Số lần đọc/download: 1178 / 7
Cập nhật: 2017-04-18 08:47:09 +0700
Chương 12 - Quảng Trường Barkhor Thành Phố Lhasa, Tây Tạng Thứ Bảy, Ngày 23 Tháng 11, 09:24, Giờ Địa Phương
C
ho dù sau này chính phủ và báo chí Trung quốc có nói gì đi nữa, thì đó cũng không phải là một vụ bạo loạn.
Mục sư Bill McDonald nhìn xuống từ cửa sổ phòng khách sạn ở tầng hai khi dân chúng bắt đầu tụ tập trên quảng trường bên dưới. Ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ sư sải mặc cà sa tím. Hắn tự hỏi phải chăng họ đến đây để tụng kinh, hay thiền hay chỉ đơn giản là để gặp gỡ và trò chuyện tại cửa của ngôi chùa Jokhang nổi tiếng.
Nhưng chẳng bao lâu sau, dân chúng mặc thường phục cũng nhập đoàn và nhiều người hơn nữa xuất hiện từ những con đường bên cạnh hoặc từ những ngỏ hẽm, bắt đầu tiến vào quảng trường. Nhóm người nhỏ mau chóng biến thành nhóm người lớn; và nhóm người lớn trở thành một đám đông. Vậy mà dòng người vẫn còn không dứt. Dần dần các màu sắc đỏ, xanh dương, vàng, trắng và xanh lục của lá cờ ‘Tuyết Sư’ của Tây Tạng bắt đầu xuất hiện, đôi khi được vung vẫy bên trên một tấm biểu ngữ, đôi khi quấn quanh thân một người nào đó như một tấm áo choàng.
Khi các lá cờ lộ ra, McDonald hiểu ngay rằng hắn đang chứng kiến một sự kiện không bình thường rồi. Lá cờ Tuyết Sư biểu tượng cho sự độc lập của Tây Tạng và điểm tập kết của các hoạt động giành độc lập. Do vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đưa ra dùng vào năm 1912, lá cờ này vẫn là cờ chính thức của Tây Tạng cho đến khi vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 vượt thoát khỏi sự chiếm đóng của Trung quốc qua Ấn Độ năm 1959. Ngày nay, hơn nửa thế kỷ sau, nó đã trở thành biểu hiệu cho sự tự trị của Tây Tạng, một cách nhắc nhở đến những ngày tháng trước cuộc xâm lăng của Trung quốc và một hứa hẹn tự do trong tương lai.
Người Trung quốc thì coi lá cờ Tây Tạng như một huy hiệu của khủng bố và hỗn loạn. Họ đã cấm chỉ hành vi sở hữu lá cờ này trong lãnh thổ được Trung quốc kiểm soát, kể cả Tây Tạng. Trưng bày lá cờ nơi công cộng sẽ bị trừng trị nhẹ nhất là tù tội.
Tuy nhiên, đứng ở cửa sổ, McDonald có thể thấy ít nhất là 50 lá cờ này. Đám đông trên quảng trường Barkhor đang công khai vi phạm lệnh cấm này. Đây rõ ràng là một cuộc biểu tình phản kháng cở lớn. Lúc này đã có khoảng gần ngàn người trên quảng trường rồi, nhưng vẫn còn nhiều người hơn nữa đang gia nhập.
Cửa sổ của hắn đang đóng kín, nhưng hắn vẫn nghe được âm thanh từ đám đông, hàng trăm người đang cùng hô hò khẩu hiệu. Không la hét, không đe dọa. Chỉ cùng hô khẩu hiệu một cách trầm bổng. Tiếng hô nghe thật kỳ quái, thê lương mà mạnh mẽ, nhưng hoàn toàn yên bình.
Sự hiện diện của McDonald tại Tây Tạng không có liên quan gì đến chính trị hay báo chí cả. Hắn không phải đến đây để thu thập tư liệu về tình trạng dân chúng Tây Tạng hay để chất vấn gì sự chiếm đóng của Trung quốc trên mảnh đất đã từng tự chủ này. Ngoài ý đồ mở mang đầu óc của mình ra, hắn không có ý đồ nào khác. Hắn đến đây chỉ là để học hỏi với các nhà sư và tìm hiểu xem cái đạo của họ có giúp ích gì cho chính hắn trên con đường tìm đạo của mình hay không.
Trong thời chiến tranh Việt Nam, hắn đã từng là một xạ thủ và trưởng phi hành đoàn trong đại đội 128 Trực Thăng Tấn Công của Lục quân Hoa Kỳ. Hắn đã thực hiện không biết bao nhiêu chuyến công tác, thường là ngồi vắt vẻo bên cánh cửa của chiếc trực thăng Huey với một khẩu đại liên M-60 kẹp giữa đôi chân. Hắn đã từng bị bắn hạ hai lần, bị thương do đạn địch một lần và, quan trọng hơn cả, là hắn đã được thay đổi.
Bill McDonald đã trở về từ Việt Nam với một huy chương Distinguished Flying Cross (huy chương Thập Tự chứng nhận chiến tích phi hành), một huy chương Sao Đồng (Bronze Star chứng nhận chiến đấu anh dũng), 14 huy chương Phi Hành (Air medal) và một huy chương Tử Tâm (Purple Heart, trao tặng cho chiến binh bị thương trong chiến trận; mỗi lần bị thương, được trao tặng một Tử Tâm); nhưng trên chuyến bay trở về Hoa Kỳ, hắn đã mang theo một thứ còn quan trọng hơn tất cả các huy chương đang được cất giấu cẩn thận trong túi hành trang quân dụng. Hắn mang theo một tài sản tâm linh sâu sắc của riêng hắn.
Giữa nỗi kinh hoàng của chiến tranh, hắn đã phát hiện ra sự liên kết của riêng hắn với vũ trụ. Hắn đã trở thành thứ mà hắn gọi là “chiến sĩ tâm linh”. Hắn không còn suy nghĩ về chiến thắng quân địch. Hắn chỉ còn tập trung tinh thần để chiến thắng tâm hồn của chính mình và tìm hiểu chỗ đứng của mình trong vũ trụ tâm linh.
Nếu hắn không sai về tâm tính của chính phủ Trung quốc, chính quyền sẽ phản ứng vừa nhanh vừa hung bạo. Suốt vài chục năm qua, hắn đã cố gắng né tránh chính trị và bạo lực, nhưng giờ đây hắn vô tình đang ngồi ở vị trí tốt nhất để mục kích cả chính trị lẫn bạo lực.
Một phần trong hắn muốn quay đi khỏi cái cửa sổ để hắn khỏi bị lôi kéo vào cuộc xung đột sắp diễn ra, dù rằng chỉ với tư cách khán giả. Nhưng một phần khác của hắn lại hiểu rằng con đường tầm đạo cũng là tìm hiểu sự thật. Không cần biết chuyện gì sẽ xảy ra tại quảng trường Barkhor sáng nay, sau đó chính phủ Trung quốc sẽ dùng mọi quyền lực để chi phối dư luận quần chúng.
Dù muốn dù không, mục sư William (Dịch giả: Bill là viết tắt cho William) H. McDonald sắp trở thành chứng nhân của lịch sử. Nếu mà sự thật cần được phơi bày từ sự kiện sáng nay, hắn phải mang cái trách nhiệm đó.
Bill tháo cây gài cửa sổ và mở cửa sổ hé ra vài phân. Khi khe hở mở rộng ra hơn, tiếng hô hò của đám đông lớn hơn và rõ hơn.
Hắn tìm được chiếc điện thoại di động và mò mẩm tìm được cái hình biểu tượng cho máy thâu hình. Hình ảnh trên màn ảnh di động rõ nét và sáng sủa. Hắn không biết bộ phận thu âm nhỏ xíu có thâu nổi âm thanh dội lên từ phía dưới hay không. Hắn không biết làm sao để kiểm tra hay điều chỉnh mức thâu, cũng không biết máy có khả năng điều chỉnh hay không nữa. Hắn bèn quyết định kèm vào lời trần thuật, để cho khúc video dễ hiểu hơn, trong trường hợp âm thanh quá nhỏ hay quá rè để có thể hiểu được.
“Tên tôi là William H. McDonald.” Hắn nói. “Bây giờ là khoảng chín giờ ba mươi sáng, thứ Bảy, ngày 23 tháng 11. Tôi đang đứng ở cửa sổ của phòng tôi trên tầng hai, một khách sạn trước quảng trường Barkhor, thành phố Lhasa ở Tây Tạng.”
Hắn chậm rãi đảo máy quay phim sang phải, rồi sang trái, cố gắng thu hình cả đám đông. “Như quý vị có thể thấy, một đám người đông đảo, tôi đoán từ khoảng vài trăm đến ngàn người, đang tụ tập trên quảng trường. Họ đang hô hào khẩu hiệu, nhưng tôi chỉ biết lỏm bỏm vài từ Tây Tạng, nên tôi không rõ họ đang nói cái gì. Nhưng tôi muốn nói rõ đây là một cuộc tụ tập yên bình. Không có dấu hiệu bạo động nào, hay hành vi phá phách nào. Đây không phải là một đám hỗn tạp. Đây là một cuộc biểu tình hòa bình và có trật tự.”
Hắn dừng lại vài giây, phân vân không biết có nên nói gì thêm nữa không.
“Tôi không biết máy thâu hình của tôi có thâu được tiếng của họ hay không.” Hắn tiếp. “Tôi hi vọng nó thâu được, vì tiếng hô hò này, hay ca hát… hay là gì đó… thật là hay. Tôi chưa từng được nghe thứ gì như vậy…”
Hắn thôi nói, nhưng tiếp tục đảo máy qua lại để thu hình đám đông từ mọi khía cạnh mà khung cửa sổ cho phép. Hắn tính đi xuống quảng trường để có thể thu được nhiều hơn, nhưng lại quyết định thôi không đi. Có lẽ chỗ này cho hắn tầm nhìn tốt hơn và, nếu công an xuất hiện hay đúng hơn, khi công an xuất hiện, chúng sẽ tịch thu máy thu hình của hắn ngay khi nhận ra nó là thứ đồ gì. Nếu hắn ở lại phòng, hắn tin rằng hắn rất có hi vọng đem máy và hình ảnh đã thu được ra khỏi nước.
Lực lượng công an xuất hiện không bao lâu sau và McDonald cẩn thận thu hết.
“Tôi thấy ba chiếc xe tải chạy đến quảng trường.” Hắn nói. “Mỗi chiếc chứa khoảng 30, hay có thể là 50, người được vũ trang, dường như ăn mặc và trang bị chống bạo động. Tôi không nhận ra được đây có phải là quân đội hay cảnh sát chiến thuật đặc biệt nào đó, nhưng họ quả thật được trang bị nặng.”
“Họ đang leo xuống xe, lập trận hình ở ba nơi. Trông không giống như họ đang thiết lập một chu vi hay đang bao quanh đám đông.” Hắn lại dừng. Hắn lắng nghe suốt nhiều giây tiếng hô hò khẩu hiệu nhịp nhàng, không ngừng của đám đông. Những người trong quảng trường đã thấy các nhóm quân vũ trang lập trận hình, nhưng họ không có vẻ gì là muốn chống cự hay tháo chạy cả.
Đám đông dường như đứng khít vào nhau hơn như để tăng thêm can đảm và quyết tâm cho nhau. Giọng hô hò hơi xao động nhưng không tắt đi. Nhịp hô rất nhanh lại đều trở lại.
McDonald vừa đang định nói lên các nhận xét của hắn thì nghe tiếng bụp-bụp của những quả lựu đạn hơi cay. Hắn thấy nhiều lon khói rơi vào đám đông, rồi đám đông tản ra khỏi các cụm khói trắng phun ra từ các lon ấy.
Khói cay! Hắn đã gặp phải thứ này trong các buổi huấn luyện chiến tranh hóa học thời còn ở quân trường và đã từng thấy nó được sử dụng trong thực chiến nhiều lần ở Việt Nam. Hắn lại trông thấy hình ảnh quen thuộc của những người vừa ôm mặt, vừa nôn ọe khi hít phải một ngụm khói trắng, rồi lảo đảo thụt lùi tránh cụm khói. Đám đông có trật tự bỗng biến thành một đám nhốn nháo và sợ hãi.
“Họ dùng đạn khói.” McDonald nói. “Tôi đoán là khói cay. Không rõ là thứ gì, nhưng chắc chắn có hiệu quả rồi. Tôi nghĩ…”
Nhưng hắn không bao giờ thu được những cảm nghĩ của hắn nữa, vì sự chú ý của hắn chợt bị tiếng súng phá tan, tiếp theo là những tiếng rú kinh hoàng và đau đớn.
Hắn thoáng cảm thấy buồn nôn khi hóoc-môn adrenalin chợt cuộn tràn trong mạch máu, phát ra hiệu lệnh cổ xưa thôi thúc hắn bỏ chạy trước nguy hiểm. Hắn cảm thấy lòng bàn tay ứa mồ hôi và một âm thanh leng-keng kỳ lạ nơi tai không liên quan gì với âm vang tiếng súng.
Hắn nhanh chóng đảo mắt nhìn quanh, cố gắng tìm nguồn gốc của tiếng súng. Hắn thấy nhiều người trong số lính chống bạo động đã tháo súng khỏi vai. Hắn đưa vội máy thu hình trong chiếc di động qua và kịp thời thu được cảnh cả chục người mặc đồng phục đang khai hỏa vào đám dân thường nhốn nháo. Tiếng súng nổ dòn dã, từng tràng ba viên đúng theo phương pháp tác chiến.
Bao nhiêu ý định bình luận gì đó đã bay khỏi đầu óc của Bill McDonald rồi. Hắn thấy một số lớn người biểu tình bật người và loạng choạng khi trúng đạn. Máu văng tung tóe. Người ta ngã xuống đất. Mọi thứ được bao trùm trong tiếng súng vang nhanh và tiếng rú. Đây đầu phải là chống bạo động gì. Đây là thảm sát. Nhưng tại sao chứ?
Không phải mọi tên lính hay công an đều nổ súng. Đúng ra, phần đông không hề nổ súng. Có phải là họ đã được lệnh nổ súng, nhưng nhiều người không nghe lệnh? Hay là họ không hề được lệnh, nhưng một số đã tự mình quyết định khai hỏa? Thật là không hợp lý gì cả.
McDonald nhớ là có nghe tin tức trên truyền hình về một vụ tấn công một chuyến xe lửa chở lính Trung quốc cách đây vài ngày. Đây có phải là một sự trả đủa cho cuộc tấn công ấy không? Một sự trừng phạt chính thức? Hay một vụ phục thù đột xuất… Lính Trung quốc đang sẵn căm hận, lại đụng phải đám người Tây Tạng biểu tình phản đối ngay trước họng súng…
Càng suy nghĩ, Bill McDonald càng cái ý nghĩ sau là đúng. Cuộc biểu tình chỉ mới diễn ra chưa đầy một tiếng đồng hồ. Chừng đó không đủ thời gian cho các nhân vật cao tầng của Trung quốc quyết định và ưng chuẩn một kế sách dùng đòn sát thủ với đám đông này. Ngoài ra, trận này bắt đầu bằng khói cay. Cái đó cũng đã đủ cho đám đông tản đi rồi. Bằng không, nếu ý đồ là tận diệt đám phản kháng này, thì cách làm khôn ngoan nhất là quây họ lại, để có thể tập trung hỏa lực vào.
McDonald tiếp tục quét máy thu hình qua lại. Quảng trường đã gần như vắng người rồi, chỉ còn những người đã ngã gục, không còn đi đâu được nữa. Sau khi súng bắt đầu nổ, nhóm người vũ trang cũng không hề ngăn cản dân chúng trong cuộc biểu tình bỏ chạy. Điều này cũng tăng trọng lượng cho cái quan điểm rằng vụ nổ súng này không có kế hoạch từ trước, mà là do lòng căm phẫn và bạo lực trong nhất thời.
Đây là thứ mà hắn muốn lánh xa trong khi quyết định lên đường tầm đạo. Mọi khó khăn trên thế giới này không thể nào dùng súng để giải quyết được. Mà các thi thể dưới kia, khoảng 80 hay 100 thi thể, là minh chứng cho điều đó.
Ngay cả bọn lính cũng có vẻ sững sờ vì những gì đã xảy ra. Chúng chỉ đứng chộn rộn tại chỗ cả phút, rồi mới bắt đầu khó nhọc tiến đến các thi thể, kiểm tra xem có còn người sống hay không.
McDonald tắt máy thu hình và thụt lùi khỏi khung cửa sổ. Qua một lúc rất ngắn nữa, không chừng chỉ vài giây, bọn lính sẽ thoát ra khỏi sự sững sốt và bắt đầu truy tìm các nhân chứng. Một người nước ngoài mang theo một máy thâu hình sẽ thật không ổn nếu bị chúng bắt gặp.
Hắn nhét chiếc di động vào túi quần và rời khỏi khách sạn đến một ngõ hẻm, từ một cánh cửa phía đối diện với quảng trường. Mười phút sau đó, hắn đã ở cách đó 6 con phố, giả vờ ngắm nghía hàng hóa trong một cửa tiệm chuyên bán cho du khách. Hắn chẳng cần hay muốn một món quà kỷ niệm nào cả, nhưng nơi này đã cách hiện trường đủ xa rồi, và hắn nhất định không xuất hiện trên đường phố cho đến khi mọi thứ đã được dọn dẹp xong và nhóm lính chống bạo động kia đã rời khỏi.
Hai bàn tay của hắn vẫn còn run lẩy bẩy và hắn phải nhét chúng vào túi quần. Chiếc điện thoại di động đụng vào tay hắn, mang lại cảm giác trơn láng và ấm áp. Ngoài hắn ra, không ai có thể biết chiếc di động chứa những gì trong bộ nhớ. Hắn dự tính sẽ đợi đến lúc hắn đã ở thật xa khỏi lãnh thổ Trung quốc rồi mới tiết lộ cái mãnh vụn lịch sử chứa trong đó.
Theo bản năng, ý tưởng đầu tiên của hắn là tìm một chuyến bay rời khỏi nơi này càng sớm càng tốt, nhưng đó có lẽ không phải là việc làm khôn ngoan. Tốt hơn là nên đợi ba ngày và cứ theo cái lộ trình mà hắn đã định từ trước. Nếu hắn đột nhiên thay đổi lộ trình, chính quyền Trung quốc có thể sẽ thắc mắc tại sao gã du khách Mỹ này lại khẩn trương rời khỏi lãnh thổ của họ như thế. Tốt nhất là kiên nhẫn. Như thế sẽ an toàn hơn.
Đến khi hắn đặt chân được đến vùng đất bạn, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa có lẽ đã thi hành biện pháp quản lý chặt chẽ mọi thông tin rồi. Dựa theo lịch sử, hầu như chắc chắn chính phủ Trung quốc sẽ hoàn toàn che đậy sự kiện vừa rồi, phủ định rằng đã từng có một vụ tắm máu. Mà cho dù có công nhận rằng có vụ nổ súng, có lẽ họ cũng sẽ cố gắng che đậy tầm vóc của cuộc biểu tình và con số thương vong. Họ sẽ tuyên bố rằng các báo cáo về thương vong chỉ là sự thêu dệt của bọn phản động mà thôi. Họ còn có thể đổ tất cả lên đầu dân chúng trong cuộc biểu tình, tố cáo là họ đã có hành vi bạo lực đối với công an hoặc quân đội.
Nhưng mà, cho dù là thẳng thừng phủ nhận hay tung tin vịt, gần như chắc chắn là chính quyền Trung quốc sẽ làm tất cả để che giấu sự thật khủng khiếp đã xảy ra hôm nay ở đây. Đoạn phim trong chiếc di động của McDonald là bằng chứng tuyệt đối sẽ làm tan nát mọi sự phủ nhận hay thoái thác của bọn chúng. Nếu chúng tìm được nó, hắn không hoài nghi gì rằng bọn chúng sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào để hắn im miệng.
Kế hoạch không dính líu gì đến chính trị của hắn có vẻ như không xong rồi, nhưng có lẽ đây là vận mệnh. Có lẽ, tại thời điểm này trong cuộc đời của hắn, vận mệnh của hắn là ‘không được’ xa lánh cuộc sống nhân loại mà phải là kẻ đưa sự thật ra ánh sáng.
Hắn sẽ nghiền ngẫm và cầu nguyện. Thường thì suy ngẫm và cầu nguyện sẽ làm tâm trí của hắn sáng tỏ hơn và kiên định hơn.