Số lần đọc/download: 1456 / 111
Cập nhật: 2019-05-14 10:22:18 +0700
Chương 14 : Thế Hệ Vàng 1992
C
ứ mỗi lần một trong số họ ra đi, tôi lại nhẩm đếm những người còn lại. Cuối cùng, chỉ có Scholes và Giggs ở lại cho đến ngày tôi quyết định chia tay sân cỏ. Neville treo giày trước khi tôi nghỉ hưu, nhưng cậu ấy cũng đã ở đây cho đến ngày cuối cùng của sự nghiệp. Đến bây giờ, tôi vẫn có thể hình dung ra cảnh họ trêu đùa nhau như những cậu bé sau mỗi buổi tập. Nicky Butt và Gary luôn là mục tiêu của Scholesy, cậu ấy dùng trái bóng và nhắm vào đầu họ để ném. Paul thực sự là một ác quỷ trong trò nghịch ngợm này. Tất cả 6 cậu bé của tôi đều thân thiết và gắn bó cực kỳ khăng khít với nhau.
Đó là một thế hệ cầu thủ tuyệt vời, chắc chắn bạn không hề muốn mất đi bất kỳ ai cả. Họ hiểu rõ hơn ai hết về CLB này, họ biết cách gìn giữ những giá trị truyền thống của đội bóng và chiến đấu hết mình trong những lúc khó khăn nhất.
Trong cuộc sống, khi những chàng trai trưởng thành, họ sẽ có thể muốn tới một nơi khác để phát triển sự nghiệp, muốn đi theo tiếng gọi của tình yêu… và những bậc cha mẹ bỗng giật mình nhận ra những đứa con đang rời xa vòng tay của họ. Tôi cũng có cùng thứ cảm giác như vậy, bởi những cầu thủ đã trưởng thành ở đây y như những đứa con của tôi vậy. Tôi gắn bó với những chàng trai ấy, nhìn thấy họ khi chỉ là những đứa trẻ 13 tuổi, rồi lớn lên, tiến bộ, toả sáng và được mọi người biết đến với cái tên “Thế hệ vàng 1992”.
Nicky Butt để lại cho tôi một ấn tượng đặc biệt. Đầu tiên là ở ngoại hình, cậu ấy có đôi tai lớn, răng thỏ và một chút tàn nhang, làm tôi liên tưởng tới nhân vật hoạt hình Mad. Không những vậy cậu ấy cũng nghịch ngợm và ma mãnh như vậy. Nick rất cá tính, cậu ấy đôi khi tỏ ra rất trẻ con nhưng lại có sự dũng mãnh của một con sư tử, không biết sợ hãi bất cứ thách thức nào cả.
Cậu ấy là một trong những cầu thủ thành danh nhất mà CLB đào tạo nên, một cậu bé Manchester chính hiệu. Nick cho cả Thế giới thấy cậu ấy có một tinh thần mạnh mẽ, kiên định. Giống như Phil Neville, Nick đã tiến bộ rất nhanh và CLB với sự cạnh tranh gay gắt đã không đáp ứng được nhu cầu ra sân của cậu ấy. Chúng tôi buộc phải để cậu ấy ra đi, với một mức phí chuyển nhượng rất rẻ: 2 triệu Bảng. Chúng tôi gần như chằng được lợi gì trong thương vụ đó cả, toàn bộ số tiền chỉ là để giúp cho Nick có một môi trường mới phù hợp với cậu ấy. Và cho đến ngày cuối cùng thi đấu ở đây, cậu ấy vẫn có thể tự hào gọi United là “đội bóng của tôi”.
Tất cả các chàng trai này luôn khiến tôi quan tâm và lo lắng như những đứa con của mình vậy. Đương nhiên, vì là người trong gia đình nên tôi sẽ trừng phạt họ nghiêm khắc hơn những cầu thủ khác. Sau lưng tôi, chắc chắn rằng có những chàng trai cảm thấy bất bình, bực dọc khi phải đối mặt với cơn giận dữ của tôi. Họ có lẽ đã từng suy nghĩ: “Lại là mình. Tại sao không phải là cậu ấy cơ chứ?”
Giggs là người đầu tiên phải nhận sự chỉ trích từ tôi. Ơn Chúa đó là cậu ấy, Giggs chọn cách im lặng trước tất cả. Theo thời gian, cậu ấy học được cách tự bảo vệ bản thân. Nicky thì khác, cậu ấy sẽ tìm cách để đáp trả lại, có thể là ngay lập tức hoặc chờ cơ hội sau đó. Gary sẽ quay lưng đi, nhưng khi trở lại cậu ấy thường mang theo bộ mặt u ám. Dường như ngày nào cậu ấy cũng có một trận tranh cãi. Và khi bình tĩnh, cậu ấy lại phải đánh điện tới Di Law hoặc Karen Shotbolt, những nhân viên của CLB để kiểm tra về những tin tức không hay trên các mặt báo.
Chúng tôi thường nói với nhau rằng Gary thức giấc trong sự giận dữ. Cậu ấy là một chàng trai thẳng thắn, khi thấy lỗi lầm, sai sót nào đó cậu ấy sẽ không ngại ngần chỉ ra. Cậu ấy không phải người ưa thích những cuộc cãi vã nhưng cậu ấy có lập trường mạnh mẽ và luôn bảo vệ chính kiến của mình. Nếu gặp phải khúc mắc gì đó, Gary gần như sẽ bùng nổ. Tôi có thể thông cảm cho những suy nghĩ của cậu ấy, nhưng khi gần tới giới hạn chịu đựng của mình, tôi sẽ cho cậu ấy biết: “Gary, đi tìm người khác mà tiếp tục làm phiền nhé.” Nghe vậy, cậu ấy sẽ phì cười và căng thẳng lại dịu xuống.
Tôi không thể tưởng tượng nổi, nếu khoảng 20 năm qua, không có những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của CLB thì tôi sẽ lấy gì làm nền tảng cho đội hình của mình. Họ đã mang lại sự ổn định cho đội bóng. Tất nhiên, trong 26 năm qua, chúng tôi cũng mang về những tài năng đến từ nơi khác, từ Bryan Robson, Norman Whiteside, Paul McGrath cho đến Cantona, Ronaldo. Nhưng những chàng trai Manchester mang linh hồn đội bóng trong con người họ, đó là điều tuyệt vời nhất mà họ sở hữu. Họ là những hình mẫu tuyệt vời cho thấy chính sách phát hiện, đào tạo tài năng trẻ quan trọng thế nào, họ cũng là những tấm gương để thế hệ trẻ tiếp theo của CLB phấn đấu và hướng tới. Những chàng trai của chúng tôi sẽ đứng đó và nói với những cậu bé đang được đào tạo ở học viện rằng: “Điều kỳ diệu hoàn toàn có thể xảy ra. Một Cantona tiếp theo có thể trưởng thành từ lò đào tạo của chúng ta, ngay trên sân tập cuả chúng ta.”
Tôi còn nhớ rõ ngày đầu tiên Paul Scholes đặt chân đến đây. Ấn tượng đầu tiên của tôi là một vóc dáng nhỏ bé với biệt danh Paul O’Keefe. Cha của cậu ấy, Eamonn là cầu thủ thuộc biên chế Everton. Brian Kidd là người đưa đến cho tôi hai cậu bé tiềm năng, một trong số đó là Scholes. Cả hai đều 13 tuổi và mất hút khi đứng sau lưng Kidd làm tôi phải hỏi ông ấy: “Ồ, hai cậu bé mà ông đưa tới đâu rồi?”
Lúc đó, chiều cao của Paul và bạn đồng hành chỉ khoảng 1,4 mét. Tôi nhìn vóc dáng ấy và nghĩ: “Sao hai đứa lại muốn trở thành cầu thủ bóng đá nhỉ?” Cậu ấy đã trở thành chủ đề trêu chọc ở học viện. Khi Scholes bước vào đội trẻ, tôi vẫn nói với các đồng nghiệp rằng: “Tiếc là vóc dáng Scholes quá nhỏ, cậu ấy khó mà có cơ hội.” Khi 16 tuổi, Scholes vẫn giữ nguyên dáng người nhỏ bé. Cho đến năm 18, cậu ấy đã cao lên khá nhiều, khoảng 8-10 cm.
Paul rất ít nói, bởi vì cậu ấy là một chàng trai nhút nhát. Cha cậu ấy là một cầu thủ giỏi và được mọi người gọi với cái tên Archie. Ban đầu, khi còn băn khoăn về thể hình của cậu ấy, tôi chưa bao giờ xem cậu ấy thi đấu cả. Chúng tôi chủ yếu dạy các cậu bé những kỹ thuật căn bản ở học viện và tôi chỉ nhìn thấy cậu ấy trong những buổi tập luyện đó, Paul luôn thể hiện rất xuất sắc. Khi Paul được đôn lên đội trẻ A, cậu ấy chơi ở vị trí tiền vệ tấn công. Tôi đã cho rằng: “Cậu bé này không đủ tốc độ và sức mạnh để chơi ở vị trí đó.”
Khi cậu ấy ra sân trong một trận đấu ở Cliff, Paul chơi ở vị trí hộ công. Cậu ấy đã làm tôi cảm thấy nghẹt thở trong giây lát khi chứng kiến sức mạnh từ cú sút uy lực ngoài vòng cấm. “Cậu ấy rất tuyệt, nhưng tôi nghĩ cậu ấy vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì vóc dáng quá nhỏ bé,” đó là những gì Jim Ryan nói, ông ấy ngồi cạnh tôi và theo dõi trận đấu đó. Dường như đó là một cụm từ gắn liền với Paul ở CLB. Scholesy: vóc dáng nhỏ bé.
Trong thời gian ở đội trẻ, Paul đã gặp một số rắc rối với bệnh hen suyễn. Cậu ấy không thể tham gia Cúp FA cho đội trẻ của các CLB, năm đó chúng tôi đã giành chức vô địch của giải đấu. Beckham chỉ có tên trong đội hình ở những vòng đấu sau do cậu ấy không đủ thể lực. Simon Davies, người từng chơi cho ĐT xứ Wales là đội trưởng. Robbie Savage cũng có tên trong đội hình. Hầu hết bọn họ đều đã được gọi vào đội trẻ của tuyển quốc gia. Một cầu thủ khác, Ben Thornley cũng chỉ được ra sân một lần, sau đó cậu ấy dính chấn thương đầu gối khá nặng.
Khi còn trẻ, Scholes thi đấu gần như một tiền đạo, cậu ấy ghi tới 15 bàn trong một mùa giải. Sau này, khi chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm, cậu ấy lại bộc lộ được sự thông minh trong từng pha xử lý và khả năng điều khiển nhịp độ trận đấu cực kỳ ấn tượng. Tôi rất thích thú khi nhìn thấy đối thủ cố gắng tìm cách kèm chặt, nhằm vô hiệu hoá cậu ấy. Cậu ấy sẽ đưa những đối tượng đang kèm mình tới những vị trí không mong muốn, rồi kiếm một quả phạt góc hoặc thực hiện một đường chuyền dài cho đồng đội. Đối thủ chỉ có thể đứng nhìn và nhận ra họ đang làm điều vô ích, thậm chí là đứng ở một vị trí ngu ngốc. Rồi họ lại vội vã chạy về bọc lót cho nhau. Đó là cách mà Paul phá vỡ mọi nỗ lực bám đuổi của hậu vệ đối phương.
Paul đã từng đối mặt với một số chấn thương nghiêm trọng và phải nghỉ dài hạn. Nhưng mỗi lần trở lại, cậu ấy còn mạnh mẽ hơn. Vượt qua mọi chấn thương, Paul luôn cho thấy cậu ấy tràn đầy năng lượng sau khi bình phục.
Bước sang tuổi 30, Paul phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn. Cậu ấy phải nỗ lực cạnh tranh cho một vị trí chính thức trong đội hình. Lúc đó, chúng tôi có thêm Darren Fletcher và Michael Carrick, những cầu thủ cũng có vị trí sở trường là tiền vệ trung tâm. Tôi thừa nhận là mình đã mắc một vài sai lầm. Việc bổ sung thêm lực lượng không phải là sai trái, nhưng quan trọng là phải biết được thời điểm thích hợp. Tôi đã không nhận thức được những sai lầm ấy cho đến khi phải nhận hậu quả từ nó. Lúc đó, tôi cho rằng cặp tiền vệ trung tâm của United sẽ là Fletcher – Carrick, còn Scholes chỉ là quân bài chiến lược với kinh nghiệm trận mạc dày dạn. Cậu ấy là người con tuyệt đối trung thành, luôn sẵn sàng chiến đấu bất cứ khi nào đội bóng cần. Nhưng trong suy nghĩ của tôi thì Paul đang ở đoạn cuối của sự nghiệp. Và đó mới là sai lầm.
Trong trận chung kết Champions League với Barca năm 2009, tôi đã tung Paul vào sân ở hiệp Hai. Trước đó, Anderson chỉ có được 3 đường chuyền trong 45 phút đầu tiên. Còn Scholes thực hiện tới 25 pha điều bóng chỉ trong 20 phút hiện diện trên sân. Đôi khi, tôi cho rằng mình nhận thức được mọi thứ diễn ra trên sân cỏ, nhưng thực tế lại không phải. Mặc định rằng một cầu thủ đã nhiều tuổi tức là họ đang ở thời điểm kết thúc của sự nghiệp, đó là sai lầm nghiêm trọng. Tôi đã quên mất rằng Paul thực sự tài năng như thế nào.
Những mùa giải sau đó, tôi sử dụng cậu ấy nhiều hơn, nhưng vẫn để cậu ấy nghỉ ngơi đúng lúc. Nhiều người hỏi tôi đâu là đội hình mạnh nhất mà tôi từng có ở Man United. Thực sự là để lựa chọn ra cũng khá đau đầu. Tôi chắc chắn không thể bỏ Scholes hay Bryan Robson ra khỏi đội hình đó. Cả hai có thể mang lại cho đội bóng 10 bàn thắng mỗi mùa giải. Và một câu hỏi lập tức bật ra: còn Keane sẽ ở đâu? Nếu chọn cả ba người họ thì sẽ có chỗ nào cho các tiền đạo đây? Lại nói đến các chân sút, tôi sẽ phải làm sao khi cân nhắc giữa những cái tên Cantona, McClair, Hughes, Solskjaer, Van Nistelrooy, Sheringham, Yorke, Cole, Rooney và Van Persie… Cả Giggs nữa, đó cũng là cầu thủ không thể gạt ra khỏi đội hình. Vì vậy, quá khó để chọn ra 11 cầu thủ xuất sắc nhất mà tôi từng có. Tôi chỉ có thể nói rằng những tài năng như Giggs, Cantona, Scholes, Robson hay Cristiano Ronaldo đều là sự lựa chọn hàng đầu của tôi.
Scholes có lẽ là tiền vệ người Anh tài năng nhất sau Bobby Charlton. Khi tới Anh, tôi nhận thấy Paul Gascoigne là mẫu cầu thủ có khả năng điều tiết trận đấu tuyệt vời dù chỉ hoạt động ở khu vực giữa sân. Sau đó, chỉ có Paul Scholes vượt qua được cái bóng của Gascoigne. Paul còn được tôi đánh giá cao hơn bởi hai lý do, thứ nhất là sự ổn định trong thời gian dài, thứ hai là cái cách mà cậu ấy cố gắng hoàn thiện bản thân kể cả khi đã bước sang tuổi 30.
Cậu ấy có khả năng chuyền dài cực kỳ tuyệt vời, thậm chí cậu ấy có thể đặt bóng chính xác tới từng sợi tóc của đồng đội trên sân. Có một lần, Gary Neville tưởng rằng cậu ấy tìm được chỗ trú ẩn an toàn trong một bụi cây, thế nhưng Scholes đã tìm thấy Gary từ cách đó 40 mét. Paul còn sở hữu những cú sút tầm xa với uy lực khủng khiếp. Cậu ấy từng đuổi Schmeichel chạy vòng quanh sân tập với những cú nã đại bác như vậy.
Khi còn là một cầu thủ, tôi không có khả năng đọc trận đấu bẩm sinh như Cantona hay Scholes, nhưng nhờ vào kinh nghiệm và quan sát rất nhiều trận đấu, tôi cũng đã cải thiện được khả năng của mình. Tôi rõ hơn ai hết rằng một cầu thủ có tầm nhìn như vậy sẽ quan trọng ra sao đối với đội bóng.
Scholes, Cantona, Verón là những tài năng như thế. Beckham cũng có khả năng quan sát khá tốt, cậu ấy biết được điều gì đang xảy ra ở phần sân bên kia. Laurent Blanc cũng tương tự như vậy. Teddy Sheringham và Dwight Yorke thì làm chủ được những gì xảy ra xung quanh họ. Nhưng trên tất cả, Scholes vẫn xuất sắc nhất. Trong những chiến thắng nhàn nhã của United, đôi khi cậu ấy cố gắng gây ra chút đột phá bằng những pha bóng ngẫu hứng, những lúc như vậy tôi sẽ cười nói: “Xem kìa, cậu bé cảm thấy nhàm chán rồi đây.”
Ryan Giggs là nhân tố quan trọng bậc nhất trong thế hệ này. Cậu ấy xứng đáng được gọi là thần đồng. Phần thưởng cho cậu ấy là lần đầu tiên ra mắt cho đội Một ở tuổi 16 nhưng không ngờ nó lại mang đến cho chúng tôi một rắc rối: hiện tượng Giggs.
Một tay cò người Italia đã gọi điện cho tôi khi Giggs còn là một cậu bé và hỏi, ‘Con của Ngài làm nghề gì?’ Tôi trả lời:”Mark đang học đại học, Jason đang chuẩn bị theo ngành truyền thông, còn Darren thì theo nghiệp bóng đá.’ Anh ta nói tiếp: ‘Hãy bán Giggs cho tôi và tôi sẽ làm các con Ngài trở nên giàu có.’ Đương nhiên tôi đã từ chối ngay tức khắc.
Cậu ấy lập tức bị đem ra so sánh với George Best và khó mà chấm dứt được nó. Mọi tay phóng viên điều muốn có một mẫu tin về cậu ấy. Nhưng Giggs rất thông minh. ‘Hãy gặp HLV,’ cậu ấy đã nói với bất cứ ai muốn phỏng vấn hay hợp tác.Cậu ấy không muốn trực tiếp trả lời và tìm cách chuyển mọi vấn đề qua tôi. Cậu ấy thật khôn khéo.
Một ngày, Bryan Robson tìm gặp Ryan để đề nghị Harry Swales làm đại diện cho cậu ấy. Giggs đến hỏi ý kiến của tôi đầu tiên. Bryan cũng muốn chắc chắn rằng Harry sẽ là người phù hợp cho Giggs. Quả thật Harry rất tuyệt vời. Anh ấy kết hôn năm 81 với một phụ nữ người Thụy Sĩ mà anh ấy gặp ở sân ga tàu hỏa. Đáng tiếc, vợ của Harry mất sớm. Anh ấy là một cựu sĩ quan với bộ ria mép ghi đông ấn tượng. Harry chăm sóc cho Giggs rất chu đáo. Ryan cũng có một người mẹ mạnh mẽ và ông bà của cậu ấy rất tử tế
Để có thể kéo dài sự nghiệp đỉnh cao suốt 2 thập kỷ qua, cậu ấy đã tuân thủ một chế độ tập luyện thể lực hết sức nghiệm ngặt. Yoga, và phương pháp chuẩn bị hàng ngày chính là căn nguyên cho sự dẻo dai của cậu ấy. Ryan rất đam mê Yoga. 2 lần một tuần sau khi tập luyện, một chuyên gia sẽ đến để hướng dẫn cậu ấy thực hiện các động tác. Điều đó đóng vai trò quan trọng với sức khỏe cậu ấy. Càng lớn tuổi thì cậu ấy càng mẫn cảm với chấn thương gân kheo, chúng tôi không bao giờ biết được chắc chắn cậu ấy có thể thi đấu bao nhiêu trận một mùa. Cậu ấy thường xuyên gặp rắc rối với gân kheo. Chúng tôi đành để dành cậu ấy cho những trận quan trọng. Thật ra chỉ có tuổi tác mới khiến chúng tôi phải cho cậu ấy thời gian nghỉ ngơi, còn cậu ấy vẫn đủ khả năng để thi đấu hơn 30 trận một mùa bởi vì sức khỏe cậu ấy quá hoàn hảo.
Sự thông minh giúp cậu ấy từ bỏ dần những thú vui vô bổ trong cuộc sống. Giờ đây, cậu ấy trở nên kín đáo, nhưng dù có chuyện gì xảy ra, cậu ấy vẫn là người đàn ông mà mọi người kính trọng. Có một khoảng thời gian cậu ấy và Paul Ince mặc những bộ vest ‘hợm hĩnh’ nhưng rồi nó cũng sớm kết thúc. Lúc đó tôi đã phải thốt lên rằng: ‘Cậu đang làm cái quái gì vậy, con trai?’
Ince có phong cách ăn mặc hào nhoáng và cậu ta cùng Giggs là đôi bạn thân. Nhưng Ryan biết cách duy trì tính chuyên nghiệp của một cầu thủ bóng đá, để rồi giờ đây mọi người ở CLB đều kính trọng và xem cậu ấy như là hình mẫu để noi theo.
Khi mà tuổi tác đè nặng lên bước chạy của cậu ấy, tôi đã để cậu ấy thi đấu ở khu vực giữa sân. Chúng tôi không còn mong đợi Giggs sẽ ‘hành hạ’ các hậu vệ như cái cách cậu ấy đã làm hồi còn trai trẻ. Nhiều người không chú ý rằng dù thi đấu ở vị trí mới cậu ấy vẫn thể hiện được sự mượt mà trong lối chơi, đó là điều quan trọng với một tiền vệ trung tâm hơn là tốc độ. Khả năng giữ thăng bằng của cậu ấy cũng rất tuyệt vời.
Mùa thu năm 2010, cậu ấy bị đốn ngã bởi hậu vệ Jonathan Spector của West Ham trong vòng cấm địa, và tôi đã nắm lấy cơ hội đó để đưa ra một câu hỏi vấn đáp. Ryan Giggs đã mang lại bao nhiêu quả phạt đền trong suốt sự nghiệp của cậu ấy ở Manchester United? Câu trả lời là: năm. Bởi vì cậu ấy luôn cố gắng giữ thăng bằng sau mỗi pha va chạm, dù bị vấp cậu ấy cũng không té ngã. Tôi đã hỏi cậu ấy sau một pha phạm lỗi nguy hiểm trong vòng cấm, tại sao cậu ấy không té ngã, điều mà cậu ấy có quyền làm ở tình huống đó, và cậu ấy nhìn tôi cứ như thể đầu tôi mọc sừng.
Ryan là một chàng trai điềm tĩnh, ngay cả trong nghịch cảnh cậu ấy vẫn giữ được sự bình thản. Sẽ khá kì lạ khi tôi nói rằng cậu ấy chưa bao giờ là cầu thủ dự bị chiến lược cho đến những mùa giải gần đây. Cậu ấy luôn thi đấu tốt hơn nếu được ra sân từ đầu. Nhưng Giggs đã đóng vai trò quan trọng khi vào thay người trong trận chung kết Champions League năm 2008 ở Moscow hay trận thắng Wigan ở chung kết cúp Liên Đoàn. Cậu ấy đã gạt bỏ những nghi ngờ của chúng tôi về tầm ảnh hưởng của mình khi được vào sân từ băng ghế dự bị.
Giggs dần quay lưng lại với sự xa hoa và phù phiếm, cậu ấy thiếu những tố chất để sống giữa thị phi của cuộc sống danh vọng. Cậu ấy ngày càng hướng nội. Bạn phải cần một nguồn năng lượng thật lớn để dẫm đạp lên tất cả và luôn chường mặt ra trước ống kính nếu muốn trở thành người nổi tiếng. Nó luôn đòi hỏi bạn phải có niềm tin sáo rỗng về những thứ sẽ dành cho bạn. Tôi không bao giờ bị hấp dẫn bởi sự phù du của danh tiếng.
Tôi luôn hi vọng rằng các chàng trai đã lớn lên cùng chúng tôi sẽ mang theo những gì học được ở Carrington và tiếp tục phát huy trong cuộc sống như Uli Hoeness và Karl-Heinz Rummenigge ở Bayern Munich. Họ hiểu cấu trúc của CLB và phẩm chất mà các cầu thủ cần có để gắn bó với đội bóng. Đương nhiên bạn không thể biết được kết thúc sự nghiệp họ sẽ thế nào, bởi vì nó phụ thuộc vào khả năng của mỗi người. Nhưng Giggs và Scholes đều là những chàng trai thông minh, ‘máu Quỷ’ đã chảy trong huyết quản của họ, và họ có một sự nghiệp vĩ đại, đó là những tố chất cần thiết để tiếp tục gắn bó với mảnh đất này.
Ryan thật sự có thể trở thành HLV bởi vì cậu ấy nhạy bén và có được sự tôn trọng của các cầu thủ. Phong cách điềm tĩnh của cậu ấy không phải là rào cản. Vẫn có những HLV không cần to tiếng với học trò. Nhưng bạn cần có cá tính mạnh mẽ. Để tồn tại ở một CLB như Manchester United, cái tôi của bạn phải lớn hơn tất cả các cầu thủ. Hoặc là, bạn phải tin như thế để có thể điều khiển được mọi việc xảy ra xung quanh. Ở đây, tôi có những cầu thủ lớn, những chàng trai giàu sang, nổi tiếng trên thế giới và tôi phải luôn áp đặt được quyền uy của tôi lên trên họ. Chỉ có một ông chủ ở Manchester United và đó chính là HLV. Ryan cần phải trau dồi phẩm chất đó. Nhưng tôi cũng bắt đầu bước vào nghiệp cầm quân năm 32 tuổi và mọi thứ đang chờ cậu ấy.
Ở trường, chúng ta thường được hỏi: ‘Các con muốn làm gì khi trưởng thành?’ Tôi sẽ nói: ‘Cầu thủ bóng đá.’ ‘Lính cứu hỏa’ là một câu trả lời phổ biến hơn. ‘Cầu thủ bóng đá’ ngụ ý không có sự thôi thúc nào để được biết đến khắp thế giới,đơn thuần bạn kiếm sống bằng cách ra sân và thi đấu. Giggs là mẫu người như vậy.
Bạn có thể bị ham muốn của mình dẫn dắt đến một kết thúc khác, và David Beckham luôn biết được rằng lựa chọn đó sẽ đưa cậu ấy đi đến đâu. Cậu ấy thoải mái với cuộc sống nổi tiếng và vui mừng để đạt được điều đó. Những người còn lại chưa từng mơ về tương lai được cả thế giới biết đến. Đó không phải là phong cách của họ. Thử tưởng tượng Gary Neville với một nhà chụp ảnh thời trang: ‘Anh có thể thay đồ nhanh lên được không?’
Họ thật may mắn khi luôn có được sự bảo bọc của gia đình. Nhà Neville là những con người cứng rắn. Đó là cá tính chung của họ. Thật may mắn cho họ và cả cho chúng tôi. Họ biết được giá trị của sự giáo dục tốt: giữ đôi chân trên mặt đất; cách xử sự; tôn trọng thế hệ đi trước. Nếu tôi gọi ai đó lớn hơn mình bằng tên của họ thì ngay lập tức sẽ bị cha tôi nhéo tai. ‘Phải nói ‘Thưa ông’ chứ, con trai’ ông ấy nhắc nhở tôi.
Tất cả những điều đó đã biến mất ở thời đại này. Tất cả các cầu thủ đều gọi tôi là ‘ông già’ hay là ‘sếp’. Một ngày nọ, Lee Sharp tiến đến và nói, ‘Ông khỏe không, Alex?’ Tôi trả lời: ‘Cậu có học ở trường như tôi không con trai?’
Tuy nhiên vẫn tốt hơn cậu bé người Ai-len, Paddy Lee, cậu ấy thấy tôi bước lên bậc cầu thang khi đó cậu ấy đang đi xuống, Bryan Robson ở ngay sau tôi, và cậu ấy chào: ‘Khỏe không Alex?’ Tôi giận dữ: ‘Cậu có đi học như tôi không?’ ‘Không,’ cậu ấy trả lời đầy lo lắng. ‘Đừng bao giờ gọi tên tôi như vậy!’ Tôi vẫn thấy bực mình khi nhớ lại những chuyện này. Đằng sau sự hung dữ tôi tỏ vẻ với họ là sự khoái chí của tôi. Paddy Lee có khiếu đóng giả các con vật. Mỗi dịp Giáng Sinh, cậu ấy hóa trang thành vịt, bò, chim, hổ, sư tử, – mọi thứ. Thậm chí là đà điểu châu Phi. Các cầu thủ cười lăn lóc trước màn trình diễn này. Sau đó Paddy chuyển tới Middlesbrough.
George Switzer là một trường hợp khác. Một chàng trai Salford điển hình. Ở căng tin của khu tập luyện, cậu ấy thường hét toáng lên và rất giỏi trong việc che giấu nơi cậu ấy trốn, và mọi người phải xem xét khắp phòng để tìm ra thủ phạm. ‘Chào Sếp!’ Hay là ‘Archie!’ (Archie Knox là trợ lý HLV lúc đó). Trong một thời gian dài, tôi không thể biết ai là thủ phạm. Không có bất cứ manh mối nào. Nhưng rồi một ngày, tôi bắt được cậu ta. ‘Chính là cậu hả con trai?’ Tôi nói. ‘Cậu mà còn làm việc này một lần nữa, cậu sẽ phải chạy quanh sân cho đến lúc nào cậu choáng váng thì thôi.’ ‘Xin lỗi, Sếp,’ cậu bé lắp bắp.
Mặc dù tôi trông như muốn mọi người luôn phải biết nghe lời, nhưng tôi yêu quý những chàng trai có sự ‘phá cách’trong người. Nó khiến cuộc sống trở nên thú vị. Họ luôn có sự tự tin và can đảm. Nếu bao quanh bạn là những người sợ thể hiện bản thân trong cuộc sống, họ sẽ dễ dàng bằng lòng với số phận khi gặp khó khăn bất kể là trận đấu hay ngoài đời. Những chàng trai thuộc thế hệ 1992 của tôi không bao giờ biết sợ hãi điều gì.