Số lần đọc/download: 1178 / 7
Cập nhật: 2017-04-18 08:47:09 +0700
Chương 6 - Quá Trình Phát Triển Của Phi Đạn Hành Trình (Trích Từ Bài Viết Của Tiến Sĩ David M. Hardy Cho Viện Phân Tích Chiến Lược Quốc Gia)
P
hi đạn hành trình… Những từ này gợi lên hình ảnh chiến tranh bằng kỹ thuật cao và độ chính xác siêu đẳng của những vũ khí đánh trúng ngay vào những mục tiêu cách xa hàng trăm (hay hàng ngàn) cây số. Đối với nhiều người Mỹ, lần đầu tiên họ biết đến phi đạn hành trình là vào đầu những năm 1990, khi mà các phương tiện truyền thông bắt đầu chiếu các đoạn phim chiến đấu trong chiến dịch Bão Táp Sa Mạc và những cuộc đột kích đầu tiên của quân đội Mỹ vào nước Iraq.
Từ ngày 16 tháng Giêng năm 1991, hằng triệu khán giả truyền hình được xem những đoạn phim bi tráng của những quả tên phi đạn Tomahawk (17) được phóng lên từ những thiết giáp hạm, tuần dương hạm và khu trục hạm của Mỹ. Do những sự khó khăn về kỹ thuật có thể mường tượng được, không có khúc phim nào chiếu cảnh tên lửa được phóng từ tàu ngầm đang lặn trong hoàn cảnh thực chiến. Tuy nhiên, các tàu ngầm tấn công của Mỹ trong vùng biển Ba Tư và Hồng Hải đã tham gia tập kích bằng phi đạn ngay từ những giây phút đầu của cuộc chiến.
Người dân Mỹ được lôi cuốn bởi cái khái niệm về vũ khí ‘thông minh’, thông minh đủ để bay dọc theo một con đường trong thành phố bên trên xe cộ đang giao thông, quẹo trái tại đúng một góc đường nào đó, rồi ngoằn ngoèo quanh những hàng quán hay căn hộ để nhận diện và tiêu hủy một kiến trúc đã được chỉ định, chứ không phải một kiến trúc nào khác.
Đại tướng Norman Schwarzkopf, Tổng Chỉ Huy Trưởng Địa Vực Trung Ương (18) từng nhận xét rằng phi đạn Tomahawk chính xác đến độ người ta có thể chọn lựa cho phi đạn bay vào cửa sổ nào của căn kiến trúc bị chỉ định là mục tiêu.
Sau cuộc chiến, kết quả đánh giá thiệt hại cho thấy rằng Đại tướng Schwarzkopf quả nhiên không nói khoác. Phi đạn BGM-109 Tomahawk quả thật chính xác như thế đấy.
Chiến dịch Bão Táp Sa Mạc là lần thực chiến đầu tiên cho thấy sự hữu hiệu khủng khiếp của vũ khí thông minh. Chính phủ và quân đội Iraq hoàn toàn thiếu chuẩn bị đối với sự chính xác và khả năng của các binh khí mới nhất của Mỹ.
Khi quần chúng trở nên hiểu biết hơn về các binh khí này, nhiều từ ngữ mới bắt đầu len lỏi vào ngôn ngữ thông dụng. Những cụm từ như Terrain Contour Matching (TERCOM) (19) (so sánh địa hình) và Digital Scene-Matching Area Correlation (DSMAC) (20) (so sánh hình ảnh được chụp dùng kỹ thuật số), mặc dù không đi vào ngôn ngữ hàng ngày, nhưng cũng biến thành từ ngữ kỹ thuật thông dụng khi nói về binh khí hiện đại.
Từ sau chiến dịch Bão Táp Sa Mạc, vô số hình ảnh báo chí, cộng thêm đồ hình và những lời bình phẩm trên truyền hình, có lẽ đã cho người dân bình thường cái cảm tưởng sai lầm rằng mình đã hiểu rõ các kỹ thuật liên quan đến phi đạn hành trình rồi. Mặc dù tác giả không muốn hạ thấp ai, nhưng chủ yếu những gì số đông người bình thường hiểu về phi đạn hành trình có thể tóm gọn trong ba câu sau đây:
Phi đạn hành trình có thể được phóng đi từ đủ loại tàu bè, xe cộ và máy bay đến những mục tiêu cách xa hàng mấy ngàn cây số.
Do bay sát mặt đất và lộ trình quanh co, ra-đa rất khó dò ra được phi đạn hành trình; muốn đánh chặn còn khó hơn nữa.
Các vũ khí kỳ diệu này là thành quả của những ngành kỹ nghệ tiên tiến nhất.
Hai câu đầu coi như đúng. Câu thứ ba nghe có vẻ đương nhiên và không thể chối cãi, thật ra là sai.
Mặc dù phi đạn hành trình được cải tiến nhờ cái kỹ thuật hiện đại, kỹ thuật cơ bản của nó không phải mới mẻ. Thật ra, lịch sử của phi đạn hành trình kéo dài từ tận Thế Chiến thứ Nhất.
Tuy nó có khả năng kiệt xuất, cái mà hiện nay được gọi là ‘binh khí cho thế hệ tới’ đã trải qua một thế kỷ phát triển rồi. Và câu chuyện đời của nó cũng hấp dẫn như chính nó vậy.
Chú Thích:
(17) Tomahawk BGM-109: phi đạn hành trình được hải quân Mỹ sử dụng từ cuối những năm 1970, cho đến ngày nay sau nhiều đợt nâng cấp. Phi đạn nặng 1.300 kg, có tầm xa tối đa 2.500 km (phiên bản tấn công mặt đất) hay 460 km (chống hạm). Động cơ phản lực, tốc độ bay 880 km/giờ. Có nhiều loại đầu đạn kể cả hạt nhân (không còn sử dụng từ trước 2013), đầu đạn đơn (450 kg), đầu đạn phụ, v.v. Hình ảnh kèm theo được chụp trong một vụ thử nghiệm tập kích một phi trường địch, cho thấy độ bay cao của phi đạn; mục tiêu là một chiếc máy bay cũ.
(18) Địa Vực Trung Ương: United States Central Command (USCENTCOM or CENTCOM) là một cơ cấu của bộ quốc phòng Mỹ chịu trách nhiệm về mọi hoạt động quân sự của mọi binh chủng cho ‘địa vực Trung Ương’. Địa vực này bao gồm tất cả vùng Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á, đặc biệt là Afghanistan và Iraq. Có tất cả 9 khu vực, không chỉ bao gồm địa vực mà còn cả lãnh vực quân sự. Đó là: USAFRICOM (địa vực Phi châu), USCENTCOM (địa vực Trung Ương), USEUCOM (địa vực Âu châu), USNORTHCOM (địa vực Bắc Mỹ châu), USPACOM (địa vực Thái Bình Dương), USSOUTHCOM (địa vực Trung và Nam Mỹ châu, kể cả quần đảo Ca-Ri-Bê), USSOCOM (lãnh vực Đặc Nhiệm toàn cầu), USSTRATCOM (lãnh vực Chiến Lược toàn cầu) và USTRANSCOM (lãnh vực Vận Chuyển toàn cầu)
(19) Terrain Contour Matching (TERCOM): tên của một phương pháp định vị được dùng cho phi đạn hành trình. Phương pháp này dùng ra-đa trên phi đạn để đo cao độ của địa điểm mà phi đạn đang bay qua, so sánh với cao độ của từng giai đoạn trên tuyến đường phải bay qua (đã được ghi vào bộ nhớ của phi đạn trước khi được bắn). Nhờ đó mà phi đạn luôn bay trên tuyến đường đã định trước một cách cực kỳ chính xác. Tuy nhiên điều này đỏi hỏi phải có chi tiết cao độ chính xác của toàn bộ lộ trình. Ngày nay, TERCOM được thay thế bằng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS.
(20) Digital Scene-Matching Area Correlation (DSMAC): phương pháp định vị dùng cho phi đạn hành trình hay tên lửa đạn đạo. Hình ảnh của một số địa điểm dọc theo tuyến đường của phi đạn (được vệ tinh chụp bằng kỹ thuật số từ trước) ghi vào bộ nhớ của phi đạn khi tuyến đường đến mục tiêu được chọn. Khi bay đến những địa điểm đã được chọn (như núi, sông, …), máy hình trên phi đạn sẽ so sánh những gì đang thấy với hình ảnh đã có sẵn của các địa điểm ấy để xác định vị trí; do đó hành trình của phi đạn luôn được điều chỉnh chính xác nhất.