Số lần đọc/download: 787 / 4
Cập nhật: 2017-09-25 01:59:04 +0700
Vào Truyện
V
ua Hán say A Kiều, xây cung vàng khoá chặt
Tiếng ho động trời xanh, vui bảo là tiếng nhạc
Nuông quá làm thương hết, ghen nhiều khiến tình tan
Trường Môn một bước ngang, xe không buồn ghé tới
Mưa nào ngược lên trời, nước đổ rồi khó hốt
Tình chàng và ý thiếp, chia hai ngả đông tây
Đoá phù dung xưa rồi, nay thành cỏ đứt rễ
Sắc mê người có thể, được bao sâu, bao lâu…
(Thiếp mệnh bạc – Lý Bạch)[1]
[1] Bản dịch toàn bộ thơ và phú trong truyện thuộc về người dịch.
Vào khoảnh khắc đó, y hờ hững xoay người bỏ đi, mặc câu thề nguyền thời ấu thơ sẽ xây lầu vàng cho nàng dần trở nên hoang lạnh rồi tan tành đổ vỡ.
Vào ngày hôm đó, định mệnh xô đẩy nàng tình cờ gặp lại người thầy – người bạn tốt ngày trước, để trong lòng lại ngân lên niềm hy vọng mới.
Vào tháng đó, y ngắm nhìn khuôn mặt bầu bĩnh đáng yêu của nàng, để chợt nhận ra có cố gắng bao nhiêu cũng là vô vọng, nhưng khi nàng ngẩng đầu nhìn lên thì y lại thật lòng tin vào nụ cười trong sáng ấy.
Vào năm đó, nàng vẫn lẩn quẩn trong chốn hồng trần, muốn né tránh nhưng cuối cùng vẫn không thoát khỏi số phận vốn thuộc về mình, vĩnh viễn chẳng thể quay về như thuở ban đầu. Cuộc đời này của chúng ta… Khi tóc đã bạc, hãy nhắm mắt lại hồi tưởng về cuộc đời, tất cả buồn, vui, tan, hợp sẽ hiện lên rõ ràng như mới ngày hôm qua, sẽ thấy hằng hà sa số nhân duyên mà chúng ta đã bỏ lỡ chỉ bởi vì như con chim một lần bị bắn tên nên mãi sợ cành cong. Nào phải không yêu chàng, nhưng sao mãi chẳng thể khiến trái tim tin vào tình yêu của chàng. Thời gian như nước trôi qua cầu, có thể làm dịu đi nỗi đau nhưng làm sao bắt được một con tim từng bị tổn thương không đề phòng người ngày đó đã từng phụ bạc?
Chuyện đời khi gieo “nhân” có ai lường được “quả” ngày sau. Quyền uy đế vương trên thế gian nào miễn cưỡng được nhịp đập trái tim. Chẳng thể nói nên lời nỗi hối hận khôn cùng, hối hận đã tàn nhẫn đẩy nàng rời xa vòng tay, hối hận đã để qua đi những ngày tháng nhan sắc rạng ngời.
Tiết Thanh minh năm 2007, một năm sau ngày mẹ mất, Hàn Nhạn Thanh một mình đến chùa Viên Giác trên núi Li Sơn thắp nén nhang trước vong linh của mẹ.
Sau khi cha nàng bỏ rơi hai mẹ con, mẹ một lòng một dạ tìm đến với đức Phật để lãng quên những yêu hận khó phân. Người có niềm tin vào đức Phật, coi trọng tứ đại giai không[2], nếu còn vương vấn chốn hồng trần thì sao có thể đến được cõi Phật? Vì thế, sau khi nuôi dưỡng con gái trưởng thành, mẹ nàng đã rời bỏ thế giới này. Khi nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt mẹ trước lúc từ trần, trong lòng nàng mờ mịt không hiểu, phải chăng cái chết với bà chính là một sự giải thoát?
[2] Trong giáo lý nhà Phật, cụm từ “tứ đại giai không” có nghĩa là thân xác con người do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành, đến khi hết duyên thì nó tan rã, tất cả chỉ là hư không.
Sau khi mẹ mất, Hàn Nhạn Thanh đã thắp một ngọn đèn thờ ở chùa Viên Giác theo đúng tâm nguyện của bà, hàng năm cứ đến ngày rằm và tiết Thanh minh đều đến lễ chùa. Mỗi lần nhìn ánh đèn hiu hắt trên bàn thờ, nàng đều cảm giác như mẹ đang lặng lẽ trở về ngắm nhìn đứa con gái mà bà để lại nơi trần thế. Ánh mắt của mẹ vẫn hiền từ, đầy ưu tư, lặng lẽ ngắm nàng như trong suốt gần hai mươi năm qua, từ khi nàng còn là đứa trẻ sơ sinh bé bỏng đến lúc lớn lên trở thành một nữ học viên cảnh sát đầy mạnh mẽ. Vậy mà đến hôm nay, khi nàng đã thật sự trưởng thành, đạt được ước mơ thuở nhỏ là trở thành nữ cảnh sát thì mẹ lại không còn nữa. Nàng cứ như vậy quỳ trong tiền đường của chùa, cảm giác thật lạnh lẽo.
Mẹ ở chỗ này, chắc cũng lạnh lắm.
Nàng dần không nhớ được khuôn mặt của cha, nhưng vẫn luôn nhớ mẹ thỉnh thoảng trốn vào một góc vắng, khe khẽ ngâm nga khúc hát bi ai của cuộc đời. Trong bài hát đó có câu “Chỉ thấy ai cười vui với người đẹp lầu vàng, lòng lãng quên những thương đau thuở nghèo hèn, để cuối cùng bỏ rơi người vợ buổi gian nan.” Khi còn rất nhỏ, nàng ngây thơ, không hiểu được những buồn đau trong lòng bà nên đã hỏi, “Mẹ ơi, người đẹp lầu vàng nghĩa là gì?”
Mẹ nàng lặng người, suy nghĩ một lúc mới từ từ kể lại, “Ngày xửa ngày xưa, triều nhà Hán có một vị hoàng đế tên là Hán Vũ Đế, hoàng hậu đầu tiên của ông tên là Trần A Kiều. Họ cùng lớn lên, thân thiết với nhau. Hán Vũ Đế từng hứa với người chị họ rằng: Nếu có một ngày ta lấy được Trần A Kiều làm vợ, ta sẽ xây lầu vàng cho nàng ở.”
Nàng chép miệng, lấy làm lạ, “Hai người là chị em họ[3], chẳng phải là không được kết hôn sao?”
[3] Sử chép, Trần A Kiều là con gái của Trưởng công chúa Quán Đào Lưu Phiếu – chị gái của vua Hán Cảnh Đế. Vua Hán Cảnh Đế là phụ thân của Hán Vũ Đế, vì vậy Trần A Kiều xét theo quan hệ huyết thống là chị họ của Hán Vũ Đế.
“Việc này…”, mẹ nàng lặng người một lát, “Triều Hán không tính đến.”
“Ồ”, Hàn Nhạn Thanh cũng không để tâm, cúi đầu hỏi tiếp, “Chuyện xưa mở đầu thật đẹp. Hơn nữa chẳng phải Trần A Kiều là hoàng hậu của Hán Vũ Đế sao? Thế nào mà cuối cùng lại mang tiếng trở thành hồ ly tinh cướp chồng người chứ?”
“Bởi vì…”, giọng mẹ đau thương, “Bà hoàng hậu họ Trần này có hậu vận rất buồn thảm. Khi người chồng vốn là em họ của nàng lên làm hoàng đế thì đã phế nàng, lập người con gái họ Vệ làm hoàng hậu, bỏ mặc nàng một mình đằng đẵng trong cung Trường Môn đau khổ đợi ông ta suốt hơn hai mươi năm. Cho đến khi chết, Hán Vũ Đế cũng không hề tới gặp nàng.”
“Thiếp tóc xoà trên trán, trước cửa hái hoa chơi
Chàng cưỡi ngựa trúc đến, vòng quanh ghẹo đẹp đôi.”[4]
“Hoa phù dung thuở trước, Cỏ đoạn trường hôm nay.”[5]
[4] Đây là đoạn trích trong bài ‘Trường Can hành (Bài ca ngõ Trường Can)’ của Lý Bạch. Trường Can là tên một con ngõ cổ, nay thuộc phía nam thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
[5] Chính là câu thơ “Đoá phù dung xưa rồi, nay thành cỏ đứt rễ” trong bài Thiếp bạc mệnh của Lý Bạch.
Người đẹp lầu vàng cái gì chứ, tất cả đều là giả dối, cuối cùng chẳng qua cũng chỉ là lãnh cung Trường Môn, nơi chứng kiến những tháng ngày cuối đời buồn thảm của người phụ nữ đã từng ôm mộng ước.
Chuyện xảy ra đã hai nghìn năm nhưng khi nghe kể lại, nàng vẫn cảm nhận thấy nỗi bi thương của người xưa. Đàn ông trên đời thường phụ bạc, vô tình nhất ấy là bậc đế vương. Khi mẹ chết, cha nàng cũng không hề đến nhìn mặt. Tuy nàng oán hận nghĩ rằng: Cho dù cha có đến nàng cũng không chịu cho ông tới vái trước linh cữu của mẹ, nhưng việc ông từ đầu tới cuối không tới vẫn khiến nàng thấy đau khổ trong lòng. Cha thật sự không hề nhớ đến mẹ con nàng, vậy cũng chẳng sao, người làm cha đã vô tình thì người làm con là nàng cũng sẽ quên lãng. Cõi đời này vốn không có ai vì mất ai mà không sống nổi.
Nàng vái lạy mẹ xong, vừa đứng dậy quay người định bước đi thì bỗng giật mình. Không biết từ khi nào, một vị hoà thượng mặc áo cà sa, đầu tóc bạc trắng đã đứng cách sau nàng mấy bước, đang chắp tay trước ngực, lên tiếng, “Chào nữ thí chủ.”
Ánh mắt hoà thượng từng trải, dáng vẻ tiên phong đạo cốt[6], chỉ là nàng hoàn toàn không hay biết ông ta đã tiến vào điện từ khi nào. Đã đứng ở đây chắc là sư trụ trì của chùa, nàng nghĩ rồi đáp lời, “Chào Đại sư.”
[6] Tiên phong đạo cốt: Phong cách của người tu tiên.
“Lão nạp là Thiên Mi”, hoà thượng trả lời hiền hoà, “Trông thấy tướng mạo của nữ thí chủ rất kỳ lạ, nhưng với tu hành của mình thì lão nạp nhìn không thấu, thế nên cầu nữ thí chủ rút giùm ột quẻ.”
Chùa Viên Giác dùng cách này kiếm tiền từ khi nào vậy? Nàng thầm kinh ngạc, lắc đầu đáp, “Tôi không tin quẻ bói.”
“Điều này đâu phụ thuộc vào chúng ta chứ”, đại sư Thiên Mi vẫn điềm đạm, “Thí chủ tin hay không tin thì số trời cũng đã định.”
Nàng không lay chuyển được hoà thượng, bất đắc dĩ cũng đành chọn lấy một quẻ thẻ ở sát thành ống, mở ra nhìn thì thấy là một bài thơ thất ngôn:
“Cháu con Cao Tổ thuộc chi đầu,
Tâm hồn đạm bạc lòng thanh cao.
Xây đài trùng điệp ba nghìn dặm,
Dùng hết cát xong mới đến tiền.”
Tên quẻ là bốn chữ lớn: Kim ốc tàng Kiều[7].
[7] Kim ốc tàng Kiều: Lầu vàng cất người đẹp. Nhắc tới câu chuyện của Hán Vũ Đế và Trần A Kiều như lời nhân vật kể bên trên, nay đã trở thành điển tích.
Nàng nhíu mày không hiểu, “Quẻ này cát hung thế nào?”
Thiên Mi tỏ vẻ quái lạ, xem thật kỹ rồi thở dài, “Quẻ này thật là kỳ lạ, nằm ngoài khả năng giải thích của lão nạp. Không phải là quẻ hung, cũng không phải quẻ cát, số phận sau này của thí chủ ra sao thì chắc chỉ có bản thân thí chủ mới quyết định được. Nhưng thí chủ đi lần này nhất định sẽ gặp kỳ ngộ.”
Hàn Nhạn Thanh bật cười, càng cảm thấy hoà thượng này đang lừa dối liền hỏi cho qua chuyện, “Giải thích quẻ hết bao nhiêu tiền?” Thiên Mi lắc đầu chắp tay đáp, “Bần tăng chẳng qua chỉ tò mò về số phận của thí chủ chứ không có ý định trục lợi. Thí chủ đi lần này cần phải cẩn trọng.”
Ông ta nhìn theo hút Hàn Nhạn Thanh xuống núi rồi xoay người lại chắp tay lạy Phật tổ trong Đại Hùng bảo điện, “Số phận đã được U Minh định trước. Ý trời rất kỳ diệu, đâu phải có thể dễ dàng tiết lộ. Chỉ là…”, ông ta than một tiếng, “Hy vọng bọn họ sẽ không phải hối hận.”
Hàn Nhạn Thanh vừa xuống Li Sơn thì nghe tiếng chuông điện thoại di động reo vang. Quý Đan Tạp gọi tới, giọng háo hức: “Nhạn Thanh, chúng ta đã được giao nhiệm vụ đầu tiên, đó là đóng giả thư ký để bảo vệ giám đốc của một công ty đã lên sàn chứng khoán của thành phố này, hình như ông ta tên là Mạc Ung Niên, có thích không?”
Mặc dù trong trường cảnh sát, nàng và Tạp Tạp cũng chịu mức huấn luyện không hề dễ hơn các nam sinh, nhưng không thể phủ nhận rằng các nữ cảnh sát luôn bị coi thường. Hai người đều mới vào nghề, nếu không phải lần này nhất định phải sử dụng nữ cảnh sát thì có lẽ các nàng còn phải ở lại đội rèn luyện thêm mấy tháng nữa mới có thể được giao nhiệm vụ.
“Cấp trên yên tâm giao cho hai chúng ta sao?”, nàng hỏi.
“Không đâu”, giọng Tạp Tạp hơi bực bội, “Họ đã chỉ định đội trưởng, chúng ta chỉ là đầu sai thôi.”
“Không nên nản chí, một ngày nào đó bọn họ sẽ biết tay tiểu thư Tạp Tạp của chúng ta”, nàng trêu chọc, “Tớ sẽ về ngay.”
Nàng đâu biết rằng, bọn họ không đợi được đến ngày đó. Ngay trong Tuần lễ vàng chào mừng ngày mồng một tháng Năm, đài truyền hình Tây An đưa tin, “Rạng sáng ngày hai mươi chín tháng Tư, một chiếc xe con hiệu Audi đang chạy bỗng phát nổ, hai nam hai nữ trên xe, không ai sống sót. Chủ xe là Mạc Ung Niên, giám đốc điều hành Công ty X. Cảnh sát địa phương đã tiến hành điều tra, cho biết vụ nổ lần này nghi là do…”
Vụ thảm án bất ngờ đã mang điềm gở đến cho Tuần lễ vàng, tuy nhiên bốn người trên xe đã không còn chứng kiến được điều này, câu chuyện của bọn họ lại nổi lên huy hoàng ở một thế giới khác…
Thiếp tóc xoà trên trán, trước cửa hái hoa chơi
Chàng cưỡi ngựa trúc đến, vòng quanh ghẹo đẹp đôi
Trường Can cùng chung xóm, còn bé chẳng quan hoài
Mười bốn nên chồng vợ, ngượng ngùng lắm chàng ơi
Quay tường đầu rúc gối, gọi ngàn lần kệ thôi
Mười lăm thì trổ dáng, nguyện muôn kiếp không rời
Giữ lòng tin son sắt, ngại chi vọng phu đài?
Mười sáu chàng đi tận, Cù Đường Diễm Dự rồi
Năm tháng không được gặp, vượn kêu buồn thấu trời
Dấu chân lưu trước cửa, rêu xanh đã phủ dài
Nhiều đến không quét nổi, thu thêm lá vàng rơi
Tháng Tám bươm bướm đến, vườn Tây bay cặp đôi
Cám cảnh đau lòng thiếp, buồn dâng ngập mắt môi
Đến Tam Ba nhớ nhé, sớm biên thư báo nhà
Đón chàng dầu xa mấy, cũng đến Trường Phong Sa.
(Trường Can hành – Lý Bạch)