Số lần đọc/download: 606 / 9
Cập nhật: 2017-09-25 04:22:10 +0700
Chương 14
T
ôi dốc toàn bộ tinh thần cho hai bài thi cuối. Đồng thời tôi vẫn đến quán cà phê làm thêm như bình thường. Mỗi đêm về lại ký túc xá, hai bình nước nóng đầy tràn vẫn chờ đợi tôi như cũ. Tôi nghĩ, chắc An An lười nên nhờ Tu Nhạc lấy giúp, không ngờ An An nói, là Phùng Tĩnh Nhi lấy giúp tôi.
Tôi biết Phùng Tĩnh Nhi ít khi tự đi lấy nước, mà thường xuyên do Lộ Tiệp lấy giúp cô ta.
Nhân lúc Phùng Tĩnh Nhi chưa đi tự học buổi đêm, tôi nói cảm ơn cô ta. Vẻ mặt cô ta hơi mệt mỏi: “Haiz, khách sáo làm gì. Ngày nào cậu cũng đi làm về khuya, trời trở lạnh rồi, không có nước nóng sao được.”
Tôi nói, vậy cảm ơn Lộ Tiệp giúp tôi.
“Lộ Tiệp đang theo học lớp ngoại ngữ nâng cao, đâu có thời gian. Tôi còn phải lấy nước giúp anh ấy nữa là.” Phùng Tĩnh Nhi cười, trước nay nụ cười của cô ta đầy vẻ đắc ý, nhưng hôm nay, không biết sao có vẻ hơi buồn bã: “Bọn tôi muốn mời Lịch Xuyên đi ăn, để cảm ơn anh ấy đã giúp đỡ. Thư Lịch Xuyên sửa cho Lộ Tiệp hay lắm, có mấy trường đã trả lời thư. Bọn tôi chọn Đại học Chicago, bên đó đồng ý miễn học phí. Cậu biết đó, mấy trường như Đại học Chicago rất ít khi miễn học phí cho sinh viên. Lộ Tiệp có người thân ở nước ngoài, sẽ bảo lãnh cho anh ấy. Bây giờ, mọi chuyện đều ổn rồi, chỉ chờ thông báo nhập học thôi.”
“Chuyện này đúng là trời chiều lòng người, ai cũng vui mừng mà?” Tôi mừng thay cho Phùng Tĩnh Nhi.
“Đúng vậy.” Cô ta nói giọng thản nhiên.
“Cậu thì sao, tính làm gì?”
“Cũng tính thi TOEFL. Có điều tôi không có người thân ở nước ngoài, lại học chuyên ngành Ngữ Văn Anh, không có ưu thế cạnh tranh như Lộ Tiệp, chắc cũng khó.”
“Vậy để Lộ Tiệp xuất ngoại rồi tìm cách giúp cậu.” Tôi nói. Tôi cơ bản không biết đi du học là như thế nào, đối với tôi mà nói, đi du học cũng xa xôi như trong giấc mơ. Cho nên, tôi chỉ thuận miệng nói bừa.
“Tính sau đi.”
Nói chuyện với một người mình chả có cảm tình gì là thế đó, ấp a ấp úng, giấu đầu giấu đuôi, nghĩ một đằng nói một nẻo. Tôi và Phùng Tĩnh Nhi chẳng có cảm tình gì với nhau, nhưng cô ta lại lấy nước giúp tôi, làm tôi sợ hãi vô cùng. Hơn nữa, người giúp họ là Lịch Xuyên, không liên quan đến tôi, nên tôi chẳng dám nhận ơn huệ cho cô ta. Cho nên, nói chuyện với Phùng Tĩnh Nhi xong, tôi liền đi đến tiệm tạp hóa mua hai bình thủy mới, sau này buổi trưa lấy luôn 4 bình một lần, sẽ không nợ nần gì ai nữa.
Chuyện Lịch Xuyên mua áo khoác cho tôi, thông qua sự miêu tả sinh động của Tiêu Nhụy, đã lan truyền khắp ký túc xá. Tôi trở thành nhân vật chính trong truyện cổ tích. Đương nhiên, những phiên bản được truyền miệng nhiều nhất là, A: Tôi chẳng qua chỉ là một con bé được chàng công tử con nhà giàu nào đó bao nuôi, nhưng lại tưởng người ta yêu mình thật, nhưng chẳng qua anh chàng kia hám của lạ, nên chỉ chơi qua đường mà thôi. B: Sau giờ học tôi làm gái ở một vũ trường nào đó để kiếm thêm thu nhập, câu được một đại gia. Tiếng xấu của khoa Ngữ Văn Anh và khoa m nhạc đã lan truyền khắp trường, bởi vì có một lần, cảnh sát truy quét tệ nạn, bắt được 7 sinh viên nữ làm gái nhảy ở một vũ trường nào đó, toàn bộ đều bị trường đuổi học. Sau đó, có một nữ sinh viên khoa Ngữ Văn Anh do chịu không nổi sự nhục nhã, đã thắt cổ tự tử, chết trong một phòng nào đó trong ký túc xá này.
Thói đời là vậy, người tốt thì không ai tin, nhưng hễ có lời đồn ai làm điều xấu là tin sái cổ.
Đúng là tôi mới 17 tuổi, nhưng tôi không nghĩ rằng, tôi phải đợi tới khi mình 37 tuổi, mới có thể tìm hiểu một người đàn ông, tìm hiểu Lịch Xuyên.
Trừ hai ngày tôi đi thi ra, mỗi ngày Lịch Xuyên đều gọi điện thoại cho tôi một lần. Có thể thấy anh bận nhiều việc, phải ra công trường, phải đi ăn với người khác, phải tự chuẩn bị tài liệu, phải sửa bản vẽ, lịch trình làm việc dày đặc. Gọi điện thoại đường dài, tín hiệu đứt quãng, nghe tiếng được tiếng mất, hai câu chúng tôi nói nhiều nhất là “Anh/em vừa nói gì? Nói lại lần nữa, em/anh không nghe rõ.” Ngoài ra, tôi còn sợ điện thoại đường dài quá mắc, không dám nói nhiều, chỉ hỏi han vài câu liền gác máy.
Thi xong, tôi ở ký túc xá ngủ bù mấy ngày, sau tôi ra ga xếp hàng mua vé tàu lửa về Vân Nam. Sắp Tết, trước quầy vé là một hàng người dài ngoằng. Ga Bắc Kinh bán vé từ lúc 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Bình thường quầy bán vé vừa mở ra, chưa tới 10 phút sau, vé hôm đó đã bán hết. Ngày đầu tiên, tôi chưa biết tình hình, buổi sáng mới ra ga nên không mua được vé. Sau khi hỏi han, mới biết muốn có vé phải xếp hàng từ tối hôm trước. Nhà ga người người chen lấn xô đẩy, gợi nỗi nhớ nhà trong tôi càng bùng cháy. Tôi liền về ký túc xá lấy nước uống và đồ ăn khô, lấy thêm cuốn Mặt trăng và Đồng xu của Tu Nhạc tặng, nhanh chóng gia nhập đội ngũ xếp hàng.
Tôi xếp hàng suốt cả đêm, gắng gượng tới hừng đông, quầy vé mở cửa, những người đứng trước tôi ai cũng mua được vé. Khi còn khoảng gần 10 người nữa là tới lượt tôi, ô cửa đóng “xoạch” một tiếng. Tấm bảng “Vé hôm nay đã bán hết” được treo lên. Tôi hỏi thăm một ông bác trung niên. Ông bác nói: “Mới xếp hàng một ngày sao mua được? Bác xếp hàng cả ba ngày rồi. Hôm nay xém chút nữa là mua được rồi.”
Tôi thuộc loại người lấy cực làm vui, càng đánh càng hăng. Tôi đến quầy tạp hóa mua một ly cà phê Nestlé, uống một hơi cạn sạch, lấy khăn mặt và bàn chải đánh răng ra, đi toilet rửa mặt. Sau đó, phấn chấn tinh thần đến trước quầy bán vé, bắt đầu một vòng xếp hàng mới. Chỉ trong vòng 10 phút tôi đi toilet, trước mặt tôi lại có thêm hai mươi mấy người đồng hương. Tôi choáng váng.
Trong lúc xếp hàng, tôi đã đọc xong cuốn Mặt trăng và Đồng xu. Mấy trang cuối, có một thẻ kẹp sách, trên thẻ là lời một bài hát:
Nhiều năm qua, chỉ một mình
Dù ngày mưa, dù đêm bão
Có nước mắt, có lỗi lầm
Vẫn cố gắng bước đi về đâu
Người từng yêu, mới biết nhau
Biết cô đơn, biết quay đầu
Một giấc mộng, một người bạn, mãi trong lòng
Bạn thân ơi, ta bước sánh đôi
Lòng vẫn mãi nhớ phút ban đầu
Một câu nói, một đời người
Một ly rượu, tình bạn thân
Bạn thân ơi, chưa xa cách nhau
Gọi tên nhau để mãi nhớ rằng
Dù khó khăn, dù giông bão
Hãy vững tin, còn có nhau[1]
[1] Đây là lời bài hát Tình bạn của ca sĩ Hồng Kông là Chu Hoa Kiện (Emil Chow 1960), khá nổi tiếng vào năm 1977, đã được phổ lời Việt.
Tu Nhạc viết thư pháp rất đẹp, từng đạt giải quán quân trong cuộc thi thư pháp. Tu Nhạc nói, anh ta vốn định đến quán cà phê làm thêm, nhưng không ai nhận, đành phải đi dạy thư pháp ở đại học dành cho người già. Haiz, anh ta thở dài, nói người già học tập rất nhiệt tình, anh mong sau này mình cũng được như vậy, tuy là học đại học, nhưng không phải vì kiếm tiền, không phải vì kế sinh nhai, không vì cái gì hết.
Ngoại trừ Vương Phi[2] ra, tôi chỉ thích Chu Hoa Kiện. Nói thật, tôi rất thích bài này, nhưng Tu Nhạc chép lời cho tôi bằng chữ thư pháp, làm cho tôi thấy hơi quá mức công phu. Mặc dù tôi nhỏ tuổi, nhưng không thích với kiểu “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” của giới sinh viên. Tôi còn nhớ, có một lần chúng tôi đi xem phim Nhật Thư tình[3] cùng với đám anh kết nghĩa phòng 301, phim dài mấy tiếng đồng hồ, ai cũng nước mắt lã chã, không thì cũng thổn thức thút tha thút thít, chỉ có mình tôi thờ ơ. Chỉ có đàn ông nhát gan mới phải suy trước tính sau. Tình yêu là thì tiếp diễn, không phải thì quá khứ. Là câu cầu khiến, không phải câu cảm thán.
[2] Faye Wong (1969-) là một nữ ca sĩ, diễn viên nổi tiếng của Hồng Kông
[3] Love Letter: một bộ phim điện ảnh nổi tiếng của Nhật được công chiếu vào năm 1995, do nữ diễn viên Miho Nakayama đóng vai chính, Shunji Iwai làm đạo diễn. Phim xoay quanh câu chuyện của nàng Hiroko nhận được thư từ một người xa lạ sau khi chồng chưa cưới chẳng may qua đời.
Nguồn sáng mãnh liệt từ đèn neon chiếu sáng cả nhà ga trong suốt 24 giờ, tôi giống như lạc vào vũ trụ, không phân biệt được ngày đêm. Buổi chiều tôi ăn một cái bánh bao xong, nhờ ông bác ngồi sau canh chừng chỗ giúp, sau đó đến hàng ghế bên cạnh ngồi chợp mắt một lát. Đến buổi tối, tôi gục gà gục gặc, đành phải liều mạng uống cà phê. Ông bác kia hỏi: “Con gái, quê con ở đâu? Côn Minh hả?”
“Cá Cựu.”
“Vậy xuống tàu rồi còn phải đi xe mới tới?”
“Dạ.”
“Đi đi về về 2 chặng, ít nhất cũng phải 800 tệ?”
“Dạ đúng.”
“Đi học chi xa quá vậy?” Ông bác nhìn dáng vẻ tôi giống sinh viên.
“Con bó tay rồi, vì thành tích học tập quá tốt.” Tôi nói.
Ông bác đang định nói tiếp, điện thoại của tôi reo. Nhìn thời gian, đã là 9 giờ rưỡi tối, lại một ngày nữa trôi qua.
“Hi, Tiểu Thu” Lịch Xuyên nói “Em ngủ chưa?”
“Chưa, em đang học khuya.” Tôi không muốn kể chuyện đi mua vé cho anh biết, tránh cho anh lo lắng.
Nhưng đúng lúc đó nhà ga lại thông báo: “Đoàn tàu số 1394 từ Thành Đô đi Bắc Kinh vừa đến ga, dừng ở sân ga số 5, dừng ở sân ga số 5.”
“Ồn quá, chỗ em học khuya là vậy sao?” quả nhiên là người ở đầu bên kia nghi ngờ ngay.
Tôi liền đổi đề tài: “Haiz, anh có khỏe không? Hôm nay có bận lắm không?”
“Cũng tàm tạm. Hôm nay phải giao bản vẽ cuối cùng, nhưng máy tính của Tiểu Trương nhiễm virus, cả buổi chiều phải chờ cậu ấy khôi phục dữ liệu. Bây giờ có thể thở phào một hơi.”
Loa của nhà ga lại vang lên, lần này là thông báo tìm người “Bố mẹ của Đào Tiểu Hoa, nghe được thông báo này mời đến phòng bảo vệ nhà ga. Con của anh chị đang tìm anh chị.”
Tôi vội vàng hỏi: “Ai là Tiểu Trương?”
“Cố vấn thiết kế mặt bằng nội thất của anh.”
“Haiz, Lịch Xuyên, chỗ anh ở có sữa tươi không?”
“Không có. Nhưng gần đó có siêu thị. Anh mua mấy bình bỏ tủ lạnh rồi.”
“Đừng mua quá nhiều một lần, nhớ xem hạn sử dụng. Sữa quá hạn không uống được.”
“Nhớ rồi.”
Lúc này loa lại vang lên, rốt cuộc anh nói “Tiểu Thu, thật ra em đang ở đâu vậy?”
“Nhà ga. Xếp hàng mua vé.”
“Khuya rồi còn bán vé sao?”
“Không bán, nhưng em phải xếp hàng, nếu không sáng mai mua là hết vé.”
“Cái gì?” Anh nói “Phải xếp hàng cả đêm?”
“Sợ cái gì? Em hay xem phim suốt đêm. Hơn nữa, em còn đem theo một cuốn tiểu thuyết rất hay, thời gian trôi qua nhanh lắm.”
“Tiểu Thu.” Anh nói “Em về trường ngay lập tức đi. Anh sẽ gọi điện thoại kêu thư ký đặt vé máy bay cho em liền.”
“Đừng!” Tôi la lớn “Em đã xếp hàng hai đêm rồi, sắp tới lượt em rồi, ai làm công sức em đổ sông đổ biển là biết tay em!”
“Nếu em khăng khăng muốn đi tàu, anh sẽ kêu thư ký đặt vé tàu cho em.”
“Đặt ở đâu bây giờ, ở ga cũng hết vé rồi.”
“Đặt không có? Anh không tin.” Anh nói “Em để anh đặt thử, được không? Đi Côn Minh, đúng không?”
“OK.” Tôi bắt đầu thấy phiền “Thưa bạn Lịch Xuyên, ngừng ngay lập tức. Em không muốn anh tốn tiền vì em. Mua vé là chuyện riêng của em. Còn nữa…” Tôi nhớ tới cái áo khoác 8000 tệ, nói thêm một câu “Sau này không cho anh mua thứ gì quá 50 tệ cho em!”
“Đi tàu về Côn Minh mất hơn 39 tiếng, đi máy bay chỉ cần hơn 3 tiếng rưỡi.” Anh căn bản không thèm để ý tới tôi, vừa gọi điện thoại vừa lên mạng.
“No.”
“Em biết Bắc Kinh có bao nhiêu kẻ buôn người không? Nữ nghiên cứu sinh còn bị họ lừa bán về miền núi kìa.”
“No means no.”
Tôi gác máy, tắt luôn điện thoại. Tôi giận cái thái độ coi tiền như cỏ rác của Lịch Xuyên. Lịch Xuyên, anh có tiền, anh làm gì cũng được phải không? Em không cần tiền của anh.
Tôi mở máy walkman, bỏ CD của Vương Phi vào. Tôi không biết vì sao mình thích Vương Phi, giọng hát của cô an nhàn, thong dong, từ tốn, tùy hứng, từng câu từng chữ đều mang nặng tâm sự và khát khao của người phụ nữ. Tóm gọn trong một câu, giọng hát của cô tràn ngập hơi thở đô thị.
Tôi chán nản đợi chờ trong tiếng hát của Vương Phi. Không có gì để làm tôi đành đọc lại Mặt trăng và Đồng xu một lần nữa, cho tới hừng đông. Sau đó, tôi thấy mình càng ngày càng ghét Maugham - tác giả quyển sách này. Ông bác Côn Minh bắt chuyện với tôi, “Con gái, con đọc truyện gì hay, kể cho bác nghe đi. Bác thật buồn ngủ chịu không nổi rồi.”
“Bác ơi, bác nghe thử đoạn này, xem tác giả nói có đúng không?”
Tôi dịch cho ông bác nghe:
“Khi một người đàn bà yêu anh họ sẽ không thỏa mãn chừng nào họ chưa chiếm hữu được tâm hồn anh. Vì nàng yếu đuối nên nàng chỉ ham muốn sự thống trị và không có gì khác thỏa mãn được nàng. Nàng có đầu óc nhỏ hẹp và không ưa cái trừu tượng là cái mà nàng không thể nắm bắt. Nàng đắm mình vào vật chất, và ghen tức với những chuyện lý tưởng. Tâm hồn người đàn ông lãng du qua những nơi xa xôi nhất của vũ trụ, và các bà thì cố tìm cách giam nó vào cái giới hạn của cuốn sổ chi tiêu…[4]”
[4] Trích chương 41 của Mặt trăng và Đồng xu, bản dịch của Nguyễn Thành Thống và Nguyễn Việt Long. Đoạn này là lời nhân vật Strickland nhận xét về phụ nữ.
“Má ơi, nói đúng quá đi, vợ bác chính là như vậy đó. Sách gì vậy, sao lại nói đúng tim đen của bác quá.” Ông bác liến thoắng nói.
Tôi tức giận nhìn ông bác, bực mình.
Điểm tốt của nhà ga là, họ cung cấp nước nóng 24 giờ. Trời vừa sáng là tôi đến toilet đánh răng rửa mặt, rồi pha ình một ly cà phê. Trong toilet, tôi soi gương thấy tóc mình bù xù, mặt mày xám ngoét, làn da xám xịt, tái xanh, giống ma nữ trong truyện Liêu Trai.
Ông bác cũng vực tinh thần dậy, đọc tờ Nhật Báo Nhân Dân hôm nay.
“Con gái, nói gì đó để bác nâng cao tinh thần đi. Đúng rồi, con học tiếng Anh mà, đọc thơ tiếng Anh nghe đi.”
Tôi hết hồn, nhìn túi hành lý to đùng bác ấy mang theo: “Bác cũng thuộc tầng lớp trí thức hả!”
“Nhìn không giống hả. Bác là kế toán đó.”
“Vậy con đọc bác nghe hai bài thơ.” Tôi đọc nguyên tác tiếng Anh trước, sau đó đọc bản dịch của một dịch giả cho bác nghe.
“Mai là ngày hội thánh Valentine
Em dậy từ sớm tinh mơ
Em, người trinh nữ, đến bên cửa phòng anh
Nguyện làm người yêu trọn kiếp chung tình.
***
Chàng trở dậy mặc thêm quần áo
Mở cửa phòng đón rước nàng vào
Lúc bước vào còn là trinh nữ
Khi trở ra trinh tiết mất rồi.[5]”
[5] Trích màn 5 hồi 4 vở Hamlet, bản dịch của Đào Anh Kha, Bùi Ý, Bùi Phụng. Đoạn này là lời nàng Ophellia nói với hoàng hậu sau khi nàng phát điên, bóng gió rằng nàng đã trao tình yêu và sự trinh trắng cho hoàng tử Hamlet.
Ông bác cười ha ha, nói con gái giỏi quá, vui tính quá.
Tôi hứng lên, đọc cho ông nghe thêm một đoạn:
“Hỏi xem bao nhiêu kẻ dập dìu
Biết ai là người chung thủy
Đánh giá bằng chiếc mũ đội đầu
Cái gậy cầm tay hay đôi hài sảo[6]”
[6] Trích màn 5 hồi 4 vở Hamlet, bản dịch của Đào Anh Kha, Bùi Ý, Bùi Phụng. Đoạn này nàng nói bóng gió về thói bội bạc của hoàng hậu.
Ông bác cười lớn hơn, nói “Con gái, con giỏi quá, biết ngâm thơ nữa chứ. Con nói anh chàng kia đúng không!”
Ông bác chỉ phía sau lưng tôi.
Tôi quay đầu lại, thấy một người thanh niên tuấn tú, đứng cách tôi không xa.
Đầu đội nón, tay chống nạng, có điều không mang giày rơm.
Ông bác nói “Haiz, con gái, con khiến bác mở rộng tầm mắt. Bài thơ kia của ai vậy? Sao gợi tình dữ vậy? Con mới đọc một lần là bác nhớ liền. Sau này bác sẽ đọc cho người khác nghe chơi.”
Tôi chưa kịp mở miệng, đã nghe một giọng nói quen thuộc trả lời thay tôi.
“Shakespeare[7]”
[7] William Shakespeare (1564-1616) là nhà thơ và nhà soạn kịch vĩ đại người Anh. Hamlet là một trong những vở kịch nổi tiếng của ông, kể về âm mưu và tình yêu trong chốn cung đình.
Lịch Xuyên.
Nhìn dáng vẻ của Lịch Xuyên, tôi thấy hơi chột dạ. Anh mặc đồ bình thường, đội nón cối, giống như mới đi nghỉ từ Hawaii[8] về. Không biết có phải do ảo hay không, tuy Lịch Xuyên tàn tật nghiêm trọng, nhưng tôi thấy anh luôn sáng ngời, luôn thong dong.
[8] Một tiểu bang của Mỹ, gồm 19 đảo giữa biển Thái Bình Dương.
“Sao anh về sớm vậy?” Tôi biết rõ còn giả bộ. Chắc chắn là anh đi chuyến bay sáng sớm hôm nay.
“Gọi điện thoại cho em, em tắt máy.” Anh lạnh lùng nói “Biết anh lo đến mức nào không?”
“Không thể nào, anh Hai.”
“Hai ngày nay em ngủ ở đây hả?” Anh nhìn lướt qua bốn phía, một đám người lộn xộn, nhếch nhác. Một bà nhà quê đang nhìn gương xỉa răng, một cô gái trẻ đang vạch áo cho con bú, không chút ngượng ngùng.
“Chợp mắt mấy lần mà thôi” Tôi nói “Xếp hàng còn thoải mái hơn đi thi nhiều.”
“Em chờ đó, anh đi mua đồ ăn sáng cho em.” Anh bỏ túi xuống, xoay người tính đi.
“Haiz, hay là anh xếp hàng thay em, em đi mua. Kiến trúc của nhà ga rất phức tạp.” Tôi ngăn anh lại. Nhà ga lộn xộn, cũng không có đường đi cho người tàn tật, ai cũng kéo hành lý chạy qua chạy lại, lỡ như đụng trúng anh, làm anh bị thương, thì càng phiền hơn.
“Hay là mình cùng đi ăn đi.” Anh bước tới trước một chị đang xếp hàng trước tôi, nhẹ nhàng nhờ chị ấy canh chỗ giùm chúng tôi một lát. Chị gái đó nhìn anh chằm chằm không chớp mắt, liều mạng gật đầu, dáng vẻ như sắp ngây dại tới nơi.
Tôi nói thầm, anh Hai Lịch Xuyên, cầu xin anh đừng phóng điện nữa, được không.
Anh kéo tôi đi, thang máy lên tầng 2, vào một quán cà phê, gọi bánh ngọt cho tôi. Tôi nói với nhân viên phục vụ “Phiền anh, ột ly cà phê thật đắng.”
Anh nhìn tôi, thật lâu sau, anh thở dài: “Tiểu Thu, anh phục em rồi.”
“Sắp tới lượt em rồi, thật mà! Chắc chắn hôm nay em sẽ mua được vé. Em càng thấy vui hơn!”
“Nếu hôm nay em vẫn không mua vé được, thì phải nghe anh, đi máy bay về.” Anh giận dỗi.
“No!” Tôi vẫn mạnh miệng, cả người lại mềm như sợi mì, dựa vào anh. Anh ôm tôi, nói nhỏ: “Ở chỗ công cộng, mình có cần ý tứ chút không?”
“Sao lúc nào anh cũng thơm ngào ngạt vậy?” Anh tựa cằm lên trán tôi, tôi ngửi cổ anh, dáng vẻ rất háo sắc.
“Chắc là mùi nước cạo râu.”
“Mùi gì vậy?” Tôi mơ màng hỏi.
“Lavender[9]. Tiếng Trung nói như thế nào?”
[9] Hoa oải hương.
“Có một cái tên rất cổ, là hoa đỗ thược. Tên này rất đẹp phải không?”
“Ừ, lại học thêm được 1 từ mới. Ở bên em sao mà học được nhiều kiến thức thế nhỉ.” Anh sờ mũi tôi.
“Anh cũng đọc Shakespeare hả?”
“Anh còn đọc cả Đi tìm thời gian đã mất nữa mà, có thể thấy được anh có nghiên cứu sâu về văn học đúng không?” Anh tự hào nói.
“Vậy em đọc một đoạn cho anh nghe thử, xem anh có biết xuất xứ từ đâu không.” Tôi huýt sáo, giả giọng Bắc Kinh “Anh nghe nha, “Tôi thấy anh lo lắng, vốn lúc đầu định làm anh lo lắng. Nhưng giờ chỉ muốn ôm ấp khuôn mặt tươi cười của anh; chỉ muốn nói lời ngọt ngào đường mật với anh; chỉ muốn dịu dàng quấn quýt lấy anh. Ngọn lửa tình hừng hực cháy, khát khao cũng dâng tràn.””
Hơi thở ấm áp thổi lên gáy anh, anh đỏ mặt: “Chắc là trích từ tiểu thuyết gợi tình chứ gì.”
“Tiểu thuyết tài tử giai nhân, có phải không thua gì Shakespeare không?”
“Cũng đúng, hay là, tối nay mình mây mưa theo câu đó đi.” Cuối cùng anh cũng không để ý mặt mũi, nhẹ nhàng hôn tôi.
“Đừng có mơ.”
Ăn sáng xong, chúng tôi về lại chỗ xếp hàng. Lần này cuối cùng cũng đến lượt tôi: “Cô ơi, cho tôi một vé K471 đi Côn Minh.”
“K471 hết rồi, chỉ còn T61, điều hòa tốc hành.”
“Cũng được, vé ghế cứng.”
“Không có ghế cứng.” Bên trong ô cửa là một khuôn mặt lạnh lùng “Còn giường cứng, tầng giữa, 558 tệ. Và giường trên, tầng dưới, 890 tệ.”
Mắc hơn ghế cứng tới 200 tệ, tôi do dự.
“Cô có mua không?” Cô bán vé tỏ vẻ thiếu kiên nhẫn “Không mua thì để người tiếp theo.”
“Mua, mua.” Tôi móc bóp tiền, vừa sờ vào thì mồ hôi lạnh tuôn ra.
“Bóp tiền của em!” Tôi sắp khóc tới nơi “Bóp tiền của em mất rồi!”
Nhớ ra rồi. Lúc sáng đi rửa mặt, bị một người đàn ông nhỏ thó đụng vào người, hắn không thèm xin lỗi, vội vàng bỏ đi.
Lịch Xuyên đứng cạnh, nhìn tôi, nụ cười mang theo vẻ ghi thù: “Thưa cô Tạ, em mất bóp tiền rồi đúng không?”
“Bị móc túi rồi!” Tôi trừng mắt nhìn anh.
“Nói vậy, có cần anh bỏ tiền mua tấm vé này không?”
“Anh cho em mượn đi, em sẽ trả lại cho anh.”
Lịch Xuyên đi tới ô bán vé, nói với cô bán vé: “Xin lỗi cô, làm mất thời gian của cô, ngại quá. Chuyện là vầy, cô ấy mất ví tiền, không mua vé được.”
Không ngờ cô bán vé kia lại nở nụ cười: “Không sao, như vậy đi, xếp hàng rất khó. Cô ấy cứ về nhà lấy tiền rồi trở lại, tôi giữ vé lại cho cô ấy? Anh thấy thế nào?”
“Cô tốt quá, cảm ơn, không cần đâu, chúng tôi sẽ nghĩ cách khác.” Anh kéo tôi ra khỏi hàng người, lấy di động ra, bấm số:
- Tiểu Đinh hả?
- Là tôi, Vương Lịch Xuyên.
- Tôi cần một vé máy bay hai chiều đi Côn Minh. Ngày mai đi.
- Đúng.
- Không phải tôi, tên là Tạ Tiểu Thu.
- Tôi ngồi khoang nào thì cô ấy ngồi khoang đó.
- Thời gian chuyến về, để mở trong vòng 3 tháng.
- Số chứng minh?
Tôi nói số chứng minh cho anh, anh nhắc lại qua điện thoại.
- Phiền cậu chiều nay cho người đưa vé máy bay tới nhà tôi, được không?
- Không cần đi lên, đưa cho bảo vệ là được.
- Đúng vậy, tôi về tạm thời, chiều mai lại đi Hạ Môn.
- Tạm biệt.
Anh tắt máy, nhìn tôi.
Tôi vẫn đang tìm bóp tiền, lục khắp nơi, cho tới khi tôi tin rằng bóp tiền đã mất mới thôi.
“Em mất bao nhiêu tiền?” Anh hỏi.
“Không nói cho anh biết.”
“Tiền bạc là vật ngoài thân, không mất người là được.” Anh ôm chặt vai tôi, xem như an ủi.
Chúng tôi đi taxi về trường, tôi lấy thẻ ATM rút thêm tiền, sau đó nhanh chóng dọn dẹp đồ đạc, cùng anh về Hoa viên Long Trạch.
Tôi ngủ quên trong xe taxi. Đến nhà anh, tôi gật gà tỉnh lại, bị Lịch Xuyên kéo vào thang máy, sau đó tôi liền nhào lên giường anh.
“Lịch Xuyên, em buồn ngủ quá. Muốn mây mưa thì anh tự nhiên đi.” Tôi nhướn mi mắt lên nói.
Anh cởi giày cho tôi, cởi luôn quần áo, sau đó nhét tôi vào trong chăn.
“Ngủ đi, mai anh đưa em ra sân bay.”
Giọng nói của anh dịu dàng vô hạn.