You carry Mother Earth within you. She is not outside of you. Mother Earth is not just your environment. In that insight of inter-being, it is possible to have real communication with the Earth, which is the highest form of prayer.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Ayn Rand
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Tran Thi Huong
Số chương: 118 - chưa đầy đủ
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1861 / 41
Cập nhật: 2018-01-03 14:42:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 09 Part 2
ái loa phóng thanh rít lên những âm thanh the thé và chói tai từ những tiếng hò reo đồng tình và tiếng vỗ tay lốp đốp. Những người trong hành lang thở hổn hển. Catherine bấu chặt lấy tay Keating. “Ôi Peter!” cô thì thào. “Ông ấy muốn nói đến Wynand! Wynand sinh ra ở Hell’s Kitchen. Ông ấy dám nói thế nhưng Wynand thì sẽ trút lên đầu bác Ellsworth.”
Keating không thể nghe nốt phần còn lại của bài diễn thuyết của Heller bởi đầu anh đang bị một cơn đau khủng khiếp hành hạ; đến mức những âm thanh từ bài diễn thuyết làm ắt anh nhức lên và anh phải nhắm chặt mắt lại. Keating dựa vào tường.
Anh thình lình mở mắt ra khi anh nhận thấy một sự im lặng kỳ lạ xung quanh. Anh đã không chú ý phần cuối của bài diễn thuyết của Heller. Anh thấy những người trong hành lang đang đứng trong sự chờ đợi trang nghiêm và căng thẳng, và tiếng rít trống rỗng của cái loa khiến mọi con mắt đều đổ dồn về cái phễu tối đen của nó. Rồi một giọng nói vang lên, xuyên qua sự yên lặng, to và chậm: “Thưa quý ông quý bà, bây giờ tôi vô cùng vinh hạnh được giới thiệu tới các bạn ông Ellsworth Monkton Toohey!”
Chà, Keating nghĩ, thế là cái tay Bennett đã được sáu sập cá cược ở văn phòng rồi. Vài giây yên lặng trôi qua. Rồi cái điều xảy ra tiếp sau đó đã giáng một cú vào sau gáy Keating; đó không phải là một âm thanh hay một cú đấm, nó là một cái gì đó xé toạc thời gian, cắt rời giây phút này khỏi giây phút trước đó. Ban đầu anh nghĩ nó là một cú sốc; rồi một giây thời gian trôi qua và anh nhận ra đó là cái gì – đó là tiếng vỗ tay. Đó là một tràng pháo tay vang rền đến nỗi Keating tưởng như cái loa sắp nổ tung; tràng pháo tay kéo dài mãi, ép vào các bức tường của hành lang và anh nghĩ anh có thể cảm thấy các bức tường đang ưỡn cong ra phía ngoài đường.
Mọi người xung quanh anh đang hò reo. Catherine đứng đó, môi hé mở, và Keating cảm thấy chắc chắn là cô ấy đang hoàn toàn nín thở.
Một lúc lâu sau, bầu không khí đột nhiên im lặng – cũng thình lình và gây sốc y như tràng pháo tay; cái loa rít lên một tiếng rồi im lặng. Những người trong hành lang đều đứng im. Rồi một giọng nói cất lên:
“Các bạn của tôi,” giọng đó nói, giản dị và trang nghiêm. “Những người anh em của tôi,” giọng nói đó thêm vào, nhẹ nhàng, như không chủ tâm, vừa tràn ngập cảm xúc và vừa như tự mỉm cười xin lỗi trước cảm xúc đó. “Tôi xúc động trước sự chào đón này hơn mức tôi tự cho phép mình. Tôi hy vọng mình sẽ được tha thứ cho cái biểu hiện hư hỏng của cái đứa trẻ vốn luôn tồn tại trong tất cả chúng ta. Nhưng tôi nhận ra – và với tinh thần đó tôi chấp nhận nó – rằng sự chào đón này không phải là dành cho cá nhân tôi mà là ột nguyên tắc mà tôi may mắn có cơ hội trình bày – với tất cả sự khiêm nhường – vào tối nay.”
Đó không phải là một giọng nói, đó là một phép lạ. Nó trải ra như một tấm biểu ngữ làm bằng nhung. Nó nói tiếng Anh nhưng sự rành rọt của mỗi âm tiết mà nó phát ra khiến nó như đang nói một thứ ngôn ngữ mới lần đầu tiên người ta nghe thấy. Đó là giọng nói của một người khổng lồ.
Keating đứng đó, miệng há ra. Anh không nghe thấy giọng nói đó nói gì. Anh nghe thấy vẻ đẹp của những âm thanh mà không bắt được ý nghĩa. Anh cảm thấy không cần phải hiểu nghĩa; anh có thể chấp nhận bất kỳ thứ gì, anh có thể để người ta bịt mắt dẫn đi bất cứ đâu.
“... và vì vậy, các bạn của tôi,” giọng nói đó đang nói, “bài học rút ra từ cuộc đấu tranh bi thảm của chúng ta là bài học về sự đoàn kết. Chúng ta phải đoàn kết hoặc chúng ta sẽ bị đánh bại. Ý chí của chúng ta – chí chí của những người không thừa kế, của những người bị lãng quên, của những người bị áp bức – sẽ gắn kết chúng ta lại thành một tấm lá chắn vững chắc, với một niềm tin và một mục đích chung. Đây là lúc mỗi người chúng ta phải từ bỏ sự bận tâm với những vấn đề nhỏ bé vụn vặt của cá nhân mình, về lợi ích, sự thoải mái và về sự tự mãn của bản thân. Đây là lúc mỗi chúng ta phải hòa mình vào một dòng chảy lớn hơn, vào cơn thủy triều đang dâng lên đang tiến đến gần để cuốn tất cả chúng ta đi – dù muốn hay không, vào tương lai. Lịch sử, các bạn ạ, không đặt câu hỏi cũng không cần sự chấp thuận của chúng ta. Lịch sử không thể bị bác bỏ, cũng như tiếng nói của quần chúng nhân dân đã quyết định nó vậy. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng gọi. Chúng ta hãy đoàn kết, hỡi những người anh em của tôi. Chúng ta hãy đoàn kết. Chúng ta hãy đoàn kết. Chúng ta hãy đoàn kết.”
Keating nhìn Catherine. Không còn Catherine nữa; chỉ còn một khuôn mặt trắng đắm chìm trong những âm thanh từ chiếc loa. Không phải là vì cô đang nghe chú mình nói; Keating không thể thấy ghen tỵ với ông ấy – anh ước anh có thể. Đấy không phải là sự yêu quý. Nó là thứ gì đó lạnh lùng và vô cảm – nó khiến Catherine trở nên trống rỗng, tinh thần của cô đã đầu hàng và không có một người nào nắm giữ nó ngoại trừ một thứ không gọi tên ra được đang nuốt chửng lấy cô.
“Chúng ta ra khỏi đây thôi.” Keating thì thầm. Giọng anh man dại. Anh đang hoảng sợ.
Catherine quay về phía Keating như thể cô vừa ra khỏi cơn bất tỉnh. Anh biết rằng cô đang cố nhận ra anh và những điều anh nói. Cô thì thầm: “Vâng. Chúng ta hãy đi thôi.”
Họ đi qua những đường phố, qua màn mưa, không phương hướng. Trời lạnh nhưng họ cứ đi – để cử động, để cảm nhận sự chuyển động, để biết cái cảm giác là cơ bắp mình đang cử động.
“Chúng mình ướt hết rồi,” cuối cùng Keating nói – cố gắng thẳng thừng và tự nhiên hết mức có thể; sự im lặng của họ làm anh thấy sợ; nó chứng tỏ rằng cả hai đều biết cùng một thứ và cái thứ ấy có thật. “Chúng mình tìm chỗ nào đó uống cái gì đi.”
“Vâng,” Catherine nói, “Đi! Trời lạnh quá... Em có ngốc không? Giờ thì em đã lỡ bài phát biểu của chú em rồi và em thì đã rất muốn nghe nó.” Thế là ổn. Cô ấy đã nói đến nó. Cô ấy đã nói đến nó khá tự nhiên với một lượng tiếc nuối chân thành vừa đủ. Cái thứ ấy đã qua. “Nhưng em muốn ở bên anh, Peter ạ... Em lúc nào cũng muốn ở bên anh.” Cái thứ kia giãy lên một lần cuối – không phải vì ý nghĩa điều cô vừa nói, mà vì cái nguyên nhân đã thúc đẩy cô nói ra. Rồi nó đi hẳn, và Keating mỉm cười; những ngón tay anh tìm kiếm cổ tay trần của Catherine giữa tay áo và găng tay của cô, và làn da cô ấm áp chạm trên da anh...
Nhiều ngày sau Keating nghe được câu chuyện mà cả thành phố kháo nhau. Người ta nói rằng vào cái ngày sau buổi mít tinh lớn, Gail Wynand đã tăng lương cho Ellsworth Toohey. Toohey đã nổi giận và đã cố gắng từ chối. “Ông không thể hối lộ tôi, ông Wynand ạ,” Toohey nói.
“Tôi không hối lộ ông,” Wynand đã trả lời; “đừng có tự huyễn mình như thế.”
*
*   *
Sau khi cuộc đình công được giải quyết, công việc xây dựng vốn bị gián đoạn lại khôi phục khắp thành phố, và Keating bị chìm ngập trong công việc suốt ngày đêm với những công trình mới lũ lượt đổ vào văn phòng. Francon mỉm cười hoan hỉ với mọi người và tổ chức một bữa tiệc nhỏ cho nhân viên của mình để xóa đi mọi ký ức về bất kỳ điều gì mà ông ta có thể đã nói. Dinh thự nguy nga của ông bà Dale Ainsworth trên đường Riverside[3] – một dự án yêu thích nhất của Keating và được thiết kế theo phong cách cuối thời Trung cổ, xây bằng đá granit xám – cuối cùng đã được hoàn tất. Ông bà Dale Ainsworth mở một cuộc tiếp tân trịnh trọng để khánh thành nhà, Guy Francon và Keating được mời trong khi Lucius N. Heyer đã bị lờ đi – một cách khá tình cờ – như vẫn luôn xảy ra với ông ta như thế vào phút chót. Francon thích cuộc tiếp tân vì mỗi mét vuông granit trong ngôi nhà đều gợi cho ông ta nhớ đến khoản thanh toán hậu hĩ ột mỏ đá granit nào đó ở Connecticut. Keating thích buổi tiếp tân vì bà Ainsworth to béo đã vừa cười thân thiện vừa nói với anh rằng: “Thế mà tôi cứ chắc chắn rằng anh là đồng sự của ông Francon! Phải rồi, công ty là Francon và Heyer! Tôi thật là bất cẩn quá! Nhưng để xin lỗi anh, tôi xin được nói rằng dù anh không phải là đồng sự của ông ấy, nhưng anh hoàn toàn có quyềnđược như thế.” Công việc ở văn phòng diễn ra trôi chảy, trong một trong những thời kỳ mà mọi thứ dường như đều tốt đẹp.
Vì thế vào một buổi sáng không lâu sau buổi tiếp tân của nhà Ainsworth, Keating ngạc nhiên thấy Francon đến văn phòng với bộ mặt tức giận lo lắng. “Ồ không có gì đâu,” ông ta nôn nóng phẩy tay về phía Keating, “không có chuyện gì cả.” Trong phòng vẽ, Keating để ý thấy ba kiến trúc sư chụm đầu với nhau trên một trang của tờ Ngọn cờ New York, đọc với vẻ thích thú háo hức tội lỗi; anh đã nghe thấy tiếng cười nén khó chịu của một trong số họ. Khi họ thấy anh thì tờ báo biến mất ngay. Anh không có thời gian để điều tra việc này; một người chạy việc thầu khoán đang đợi anh trong văn phòng và anh còn cả đống thư từ và bản vẽ cần phê chuẩn nữa.
Ba giờ sau các cuộc họp liên tục đã làm anh quên hẳn biến cố đó. Anh thấy nhẹ nhõm, minh mẫn, hồ hởi vì nguồn năng lượng của mình. Khi anh phải vào thư viện để đối chiếu một bản vẽ của mình với nguyên mẫu tốt nhất được lưu, anh ra khỏi văn phòng, huýt sáo, đu đưa bản vẽ một cách vui vẻ.
Với tâm trạng phấn chấn, anh đi qua được nửa phòng tiếp tân thì đột ngột dừng lại; tấm bản vẽ vung về phía trước và đập trở lại vào đầu gối anh. Anh quên mất rằng dừng lại đột ngột trong những trường hợp thư thế này là không thích hợp lắm.
Một phụ nữ trẻ đứng phía trước rào chắn và đang nói chuyện với cô thư ký tiếp tân. Thân hình thanh mảnh của cô dường như nằm ngoài mọi tỷ lệ của cơ thể con người bình thường; những đường nét của thân hình ấy quá dài, mỏng manh dễ vỡ, quá phóng đại đến nỗi cô trông giống như một bức tranh cách điệu của một phụ nữ – cô khiến cho những tỷ lệ đúng của một người bình thường có vẻ nặng nề và vụng về bên cạnh cô. Cô gái mặc một bộ giuýp xám trơn; sự tương phản giữa vẻ nghiêm trang của bộ trang phục và dáng vẻ bên ngoài của cô như phi lý một cách cố ý – và tao nhã một cách kỳ lạ. Cô đặt những đầu ngón tay của một bàn tay lên rào chắn, một bàn tay hẹp, kết thúc đường thẳng kiêu kỳ của cánh tay cô. Cô có đôi mắt xám không phải hình bầu dục, mà là những đường cắt chữ nhật dài được viền bởi hai hàng lông mày song song; cô mang một vẻ thuần khiết lạnh lẽo và một cái miệng đanh đá một cách tao nhã. Khuôn mặt cô, mái tóc vàng nhạt của cô, bộ giuýp của cô – dường như chúng không có màu mà chỉ là có một chút bóng dáng ngấp nghé của màu sắc thật; nó khiến cho những màu sắc thật bỗng trở nên thô kệch. Keating đứng sững, vì lần đầu tiên anh hiểu các nghệ sĩ nói gì khi họ nói về cái đẹp.
“Tôi sẽ gặp ông ta ngay bây giờ, không thì thôi.” Cô nói với cô thư ký tiếp tân. “Ông ấy bảo tôi tới gặp và tôi chỉ rỗi lúc này thôi.” Đó không phải là một mệnh lệnh; cô nói như thể cô không cần phải lên giọng mệnh lệnh làm gì.
“Vâng, nhưng...” một đèn tín hiệu sáng lên trên bảng tổng đài của cô thư ký; cô ta vội vã nối máy. “Vâng, thưa ông Francon...” Cô lắng nghe và gật đầu nhẹ nhõm. “Vâng thưa ông Francon.” Cô quay ra người khách: “Mời cô vào ngay bây giờ.”
Người phụ nữ trẻ quay người và nhìn Keating khi cô đi qua anh trên đường đến chỗ cầu thang. Đôi mắt cô lướt qua anh mà không hề dừng lại. Có cái gì đó hơi xẹp đi trong sự ngưỡng mộ sững sờ của anh. Anh đã có đủ thời gian để nhìn thấy mắt cô; đôi mắt trông mệt mỏi và hơi khinh khỉnh, nhưng chúng để lại cho anh một cảm giác tàn nhẫn lạnh lùng.
Anh nghe thấy tiếng cô đi lên cầu thang, và cảm giác về sự tàn nhẫn biến mất, nhưng sự ngưỡng mộ thì ở lại. Anh tiến đến chỗ cô tiếp tân một cách háo hức.
“Ai thế?” anh hỏi.
Cô thư ký nhún vai: “Cô gái nhỏ của sếp đấy.”
“Trời, bố già may mắn!” Keating nói, “thế mà lão giấu mình.”
“Anh hiểu nhầm ý tôi rồi,” cô thư ký nói lạnh lùng. “Đó là con gái ông ấy. Dominique Francon.”
“Ồ,” Keating nói. “Ôi, lạy Chúa!”
“À” cô thư ký nhìn anh một cách châm chọc. “Anh đã đọc tờ Banner sáng nay chưa?”
“Chưa. Sao?”
“Anh đọc đi.”
Bảng điều khiển lại kêu và cô ta quay đi.
Keating nhờ một thằng bé chạy đi mua một tờ Banner  ình và đọc một cách lo lắng cột báoNhà của bạn do Dominique Francon viết. Anh đã nghe nói gần đây cô khá thành công với việc miêu tả những ngôi nhà của những vị có vai vế ở New York. Lĩnh vực của cô là trang trí nhà cửa nhưng đôi khi cô cũng mạo hiểm vào lĩnh vực phê bình kiến trúc. Đối tượng của cô hôm nay là dinh thự của ông bà Dale Ainsworth trên đường Riverside. Anh đọc thấy, giữa rất nhiều thứ, là những dòng này:
“Bạn bước vào một hành lang tuyệt vời bằng đá cẩm thạch vàng và bạn nghĩ rằng đây là Tòa nhà thị chính hay Bưu điện Trung tâm, nhưng không phải vậy. Nó có, tuy nhiên, đủ mọi thứ (của tòa thị chính): nào là gác lửng với hàng cột đỡ, nào là cầu thang với tay vịn lồi, nào là những vòng tròn ô van có hình những chiếc thắt lưng da được thắt chéo. Chỉ có điều những thắt lưng này không bằng da mà bằng cẩm thạch. Phòng ăn có một cánh cổng bằng đồng lộng lẫy, được sơ suất đặt trên trần nhà, dưới dạng một cái giàn mắt cáo với những dây nho tươi bằng đồng quấn quanh. Có mấy con vịt và thỏ chết treo trên các tường nhà, trong các khóm cà rốt, dã yên thảo và đậu dây. Tôi không cho là mấy thứ này sẽ rất hấp dẫn nếu là đồ thật, nhưng vì chúng là những món mô phỏng tồi bằng thạch cao nên cũng không sao... Các cửa sổ phòng ngủ đối diện với một bức tường gạch, bức tường không được đẹp lắm, nhưng có ai cần xem phòng ngủ đâu. Các cửa sổ ở phía trước đủ lớn và tiếp nhận nhiều ánh sáng cũng như cả mấy bàn chân của các tượng thần Ái tình đậu ở bên ngoài cửa sổ. Các thần ái tình khá béo tốt và mang lại một cảnh đẹp mắt cho hàng phố, tương phản với bề mặt đá granit khắc khổ của mặt tiền; mấy bức tượng trông cũng đáng yêu, trừ khi bạn không chịu được việc cứ phải nhìn vào mấy cái lòng bàn chân của chúng mỗi khi bạn liếc ra ngoài trời để xem có mưa hay không. Nếu bạn phát mệt vì nhìn chúng thì bạn lúc nào cũng có thể nhìn ra ngoài từ những cửa sổ ở giữa tầng ba và ngắm cái mông bằng gang của Thủy Thần đang ngồi trên đỉnh của trán tường bên trên lối vào nhà. Đây là một lối vào rất đẹp. Ngày mai chúng ta sẽ thăm nhà của ông bà Smythe-Pickering.”
Keating đã thiết kế ngôi nhà. Nhưng anh không thể không cười thầm trong cơn tức tối của mình khi nghĩ đến cảm giác của Francon khi đọc cái này, cũng như việc ông ta sẽ đối mặt ra sao với bà Dale Ainsworth. Rồi anh quên bẵng ngôi nhà và bài báo. Anh chỉ còn nhớ mỗi cô gái đã viết bài báo đó.
Anh nhặt ba bản phác thảo một cách ngẫu nhiên từ trên bàn và bắt đầu đến văn phòng của Francon để xin ông ta phê chuẩn chúng mặc dù anh không hề cần làm vậy.
Trên chiếu nghỉ cầu thang ngay bên ngoài cửa phòng đóng kín của Francon, Keating dừng lại. Anh nghe thấy giọng Francon đằng sau cánh cửa, to, tức giận và bất lực – cái giọng mà anh luôn nghe thấy mỗi khi Francon bị đánh bại.
“... để mà thấy một sự xúc phạm như thế! Từ chính con gái đẻ của mình! Tao có thể chấp nhận bất cứ cái gì của mày, nhưng thế này thì quá lắm. Tao sẽ làm thế nào bây giờ? Tao sẽ giải thích ra sao đây? Mày có ý thức được một tí nào về vị trí của tao không?”
Rồi Keating nghe thấy cô gái cười; đó là một âm thanh quá vui vẻ và lạnh lùng đến nỗi anh hiểu rằng tốt nhất là không nên vào. Anh biết là anh chẳng muốn vào bởi anh lại cảm thấy sợ, giống như đã cảm thấy như thế khi anh nhìn thấy đôi mắt của cô.
Anh quay người và đi xuống cầu thang. Khi đến tầng dưới, anh nghĩ rằng sẽ gặp cô, rằng sẽ gặp cô sớm thôi và rằng bây giờ thì Francon không thể ngăn cản được anh nữa. Anh nghĩ đến điều đó một cách háo hức, cười nhẹ nhõm trước hình ảnh cô con gái của Francon mà anh đã tưởng tượng nhiều năm, duyệt lại viễn cảnh tương lai của mình; mặc dù anh lờ mờ cảm thấy rằng cái tương lai ấy sẽ tốt hơn nếu như anh không bao giờ gặp lại cô.
[1] Người có quan điểm triết chung là người không theo bất cứ một nguyên tắc hay tín điều nhất định nào mà có thể cùng lúc tin vào những tín điều khác nhau. Những người này có thể bị chỉ trích là thiếu nhất quán hoặc không có chính kiến; nhưng cũng có thể được khen là linh hoạt và thực tế. (NHĐ)
[2] Nghĩa đen là "Bếp địa ngục". Đây là tên một khu nghèo nổi tiếng ở New York, nơi dân nghèo, dân tứ chiếng và dân nhập cư lậu sinh sống. (ND-NHĐ)
[3] Đường chạy dọc bờ sông. (NHĐ)
Suối Nguồn (The Fountainhead) Suối Nguồn (The Fountainhead) - Ayn Rand Suối Nguồn (The Fountainhead)