Số lần đọc/download: 1178 / 7
Cập nhật: 2017-04-18 08:47:09 +0700
Chương 11 - Phòng Tình Huống Nhà Trắng Thủ Đô Washington, DC Thứ Bảy, Ngày 22 (Ngày 23 Tại Á Châu) Tháng 11 18:21, Giờ Địa Phương
T
ổng thống Dalton Wainright theo chân một gã nhân viên Sở Mật Vụ qua cửa căn phòng Tình Huống. Khi tổng thống tiến đến chiếc ghế dành cho ông ta ở đầu cái bàn dài bằng gỗ đào, gã cận vệ thuộc Sở Mật Vụ dừng lại ở góc phòng bên phải cửa vào; từ chỗ này, gã có thể quan sát nguyên căn phòng mà không cần nhúc nhích gì hết.
Trước kia, khi các màn hình phải được chiếu hình từ những máy phóng ảnh LCD gắn trên trần phòng, phòng Tình Huống phải nằm trong cảnh tranh tối tranh sáng. Ngày nay, máy phóng ảnh đã được thay thế bằng sáu máy TV dẹp lớn đặt dọc theo hai bên chiều dài căn phòng và một TV khổng lồ chiếm nguyên vách tường đối diện với ghế dành cho tổng thống. Không còn máy phóng ảnh, không có lý do gì để tắt bớt đèn, nên căn phòng sáng trưng.
Tuy nhiên tổng thống Wainright sẽ không nhìn nhận với bất cứ ai, kể cả chính ông, là ông thích cảnh tối mờ của xưa kia hơn. Không phải là ông nhớ nhung gì cái vẻ thần bí của cảnh tranh tối ấy, mà là cái tính cách ẩn nặc, cái cảm giác giả tạo nhưng dễ chịu rằng mình đang vô hình mà đôi khi người ta cảm thấy khi đang xem phim trong bóng tối ấm cúng của một rạp chiếu phim.
Wainright không thấy thoải mái chút nào trong cái công việc của mình. Ông không phải là người đầu tiên trong cái chức vị này cảm thấy như thế, nhưng cái cảm giác bất ổn của ông không có cùng nguồn gốc với những người khác. Biết bao chính trị gia đã cực khổ cả đời để được lọt vào phòng Bầu Dục (Oval Office, tên gọi văn phòng tổng thống), để rồi khám phá ra rằng công việc này quá lớn, quá nhiều thử thách và không béo bở gì để phải tốn bấy nhiêu công sức.
Cái đó không phải là trường hợp của Wainright. Như phần đông những người làm chính trị, đôi khi ông cũng từng mơ đến cái ghế tổng thống, nhưng chỉ là mơ mộng chơi thôi. Ông chưa từng có ý định biến các giấc mơ ấy thành sự thật; và vì thế, ông không hề bất ngờ khi phát hiện ra chức vụ tổng thống làm ông chới với như bị ngập trong nước sâu.
Ông đã rất hài lòng với vị trí thượng nghị sĩ ít thâm niên hơn của tiểu bang Maine (chú thích: mỗi tiểu bang có hai thượng nghị sĩ), vui lòng khi nghĩ rằng sự nghiệp của ông đã đạt đến đỉnh điểm. Lời mời tham gia vào liên danh ứng cử tổng thống chung với Frank Chandler đã làm ông thật ngạc nhiên. Wainright đã nhận lời ứng cử chức vị phó tổng thống, không phải vì ông tin Chandler sẽ đắc cử mà là vì ông cảm thấy đây là một cách hợp lý để kết thúc sự nghiệp chính trị của mình.
Có lẽ ngoại trừ Chandler ra, không ai bị chấn động hơn Wainright khi cuộc vận động tranh cử của đảng Cộng Hòa đối lập với họ bỗng nhiên sụp đổ sau một vụ tai tiếng về tình dục bị làm ầm ỉ lên. Phản ứng dữ dội của dư luận đã đưa Frank Chandler tọt vào phòng Bầu Dục, cùng với Dalton Wainright còn khá sửng sờ bám theo đuôi áo.
Giờ đây Chandler cũng đã rời khỏi, bị sự công phẩn của quần chúng truất phế, sau vụ thất bại lớn ở Kamchatka và vụ phi đạn tập kích Trân Châu cảng (được tường thuật trong một tác phẩm trước). Sự ra đi của lão ta đã biến Dalton Wainright thành vị phó tổng thống thứ nhì trong lịch sử Mỹ được tiến vào phòng Bầu Dục sau khi tổng thống tại vị từ chức.
Trong nhiệm kỳ của ông ở Thượng Nghị Viện, một ký giả của tờ Washington Post đã từng mô tả Wainright là ‘giỏi dắn, chăm chỉ, nhưng không nổi bật”. Ngồi dưới ánh đèn sáng trưng của căn phòng Tình Huống, Wainright đang tự hỏi phải chăng cái khen ngợi nhỏ nhoi ấy là quá lời. Mặc dù không sáng rực, ông cũng đã xứng với cái ghế thượng nghị sĩ của ông. Khi ấy, ông cũng biết mình đang làm gì và đã đảm đương được mọi thử thách.
Còn chức vị tổng thống là một chuyện khác. Ông vẫn xứng với hai từ ‘chăm chỉ’ và ‘không nổi bật’, nhưng ông thật hoài nghi mình có giỏi dắn đủ để ngồi ở vị trí cao nhất trong quốc gia hay không.
Đúng theo nghi thức, sáu-bảy người quanh chiếc bàn dài đang đứng nghiêm. Wainright ra hiệu cho họ ngồi xuống và ông cũng ngồi xuống ghế của mình.
Viên sĩ quan trực phòng Tình Huống, một vị đại tá Không quân với gương mặt nghiêm khắc, đeo kính gọng viền sắt, vẫn đứng ở cuối bàn. Hắn gật đầu chào vị tổng tư lệnh. “Xin chào buổi tối, ngài tổng thống.”
Wainright mở tấm bìa cứng màu xanh đặt trước mặt, đựng tài liệu sẽ được thuyết trình và ngước nhìn vào mắt viên đại tá. Ông gật đầu nhanh đáp lễ. “Bắt đầu đi.”
Viên sĩ quan trực chỉ cây điều khiển về phía cái màn ảnh khổng lồ đối diện Wainright. Nền ảnh xanh lơ cùng với huy hiệu tổng thống biến mất khỏi cái màn ảnh rộng cả vách tường và được thay bằng bản đồ của một phần châu Á, bên trên có hằng trăm ký hiệu chiến thuật khó hiểu. Sáu màn ảnh nhỏ hơn dọc theo hai vách tường lập tức chiếu hình ảnh những chiếc chiến hạm, máy bay tiêm kích, tàu ngầm, trực thăng và hệ thống phi đạn.
Viên sĩ quan trực quay sang màn ảnh chính và nhấn một cái nút để biến cây điều khiển thành con trỏ laser. Điểm đỏ của ngọn laser dừng lại trên một vùng nước phía đông Ấn Độ, vịnh Bengal; nơi đây, có một đám ký hiệu nhiều màu lộn xộn dường như để biểu thị một nhóm tàu và máy bay.
“Thưa ngài tổng thống,” viên sĩ quan nói, “cuộc đụng độ giữa Trung quốc và Ấn Độ đang leo thang nhanh chóng. Cả hai bên đang điều động quân cụ từ đủ mọi nơi và cả hai đều đã chứng minh rằng họ sẵn sàng đụng chạm quân sự.”
Bộ trường Quốc Phòng Mary O’Neil-Broerman lên tiếng. “Tình hình ở đó đã tuột vào vực thẳm rồi đó, thưa ngài.”
“Tôi thấy được chứ.” Wainright nói. “Tôi muốn biết là tại sao.”
Ông lập tực hối hận đã dùng giọng gay gắt như thế. Ông có khuynh hướng trở nên nóng nảy khi ông không tự tin, mà hiện tại ông đang cực kỳ không tự tin.
Từ cái ngày mà ông thừa hưởng chức vị tổng thống, mỗi ngày ông đều bắt đầu bằng một lời cầu nguyện thật đơn giản, có lẽ ông nhắm vào toàn thể vũ trụ vì lời cầu xin của ông không hướng đến một vị thần linh nhất định nào cả. “Xin đừng để xảy ra chuyện gì mà tôi không ứng phó nổi.”
Cho đến nay, ông vẫn lò mò qua ngày mà không gây ra tai họa nào cả, phần lớn là do lão Frank Chandler đã để lại cho ông một nhóm nhân viên rất tài giỏi có thể giúp ông vượt qua các tình huống khó khăn. Nhưng mà ông cũng đã rất may mắn. Định mệnh chưa trao cho ông một vấn đề nào vượt qua khả năng của ông.
Vận may của Wainright không thể nào cứ kéo dài như thế mãi được. Ông biết thế. Sớm hay muộn mà thôi. Ông sẽ đụng phải một thử thách hay tai họa nào đó quá lớn đối với ông. Thế là người dân Mỹ sẽ biết ngay mọi chuyện có thể tệ hại như thế nào khi mà cái tên ngồi trên cái ghế cao vời ấy lại không đủ khả năng.
“Thưa ngài tổng thống, chúng tôi chỉ có thể trả lời câu hỏi của ngài phần nào thôi ạ.” Viên sĩ quan trực nói. “Căn nguyên có lẽ là vụ lật xe lửa ở Tây Tạng hôm thứ Ba, vụ tấn công đường xe lửa Thanh Hải bằng tên lửa ấy mà. Khói của vụ lật xe còn chưa tan, Trung quốc đã kêu đó là một vụ khủng bố. Dường như họ đã tra ra đám khủng bố ở ngôi làng Geku, trên Hi Mã Lạp Sơn bên phía Ấn Độ. Quân Giải Phóng Nhân Dân trả đủa bằng một vụ tập kích khổng lồ bằng phi đạn đã xóa ngôi làng khỏi bản đồ.”
“Không thể nào!” Ông tổng thống nói. “Người Trung quốc đâu có ngốc, mà cái đó là phản ứng quá mức rồi. Đâu có thể nào trả đủa một hành vi khủng bố địa phương bằng cách tập kích một quốc gia khác với quy mô lớn như thế được chứ.”
Bà bộ trưởng Quốc Phòng chồm người ra phía trước. “Thưa ngài tổng thống, xin thứ lỗi, cái đó cũng không nhất định là đúng. Nước Mỹ đã từng làm như vậy nhiều lần rồi. Thí dụ đầu tiên là vào tháng 8 năm 1998, khi mà tổng thống Clinton ra lệnh phóng phi đạn hành trình Tomahawk vào Afghanistan và Sudan. Chuyện này là để trả đủa hai vụ đặt bom tòa sứ quán của ta ở Kenya và Tanzania. Khi ấy, chúng ta cùng lúc phóng khoảng 75 phi đạn vào hai quốc gia nằm ở hai châu khác nhau.”
Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, Gregory Brenthoven, lắc đầu. “Mặc dù tiên đề của bà là đúng, nhưng mà thí dụ của bà không khớp với rắc rối hiện tại ở Á châu.”
Hắn quay sang tổng thống. “Khi cựu tổng thống Clinton hạ lệnh phóng phi đạn, ông ấy biết rằng cả Afghanistan lẫn nước cộng hòa Sudan nằm cách nước Mỹ một khoảng cách xa. Khoảng 10-11 ngàn km gì đó. Tổng thống Clinton còn biết là cả hai nước ấy đều không có hỏa lực hay phương tiện để phản kích vào đất Mỹ. Nói cách khác, khả năng leo thang lên chiến tranh toàn diện coi như không.”
Brenthoven chỉ về phía bản đồ Á châu trên màn ảnh chính. “Vụ rắc rối Trung-Ấn này không cùng tình huống ấy, thưa ngài. Không phải Trung quốc phóng phi đạn vào một nước thuộc đệ tam thế giới nằm phía bên kia trái đất. Mà họ đã khiêu khích một đối thủ cỡ lớn đang cạnh tranh quân sự với họ, mà còn là một nước hạt nhân nữa, nằm ngay ở biên giới phía nam của họ. Và cái này không hợp lý chút nào cả. Đúng như ngài đã nói, thưa ngài tổng thống, người Trung quốc không ngốc. Nếu có ai dám đấm Ấn Độ vào ngay lỗ mũi, mình nên cược tới đồng đô-la cuối cùng là Ấn Độ sẽ trả đủa bằng cả hai quyền ấy chứ. Người Trung quốc biết điều đó. Vậy mà họ vẫn làm thế.”
Ông tổng thống ngước nhìn bản đồ. “Tại sao họ lại làm thế chứ? Tại sao họ lại liều lĩnh ngu xuẩn như vậy?”
“Chúng tôi chưa biết, thưa ngài.” Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia nói. “Nhưng ngay bây giờ, chúng ta phải trả lời một câu hỏi lớn hơn. Chúng ta phải làm gì đây?”
“Tôi đã nói chuyện với chủ tịch của hội đồng Tham Mưu trưởng Liên Quân rồi.” Bà bộ trưởng Quốc Phòng nói. “Ông ấy đang soạn một bản thuyết trình chiến thuật đầy đủ. Khi làm xong, ông ấy sẽ bàn thảo chi tiết, nhưng nói chung, ông ấy đề nghị chúng ta cho một chiếc tàu sân bay đến vùng ấy càng sớm càng tốt. Ý định là để thiết lập một sự hiện diện và hi vọng là có thể tạo thành một lực lượng cân bằng cho vùng này.”
Ông tổng thống chậm rãi gật đầu. “Ai đang ở vị trí tốt nhất?”
Tham mưu trưởng Hải quân, Đề Đốc Robert Casey, tằng hắng. “Thưa ngài tổng thống, đó là nhóm của chiếc USS Midway, đóng tại Yokosuka, Nhật Bản.”
Tổng thống quay sang vị đề đốc. “Mà chiếc Midway sẵn sàng ra khơi chứ?”
“Thưa ngài, vâng.” Viên đề đốc đáp. “Chiếc Midway chính là chiếc hàng không mẫu hạm sẵn sàng của chúng ta (chú thích của dịch giả: Hải quân Mỹ luôn có hạm đội luân phiên trong trạng thái nghỉ ngơi và sẵn sàng ở mỗi khu vực trên thế giới; nên bao giờ HQ Mỹ cũng có thể tham chiến tại mọi nơi sau một thời gian chuẩn bị cực ngắn). Nó có đủ số tàu hộ vệ và tất cả có thể khởi hành trong vòng vài giờ.”
“Tốt lắm.” Tổng thống nói. “Làm như vậy đi. Cho các chiếc tàu đó khởi hành đi. Chúng ta sẽ tính toán chi tiết sau, trong khi chúng đang trên đường.”
Ông ngắm nhìn cái màn ảnh chiếm cả vách tường, tràn ngập những ký hiệu kỳ quái và ông bắt đầu thắc mắc phải chăng hôm nay là ngày mọi chuyện bắt đầu hỏng bét.