Bạn nhìn thấy sự việc và hỏi “Tại sao?”, nhưng tôi mơ tưởng đến sự việc và hỏi “Tại sao không?”.

George Bernard Shaw

 
 
 
 
 
Tác giả: Park Jin Sung
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1818 / 31
Cập nhật: 2017-08-04 14:03:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nhật Ký Buồn 15
hẳng biết trên đời này có cái gọi là “vận mệnh” không nhỉ? Tôi cũng không biết chính xác nữa. Hôm đó, tôi và người anh em kia quyết định đi ăn trộm vàng bạc ở một cửa hàng vàng bạc đá quý gần khu Ui Jeong Bu. Chúng tôi đã xác định rõ ràng địa điểm và hướng đi, sau đó đi bằng tàu điện ngầm tới đó. Lúc đến ga Dong Dae Mun đáng lẽ chúng tôi phải xuống đổi tàu để đi hướng khác nhưng do mải nói chuyện nên chúng tôi đã xuống nhầm ở ga Sân vận động Dong Dae Mun. Và ở đó, tôi tình cờ gặp lại người góa phụ ấy. Giả sử như hôm đó chúng tôi không xuống nhầm ga tàu điện ngầm thì sẽ thế nào nhỉ? Chắc là tôi sẽ không bị vào trại giam như thế này chăng?
Người phụ nữ ấy khoảng gần bốn mươi tuổi, bà ta kinh doanh một quán rượu nhỏ mà hồi còn hay giao du với bọn bạn bụi đời tôi vẫn thường đến đó uống rượu. Tôi đứng đối diện với bà ta khi tôi xuống nhầm ga tàu điện ngầm. Người phụ nữ ấy ngày xưa đã đối xử rất tốt với tôi và thỉnh thoảng còn cho tôi tiền tiêu vặt. Về tư cách đạo đức, nghe bảo bà ta cũng không được tốt đẹp gì cho lắm (mà nói thật thì... thực ra tôi cũng không biết rõ người có tư cách đạo đức tốt sẽ phải là người như thế nào?). Tôi không chắc chắn lắm nhưng đúng là bà ta rất hay liếc mắt đưa tình với tôi. Còn tôi không hề có chút cảm tình nào với bà ta, thậm chí còn thấy rất ghét bà nữa là đằng khác. Tôi cũng không biết tại sao như vậy? Hay do tôi có ác cảm với bà ta chăng? Ngày hôm đó, lúc tình cờ gặp nhau ở ga tàu điện ngầm, bà ta nói với tôi hôm nay quán rượu của bà đóng cửa và hỏi tôi có rảnh không, đến nhà bà ta uống rượu. Cái kiểu đề nghị khiếm nhã và đầy tình ý này làm tôi cực kỳ khó chịu, đương nhiên, tôi không hề muốn đi cùng bà ta một chút nào nhưng người anh em kia lại liếc mắt ra hiệu với tôi có ý bảo rằng ta cứ đến đó đi. Tất nhiên anh ta cũng biết người phụ nữ ấy có rất nhiều tiền. Nhưng lúc đó tôi chỉ tưởng cái liếc mắt của anh ta có ý nói, chúng ta hãy đến đó chơi và uống rượu mà thôi. Vậy nên tôi quyết định đi luôn về căn hộ chung cư ở phường I-Mundong theo lời đề nghị của bà ta.
Vừa vào đến nhà, bà ta đi thay ngay một cái váy rất mỏng và cầm một chai rượu ra rót mời tôi rồi hỏi tôi có thể vào phòng của bà ta nói chuyện riêng một lúc được không. Tôi bảo người anh em kia đợi tôi một chút, rồi tôi đi theo bà ta vào phòng riêng. Lúc đó trong đầu tôi chỉ nghĩ đến người yêu của tôi - người mang trong mình giọt máu của tôi, đang phải đối diện từng giờ với cái chết. Tôi không còn tâm trí để ngồi nói chuyện vui vẻ với bà ta. Tôi đã cầu xin bà ta cho tôi vay ba triệu won và hứa sẽ làm bất cứ việc gì bà ta yêu cầu để trả nợ. Lúc nghe xong câu chuyện tôi kể, bà đề nghị với tôi một việc. Bà ta nói là nếu tôi chịu về sống chung với bà thì bà sẽ đưa tiền để tôi lo phẫu thuật cho người yêu tôi và cứu sống tính mạng. Tôi vô cùng tức giận vì trong lúc người yêu tôi đang phải đối diện với cái chết mà bà ta lại lôi kéo tôi đến đây chỉ để nói những lời đề nghị vớ vẩn ấy. Tôi tức giận nói điều đó không thể xảy ra và định đứng dậy bỏ đi, đột nhiên tôi nghe thấy một tiếng thét lớn ở phòng đối diện.
15.
Một mùa hè nữa lại trôi qua. Hàng tuần tôi ngồi đợi ngày thứ năm cứ như chú cáo nhỏ ngồi đợi chàng Hoàng tử bé vào lúc bốn giờ chiều mỗi ngày. Tôi không bao giờ nhận bất cứ một cuộc hẹn nào vào ngày thứ năm, ngay tối thứ tư tôi đã bắt đầu cảm thấy hồi hộp vì không biết ngày mai tôi và Yoon Soo sẽ nói chuyện gì với nhau. Nhưng cứ nghĩ cả tuần anh ta phải ngồi ở trong trại giam chờ đợi ngày thứ năm, chẳng có ai đến thăm anh ta ngoài tôi thì tôi lại cảm thấy rất đau lòng. Yoon Soo bắt đầu đọc sách với tốc độ nhanh chóng mặt. Thậm chí có một hôm, anh ta nhắc đến tên của một nhà thơ mà tôi chưa từng biết đến. Nhưng thấy Yoon Soo như vậy tôi lại vừa mừng vừa lo. Mỗi khi tôi đọc báo, thấy có bài viết liên quan đến những người tử tù là tim tôi bỗng dưng đập rất nhanh. Khi có ai đó nói: Phải cho hắn chết, phải xử tử hắn ngay. Không hiểu sao tôi lại nghĩ đến khuôn mặt trắng bệch của Yoon Soo. Mấy lần nói chuyện điện thoại với cô Mônica, tôi đã muốn nói tôi định thôi không làm những việc này nữa, nhưng cứ nghĩ biết đâu thứ năm tuần sau lại là ngày cuối cùng Yoon Soo được sống trên cõi đời này, nên tôi lại thôi không nói gì với cô nữa.
Thực ra, nếu giờ tôi bỏ mặc anh ta và không đến khu trại giam đó, tôi cũng chẳng có nơi nào khác để đi. Rồi tôi lại nghĩ đến việc cô tôi đã đi đi lại lại thăm tù nhân ở đây gần ba mươi năm nay. Tôi thường đi bộ dọc theo dãy hành lang dài của khu trại giam một vòng sau khi đi gặp và nói chuyện với Yoon Soo xong. Tôi thấy khoảng sân trước của khu trại giam dạo này có những cây hoa hồng đang nở vàng rộ, nhưng chúng không hề phát ra những ánh hoàng kim đẹp đẽ giống như lúc con cáo ngồi đợi cậu Hoàng tử bé ở dưới cánh đồng lúa mỳ. Ông quản giáo Lee cầm cái túi đựng cơm hộp mà tôi mang đến và bước đi theo sau lưng tôi. Phía đằng xa, vài chiếc lá cây đang rụng bay vờn theo cơn gió. Màu xanh của mùa hè như vẫn đang còn đây vậy mà cứ khi nào có một cơn gió mạnh thổi đến, những âm thanh xào xạc rì rào của những tán cây xung quanh lại vang lên như báo hiệu rằng một mùa thu mới đang đến rất gần. Hôm nay, lúc nói chuyện với Yoon Soo, anh ta đã bảo thế này: “Có những thứ nếu nhìn bằng mắt tưởng là giống nhau nhưng nếu nghe bằng tai mới biết chúng khác nhau thế nào. Cùng là một màu xanh giống nhau nhưng âm thanh của cây cối mùa xuân với âm thanh của cây cối mùa hè hay mùa thu lại hoàn toàn khác nhau... Thế nên những cái ta nhìn thấy bằng mắt đôi khi không phải là tất cả!”.
Giọng nói của Yoon Soo khá điềm tĩnh. Anh ta cũng nói rất chậm. Tôi liên tưởng đến một cái gì đó giống với một hồ nước mùa thu, nghĩa là vẫn là cái hồ nước ấy nhưng khi mùa thu đến nó bỗng trở nên sâu hơn, trong hơn và mát hơn. Có vẻ như Yoon Soo cũng vậy.
“Cô có biết không? Tôi cũng thường mong cho những ngày thứ năm đến nhanh...”
Ông quản giáo Lee nói.
“Thế ạ?”
Tôi quay đầu lại nhìn ông quản giáo Lee và cười. Tôi cảm thấy hơi xấu hổ. “Cô Moon dạo này hình như đang có gì thay đổi thì phải... vì trông mặt cô lúc nào cũng rất tươi tỉnh! Chắc chắn cô đang có chuyện gì vui phải không, trông cô không còn vẻ mặt bất an của ngày xưa nữa...”. Các giáo viên cùng trường tôi đang theo dạy, hay nói với tôi những câu đại loại như thế. Thực ra tôi đã cảm thấy rất vui khi được họ khen, nhưng giá họ đừng nói thêm cái câu cuối ấy thì tốt biết mấy. Giờ tôi mới nghĩ đến chuyện khi tôi nhìn Yoon Soo, tôi cứ tưởng tượng như mình đang nhìn vào một cái gương. Vì khi anh ta cảm thấy thoải mái thì tôi cũng cảm thấy thoải mái, rồi khi anh cảm thấy bất an lo lắng là tôi cũng cảm thấy bất an và lo lắng theo. Mùa thu đến, rồi cuối năm cũng sẽ đến, thời gian cứ thế đang trôi đi rất nhanh nên chúng tôi không thể không nghĩ về cái chết. Thời gian càng trôi nhanh sự bất an lo lắng của những người tử tù càng lớn, mà không chỉ có họ, ngay cả với những người thân hay bạn bè của họ nữa, cái án tử hình cứ như đang treo lơ lửng trước mắt tất cả vậy. Nó giống như một con quái vật khổng lồ đáng sợ, lúc nào cũng giơ nanh vuốt ra hằm hè: Cứ đợi đấy, ta sẽ bắt ngươi ăn thịt. Mỗi ngày trôi qua, họ cảm thấy như mình đang tiến đến gần hơn chỗ con quái vật ăn thịt người ấy.
“Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản tôi thi công chức và vào đây làm việc. Nhưng đến giờ tôi lại thấy vô cùng biết ơn công việc mà tôi đang làm. Vì nhờ nó mà tôi đã hiểu được thế nào là sự sống, thế nào là cái chết, và tôi đã thực sự chiêm nghiệm ra được rất nhiều điều”.
Đây là lần đầu tiên ông quản giáo Lee nói với tôi một câu dài như thế. Nó cứ giống như là một câu chuyện. Vì trong thời gian làm việc cả chục năm ở đây, chính ông là người đã dẫn giải và quản giáo mấy chục người tử tù giống Yoon Soo.
“Cứ khi mùa thu đến, tôi lại cảm thấy có gì đó đáng sợ cũng như tôi thường bị mất ngủ. Năm ngoái không có vụ thi hành án nào nên chắc chắn là năm nay sẽ có. Tôi hiểu rất rõ sự bất an cũng như sự lo sợ lúc này của những người tử tù đang có mặt ở đây. Từ thời điểm này đến cuối năm, họ thường trở nên rất nhạy cảm, tính khí cũng thất thường hơn và họ hay thích gây rối phá phách. Có hôm nửa đêm ở đây tôi nghe thấy những tiếng kêu thét thất thanh, khi chạy đến kiểm tra tôi mới biết hóa ra là họ đang nằm mơ, họ bảo họ mơ thấy mình bị treo cổ...”
“Thế Yoon Soo dạo này thế nào ạ?” Ông quản giáo Lee cười.
“Tôi nghe bảo anh ta như một người tu đạo thực sự rồi. Hôm nào anh ta cũng ngồi đọc sách và cầu nguyện đến tận khuya. Số tiền Sơ gửi cho anh ta mua đồ dùng sinh hoạt cá nhân, anh ta hỏi tôi ở trong này ai đáng thương và bất hạnh nhất, rồi anh mang số tiền ấy đến biếu hết cho họ. Lần trước, Sơ Mônica đến đây làm lễ cầu nguyện, Sơ cũng bảo Yoon Soo bây giờ chả khác nào một người tu đạo thực sự, và nhìn anh ta Sơ liên tưởng đến một nhà tu đạo cả đời sống trong nhà thờ hay một vị sư tu hành khổ hạnh trên núi. Tôi làm việc ở đây cũng mấy chục năm rồi nên tôi biết, ông tổng thống của nhiệm kỳ trước cũng đã từng ở đây, rồi cả mấy ông ứng cử viên tổng thống nhiệm kỳ này cũng vậy. Cả các ngài nghị viện quốc hội, các ngài bộ trưởng, hay giám đốc các tập đoàn lớn... Tất cả những người ấy họ đều đã từng có một khoảng thời gian ở đây. Tôi không hiểu nhiều về chính trị nhưng nơi này - nó cứ như là một tấm gương phản chiếu toàn bộ mọi vấn đề của cuộc sống... Và ở đây người ta chiêm nghiệm ra được nhiều điều!”
Tôi không có ý định hỏi lại xem ông quản giáo đã chiêm nghiệm ra được điều gì. Mà đâu có cần phải hỏi làm gì. Chúng tôi bước qua hết cánh cửa này đến cánh cửa khác. Lúc gần ra đến cổng trại giam tôi mới hỏi:
“Chú ơi, ngày thi hành án tử hình có được báo trước không?” Ông quản giáo Lee hơi lưỡng lự một chút trước khi trả lời.
“Ngày thi hành án, những người tử tù chỉ được biết vào buổi tối của ngày hôm trước... Chắc cô không biết chuyện này, chuyện những ngày sau khi thi hành án xong, anh em quản giáo chúng tôi ở đây cứ phải uống rượu suốt. Nói thật, có nhiều lúc chúng tôi cảm thấy mệt mỏi căng thẳng và căm ghét những người tử tù ấy lắm, nhưng ở với nhau lâu, chúng tôi đâm ra quý và thương họ nhiều hơn. Những người bình thường khi đọc báo ai cũng tưởng những người tử tù này là những kẻ độc ác hay những con thú dữ, nhưng ở lâu với họ thì mới biết được, trong sâu thẳm trái tim họ vẫn là những con người... mà đã là con người thì ai cũng có những điểm giống nhau! Trong vòng một tháng, sau mỗi đợt thi hành án xong, anh em quản giáo chúng tôi không hôm nào là không uống rượu, vì không có rượu chắc chúng tôi sẽ không thể sống nổi. Người ta vẫn nói thế này: Những người tận mắt chứng kiến hiện trường vụ giết người, họ sẽ nghĩ tử hình là một chế độ vô cùng cần thiết, nhưng những người tận mắt chứng kiến hiện trường vụ thi hành án, họ lại nghĩ tử hình là chế độ nên được bãi bỏ. Đây toàn là những việc không ai muốn chứng kiến cả. Lúc nãy tôi đã nói tôi cảm thấy vô cùng biết ơn việc mình trở thành một người quản giáo ở đây, nhưng thật sự mỗi lần phải chứng kiến hiện trường vụ thi hành án, tôi lại muốn bỏ việc ngay lập tức. Có nhiều người làm quản giáo ở đây xong đã trở thành nhà truyền đạo hoặc nhà sư. Chắc cũng tại lý do như tôi vừa nói chăng...”
“Lần đầu gặp Yoon Soo ấy, chú không nghĩ anh ta là một kẻ ác?” Ông quản giáo Lee cười.
“Dù là kẻ đã gây ra tội ác thì anh ta cũng là con người mà. Có người nào hằng ngày hằng giờ, hôm nào cũng đi gây tội ác đâu. Nói thật chứ chính tôi đây thỉnh thoảng cũng làm việc ác nữa là...”
Tôi và ông quản giáo chào nhau ở cổng trại giam. Tôi đi bộ ra đến chỗ bãi đỗ xe và ngoái đầu nhìn lại. Ông quản giáo vẫn đứng ở đó và nhìn về phía tôi. Tôi giơ tay lên vẫy chào ông lần nữa. Và ông quản giáo cũng giơ tay vẫy chào đáp lại tôi. Tự dưng tôi nghĩ, sau khi Yoon Soo bị xử tội và chết, tôi và ông quản giáo sẽ thế nào nhỉ. Nếu không có Yoon Soo, tôi với ông ấy chẳng biết có cơ hội gặp nhau cũng như nói chuyện với nhau như thế này hay không. Tôi bỗng nhận ra một điều, cả tôi và ông quản giáo lúc nào cũng lầm tưởng cái chết chỉ đến với những người tử tù. Chúng tôi đã vô tình quên rằng, đến một lúc nào đó cả tôi, cả ông ấy tất cả cũng đều phải chết, chẳng qua là chưa biết cụ thể khi nào mà thôi. Và cả mẹ tôi nữa, dù căn bệnh ung thư mẹ tôi đang mang không bị tái phát, đến một lúc nào đó cái chết cũng sẽ đến gõ cửa phòng bệnh nơi mẹ tôi đang nằm.
Có mấy chiếc xe ô tô màu đen bóng loáng vừa chạy tới và đỗ ngay ngắn trước cổng trại giam. Tôi thấy có mấy người mặc comple tay xách cặp đen dáng vẻ đĩnh đạc, vội vã bước xuống xe. Hình như là mấy ông luật sư. À, cả mấy ông luật sư này nữa, rồi sau này mấy ông cũng sẽ phải chết. Dù họ không bước đi một cách vội vã như thế kia, một trăm năm nữa tất cả những người hôm nay có mặt ở đây cũng đâu còn một ai tồn tại trên cõi đời này. Nhưng họ có vẻ đang vội vã thật sự. Chắc họ muốn nhanh chóng giết chết tất cả những người tử tù đang ở trong trại giam kia. Ôi, nếu anh Hai mà biết được suy nghĩ này của tôi, chắc anh sẽ lại nổi đóa lên mất. Và anh sẽ bảo đó không phải là chuyện đi giết người mà là chuyện người ta đi thi hành án!
Điện thoại của tôi bỗng đổ chuông. Là cuộc gọi của cô Mônica. Giờ tôi mới nhớ, đã lâu lắm rồi tôi không gặp cô. Một cơn gió heo may chợt thổi qua làm tôi thấy nhớ cô vô cùng. Tôi lái xe về phía thành phố Seong Nam. Tôi chỉ loáng thoáng nghe thấy cô nói là có một ai đó vừa chết cũng như bảo tôi mau mau đến chỗ cô ngay. Lại là việc liên quan đến cái chết. Mà cũng đúng thôi, chẳng phải Đức Phật đã từng nói: “Chuyện làm chúng ta bị bất ngờ nhất trên thế gian này là chuyện đến một lúc nào đó chúng ta sẽ chết, nhưng chúng ta lại luôn phải sống và quên đi sự thật đó”. Tôi rẽ vào phía phường Bundang để đi đến khu Seong Nam. Đi được một đoạn, tôi nhìn thấy một nghĩa trang công cộng với hàng trăm hàng nghìn ngôi mộ ở trên sườn núi, phía bên trái con đường. Mỗi khi từ trại giam trở về, thỉnh thoảng tôi cũng đi qua con đường này nhưng hôm nay là lần đầu tiên tôi để ý tới mấy ngôi mộ ấy. Tôi mới đọc báo đưa tin về vụ máy bay của hãng hàng không Korean Air bị rơi ở đảo Guam. Hôm nay lúc gặp Yoon Soo, anh ta cũng có nhắc đến chuyện ấy: “Hình như có khoảng hai trăm người đi trên chuyến máy bay định mệnh đó đã bị chết. Tôi đã mất ngủ khi nghe tin dữ đó. Chúa ơi, sao Chúa không cho những kẻ tội đồ như tôi chết ngay đi mà lại để cho bao nhiêu người hiền lành vô tội kia bị chết cơ chứ... Tôi rất đau lòng. Tôi nghĩ đến những người thân của họ, không biết họ phải chịu đau đớn như thế nào trước sự mất mát quá lớn ấy...” Những ngôi mộ và chiếc máy bay bị rơi, tôi linh cảm mùa thu này có một điều gì đó không may mắn sắp xảy ra.
Có rất nhiều tấm bạt màu trắng đang che phủ bãi đất trống phía sau con đường nằm cạnh chợ. Vừa lái xe tôi vừa tự hỏi nơi này là nơi nào mà sao chỉ thấy những ngôi nhà nho nhỏ cũ kỹ nằm san sát cạnh nhau. Tôi đỗ xe ở lối vào cạnh cổng chợ rồi đi sâu vào trong tìm cô Mônica. Có một người phụ nữ đã chỉ cho tôi biết chỗ cô Mônica đến. Vừa thấy tôi bước vào căn phòng, cô Mônica đã kéo tay tôi ngồi xuống.
Nhiều người đang đứng xếp hàng phía trước một tấm di ảnh. Tôi không hiểu người bị chết ở cái phường nghèo nàn này là ai mà lại có nhiều người đến đây thăm viếng. Những người đang đứng xếp hàng kia đều đang rưng rức khóc. Cũng như chung quanh toàn là những khuôn mặt sầu thảm, tiếc thương cho người quá cố.
Cô Mônica nắm chặt lấy tay tôi rồi ngẩng mặt lên nhìn tôi. Dưới ánh nắng mùa thu, tôi thấy tóc cô gần như bạc trắng. Cô mà chết thì tôi biết làm gì bây giờ nhỉ - chả hiểu sao tự dưng tôi lại nghĩ vậy. Lúc cầm tay cô, tôi cảm thấy bàn tay cô nhỏ nhắn thô ráp và xương xẩu, cứ như tôi đang cầm phải một thanh gỗ cứng vậy.
Bức di ảnh chụp một người phụ nữ miệng đang mỉm cười, mặc một bộ Hanbok rất đẹp, mái tóc bà ấy chải gọn sang hai bên rồi buộc túm lại ở phía đằng sau. Tôi đặt một bông hoa lên chỗ viếng rồi chắp hai tay cúi đầu lạy. Cô Mônica đứng im và nép người vào bức tường. Tôi thấy cạnh chỗ bức tường nơi cô đang đứng, có rất nhiều bức thư được xếp chồng lên nhau. Không chỉ ở chỗ góc tường ấy đâu, cả ở các phía xung quanh cũng có những bức thư.
Tôi thực sự rất muốn biết những người đang vật vã than khóc kia, họ có liên quan gì với người đang nằm ở trong quan tài? Cũng như có thật sự họ cảm thấy đau lòng lắm hay không? Nhưng cô đã nắm lấy tay tôi và kéo ra ngoài. Lúc bước ra, tôi thấy dãy người đang đứng xếp hàng để vào trong viếng, bây giờ còn dài hơn cả khi nãy.
“Bà ấy là người đến từ thiên đường đấy cháu ạ. Tất cả những người có liên quan tới mấy khu trại giam không có ai là không biết đến tên bà ấy. Hình như là khoảng gần bốn mươi tuổi, bà ấy đã trở thành góa phụ. Bà ấy cũng không có con cái, nên bà đã đem bán hết tất cả tài sản của mình rồi chuyển đến thuê cái căn phòng chưa đầy sáu mét vuông này. Sau đó, bà ấy đi khắp các khu trại giam trong cả nước để phân phát hết số tiền bà ấy có được cho các tù nhân... Lúc nãy chắc cháu cũng nhìn thấy những lá thư được chất đống ở trong phòng đúng không? Đó là những lá thư đến từ khắp nơi trên cả nước đấy. Có một lần cô đã hỏi bà ấy thế này: “Bà ơi, bà đem phân phát hết số tiền mình có cho người khác như thế, vậy lúc bà ốm đau hay bệnh tật thì bà làm thế nào?”. Và bà ấy đã trả lời: “Có gì mà phải lo lắng chứ. Nếu biết tôi còn nhiều việc phải làm thì chắc chắn Chúa sẽ gửi tiền cho tôi theo cách này hay cách khác, còn nếu không thì Ngài sẽ dẫn tôi đi theo Ngài...”. Khi nghe bà ấy nói vậy, cô nghĩ bà ấy chẳng biết lo gì cho bản mình. Bà ấy đã ra đi vào sáng hôm nay. Cô nghe bảo hôm qua bà ấy đã đi đến trại giáo dục tù nhân ở thành phố Daegu về, rồi còn đi ăn tối vui vẻ với mọi người sau đó mới về nhà ngủ. Vậy mà sáng nay bà ấy đã... Lúc mọi người mở tủ quần áo của bà ấy, thấy có đúng một ít tiền vừa đủ để làm tang lễ do bà ấy cố ý để lại”.
Tôi quay lại nhìn căn phòng nhỏ đó. “Thật thế à?”
“Ơ, con bé này, chuyện thật đấy...”
“Nhưng sao con không thấy bà ấy lên báo lần nào?”
Vừa nói dứt lời, tôi đã biết ngay là câu hỏi của mình có hơi ngớ ngẩn. Nhưng thực sự, chuyện ấy thật khó tin. Nó cứ như là một câu chuyện được người ta hư cấu để giáo dục thiếu nhi vậy. Với lại, nó cũng chẳng giống với một câu chuyện kể về một kỳ tích hay một danh nhân anh hùng. Nhưng lúc nghe cô kể, tôi cũng hơi nổi da gà. Vì đây chẳng phải là một câu chuyện kể về ngày xửa ngày xưa, cũng như nó chẳng phải là chuyện cổ tích phương Tây mà nó là một câu chuyện kể về một con người có thực ở đất nước Hàn Quốc này. Tôi vẫn chưa thể tin rằng, ở Hàn Quốc ngày nay vẫn còn có những con người như thế.
“Do bà ấy cứ tránh đấy. Hình như cũng có một hai lần bà ấy không cho phỏng vấn mà chỉ đồng ý cho họ viết về mình trên báo thôi”.
“Nhưng tại sao cháu không biết nhỉ?”
Cô không trả lời. Nhưng đúng là dù bà ấy có lên báo hay không thì trước đây tôi cũng đâu có biết đến sự tồn tại của bà. Mà tôi cũng chẳng muốn biết làm gì. Tôi nhớ lại có lần cậu tôi nói với một giọng điệu buồn buồn: “Nếu cháu muốn hiểu rõ bản chất mọi việc, cháu phải chấp nhận chịu đau đớn. Mà nếu cháu muốn có đau đớn, cháu phải chịu khó quan sát, cũng như cháu phải cảm nhận và phải hiểu...”. Nói thế thì chẳng khác nào cuộc sống này không tồn tại nếu ta không biết cảm nhận - nói đúng hơn là không có lòng trắc ẩn.
Còn nữa, cái lòng trắc ẩn ấy cũng sẽ không tồn tại nếu như ta không biết đến những câu chuyện của người khác, rồi ta không thể biết đến những câu chuyện của người khác nếu như ta không quan tâm đến họ. Tình yêu cũng là sự quan tâm. “Anh thực sự đã không biết là có chuyện ấy!” - lần trước anh Hai đã nói với tôi câu ấy. Vậy... không hiểu anh Hai có yêu thương tôi không nhỉ? Ngày xưa anh đã cõng tôi trên lưng, mua kem cho tôi ăn, rồi lúc nào anh cũng bảo là anh yêu thương lo lắng cho tôi, nhưng việc tại sao tôi lại trở thành một người như thế này thì anh đâu có biết. Anh nói là anh không biết chuyện đã xảy ra với tôi trong quá khứ, không mang ý nghĩa là anh không biết nên không có tội, mà nó lại mang một ý nghĩa nào đó đi ngược với sự yêu thương thì sao. Rồi không chừng nó còn mang thêm cả những ý nghĩa khác trái ngược với sự quan tâm, thậm chí cả ý thức hay trách nhiệm mà giữa con người với con người đều có với nhau thì sao?
“Yoon Soo cũng biết bà ấy đấy. Mùa đông năm ngoái, khi cháu chưa đi với cô tới trại giam, cô đã kể cho Yoon Soo nghe về bà ấy và thằng bé cũng đã nói nó rất muốn gặp mặt bà ấy một lần. Cô đã hứa lúc nào thích hợp sẽ hỏi bà ấy xem ý bà thế nào, vậy mà... bà ấy lại ra đi trước cả Yoon Soo. Đúng là sự đời, chả biết trước được điều gì, nhất là cái chết. Chắc tại cô già rồi nên đầu óc dạo này lẩn thẩn nhớ nhớ quên quên chẳng được việc gì!”
Tôi và cô đi về phía chiếc bàn đặt cạnh mấy tấm bạt che và ngồi xuống đó. Mấy người phụ nữ đeo tạp dề trước ngực đang thoăn thoắt chia đồ ăn và rượu cho mọi người xung quanh. Bỗng tôi thấy một người đàn ông trung niên đi lại gần chỗ tôi và cô đang ngồi rồi ngồi xuống bên cạnh. Ông ta quay sang cô và chào: “Ôi lâu lắm rồi tôi mới được gặp lại Sơ”. Tôi để ý thấy khuôn mặt ông ta rất hồng hào cũng như trông ông ta có vẻ rất khỏe mạnh. Cô giới thiệu: “Vị này trước đây là giám đốc trại giam Seoul, bây giờ đã nghỉ hưu rồi”. Tôi cúi đầu chào và thấy ông ta tỏ ra khá vui vẻ.
“Tôi đã nghe chuyện cô đăng ký vào Hội đồng ủy viên tôn giáo ở trại giam, dù không phải thế tôi cũng muốn gặp cô một lần. Tất cả các con tôi từ nhỏ đã rất thích bài hát Đất nước của hy vọng do cô biểu diễn...”
Không hiểu sao tôi chẳng có một chút cảm tình gì với ông này. Đó có vẻ như là một bản năng mà chỉ những người vừa có nội tâm phức tạp lại vừa có cái đầu quá thông minh như tôi mới có thì phải. Tôi như có những cái xúc tu đặc biệt khi tiếp xúc với người khác giới. Mỗi khi gặp họ, tôi lại tự bảo mình phải bình tĩnh và im lặng phán đoán đối phương trước đã. Và tiêu chuẩn để tôi phán đoán người khác chính là ông anh họ của tôi. Bất kỳ ai tạo cho tôi cảm giác họ giống với anh ta, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi chính là cảm giác từ chối, hoặc chí ít là nên tránh xa thật nhanh. Nó như một vết sẹo mà cả cuộc đời này tôi không tài nào có thể xóa đi được. Tôi nhớ cô Mônica có lần đã nói, tôi phải tự mình thoát ra khỏi sự thật ấy, ngẫm lại câu cô nói cũng rất đúng. Chuyện anh họ tôi đã gây ra cho tôi ngày xưa, đã chi phối hết cả cuộc đời tôi. Thế nên dù các bậc thánh nhân của tất cả các tôn giáo tiến lại gần tôi, chắc tôi cũng sẽ phán đoán họ theo cách thức ấy. Đôi khi tôi cũng thấy có lỗi với những con người đó, như lúc này tôi thấy có lỗi với người đàn ông đang ngồi trước mặt. Ông ta rót một chén rượu mời cô Mônica. Cô tôi thoáng do dự nhưng rồi cũng đưa tay đón lấy.
“Vâng, nâng chén nào. Chúng ta hãy uống một chén. Hồi còn sống bà ấy rất thích uống rượu nên có lần đã bảo tôi hôm nào có thời gian thì cùng bà ấy uống một chén. Tôi đã nói với bà ấy, tôi là nữ tu, bị những điều cấm kỵ trong tôn giáo ràng buộc nên tôi không được phép uống rượu. Thế đấy... Tôi đã lỡ cơ hội ngồi uống với bà ấy một chén rượu”.
Khuôn mặt của cô Mônica tỏ vẻ hối hận. Cô từ từ nâng chén lên và lại nói tiếp:
“Cũng đã có lần bà ấy nói với tôi, bà ấy cũng muốn trở thành nữ tu, nhưng chính vì rượu mà bà ấy đã không thể. Bà ấy còn nói, thực ra so với việc mặc bộ quần áo nữ tu thì rượu làm cho bà ấy trở nên gần với Chúa hơn. Tôi đã vô cùng bất ngờ trước câu nói ấy. Nhưng bà ấy bảo, cái làm cho mọi người trở nên bình đẳng với nhau là rượu chứ là cái gì. Các nhà tài phiệt giàu có cũng uống chai rượu Soju sáu trăm won, những người lao động chân tay vất vả cũng uống chai rượu Soju sáu trăm won... Rượu vang hay rượu Whisky của những nước khác còn có phân biệt giai cấp chứ rượu Soju của Hàn Quốc không có sự phân biệt giai cấp hay tầng lớp nào... Bà ấy có lần còn hỏi tôi: Sơ nhiều tuổi thế này rồi mà không biết đến mùi vị của rượu Soju sao? Hôm nay tôi uống thử, hóa ra rượu Soju cũng ngon đấy chứ!”.
Chưa uống hết phân nửa chén rượu nhưng hình như cô đã say. “Hồi trước, vào đúng hôm Tết âm lịch, bà ấy đã xin rót cho mỗi phạm nhân trong tù một chén rượu Soju rồi bảo với chúng tôi, Tết nhất nên phá lệ cho họ uống mỗi người một chén. Lúc nghe câu ấy tôi đã toát mồ hôi, nghĩ bà ấy chỉ muốn đùa thôi. Nhưng đúng thật, lúc đó bà ấy có nhắc đến chuyện chén rượu tạo sự bình đẳng cho mọi người. Vậy mà các tù nhân... một chén rượu cũng không thể uống. Tôi nghĩ mình phải cảm ơn Chúa vì đã cho một người như bà sống ở thời đại của chúng ta, cũng như đã cho tôi có cơ hội được nói chuyện với bà ấy...”
Cô không nói gì nữa, cứ ngồi im lặng. Ông ta quay qua hỏi tôi: “Cô đi gặp những người tử tù thấy họ thế nào? Theo tôi biết, ở trại giam nào cũng thiếu nhân lực nhất là những người làm công tác giáo hóa tù nhân. Mà dạo này làm cái gì người ta cũng nói đến mấy vấn đề liên quan đến nhân quyền. Đúng là đau đầu thật! Nói thế nào thì nói chứ làm nghề ấy vất vả lắm! Tôi nghe bảo dạo này cô đang đi gặp tên Jeong Yoon Soo phải không? Tên đó hồi trước cứng đầu lắm, không biết dạo này hắn đã biết hối cải tí nào chưa?”
Câu hỏi của ông ta khiến tôi hơi bất ngờ. Tôi cảm giác cứ như là trước đây ông ta đơn thuần chỉ làm việc cho một tổ chức chính phủ nào đó, chứ không phải là từng làm việc ở trong trại giam. Nếu hôm nay không phải là lần đầu tiên tôi gặp ông ta, chắc tôi đã trả lời câu hỏi của ông ta theo cái cách mà tôi vẫn thường hay làm. Đó là: Nếu ông muốn biết tình hình của anh ta thế nào, ông đi mà gặp rồi hỏi trực tiếp anh ấy!
“Vâng, tôi cũng đang cố gắng cảm hóa anh ta đấy ạ”.
Vừa trả lời xong, tôi thấy ông ta ha ha cười. Sau đó ông ta nói sang chuyện khác, cứ như là câu trả lời của tôi không phải là câu ông ta đang muốn nghe lúc này.
“Tôi nghe bảo là bệnh tình của Đức Cha Kim đã khá hơn nhiều rồi. Chuyện này chẳng phải là một kỳ tích hay sao?”
“Dạo này y học phát triển và cũng có nhiều loại thuốc tốt, hơn nữa bản thân Đức Cha lại có ý chí mạnh mẽ...”
Giọng điệu của cô Mônica cứ như cô từng là một giám đốc trại giam và ngược lại giọng điệu của ông từng là giám đốc trại giam nghe lại giống như giọng điệu của một nữ tu. Tôi thấy hơi tức cười.
“Lần trước, lúc đến thăm Đức Cha tôi đã nói thế này: Đức Cha, hay hằng ngày ngài thử lẩm nhẩm đọc nội dung của chương 23 trong cuốn Thi Thiên xem thế nào. Ngài thử xem ạ, biết đâu bệnh của ngài sẽ nhanh khỏi hơn. Vì trước đây tôi cũng có một người bạn bị mắc bệnh ung thư và tôi đã bảo người bạn ấy hãy thử làm như thế. Kết quả là người bạn ấy đã khỏi thật...”
Ông ta nói. Giờ thì tôi biết tại sao lúc nãy cô lại nói với ông ta về tác dụng của y học và thuốc rồi. Nhưng tôi tò mò không hiểu bài thơ trong sách Kinh Thánh giống như một câu thần chú mà ông ta vừa nói ấy, nó có nội dung gì?
“Chương 23 trong cuốn Thi Thiên có nội dung gì thế ạ? Nó có hiệu quả thật như vậy à?”
Ông ta nhìn tôi với một ánh mắt vô cùng ngạc nhiên. Ánh mắt ấy như soi mói hỏi tôi: Cô là một người thuộc Hội viên hội tôn giáo mà nội dung đó cô cũng không biết sao? Rồi lại còn hỏi nó có hiệu quả thật hay không nữa chứ? Bỗng tôi hơi cảm thấy lo lắng. Biết đâu ông ta lại hỏi tôi thêm: Cô có thường đi lễ nhà thờ không? Tôi biết trả lời thế nào đây? Nhưng chỉ cần ông ta nói cho tôi biết chương 23 trong cuốn Thi Thiên ấy có nội dung gì là được thôi mà, đâu nhất thiết phải tỏ ra quá nghiêm trọng đến như thế. Đã không trả lời câu hỏi của tôi thì chớ, ông ta lại còn tỏ thái độ giống như kiểu: nếu cô muốn biết thì về nhà mở sách ra mà đọc!
“Nội dung đó nó thế này: Đức Yahweh là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì. Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, dẫn tôi đến mé nước bình tịnh... Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào...”
Cô Mônica nói như thể đang cứu vãn bầu không khí lúc đó. Mà nội dung của mấy câu đó cũng không khó hiểu. Dù không phải là tín đồ của đạo Cơ Đốc, chắc ai cũng từng được nghe ít nhất một lần rồi.
“À... hóa ra là nó giống cái câu được ghi trên mấy bức tranh treo tường ở trong các quán ăn ấy nhỉ!”
“À mà...”
Chắc cô Mônica lại sợ tôi nói gì đó hớ hênh nên vội ngắt lời tôi. Vì tôi lúc nào cũng nói chuyện theo cái kiểu ấy, nên dù bị cô ngắt lời, tôi cũng chẳng thấy có gì đáng ngạc nhiên.
“À, mà ở Giáo hội Thiên chúa giáo chúng tôi cùng với Giáo hội Cơ Đốc giáo và Giáo hội Phật giáo đang định tổ chức một cuộc vận động xin bãi bỏ chế độ tử hình. Ông có muốn tham gia không?”
Ông ta hơi nhăn mặt. Thậm chí mặt ông ta có hơi biến sắc, từ lúc ông ta nghe tôi nói nội dung bài thơ quý giá của ông ta, được ghi trên mấy cái bức tranh treo tường ở trong các quán ăn, ông ta đã tỏ ra khó chịu và cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương.
“Xin bãi bỏ chế độ tử hình? Tôi cũng không biết nữa. Nhưng dù sao việc này phải được Quốc hội thông qua. Tôi nghĩ mấy vị ủy viên Quốc hội có tư tưởng tiến bộ chắc sẽ rất hứng thú với chuyện này, bởi nếu họ nói tán thành, có thể họ sẽ nhận được thêm nhiều sự ủng hộ của người dân. Nhưng tôi thì... không tán thành lắm! Sơ ạ, nếu làm vậy sẽ phát sinh các vấn đề liên quan đến dự toán ngân sách trong trại giam. Vì bình thường, một quản giáo phải chịu trách nhiệm trông coi một tử tù, thế nên, nếu bỏ chế độ tử hình, tù nhân bình thường sẽ rất nhiều, vậy sẽ cần có thêm nhiều quản giáo nữa. Rồi còn các chi phí khác liên quan nữa chứ, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trả những chi phí ấy? Và nói ra điều này có vẻ là hơi cực đoan đôi chút, những người bị hại trong các vụ việc ấy, kết cục họ lại phải đi nộp thuế cũng như gián tiếp nộp tiền ăn ở cho những kẻ đã giết chết chính người thân của họ. Vậy Sơ thử nói xem, việc ấy có thỏa đáng hay không?”
“Vâng... nếu xét ở địa vị của những người bị hại thì... Thế nên mới nói là vấn đề này vẫn còn rất nhiều điều nan giải mà...”
Cô vừa dứt lời, tôi nói ngay:
“Nói vậy thì vì tiền nên phải giết hết những người tử tù đó hay sao ạ?”
Ông ta nhìn tôi như thể muốn nói: Đó không phải là tiền mà là vấn đề liên quan đến chi phí! Rồi ông quay đi nhìn chỗ khác.
Có lẽ tôi đã yêu Người quá muộn chăng
Người đã ở đây từ lâu nhưng lúc nào cũng mang cho tôi những cảm giác mới lạ.
Tôi đã được yêu Người quá muộn.
St. Augustine
Yêu Người Tử Tù Yêu Người Tử Tù - Park Jin Sung Yêu Người Tử Tù