Hãy xem mỗi trở ngại là một cơ hội.

Tiến sĩ Wayne Dyer

 
 
 
 
 
Tác giả: Park Jin Sung
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1818 / 31
Cập nhật: 2017-08-04 14:03:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nhật Ký Buồn 08
ôi và Eun Soo lại bị vất bỏ vào trại trẻ mồ côi. Giống như ngày xưa, tôi vẫn là một đứa chuyên đi đánh lộn, cứng đầu và khó bảo nhất trong trại nhưng bây giờ tôi không muốn vì Eun Soo mà phải chịu bị bắt nạt thêm nữa. Tôi đã lớn hơn và bắt đầu biết kết thân lập hội với mấy đứa bạn xấu quanh đó, cũng vì một phần tôi biết nếu tham gia vào hội ấy và chơi với bọn chúng thì tôi sẽ có đồng minh rồi thậm chí đến cả Eun Soo cũng sẽ không bị bọn khác ăn hiếp hay bắt nạt nữa. Tôi đã mười ba tuổi và đã biết nằm ngủ chung với mấy đứa con gái bỏ nhà đi bụi, thậm chí tôi còn đứng canh chừng cho mấy anh lớn tuổi trong nhóm làm chuyện người lớn với mấy đứa con gái ấy nữa. Nhưng đến một hôm, có một thằng lớn tuổi hơn cũng như khỏe hơn tôi trong nhóm tự dưng quay sang đánh tôi với lý do là trước đó tôi đã không chịu vâng lời hắn, khi hắn bắt tôi đến một siêu thị ở gần đó ăn cắp cho hắn mấy món đồ. Và rồi từ hôm đó cả nhóm ấy đã hợp lại đánh tôi. Tôi đã không bảo vệ được chính mình nữa chứ đừng nói gì đến việc bảo vệ Eun Soo. Anh em tôi luôn bị cướp hết cái ăn và hàng ngày trở thành đối tượng hành hạ của bọn chúng. Đến một ngày tôi đưa ra một quyết định vô cùng táo bạo. Đó là chờ lúc cả bọn đi ngủ hết, tôi đã đến đấm thằng hay bắt nạt anh em tôi một trận tơi bời, rồi sau đó nắm tay Eun Soo và bỏ chạy.
Cái đêm hai anh em tôi chạy trốn, chúng tôi đã đi bộ dọc theo những con đường ở Seoul. Lúc ấy chúng tôi vừa đói vừa lạnh và xung quanh thì vô cùng ảm đạm u tối. Chúng tôi đến ngồi cạnh một cái thùng rác ở một góc chợ và lục tìm xem trong đó có gì có thể ăn được không. Eun Soo nói với tôi là em rất sợ. Em còn bảo tôi hay là mình quay về trại trẻ mồ côi đi. Lúc nghe mấy câu nói ấy của em tôi vô cùng bực mình nhưng vì Eun Soo tôi đã cố nhịn, tôi đã nói Eun Soo cùng nên chúng tôi đã hát vang một bài hát. Mắt Eun Soo không nhìn thấy hát một bài hát cho em cảm thấy đỡ sợ. Bởi vì Eun Soo rất thích hát gì và cũng chưa từng được đi học bao giờ nên em chỉ biết có mỗi bài Quốc ca. Khi còn ở trại trẻ mồ côi em đã từng được nghe cũng như từng được hát bài hát này. Thế là chúng tôi cùng nhau hát vang bài Quốc ca: Tận khi biển phía đông khô cạn và dãy núi Baekdu bị bào mòn... Đức Chúa soi đường và bảo vệ chúng ta, đất nước chúng ta muôn năm... Eun Soo còn nhớ và thuộc cả bốn khúc của bài hát ấy nữa. Trong cái đêm lạnh giá đó, chúng tôi đã vừa hát Quốc ca vừa ngửa mặt lên trời nhìn ngắm những vì sao xa xa trông giống như những hạt bỏng ngô đang phát sáng lấp lánh. Rồi khi hát hết bài hát, Eun Soo đã quay sang nhìn tôi, vừa cười vừa nói: “Đất nước mình đẹp anh nhỉ, khi em hát bài hát này không hiểu sao em lại có cảm giác như anh em mình vừa trở thành những người anh hùng... ”
8.
Buổi sáng lúc vừa tỉnh dậy, tôi đã thấy đầu mình đau như búa bức rèm cửa màu trắng và chiếu thẳng đến nơi góc giường tôi nằm. Tôi đang phân vân tự hỏi không biết là mình đang ở đâu thế này. Tôi còn nhìn thấy cả những cành khẳng khiu của cây hoa mộc liên cao cao bên ngoài cửa sổ. A, hóa ra là căn phòng trước đây tôi đã từng ở. Nhưng không hiểu sao tôi lại đang cảm thấy khát khô cả cổ và muốn uống ngay một cái gì đó hơn là muốn tìm hiểu xem tại sao mình lại có mặt ở đây - ở trong ngôi nhà của mẹ tôi như thế này. Tôi nhớ chính tại cái căn phòng này tôi đã tự cứa cổ tay mình, tự sát lần đầu tiên. Và đương nhiên tôi nhớ cả chuyện hồi nhỏ tôi đã đi nhà thờ rồi trong cái mục: Tôn giáo của bạn là gì? - Cái mục kê khai về tôn giáo của bản thân khi điền vào tờ giấy điều tra hoàn cảnh gia đình, tôi đã không một chút do dự mà điền ngay là đạo Thiên Chúa. Vì từ khi mới được sinh ra tôi đã được bố bế trên tay đi đến nhà nhờ làm lễ rửa tội, lúc đó thay vì cái tên Yoo Jeong như bây giờ tôi được đặt tên thánh là Silbia. Nhưng dù được rửa tội rồi mà nếu tôi chết vì tự sát thì tôi cũng không bao giờ được làm lễ cầu siêu ở nhà thờ, do những giáo lý và những quy định nghiêm khắc ở đó. Nếu tôi tự sát nghĩa là tôi đã trở thành một kẻ giết người, vì tôi dám cướp đi một sinh mệnh do Chúa ban cho. Còn lý do tại sao khi tôi tự sát nghĩa là tôi đã trở thành một kẻ giết người thì trong giờ giảng về giáo lý các Sơ đã giải thích cho tôi hiểu.
Tôi nhớ các Sơ đã bắt đầu bài giảng bằng những câu hỏi như thế này: “Ai trong số các bạn đang ngồi dưới kia khi sắp được sinh ra đã tự nói với mình rằng: Giờ đến lúc ta phải chào đời rồi. Hoặc ai trong số các bạn cho rằng lúc được sinh ra mình có quyền tự quyết định mình sẽ là trai hay gái thì giơ tay lên...” Và: “Những ai trong số các bạn nghĩ rằng chúng ta có thể chết khi muốn chết...” Khi bước vào tuổi dậy thì tôi đã nghĩ rất nhiều đến việc tự sát. Nhưng đi kèm với những suy nghĩ ấy là một kết luận, rằng tôi không có quyền tự giết mình, nghĩa là không có quyền tự sát. Lúc đó thực sự tôi không hiểu tại sao nhiều khi dạ dày tôi không chịu tiêu hoá thức ăn hay tại sao tôi lại bắt đầu có kỳ kinh nguyệt. Rồi tại sao có những lúc tôi bị khó tiêu hoặc đau bụng cũng như tại sao tim tôi lại đập hàng ngày. Hay cả những cái gọi là hoocmôn mà tôi đã được học trong giờ sinh học nữa, tại sao đến một thời kỳ nào đó nó tự dưng được sinh ra rồi sau đó lại tự bị mất đi ở một thời kỳ khác... vân vân và vân vân. Tôi chẳng hiểu gì về tất cả những điều trên. Thế nên tôi đã đúc kết ra được một kết luận, sinh mệnh của tôi đúng là không phải do tôi tự làm ra rồi. Và ngoài cái suy nghĩ giống với câu nói của Descartes được ghi trên cái đế đựng sách mà tôi vẫn hay mang bên mình ra thì tôi biết tôi không có quyền làm gì với bản thân mình cả. Nói tóm lại vì tôi không phải là chủ nhân của bản thân tôi nên nếu tôi giết tôi thì cũng có nghĩa là tôi sẽ trở thành một kẻ giết người. Tôi đã tin là như vậy. Nhưng dù có thế thì ở chính căn phòng này tôi cũng đã tự cắt cổ tay mình. Vì khi ấy tôi chỉ có một cảm giác duy nhất, đó là không cái gì trên thế gian này có thể ngăn nổi sự tuyệt vọng chán chường của tôi. Tôi cảm giác đến suy nghĩ của tôi cũng chẳng hề theo ý của tôi, cũng như chẳng có cái gì tươi đẹp đáng để sống ở trên thế gian này.
Tôi đứng dậy và đi xuống tầng dưới tìm một chai nước lọc hay nước hoa quả hoặc bất cứ thứ gì đó có thể uống được. Tôi nhớ khi tôi vừa vào học cấp ba, bố đã mua mảnh đất ở khu vực này và quyết định xây nhà ở đây. Hồi đó nơi đây là một nơi khá yên tĩnh và thanh bình cũng như chưa có nhiều toà nhà cao tầng mọc lên như bây giờ mà chỉ có mấy khu nhà nghỉ dưỡng nằm san sát nhau. Chính tại ngôi nhà này mẹ đã sai tôi đi đến nhà bác cả, làm những việc lặt vặt ở đó giúp bác vào dịp Tết. Tôi nhớ tôi thường phải đi một mình. Hồi ấy tóc tôi để dài, trông tôi cũng cao ráo và ra dáng thiếu nữ lắm rồi. Đúng rồi, hồi tôi học lớp Sáu, mùa hè năm ấy tôi đã mặc một cái váy ngắn và trên đường đi làm việc mẹ sai bảo, tôi đã bị một anh lính lục quân trêu ghẹo. “Này cô bé, có muốn cùng anh vào quán cà phê đằng kia ngồi chơi tí không?” Miệng anh ta lúc ấy phả ra toàn mùi rượu. Rồi khi tôi trả lời: “Chú ơi, cháu là học sinh cấp hai đấy ạ...”. Anh ta tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và ngửa mặt lên trời cười sặc sụa. Tôi cũng cười theo. Khi về nhà, tôi đã kể lại chuyện này cho mẹ nghe: “Mẹ ơi, hôm nay có người đi theo và trêu con đấy... một chú lính lục quân đấy”. Nghe xong mẹ tôi đã nói một câu gì ấy... tôi cũng không nhớ rõ. Nhưng không phải là một câu nghe lọt tai lắm thì phải. Các anh trai của tôi lúc ấy đang ngồi ăn cơm cũng bình luận chen vào: “Chắc thằng đó say quá nên bị mất trí rồi”, “Hay là nó đang đào ngũ và định bắt cóc mấy đứa trẻ con làm con tin để đòi tiền chuộc”. Mỗi anh nói một câu làm tôi tự dưng thấy chột dạ. Nghĩ lại thì lúc đó trông tôi cũng khá phổng phao, tất nhiên tôi chưa phát triển hẳn nhưng ngực cũng đã nhú cao và trông cũng ra dáng thiếu nữ lắm. Chính xác tôi trông không giống một đứa trẻ con như bọn bạn cùng trang lứa nữa, cũng như thỉnh thoảng tôi hay bị bọn thanh niên choai choai đi theo trêu ghẹo tán tỉnh. Cảm giác ấy đúng là không hề tồi nhưng lần này bị một gã say rượu trêu chọc nên tôi thấy hơi khó chịu.
Tôi vừa bước từng bước một xuống dưới cầu thang vừa lởn vởn nghĩ đến hắn - cái kẻ đã làm tôi muốn tìm đến cái chết. Tôi nhớ trước kia mỗi khi bước xuống mấy bậc cầu thang này, tôi lại nghĩ đến việc mình phải làm thế nào để có thể nhanh chết được, phải làm thế nào nhỉ, phải làm thế này hay phải làm thế kia thì mới được nhỉ. Đang nghĩ tôi bỗng nghe thấy có tiếng chuông điện thoại reo ở tầng dưới.
“Yoo Jeong á? Hình như nó vẫn đang ngủ... À không, nó đang xuống đây rồi”.
Vừa lúc thấy tôi đang bước xuống cầu thang nên mẹ liền chuyển điện thoại ngay cho tôi. Là điện thoại của anh Hai. “Anh đây” - Anh vừa nói vừa thở dài thườn thượt. Tôi cũng thở dài theo.
“Em đã nhớ ra chuyện hôm qua chưa?” Anh Hai hỏi với một thái độ tức giận.
“À, vâng... em đang nghĩ phải cảm ơn anh lắm đây.” Tôi lại nghe thấy tiếng anh thở dài lần nữa.
“Thực sự lần này anh rất muốn mắng cho em một trận đấy, nhưng nghĩ hôm nay là sinh nhật mẹ nên thôi anh sẽ cố nhịn. Dù mẹ đã phẫu phuật xong và ra viện gần một tháng rưỡi nay rồi nhưng anh sợ mẹ sẽ lại bị ngất... Mà anh cũng chưa nói cho bất cứ ai trong nhà biết chuyện hôm qua của em đâu”.
“Gớm, em cám ơn”.
“Nghe này... Anh cứ tưởng em đã lớn và biết suy nghĩ rồi nên anh định không nói gì cả nhưng xem ra thì... tối nay em hãy dành ra một chút thời gian để nói chuyện với anh. Mẹ đang đau ốm nên tốt nhất là em đừng có làm ầm ĩ cả nhà lên nữa, từ giờ đến tối xin em hãy im lặng và ngồi yên một chỗ. Anh cũng đã gọi điện nói chuyện với cô Mônica rồi. Từ giờ trở đi em đừng đi gặp mấy người tử tù ấy nữa, tốt hơn là em nên thôi làm cái việc đó đi!”
“Anh bảo sao cơ?”
Anh Hai không trả lời câu hỏi của tôi mà dập máy luôn. Thực tình tôi cũng định nói câu cảm ơn anh, nhưng mà... thực sự là đến giờ tôi vẫn chưa nhớ tối hôm qua đã xảy ra chuyện gì. Tôi rót một cốc nước hoa quả và thử cố nghĩ lại xem đã có chuyện gì. Tôi chỉ nhớ là tối hôm qua tôi đã đi tụ tập với mấy đứa bạn học chung hồi cấp một. Chúng tôi rủ nhau đi uống rượu, hết tăng một, tăng hai, đến tăng ba... Rồi hình như có một ai đó đỡ vai tôi và bảo tôi là không nên lái xe trong lúc này nhưng tôi nhất định không chịu và bảo có thể tự lái xe về được. Tôi chỉ nhớ đến lúc tôi lên ô tô ngồi và lái xe đi, thế thôi. Rồi... tôi ngồi trong đồn cảnh sát. Tôi đã la hét ầm ĩ và làm náo loạn ở đó. À, tôi nhớ ra rồi. Một ông cảnh sát khoảng ngoài năm mươi tuổi có dáng người hơi thấp đã nói với tôi: “Con gái mà nửa đêm đi uống rượu say... cái loại này phải đem đi bắn chết ngay mới đúng”. Và tôi cũng đã to tiếng lại: “Ông vừa nói cái gì? Dù tôi là kẻ phạm pháp nhưng nói cho ông biết tôi cũng là một người có nhân cách tử tế đấy nhé. Bắn chết tôi á? Đây là câu nói phát ra từ miệng của cảnh sát nước Đại Hàn dân quốc? Đây! Có giỏi thì bắn đi, giết đi!”. Rồi từ lúc đó trở đi tôi bắt đầu la hét cũng như làm loạn cả đồn cảnh sát. Sau đó hình như tôi đã gọi điện cho anh Hai và chỉ một lát sau anh đã có mặt ngay. Khi anh đến tôi còn ngô nghê hỏi thêm một câu: “Ơ, anh Hai, làm sao anh biết em ở đây mà đến tìm em thế?”. Tôi nhớ mấy ông cảnh sát vừa chậc lưỡi vừa thì thầm với nhau ở một góc khuất xa nơi chỗ anh Hai đang đứng: “Hình như con bé kia bị điên hay thần kinh nó có vấn đề thì phải!” Anh Hai lúc đó không nghe thấy gì nhưng tôi thì đã nghe rõ mồn một. Đúng là khó chịu không thể tả nổi. Nhưng nghĩ lại thì... tự tôi cũng không hiểu nổi những hành động của tôi lúc đó. Dù tôi vốn là đứa thích gây sự và làm ầm ĩ mọi chuyện, nhưng lúc đó trước mặt toàn những người xa lạ... lại còn uống rượu say và la hét om sòm trong đồn cảnh sát. Ôi tự dưng tôi cảm thấy xấu hổ quá, chắc sau này tôi sẽ chẳng dám thò mặt đến khu I-Tae Won.
Hình như lúc ấy là khoảng nửa đêm. Tôi đã khóc thì phải... tôi nhớ lúc ngồi trong xe ô tô, tôi đã nghe thấy có tiếng con gái khóc. Trong xe lúc ấy chỉ có tôi và anh Hai, anh, tất nhiên anh không phải là con gái... vậy thì suy ra tiếng khóc ấy chắc chắn là của tôi. Không hiểu việc tôi khóc có liên quan gì đến câu nói trước đây của cậu tôi không nhỉ? Nhưng có lẽ chính nước mắt đã làm tôi tỉnh rượu và tôi với anh Hai bắt đầu tranh cãi gì đó với nhau. Lúc đầu là những câu chuyện không đầu không cuối, rồi đến chuyện những người tù trong vòng sáu tháng không có lấy một nghìn won để mua đồ sinh hoạt cá nhân trong tù, tôi nhớ hình như tôi còn nói mấy câu đại loại như tôi sắp phát điên lên mất, sắp không chịu nổi nữa rồi. Đúng rồi, chính xác là: “Em sắp phát điên vì mấy người tử tù ấy, anh hãy giúp em với. Em đến chết vì mấy người ấy mất thôi!” Đương nhiên tôi cũng biết vì tôi mà dạo này anh Hai chẳng cảm thấy vui vẻ gì. Mới cách đó không lâu, tôi đã tự sát nhưng không chết, rồi còn phá hôn ước với người đồng nghiệp của anh Hai mà không đưa ra bất kỳ một lí do nào, rồi hôm nay tôi lại suýt bị bắt giam vì tội lái xe trong tình trạng say rượu và giờ anh phải đến đồn cảnh sát để bảo lãnh cho tôi về. Giống như người bố đã mất của tôi, anh Hai lúc nào cũng yêu và chiều tôi nhất. Tôi kém anh khá nhiều tuổi nên anh luôn chiều tôi như chiều một đứa cháu gái. Tôi còn nhớ hồi bé anh hay cõng tôi đi chơi, thậm chí đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in hơi ấm tỏa ra từ lưng của anh, nhớ cả sự vạm vỡ vững chãi của tấm lưng ấy nữa.
“Là người trong nghề nên anh đã từng gặp nhiều trường hợp trẻ em bị cưỡng đoạt hay những người già bị giết hại dã man. Rồi khi nhìn thấy vẻ mặt vênh vênh đắc ý cũng như không hề tỏ một chút hối lỗi về những hành động mà mình đã làm của những kẻ tội phạm là anh lại cảm thấy căm phẫn vô cùng, nhất là khi anh nghĩ mình đang phải cùng sống dưới một bầu trời, cùng thở chung một bầu không khí với cái bọn xấu xa ấy! Phải nhận hình phạt tử hình là quá nhẹ đối với cái lũ ấy. Nhiều khi nhìn chúng, anh còn nghĩ không hiểu chúng là người hay là súc vật nữa. Có thể anh hơi gay gắt nhưng đúng là bọn chúng chẳng khác gì những con ác quỷ, có lẽ từ lúc được sinh ra trên thế gian này chúng đã được định đoạt số mệnh như thế. Bọn chúng... không đáng được làm người. Chỉ đáng là lũ súc vật mà thôi!” Anh Hai đã nói như thế.
Tôi đứng nhìn khu vườn tràn ngập ánh nắng ấm áp và uống cốc nước hoa quả mát lạnh. Tôi lại nghĩ đến những câu nói ấy của anh Hai khi thấy đứa em gái yêu quý rất hiếm khi khóc của mình, tự dưng hôm qua khóc lóc ầm ĩ rồi còn nói sắp phát điên vì mấy người tử tù. Chắc anh Hai nghĩ do tôi đi theo cô Mônica đến trại giam rồi bị sốc và lại định tự tử nên anh lo lắng. Mà cũng chỉ tại lúc đó tôi say rượu và có hơi quá khích nữa. Anh còn bảo anh cũng đến phát mệt với cô Mônica, đã biết thừa là không được rồi thế mà cứ thỉnh thoảng cô lại tìm đến chỗ anh và hỏi anh xem làm cách nào để xin xét xử lại mấy vụ án hoặc làm thế nào để xin với Bộ trưởng Bộ Công an giảm nhẹ án cho mấy người tử tù... “Vì cô Mônica mà anh cũng không sống nổi đây” - Anh Hai đã nói vậy. Thực ra anh là một người rất tốt, một công tố viên nổi tiếng chính trực và ngay thẳng... Nhưng sao từ nãy đến giờ tôi cứ nghĩ mãi đến cái từ “lũ súc vật” mà anh Hai đã nói. Có phải do tôi vẫn thấy hơi chếnh choáng hay là tại trong người tôi vẫn còn chút men rượu chưa tan hết.
“Hồi em còn học đại học, lúc đứng ở trước văn phòng làm việc của anh ở Viện kiểm sát, em đã nghe thấy có những tiếng gào thét ở bên trong nên không dám bước vào. Anh còn nhớ không? Sau này em mới biết đó là tiếng kêu của một phạm nhân đang bị tra hỏi trong tư thế bị treo ngược chân lên trần nhà và quay vòng vòng... Khi em đang đứng đó run lẩy bẩy thì anh đã bắt gặp. Anh đã tỏ ra vô cùng bối rối và vội kéo tay em lôi xuống quán trà ở dưới tầng một. Anh nói anh không phải là một công tố viên như vậy. Anh đã bảo với những người khác là đừng có tra hỏi phạm nhân kiểu như thế, nhưng tại ông thủ trưởng của anh cứ bắt phải làm vậy nên không còn cách nào khác. Nhưng rõ ràng em thấy anh chỉ nói vậy thôi, chứ anh không chạy lên đó rồi bảo với họ thôi đừng tra hỏi phạm nhân kiểu ấy nữa. Lúc ấy em đã nghĩ thế này: Ông thủ trưởng của anh, cả anh nữa, tuy anh không phải là một công tố viên như vậy nhưng còn những công tố viên khác nữa... không hiểu họ là người hay là súc vật mà lại đi tra tấn người ta kiểu ấy”.
Anh Hai quắc mắt và quay sang nhìn tôi chằm chằm.
“Vậy đấy.Nhiều lúc em nghĩ không hiểu mấy người ấy họ là người hay là súc vật nữa. Trong những quán rượu sang trọng, dù có rất nhiều người chung quanh nhưng họ vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra để làm những trò bậy bạ với các cô gái. Thế nhưng những người ấy, sáng hôm sau thức dậy họ coi những chuyện của đêm hôm qua chưa hề tồn tại cũng như mở mồm ra là nói đến nào là học thức học vấn, nào là bất bình đẳng xã hội... Anh ạ, có những thằng điên kiểu ấy đấy dù chúng cũng đang đi giảng dạy ở những trường đại học danh tiếng. Những thằng điên ấy còn đến cả các khu nhà chứa, gọi những cô gái còn ít tuổi bị bán vào đó đến, sau đó chúng bắt họ cởi hết quần áo cũng như làm những hành động gợi dục cho chúng xem... Em còn nhớ hồi học ở Pháp, mấy đứa bạn người Pháp đã hỏi em: Có phải trước đây những người đấu tranh cho cuộc vận động dân chủ hóa đã bị nhân viên của Cục an ninh quốc gia NSP Hàn Quốc bắt, sau đó bị tra tấn, bị đánh đập và thậm chí nhiều nữ sinh còn bị bạo hành tình dục nữa phải không? Lúc bọn nó hỏi em chuyện ấy, em đã cảm thấy vô cùng xấu hổ. Tất nhiên lúc ấy em cũng không hiểu những kẻ đốn mạt khốn nạn ấy, chúng là người hay là súc vật? Còn những kẻ giết người như anh bảo... Tất nhiên chúng cũng là lũ súc vật rồi! Có gì mà phải nghĩ ngợi thêm. Vì chúng không đáng làm người nên chỉ đáng làm súc vật thôi. Nhưng bây giờ anh trả lời em câu hỏi này: Theo anh, trong ba loại súc vật mà em vừa kể ra ở trên, loại nào có nhiều khả năng tiến hóa thành người nhất?”
Tôi không để ý đến thái độ của anh Hai lúc đó, mà cứ liên tục lảm nhảm như những kẻ say rượu thường hay làm. Còn anh Hai vẫn tiếp tục lái xe và không nói một lời nào. Tôi lại tiếp:
“Em sẽ cho anh mấy gợi ý nhé. Có hai loại người, loại thứ nhất khi gây ra tội lỗi, tuy họ có bao biện rằng họ làm vậy là vì một lý do nào đấy nhưng ít nhất thì họ cũng công nhận lỗi lầm của mình; còn loại người thứ hai là loại người không bao giờ công nhận thậm chí lại còn nghĩ mình là người tốt bụng tử tế. Loại người thứ nhất cả đời phải nhận hình phạt cho mấy lỗi lầm mà mình đã vô ý gây ra. Loại người thứ hai thì không, thậm chí chúng lại còn tiếp tục đi làm những việc xấu xa khác nhưng luôn nghĩ mình là người tử tế cao thượng. Vậy theo anh, trong hai loại người ấy thì loại nào luôn nghĩ rằng mình vô tội?”
“Sao em vẫn chẳng thay đổi tí gì thế hả? Em có biết em bao nhiêu tuổi rồi không?”
Anh Hai tỏ ra vô cùng tức giận. “Em... mười lăm tuổi”.
Tôi khúc khích cười. Anh Hai nhìn tôi chằm chằm đầy vẻ khó hiểu giống y như mấy người ở đồn cảnh sát ban nãy nhìn tôi. Anh rút một điếu thuốc ra và đưa lên miệng ngậm. Tôi giật lấy điếu thuốc từ miệng của anh rồi đưa lên miệng mình và châm lửa hút. Anh chỉ thở dài mà không nói bất cứ một câu nào.
“Mười lăm năm trước đây, khi gần Tết, mẹ sai em đi đến nhà bác cả làm mấy việc lặt vặt giúp bác. Và rồi cái chuyện khủng khiếp ấy đã xảy ra. Nhưng lúc ấy cả gia đình mình chẳng có một ai tỏ ra quan tâm hay hỏi han em dù chỉ là một câu. Anh biết tại sao em lại thành ra như thế này không? Anh có biết tại sao đã hơn ba lần em uống thuốc ngủ cũng như từng cắt cổ tay mình để tự tử không? Cái điều mà em mãi mãi không thể hiểu nổi ấy cũng như cái điều mà em sẽ không bao giờ có thể tha thứ được ấy, đó là cái thái độ của mọi người, từ mẹ đến tất cả các anh thậm chí là cả anh nữa! Tất cả mọi người ai ai cũng đều coi chuyện xảy ra với em chẳng là cái quái gì cả. Cũng giống như hôm nay, anh đến đây với cương vị là một quan chức của Viện kiểm sát rồi chỉ cần nói vài câu gì đó với mấy ông cảnh sát là cái tội lái xe trong lúc say rượu của em coi như chưa từng xảy ra. Sao mọi người lúc nào cũng coi em như là một kẻ đã chết rồi ấy, à không, giá mà chết được thật thì đã tốt... Chẳng hiểu sao tất cả mọi người đều tự động ngậm chặt miệng lại, rồi tất cả mọi việc từng xảy ra với em bỗng dưng thành như chưa từng xảy ra bao giờ? Tất nhiên về sau em cũng biết được lí do tại sao mọi người lại làm thế. Tất cả là do có bác cả - người từng là ủy viên cao cấp của Quốc hội. Nếu không có bác cả, chắc gì công việc kinh doanh của bố luôn được suôn sẻ như thế. Nếu không có bác cả đỡ cho mấy vụ chắc bố đã bị công an bắt vì tội kinh doanh phi pháp cũng như trốn thuế. Nếu không có bác cả chắc bố đã bị mất chức từ lâu. Nếu không có bác cả thì...”
“Em thôi đi!”
Hình như anh Hai cố nhịn tôi từ nãy đến giờ. Anh giật lấy điếu thuốc tôi đang hút trên miệng rồi dụi mạnh vào cái gạt tàn để trong ô tô. Nhưng nếu chỉ vì một câu nói ấy của anh mà tôi chịu im lặng ngay thì tôi không phải là Moon Yoo Jeong rồi. Tôi lại nói tiếp:
“Lúc đó em mới có mười lăm tuổi. Anh có biết tại sao lúc đó em đã muốn chết ngay đi cũng như đến tận bây giờ thi thoảng suy nghĩ ấy vẫn còn lởn vởn trong đầu em không? Gia đình mình, cả mẹ, cả bố, rồi đến cả các anh nữa... tất cả đều coi những việc khác quan trọng hơn việc của em. Anh thử nói xem tại sao mọi người trong gia đình lại đối xử với em như thế? Tại sao tất cả lại làm em sống còn bi thảm hơn là chết thế này? Sao lại đối xử với em...”
Anh Hai đột ngột quay xe. Theo quán tính người tôi bị lắc sang một bên nên lúc đó tôi không thể nói tiếp cho hết câu. Tôi loáng thoáng nghe thấy giọng anh Hai: “Không được rồi! Hôm nay mà để em ở một mình thì chắc lại xảy ra chuyện lớn mất thôi”. Hình như là câu ấy.
Tôi nghe thấy tiếng đàn piano của mẹ. Là bản Ly biệt của Chopin. Tôi nhìn mẹ từ phía sau khi mẹ đang chơi nhạc trên chiếc đàn piano lớn đặt ngay giữa phòng khách. Tôi nhớ trước đây có một thời gian mẹ tôi đã phải chi ra một khoản tiền khá lớn để có thể giảm được vài cân, vậy mà bây giờ do bệnh tật hành hạ mẹ chẳng cần chi ra một đồng nào mà người cũng cứ gầy rộc đi thế. Tôi biết dù mẹ tôi không bị bệnh ung thư thì cái ngày mà tôi sẽ phải ly biệt với người mẹ gần bảy mươi tuổi của mình chắc cũng không còn xa nữa. Nghĩ thế tự dưng trong lòng tôi dâng lên vài cảm xúc khó tả. Người ta nói lúc sắp chết thì không có việc gì là không thể hóa giải được, lúc ấy ai còn hơi đâu mà cố chộp lấy cái mình yêu thích nhất để mong được mang đi theo... Mẹ từng nói rằng việc cắt bỏ mất một bên ngực do bị ung thư là một việc đáng hổ thẹn đối với người phụ nữ. Mẹ còn bảo không biết mấy cái tế bào ung thư đấy nó hình thành từ khi nào... Có một lần tôi thoáng nghe câu chuyện mẹ nói với mấy người bạn về việc để phục hồi lại một bên ngực đã bị cắt bỏ đó, mẹ đã phải bỏ ra hơn hai mươi triệu won. Mẹ định đi thi hoa hậu quý bà chắc? Tôi chua chát nghĩ. Với hai mươi triệu won đó, nếu đem quyên góp cho những tù nhân - những người trong vòng sáu tháng không có lấy một đồng để mua đồ sinh hoạt cá nhân, mỗi người mười nghìn won thì không biết sẽ giúp được bao nhiêu người? Nhưng tự dưng tôi cũng thấy lạ. Tại sao một kẻ như tôi lại có thể đem so sánh hai sự việc ấy với nhau nhỉ?
Mẹ đang mặc một cái áo lụa màu hồng đậm. Tấm khăn choàng cổ dài bằng lụa bay nhè nhẹ trên bờ vai đang rung lên theo nhịp đàn của mẹ. Trước đây do tôi có ác cảm với mẹ nên mỗi lần mẹ đánh đàn, tôi thường tỏ ra khó chịu hoặc cố ý bịt tai lại, hoặc chạy đi chỗ khác, nhưng hôm nay khi đứng im lắng nghe tôi thấy bản đệm đàn của mẹ thực ra cũng chẳng đến nỗi tồi. Lúc bản nhạc vừa kết thúc tôi liền vỗ tay hoan hô thật to. Chắc đến cả cô giúp việc đang nấu cơm trong bếp cũng nghe thấy. Mẹ dịu dàng mỉm cười như một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp đang biểu diễn trên sân khấu, rồi sau đó mẹ bắt đầu chuyển sang một bản nhạc khác.
Lý do mà lúc nào tôi cũng ghét mẹ cũng như các thành viên khác trong gia đình mình có lẽ là do họ có nhiều tiền, nên lúc nào họ cũng thích dùng những đồng tiền ấy để ngụy trang cho chính bản thân họ. Họ thích thể hiện mình không chỉ có nhiều tiền mà mình còn là một người thuộc dòng dõi quyền quý, một nghệ sĩ chân chính được công chúng ca tụng và ngưỡng mộ. Nhưng tôi biết, sự thật trong lòng họ lúc nào cũng cảm thấy cô đơn, trống trải và cũng đáng thương như bao nhiêu người khác. Có điều là quanh họ có quá nhiều những công cụ giúp họ ngụy trang bản thân nên vô tình họ đã bỏ đi cái cơ hội hiểu ra sự thật rằng họ chỉ là những kẻ đáng thương, những kẻ cô đơn, hay những kẻ bị cô lập. Nói một cách ngắn gọn: họ đã mất đi cái cơ hội đối mặt trực tiếp với cuộc sống thực tế.
Tôi tiến lại gần chỗ đặt chiếc đàn piano. Dù thế nào thì tôi cũng không thể chịu đựng được tiếng đàn piano của mẹ lâu hơn nữa. Tôi nhớ ngày xưa sau khi cái chuyện khủng khiếp ấy xảy ra, mẹ tôi vẫn bình thản ngồi chơi những bản nhạc lãng mạn giống như thế này, còn tôi thì đã phải bịt tai lại rồi chạy lên phòng mình bật nhạc rock thật to. Có lẽ là tại mẹ tôi. Vì nếu mẹ là ca sĩ của dòng nhạc pop sôi động thì chắc chắn tôi sẽ thích nghe mấy bản hòa tấu lãng mạn kiểu này. “Điếc tai quá! Mẹ bảo là điếc tai quá!”. Mẹ tôi đã hét lên như thế rồi leo lên tầng hai tìm tôi. Và trong lúc mẹ đi lên cầu thang, tôi đã từ từ vặn nhỏ volume lại cũng như làm mặt tỉnh bơ hỏi: “Sao cơ?”. Mẹ tức quá phải hét lên: “Mày có vặn nhỏ âm lượng xuống không thì bảo!”. “Con vặn nhỏ từ lúc nãy rồi còn gì”. “Con điên...” - Mẹ tôi nói chua chát. “Không hiểu sao tao lại đẻ ra một đứa như mày, để rồi đến giờ tao phải khổ sở thế này không biết. Sao tao lại đẻ ra cái loại mày cơ chứ. Lúc có thai mày tao đã nhiều tuổi rồi, bác sĩ đã khuyên là không nên giữ lại nhưng tại bố mày cứ bảo con cái là món quà quý giá do Chúa ban tặng, nên tao đã phải miễn cưỡng mà giữ lại mày. Thế mà mày...”. Tôi tỏ ra không thèm để ý đến mấy câu nói ấy của mẹ, ngoài mặt tôi làm như đang vô cùng hả hê sung sướng nhưng thực ra tôi biết là máu trong người tôi đang sôi lên như thế nào. Lúc ấy tôi cũng ghét lây sang cả tôn giáo - cụ thể là tôn giáo đã đưa ra luật cấm phá thai ấy, tôi ghét cả cái đêm mẹ tôi mang thai tôi nữa. Hình như Job cũng đã từng nói câu này: “Tại sao tôi lại không chết ở trong bụng mẹ tôi mà tôi lại phải sinh ra và sống như thế này?”. Sau khi biết chắc chắn rằng mẹ tôi đã đi xuống tầng dưới, tôi lại vặn cho volume to hết cỡ như thể để trả thù cho mấy câu nói khó nghe ban nãy của mẹ. “Tôi khiến mẹ sinh ra tôi à?” - Tôi nhớ đã có lần tôi hét ầm ĩ cái câu ấy vào mặt mẹ tôi. “Thế mày tưởng tao thích đẻ ra mày đấy hả? Tao mà biết trước thế này thì tao đã không đẻ mày ra làm gì!”. Mẹ nói bằng giọng điệu cay nghiệt. “Biết thế lúc bố mày ngăn, tao cứ mặc kệ rồi một mình đến bệnh viện giải quyết thì có phải...”. “Mẹ đã không thể giết được tôi lúc tôi còn ở trong bụng mẹ thì bây giờ tự tôi sẽ làm hộ mẹ cái việc đó, tôi sẽ chết cho mẹ được hài lòng... Nhưng tại sao cứ khi nào tôi định làm chuyện ấy thì tất cả lại ngăn tôi lại? Tại sao mỗi lần tôi định chết thì lại cứ ngăn tôi lại làm gì?”. “Mày hãy chết ở nơi nào mà tao không nhìn thấy ấy. Mày hãy đến nơi nào mà tao không nhìn thấy rồi mày thích làm gì thì làm! Hãy chết ở nơi nào xa chỗ tao ra!”... Trước đây mẹ con tôi thường nói chuyện với nhau bằng những giọng điệu tương tự như thế. Và cuộc nói chuyện sẽ kết thúc bằng việc mẹ tôi đập vỡ bình hoa hoặc mấy cái đĩa hát vô tội rồi hầm hầm bỏ đi ra ngoài. Thế nhưng đấy là chuyện ngày xưa còn bây giờ tôi đã ngoài ba mươi tuổi, khi nhìn người mẹ đã gần bảy mươi tuổi của tôi đang chơi bản Concerto số 1 dành cho piano của Chopin, tự nhiên tôi muốn tiến lại để hỏi mẹ một vài điều.
“Đừng có làm người khác bị phân tâm như thế! Bản nhạc này cần sự tập trung cao độ đấy biết không?”
Mẹ đã nói vậy khi thấy tôi có ý định tiến lại gần. Những câu nói kiểu này đã trở nên quá quen thuộc với cả mẹ và tôi. Tôi nhớ lại một câu chuyện hồi tôi còn bé. Vào một hôm có nhiều khách khứa đến chơi, mẹ đã mời họ ngồi thành một hàng rồi sau khi đi thay một cái váy lộng lẫy chuyên dùng để biểu diễn trên sân khấu. Mẹ ngồi đánh đàn piano cho họ nghe. Hôm ấy mẹ chơi đúng bản nhạc này rồi tự dưng rưng rưng nước mắt và mấp máy môi nói một câu gì đó. Khi một trong số những vị khách có mặt tại đó hỏi: “Sao thế, cô không sao chứ?”, trong khi những người khác còn đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra thì mẹ khẽ quay sang nhìn họ mà rằng: “Tôi... không thể chơi tiếp được nữa, vì... bản nhạc này buồn quá!”. Lúc ấy bố tôi đã phải nói đỡ: “Nhà tôi là người làm nghệ thuật nên có hơi nhạy cảm hơn so với những người bình thường. Đến đọc thơ mà bà ấy còn khóc nữa là...”. Rồi bố gượng cười làm cho tất cả những vị khách cũng phải ngượng nghịu cười theo. Khi ấy tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ, thậm chí tôi biết hình như bố tôi cũng cảm thấy mệt mỏi vì có một người vợ là nghệ sĩ piano. Mà còn nữa, nghe bảo trước đây mẹ tôi tốt nghiệp một trường cấp ba có tiếng nhất cả nước, còn bố tôi thì chỉ tốt nghiệp ở một trường hạng xoàng... “nhất cả nước”
- nó có ý nghĩa thế nào tôi chưa hiểu hết, nhưng hình như nó có liên quan đến việc cô Mônica thường hay tránh mặt mẹ.
Tôi đứng im đợi mẹ chơi hết bản nhạc. Tôi nghĩ mình có nên làm bộ rơi vài giọt nước mắt xúc động để làm tăng thêm hiệu quả cho bầu không khí lúc này, chả hiểu sao đêm qua mắt tôi lại chảy ra được nhiều nước đến thế. Tôi đứng ngây người và nghĩ bụng, không ngờ cũng có lúc mình có thể đứng im nhìn mẹ một cách bình thản như thế này.
“Mẹ, chúc mừng sinh nhật mẹ. Con vẫn chưa mua quà... Mà thực ra thì con cũng không nhớ hôm nay là sinh nhật mẹ... nhưng dù sao thì con cũng đang ở đây nên con nghĩ là mình nên nói lời chúc mừng, còn quà thì con sẽ mua tặng sau...”
“Mày không cần phải chúc mừng sinh nhật mẹ, mà mẹ cũng không cần đến quà của mày. Đừng có mà giả vờ tử tế như thế!”
“Dù sao thì cũng phải chúc mừng chứ ạ... Dù con có giả vờ chúc mừng đi chăng nữa thì cũng còn hơn là không chúc gì đúng không?”
“Lại gì nữa đây? Tao sợ mày phát khiếp mất thôi. Lần trước ở bệnh viện lúc mày cầm cái chai truyền dịch và nhìn chằm chằm vào mặt tao, tao đã thấy sởn hết cả gai ốc vì tưởng bà nội mày hiện hồn về dọa tao...”
Mẹ lại bắt đầu rồi. Lúc nào mẹ cũng nói về bên nội chẳng ra gì, thậm chí mẹ luôn cho rằng tại tôi giống bên nội nên tôi mới mất nết như thế này.
Tôi cũng chả hiểu mẹ tôi đi nhà thờ và cầu nguyện cái quái gì ở đó mà mẹ toàn thích nói ra những câu độc địa kiểu ấy. Thực sự tôi luôn thắc mắc điều đó trong một thời gian dài. Nhưng thôi, hôm nay tôi sẽ cố nhịn, vì dù sao hôm nay cũng là sinh nhật mẹ mà.
“Mẹ này... Trong cuộc đời mẹ, mẹ cảm thấy hạnh phúc nhất là khi nào?”
Nghe tôi hỏi, mẹ chỉ hơi nhếch miệng cười mà không đáp.
“Con đang hỏi là đã có khoảng thời gian nào mẹ cảm thấy mình thực sự hạnh phúc hay chưa?”
Tôi nhắc lại. Hôm nay tự dưng tôi muốn ngồi nói chuyện với mẹ - người đang sắp phải đối mặt với cái chết vì không biết bao giờ những tế bào ung thư sẽ lại tái phát. Không biết chừng sau này, tôi chỉ có thể gặp lại mẹ thêm được một lần cuối cùng nữa ở bệnh viện trước khi bà lâm chung. Trong ngày hôm nay - ngày sinh nhật mẹ, tôi muốn nói chuyện với mẹ trong căn nhà ngày xưa tôi đã từng ở - nơi có một khu vườn rộng và lúc nào cũng tràn ngập ánh nắng ấm áp - với tư cách là một đứa con gái đi xa nhà lâu không về. Mẹ ạ, từ lúc con được sinh ra trên đời đến giờ con chẳng nhớ là mình đã cảm thấy hạnh phúc khi nào... Dù những thứ mà người khác không bao giờ có con đều có hết, dù những món ăn ngon mà người khác không bao giờ được ăn thì con đều được ăn hết, hay cả những chiếc váy đắt tiền mà người khác cả đời không dám mơ đến thì con cũng đều có thể mua hết về mặc, vậy mà mẹ ạ... không hiểu sao con chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc... dù chỉ là một lần... Tôi đã rất muốn nói với mẹ những câu ấy. Và chẳng hiểu có phải do tự dưng tôi hỏi chuyện mẹ một cách nhẹ nhàng khác hẳn trước đây, hay là do từ bé mẹ đã được sống trong nhung lụa cũng như lúc nào cũng được kẻ hầu người hạ mang kiệu đưa rước nên tính cách mẹ có hơi kiêu căng ngạo mạn nhưng về bản chất thì mẹ lại vốn là một người dịu dàng hay không mà hôm nay mẹ bỗng trả lời câu hỏi của tôi bằng một giọng vô cùng êm ái:
“Hạnh phúc ở đâu cơ chứ? Hồi còn trẻ lúc nào cũng phải chiều theo những suy nghĩ lẩn thẩn cổ hủ của mẹ chồng, rồi lúc nào cũng nơm nớp lo công việc kinh doanh của chồng bị phá sản, rồi sau đó đẻ liền ba đứa con trai và vất vả chăm sóc nuôi nấng, đến khi định bắt đầu chơi piano lại thì có bầu tiếp và kết cục là phải bỏ chơi. Rồi đến tận bây giờ, vì mày mà lúc nào tao cũng cảm thấy khổ sở đau lòng thế này... Hôm nay tuy là sinh nhật tao nhưng tính từ khi tao phẫu thuật ung thư đến giờ cũng mới được có vài tuần... biết đâu bệnh nó lại tái phát rồi chết lúc nào không hay... Thế mà chẳng thấy mặt mũi ba đứa con dâu đâu cả?”.
Mẹ lại sắp bắt đầu rồi đây. Với mẹ hình như trên đời này chả có cái gì là tốt đẹp cả. Người ta bảo những người có tất cả mọi thứ trên đời thường nghĩ như vậy, kể ra thì họ nói cũng phải. Tôi nhớ hồi bố tôi còn sống, bố chẳng bao giờ để mẹ phải động tay rửa đến một cái chén, vì bố lo nhỡ đâu trong lúc rửa chén mẹ vô tình bị đứt tay và sẽ không thể chơi được những bản piano mẹ yêu thích nữa. Thế mà lúc nào mẹ cũng nghĩ mình bất hạnh hơn những người khác.
“Con dâu của mẹ ai cũng thành công và giỏi giang đấy còn gì. Nào là nghệ sĩ piano, nào là bác sĩ, nào là diễn viên! Chị dâu lớn lúc nào cũng tất bật lo chuẩn bị biểu diễn, chị dâu thứ làm việc ở bệnh viện, còn chị dâu út nghe bảo cũng mới có bầu. Con thấy lúc gặp bạn bè, mẹ vẫn thường lấy những chuyện ấy ra khoe khoang và tự hào. Nào là con dâu nhà tôi đứa là nghệ sĩ piano, đứa là bác sĩ, đứa là diễn viên điện ảnh... làm cho tất cả bạn bè của mẹ ai cũng ghen tị với mẹ đấy thôi. Tuy mẹ có một đứa con gái chẳng ra gì nhưng hôm nay con cũng đã ở đây chúc mừng sinh nhật mẹ từ sáng. Mẹ sướng thế còn kêu ca gì...”
“Thôi mày đi ra đằng kia đi! Đêm qua mày uống rượu say rồi anh mày phải cõng mày về đây, thế mà mới sáng tỉnh dậy mày đã làm sao thế hả? Lâu lắm rồi hôm nay tao mới có hứng ngồi đánh đàn, thế mà mày lại đến đây và định chọc giận tao hả?”
“Ơ, con có định chọc giận mẹ đâu, con đến để chúc mừng sinh nhật mẹ mà!”
“Mỗi khi nhìn thấy mày là tao lại đau hết cả đầu, đến ăn cơm còn thấy mất cả ngon! À, tiện gặp ở đây tao cũng muốn hỏi mày luôn một câu. Tóm lại là vì lý do gì mà mày lại từ chối anh kiểm sát Kang ấy?”
Tôi rúc rích cười. Vừa cười tôi vừa thầm nghĩ đúng là con người ta mà, thậm chí kể cả tôi nữa cũng không dễ gì thay đổi tính cách được trong ngày một ngày hai. Đêm hôm qua anh Hai đã nói đúng. Bản chất con người dù thế nào thì cũng khó thay đổi! Dù đó là một người mẹ đang cận kề cái chết do phẫu thuật ung thư, ngồi nói chuyện với một đứa con gái vừa được cứu sống từ thần chết, ở trong căn nhà quen thuộc vào một buổi sáng đẹp trời như thế này.
“À... là vì con cũng giống như mẹ thôi. Con cũng ghét kiểu đàn ông lớn lên trong một gia đình chẳng có gì đáng để học hỏi. Chẳng phải là cả đời mẹ lúc nào mẹ cũng coi thường bố và cô Mônica đấy còn gì. Thế nên... dù ai có nói gì đi chăng nữa thì... đích thị là con giống mẹ”.
Giọng nói của tôi vừa như muốn đay nghiến vừa như muốn chọc tức mẹ. Còn mẹ tôi lúc đó vừa nhún vai theo nhịp bản nhạc vừa quay sang nhìn tôi chằm chằm, như kiểu mẹ vừa phát hiện thấy một vật thể lạ xuất hiện trước mặt.
“Mày giống cái bà cô bên nội nhà mày ấy chứ giống ai!”
Tôi đã định cố nhịn, thế nhưng đến lúc này thì hình như tất cả những ấm ức, những đau khổ mà tôi đã phải cố chịu đựng trong bao nhiêu năm qua bỗng như đang trào lên. Cái giọng nói cay độc ấy! Đúng là sẽ chả có gì tốt đẹp nếu tôi tiếp tục ở lại trong căn nhà này. “Nhưng thôi, dù sao thì hôm nay cũng là sinh nhật mẹ!...” - Tôi lại cố tự dặn lòng mình như thế một lần nữa. Nhưng dù hôm nay là sinh nhật mẹ hay có là một ngày trọng đại nào khác đi nữa thì cũng không thể phá vỡ được những định kiến, những ác cảm vốn tồn tại cố hữu giữa hai mẹ con chúng tôi. Những định kiến ấy, những ác cảm ấy giống như một bức tường thành kiên cố đã được chính tay mẹ con tôi tạo ra từ lâu trong quá khứ, mà tôi nghĩ nếu muốn phá bỏ sẽ phải mất thêm rất rất nhiều thời gian nữa. À không, thời gian có nghĩa lý gì đâu khi mà cả tôi lẫn mẹ tôi đều không có ý định phá bỏ bức tường ấy. Tôi đi khỏi chỗ đặt cây đàn piano và nói thật to lên:
“Con giống mẹ đấy. Lúc đầu con cũng tưởng mình giống cô nhưng hóa ra không phải. Đúng là con giống mẹ! Vì thế mà con luôn căm ghét chính bản thân mình!”
Như không thể chịu đựng được thêm nữa, mẹ tôi đập mạnh tay vào những phím đàn piano.
Lúc nào cũng vậy, tôi luôn đóng vai một đứa con gái bất hiếu trong nhà. Bây giờ mẹ đang thao thao bất tuyệt kể tội tôi với các anh trai, nào là do tôi đến đây rồi nói những câu rất khó nghe làm mẹ đau lòng đến thế nào, nào là tôi đã phá vỡ niềm hạnh phúc trong ngày sinh nhật của mẹ thế nào, nào là hôm nay vì tôi mà mẹ đã cảm thấy tổn thọ như thế nào, vân vân và vân vân... Rồi kết luận lại là vì tôi mà hôm nay mẹ đã phải cố nhịn cũng như đã phải chịu thiệt thòi như thế nào. Các chị dâu của tôi lúc ấy vừa cố giấu đi cảm giác mệt mỏi vừa cố giả vờ vui vẻ nhai thức ăn, còn các anh trai của tôi thì ngồi chăm chú lắng nghe mẹ nói với một thái độ nhẫn nại và có hiếu. Vì mẹ vừa mới phẫu thuật ung thư chưa được bao lâu nên hình như tất cả đang cố gồng mình lên như thế, để mẹ hài lòng dù câu chuyện của mẹ chưa biết đến bao giờ mới đến hồi kết thúc. Mẹ cứ ngồi đó kể lể hết chuyện này đến chuyện khác giống như người ta đi bắt lỗi mấy đứa trẻ chưa ngoan. Nào là mẹ muốn được nhận nhiều tình yêu từ các con cũng như muốn cho đi tình yêu thương của mình, rồi dạo này mẹ cô đơn quá nên giá có đứa nào thường xuyên đến đây chơi nói chuyện với mẹ thì tốt. Mẹ cứ nói đi nói lại mấy cái câu ấy khiến tôi cũng phát mệt. Đúng là tôi không thể tiếp tục ở trong căn nhà này đến tận tối muộn được. Với một đứa con gái chuyên cãi nhau với mẹ và đã bỏ đi khỏi nhà này từ hồi qua tuổi dậy thì, tôi lại càng không có lí do gì mà phải tiếp tục ở lại nơi đây, tôi muốn rời khỏi đây ngay càng nhanh càng tốt. Tôi cố ý dậm chân thật mạnh vào cầu thang khi bước lên tầng hai để lấy túi xách đi về. Nhưng khi vừa với tay cầm lấy cái túi và chuẩn bị bước chân ra khỏi căn phòng, không hiểu sao tôi bỗng thấy sống mũi mình cay cay. Và tất nhiên tôi biết rõ có chuyện gì đang xảy ra trong lòng mình.
Ai cũng có những nỗi buồn ẩn kín trong lòng.
Đây là tài sản mà ta chẳng thể nào đem cho người khác được.
Vì ta có thể cho người khác tất cả mọi thứ ta có, nhưng lại không thể cho họ bản thân ta được.
Ai cũng có những bi kịch, những nỗi đau riêng.
Và bi kịch đó, nỗi đau đó là vết sẹo mãi mãi chỉ của riêng bản thân ta mà thôi.
Dòng sông của nước mắt, dòng sông của nỗi buồn, dòng sông của sự đau khổ
Và nỗi buồn - khác với tài sản - nó được chia đều cho tất cả mọi người.
Nhà sư Park Sam Jung
Yêu Người Tử Tù Yêu Người Tử Tù - Park Jin Sung Yêu Người Tử Tù