Hầu hết những thành quả quan trọng trên đời đều được tạo ra bởi những người dù chẳng còn chút hy vọng nào nhưng vẫn kiên trì theo đuổi điều mình mong ước.

Dale Carnegie

 
 
 
 
 
Tác giả: Park Jin Sung
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1818 / 31
Cập nhật: 2017-08-04 14:03:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nhật Ký Buồn 18
rước khi viết bức thư này tôi đã viết một bức thư gửi cho kẻ đồng phạm của tôi đang bị giam giữ ở trại giam tỉnh Won Ju. Tôi nói rằng tôi tha thứ hết cho anh ta, kể cả việc anh ta nói mọi chuyện anh ta đã làm là do tôi làm, cũng như việc anh ta thuê luật sư biện hộ rồi đổ hết mọi tội lỗi cho tôi. Tôi cũng tha thứ cho mấy ông cảnh sát - những người đã không chịu điều tra một cách cặn kẽ mà cứ thế kết tội tôi là kẻ cưỡng hiếp rồi giết chết cô bé ấy. Cả ông luật sư đã biện hộ cho tôi trong ba lần xét xử tại toà nhưng chỉ đến tìm gặp và nói chuyện với tôi có hai lần trong vòng tám tháng tôi bị giam giữ ở đây, cả ông công tố viên - người lúc nào cũng nhìn tôi như nhìn một loài sâu bọ bẩn thỉu thậm chí là chưa từng một lần đối xử với tôi theo tư cách là một con người, và cả ông thẩm phán đã xét xử tôi nữa - người mà lúc nào bên ngoài cũng tỏ ra lãnh đạm khách quan giống như một vị thánh nhưng trong lòng lại đang phẫn nộ, kinh tởm vô cùng một kẻ như tôi... Tôi tha thứ cho tất cả bọn họ. Tôi cũng tha thứ cho người bố đã chết một cách đáng thương như một loài súc vật. Và cuối cùng tôi cũng tha thứ cho chính bản thân tôi - tha thứ cho kẻ đã đánh Eun Soo và đã khước từ ước nguyện cuối cùng của em trước khi chết, là hát cho em nghe bài Quốc ca. Tha thứ cho kẻ đã chửi mắng rồi bỏ đi để mặc Eun Soo nằm ốm một mình. Tha thứ cho kẻ có liên quan đến cái chết của ba người vô tội... Vì kẻ có tội là tôi nên tôi xin được quỳ gối mong cho cô bé đáng thương ấy cũng như cả hai người phụ nữ đã vì tôi mà chết, hãy tha thứ cho tôi. Tôi sẽ nói với họ tôi không phải là con người, tôi là một kẻ xấu, một kẻ giết người!
Từ lúc vào trại giam tôi mới nhận ra đây là lần đầu tiên tôi được đối xử với tư cách là một con người. Thậm chí đây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi biết và hiểu được ý nghĩa của từ “con người” là thế nào. Vào đây tôi biết được thế nào là tình yêu, thế nào là những rung động yêu thương, thế nào là sự tôn trọng giữa con người với con người, cũng như biết được cách dùng những ngôn từ đẹp đẽ để nói chuyện với người khác. Nếu không vào đây với tư cách là một kẻ tử tù, một tên sát nhân thì cuộc đời tôi - về thể xác chắc sẽ kéo dài thêm được một chút nhưng về tinh thần chắc lúc nào cũng giống như giòi bọ, ngập ngụa trong đống bùn lầy bẩn thỉu mà không biết đến bao giờ mới thoát ra được. Từ khi vào đây tôi mới có cảm giác là mình đang trải qua một khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc. Cũng như tôi biết được việc chờ đợi, việc chuẩn bị để gặp, để chia sẻ những câu chuyện giữa con người với con người, thậm chí cả việc cầu nguyện để động viên an ủi ai đó, hay việc nói chuyện một cách thân mật với người khác là thế nào.
Tôi đã ngộ ra được một điều: Tôi có thể yêu người xứng đáng được nhận tình yêu, cũng như có thể tha thứ cho người xứng đáng được nhận tha thứ…
Có lẽ sau khi tôi chết, cuốn sổ ghi chép này sẽ được ai đó vô tình tìm thấy. Thực ra tôi muốn kể lại câu chuyện mà tôi đã ghi hết trong này bằng chính miệng của tôi. Và giá như ông tổng thống từng là một phạm nhân tử tù có thể bãi bỏ chế độ tử hình như lời ông ấy đã từng hứa... Nhưng dù thế nào thì sau khi tôi chết, tôi mong người tìm thấy cuốn sổ này hãy chuyển nó tới tay cô Moon Yoo Jeong - cháu gái của Sơ Mônica. Tôi từng muốn chia sẻ những tâm sự này với cô ấy nhưng tôi sợ cô ấy sẽ thất vọng về con người tôi nên lại thôi. Tôi sợ cô ấy sẽ thất vọng cũng như sẽ rời xa tôi giống như tất cả những người khác đã làm như vậy với tôi. Và nếu cô ấy từ chối nhận cuốn sổ này thì xin hãy chuyển tới cô ấy mấy lời sau hộ tôi: Khoảng thời gian chúng ta gặp nhau, cùng ngồi uống cà phê, cùng ăn bánh và nói chuyện, đã có một ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Nhờ ba tiếng đồng hồ mỗi tuần ngồi với cô mà tôi có thể chịu đựng được mọi lời chửi rủa của thiên hạ, cũng như chịu đựng được mọi nỗi đau đớn. Nhờ cô, tôi đã có thể tha thứ cho mọi tội lỗi mà những người khác đã gây ra cho tôi; rồi cũng chính nhờ cô mà tôi đã biết được tội lỗi thực sự của mình cũng như đã biết phải đi cầu xin sự tha thứ của Chúa. Tôi đã trải qua một khoảng thời gian rất hạnh phúc, rất ấm áp và đáng nhớ. Nếu cô cho phép, tôi muốn nói với cô một điều: Tôi muốn lấy cái chết của mình để an ủi cũng như để giảm bớt những đau đớn mà bấy lâu nay cô đã phải chịu đựng. Và nếu được Chúa cho phép, tôi cũng rất muốn nói cái câu mà cả cuộc đời tôi từ lúc được sinh ra đến giờ tôi chưa từng nói lần nào: Đó là... tôi yêu cuộc đời này!
18.
Khu nghĩa trang ở phường Kwang-Than khá lạnh. Tôi đứng ở tận phía đằng sau cũng như không tham dự vào buổi lễ cầu nguyện dành cho những người chết ở đây. Cả đời tôi đến giờ tôi mới đi cầu nguyện có hai lần. Và cả hai lần ấy đều là những lần cầu nguyện mong Chúa hãy cứu sống một ai đó. Đúng ra trong hai lần cầu nguyện ấy, ít nhất Ngài cũng phải nghe lấy cho tôi một lần. Đằng này... Mà nghĩ lại thì người giúp việc đã bị chết dưới tay của Yoon Soo, chẳng phải trước đây chị cũng đã rất chăm chỉ cầu nguyện hàng ngày. Nhưng cuối cùng chị vẫn bị chết một cách oan ức và tức tưởi. Thế nên tôi chả hiểu bây giờ người ta làm lễ cầu nguyện như thế kia để làm gì? Hay họ làm vậy để an ủi những người đang còn sống? Tôi nhớ lại câu mà Yoon Soo đã từng nói: “Chị Yoo Jeong thử tin vào Chúa một lần giống em xem...”. Nhưng sao tôi phải tin, vì Chúa cũng không có nghe những lời cầu nguyện của Yoon Soo. Tôi nhìn ra chỗ bãi đất nơi người ta sẽ chôn Yoon Soo. Đó là khu nghĩa trang Thiên chúa giáo phường Kwang-Than. Một Đức Cha có tư tưởng tiến bộ đã xin dành một khu đất riêng trong nghĩa trang để làm nơi chôn cất những tù nhân bị xử tử hình. Tuy khu đất ấy không cao ráo và cũng không có nhiều ánh nắng mặt trời, ngược lại nó còn hơi tối vì nằm ở hướng bắc... Cả đời Yoon Soo đã phải sống ở những nơi lạnh lẽo, đến khi chết đi anh ta cũng lại được chôn ở một nơi lạnh lẽo như thế này. Người ta đặt trước mộ nơi sẽ chôn Yoon Soo một bức tượng thánh mẫu và một bức tượng thiên sứ. “Cô Mônica này, tại sao tượng thánh mẫu và tượng thiên sứ ở nơi chôn những người nghèo lại trông bẩn thế kia? Phải lau chùi sạch sẽ chứ... sao lại để bẩn thế. Cháu thấy bực mình quá...”. Tôi nói còn cô Mônica chỉ đứng im và khóc.
Đức Cha Kim - người vừa có mặt trong những giờ phút cuối cùng của Yoon Soo - đang đi đến chỗ tôi và cô Mônica đứng. Đầu Đức Cha có đội một chiếc mũ màu đen, chắc là để che đi chỗ tóc bị rụng. Trông Đức Cha như chưa hoàn toàn tin rằng mình vừa thoát khỏi cái chết được ít lâu. Cô Mônica đi về phía Đức Cha và nói: “Đức Cha Kim...”. Đức Cha nhìn cô Mônica và ngẩng đầu lên. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy một khuôn mặt trông đau thương, sầu thảm đến vậy.
“Anh ấy đã đi rồi... ”
Đức Cha Kim khó nhọc nói.
“Lúc bước vào đó, tôi run lắm nhưng anh ta đã nói với tôi rằng: Đức Cha, xin Ngài đừng run như thế, vì làm như thế Sơ Mônica sẽ không hài lòng đâu, Sơ sẽ bảo là không ra dáng đàn ông chút nào”.
Cô Mônica loạng choạng đứng không vững. Tôi vội giữ lấy người cô.
“Lúc tôi cầu nguyện và làm lễ cho anh ta xong, tôi bảo anh ta hãy nói mấy câu cuối cùng thì anh ta đã nói thế này: Con thực sự mong muốn được tha thứ, con cầu xin gia đình những người bị hại hãy rộng lòng tha thứ cho con. Con đã sai rồi. Con cũng thành thật xin lỗi bà lão phường Sam Yang. Và cả cảm ơn bà ấy nữa. Nhờ có sự tha thứ của bà ấy mà con như được tái sinh một lần nữa. Con cũng muốn tha thứ cho người mẹ ruột của con. À không... đây không phải là sự tha thứ... ý con là con đã rất nhớ mẹ, nhớ rất nhiều. Hãy nói với mẹ con rằng trước khi chết con đã rất muốn gặp lại mẹ dù chỉ một lần... thật sự dù chỉ một lần trong đời. Xin Đức Cha hãy chuyển câu ấy đến với mẹ con hộ con...”
Những người phụ nữ hay lui tới trại giam làm tình nguyện, đang đứng cạnh đó, nghe Đức Cha nói đến đấy, bắt đầu khóc nấc lên.
“Anh ta còn ngập ngừng nói thêm mấy câu này nữa: “Thực ra điều ấy rất đơn giản nhưng sao... Đức Cha ạ... giá mà con biết yêu, giá mà con biết phải làm thế nào khi yêu thì chắc con sẽ khác. Nhưng tại con biết điều ấy quá muộn!”. Tôi lại hỏi anh ta có muốn hát Thánh ca hay hát một bài hát nào đó giống như những người theo đạo vẫn thường làm không? Anh ta trả lời: Con mới được làm lễ rửa tội nên chưa thuộc Thánh ca, con muốn hát bài Quốc ca...”
Chắc tôi không thể nghe tiếp những lời Đức Cha nói được nữa. Tôi nắm chặt lấy đôi tay của cô Mônica.
“Rồi anh ta đã hát bài Quốc ca”.
Đức Cha mím chặt môi lại. Hình như cổ họng Đức Cha đang nghẹn lại, không thể nói tiếp được nữa.
“Khi họ bảo anh ta quỳ gối xuống, Yoon Soo đã...”
Tất cả chúng tôi cùng nín thở quay sang nhìn Đức Cha Kim. “Anh ta đã cuống quýt vùng vẫy kêu cứu. Ánh mắt anh ta tỏ ra vô cùng sợ hãi. Rồi khi họ trùm đầu anh ta bằng bao vải, anh ta đã hét lên rất to: Đức Cha Kim ơi, xin hãy cứu con với, con sợ lắm, con đã hát bài Quốc ca rồi nhưng sao con vẫn thấy sợ...”. Lúc ấy tôi đã không đủ can đảm nhìn anh ta thêm nữa”.
Chúng tôi cùng đi xuống căn phòng ở dưới tầng hầm. Chiếc xe cấp cứu đã đợi sẵn ở đó từ lúc nào. Ngay sau khi Yoon Soo bị thi hành án, người ta đã thực hiện việc lấy giác mạc theo như lời ước nguyện trước đó của anh. Giống như em trai của mình, Yoon Soo đã chết mà không nhìn thấy gì. À không. Anh ta không nhìn thấy gì nhưng cái giác mạc đó sẽ đem lại ánh sáng cho một đứa trẻ nào đó cũng bị mù giống như em Eun Soo. Cả tôi và cô cùng an ủi nhau về điều ấy. Cô Mônica chạy lại ôm lấy anh ta. Cô vuốt ve cổ anh. Trên cổ anh vẫn còn vết hằn màu đen giống như dấu vết khi người ta phanh gấp xe ôtô trên mặt đường nhựa. Cô vừa vuốt ve cổ anh giống như đang chạm nhẹ vào vết thương của một người đang còn sống, vừa xoa bàn tay mình vào má anh rồi lẩm nhẩm cầu nguyện một điều gì đó. Tôi đứng cạnh đó và nắm chặt lấy bàn tay của anh. Giờ anh chết rồi nên chiếc còng số tám thường còng chặt đôi tay ấy cũng đã được tháo ra. Tôi cảm thấy tay anh lạnh giống như tôi đang sờ vào đá vậy. Tôi nhớ lại hơi ấm từ bàn tay ấy hôm anh đưa tặng tôi món quà là chiếc vòng cổ có gắn một cây thánh giá mà anh ta đã tự làm ở trong trại giam. Dù hôm ấy tay của anh chỉ hơi chạm nhẹ vào tay tôi thôi nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được rằng tay của anh lúc đó rất ấm... Nhưng tại sao lúc đó tôi lại không đủ can đảm nắm chặt bàn tay ấy? Và tại sao lúc đó tôi lại không thể nói là tôi rất yêu anh? Chính Yoon Soo từng bảo câu nói ấy rất đơn giản cũng như cứ tự nhiên nói ra là được mà... Bây giờ hơi ấm ấy đã biến mất rồi. Khi hơi ấm ấy biến mất thì cũng có nghĩa là người đó đã chết. Hóa ra cả tôi lẫn anh trước kia đã không biết hoặc không để ý đến điều ấy.
Tôi và cô dự lễ cầu nguyện xong thì vội vàng đi Gang Neung ngay. Trong khi tôi lái xe, cô tranh thủ chợp mắt một lát. Trong hai ngày qua tôi đã không ngủ cũng như không ăn một chút gì, vậy mà tôi chẳng hề cảm thấy mệt. Trong khi lái xe, tự dưng tôi cảm thấy có cái gì đó ấm áp ở phía sau lưng, tôi giật mình quay lại nhìn. Tất nhiên chẳng có gì ở đằng sau cả. Nhưng rõ ràng đó là một cảm giác rất khác lạ. Nhớ lại thì Yoon Soo chưa từng đi chung xe với tôi, thậm chí là chưa nhìn thấy xe ô tô của tôi lần nào. “Yoon Soo à?” - Tôi gọi nhỏ. Nhưng không có ai đáp lại.
Tôi và cô đã đi tới gần bờ biển. Vì đang ở thời điểm cuối năm nên các khu nhà nghỉ đều kín mít người. Thầy hiệu trưởng và tám em học sinh trường Tae Baek cũng vừa mới đến. Bọn trẻ lần đầu tiên nhìn thấy biển nên chúng sung sướng chạy nhảy vui đùa giống như lũ chim yến bé nhỏ. Giờ tôi mới nhớ đã không mang theo chiếc máy ảnh mà chị dâu út cho tôi mượn. Nhưng tôi nghĩ cũng chẳng cần dùng đến máy ảnh làm gì. Vì tôi có cảm giác Yoon Soo cũng đang đứng ở đây ngắm biển cùng với chúng tôi. Hôm nay trời nhiều mây nên bãi biển trông hơi u ám. Nhưng biết đâu ngày mai trời lại nắng. Chẳng ai biết trước được chuyện của ngày mai.
Một người có dáng hơi gầy và hơi thấp đi đến chỗ chúng tôi đang đứng và nói: “Tôi là hiệu trưởng trường Tae Baek”. Sau khi ông ấy chào và tỏ ý cảm ơn chúng tôi đã tạo cơ hội cho bọn trẻ đến đây vui chơi, ông gãi đầu, tỏ ý có chuyện muốn nói.
“Tôi đã nhận được điện thoại từ trại giam Seoul. Họ bảo một tù nhân tên là Jeong Yoon Soo ở đó, đã gửi tiền đến cho chúng tôi. Sau một hồi nói chuyện tôi mới biết người ấy hôm qua đã bị đưa đi thi hành án tử hình. Họ còn bảo, người ấy trước khi ra đi, có nói muốn chuyển tất cả số tiền còn lại cho trường chúng tôi. Thế nên... tôi biết là tôi không thể dùng số tiền đáng quý ấy một cách bừa bãi. Nên tôi muốn hỏi ý kiến của Sơ...”
Ông hiệu trưởng ấy rút từ trong túi ra một cuốn sổ tài khoản và đưa cho chúng tôi xem. Số tiền trong sổ tài khoản không được nhiều lắm. Ông hiệu trưởng lại nói.
“Nếu Sơ đồng ý thì... trường chúng tôi đang định làm một cái khán đài nhỏ có mái che ở cạnh sân vận động. Do trường thiếu sân chơi nên học sinh phải ra sân vận động chơi. Nếu ở đó có một khán đài có mái che thì các em có thể tránh được mưa, cũng như vào mùa hè có chỗ che nắng để các em ngồi đọc sách. Tôi định dùng số tiền này vào việc ấy, không biết Sơ thấy thế nào ạ?”
Cô lẩm bẩm trong miệng: “Ôi... Chúa ơi” và đưa tay lên trán làm dấu thánh. Tôi nhớ lại hôm qua, cả cô và tôi đã cùng thức suốt đêm để đọc hết cuốn sổ ghi chép của Yoon Soo. Bỗng dưng tôi nghĩ đến cảnh Eun Soo bé nhỏ ngồi đợi anh đi học ở cổng trường rồi bị trúng mưa và ngồi khóc như một con chim con lạc mẹ.
“Tôi xin lỗi. Nhưng nếu không dùng số tiền ấy vào việc này thì tôi cũng chẳng biết là sẽ phải dùng vào việc nào nữa...”
Ông hiệu trưởng nhìn vẻ mặt của chúng tôi và nói. Chắc ông thấy cả cô và tôi không nói gì mà chỉ khóc nên đoán là chúng tôi không đồng ý.
“Không đâu. Ông hãy dùng số tiền này vào việc ấy đi. Đừng dùng vào việc khác, hãy dùng vào việc ấy đi. Làm thế nào để khi trời mưa các em không bị ướt và mùa hè đến các em không bị nắng, hãy làm một cái mái che như vậy đi. Và biết đâu... để một đứa em nào đó không bị ướt mưa khi đứng ở ngoài trường đợi anh tan học. Và cũng để cho anh của nó không cảm thấy đau lòng khi thấy em mình bị dứng dưới mưa ướt hết như thế...”
Cô Mônica vừa nói hết câu lại khóc tiếp.
Tôi và cô mấy hôm nay đều không ăn đủ bữa, cũng như khôngngủ đủ giấc, nên bây giờ cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Tôi đỡ cô đi về phía khu nhà nghỉ. Lúc này trời đã nhá nhem tối. “Nếu sáng sớm mai cháu định đi chơi cùng bọn trẻ thì bây giờ cháu phải đi ngủ sớm đi” - Cô nói. Tôi hỏi cô: “Không biết ngày mai trời có nắng không cô nhỉ?”. “Nắng chứ!” Cô trả lời. “Chắc bọn trẻ sẽ thích lắm đây cô nhỉ?”. Tôi lại nói. Cô trả lời: “Ừ, bọn trẻ chắc sẽ thích lắm.” Vừa đi đến cửa ra vào của khu nhà nghỉ bất giác tôi quay đầu lại nhìn về phía sau. Bài hát Quốc ca - bài hát mà Yoon Soo và Eun Soo đã từng hát - cũng được bắt đầu bằng câu hát về bờ biển Khi nước biển phía đông khô cạn và núi Baek Tu bị bào mòn... Hình như tôi nghe thấy có tiếng sóng biển và đằng sau tiếng sóng ấy là tiếng hát của hai anh em Yoon Soo - hai đứa bé đáng thương tội nghiệp đang run lên vì lạnh ngồi ở cạnh thùng rác nơi góc đường. “Anh à, đất nước mình đẹp anh nhỉ? Khi em hát bài Quốc ca không hiểu sao em lại có cảm giác như anh em mình vừa trở thành những người anh hùng!”. Hình như giọng nói thỏ thẻ của Eun Soo đang văng vẳng vào tai tôi cùng với tiếng sóng biển rì rào... Và đằng sau bãi cát trắng chỗ bọn trẻ đang vui vẻ đùa nghịch ngoài kia, những cơn sóng xanh rì cũng đang vỗ vào bờ, từng đợt... từng đợt...
Tôi luôn muốn nói điều ấy.
Điều mà đến giờ tôi vẫn hằng tin và luôn cho là đúng.
Là bất cứ khi nào chúng ta cũng phải suy nghĩ rằng mình sẽ vượt qua được mọi khó khăn.
Nói cách khác, vượt qua khó khăn - đó là nhiệm vụ của chúng ta ở trong cuộc sống này.
Rainer Maria Rilke - Thư gửi thi sĩ trẻ tuổi.
Yêu Người Tử Tù Yêu Người Tử Tù - Park Jin Sung Yêu Người Tử Tù