Hãy tiến lên và cứ phạm sai lầm. Phạm thật nhiều sai lầm. Bởi vì đó là nơi bạn sẽ tìm thấy thành công ở phía sau những sai lầm này.

Thomas J. Watson, Sr.

 
 
 
 
 
Tác giả: Park Jin Sung
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1818 / 31
Cập nhật: 2017-08-04 14:03:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nhật Ký Buồn 11
áu tháng sau, tôi và Eun Soo được người ta thả ra khỏi trại giáo dục thanh thiếu niên ấy.
Ngày được thả, những đứa có bố mẹ được bố mẹ đến đón đưa về. Những đứa không có bố mẹ cũng có anh chị em đến đón. Những đứa không có anh chị em đến đón tụ hợp nhau lại thành một nhóm rồi cùng đi chung với nhau. Còn tôi và Eun Soo cứ đứng mãi ở trước cổng trại giáo dục thanh thiếu niên ấy cho đến khi mặt trời lặn dần và bóng đêm đen kịt bao trùm khắp nơi.
11.
Cô Mônica im lặng ngồi tựa lưng vào thành ghế. Tuyết rơi có vẻ thưa thớt dần. Tại các góc đường dành cho người đi bộ, tuyết được người ta cào lại và chất thành những đống cao. Trên quốc lộ tuyết cũng đang tan dần làm cho con đường trở nên ướt nhẹp.
“Chúng ta đến chỗ cậu của cháu đi. Hôm nay cô gọi cháu đến đây cũng một phần vì việc ấy đấy. Đường đi từ đây đến chỗ ấy có hơi bất tiện. Nếu hôm nay không bị ngã, cô cũng đã định đi tàu điện ngầm đến đó. Hôm nay cháu không bận hay không có việc gì đột xuất đúng không?”
“Phải đến bệnh viện xem vết thương của cô thế nào đã chứ. Biết đâu phải khâu lại thì sao?”
Tôi nói một cách dứt khoát. Và tự dưng tôi cảm thấy hơi đói do ban sáng chưa kịp ăn uống đã phải vội vã chạy xe đến đây. Từ lúc thấy cô phải dùng khăn tay để băng đầu lại thế kia không hiểu sao tôi thấy cô thật đáng thương. Tôi bỗng cảm thấy “đau lòng” - cái từ mà Yoon Soo đã từng dùng (thực ra tôi chẳng biết phải dùng từ nào để diễn đạt cho hết tâm trạng của tôi lúc này ngoài từ ấy), vì tôi vốn là người rất khó khóc.
“Cô sống đủ lâu rồi cháu ạ. Nên giờ cô có chết thì cũng có sao đâu? Đơn giản là cô chỉ làm nốt những việc trước khi Chúa gọi cô đi mà thôi. Cô chỉ có một ước nguyện, còn sống ngày nào cô còn muốn làm được thật nhiều việc để giúp đỡ cho những người trong trại giam đó. Thế thôi. Cho dù cô có bị chết trên đường đi làm những việc ấy, cô cũng vui lòng...”
“Chết... chết... chết... Mới đầu năm mà cô đã nói gở, đi theo cô toàn nghe những chuyện liên quan đến cái chết! Mà cô muốn là Chúa trời hay sao? Tại sao cô định làm tất cả những việc mà đến cả Chúa cũng không làm được thế hả? Đấy! Như Yoon Soo hay ai đó nói, dù cô có làm vậy hay có cố gắng cỡ nào đi chăng nữa, cô cũng có cứu sống được ai đâu? Ngược lại vì cô mà họ chết không nhắm được mắt. Cháu ghét những việc ấy. Cháu nghĩ kỹ rồi, đúng là những việc này thật chả ra làm sao cả!”
Tôi nói như sắp khóc. Tôi cũng chẳng hiểu nổi tâm trạng của mình lúc này, hơn nữa tôi cũng ghét phải diễn tả nó với cô. Nhưng cô không nói gì. Tôi nhớ lại mấy câu nói ban nãy của Yoon Soo: “Con biết rằng mình bị oan ức, vì con đã không còn sự lựa chọn nào khác là buộc phải làm vậy... nhưng... những người khác nếu họ bị rơi vào hoàn cảnh của con hoặc từng phải sống như con thì họ mới hiểu được. Cũng giống như Orestes, anh ta đã buộc phải làm những việc mà các vị thần sai bảo... nhưng chính anh ta đã nhận mình tự nguyện làm...”. Tôi còn nghĩ đến cả câu anh ta nói: “Chưa bao giờ khi ai đó nói là họ đang bị đau mà con lại ước giá họ đừng đau như thế thì tốt”.
Lúc nghe mấy câu nói ấy, không hiểu sao tôi thấy anh ta có cái gì đó giống với tôi và tim tôi đã đập rất mạnh. À, không. Hình như có một lần tôi đã ước cho một ai đó không bị đau đớn. Đó là hồi tôi học cấp hai, nhà tôi có nuôi một con chó tên là Simsimi, đó là loài chó Jindo. Con Simsimi đã bị chết khi được tám tuổi (các anh tôi bảo nếu tính theo tuổi của con người thì nó cũng gần được tám mươi tuổi). Tôi nhớ lúc nó chết tôi đã cầu nguyện cho nó. Tôi đã cầu mong cho nó không bị đau đớn... Và đó là những lời cầu nguyện rất chân thành của tôi. Nhưng tôi sợ cô sẽ biết những suy nghĩ trong đầu tôi lúc này nên tôi quyết định nói lảng sang chuyện khác.
“Con người ấy nói cứ như là chuyện gì anh ta cũng biết. Làm sao cô biết được anh ta có thành thật hay không, biết đâu anh ta đang nói dối thì sao? Cháu chẳng tin đâu. Sao mà nhanh thế được. Cả bà lão ở phường Sam Yang cũng thế, sao mọi người nghĩ đơn giản thế nhỉ. Cứ nói ra cái câu tha thứ là có thể tha thứ được à. Cháu ghét nhất điều này ở đạo Cơ Đốc. Ai thích làm gì sai cứ làm, rồi sau đó chỉ cần đi đến nhà thờ nói lải nhải mấy câu “Tôi sai rồi, tôi đã sai rồi” thế là xong, thế là hết mọi tội lỗi. Đúng là toàn những kẻ giả tạo hai mặt cả!”.
Cô nhắm mắt lại và không nói gì. Mãi một lúc sau cô mới chầm chậm nói:
“Yoo Jeong à... Cô lại không thấy ghét những người giả tạo hai mặt”. Tôi quay sang tỏ vẻ không hiểu ý cô đang định nói gì.
“Các ông Mục sư, Đức Cha, các bà Sơ, các vị Thầy đáng kính hay cả các ông Sư vẫn hàng ngày tụng kinh niệm Phật, trong số những người mà chúng ta lúc nào cũng nghĩ rằng họ tử tế vĩ đại ấy có khối người giả tạo hai mặt đấy cháu ạ. Mà biết đâu cô cũng là một người trong số họ. Nhưng dù họ có giả tạo, có hai mặt thì ít nhất họ cũng đang làm những việc thiện. Tất nhiên trong thâm tâm tự họ cũng biết là mình chẳng cao thượng hay vĩ đại như những gì mình đang thể hiện ra bên ngoài, tại chẳng qua là người khác không biết mà thôi. Tuy nhiên cô không hề cảm thấy căm ghét họ. Ngược lại cô còn thấy rất phục họ nữa, vì nếu đến tận lúc chết vẫn không ai ngoài bản thân họ biết được về sự thật ấy, coi như họ đã thành công rồi. Còn người mà cô thấy ghét nhất, chính là những kẻ luôn cố tỏ ra tốt bụng thánh thiện nhưng thực chất trong lòng lại luôn ấp ủ làm những điều độc ác. Họ đem toàn những điều độc ác xấu xa đến cho người khác nhưng lại luôn tự cho rằng mình là người nhân đạo, là kẻ có tâm. Rồi ngay cả khi họ đang làm những điều độc ác đến mức trời không dung đất không tha, nhưng họ vẫn cố tỏ ra thánh thiện tử tế để người khác nghĩ rằng họ có một tấm lòng đẹp đẽ cao thượng. Những kẻ ấy nếu đem so sánh với những người giả tạo hai mặt như cháu đã nói thì còn bỉ ổi, còn đáng thương hại, đáng khinh bỉ hơn gấp nhiều lần...”
“Cô thật ngốc nghếch, đến bây giờ cô định dạy cháu cả điều ấy nữa sao?”. Tôi nghĩ thầm. Nhưng tôi cảm thấy có chút bối rối xấu hổ cứ như là tôi không muốn để cho người khác biết rằng tôi có một vết sẹo ở phía sau lưng. Tôi đạp ga phóng xe vượt qua một chiếc xe tải nhỏ. Khi xe vừa tăng tốc, cô vội đưa tay bám chặt lấy chỗ tay vịn nằm trên đỉnh đầu.
“Những người mà cô ghét hơn cả, đó là những người luôn nghĩ rằng trên thế gian này không có bất kỳ một chuẩn mực chung nào. Những người ấy họ luôn nghĩ rằng tất cả mọi sự vật trên thế giới này chỉ mang tính tương đối, cũng như mình là mình, người khác là người khác, không hề có gì liên quan đến mình cả. Tất nhiên trong thực tế cũng có lúc họ đúng nhưng có một điều mà họ không bao giờ có thể hiểu được... đó là chuẩn mực về sinh mệnh của con người, vì sinh mệnh của con người là một thứ vô cùng quý giá và không ai có quyền được tự ý tước bỏ. Nói cách khác thì chết đi đôi khi không phải là một việc làm đúng đắn... Việc chúng ta cứ sống ngày qua ngày thế này cũng có thể coi là một bản năng mà chúng ta không còn cách nào khác, bắt buộc phải thực hiện để duy trì nòi giống. Nhưng khi ai đó nói rằng họ đang muốn chết, ý họ định nói rằng họ không muốn sống theo kiểu này, và khi ai đó nói rằng họ không muốn sống theo kiểu này, có nghĩa là họ muốn sống theo một kiểu khác tốt hơn đẹp hơn. Vậy nên thay cho câu nói “tôi muốn chết”, ta phải đổi thành “tôi muốn sống một cách tốt hơn”, như thế mới đúng. Bởi vì ý nghĩa sâu xa của từ “sinh mệnh” là một mệnh lệnh yêu cầu chúng ta phải sống và không bao giờ được nói đến cái chết...”
“Mệnh lệnh yêu cầu chúng ta phải sống? Ai bảo cô thế? Người đó là cái quái gì mà dám nói ra cái câu ấy?”. Tôi định hỏi vặn lại cô như thế, nhưng thôi, tôi không muốn tranh cãi thêm với cô cũng như không muốn tiếp tục nói về chủ đề này nữa.
“Thi thoảng khi nghĩ đến cháu, cô cũng không hiểu tại sao nhưng... có nhiều lúc cô thấy cháu cứ như là đang định làm những việc không tốt thì phải. Cô sợ cháu sẽ làm vậy và cô ghét cái điều ấy. Yoo Jeong à, những lúc nghĩ như thế cô thấy đau lòng lắm. Việc thiện, việc tốt - đó không phải là những việc ngốc nghếch đâu cháu ạ, giống như khi ta cảm thấy một ai đó rất đáng thương, đó cũng không phải là do ta quá yếu đuối, quá ủy mị. Rồi cả việc phải khóc vì một ai đó, hay thậm chí cả việc ta bỗng cảm thấy có lỗi khi ta làm sai một điều gì đó chăng nữa... Tất cả những điều ấy dù là cảm tính hay là gì gì đi chăng nữa thì nó cũng vô cùng đẹp đẽ, vô cùng đáng trân trọng. Khi chúng ta gửi trao tình cảm của mình cho một ai đó nhưng rốt cuộc lại chỉ nhận được toàn những điều làm ta đau lòng - theo cô nghĩ nó cũng chẳng có gì đáng làm ta phải buồn, phải hận cả. Những người sống chân thành nhiều khi phải nhận những vết thương lòng rất lớn nhưng đó cũng là một điều tốt, giúp họ có thể vượt qua được những chuyện khó khăn khác trong cuộc sống. Chắc do cô sống lâu hơn cháu nên cô đã ngộ ra được những điều ấy đấy...”
“Mấy điều này cháu cũng biết, thậm chí quá biết là đằng khác!”. Suýt nữa tôi đã gào lên như thế. Đây cũng chính là những câu tôi đã nói với mấy ông bác sĩ chữa trị cho tôi ở khoa thần kinh của bệnh viện. Cậu tôi đã có lần nói với tôi: “Đúng rồi, Yoo Jeong à, cháu biết nhiều thứ mà. Cậu biết cháu đã đọc rất nhiều sách liên quan đến khoa thần kinh. Nhưng Yoo Jeong à, những việc cháu biết ấy nó không phải là tất cả đâu, thậm chí có những cái thà cháu không biết còn tốt hơn là biết ấy. Cái quan trọng không phải là ta biết hay không biết mà là ta đã nhận thức, đã hiểu được bao nhiêu. Cháu biết không, nhiều khi để có thể hiểu hay để có thể nhận thức được bản chất của một sự việc hoặc một vấn đề nào đó, cháu phải chấp nhận bị tổn thương”. Tôi còn nhớ lúc ấy tôi đã đanh đá cãi lại: “Nhưng mà cháu không muốn bị đau đớn hay bị tổn thương thêm một lần nào nữa!”. Rồi tôi khục khặc cười.
Tôi và cô không nói thêm với nhau một câu nào nữa cho đến khi chúng tôi cùng nhau bước vào cổng bệnh viện. Ở cổng vào của bệnh viện tôi đã tình cờ gặp một thằng bé khoảng gần mười tuổi và một người phụ nữ hình như là mẹ của nó. Khi đẩy cửa bước vào sảnh chờ của bệnh viện, tôi thấy người phụ nữ đó hình như đang định đánh thằng bé ấy. Khi vừa nhìn thấy cô Mônica, người phụ nữ ấy tỏ thái độ mừng rỡ. Còn tôi từ lúc nhìn thằng bé ấy đến giờ không hiểu sao trong lòng cứ có cảm giác rờn rợn, chính tôi cũng không hiểu đó là cảm giác gì. Nhưng đúng là từ lúc nhìn thấy hai mẹ con thằng bé đến giờ, tôi cứ nổi gai ốc và thậm chí còn thấy lạnh cả ở sống lưng. Hay là do tôi nhìn thấy một bên đồng tử mắt bị hỏng của người phụ nữ đó, hay do bàn tay và khuôn mặt chằng chịt toàn sẹo là sẹo của thằng bé ấy? À, không. Có lẽ là do tôi thấy cái dáng vẻ không ổn định của thằng bé ấy thì đúng hơn, nó cứ như một sinh vật lạ từ một hành tinh khác vừa đến, chưa thể thích ứng được với trái đất mà chúng ta đang sống. Hành động của nó như muốn nói: Tôi không biết mình đang nghĩ gì, không biết mình đang ở đâu, tôi không biết tôi là ai, tôi bao nhiêu tuổi... Chẳng hiểu sao sự tồn tại của thằng bé ấy như đang động chạm đến một cái gì đó liên quan đến tôi - dù tôi vẫn chưa hiểu thằng bé ấy có điều gì đặc biệt, chỉ biết tay nó có rất nhiều vết sẹo. Lúc này, nó đang dùng chân đá mạnh vào mấy cái ghế ở trước cửa phòng chờ.
“Tôi cũng không biết tại sao con tôi phải đến đây nữa, nhưng mấy ông cảnh sát cứ bảo là nhất định phải dẫn nó đến chỗ này... Ơ, mà đầu của Sơ bị làm sao thế?”
Người phụ nữ vừa nhai kẹo cao su vừa nhăn răng cười khi nhìn thấy cái khăn tay đang buộc trên đầu của cô Mônica. Tôi nghe hai cái câu nói của cô ta, cả câu trước lẫn câu sau chẳng có tí gì là ăn khớp với nhau. Và như để đáp lại sự tò mò ấy của cô ta, cô Mônica trả lời:
“À, chỉ là một vết thương nhỏ cần kiểm tra qua loa thôi, mà... thằng bé dạo gần đây đã ngủ ngon giấc hơn chưa?”.
“Chưa Sơ ạ. Thỉnh thoảng nửa đêm nó vẫn hay bật dậy và ngồi gào thét, cũng có hôm nó không ngủ cho đến tận sáng. Nó bảo là trong giấc mơ nó thấy đứa bé gái đó hiện lên và hỏi: Sao mày lại giết tao? Nó cứ nói thế suốt!”
Cô Mônica nhìn thằng bé một lúc rồi thở dài. Thằng bé lúc nãy còn dùng chân đá mạnh vào ghế còn bây giờ nó đang chống hai tay xuống đất và ưỡn người lên như định trồng cây chuối. Một cô y tá bước ra và gọi tên thằng bé. Cô Mônica đứng dậy dẫn nó vào trong phòng khám của cậu tôi. Mấy cô y tá mà tôi quen mặt cứ gật đầu chào mỗi khi đi qua chỗ tôi đang ngồi. Họ nhìn tôi và cười rất tươi nhưng tôi lại cảm thấy hơi khó chịu với cái thái độ đó. Tôi tự hỏi họ đang nghĩ gì về tôi nhỉ? Họ đã đọc hết hồ sơ bệnh án của tôi cũng như biết tất cả sự thật về con người tôi nên họ đang cười nhạo tôi? Họ biết tôi đã tự sát đến ba lần mà không chết nên tưởng là tôi đang giả vờ diễn kịch? Tôi còn nhớ hôm nhập viện lần trước, cô y tá đến thay bình truyền dịch cho tôi đã thì thầm mấy câu gì đó với một cô y tá khác đứng cạnh đó vì họ tưởng là tôi đang ngủ say. Tôi tin chắc chắn bọn họ đã nói xấu về tôi.
Cô Mônica có lần nói, dù là người có tâm địa xấu xa đi chăng nữa thì không phải lúc nào họ cũng nghĩ đến những điều xấu điều ác. Thế nên tôi tự an ủi, không phải lúc nào mấy cô y tá đó cũng nghĩ xấu về tôi khi họ nhìn tôi. Nhưng dù có nghĩ như vậy, tôi cũng muốn mau chóng ra khỏi nơi này.
“Chị đến đây có việc gì thế? Hay là đến xin tư vấn à?”
Người phụ nữ đó vừa nhai kẹo cao su vừa quay sang nhìn tôi và hỏi. Tôi chẳng muốn nói chuyện với ai lúc này nên chỉ ậm ừ trả lời:
“À, vâng...” cho qua chuyện. Tôi đâu có nói gì sai vì đúng là tôi đến đây để ngồi trả lời mấy câu hỏi của cậu đưa ra.
“Chị đi cùng với bà Sơ ban nãy?”
Cô ta lại hỏi. Trên khuôn mặt cô ta lúc này không giấu được vẻ tò mò. Việc mà tôi cảm thấy khó chịu nhất khi trở lại Hàn Quốc sau bảy năm sống ở nước ngoài, đó là bị những người lạ mặt hỏi một cách quá cặn kẽ tỉ mỉ về đời sống riêng tư. Bắt đầu là mấy câu đại loại như: “Chị đã kết hôn chưa?”, “Tại sao lại chưa kết hôn?”, “Thế bây giờ chị đang làm việc ở đâu?” v.v... Mỗi khi bị người ta hỏi mấy câu kiểu ấy, tôi cảm thấy vô cùng bực mình và chỉ muốn hỏi ngược lại họ, tại sao họ không tự hỏi bản thân mình ấy. Hỏi mình xem tại sao lại phải kết hôn, tại sao lại phải đẻ con, tại sao lại phải có mặt ở trên thế gian này làm gì? Thấy tôi không trả lời nên người phụ nữ lại nói tiếp:
“Tôi không hiểu tại sao con trai tôi lại phải đến bệnh viện điều trị thần kinh và tâm thần này. Nhưng bà Sơ ban nãy và mấy ông cảnh sát cứ bảo là phải dẫn nó đến đây. Một người không có xe ô tô riêng như tôi, đến đây đâu có dễ dàng gì!...”.
Có vẻ cô ta đang chờ đợi sự đồng tình của tôi về chuyện bệnh viện này ở cách xa trung tâm thành phố và mong tôi hùa vào kêu ca phàn nàn chuyện giao thông đi lại bất tiện ở đây. Tôi chúa ghét mấy cái loại người vô duyên kiểu này nên tôi tỏ ra khó chịu và ngồi im không trả lời. Được một lúc bỗng cô ta lại phá lên cười.
“Ôi, chị ít nói quá nhỉ. À nhưng này, chị có biết bà Sơ ban nãy có mấy con không?”
Không thể chịu nổi sự tò mò thái quá của cô ta nữa, tôi gắt gỏng:
“Chị bảo sao?”
“Tôi thấy bà Sơ ấy đã nhiều tuổi nên đoán là con cái bà ấy cũng lớn cả rồi. Ôi giời... cái đầu tôi tự dưng hỏi vớ vẩn, chắc bà ấy đã có cả cháu rồi...”
Tôi nhăn mặt. Không hiểu sao tôi lại cảm thấy khó chịu đến thế. Dẫu đất nước này không phải là một đất nước tôn giáo nhưng nếu là người bình thường thì ai ai cũng biết mấy ông sư, mấy vị Đức Cha và cả những bà nữ tu, họ đều là những người sống độc thân. Tôi hơi sốc vì sự hiểu biết quá nông cạn của cô ta. Cô ta có được học hết cấp một hay không mà lại đi hỏi một câu ngớ ngẩn kiểu ấy.
“Hôm nay tôi đã phải bỏ cả buổi làm ở quán ăn để đi đến đây, nhưng trước khi trời tối chắc tôi phải qua đó ngó xem tình hình thế nào. Bố chồng của bà chủ quán mấy hôm trước bị ngất vì trúng gió. Lần này là lần thứ ba rồi, đúng là người già... chả biết sống chết lúc nào...”
Cô ta lại bắt đầu kể lể mấy câu chuyện tầm phào. Tôi không hiểu cô ta có để ý đến người mình đang nói chuyện là ai không. Sao cô ta không để ý xem người ta có muốn trò chuyện với mình hay không rồi hãy nói. Chắc cô ta cũng chẳng biết mình đang nói lảm nhảm cái gì. Thấy tôi vẫn ngồi không nói gì nên cô ta đứng dậy kéo quần rồi đi lại ngó nghiêng xung quanh. Tôi đi về phía phòng khám của cậu, nhẹ nhàng đẩy cửa và liếc mắt nhìn vào bên trong.
Cậu tôi đang ngồi đối diện với thằng bé, còn cô Mônica ngồi cạnh nó. Thằng bé vẫn không chịu ngồi yên một chỗ, nó hết xoay người sang bên này lại ngọ nguậy người sang bên kia, mắt nó đảo nhìn khắp cả căn phòng. Đúng là mẹ nào con đấy! Mẹ của nó - người phụ nữ lắm điều ban nãy cũng có chịu ngồi yên tí nào đâu, nên thằng bé này cũng như thế là phải.
“Thế cháu đã cướp một nghìn won à?” Cậu tôi điềm tĩnh hỏi thằng bé. “Vâng...”
“Cháu chỉ định cướp một nghìn won của bạn ấy rồi bảo bạn ấy đi đi phải không?”
Thằng bé ngáp dài.
“Nhưng sao cháu lại đánh bạn ấy?” “Vì cháu sợ nó sẽ đi mách”.
“Mách ai?”
Thằng bé ấy lại ngọ nguậy người liên hồi. Nó chợt nhìn về phía tôi. Tự dưng tôi liên tưởng nó giống như một con bươm bướm đang bị mắc vào mạng nhện. Nó nhìn tôi một cách vô cảm như lúc nó gặp tôi ở sảnh bệnh viện.
“Thế lúc đánh bạn ấy, cháu không nghĩ là bạn ấy sẽ bị đau à?” “Không!”
Thằng bé ấy chạy đến chỗ ghế sofa rồi cầm cái gối tựa lưng lên và hỏi:
“Ai mua cái này đấy? Nó có đắt không?” Cậu tôi thoáng thở dài.
“Lúc nãy cháu đã hứa với ta là hôm nay sẽ ngoan ngoãn ngồi im nói chuyện”.
“Nhưng mà bác nói nhanh nhanh lên!” Thằng bé đột nhiên hét lên.
“Cháu có biết nếu cháu đánh bạn ấy nhiều như thế, bạn ấy sẽ bị chết không?”
Cậu lại hỏi và tôi thấy thằng bé ngồi im, cúi đầu nhìn xuống. “Hóa ra cháu chỉ muốn đánh để dọa cho bạn ấy sợ nhưng mà sự việc nó lại thành ra như vậy phải không?”
“Vâng”.
Thằng bé nói với vẻ thành thật.
“Thế cháu cướp một nghìn won đó để làm gì?” “Để mua bánh ăn”.
“Cái bánh ấy ăn ngon không?” “Ngon...”
Cậu tôi không hỏi thêm gì nữa mà đưa tay nắm lấy đôi bàn tay của nó. Đôi tay nó chằng chịt dọc ngang toàn sẹo là sẹo, thậm chí trên các đầu móng tay vẫn còn dính vài vệt máu. Tôi không biết đã có chuyện gì xảy ra với nó. Dù tôi có biết tại sao tay nó lại có nhiều sẹo đến thế, tôi cũng không tài nào hiểu được tại sao trên đầu móng tay nó lại có những vệt máu đỏ. (Sau này tôi mới biết do thằng bé có thói quen hay cào tay vào tường).
“Thế ai hay đánh cháu nhiều hơn, bố cháu hay mẹ cháu?” “Bố!”
“Ai đánh cháu đau hơn?”
“Bố... Cháu muốn về...”
Cậu tôi hơi tỏ ra bối rối. Thằng bé đột ngột đứng dậy đẩy cửa phòng khám rồi chạy vụt ra bên ngoài. Cô Mônica vội gọi nó lại nhưng nó đã chạy biến đi đâu mất rồi. Cô luống cuống chạy ra ngoài tìm nó.
“Thằng bé đó, nó đã giết người?”
“Ừ... Nó đã giết chết một bé gái khoảng bốn tuổi ở cạnh nhà nó. Vì nó định cướp một nghìn won của con bé ấy. Với những đứa trẻ dưới mười bốn tuổi như nó thì luật pháp không thể làm gì được. Thậm chí ngay cả việc đi điều trị thần kinh thế này cũng chẳng ai có quyền giám hộ. Nói chính xác là đành mặc nó thích làm gì thì làm thế thôi. Sơ Mônica cũng đang đảm nhận việc trông chừng nó đấy...”
Cả tôi và cậu tự dưng ngồi im lặng một lúc lâu. Một thằng bé mới có mười một tuổi đã đánh chết một bé gái bốn tuổi. Mà lý do rất đơn giản vì nó muốn cướp một nghìn won để đi mua bánh ăn. Rồi nó còn bảo rằng cái bánh đó ăn rất ngon nữa chứ. Hết! Câu chuyện chỉ có thế! Tự dưng tôi không hiểu thế giới mà tôi đang sống này nó là thế giới gì nữa. Thậm chí tôi không hiểu đây là đâu. Không hiểu những việc mà trước đây tôi chưa từng nhìn thấy, chưa từng biết đến sao nó lại nhiều đến thế; cũng như sao nó lại xuất hiện cùng một lúc ra trước mắt tôi thế này. Cô Mônica từng nói là cô rất ghét những lời lẽ châm biếm cay độc của tôi nhưng ở trong tình huống này dù có muốn thì tôi cũng chẳng biết mình phải nói câu nào cho phù hợp. Bỗng tôi thấy mình - chứ không phải là thằng bé ấy - như vừa biến thành một con bươm bướm mắc trong mạng nhện.
Cô Mônica mở cửa bước vào sau một hồi chạy đuổi theo thằng bé. Cô và cậu tôi cùng nhìn nhau rồi gượng gạo cười. Tôi cũng chẳng hiểu có chuyện gì hay ho mà cả cô và cậu tôi đều cười như thế, nhưng đây là nụ cười của những người bất lực đang nhìn nhau.
“Vết thương của Sơ có vẻ hơi nặng đấy, Sơ vào phòng cấp cứu đằng kia để người ta khám cho, xem thế nào đã...”
Cậu tôi vừa thở dài vừa nhìn vết thương trên đầu của cô.
“Ôi đừng lo. Chốc nữa tôi đi khám cũng được mà. Ở cạnh Viện nữ tu cũng có một bệnh viện ngoại khoa tốt lắm. Bây giờ ta phải làm sao với thằng bé kia? Đầu tôi được Đức Chúa bảo vệ nên vẫn còn dùng được, không đáng lo đâu, điều đáng lo là phải làm thế nào với thằng bé kia, nó phải được đưa đi chữa trị thần kinh ngay đúng không?”
Cậu tôi thở dài.
“Vâng, thằng bé ấy phải được chữa trị càng sớm càng tốt. Không những vậy mà cả bố mẹ nó cũng phải đi chữa trị. Chính xác là phải đến khoa tâm lý trẻ em để gặp các chuyên gia xin họ tư vấn, cũng như phải chữa trị cả bằng thuốc uống nữa. Nếu không thì chẳng ai biết được thằng bé ấy sẽ còn làm gì. Chẳng hiểu cảnh sát nước mình... À không, những người làm ra luật pháp ấy, họ cứ trả mấy đứa trẻ khó dạy bảo kiểu ấy về cho gia đình chúng tự giáo dục, làm sao chúng tốt lên được. Gia đình chúng đã chả ra sao nên mới sinh ra những đứa con hư như thế chứ, cứ nói nó còn quá nhỏ và pháp luật không thể can thiệp nên đành phải trả về cho gia đình tự giáo dục thì ai sẽ chịu trách nhiệm đây? Ở bên Mỹ, trong tình huống này người ta bắt buộc cả bố mẹ lẫn đứa trẻ đó phải cùng đi chữa trị ở khoa tâm lý thần kinh trong một thời gian nhất định, đến khi nào được cấp giấy chứng nhận đã chữa trị đủ thời gian quy định, họ mới được tự do ra ngoài. Việc này vô cùng quan trọng và cần thiết chứ không phải là chuyện đùa đâu. Tôi nói nghiêm túc đấy. Đương nhiên việc chữa trị bắt buộc như vậy tất cả đều vì bản thân đứa trẻ đó. Bây giờ đất nước bỏ tiền ra chữa trị và giáo dục những đứa trẻ hư như thế, chính là để ngăn chặn những hậu quả khó lường mà nó sẽ gây ra cho xã hội sau này...”
Cô Mônica liếc mắt nhìn bộ hồ sơ bệnh án cậu tôi viết nguệch ngoạc trên bàn và hỏi:
“Đến tám chín mươi phần trăm những thằng bé ấy sau này sẽ trở thành tội phạm à?”
“Không phải tám chín mươi phần trăm, mà là chín mươi chín phần trăm!”
Cậu tôi đứng dậy và bước về phía gần cửa sổ. Cậu nói bâng quơ như chỉ để cho một mình mình nghe.
“Giống nhau cả... tất cả... ở đâu cũng giống nhau. Cả thế giới này, đâu đâu cũng có những chuyện tương tự như vậy”.
Trong câu nói của cậu tôi có chứa đựng sự phẫn nộ mà tôi chẳng hiểu là nó đang hướng đến ai.
“Đằng sau những kẻ gây ra tội ác mà chúng ta khó có thể tưởng tượng được ấy, luôn có một nguyên nhân sâu xa mà phần lớn ai cũng biết, đó là từ khi còn nhỏ chúng đã tận mắt chứng kiến những người lớn xung quanh chúng dùng bạo lực với nhau. Ở đâu cũng vậy. Bạo lực tạo ra bạo lực, cũng như bạo lực này lại đẻ ra bạo lực khác. Trong lịch sử con người và thế giới chưa bao giờ có lý thuyết nào nói rằng, dùng bạo lực có thể chấm dứt được bạo lực. Vậy mà...”
Trên khuôn mặt của cậu tôi hiện rõ một sự tuyệt vọng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy cậu giận dữ cũng như nói một cách gay gắt như vậy.
“Cậu ơi, có những đứa trẻ từ khi được sinh ra trên đời đã mang trong mình những điều xấu điều ác hả cậu? Và theo như người ta nói đó cũng là một dạng của tính di truyền phải không?”
Chuyện một đứa bé mới có mười một tuổi đã trở thành kẻ giết người, cũng như câu nói nó cướp tiền để mua bánh ăn, đến giờ vẫn còn đang luẩn quẩn ở trong đầu tôi.
“À... điều này... đương nhiên là không phải!”
Cậu tôi nói như thể cậu đang vô cùng căng thẳng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy cậu tôi như vậy.
“Con người... không phải là được hoàn thiện sẵn bản năng hay tính cách rồi cứ thế mà sinh ra đâu cháu ạ. Khác với con bò, con ngựa từ trong bụng mẹ đã được định sẵn bản năng nên vừa mới sinh ra nó đã có thể biết đi biết chạy rồi. Nhưng con người thì khác, con người được sinh ra rồi sau đó bản năng và tính cách mới được hình thành. Bình thường thì phải mất đến ba năm cho việc ấy. Mà hiện giờ cũng có lý thuyết nói rằng phải mất đến mười tám năm cơ đấy... Có thể nói Chúa tạo ra khoảng bảy mươi phần trăm, phần còn lại ba mươi phần trăm là do bố mẹ tạo ra, đây chính là cái phần cần phải được hoàn thiện. Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là nói đại khái vậy thôi, chứ thực tế bảy mươi phần trăm kia có ai dám đảm bảo là nó đã được hoàn thiện rồi đâu. À, mà còn điều này nữa, nếu chụp ảnh não của những người đã phải chịu những tổn thương hay từng bị ám ảnh bởi một chuyện gì đó từ hồi còn nhỏ, ta có thể thấy rõ hầu như là năm đến mười phần trăm một bộ phận não bộ của họ không hoạt động. Nói cách khác những người đó giống như những chiếc ô tô đang bị lắp một phần động cơ bị hỏng. Vì vậy mà, có nhiều lúc họ không thể điều khiển được những hành động của mình. Những kẻ giết người hàng loạt hay những kẻ làm những hành động khác người, chúng là những kẻ có vấn đề về não bộ hoặc nói chính xác hơn chúng là những kẻ có thần kinh không ổn định...”
“Nhưng có phải tất cả những người không điều khiển được hành động hay thần kinh của họ, kết cục đều trở thành kẻ giết người đâu?”
Cô hỏi.
“Đúng vậy. Nhưng những kẻ ấy chúng đều có chung một biểu hiện rất tiêu biểu đó là sự vô cảm với nỗi đau của người khác. Nghĩa là hoàn toàn không có hoặc có rất ít năng lực đồng cảm”.
“Năng lực đồng cảm?” Cô hỏi lại.
“Vâng, đúng vậy. Ví dụ như khi chúng ta đi trên đường, chúng ta thấy một ai đó đang bị thương hay bị ngã thì trong lòng chúng ta cảm thấy thế nào, có thấy đau đớn hay lo lắng chút nào cho họ hay không. Ít nhất cũng là những suy nghĩ tương tự như thế. Tuy nhiên, những người không có năng lực đồng cảm, họ không cảm thấy được những điều ấy. Trong tiếng Anh người ta gọi cái này là “sympathy”, đó là một dạng của sự thiếu hụt về cảm giác. Hoặc nói khác đi, đó là sự mất cảm giác với nỗi đau của người khác...”
“Nếu nói thế thì việc đánh mắng hay ngược đãi trẻ nhỏ, cũng có thể trở thành một trong những nguyên nhân sâu xa tạo ra những kết quả xấu sau này phải không?”
Cô hỏi. Nhưng cậu tôi chỉ lặng im không nói gì.
“Chuyện ngược đãi người khác có dăm bảy loại. Ngược đãi về thân thể, mà tiêu biểu đó là bạo lực, ngược đãi về tình dục, ngược đãi về tình cảm, có cả sự bỏ rơi nữa. Nói một cách dễ hiểu thì... ví dụ như một đứa trẻ khi đói không có ai cho ăn cơm, khi cần thay bỉm không có ai thay cho, hoặc khi cần được ôm ấp vỗ về nhưng lúc ấy lại chẳng có ai ở bên cạnh... Còn ngược đãi về tình cảm... Nói ngắn gọn điều này như là đối xử lạnh nhạt với người khác hoặc không quan tâm yêu thương người khác. Có một câu chuyện khó nói thế này...”
Cậu tôi lại thở dài.
“Cách đây không lâu, một đứa choai choai khoảng mười bảy tuổi đã cầm dao đâm chết một em học sinh cấp hai mà chẳng có lý do gì. Sơ có nhớ vụ ấy không? Cái vụ ầm ĩ một thời gian dài vừa rồi ấy. Lúc cảnh sát hỏi thằng bé ấy, tại sao nó lại giết người? Nó bảo trông đứa học sinh đó hạnh phúc quá, trong khi nó đang buồn bã bất hạnh nên nó thấy ngứa mắt. Thực ra thằng bé ấy vốn là một đứa con trai được bố mẹ luôn yêu thương và nuông chiều. Nhưng ngày nào bố nó cũng đánh đập và hành hạ mẹ nó một cách dã man. Mà trẻ con thì Sơ biết rồi đấy, khi nó nhìn thấy những cảnh ấy nó còn cảm thấy đau đớn hơn là chính nó bị đánh. Đây chính là sự ngược đãi về tình cảm mà tôi muốn nói đến...”
Cậu tôi ngừng một lát rồi lại nói tiếp:
“Còn nữa, có nhiều người họ không biết dùng lý trí để điều khiển các mâu thuẫn xung quanh như chúng ta đâu. “Hãy dùng ý chí để chiến thắng!” - câu nói này quá thừa cũng như quá vô dụng đối với họ. Vì bộ não của họ không có chứa từ gọi là “ý chí”. Thế nên mới có những kẻ nghiện rượu, nghiện cờ bạc, nghiện sex... cũng như có những kẻ thích dùng bạo lực, thích đi giết người hay thậm chí là thích đi tự sát nữa!”
Tôi cảm giác câu cuối cùng mà cậu vừa nói đang động chạm đến tôi. Vì cậu bỗng quay sang nhìn tôi với một ánh mắt bối rối. Tôi im lặng không nói gì.
“Nhưng đương nhiên không phải tất cả những người như thế đều có khả năng trở thành tội phạm. Cũng như không phải tất cả bọn họ đều gặp phải những vấn đề rắc rối trong cuộc sống xã hội. Thực ra nó chẳng liên quan gì đến các chuẩn mực hay các tiêu chuẩn giáo dục cả. Ví dụ như trong số những người bạn thân từng học cùng cấp ba hay đại học với ta, cũng có khối người bản chất chẳng tốt đẹp gì. Gặp bên ngoài, ta cứ tưởng họ tử tế tốt bụng nhưng thực ra khi về nhà họ lại chuyên đánh đập, ngược đãi vợ con...”
Cậu dùng tay vuốt ngược tóc trên trán rồi nói tiếp một câu như đùa: “Nhưng chẳng biết đâu được, những người ấy chẳng qua là họ còn đang gặp may nên chưa đến lúc họ trở thành tội phạm thôi. Chứ sau này biết đâu họ cũng giống như thằng bé vừa nãy...” Cậu tôi xoa hai tay lên mặt.
“Nói thế thì...”
Cô chăm chú lắng nghe cậu nói với một thái độ vô cùng nghiêm túc.
“Nhưng mà tiến sĩ Choi này... Cũng có những đứa trẻ từ bé đã luôn bị đánh đập luôn bị ngược đãi, hoặc phải sống ở những vùng nông thôn hẻo lánh và không được học hành tử tế nhưng lớn lên chúng vẫn trở thành những người tài giỏi tốt bụng đấy thôi. Thế nên không phải tất cả những người không biết tự vượt lên hoàn cảnh của mình đều có một kết cục không hay là trở thành tội phạm hết cả đâu”.
“Đúng vậy. Chuyện này nói một cách ví von thì nó cũng giống như con virus ấy. Cùng là một loại bệnh truyền nhiễm nhưng có người thì mắc có người lại không. Thế nên mới nói con người đúng là một dạng tồn tại mà không ai có thể mang duy nhất một lí do ra để giải thích chung cho tất cả...”
“Thế bộ não mà bị như vậy, có cách nào phục hồi lại được không? Nói theo y học ấy”.
Cô vội vã hỏi. Thái độ của cô cứ như là đang cố bám vào tay ông bác sĩ vừa đến báo cho cô biết, con của cô đã bị mắc bệnh ung thư ở giai đoạn cuối.
“Điều này thì tùy từng người cũng như tùy từng mức độ tổn thương của não bộ, mà nó có khác nhau”.
Cậu chỉ tay về phía một chậu hoa đặt cạnh cửa sổ.
“Chậu hoa kia đã bị héo do mấy hôm tôi đi công tác không đến văn phòng, nhưng chỉ cần tưới cho nó một ít nước là nó có thể tươi lại ngay. Giả sử nếu tôi đi đâu đó trong vòng ba năm và trong khoảng thời gian ba năm ấy không có một ai đến đây chăm sóc tưới nước cho nó, khi tôi trở về dù tôi có cố tưới nước cho nó nhiều đến thế nào đi nữa nó cũng không thể sống lại được. Giống như Sơ có niềm tin vào tôn giáo. Nếu cách đây khoảng mười năm chắc chắn tôi sẽ nói rằng khả năng phục hồi trong điều kiện ấy là hoàn toàn không thể. Nhưng bây giờ tôi lại nghĩ khác. Chắc tại tôi già rồi nên tôi cũng suy nghĩ khác đi chăng. Nói ngắn gọn tôi sẽ bảo: “Biết đâu đấy...”. Vì trong cuộc sống này có rất nhiều những việc kỳ lạ mà cả y học lẫn khoa học đều không thể giải thích được, vẫn đang xảy ra từng ngày từng giờ. Thế mới nói con người đúng là một loài động vật vô cùng phức tạp và thần bí mà chỉ có vũ trụ mới biết câu trả lời...”
Cậu lại tiếp tục:
“Tuy nhiên có những điều mà cả khoa học và y học tiên tiến đều bó tay nhưng tình yêu lại có thể chữa trị được. Nên vấn đề còn lại cần phải giải thích, tình yêu là gì mà nó lại có sức mạnh to lớn vô biên đến vậy? Câu chuyện của tôi hình như lại liên quan đến vấn đề về triết học, à không, về tôn giáo rồi...”
Cô Mônica đang bị chóng mặt. “Cô không sao chứ?” - tôi hỏi nhưng cô không trả lời như thể cô vẫn đang mải miết nghĩ về cuộc nói chuyện với cậu tôi ban nãy.
Chúng tôi đi ra sảnh ngoài của bệnh viện. Mẹ con người phụ nữ rắc rối ban nãy hình như đang ngồi đợi chúng tôi. Vì khi vừa nhìn thấy chúng tôi bước ra, cô ta đã nhanh nhảu:
“Sơ ơi, giao thông đi lại ở đây bất tiện quá. Mà tôi lại phải nhanh nhanh đi đến chỗ quán ăn. Bố chồng của bà chủ quán bị ngất vì trúng gió, lần này là lần thứ ba rồi. Nhưng mà ông ấy chỉ bị trúng gió chứ chưa chết nên...”
“Ừ được rồi. Đi thôi. Chắc cháu phải vất vả thêm tí nữa rồi Yoo
Jeong ạ. Chúng ta đi thôi”.
Cô ngắt lời người phụ nữ ấy rồi quay sang bảo tôi. Cô từ từ quay sang nhìn thằng bé. Nó vẫn vậy, vẫn hết trèo lên ghế lại nhảy xuống đất nghịch ngợm và đá văng mọi thứ xung quanh. Tôi nhìn nó một cách xét nét. Nếu như trước đây đối với những đứa trẻ kiểu này - đứa trẻ mới có mười một tuổi mà đã trở thành kẻ giết người, đứa trẻ chỉ vì muốn cướp một nghìn won để mua bánh ăn mà đã giết người, chắc là tôi sẽ chẳng mảy may để tâm đến, thậm chí là chẳng thèm nhìn lấy một giây, nhưng bây giờ không hiểu sao khi nhìn nó tôi lại nghĩ, hay là nó cũng đang mắc phải một căn bệnh giống với mình. Tất nhiên nguyên nhân của căn bệnh ấy tuy có khác nhau, cụ thể thì tôi cũng không biết, nhưng nếu xét theo lời cậu tôi nói ban nãy thì không biết chừng cả tôi và nó đều đang bị tổn thương ở đâu đó thì sao. Tại lúc nào tôi cũng tự nhận mình là một giảng viên, một họa sĩ chứ không đơn giản chỉ là một kẻ phàm tục tầm thường giống như người phụ nữ phiền nhiễu và đứa trẻ có nhiều vết sẹo ở tay kia. Nhưng thực tế tôi lại chẳng có gì khác họ, thậm chí biết đâu tôi còn là một bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng ở não thì sao. Vậy xét cho cùng chẳng lẽ tôi lại là một người chẳng có một chút giá trị nào? Tự dưng tôi nổi da gà. Và... giống như Yoon Soo, tôi cũng thấy sợ những cái cảm giác ấy.
Trong khi tất cả mọi người xung quanh đang phải tranh đấu để giành lấy một mẩu bánh mì cỏn con giống như một cục đất khô.
Thì anh lại một mình ngồi đó tận hưởng những niềm vui thú, chẳng lẽ anh thấy việc anh đang làm là đúng hay sao?
Peter Kropotkin
Yêu Người Tử Tù Yêu Người Tử Tù - Park Jin Sung Yêu Người Tử Tù