Love is like a butterfly, it settles upon you when you least expect it.

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7729 / 201
Cập nhật: 2016-06-08 09:12:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Bản Án Tử Hình -
Ở ngay bản án tử hình có lúc thịnh lúc suy. Dưới thời Nga hoàng Aleksei Mikhailovich Romanov, Bộ Hình Luật ghi rõ 50 tội danh có thể lãnh án tối đa. Thời Peter Đại đế có luật quân sự, số tội danh tăng lên 200. Nữ hoàng Elizabeth không hủy bỏ những đạo luật cho phép xử tử hình nhưng không hề sử dụng đến. Tục truyền lúc mới lên ngôi bà đã lập lời nguyền không bao giờ tuyên án tử hình. Hai mươi năm trên ngôi báu, bà vẫn giữ vẹn lời thề, kể cả 7 năm chinh chiến. Giữa thế kỷ XVIII, 50 năm nữa mới có máy chém thì đó quả là một kỳ tích!
Tuy nhiên chúng ta quen hạ giá lịch sử, có bao giờ chịu ngợi khen, nhìn nhận điều gì tốt đẹp bao giờ? Chúng ta sẵn sàng chê Nữ hoàng Elizabeth, tiếng là bỏ án tử hình nhưng thay vào đó biết bao nhiêu cách trừng phạt: nào phạt roi phạt trượng, cắt mũi xẻo tai, thích chữ vào mặt, lưu đày chung thân sang Tây Bá Lợi Á. Nhưng thử hỏi dưới chế độ xã hội ấy bà có thể làm gì hơn được? Hiển nhiên một thằng bị án tử hình bây giờ sẽ coi như được sống lại sẵn sàng đánh đổi tất cả ngần ấy hình phạt miễn là được sống. Văn minh nhân tạo như chúng ta có cho phép họ chịu đòn, chịu đi đày thế mạng không? Không lẽ những hình phạt thời Elizabeth lại nặng hơn 20 năm (hay 10 năm) nằm trại Cải tạo?
Xét lại khi nhất quyết không cho thi hành án tử hình, Nữ hoàng Elizabeth đứng trên quan điểm hoàn toàn nhân đạo. Nhưng Nữ hoàng Catherine nghĩ khác. Làm sao bỏ án tử hình cho được? Bỏ đi là nguy hiểm cho bản thân, cho ngai vàng và cho cả chế độ! Bắt buộc phải duy trì bản án tối đa trong những vụ án chính trị, chẳng hạn như vụ khởi loạn Mạc Tư Khoa, vụ án Mirovich, vụ án Pugachev. Còn đối với những thứ tù tư pháp thì cần gì duy trì án tử hình!
Dưới triều đại Hoàng đế Paul không còn án tử hình. Dù chinh chiến nhiều phen song vẫn không có nạn mỗi đơn vị kèm theo một toà án binh. Suốt triều đại Alexander Đệ nhất án tử hình chỉ áp dụng riêng cho những tội phạm chiến tranh, giữa thời kỳ chiến tranh (1812) Dĩ nhiên không thể tránh khỏi những vụ thủ tiêu lén lút nhưng tuyệt đối không có vụ người truất quyền sống của người, trong những phiên họp gọi là Toà xử án công khai. Trong nửa thế kỷ liền – từ Pugachev đến vụ sĩ quan nổi loạn tháng 12 – nước Nga không có một bản án tử hình, kể cả những tội chống lại nhà nước.
Hình như máu của 5 kẻ phản loạn tháng 12 đổ ra đã làm nhà nước say mùi máu. Án tử hình không bỏ xó nữa, không cấm đoán, giới hạn nữa cho đến ngày Cách mạng tháng 2 năm 1917. Những bộ luật năm 1845 và 1904 đã xác nhận điều đó và sau này còn thêm các bộ Hình Luật của Lục quân, Hải quân.
Ở Nga có bao nhiêu người đã bị chính thức xử tử trong thời gian đó?
Ở chương 8, chúng ta đã có con số. Giờ đây phải thêm vô những con số đã được kiểm chứng của chuyên viên Hình Luật Tagantsev. Theo ông ta cho tới 1905 án tử hình ở Nga chỉ là một biện pháp đặc biệt. Trong khoảng 30 năm, tử 1876 đến 1904 trên toàn quốc chỉ có tổng cộng 486 người bị xử tử, trung bình mỗi năm 17 người. Đó là thời kỳ hoạt động Cách mạng và khủng bố của Narodnaya Volya phải mới rỉ tai dự định khủng bố! Đó là thời kỳ công nhân đình công tập thể và nông dân nổi loạn. Đó cũng là thời kỳ thành lập và củng cố, phát triển của các đảng phái làm cách mạng. Con số 486 người bị xử tử trong vòng 30 năm đó còn gồm luôn những tội phạm tư pháp. Mỗi năm xử tử đến 17 người! Đấy quả là một thành tích ghê gớm, nếu so với Thụy Sĩ, vì ở Schlusselburg từ 1884 tới 1906 chỉ có đúng 13 người bị xử tử hình.
Những năm đầu tiên của cuộc Cách mạng 1905, nhà nước thẳng tay đàn áp số người bị xử tử đã nhảy vọt kinh khủng. Dân Nga bàng hoàng, Tolstoi đổ lệ Korolenko và biết bao nhiêu người khác nghiến răng căm hờn. Từ 1905 qua 1908 mới có 4 năm mà nhà nước xử tử tới 2.200 người, trung bình 45 người một tháng. Chuyên viên Hình Luật Tagantsev phải mệnh danh thời kỳ dịch xử tử. Dịch chấm dứt đột ngột.
Chính phủ Cách mạng lâm thời lên cầm quyền là bãi bỏ án tử hình. Tháng 7 năm 1917 phải áp dụng lại trong quân lực chính quy và ở vùng tiền tuyến để trừng phạt những tội phạm có tính cách quân sự: giết người, cướp của, hiếp dâm. Dĩ nhiên phải hiểu tình hình tiền tuyến quá hỗn loạn, nhưng chính phủ lâm thời bị công kích dữ, bị mất lòng dân trầm trọng cũng vì lặp lại án tử hình, dù chỉ giới hạn. Bằng không phe Bôn-xê-vích đã chẳng tung ra khẩu hiệu cướp chính quyền: "Đả đảo án tử hình, đả đảo Kerensky lặp lại án tử hình!"
Lại nghe có phiên họp mặt ở điện Smolny tối 25 sang ngày 26 tháng 10 để bàn tính có nên ngay tức khắc ban hành Sắc luật thủ tiêu vĩnh viễn án tử hình hay không thì Lenin chê các đồng chí quá lý tưởng, thiếu thực tế. Chiều hướng xã hội nào chẳng phải duy trì án tử hình, thiếu nó là không được nhưng chính phủ là chính phủ liên hiệp với cánh tả Xã hội Cách mạng thì bọn họ có sai lầm thì Lenin cũng cứ chiều ý! Thế là ngày 28 tháng 10 năm 1917 án tử hình bị chính thức hủy bỏ. Cứ để vậy coi sao.
(Rồi có một trường hợp đặc biệt. Đầu năm 1918 Trotsky đưa ra Toà ông tân đô đốc chỉ huy Hạm đội Baltie Aleksei Schhatsny vì tội không tuân lệnh đánh chìm Hạm đội. Chánh thẩm Karklin la lối: "Tội này phải bắn bỏ, bắn trong vòng 24 giờ đồng hồ!" Cử toạ nhao nhao thì Chưởng lý Krylenko nghiễm nhiên giải thích: "Quý vị có gì thắc mắc nào? Đồng ý án tử hình hủy bỏ rồi. Nhưng bị cáo Schhatsny đâu có bản án tử hình? Hắn bị xử bắn mà". Kết quả là bị cáo bị bắn.)
Nếu căn cứ vào tài liệu chính thức thì tháng Sáu năm 1918 án tử hình đã được khôi phục toàn vẹn. Không phải tái lập mà là khởi đầu cả một kỷ nguyên mới cho những vụ xử tử! Trong tác phẩm vĩ đại của Latsis, nếu tác giả đã không đưa ra đủ con số chỉ vì thiếu tài liệu thì phải hiểu rằng Toà Cách mạng một mặt xử công khai, Cheka một mặt thủ tiêu ngầm. Kết quả là trong 20 tỉnh nội địa nước Nga, từ tháng Sáu 1918 đến tháng Mười 1919 tổng cộng khoảng 16 ngàn người đã bị xử bắn. Mỗi tháng trên một ngàn người!
(Trong số 16 ngàn người này đau khổ nhất là Khrustalev Nosar, vị Chủ tịch Xô Viết St. Petersburg từ 1905, một Xô Viết đầu tiên của Liên bang Xô Viết! Lại phải kể ông hoạ sĩ đã sáng chế ra bộ quân phục đặc biệt, chính thức của Hồng quân.)
Không phải chỉ bấy nhiêu bản án tử hình tuyên công khai hoặc thủ tiêu ngầm năm 1918 mà kỷ nguyên mới đã làm dân Nga rùng mình kinh hoảng. Đặc điểm kinh khủng nhất là những vụ cho chìm tàu, trôi sông cả loạt người một lúc, không phân biệt, không cần đếm đầu! Lối thủ tiêu tàn nhẫn này đã được nhiều nước áp dụng giữa thời chiến tranh và sau đó phe thắng thủ tiêu phe bại. Nó đã vượt ra khỏi giới hạn của Toà án và bản án tử hình. Nó đặt vấn đề lương tâm con người. Phải nói là nước Nga đã chứng kiến nhiều thời kỳ đổ máu, kể từ triều đại Ryurik trở đi, nhưng có thời kỳ nào giết người tàn nhẫn cho bằng sau thời kỳ Cách mạng tháng Mười, khởi đầu nội chiến?
Một đặc điểm không thể bỏ sót được khi nghiên cứu sự thịnh, suy của bản án tử hình ở Nga là Sắc lệnh hủy bỏ án tử hình vào tháng Giêng năm 1920. Có lẽ nào nhà nước lại "buông gươm" dễ dàng khi ở Kuban còn Denikin vùng vẫy, ở bán đảo Crimea còn phe nhóm Wrangel và ngay ở Balan các chiến sĩ kỵ mã cũng chuẩn bị lên đường?
Không. Sắc lệnh không áp dụng cho những toà án quân sự mà chỉ có ảnh hưởng với những quyết định "bên lề pháp luật" của Cheka và những Toà ở hậu phương. Hai nữa, trước khi Sắc luật ban hành nhà nước đã chuẩn bị: Những loại phạm nhân nào có thể "lọt lưới" vì Sắc luật mới, đã được quét sạch khỏi khám đường. Có còn đâu để thoát án tử hình? Và sau cùng, Sắc luật cũng chỉ sống vừa vặn 4 tháng! Ngày 28 tháng 5 năm 1918 lại có Sắc luật mới, trao trả thẩm quyền xử tử phạm nhân cho Cheka. Trong khoảng thời gian đó dĩ nhiên các khám đường toàn quốc lại chật cứng rồi.
Cách mạng đã đẻ ra danh từ mới. Không còn "bản án tử hình" mà chỉ có "biện pháp tối đa". Không có vấn đề "trừng phạt" mà chỉ có vấn đề "bảo vệ xã hội". Nếu căn cứ trên nền tảng lập pháp 1924 thì "biện pháp tối đa" chỉ được tạm thời áp dụng "bảo vệ xã hội" trong khi chờ đợi Ủy ban Hành pháp Trung ương Liên Xô tuyên hủy toàn thể. Năm 1927 Ủy ban Hành pháp Trung ương bắt đầu hủy bỏ, chỉ còn áp dụng đối với những tội chống nhà nước, chống quân lực (điều 58) và tội phiến loạn. Tuy nhiên danh từ "phiến loạn" quả là rộng nghĩa, suy diễn cách nào cũng được. Có thể là trộm cướp mà cũng có thể là một du kích quân xứ Lithuania, một phần tử quốc gia võ trang, một kẻ tham dự vào một cuộc nổi dậy ở trại quân hay ngoài thành. Ấy là để kỷ niệm năm thứ 16 cuộc Cách mạng tháng Mười.
Qua đệ thập ngũ chu niên kỷ niệm Cách mạng tháng Mười có thêm một đạo luật ác ôn, ban hành ngày 7 tháng 8. Để đẩy mạnh cuộc Cách mạng Xã hội phải bảo toàn tài sản nhà nước. Kẻ nào xúc phạm đến tài sản nhà nước bị trừng trị nặng mà khởi đầu phải có một loạt "biện pháp tối đa" làm gương. Hai năm 1932-1933 công cuộc "bảo vệ xã hội" đã đoạt biết bao nhiêu sinh mạng? Một thí dụ: tháng 12 năm 1932, giữa thời bình, chưa có vụ án Kirov, riêng khám đường Kresty ở Leningrad cũng có sẵn 265 người đang chịu án tử hình chỉ chờ giờ hành quyết (trích hồi ký của nhân chứng B. người phụ trách tiếp tế thực phẩm cho khám tử tội). Trọn năm 1932 không thể dưới một ngàn tử tội bị xử bán trong khám Kresty.
Trong số tử tội ở Kresty năm đó, có 6 nông dân ở Tsarskiye Selo. Họ phạm tội gì ghê gớm mà Ủy ban Hành Pháp Trung ương cương quyết bác cả 6 đơn ân xá, xử bắn hết. Sau khi gặt lúa về cho Nông hội, 6 người đã lén quay trở lại ruộng lúa để mót. Không phải để mót lúa, mà chỉ mót chút rơm về cho bò của họ ăn. Ngày xưa mụ địa chủ quý tộc Saltychikha chỉ vì hành hạ đám nông nô mà còn bị Hội nghị Quý tộc tuyên xử mười một năm cấm cố dưới nhà hầm Tu viện Ivanovsky Mạc Tư Khoa. Sử sách ghi chép mụ chủ đất độc ác đã dùng gậy lớn trừng trị bọn nông nô phạm tội nên bao nhiêu năm sau còn bị thoá mạ. Nhưng 6 mạng nông dân Selo có ai nói đến, nhắc đến? Họ bị xử theo luật 7/8 đàng hoàng và mất mạng chỉ vì mấy bó rơm. Mà cha đẻ ra Bộ Hình Luật là ai, nếu chẳng phải Stalin?
Công bình mà nói, đừng trách Ủy ban Hành pháp Trung ương! Có thể Ủy ban sẽ từ từ tiến tới việc hủy bỏ trọn vẹn những "biện pháp tối đa" thật, đúng như Ủy ban đã long trọng tuyên hứa, nếu Lãnh tụ tối cao và Cha già dân tộc không thình lình ra lệnh giải tán toàn thể Ủy ban Hành pháp Trung ương vào năm 1936. Thay vào đó là Hội đồng Xô Viết Tối cao mà Hội đồng chủ trương kỷ luật sắt thép như thế kỷ XVIII nên "biện pháp tối đa" lại hiện nguyên hình. Nó hết là "biện pháp để bảo vệ xã hội" mà rõ ràng một sự trừng phạt ghê gớm nhất. Không lẽ xử tử nhiều như vậy, gắt gao như vậy chỉ để bảo vệ thì nghe vô cùng chướng tai!
Làm thế nào để có con số đích xác những nạn nhân của đợt 1937-1938? Có một Hồ sơ Đặc biệt thật, nhưng chẳng ai, chẳng bao giờ được ghé mắt đến dể chép ra những con số! Đành chịu luôn. Những con số phỏng định duy nhất và có thể tin nổi chẳng kiếm đâu ra, ngoài những kẻ may mắn hãn hữu được ở Butyrki khoảng 1939-1940, được nghe những ông bạn đồng xà lim tiết lộ, những ông bạn mới đây còn là cán bộ cao cấp và trung cấp. Những đàn em thân tín của Yezhov, những người từng trực tiếp nhúng tay vào nội vụ thì không tin sao nổi? Theo họ thì 2 năm 1938-1938 trên toàn quốc nửa triệu chính trị phạm đã bị xử bắn, ngoài 480 ngàn dân Blatnye tức bọn đầu trộm đuôi cướp. Điều đặc biệt là bọn Blatnye bị thanh toán chiếu điều 58/3 Hình Luật để đốn tận gốc bọn đốn mạt Yagoda!
Sự thực thì khoảng thời gian tai hoạ của chính trị phạm không phải 2 năm mà chỉ vừa đúng một năm rưỡi. Số nạn nhân của điều 58 Hình Luật trung bình khoảng 28 ngàn người một tháng, ở 150 địa điểm khác nhau. Con số 150 được coi như khiêm nhượng vì riêng ở Pskov cơ quan NKVD đã phải lấy cả hầm nhà thờ, cấm phòng Tu viện để làm phòng tra tấn và pháp trường mật. Cho đến năm 1953 du khách còn tuyệt đối không được vô thăm các nhà thờ ở Pskov vì lý do còn nhiều hồ sơ, tài liệu lưu trữ ở trong vòng nhà thờ. Ngoài 10 năm rồi, cỏ hoang đã mọc lấp cả những "địa điểm cất chứa hồ sơ!" Và để "dọn dẹp" khu nhà thờ, nhà nước đã phải tốn nhiều công trình đào xới, mang đi từng xe vận tải đầy xương khô.
(Nếu tính toán cẩn thận thì mỗi ngày mỗi địa điểm chỉ phải lo có 6 người. Đó là một tiêu chuẩn dưới khả năng NKVD quá xa cho nên những tiết lộ của bọn đàn em Yezhov có thể dưới sự thực nhiều. Trong khi đó những nguồn tin khác ước lượng số nạn nhân khoảng 1 triệu 700 ngàn, tính đến ngày 1 tháng 1 năm 1939.)
Những năm đầu của Thế chiến II án tử hình đôi khi còn được áp dụng cho những trường hợp phi quân sự. Cán bộ, quân nhân đường sắt phạm tội cũng xử như quân nhân. Trong khi đó phương pháp hành quyết cũng nới rộng: từ tháng 4 năm 1942 ngoài vụ xử bắn còn thêm xử treo cổ.
Những vụ xử bắn xử giảo cứ tiếp tục. Hy vọng hủy bỏ án tử hình, trọn vẹn và vĩnh viễn không phải vì vậy mà mất đứt! Quả nhiên tháng 5 năm 1947 khi hoà bình đã trở lại, Stalin bất thần ra lệnh cho Chủ tịch đoàn Hội đồng Xô Viết Tối cao ban hành Sắc luật bãi bỏ bản án tử hình làm dân Nga thở ra nhẹ nhàng. Thay vào đó bản án tối đa từ nay chỉ có thể là 25 năm tù. Dân quần đảo mệnh danh bản án 1 phần 4 tức một phần tư thế kỷ.
Dù sao bản án tử hình cũng không còn nữa, trên nguyên tắc. Tại sao cứ thắc mắc nhà nước hà khắc, bỏ án chết và thay vào đó bằng một ản án đày đoạ con người tới một phần tư thế kỷ? Câu nói bạc là dân, vô ơn là dân quả xác đáng. Sao họ không nhìn nhận đó là một tiến bộ? Vì vậy nhà nước quyết định chấm dứt sự khoan hồng nhân đạo sau khi áp dụng đúng hai năm rưỡi. Ngày 12 tháng 1 năm 1950 nhà nước thấy cần phải tái lập án tử hình, nhưng lần này chiếu nhu cầu và đáp ứng sự đòi hỏi của nhiều thành phần xã hội! Không những một số các nước xã hội anh em trong Liên bang khẩn thiết yêu cầu (không biết có Ukraine không?) mà các nghiệp đoàn các hội nông dân và cả các tổ chức văn hoá (?) cũng đòi hỏi nhà nước phải thiết lập lại "bản án tối đa" để đối phó với bè lũ phản quốc, gián điệp và phản động, phá hoại. Do đó chế độ án tử hình lại tái lập nhưng dĩ nhiên bản án 1 phần 4 thế kỷ chẳng phải vì vậy mà thủ tiêu. Nhà nước quên hẳn bản án ¼!
Đặc biệt lần này ngoài vụ xử bắn, xử giảo còn thêm chiếc máy chém cổ truyền lâu nay không dùng đến. Án đoạn đầu năm 1954 chỉ dành cho bọn sát nhân có dự mưu. Từ tháng 5 năm 1961 ăn cắp hay thâm lạm của công cũng lên đoạn đầu đài. Sau đó áp dụng cho bọn làm bạc giả, khủng bố trong trại giam (âm mưu giết hại lính canh, giám thị hay ban quản đốc khám đường). Tháng 7 năm 1961 vi phạm đến chế độ ngoại tệ nhà nước cũng lãnh án chém. Nói nôm na là bọn buôn lậu, chợ đen tiền ngoại quốc! Tháng 2 năm 1962 án chém còn áp dụng cho bọn "đe doạ đến đời sống của nhân viên công lực, cảnh sát của Đảng". Sau đó thêm vô bọn hiếp dâm, bọn ăn hối lộ và đưa hối lộ.
Ngần ấy trường hợp có thể bị án chém đầu, tuy nhiên tất cả đều hiểu là chỉ áp dụng tạm thời, trong khi chờ đợi hủy bỏ toàn vẹn! Đó là một đặc điểm của nước Nga dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa. Cũng như nước Nga dưới triều đại Nữ hoàng Elizabeth Petrovna, từng không áp dụng "bản án tối đa" lâu hơn cả trong số các vương quốc cùng thời.
*
Chúng ta quen nhắm mắt sống đời bình dị cứ tưởng đâu tù tử hình phải là những tay lầm lì, xui xẻo, phải sống khác người và phạm tội nặng lắm mới nằm khám đợi chết. "Như mình thì đời nào bị!"
Tưởng vậy là lầm quá! Ai dám ngờ khám tử hình đa số đầy nhóc những con người chẳng có gì đặc biệt, phạm những tội tầm thường nhất trên đời, những tội không đúng tội. Ân huệ cuối cùng chỉ tới với rất ít – hoàn toàn tình cờ – còn đại đa số đều nằm chờ ngày chịu tối đa, dân tù ưa gọi tắt vậy.
Như năm 1937 ông kỹ sư Canh nông quận phân chất sai mẫu lúa Nông hội vừa gặt về cũng lãnh án tử hình. Sơ sẩy như Melnikov, quản đốc xưởng cũng bị quất án tối đa. Cũng may được ân huệ giờ chót, còn có 10 năm!
Năm 1932 trong khám tử hình khám đường Kresty có 2 kẻ: Feldman giấu ngoại tệ trong người và Faitelevich, sinh viên Nhạc viện dám đổi dây đàn lấy viết chì nguyên tử. Lấy bơ lấy bánh nhà nước bán lấy tiền bỏ túi chịu án tử hình nặng nhất đã đành. Đến như chú Geraska, dân một làng tỉnh Ivanovo mà bị lên án tử thì khó hiểu quá! Một đêm ở làng bên ăn nhậu say sưa liên hoan về nó thấy ông Công an cỡi ngựa đi trước và rắn mắt quất một roi vào đít ngựa. Bị bắt về trụ sở nó uất ức quá gỡ vách ván chạy ra vồ lấy tê-lê-phôn hét lớn: "Đập chết bọn quỷ!"
Đừng ngây thơ tin tưởng rằng vì làm một cái gì đó mà nằm khám tử. Hình như có một bánh xe lớn quay quay và gặp một số hoàn cảnh khách quan nào đó là bị thảy vô như chơi.
Chẳng hạn như hồi Leningrad bị bao vây nguy khốn. Tình hình căng thẳng như vậy thì đồng chí Zhdanov, tư lệnh mặt trận sẽ nghĩ gì nếu Ty Nội An không xử tối đa một trong đám hồ sơ còn kẹt? Không lẽ bọn Đức bao vây bên ngoài không có âm mưu gì và mình không phát giác ra? Năm 1919 Stalin phát giác được mà không lẽ Zhdanov năm 1942 lại bó tay? Thế là ông Tư lệnh có lệnh và những cánh tay lông lá thò ra.
Thiếu gì người đang co ro nằm ngủ trong phòng mà bị Nội An vô tận nơi lượm. Ông Đại tướng Công xưởng Ingatovsky còn bị mà.
Đứng ra cửa sổ rút cái mùi xoa trắng xỉ mũi, hay ra ám hiệu gì đây? Lâu nay ông Công xưởng trưởng lại hay nói chuyện máy móc với bọn lính thủy thì đúng là tiết lộ bí mật nhà nước! Ông Đại tướng bị Nội An vồ thì phải khai. Khai cho đủ 40 thằng tòng phạm.
Nếu anh chỉ là thằng xét giấy rạp hát quèn thì không đến nỗi dính vô đám 40. Lỡ ra lại là Giáo sư Viện Kỹ thuật thì dính chắc! Ai chẳng biết bọn kỹ sư chúa là phản động? Anh có làm gì đâu nhưng cãi sao nổi? Mà "tòng phạm tiết lộ bí mật nhà nước" thì tránh sao khỏi án tử hình? Quả nhiên ông tướng Ingatovsky và 40 tòng phạm ra pháp trường đủ!
Cũng có trường hợp sống sót hy hữu như nhà bác học Cơ khí Konstantin I. Strakhovich. Các ông lớn Nội An chê danh sách của ông ta quá ít. Nhất định phải còn nhiều nữa. Vậy là Strakhovich được giữ lại để khai thác thêm. Đại úy N.A. Atshuller hét lên:
"À, anh định qua mặt? Cái gì anh cũng thú nhận để được xử bắn cho mau, cho khỏi tiết lộ chính phủ bí mật chắc? Biết điều khai đi. Anh giữ chân gì trong Nội các?"
Sau đó bác học Strakhovich nằm khám tử hình chịu thẩm cung. Chịu nhận chức Tổng trưởng giáo dục để ra pháp trường cho rồi nhưng ông Đại úy khó tính nhất định còn khai thác thêm được. Do đó Strakhovich được cho sống tạm trong khi nhóm tòng phạm nhỏ nhoi ra pháp trường hết. Kẹt lại một mình ông ta bị quay dữ quá, quay liên miên đến nổi giận. Không phải tại muốn sống mà chỉ vì chờ chết mãi bực bội quá. Lại cứ phải bịa ra những vụ dóc láo nên Strakhovich phát tởm. Một buổi thẩm cung có vài ông lớn Nội An ghé ngang, ông ta không dằn nổi, đập bàn chửi thẳng vào mặt Đại úy Atshuller:
"Cho mày hay, chính mày mới là thằng đáng mang bắn bỏ tức khắc. Tao bị buộc khai láo nhiều quá, chán quá rồi! Tao không khai gì nữa. Xé bản tự thú đi, bỏ hết!"
Không ngờ một phút nổi nóng lại phúc đức thế. Cuộc thẩm cung ngừng tức khắc và Nội An lâu ngày quên luôn có thằng tù tử hình Strakhovich trong khám. Có thể nào giữa một bầy ngoan ngoãn một kẻ bực bội tới không muốn sống nữa bao giờ cũng có đường sống?
*
Những vụ xử bắn cứ thế tiếp tục. Số ngàn, số trăm ngàn, Đâu có nghĩa gì, ngoài những con số? Mà những con số thì đọc mãi cũng bù đầu và quên mau lắm.
Một bữa nào đó có người gởi lại một bức hình thân nhân họ bị xử bắn. Rồi nhiều người gởi tiếp thêm, đủ in một bộ hình dầy. Có dịp lật qua những tấm hình kỷ niệm đau xót đó, nhìn vào những cặp mắt không bao giờ mở ra được nữa ta có thể có một bài học giá trị đến mãn đời. Không cần ghi chú phía dưới những bức hình đó sẽ in sâu vào tâm tưởng ta đến vĩnh viễn.
Một hôm tôi tới chơi một gia đình thân, nơi lui tới của dăm thằng Zek cũ và tình cờ được dự một buổi lễ nhiều ý nghĩa. Ngày 5 tháng 3 vốn là ngày giỗ của Cha già Đại đao phủ, gia đình này quen bày lên những bức hình của họ hàng, bạn bè từng bị xử bắn hay bỏ thây trong ngục. Được người nào hay người ấy, tổng cộng cỡ vài chục bức hình. Cả nhà im lặng, chiêm nghiệm suốt ngày. Bầu không khí trang nghiêm hẳn như lễ cầu hồn ở nhà thờ hay trong nhà mồ. Một bản nhạc tang tóc nhẹ nhàng trổi lên. Ai nấy ngồi lặng yên ngắm chân dung những người đã chết, rồi nhìn nhau kể chuyện khe khẽ. Lúc ra về tất cả phải nắm tay từ biệt.
Lẽ ra phải tổ chức những buổi chiêm nghiệm ở nhiều nơi. Để không sao quên được những người chết, vì sao họ chết. Có vậy những cái chết của họ mới ý nghĩa. Phần tôi, tôi chỉ giữ được một bộ hình của mấy người sau:
Quần Đảo Ngục Tù Quần Đảo Ngục Tù - Alexandre Soljenitsyne Quần Đảo Ngục Tù