Số lần đọc/download: 1493 / 24
Cập nhật: 2015-07-27 08:23:44 +0700
Tử Tù Và Án Oan: Sự Tắc Trách Hay Âm Mưu Đen Tối?
G
iờ hành quyết cận kề, tưởng như các tử tù này đã phải mất mạng vì một tội lỗi mà họ không hề gây ra. Nhưng cuối cùng công lý đã đến với họ.
Ông Randy Steidl
Nguyên nhân hủy hoại cuộc đời một công dân đôi khi chỉ đến từ sự tắc trách của những người cầm cán cân công lý, một âm mưu che đậy sự thật, hoặc chỉ đơn giản là thói hám thành tích của những người thực thi pháp luật. Mỗi án tử sai lầm là một vết nhơ trong ngành tư pháp.
Năm 1986, một vụ án mạng kinh hoàng xảy ra tại bang Illinois (Mỹ). Cặp vợ chồng mới cưới Dyke và Karen Rhoads đã bị sát hại dã man.
Randy Steidl (khi ấy 35 tuổi) bị xem là nghi can vụ sát hại này.
Chứng cứ bị che đậy
Dù Randy Steidl có bằng chứng ngoại phạm trong đêm xảy ra án mạng nhưng cảnh sát vẫn còng tay bắt Randy cùng người bạn Herbert Whitlock.
Theo Tổ chức Làm chứng cho những người vô tội, tòa án đã kết tội Randy dựa vào lời khai của hai kẻ nát rượu là Deborah Reinbolt và Darrell Harrington.
Hai “nhân chứng” này nói họ đã tận mắt chứng kiến Randy hung hãn đâm 50 nhát vào người cặp vợ chồng mới cưới, sau đó còn phóng hỏa đốt nhà của cặp đôi này.
Tòa án còn dựa vào lời khai của Ferlin Wells (một người cung cấp thông tin trong nhà tù) rằng ông này từng nghe Randy thú nhận “nếu biết Harrington (người làm chứng) ở hiện trường lúc đó, tôi đã xử đẹp hắn”.
Mặc dù lời khai các nhân chứng trên có nhiều điểm bất nhất nhưng chỉ 90 ngày sau khi vụ án mạng xảy ra, Randy bị kết án tử hình.
Năm 2000, khi Randy đang chờ thi hành án, một cảnh sát bang Illinois là Michale Callahan đã lật lại hồ sơ, phát hiện nhiều khuất tất trong lời khai nhân chứng và năm lần điều tra lại vụ án.
Theo ông Callahan, có dấu hiệu cảnh sát địa phương và các công tố viên cố tình che đậy chứng cứ để đổ tội giết người cho Randy. Tuy nhiên, thống đốc bang Illinois lúc bấy giờ là ông George Ryan đã chỉ thị Callahan ngừng ngay việc điều tra.
Nhiều đồn đoán cho rằng việc ngừng điều tra là do án mạng trên có liên quan đến ông Robert Morgan - “nhà tài trợ chính cho chính trị gia có quyền lực ở Illinois”, người từng bơm tiền cho chiến dịch tranh cử của thống đốc Ryan.
Theo Ðài truyền hình CBS thì nạn nhân bị sát hại Karen Rhoads chính là nhân viên của Robert Morgan và nhà tài phiệt này là nghi can số 2 sau Randy trong vụ án mạng.
Ðiều tra của cảnh sát bang Illinois sau đó tìm được bằng chứng cho thấy cảnh sát địa phương và phía công tố đã tìm mọi cách để có các chứng cứ chống lại Randy, khớp với lời khai của các nhân chứng. Mặt khác, liên tiếp trong các năm 1988-1989, hai nhân chứng Harrington và Reinbolt đã công khai rút lại lời khai.
Ðến năm 2003, tòa án liên bang đã lật lại hồ sơ vụ kết tội Randy. Các xét nghiệm ADN cho thấy Randy không phải là hung thủ vụ án mạng này. Ông được trả tự do ngày 28-5-2004.
Sabrina Butler cùng chồng và ba con - Ảnh: trang web của Sabrina
Con chết vì bệnh, mẹ chịu án tử
Còn với Sabrina Butler, sống ở Columbus (Mississippi - Mỹ), chẳng lời nào tả hết nỗi đau tột cùng của cô khi vào năm 1989, lúc mới là thiếu nữ 17 tuổi, cô đã bị buộc tội giết bé Walter - chính là con trai đầu lòng của mình.
Sau sáu năm dài chờ ngày tiêm thuốc độc tử hình, Sabrina mới được tòa tuyên vô tội. Kết quả điều tra cuối cùng cho thấy cái chết của con trai bé bỏng của cô là do căn bệnh thận di truyền. Sabrina trở thành nữ tử tù đầu tiên được giải oan tại Mỹ.
Mới đây, Sabrina đã kể lại những tháng ngày như ác mộng của mình trên tạp chí Time:
“Vào một đêm năm 1989, con trai 9 tháng tuổi của tôi đột nhiên ngừng thở. Tôi xốc con lên và chạy một cách điên cuồng sang nhà hàng xóm. Họ đã không giúp được gì cho con tôi.
Tôi chạy xuống cầu thang, một cô gái bồng con tôi, khởi động CPR (máy hồi sinh tim - phổi) và hướng dẫn tôi cách dùng chiếc máy. Tôi sử dụng CPR suốt quãng đường đến bệnh viện. Chiếc máy đã để lại nhiều vết bầm tím trên ngực Walter. Nhưng rồi các bác sĩ nói họ đã làm hết cách mà không thể cứu sống con trai tôi.
Sáng hôm sau, tôi được lệnh triệu tập đến sở cảnh sát. Khi tôi vừa đến, điều tra viên hét vào mặt tôi: “Mày biết chính mày là người giết đứa bé. Mày dùng chân đạp con mày và vứt đứa bé xuống sàn. Chính mày đã giết nó!”.
Ông ta hét vào mặt tôi ròng rã ba giờ đồng hồ. Mặc cho tôi nài nỉ, ông ta cứ tiếp tục quát rằng tôi đã giết con. Tôi hốt hoảng cực độ, tôi bị tống vào tù và không được phép dự đám tang của Walter.
24 giờ sau đó, những người đàn ông đầy tham vọng tra vấn, hăm dọa buộc tôi nhận tội. Trong trạng thái đó, tôi đã ký đại vào những lời thú tội dối trá mà họ viết sẵn. Trên tờ giấy, tôi ký tên mình nhỏ xíu để cho họ thấy sự kháng cự của tôi đối với thứ quyền lực tàn nhẫn của họ”.
Khi 18 tuổi, Sabrina bị buộc tội hành hạ trẻ em và sát nhân. Cô bị tuyên án tử. Một mình dằn vặt trong xà lim mỗi ngày, nhiều lúc cô đã nghĩ đến những điều rồ dại...
“Vào cái tuổi mà lẽ ra các thiếu nữ khác đang bước vào giảng đường đại học, tôi bị tuyên án tử, chờ ngày hành hình bằng thuốc độc. Mẹ tôi đã đấu tranh tìm cách rửa oan cho tôi. Tôi đã rất may mắn khi gặp các luật sư giỏi” - Sabrina kể.
Họ đã giúp cô kháng án và tìm nhân chứng. Trước tòa, nhân chứng đã nói rõ lý do tại sao trên cơ thể con trai cô có những vết bầm. Luật sư của cô cũng chứng minh được con trai cô chết vì bệnh thận di truyền.
Mãi đến sáu năm sau khi mất con và bị tuyên án tử, Sabrina mới tìm được công bằng cho bản thân. Năm 1995, Sabrina được tuyên vô tội.
Trong các buổi diễn thuyết trước sinh viên về nỗi oan ức giằng xé, mỗi khi nhắc đến việc buộc phải nhận những tội ác không phải do mình gây ra, nước mắt lại chảy tràn trên khuôn mặt người phụ nữ từng trải qua nỗi đau tột cùng.
Ngày 9-3-2011, thống đốc bang Illinois Pat Quinn đã ký sắc lệnh số 3539 hủy bỏ án tử tại tiểu bang này. Quyết định này được đưa ra vài năm sau khi tòa tuyên tử tù Randy Steidl vô tội.
Câu chuyện của người tử tù Randy là đề tài trong loạt phim tài liệu những tử tù bị oan One for ten do Anh sản xuất. Vụ án này còn được đưa vào chương trình giảng dạy ở các học viện luật ở Mỹ.
Một nghiên cứu của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (NAS) cho thấy có hơn 4% người vô tội trong số các tử tù Mỹ. Tức cứ mỗi 100 tử tù thì có đến bốn người trong số đó bị oan!
Tính từ năm 1973 đến nay, đã có 146 tử tù tại Mỹ được trả lại tự do, minh oan sau nhiều năm bị kết án tử và phải chờ ngày hành hình. Randy Steidl là một trong số 146 tử tù được rửa oan và được trả tự do.
Sakae Menda là tử tù đầu tiên trong lịch sử tư pháp Nhật được trả tự do. Trong suốt 34 năm ông đã kiên cường đấu tranh trong tù để giành lại công lý.