Số lần đọc/download: 1178 / 7
Cập nhật: 2017-04-18 08:47:09 +0700
Chương 10 - Phi Đội Trưởng Phi Đoàn 303 Hắc Báo, Hải Quân Ấn Độ Vịnh Bengal, Phía Tây Quần Đảo Andaman Chủ Nhật, Ngày 23 Tháng 11, 05:12, Giờ Địa Phương
S
au này nhìn lại, không ai biết được tại sao Trung Úy Ajit Chopra lại nhấn cò. Cho dù là nguyên nhân nào đi nữa cũng đã cùng chết với gã khi chiếc Mig-29K (21) thuộc hải quân Ấn do gã lái nổ tan nát trên bầu trời vịnh Bengal.
Trong những ngày và những tuần lễ sau ‘trận hải chiến vịnh Bengal thứ nhất’, hằng đám ký giả đã liên tiếp cố gắng liên kết hành động của Chopra với vụ phi đạn tập kích làng Geku tối hôm trước. Do số tuổi tương đối trẻ của viên phi công này và truyền thuyết về mãnh lực của con tim, vài bình luận gia trong giới báo chí đã suy đoán rằng Chopra đã gặp gỡ và có lẽ đã yêu một thiếu nữ sống trong ngôi làng này, mà thiếu nữ này đã thiệt mạng trong vụ tập kích ấy.
Thế là tin đồn bắt đầu nổi lên trên mạng internet, còn xác định là người yêu của Trung Úy Chopra là một thiếu nữ nghèo nhưng xinh đẹp tên là Mira. Câu chuyện tình bi tráng của Ajit và Mira trở thành câu chuyện tình Romeo-Juliet của thời mạng hiện đại, được truyền đi bằng hàng ngàn, rồi trăm ngàn bức email bởi vô số kẻ lãng mạn.
Truyền thuyết trong internet có khuynh hướng tự phát triển khi lưu hành và câu chuyện hấp dẫn của đôi tình nhân tuyệt vọng này cũng thế. Càng ngày càng có những dòng email dài dặc mô tả cảnh tử vong của nàng Mira khi mà những quả phi đạn Trung quốc lao xuống từ trời cao để nổ nát căn nhà nhỏ (nhưng sạch sẽ) của nàng. Lại có những bài văn bóng bảy mô tả tâm trạng tuyệt vọng của chàng Ajit khi chàng nhắm chiếc máy bay tiêm kích do Nga chế tạo vào một chiến hạm Trung quốc và với đôi mắt nhòa lệ, đã thay nàng Mira yêu dấu trả thù bọn người hiếu chiến vô thần.
Cho dù có bao nhiêu bài viết hoành tráng hoa lệ đi nữa, không ai tìm được một dữ kiện nào để xác thực câu chuyện ấy cả. Không có chứng cứ nào là nàng Mira đã từng tồn tại; ngay cả sự liên hệ, về tình cảm hay thứ gì khác, giữa Trung Úy Chopra và ngôi làng Geku đã bị hủy cũng không được xác thực.
Các phân tích sau trận chiến chỉ xác định những sự kiện sau đây. Sáng chủ nhật, ngày 23 tháng 11, Trung Úy Chopra là phi đội trưởng của một đội bốn chiếc Mig-29, cất cánh từ tàu sân bay INS Vikrant (21*) của Ấn Độ. Lúc 05:12 sáng, mặc dù không được lệnh, Chopra quay mũi máy bay về phía chiếc khu trục hạm tên lửa Zhuhai (Chu Hải) của Trung quốc. Khoảng 10 giây sau đó, viên phi công Ấn trẻ mở chốt an toàn và phóng hai quả Kh-35U ‘Switchblade’ (22) tên lửa chống hạm về phía chiến hạm Trung quốc này. Cả hai phi đạn hoạt động tốt, bay dưới tốc độ âm thanh đến mục tiêu.
Phản ứng của thủy thủ đoàn Trung quốc rất nhanh, nhưng không nhanh đủ. Ra-đa kiểu 360S Doppler dùng tần số E/F nhận dạng được hai viên phi đạn khi chúng còn cách khoảng 17 km.
Như số đông đồng bạn trên tàu, viên sĩ quan trưởng phụ trách vũ khí trên chiếc Zhuhai đã được huấn luyện hải chiến trong suốt sự nghiệp của hắn. Nhưng ngoài huấn luyện và thao diễn ra, hắn chưa trải qua thực chiến bao giờ. Hắn chưa từng bắn một viên đạn vào một kẻ địch người thật nào, mà chắc chắn là hắn chưa từng hứng chịu một cuộc tấn công như thế này bao giờ. Khi cảnh báo phi đạn xuất hiện trên màn ảnh, viên sĩ quan vũ khí này ngập ngừng vài giây trong khi óc hắn còn đang xác nhận rằng đây không phải là một lần thao dợt: có kẻ nào đó thật sự đang muốn mạng hắn đây mà.
Hắn lắc đầu thật mạnh, rồi nhấn cái nút khiến hệ thống điều hành chiến đấu ZJK-4 Thomson CSF (23) tự hành. Hệ thống điều hành chiến đấu lập tức kích hoạt hệ thống phòng không tầm ngắn HQ-7. Cái dàn 8 ống phóng tên lửa lập tức quay qua mạn tàu phải chỉa về hướng phi đạn địch.
Viên sĩ quan phụ trách vũ khí chỉ ngần ngừ rất nhanh. Điều này có thể hoàn toàn hiểu được. Tuy nhiên hắn không kịp hối hận.
Được mệnh danh là Harpoonski vì giống y như phi đạn Mỹ AGM-84 Harpoon do hãng Boeing sản xuất, hai quả Kh-35U bay sát mặt biển với tốc độ Mach 0,8 (Mach 1 = tốc độ âm thanh), hay khoảng 274,6 mét mỗi giây. Mỗi quả mang đầu đạn thuộc loại khối nổ lõm nặng 145 kg. Hai quả dập vào mạn phải của chiếc Zhuhai với 80% tốc độ âm thanh.
Như một màn ảo thuật, chiếc khu trục hạm Trung quốc biến mất trong một cụm lửa và khói đen. Khi màn khói tan đi, chiếc chiến hạm chỉ để lại một mãng dầu đang lan rộng, bên trong lởm chởm những mẫu vụn còn cháy.
Kế tiếp chỉ có thể mô tả là hỗn loạn.
Mạng thông tin của hải quân Ấn lập tức tràn ngập tiếng người nhốn nháo khi mọi viên phi công, sĩ quan phòng hành quân và nhân viên truyền tin cùng cất tiếng, cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Không rõ có tiếng nói của Trung Úy Chopra trong đó hay không, cho dù là có đi chăng nữa, nó cũng đã bị những giọng nói tức tối và hoang mang của đồng đội che lấp rồi.
Hai chiếc khu trục hạm nhỏ Ma’anshan (Mã An Sơn) và Wenzhou (Ôn Châu) có nhiệm vụ hộ tống chiếc Zhuhai, không đợi một lời giải thích nào cả. Cả hai khai hỏa vào bốn chiếc Mig-29K của Trung Úy Chopra và đồng đội.
Trong vòng vài giây ngắn ngủi, bầu trời trên vịnh Bengal ngang dọc những dây khói của những quả tên lửa hải-không Trung quốc bay lên hướng các chiếc Mig của hải quân Ấn và của những viên Kh-35U do các phi công Ấn phản kích.
Lúc mà những phi đạn đầu tiên trúng vào mục tiêu, một phi đội khác đã cất cánh từ tàu sân bay INS Vikrant rồi.
Toàn bộ cuộc chạm trán chỉ mất chưa đến 20 phút. Khi tất cả xong xuôi, cả ba chiến hạm trong nhóm hành động Trung quốc đã chìm nghỉm. Bảy chiếc máy bay của Hải Quân Ấn Độ bị bắn hạ và ba chiếc khác bay khập khiểng về chiếc tàu sân bay mang theo ít nhiều hư hại. Mặt biển đầy xác thủy thủ đã chết hay bị thương.
Thế là trận Hải Chiến Vịnh Bengal Thứ Nhất đã chấm dứt. Chém giết thật sự thì còn chưa bắt đầu.
Chú Thích:
(21) Mig-29K là phiên bản Mig-29M được cải biến để dùng với tàu sân bay. Khung xương và bộ phận bánh đáp được chế tạo cứng chắc hơn để có thể đáp trên tàu sân bay. Mig-29K chỉ được hải quân Nga và Ấn Độ sử dụng. Ấn Độ bắt đầu sử dụng từ năm 2010.
(21*) INS Vikrant: tàu sân bay do Ấn Độ tự sản xuất, có lượng giản nước 40.000 tấn, chiều dài 262 m, rộng 60 m. Tổng số nhân viên kể cả nhân viên phi hành là 1.400 người. Số lượng máy bay gồm 30 tiêm kích Mig-29K và 10 trực thăng Kamov Ka-31 hay Westland Sea King. Tàu được hạ thủy năm 2013 và đến năm 2016 còn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Dự trù chính thức vào biên chế năm 2018.
(22) Kh-35U, tên gọi của khối NATO là Switchblade (dao xếp): phi đạn chống hạm, có đầu đạn nặng 145 kg, tầm xa 260 km, có thể tự phát hiện mục tiêu (ra-đa) cách 50 km. Bắt đầu được Nga sử dụng từ năm 2003. Việt Nam bắt đầu được trang bị năm 2009 (17 quả), rồi 16 quả năm 2010; sau đó, tự sản xuất bắt đầu từ 2012. Được quân đội Mỹ gọi đùa là Harpoonski vì nó rất giống phi đạn AGM-84 Harpoon (cả bề ngoài lẫn đặc tính kỹ thuật) do hãng Boeing chế tạo và được sử dụng từ năm 1977. Người Mỹ thường ghép thêm vần –ski sau 1 từ thì lập tức biến từ đó thành Nga Sô, để chế nhạo Nga Sô hay sao chép các sản phẩm Mỹ; điều này làm nhiều người Ba Lan bực bội vì người Ba Lan mới thường hay mang họ có vần –ski ở đuôi chứ không phải người Nga, mà người Ba Lan lại thù ghét Nga Sô đã chiếm đóng nước họ sau Thế Chiến Thứ Hai và cưỡng ép Ba Lan thành một nước chư hầu trong khối Warsaw.
(23) ZJK-4 Thomson CSF là hệ thống điều hành chiến đấu của Pháp, được sử dụng chung với hệ thống tên lửa tầm ngắn HQ-7. HQ-7 là tên của Trung quốc dành cho hệ thống tên lửa Crotale của Pháp. Vào năm 1978-1979, Trung quốc mua Crotale của Pháp để trang bị cho chiến hạm. Sau này, Trung quốc tự sản xuất và gọi là HQ-7. Hệ thống này có thể ghi nhận 30 mục tiêu cùng lúc và điều khiển phi đạn chống lại 12 mục tiêu cùng lúc. Mỗi dàn HQ-7 có 8 ống phóng tên lửa; sau khi bắn hết có thể tự động nạp 8 viên khác mỗi lần. Tên lửa có tầm tối đa 15 km và tối thiểu 500 m (gần hơn, ra-đa không điều khiển được).