gì.”
Rồi anh ngả người dựa vào các tấm nệm, như thể anh đang mệt mỏi, như thể anh chưa nghe thấy điều gì hệ trọng cả, và anh giữ yên lặng trong suốt đoạn đường còn lại. Francon cũng giữ yên lặng.
*
*   *
“Các chàng trai,” John Erik Snyte nói, “đừng có tiếc sức mình với dự án này. Nó là dự án quan trọng nhất chúng ta có trong năm nay đấy. Không nhiều tiền lắm, các cậu biết đấy, nhưng sẽ có uy tín, sẽ có các quan hệ! Nếu chúng ta giành được nó, khối thằng kiến trúc sư có tiếng sẽ phát điên! Các cậu thấy đấy, Austen Heller đã nói thẳng với tôi, chúng ta là hãng thứ ba ông ta tìm đến. Ông ấy không chấp nhận mấy thứ giẻ rách mà mấy tay bự kia cố bán cho ông ta. Thế nên, mọi việc tùy thuộc chúng ta thôi, các chàng trai ạ. Các cậu biết đấy, phải là thứ gì đó khác lạ, bất thường nhưng là bất thường đẹp và, các cậu biết đấy, phải khác lạ. Giờ thì cố hết sức đi.”
Năm kiến trúc sư ngồi thành hình bán nguyệt trước mặt ông. “Gothic” trông chán nản và “Tạp” trông đã nhụt chí ngay từ đầu; “Phục hưng” đang dõi theo đường bay của một con ruồi trên trần nhà. Roark hỏi:
“Chính xác thì ông ấy nói thế nào, ông Snyte?”
Snyte nhún vai và nhìn Roark với vẻ thích thú, như thể ông và Roark cùng chia sẻ một bí mật đáng xấu hổ về vị khách hàng mới nhưng chẳng ai buồn đề cập.
“Cũng không có cái gì thật cụ thể – cái này chỉ chúng ta biết thôi nhé, các chàng trai,” Snyte nói. “Ông ấy diễn đạt khá là lủng củng, mặc dù ông ấy rất giỏi viết báo bằng tiếng Anh. Ông ấy nhận là chẳng biết gì về kiến trúc cả. Ông ấy không nói mình muốn nó kiểu hiện đại hay kiểu thời nào khác, chả nói gì cả. Ông ta có nói gì đó về chuyện ông ấy đã muốn một ngôi nhà của riêng mình lâu rồi, nhưng ông ta chần chừ mãi vì ông ta thấy tất cả các ngôi nhà nom đều giống nhau và chúng trông giống địa ngục và ông ta chẳng hiểu làm thế nào mà người ta lại có thể thích thú những cái nhà như thế, thế nhưng ông ta lại có quan điểm là ông ta chỉ muốn xây một cái nhà mà ông ta phải yêu quý nó. Ông ta nói thế này – ‘Một tòa nhà mà sẽ có ý nghĩa nào đấy’ – mặc dù ông ta nói thêm là ông ta ‘không biết là ý nghĩa gì và theo cách nào.’ Đấy, ông ta nói thế đấy. Chẳng có mấy để bắt đầu; tôi chắc chắn sẽ không muốn nộp các bản thiết kế nếu đó không phải là Austen Heller. Nhưng tôi phải công nhận với các cậu là tôi chả hiểu gì cả... Có chuyện gì thế Roark?”
“Không có gì,” Roark nói.
Thế là kết thúc cuộc thảo luận đầu tiên về biệt thự của Austen Heller.
Cuối ngày hôm đó, Snyte tập hợp năm nhân viên thiết kế của mình trên một chuyến tàu hỏa; họ đến Connecticut để xem địa điểm xây dựng mà Heller đã chọn. Họ đứng trên một dải bờ biển cô độc, đầy đá, cách một thị trấn nhỏ, cổ lỗ, khoảng ba dặm; họ nhai trệu trạo bánh mì kẹp với đậu phộng, và họ ngắm một vách đá nhô lên tạo thành những rìa gãy vỡ từ dưới mặt đất để rồi kết thành một vực dốc thẳng, hung bạo và trần trụi trên mặt biển, một cái cột đá thẳng đứng tạo thành hình một cây thập tự với đường nằm ngang là mặt biển bao la, xanh nhạt.
“Đấy,” Snyte nói. “Chính nó.” Ông xoay một cây bút chì trong bàn tay mình. “Chả ra gì, đúng không?” Ông thở dài. “Tôi đã cố gắng đề nghị một địa điểm tử tế hơn, nhưng ông ta không thích lắm nên tôi đành phải im.” Ông xoay chiếc bút. “Ông ta muốn xây nhà ở chỗ kia kìa, ngay trên đỉnh bờ đá đó.” Ông lấy đầu cây bút chì cào cào vào đỉnh mũi mình. “Tôi đã cố đề nghị đặt ngôi nhà lùi về phía sau một chút so với bờ biển và giữ cái bờ đá chết tiệt đấy làm cảnh thôi, nhưng nói thế cũng không xong.” Ông cắn cục tẩy giữa các đầu răng mình. “Cứ nghĩ về lượng thuốc nổ và công việc san ủi phải làm trên cái đỉnh đó mà xem.” Ông tẩy móng tay mình bằng đầu chì, để lại một dấu đen. “Chà, thế đấy... Nhìn loại đá và chất đá mà xem. Sẽ khó để tiếp cận đây... Tôi có tất cả các khảo sát và ảnh ở văn phòng rồi... Chà... Ai có thuốc lá không nhỉ?... Chà, đấy, mọi việc là như thế... Có gì cần thì cứ hỏi tôi, bất cứ lúc nào... Chà... Mấy giờ cái tàu chết tiệt đấy quay về?”
Năm nhân viên thiết kế đã được khởi động công việc như thế. Bốn trong số họ bắt tay ngay vào công việc ở bàn vẽ. Chỉ có mình Roark quay lại địa điểm xây dựng nhiều lần.
Năm tháng làm việc cho Snyte đã lùi lại phía sau Roark như một khoảng trống. Nếu anh có tự hỏi mình xem mình đã cảm thấy như thế nào thì anh cũng sẽ chẳng có câu trả lời vì thực tế là anh đã chẳng nhớ gì về những tháng đó. Anh có thể nhớ từng bản thiết kế anh đã vẽ. Nếu cố thì anh có thể nhớ được điều gì đã xảy ra với những bản thiết kế đó; nhưng anh đã không cố.
Nhưng anh đã không yêu bất kỳ công trình nào trong số chúng bằng ngôi nhà của Austen Heller. Anh ở trong phòng vẽ hết tối này đến tối nọ, một mình với một tờ giấy và với ý nghĩ về một vách đá nhô ra biển. Không ai trông thấy những bản vẽ của anh cho đến khi chúng được hoàn thành.
Khi chúng được hoàn thành vào một đêm khuya, anh ngồi ở bàn mình, với những tờ giấy trải trước mặt; anh ngồi suốt nhiều giờ liền, một bàn tay chống lên trán, bàn tay kia buông thõng bên sườn, máu dồn cả vào những ngón tay, làm chúng tê dại. Con phố phía trên cửa sổ biến dần sang màu xanh thẫm, rồi chuyển sang xám nhợt nhạt. Anh không nhìn những bản vẽ. Anh thấy trống rỗng và rất mệt mỏi.
Ngôi nhà trên những bản vẽ đã được thiết kế không phải bởi Roark, mà là bởi vách đá trên đó ngôi nhà sẽ đứng. Như thể mỏm đá đã lớn lên, tự hoàn tất bản thân nó và tuyên bố cái mục đích mà nó đã tồn tại để chờ đợi. Ngôi nhà được chia thành nhiều tầng, bám theo những gờ của khối đá, nhô lên khi tảng đá nhô lên, bằng những khối thoai thoải, trong những mặt phẳng cùng nhau vươn lên thành một hòa âm trọn vẹn. Những bức tường, cũng cùng chất liệu đá granit như khối đá, tiếp tục vươn những đường thẳng của nó lên trời; những mái hiên bê tông rộng, nhô ra ngoài, cùng màu bạc như mặt biển, lượn theo đường nét của những con sóng và của đường chân trời thẳng tắp.
Roark vẫn đang ngồi ở bàn mình khi những người khác trở lại để bắt đầu ngày làm việc của họ trong phòng thiết kế. Rồi những bản vẽ được gửi đến văn phòng của Snyte.
Hai ngày sau, bản vẽ cuối cùng của ngôi nhà, bản sẽ nộp cho Austen Heller – cái bản vẽ đã được John Erik Snyte chọn, sửa chữa, và giao cho anh chàng người Trung Quốc trông nom – được bọc trong giấy thấm và đặt trên một mặt bàn. Đó là ngôi nhà do Roark thiết kế. Các đối thủ cạnh tranh của anh đã bị loại. Đó là ngôi nhà của Roark, nhưng những bức tường của nó giờ đây lại là bằng gạch đỏ, những cửa sổ của nó được thu nhỏ lại theo cỡ thông thường và được trang bị những cửa chớp màu xanh lá cây, hai trong số những cánh nhà nhô ra đã bị bỏ đi, hàng hiên lớn có mút chìa ra phía trên mặt biển bị thay thế bằng một ban công sắt uốn nhỏ, và ngôi nhà được ban ột lối vào gồm những cột Ionic đỡ lấy một trán tường gồ ghề cộng với với một cái trụ nhỏ đỡ một cái chong chóng gió.
John Erik Snyte đứng bên chiếc bàn, hai bàn tay ông xòe ra trong khoảng không phía trên bản vẽ để không chạm vào sự thuần khiết của những màu sắc tinh tế trên bản vẽ.
“Đấy chính là cái mà ông Heller nghĩ trong đầu, tôi chắc chắn đấy,” ông nói, “Rất tốt... Phải, rất tốt... Roark, tôi phải bảo cậu bao nhiêu lần là đừng hút thuốc quanh bản vẽ cuối? Đứng xa ra. Cậu sẽ làm rơi tàn thuốc vào nó đấy.”
Họ chờ Austen Heller đến lúc mười hai giờ. Nhưng lúc mười một giờ rưỡi, bà Symington đột ngột đến và yêu cầu gặp ông Snyte ngay lập tức. Bà Symington là một bà giàu có đường bệ, người chỉ vừa chuyển đến dinh thự mới của mình do ông Snyte thiết kế; ngoài ra, Snyte còn mong đợi một hợp đồng xây nhà theo kiểu chung cư từ anh trai của bà nữa. Ông không thể từ chối gặp bà và ông cúi người đón bà vào văn phòng của ông; ở đó bà bắt đầu tuyên bố thẳng thừng là trần nhà trong phòng thư viện của bà đã nứt và những cửa sổ hướng ra ngoài vịnh trong phòng vẽ của bà luôn bị một màn sương ẩm bao phủ. Snyte gọi kỹ sư trưởng của ông đến và cả hai cùng lao vào những giải thích cặn kẽ, những lời xin lỗi và nguyền rủa nhà thầu. Bà Symington vẫn chưa hề tỏ ra hết bực mình khi một đèn tín hiệu trên bàn của Snyte phát ra một tiếng è è và giọng của cô thư ký tiếp tân thông báo Austen Heller đã tới.
Không thể có chuyện yêu cầu bà Symington ra về, mà cũng không thể yêu cầu Austen Heller đợi. Snyte giải quyết vấn đề bằng cách bỏ bà ở lại với bài diễn ăn an ủi của kỹ sư trưởng và xin phép bà cho ông đi một lát. Rồi ông xuất hiện trong phòng tiếp tân, bắt tay Heller và đề nghị: “Cảm phiền ngài vào phòng vẽ được không ngài Heller? Ở đó ánh sáng tốt hơn, ngài biết đấy; bản vẽ đã sẵn sàng cho ngài, và tôi không muốn mạo hiểm di chuyển nó.”
Heller có vẻ không phiền. Ông đi theo Snyte vào phòng vẽ – thân hình ông cao, vai rộng; ông mặc bộ quần áo vải tuýt của Anh, ông có mái tóc hung đỏ và một khuôn mặt vuông vức với vô số nếp nhăn quanh đôi mắt mang vẻ điềm tĩnh mai mỉa.
Bản vẽ nằm trên bàn của anh chàng Trung Quốc, và anh ta bước sang bên một cách rụt rè, im lặng. Bàn bên cạnh là của Roark. Anh đứng quay lưng lại Heller, anh tiếp tục công việc vẽ của mình, và không quay lại. Những người làm đã được huấn luyện để không xen ngang vào những dịp mà Snyte đưa khách hàng vào phòng vẽ.
Những ngón tay Snyte nhấc giấy thấm lên, như thể nâng mạng che mặt của một cô dâu vậy. Rồi ông lùi lại và quan sát gương mặt Heller. Heller cúi xuống và đứng khom khom, với vẻ chăm chú, lôi cuốn, chăm chú; ông không nói gì trong một lúc lâu.
“Nghe này, ông Snyte,” cuối cùng ông bắt đầu nói. “Nghe này, tôi nghĩ là...” và dừng lại.
Snyte chờ đợi một cách kiên nhẫn, hài lòng, ông linh cảm sự tiến đến của một cái gì đó mà ông không muốn làm xáo trộn.
“Cái này,” đột nhiên Heller nói to, đồng thời đấm sầm nắm đấm xuống bản vẽ, và Snyte nhăn mặt, “cái này là cái gần với nó nhất trong số những gì người ta đã cho tôi xem.”
“Tôi biết ngài sẽ thích nó mà, ngài Heller,” Snyte nói.
“Tôi không thích,” Heller nói.
Snyte chớp mắt và chờ đợi.
“Nó rất gần,” Heller nói với vẻ tiếc nuối, “nhưng vẫn không đúng. Tôi không biết là ở đâu, nhưng nó vẫn không đúng. Thứ lỗi cho tôi, nếu điều này nghe mơ hồ, nhưng hoặc là tôi thích một cái gì đó ngay, hoặc tôi không thích. Tôi biết là tôi sẽ không thoải mái, ví dụ, với cái lối vào đó. Đó là một lối vào đáng yêu, nhưng anh thậm chí sẽ không để ý đến nó vì anh đã thấy nó quá thường xuyên.”
“À nhưng cho phép tôi chỉ ra vài điểm xem xét, thưa ngài Heller. Một người muốn hiện đại, tất nhiên, nhưng người đó cũng muốn bảo lưu dáng vẻ của một tổ ấm gia đình. Một kết hợp giữa sự trịnh trọng và sự thân mật, ngài hiểu đấy; thế nên một ngôi nhà nghiêm trang như thế này phải có vài chi tiết nhỏ làm cho nó trở nên mềm mại. Đứng về mặt kiến trúc thì như thế là hoàn toàn đúng.”
“Chắc chắn rồi,” Heller nói. “Tôi không biết điều đó. Tôi chưa bao giờ hoàn toàn đúng trong đời tôi cả.”
“Hãy để tôi giải thích bản vẽ này và ngài sẽ thấy là nó...”
“Tôi biết,” Heller mệt mỏi nói. “Tôi biết. Tôi chắc chắn là ông đúng. Chỉ có điều...” Giọng của ông có một âm thanh của sự háo hức mà ông ước gì mình có thể cảm nhận được. “Chỉ có điều, nếu nó có một sự thống nhất nào đó, một... một ý tưởng trung tâm nào đó... nó có đấy nhưng mà cũng không có... nếu như nó có vẻ đang sống... nhưng nó lại không... Nó thiếu thứ gì đó và lại có quá nhiều... Nếu nó sạch sẽ hơn, rõ ràng hơn... tôi đã nghe thấy người ta dùng từ gì nhỉ? – nếu nó hợp nhất...”
Roark quay lại. Anh ở phía bên kia của chiếc bàn. Anh chộp lấy bản vẽ, bàn tay anh vung ra phía trước và một chiếc bút chì rạch ngang bản vẽ, vạch những đường màu đen thô lên lớp màu nước thiêng liêng. Những đường bút chì phá tung những chiếc cột Ionic, cái trán tường, lối vào, cái trụ đặt chong chóng, những rèm cuốn, những viên gạch; chúng dựng lên hai cánh nhà bằng đá; chúng nới rộng những cửa sổ; chúng đập tan tành cái ban công và dựng lên một hàng hiên lớn trông ra biển.
Tất cả những việc đó diễn ra trước khi những người còn lại kịp ý thức được cái cái khoảnh khắc mà nó bắt đầu. Rồi Snyte nhảy về phía trước, nhưng Heller chộp lấy cổ tay ông và chặn ông lại. Bàn tay Roark tiếp tục san phẳng những bức tường, chia cắt và xây lại bằng những nét vẽ giận dữ.
Roark chỉ ngẩng đầu lên một lần, trong một chớp mắt, để nhìn Heller ngang qua mặt bàn. Đó là tất cả sự giới thiệu họ cần; nó giống như một cái bắt tay. Roark tiếp tục, và khi anh ném chiếc bút chì xuống, ngôi nhà – giống như anh đã thiết kế nó – đứng hoàn chỉnh trong một khuôn khổ trật tự của những đường kẻ đen. Cuộc trình diễn kéo dài chưa đến năm phút.
Snyte cố gắng cất lời. Vì Heller không nói gì cả nên Snyte tự động xoay quanh Roark và hét lên: “Cậu đã bị sa thải, quỷ tha ma bắt cậu đi! Cút ra khỏi đây! Cậu bị sa thải!”
“Cả hai chúng ta đều bị sa thải,” Austen Heller nói, nháy mắt với Roark. “Đi nào. Anh đã ăn trưa chưa? Hãy đến chỗ nào đó. Tôi muốn nói chuyện với anh.”
Roark đi đến cái tủ nhỏ của mình để lấy mũ và áo khoác. Cả phòng vẽ chứng kiến một hành động kinh ngạc và tất cả mọi công việc đều bị đình lại để quan sát nó: Austen Heller cầm bản vẽ lên, gấp nó bốn lần, bẻ gãy tấm bìa các-tông thần thánh, và bỏ trượt nó vào túi ông.
“Nhưng ngài Heller...” Snyte lắp bắp, “hãy để tôi giải thích đã... Nếu ngài muốn cái như thế thì cũng được mà, chúng tôi sẽ vẽ lại... hãy để tôi giải thích...”
“Không phải bây giờ,” Heller nói. “Không phải bây giờ.” Ông thêm vào khi ở ngưỡng cửa: “Tôi sẽ gửi cho ông một tấm séc.”
Rồi Heller đi – Roark đi với ông; và cánh cửa – vì Heller đẩy nó đóng sập lại đằng sau họ – nghe như đoạn kết trong một bài báo của Heller.
Roark đã không nói một lời nào.
Bên bàn ăn được thắp sáng nhẹ của nhà hàng đắt tiền nhất mà Roark từng bước vào, xuyên qua những đồ pha lê và bạc đang lấp lánh giữa họ, Heller nói:
“... vì đó là ngôi nhà mà tôi mong muốn, vì đó là ngôi nhà tôi đã luôn mong muốn. Anh có thể xây nó cho tôi, thảo ra các bản vẽ và giám sát công việc xây dựng được không?”
“Được,” Roark nói.
“Sẽ mất bao lâu nếu chúng ta bắt đầu ngay lập tức?”
“Khoảng tám tháng.”
“Tôi sẽ có được ngôi nhà vào cuối mùa thu?”
“Đúng vậy.”
“Đúng y như bản vẽ đó?”
“Đúng y như thế.”
“Xem này, tôi không biết người ta làm hợp đồng thế nào với kiến trúc sư và anh hẳn phải biết, vì thế hãy thảo một bản và để luật sư của tôi duyệt chiều nay được không?”
“Được.”
Heller nghiên cứu người ngồi đối mặt với ông. Ông nhìn thấy bàn tay đặt trên bàn trước mặt ông. Tất cả ý thức của Heller trở nên tập trung vào bàn tay đó. Ông nhìn thấy những ngón tay dài, những khớp ngón tay sắc cạnh, những mạch máu nổi bật. Ông có cảm giác không phải ông thuê người này, mà đang tự giao nộp mình vào việc thuê mướn này.
“Anh bao nhiêu tuổi rồi,” Heller hỏi, “bất kể anh là ai.”
“Hai mươi sáu. Ông có cần thư giới thiệu không?”
“Chết tiệt, không. Tôi có chúng rồi, ngay trong túi tôi. Tên anh là gì?”
“Howard Roark.”
Heller lấy ra một cuốn sổ séc, mở nó ra trên bàn và với tay lấy cái bút trong túi mình.
“Xem này,” ông nói trong khi viết, “tôi sẽ trả trước cho anh năm trăm đô la. Hãy mở ình một văn phòng hoặc bất kỳ thứ gì anh phải có, và tiến hành đi.”
Ông xé tờ séc ra và đưa nó cho Roark bằng hai đầu ngón tay thẳng, người chống trên khuỷu tay, ngả về phía trước, cổ tay vung lên thành một đường vòng cung gọng. Đôi mắt ông nheo lại, thích thú; chúng quan sát Roark một cách giễu cợt. Nhưng cử chỉ đó lại có vẻ như một động tác chào.
Tờ séc được viết cho “Howard Roark, Kiến trúc sư.”
[1] Nguyên văn: capitol. Capitol là những tòa nhà có kiến trúc mái vòm tròn, dùng làm trụ sở chính của chính quyền tiểu bang tại Mỹ (giống nhà Quốc hội Mỹ). Các tòa nhà này có cấu trúc giống nhau ở trên nước Mỹ và thường là nơi làm việc của thống đốc bang cùng với các cơ quan hành chính lớn nhất của tiểu bang. (NHĐ)
[2] Nguyên văn: Social Register. Đây là một cuốn danh bạ ghi tên và địa chỉ của những cá nhân có thế lực và giàu có nhất trong tầng lớp thượng lưu ở 1 số thành phố lớn tại Mỹ. Các danh bạ này bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Hiện nay nó không còn phổ biến.
[3] Là cỡ áo cho trẻ em. Ở Mỹ, các cửa hàng quần áo thường chia thành phần cho người lớn và trẻ em, với kích cỡ được chuẩn hóa theo độ tuổi. (NHĐ)
[4] Nguyên văn: You're a pig ("bác là một con lợn" - hàm ý đùa cợt). Trong giao tiếp ở Mỹ, khi đã thân nhau, người ta có thể đùa và nói khá thẳng, kể cả trong quan hệ chủ-thợ. (NHĐ)
Suối Nguồn (The Fountainhead) Suối Nguồn (The Fountainhead) - Ayn Rand Suối Nguồn (The Fountainhead)