Số lần đọc/download: 7729 / 201
Cập nhật: 2016-06-08 09:12:58 +0700
Công Lý Lớn Lên -
B
uổi bình minh của công lý cách mạng đã sáng rõ với những bản án tiêu biểu như thế đó, những bản án mẫu làm nền tảng cho một nền Công lý đang lớn mạnh, tiến tới trưởng thành.
Giai đoạn lớn lên của luật pháp Sô Viết có thể kể từ hạ bán niên 1921, nội chiến gần dứt nhưng phía nhà nước cũng lâm cảnh con bệnh gần chết, sau 4 năm dồn nỗ lực chiến đấu mệt nhoài. Đời sống cực khổ hơn bao giờ hết, xăng nhớt cạn, than đốt cũng hiếm, nhiều chuyến xe lửa đã nằm vạ dọc đường, thị dân cám cảnh đói lạnh, thợ thuyền rủ nhau đình công ầm ầm. Sử sách cố nhiên không ghi lại một hàng! Thảm trạng đói khổ biết quy tội cho ai?
Không phải cấp lớn, cấp trung ương. Cấp địa phương cũng không. Muôn tội trút lên đầu bọn Spetsy là bọn cán bộ kỹ thuật – kỹ sư, cán sự, chuyên viên các cấp – được kết nạp để lãnh chỉ thị trung ương hoạch định chương trình, tính toán kế hoạch thực hiện tốt. Nếu trung ương không nắm vững tình hình thì bao nhiêu tội cố nhiên quy trách cho bọn kỹ thuật đặt kế hoạch sai, không cung cấp nổi thực phẩm, nhiên liệu là một con số không to tướng. Kế hoạch thổi phồng, sản xuất không tới mức dự liệu cũng là sai lầm của Spetsy. Không phải của cấp lớn ra chỉ thị, cũng không phải của Hội đồng lao động Quốc phòng hay Bộ chỉ huy trong Uỷ ban Nhiên liệu. Không than củi đốt lò, dầu xăng chạy máy là lỗi bọn Spetsy đã tạo tình trạng giao động, khủng hoảng, không tuân hành chỉ thị, phân phối bừa bãi.
Vì Spetsy lỗi nặng như vậy nên cơ quan nào gặp khó khăn bế tắc là đưa ra toà. Nhưng chỉ thị căn bản của Trung ương là "giơ cao đánh khẽ", nhà nước Công nông cố nén cho bọn kỹ thuật hưởng những bản án ân huệ, bởi lẽ không có chúng lấy ai làm việc? Tình trạng không bế tắc nữa, mà dám sụp đổ luôn. Do đó Chưởng lý Krylenko lý luận bọn Spetsy không phản động, cố tình phá hoại chính sách nhà nước. Chúng chỉ thiếu khả năng nên không thể làm hơn. Giản dị là dưới chế độ tư bản chúng đã không học tập, chỉ nghĩ thiển cận và lo ăn của đút! Giai đoạn giao thời, kiến thiết rõ ràng nhà nước còn nương tay với bọn Spetsy.
Qua năm 1922 – năm hoà bình nhất – toà án bỗng nhiên thân chủ gấp bội. Nhân dân sửng sốt hỏi nhau chiến tranh dứt rồi tại sao toà hoạt động mạnh đến thế? (Năm 1945, rồi năm 1948 lại tái diễn y hệt).
Tháng 12 năm 1921, Quốc hội thứ 9 liên bang Sô Viết có sắc luật giới hạn bớt thẩm quyền của Cheka, đổi danh hiệu thành GPU (tháng 10-1922 thẩm quyền GPU lại nới rộng) nhưng TGĐ Dzerdzinsky tuyên bố công khai: "Giai đoạn này phải đề cao cảnh giác, đặc biệt theo dõi những phe nhóm phản động; chống chế độ, cơ quan giới hạn hình thức tổ chức, nhưng tăng cường phẩm chất công tác".
Có lẽ đó là lý do tháng 2 năm 1922, một thành phần kỹ thuật thuần túy đã bị đặc biệt theo dõi và "bao vây" đến phải tự ý chọn cái chết. Bằng không sẽ lại có một khối ít nhất 10 mạng cùng ra Verkthrib (Toà án Tối cao) thay vì 1 đồng chí cao cấp là Sedelnikov, 2 ông Kiểm tra Công nông, 2 cán bộ Nghiệp đoàn.
Nguyên kỹ sư Thủy điện Oldenborger từ tay kỳ cựu 30 năm của Nhà máy Nước Mạc Tư Khoa, từ hồi đầu thế kỷ để leo lên Kỹ sư trưởng. Trải qua ba cuộc chiến tranh, 3 lần Cách mạng dân Mạc Tư Khoa vẫn xài nước máy Oldenborger, nhân viên cơ quan hay tù phản động cũng chỉ có một thứ nước máy. Không vợ, không con, cuộc đời ông Kỹ sư Thủy điện chỉ biết có nước máy, chỉ lo chăm sóc cho hệ thống phân phối nước máy chạy đều. Năm 1905, lính gác mon men tới gần giếng nước, giàn lọc là bị Oldenborger cảnh cáo kịch liệt chỉ sợ "lính tráng làm ẩu" dám bể ống! Cách mạng tháng 2 vừa bước qua ngày thứ 2, ông xếp máy nước đã đôn đốc thợ đi làm đủ mặt vì "Cách mạng thì Cách mạng, vòi nước vẫn phải chạy đều". Tháng Mười đánh nhau giữa thành phố chỉ lo bảo vệ hệ thống cung cấp nước. Thợ thuyền Nhà máy Nước hưởng ứng lời kêu gọi đình công của phe Bônxơvich yêu cầu ông Giám đốc tham gia thì Oldenborger trả lời thằng: "Tham gia cái gì cũng có tôi hết, trừ việc ngưng cung cấp nước". Ủy ban ủng hộ đình công trao tiền cho công nhân thì ông Giám đốc ký biên nhận nhưng sau đó hối hả đích thân chạy đi gắn một ống nước bể!
Như nhiều người – kể cả các đồng chí tham gia tranh đấu – Oldenborger không tin chế độ Bônxơvich đứng nổi quá hai tuần lễ! Nhưng dù muốn dù không thì Cách mạng cũng phải phòng hờ cấp chỉ huy "người chế độ cũ" bằng cách gài cán bộ của Đoàn Kiểm tra Công nông thường xuyên theo dõi. (Một ông tên Makarov Zemlyanski, cựu nhân viên Nhà máy Nước bị sa thải vì tác phong bê bối. Hắn nhảy sang Đoàn Kiểm tra Công nông vì "lương hậu hơn" rồi cạy cục xong được một chân trong Hội đồng Nhân dân Trung ương vì "lương ở đây nhiều hơn nữa"! Sau đó được biệt phái về cơ sở cũ để theo dõi thì cố nhiên ông Giám đốc Oldenborger phải bị hắn trù đặc biệt).
Một cơ sở quan trọng như Nhà máy Nước Mạc Tư Khoa thì Đảng bộ Mạc Tư Khoa phải gài người vô nắm địa vị then chốt. Đồng chí Zenyuk được cử đến giám sát ông Giám đốc "người chế độ cũ". Dù không có chuyên môn hắn cũng chỉ huy luôn Oldenborger! Kết quả là Đảng định nắm vững cơ sở Nhà máy Nước, nào ngờ công việc lại đình trệ, tệ mạt hơn. Trong khi đó Giám đốc Oldenborger uất ức vì bị xỏ mũi, phá thối một cách ngu ngốc nên quên phắt thực tại chỉ là thứ chuyên viên "không có người nhà nước phải dùng đỡ", không ngần ngại công kích đám kỹ sư nửa mùa chế độ mới, đụng đâu hỏng đấy, đứng đầu là Zenyuk! Lập tức báo cáo bay về Kiểm tra đoàn như bươm bướm, tố cáo đích danh Giám đốc Oldenborger mưu toan phá hoại, cố tình làm hỏng toàn bộ hệ thống cung cấp nước để nhằm những mục tiêu chính trị! Phe chế độ mới công khai tố ông Giám đốc là "linh hồn của một tổ chức phá hoại kỹ thuật" trong khi chính họ dựng lên nhiều chướng ngại vật để phá Oldenborger và phá rối luôn Nhà máy,
Nhưng hệ thống ống dẫn nước chủ yếu của Mạc Tư Khoa, công trình của Ivan Kalita đặt từ thế kỷ thứ XIV đâu thể phá trong một vài ngày. Dân thủ đô vẫn xài nước máy đều đặn, nhiều Ủy ban đến thanh tra cũng không tìm thấy dấu vết phá hoại trầm trọng, nghĩa là sự phá hoại nếu có chỉ ở trong nội bộ. Cho đến ngày bầu cử Sô Viết Mạc Tư Khoa
[1] thì cuộc tranh chấp nổ công khai. Đa số thợ thuyền vẫn bênh vực ông Giám đốc kỳ cựu nay lại dồn phiếu cho Oldenborger làm đại diện Nhà máy Nước ra tranh cử. Đảng ủy dĩ nhiên cử đồng chí Bí thư Chi bộ Sedelnikov. Bao nhiêu căm thù chất chồng được dịp bùng nổ, Oldenborger bị làm khó dủ điều: bị đẩy bật khỏi Hội đồng Quá trình, thường xuyên bị theo dõi, đưa ra ỦY BAN điều tra cật vấn, bị thay thế bởi một Ủy ban giám đốc tam đầu,
Một bài báo ký tên Sedelnikov thổi phồng những vụ phá hoại kỹ thuật do nhóm Oldenborger cầm đầu, đe doạ phá sập toàn bộ hệ thống ống ngầm và hơn nữa, dám làm rúng động và trôi luôn chân móng của thủ đô Mạc Tư Khoa! Ủy ban Hành chính thủ đô cấp tốc gửi phái đoàn điều tra. Không có gì hết! Sedelnikov cáo giác thẳng GPU vồ trọn tổ chức phá hoại cách mạng nằm giữa Nhà máy Nước Mạc Tư Khoa, có thể đưa đến thảm trạng đổ sụp cả bồn nước khổng lồ Rublevo.
Bị dồn ép quá, ông Giám đốc Oldenborger chịu hết nổi, phạm phải một lỗi lầm căn bản của thành phần trí thức tiểu tư sản cong lưng, thiển cận, là không muốn sống nữa. Công trình chăm sóc một đời người tiêu tan thì sống làm gì, huống hồ đặt mua mấy cái lò ở ngoại quốc vì trong nước chưa đúc nổi mà còn bị bác hết!
"Linh hồn của nhóm phản động" chết rồi, mà phản Cách mạng không phát giác ra một thằng, hành động phá hoại cũng không. Sau 2 tháng điều tra mật, nhóm Sedelnikov bị truy tố ra Toà Tối cao: một phe đã chết rồi thì phải cho phe kia một bài học chớ. Dù xác nhận trước là đối diện một kẻ không cùng giai cấp, người công dân có quyền nhìn hắn là thù nhiều hơn là bạn. Chưởng lý Krylenko vẫn gay gắt buộc tội Sedelnikov và đồng bọn: thù oán cá nhân, bịa đặt cáo giác vô căn cứ, lợi dụng chức vụ nhà nước, mượn danh đảng tác oai, vô trách nhiệm chính trị, phá hoại cơ sở Nhà máy Nước, làm hại cho chế độ, làm hại cán bộ chuyên môn giữa lúc cơ quan cần người làm việc.
Theo Krylenko thì tội ác của Sedelnikov chất chồng, Toà phải trừng phạt hắn thích đáng, chớ không thể giỡn chơi với Công lý!
Phiên toà Tối cao Mạc Tư Khoa cũng đồng ý tuyên một bản án làm gương, do đó một mình Sedelnikov lãnh bản án 1 năm tù!
Một bản án như vậy làm nhột nhạt đám cán bộ thật và nhân dân sung sướng đến muôn đời không quên. Họ không quên những ông kỹ sư của chế độ mới, những khuôn mặt ăn no ngủ kỹ đến mập lù.
Tiếp theo đó là hai bản án nội bộ gương mẫu để chuẩn bị cho một vụ án lớn với tầm ảnh hưởng vượt biên giới: đó là vụ án xử các đảng viên Xã hội Cách mạng làm xôn xao dư luận Âu châu cùng lúc đó khiến Bộ Tư pháp giật nẩy mình. Thì ra 4 năm nay Toà vẫn cứ xử ào ào mà nước vẫn không có luật! Luật cũ từ thời quân chủ thì hủy bỏ hết rồi, nhưng luật mới đâu?
Gọi là 2 bản án nội bộ vì đây là việc riêng của nước Nga, không ảnh hưởng, không liên quan gì đến châu Âu tiến bộ và vẫn không cần giữ theo luật! Đây là lúc vô cùng thích hợp để thanh toán cho xong vấn đề tôn giáo mấy năm nay vẫn phải tạm gác lại vì nỗ lực chấm dứt nội chiến. Đây cũng là lúc người Cộng sản phải minh định thế đứng trước người Công giáo, một thế đứng bất khả dung hợp ngay từ quan điểm căn bản "nhà thờ là nhà thờ và nhà nước là nhà nước". Không được.
Nhà thờ phải nằm trong nhà nước. Không thể có chuyện tách rời. Tài sản Giáo hội từ cơ sở nhà thờ, dụ ngôn, những món đồ thờ tự cũng nằm trong nhà nước và thuộc về nhà nước luôn,
Hai vụ án tôn giáo nội bộ được chuẩn bị đúng vào lúc dứt chiến tranh và nạn đói khủng khiếp sửa soạn diễn ra ở đồng bằng lưu vực sông Volga, một nạn đói chưa hề có trong lịch sử nước Nga từ thế kỷ XVII. Khi con người phải ăn thịt cả đồng loại thì còn gì đau khổ bằng! Có gia đình có những người đi lính hết nên ruộng đất bỏ hoang, nông dân buông cày đi vác súng đã đành nhưng những người còn ở lại sống trên mảnh đất cũng chẳng muốn sản xuất nữa: lúa gặt về họ có chắc chắn được một phần nào đâu.
Vậy để giải quyết nạn đói tại sao không đưa ra giải pháp độc ác là, trút trách nhiệm cho nhà thờ? Nếu người làm tôn giáo thực sự thương xót giáo đồ và chúng sinh tại sao không can đảm lãnh trách nhiệm cứu đói? Tinh thần Thiên Chúa giáo để ở đâu? Không lẽ nhà thờ thấy con người đói đến mức muốn ăn thịt lẫn nhau mà xuôi tay đứng ngó, trút bổn phận hết cho nhà nước? Một kế hoạch giải quyết được 2 vấn đề là vậy, quả là một cú bida chính trị thần sầu!