A house without books is like a room without windows.

Heinrich Mann

 
 
 
 
 
Tác giả: Park Jin Sung
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1818 / 31
Cập nhật: 2017-08-04 14:03:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nhật Ký Buồn 07
hỗ mẹ tôi đang ở có hai anh em lớn hơn chúng tôi khoảng ba đến bốn tuổi. Người chúng tôi gọi là cha dượng thuộc tuýp người bình thường rất hiền lành và ít nói nhưng khi uống rượu vào thì cứ vớ được cái gì xung quanh là đập tan tành hết, hoặc nếu không thì lại quay sang đánh đập vợ con. Tôi tự hỏi chẳng lẽ mẹ tôi đi đâu cũng không thoát khỏi cái số kiếp bị người uống rượu đánh đập, hành hạ hay sao? Khuôn mặt của mẹ lại bị sưng vù lên giống như ngày xưa. Chỉ có một điều duy nhất may mắn hơn ngày xưa là sáng hôm sau thức dậy ông ấy chẳng nói chẳng rằng gì mà chỉ lẳng lặng chất những cuộn giấy to lên xe đạp rồi đi làm công việc dán tường thuê. Nhưng đó cũng chỉ là hồi chúng tôi mới đến thôi. Mấy đứa con của cha dượng gọi mẹ tôi là mẹ kế, lúc nào cũng nhìn chúng tôi một cách khó chịu giống như anh em chúng tôi là cái gai trong mắt chúng vậy. Nhưng tôi vốn giống như một con nhím xù lông nên chỉ cần bọn chúng có ý định động đến một cái gai của tôi thôi là đã bị tôi đập cho toàn thân tơi tả như đám lá mạ trên cánh đồng mùa thu rồi. Nhưng cũng từ đó mẹ bắt đầu đánh hai anh em tôi. Dù Eun Soo có bị hai anh em nhà đó đánh đi nữa, mẹ cũng đánh em, hay dù tôi có bị bọn đó đấm đau thế nào đi nữa, mẹ cũng vẫn chỉ đánh anh em tôi mà thôi. Đến một ngày, tự dưng cha dượng gói ghém hết đồ đạc của hai anh em tôi và gửi trả chúng tôi về cô nhi viện. Chúng tôi đã bị đuổi khỏi nhà như những món đồ phế phẩm bị người ta đem vất bỏ ra đường. Buổi sáng ngày chúng tôi bị đuổi đi, tôi vẫn còn nhớ Eun Soo cố đi tìm mẹ dù hai mắt em không nhìn thấy gì. Khi ấy thực ra tôi đã nhìn thấy một cảnh tượng chẳng mấy tốt đẹp gì cho lắm. Chính mắt tôi đã nhìn thấy mẹ tôi lạnh lùng trốn vào trong góc bếp bỏ mặc Eun Soo vừa khóc vừa huơ huơ hai tay về phía trước gọi mẹ. Thế là chúng tôi lại bị vất bỏ đi như những món đồ vô dụng, nhưng rõ ràng là so với lần trước thì lần này có hơi khác đôi chút. Anh em tôi không còn một lựa chọn nào nữa. Sự mong mỏi chờ đợi cuối cùng của anh em tôi rốt cuộc cũng đã tan biến. Giờ đây không phải chỉ có Eun Soo mà cả với tôi nữa, ánh sáng của thế gian này dường như đã tan biến hoàn toàn, chẳng còn có một vầng thái dương nào vì chúng tôi mà xuất hiện lại nữa.
7.
Vào một hôm khi tôi đang thảnh thơi ngồi ăn bữa sáng muộn, có tiếng chuông điện thoại reo. Là cô Mônica gọi.
Với giọng hơi gấp gáp, cô bảo tôi lái xe đến chỗ cô để đưa cô đi đâu đó ngay bây giờ. Tôi liếc mắt nhìn đồng hồ, lúc ấy cũng chưa đến bữa trưa, tuy tối nay tôi có hẹn với bọn bạn nhưng tính ra thì từ giờ đến lúc đó vẫn còn khá nhiều thời gian. Vừa dừng xe ở trước cổng tu viện của cô ở phường Chung Pa, tôi đã thấy cô cầm trên tay một cái khay to và bên trong khay đựng toàn sườn và thịt lợn loại ngon. Cô nhanh chóng để cái khay đó lên xe rồi bảo tôi lái xe đưa cô đến phường Sam Yang. Khi đi đến đó vì không có chỗ đỗ xe nên buộc lòng tôi phải lái xe vào một bãi đỗ xe mất phí ở một cái chợ gần đó, rồi tôi và cô cùng nhau đi bộ. Tôi nhận mang cái khay thịt kia vì tôi không thể để cô - một người nhiều tuổi phải vừa đi bộ vừa bưng cái khay nặng như thế này được. Nhưng đúng là nặng thật vì mới đi được có một đoạn tôi đã ngửa mặt lên trời thở dốc. Chúng tôi đi bộ được một đoạn khá xa tính từ bãi đỗ xe gần chợ nhưng tôi vẫn chẳng thấy địa chỉ của khu nhà cô cần tìm nằm ở đâu. Tuyết rơi từ mấy hôm trước đã làm biến dạng từng lối rẽ, từng con hẻm nơi đây, thậm chí ở nhiều chỗ các mảng tuyết còn trộn lẫn với những xỉ than vương vãi khắp nơi làm cho đường đi trở nên bẩn hơn và ướt nhèm nhẹp. Dù không hỏi ai, tôi cũng biết chỗ này là khu vực định cư của những người dân lao động nghèo. Ở nội thành Seoul mà cũng có một nơi như thế này sao. Nói khác đi đây là một phần của Seoul - nơi mà trước đây tôi vẫn thường trầm trồ khen ngợi là trông lấp lánh và hoa lệ hơn cả Paris hồi tôi mới về nước đây sao. Nơi này cứ như là thuộc về thế giới của những năm sáu mươi vậy, và đúng là tôi không thể tưởng tượng được sao đến giờ vẫn còn có những người phải ở một nơi tàn tạ như thế này. Nhưng tôi cũng không đến nỗi quá bị sốc hay bị ám ảnh khi khám phá ra sự thật ấy. Mà dù tôi có biết trước điều ấy đi chăng nữa, với tôi nó cũng chỉ giống như một cảnh tượng trong một bức tranh không hơn không kém.
Cô nói là cô đang tìm đến địa chỉ nhà của gia đình người giúp việc đã bị Yoon Soo giết chết hồi trước. Sau khi vụ việc đó xảy ra, đã bao nhiêu lần cô liên lạc cũng như tỏ ý muốn xin gặp mặt nhưng họ đều kiên quyết từ chối, và hình như đến tận bây giờ họ mới mở lòng ra đôi chút. Cô bảo sắp đến Tết rồi nên muốn mang đến cho họ ít thịt để ăn và nhắc tôi rảo bước đi cho nhanh kẻo muộn. Do tối nay tôi có hẹn với mấy đứa bạn học nên tiện thể khi tới đây tôi đã mặc một cái váy ngắn tới đùi. Vừa mặc váy ngắn vừa bưng khay thịt nên khi tôi leo lên mấy bậc cầu thang đám thanh niên con trai ở đây cứ nhìn tôi chằm chằm, tôi cảm thấy vô cùng khó chịu. Tôi không hiểu là trong đầu bọn chúng đang nghĩ cái gì mà cứ nhìn tôi chằm chằm như thế.
Bỗng dưng tôi nghĩ hình như tất cả những kẻ giết người đều nghèo cũng như tất cả những người vô tình trở thành vật hy sinh cho chúng cũng nghèo thì phải.
“Tại sao lại như vậy hả cô?” “Cái gì tại sao lại như vậy?”
“Tại sao anh ta bảo là chỉ giết những kẻ giàu có, những kẻ giàu đó dù có bị giết chết thì cũng đáng, nhưng tại sao lại thế này? Đến cả người nghèo mà anh ta cũng giết chết đấy thôi, nói tóm lại thì anh ta định nói gì và định làm gì vậy? Anh ta nói đã làm những việc đúng đắn vậy sao lại giết cả những người nghèo? Nếu anh ta có ý định giết chết tất cả mọi người thì sao anh ta không làm giống như những kẻ phiến loạn ở Ả Rập ấy, chất một đống bom lên xe tải rồi lái xe đến chỗ những người giàu có và cho nó nổ tung lên”.
Tôi vừa nói vừa thở. Cô đang khó nhọc leo lên những bậc cầu thang chật hẹp bỗng dưng dừng lại rồi quay sang nhìn tôi một cách khó hiểu.
“Cái gì mà chất một đống bom lên xe tải rồi cho nổ tung hả? Nếu thế thì cháu sẽ là đứa chết đầu tiên đấy, cái con bé này... cả mẹ cháu cả các anh cháu ấy... Hiểu không?”
“Ý cháu nói không phải là thế. Ý cháu là anh ta đã giết cả những người nghèo khó đáng thương. Thế mà lúc nào anh ta cũng nói như kiểu mình là người chuyên đi thực hiện sự công bằng của pháp luật, thế nên cháu mới thấy bực mình...”
“Khu vực hay có tội phạm là khu ở của những người nghèo. Còn khu ở của những người giàu lúc nào chẳng có bảo vệ đứng canh chừng...”
“Những người bảo vệ đó chẳng phải là họ cũng sống ở đây hay sao? Trong khi họ đứng bảo vệ tính mạng và tài sản cho những người giàu có cả ngày lẫn đêm thì ở đây - ở cái khu chật chội và tăm tối này, những kẻ tội phạm sẽ dễ dàng xâm nhập rồi thậm chí còn giết chết cả vợ con họ hay sao... Thực ra cháu chẳng ưa gì Yoon Soo nhưng có một điều duy nhất có vẻ như anh ta nói cũng đúng với suy nghĩ của cháu. Đó là: Nếu nói là trên đời này có Chúa, chắc ông ấy cũng sống ở một thế giới khác với thế giới của chúng ta, cũng như ông ấy chỉ chuyên đi bảo vệ cho những người giàu. Cháu cũng nghĩ như thế đấy. Thế nên cháu ghét những người theo đạo. Cháu cũng ghét cả nhà thờ”.
“Có nhiều lý do để người ta không theo đạo hoặc không đến nhà thờ. Mà sao cháu lại dám nói ra mấy cái câu ấy trước mặt cô nhỉ, và sao cháu có thể nói những câu giống với Yoon Soo nói được. Thôi yên nào. Đây có phải là nhà số 189 - 7 không nhỉ?”
Cô bảo tôi dừng lại khi đi qua một con hẻm vắng người qua lại. Mà cái câu cô vừa nói không biết ám chỉ anh ta khi lần trước anh ta đã cố ý nói mấy câu động chạm đến cô, hay là cô đang ám chỉ tôi vừa làm cho cô khó chịu? Tôi chưa kịp hỏi lại cho rõ ý của cô thì đã thấy cô gõ cửa ngôi nhà trước mặt. Cánh cửa của ngôi nhà đó vừa mở ra tôi đã thấy một căn bếp rộng chừng hai mét vuông. Rồi mọi thứ xung quanh ngôi nhà ấy được chủ nhân vất lung tung lộn xộn. Bước vào trong nhà, tôi cảm thấy chẳng có một chút hơi ấm, thậm chí lại có một mùi gì đó hơi khó chịu bốc lên. Có vẻ như mùi cá thối lại có vẻ như mùi kim chi để lâu ngày nên bốc mùi khăm khẳm. Một bà lão dáng người trông khắc khổ, tóc buộc túm lại thành một nắm phía sau gáy, bước ra chào chúng tôi. Tôi để ý thấy mắt và môi của bà lão sưng mọng lên, chắc do bà ấy đã khóc nhiều quá. Lúc tôi ngập ngừng đưa khay thịt ra, tôi thấy đôi mắt sưng mọng của bà lão hơi thoáng nhấp nháy.
Phòng khách của ngôi nhà khá tối, nó chỉ rộng chừng năm mét vuông. Tôi đưa mắt nhìn một lượt khắp nhà, chỗ này chỗ kia ngổn ngang toàn giấy báo phế liệu. Tại góc phòng, một đống chăn chiếu được xếp chồng lên nhau rất cẩu thả cứ như là chúng đang chực đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Ngoài ra, trong phòng còn có một cửa sổ nhỏ bằng bàn tay được dán giấy, bịt kín bốn góc bằng băng keo màu xanh, chắc là để ngăn gió lạnh thổi vào. Nhưng dù thế nào thì cửa sổ vẫn là cửa sổ nên những tia sáng hiếm hoi từ bên ngoài vẫn chiếu rọi được vào trong phòng. Phía dưới cửa sổ đó là một cái tủ màu xám cũ kỹ, và trên cái tủ có đặt một bức tượng Thánh mẫu. Hình như tượng Thánh mẫu đặt ở những ngôi nhà nghèo thường có khuôn mặt xấu xí hoặc méo mó kiểu như thế này. Tôi nhớ lại hồi tôi còn ở Paris hay hồi tôi sang Ý du lịch, tôi đã từng nhìn thấy những bức tượng Thánh mẫu có khuôn mặt xinh đẹp và thánh thiện đến nỗi tôi đã ao ước giá mình được sở hữu một bức tượng, dù đã lâu tôi không còn tin vào tôn giáo. Nhưng nếu khi ấy có ai đó tặng tôi một bức tượng có khuôn mặt u ám giống như bức tượng mà tôi vừa nhìn thấy ở trong căn nhà này, chắc chắn tôi sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu.
“Có cần tôi bật điện lên cho sáng tí không?” Bà lão hỏi.
“Không đâu, không cần đâu. Thế này là được rồi bà ạ”.
Cô Mônica vừa nói dứt lời đã thấy bà lão kêu ca rằng dạo này tiền điện đắt đỏ quá rồi gượng gạo cười. Có vẻ như đã lâu lắm rồi nụ cười ấy mới xuất hiện lại trên khuôn mặt của bà lão. Tôi, cô Mônia và bà lão ấy - ba người ngồi chụm lại bên nhau trong căn phòng tăm tối khiến tôi liên tưởng đến những người xuất hiện trong bức tranh Những người ăn khoai tây của họa sĩ Van Gogh. “Thời gian qua chắc bà vất vả lắm phải không?”
Bà lão rút từ trong túi ra một điếu thuốc rồi đưa lên miệng ngậm. “Chưa chết được nên tôi cứ phải sống thế thôi. Hồi đầu những người ở nhà thờ cũng hay đến chơi và giúp đỡ cho đôi chút. Chắc đợt tới họ cũng sẽ gửi cho ít gạo vì sắp đến Tết rồi. Mà gớm họ cũng vất vả lặn lội tìm đến tận cái nơi bẩn thỉu này...”
Bà lão vừa nhả khói thuốc vừa nói. Cô Mônica đưa mắt liếc nhìn bức tượng Thánh mẫu cũ kỹ. Còn bà lão ngồi lặng lẽ, thẫn thờ một lúc như người mất hồn rồi tự dưng lại nói tiếp:
“Ngày còn sống đứa con gái tội nghiệp của tôi từng là một tín đồ trung thành của đạo Thiên Chúa, dù chưa bao giờ nó bảo chúng tôi phải tin theo nó. Nó chăm chỉ đi làm cả ngày chủ nhật nên hầu như không có thời gian đi nhà thờ, nhưng sáng nào nó cũng ngồi ở chỗ đằng kia kìa, và miệng lẩm bẩm cầu nguyện xong rồi mới đi làm. Sau khi nó chết được một thời gian, tôi đã lấy một tấm vải màu đen phủ lên che bức tượng. Lúc đầu tôi định đập vỡ bức tượng ấy đi, nhưng mọi người xung quanh đã ngăn tôi lại vì họ bảo dù gì thì hồi còn sống con gái tôi cũng hay ngồi chỗ đó cầu nguyện. Họ bảo thế nên tôi cũng không đành lòng đập nó đi. Sau đó tôi đã lấy một tấm vải màu đen che bức tượng, rồi gần đây tôi mới bỏ tấm vải màu đen đó ra”.
Trong căn phòng bé xíu như chỉ đủ dành cho đúng ba người chúng tôi ngồi, những đám khói thuốc mà bà lão thở ra bay lên quyện vào chút ánh sáng yếu ớt chiếu qua ô cửa sổ nhỏ nằm cạnh trần nhà rồi cứ thế bay bay giống như những hạt bụi nhỏ li ti. Bức tượng Thánh mẫu vẫn đứng lặng yên ở nguyên vị trí đó.
“Thế ạ. Nhưng sao bà lại quyết định bỏ tấm vải đó ra?” Cô đột nhiên hỏi.
“Tôi định đi tìm một câu trả lời từ bức tượng ấy”.
Bà lão cười. Những chiếc răng đen mọc khấp khểnh đang cắn vào đầu điếu thuốc lá thoáng lộ ra. Cô Mônica cũng cười theo bà lão.
“Vâng, thế... Đức Thánh mẫu trả lời thế nào ạ?”
Cô vừa dứt lời, tôi lại thấy bà lão cười nhưng lần này có vẻ hơi ngại ngùng.
“Phải tin - chắc ngài nói vậy. Vì nếu có lòng tin thì đến núi non còn di chuyển được nữa là. Nếu có lòng tin thì... mà thực ra bức tượng Thánh mẫu kia cũng có nói gì đâu. Việc này đâu có dễ bằng việc di chuyển núi... Ôi, mà tôi cũng không bắt mấy người sở hữu núi kia phải di chuyển núi của họ đi chỗ khác đâu mà lo... Dạo này tôi đang học về giáo lý đấy”.
“Bà đúng là một người hài hước. Vất vả là thế, vậy mà bà vẫn thanh thản nói ra được những câu ấy”.
Cô cười. Nghe bà lão nói thì đúng là thế thật. Tôi nhớ lại mấy câu trong Kinh Thánh mà tôi đã được nghe hồi còn học ở trường Đạo. Tôi không nhớ hồi đó tôi có tin những câu ấy không nữa. Nhưng chính xác thì mấy câu đó nó có nội dung đại loại như: Nếu các con có lòng tin thì có thể dịch chuyển được cả núi non. Nhưng sao Chúa lại chẳng bao giờ nghe những lời cầu nguyện chân thành nhất của tôi khi tôi cô đơn khóc như một con chim én bé nhỏ đang nằm gọn trong tay người? Lòng tin - lúc đó tôi chỉ nhớ chính xác là tôi đã có lòng tin. Tôi tin thiên đàng, địa ngục, thiên thần và ác quỷ... tất cả đều có trên thế gian này. Nhưng hình như lúc đó ngoài ác quỷ ra thì chẳng có một ai ở bên tôi cả.
“Không phải là tôi đang nói đùa đâu. Sơ ạ... Tôi đã học giáo lý rồi nên tôi muốn hỏi là sau này khi tôi làm lễ rửa tội xong, Đức Chúa có nói cho tôi biết câu trả lời mà bấy lâu tôi đang kiếm tìm hay không, cũng chính vì lí do đó mà tôi đã đi nhà thờ đấy. Sơ ạ, đó cũng là một cách để tôi không cảm thấy có lỗi với Đức Cha và những người đã luôn giúp đỡ tôi... À, phải rồi, tôi nghe nói Đức Cha bị mắc bệnh ung thư, có đúng thế không?”
Bà lão hỏi ngang.
“Vâng, nhưng Đức Cha đã phẫu thuật xong rồi và bây giờ đang trong thời gian nghỉ tịnh dưỡng”.
“Đấy! Nhìn những việc xảy ra như thế này, tôi lại tự hỏi không biết trên đời này có Chúa thật không nữa. Tại sao những người chuyên làm những việc tốt lại hay bị đau ốm hoặc bị chết sớm. Còn những kẻ chuyên làm những việc xấu xa tồi tệ lại đang sống sung sướng, vui vẻ... Nghĩ thế nên đôi lúc tôi thấy tôn giáo cũng vô dụng chẳng khác gì đống xương chó vất đi”.
Bà lão đang nói thì bất chợt quay sang liếc nhìn cô Mônica. Và thấy sắc mặt của cô không được thoải mái cho lắm nên bà ấy đã nhanh ý nói lảng sang một chuyện khác. Những người ở đây hình như lúc nào họ cũng phải dò xem ý tứ của người khác để sống. Tôi chợt nghĩ đến một đặc trưng chung của những người nghèo sống bằng những đồng tiền trợ cấp xã hội ít ỏi, đó là họ không hề có dũng khí, họ giống như những người hầu hạ lúc nào cũng sợ sệt, lúc nào cũng phải để ý đến thái độ của chủ nhân để mà hành xử.
“Đứa con gái ngoan ngoãn hiền lành của tôi, hai mươi ba tuổi đã trở thành quả phụ, rồi đến tận cái ngày trước khi chết, nó vẫn chăm chỉ đi làm để kiếm cái ăn cho tôi và lũ trẻ. Đứa con đáng thương ấy không bao giờ được ngủ quá ba tiếng một ngày, trừ việc đi bán thân kiếm tiền ra thì chắc chẳng còn việc gì nó chưa từng làm qua cả. Thế mà... sao nó lại bị chết một cách oan uổng như thế cơ chứ. Tôi muốn hỏi Đức Chúa tại sao nó lại bị giết chết như thế cơ chứ... Mà dù số nó có phải chết đi chăng nữa thì tại sao lại phải chết một cách đau đớn dưới tay thằng đó... Cái thằng Jeong Yoon Soo ấy, tôi thậm chí còn không thể quên được tên của thằng ấy, tôi muốn gặp nó để xé xác nó ra từng mảnh, để cho nó phải chết đau đớn hơn, khủng khiếp hơn, uất ức hơn đứa con gái đáng thương của tôi... Sơ ạ, tôi phải xé xác nó ra bằng chính đôi tay này, rồi sau đó dù có phải xuống địa ngục tôi cũng cam lòng. Vì có như thế khi xuống địa ngục tôi mới có thể duỗi thẳng chân mà ngủ ngon được. Tôi cũng muốn hỏi Đức Chúa thêm một điều nữa là tôi làm như vậy có được hay không. Đức Chúa hoặc Đức Thánh mẫu cũng được, ai trả lời cho tôi câu hỏi đó cũng được. Nếu Đức Chúa có lòng thương...”
Bà lão đang tỏ ra vô cùng tức giận. Kẹp chặt điếu thuốc đang hút dở vào hai đầu ngón tay, bà nhìn chằm chằm vào khoảng không trống rỗng. Tôi để ý thấy đôi tay bà lão nhăn nheo, xù xì và ngăm ngăm đen giống như là một cây tre khô. Từ lúc ngồi nghe chuyện đến giờ, tôi thấy thái độ khiêm nhường ban đầu của bà lão giờ như đã tan biến đi đâu mất, thay vào đó là một thái độ mạnh mẽ như của một con mãnh thú.
Khuôn mặt cô Mônica như đang tái dần đi. Tự dưng tôi thấy cô Mônica trở nên đáng thương hơn bao giờ hết. Lúc đến trại giam và nghe cô nói như đang cầu xin “cô sai rồi, cô xin lỗi” với Jeong Yoon Soo, tôi chưa cảm nhận hết điều ấy nhưng đến lúc gặp và nói chuyện với bà lão này, thực sự tôi thấy cô tôi đáng thương thật. Lần trước, cô giống như người đại diện cho những kẻ giả tạo trên khắp thế gian này, đứng ra cầu xin Yoon Soo tha thứ. Còn hôm nay, cô như người đại diện cho tất cả những kẻ giết người trên thế gian này, đến đây nói chuyện với gia đình của người bị hại. Cô đang run rẩy cúi đầu, giống như cô vừa trở thành đặc sứ của vị thần tàn nhẫn vô tâm, vô tình, vô cảm phái đến. Tôi nhớ có lần mẹ tôi từng nói: Đáng ra cô đã có thể trở thành viện trưởng của Viện nữ tu và chuyên đi cầu nguyện cũng như đi hát những bài Thánh ca nhân ái, hay chí ít cô cũng có thể trở thành viện trưởng một bệnh viện tôn giáo, thế mà... Không hiểu sao ở cái tuổi này rồi mà cô vẫn phải đi làm những công việc khổ sở như thế cơ chứ? Tôi cũng muốn hỏi Đức Thánh mẫu câu hỏi ấy.
“Mấy lần trước Sơ gọi điện và bảo muốn gặp mặt nhưng tôi đã từ chối cũng là vì lí do đó. Lần nào nghe điện thoại của Sơ xong, tôi cũng không tài nào ngủ được. Tôi cứ nằm nghĩ lan man suốt cả đêm. Tôi nghĩ đến lúc cảnh sát gọi điện cho tôi và bảo đến xác nhận thi thể con gái tôi. Tôi thấy toàn thân nó không có chỗ nào bị thương... chỉ có mỗi cái vết bị dao đâm nhưng... tôi cứ nghĩ đến cái điều khủng khiếp ấy suốt. Không biết nó đã phải chịu đau đớn đến mức nào, không biết nó đã sợ sệt đến mức nào cũng như đã khổ sở đến mức nào nữa. Càng nghĩ tôi càng oán hận, càng căm thù...”
Bà lão thỉnh thoảng lại khịt mũi và cố lau nhanh những giọt nước mắt tưởng chừng như đã cạn khô từ lâu.
“Ji Na, Na Na... hai đứa trẻ này không biết kiếp trước có tội tình gì mà ở kiếp này lại bị Chúa trừng phạt như thế. Đúng là tôi không thể không nghĩ được. Con gái tôi đi làm giúp việc cho nhà ấy tính ra mới được có ba ngày. Trước đó nó đi làm việc gì đấy cho một gia đình giàu có, nhưng gia đình ấy đã chẳng chịu trả tiền công cho nó đúng hẹn thì chớ lại còn hay bớt xén tiền nữa, thậm chí lần vừa rồi họ còn ăn quỵt cả tiền lương không trả đấy. Cực chẳng đã con gái tôi mới phải bỏ việc ở đó rồi theo người ta đi phụ vữa, dán tường ở mấy công trường xây dựng, trong khi làm việc nó đã bị thương ở lưng và hông... nên nó phải nghỉ làm ở nhà không đi đâu được trong vòng mấy tháng đấy. Rồi một thời gian sau đó nó nhận lời giới thiệu của người ta và đến giúp việc cho người phụ nữ ấy. Lúc mới nhận được công việc, tôi thấy nó đã vui sướng biết bao nhiêu. Thế mà... Nghe bảo người phụ nữ ấy tính cách cũng chẳng mấy tốt đẹp gì nhưng dù sao thì làm giúp việc ở đó cũng còn hơn là làm việc ở ngoài công trường. Cái đêm hôm trước ngày xảy ra vụ việc, nó vẫn còn kêu đau hông đến nỗi không tài nào ngủ được và tôi còn khuyên nó hay là xin nghỉ một hôm cho khỏe hẳn đã rồi hãy đi làm, nhưng nó bảo đó là công việc của nó nên nó phải đi cho bằng được. Thế rồi... Giá mà nó nghe lời tôi hôm đó nghỉ ở nhà một ngày cho khỏe hẳn thì đã không có chuyện đau lòng ấy xảy ra...”
Nước mắt bà lão lại lăn dài trên má. Bà lão với tay lấy cái khăn có dính nhựa thuốc lá màu vàng và lau nước mắt.
“Thế dạo này hai đứa bé sống thế nào ạ?”
Cô im lặng mãi một lúc rồi mới cất tiếng hỏi như thể để cho bà lão bình tâm lại đôi chút.
Bà lão thở dài một cái rồi dụi dụi điếu thuốc vẫn còn đang hút dở vào cái gạt tàn cũ màu đồng thau đặt ở gần đó.
“Đứa nhỏ là con trai vẫn đi học bình thường. Sáng nay vừa ăn sáng xong, nó lại đi lên thư viện học luôn rồi”.
“Đứa lớn hình như giờ cũng gần hai mươi tuổi rồi thì phải? Là con gái phải không ạ?”
Một sự u ám sầu não thoáng hiện lên trên khuôn mặt khắc khổ của bà lão. Môi bà bỗng run run như thể đang định nói ra một điều gì đó vô cùng nghiêm trọng.
“Sau khi mẹ nó không còn, nó đã bỏ nhà đi đâu đó. Cứ một tháng nó lại gửi tiền về cho tôi một lần. Tôi cũng không dám hỏi nó là đang ở đâu và làm gì. Vì dù có hỏi thì bà già này cũng có giúp được gì cho nó đâu. Xét về học hành thì nó học khá hơn thằng em... nhưng sau khi mẹ nó qua đời thì nó đã phải nghỉ học ở trường. Tôi đoán giờ chắc nó đang làm việc ở trong một quán rượu nào đó”.
Cô Mônica cố ngăn một tiếng thở dài. Bà lão cầm điếu thuốc vừa hút dở đặt trên cái gạt tàn lên và châm lửa đưa lên miệng hút.
“Sơ à, tôi định nhờ Sơ một việc”. “Có việc gì xin bà cứ nói”.
“Sơ à... hãy giúp tôi gặp mặt thằng đã giết con tôi”.
Câu nói của bà lão làm cả tôi và cô đều bất ngờ. Khuôn mặt của cô lúc ấy tỏ ra vô cùng bối rối.
“Hãy cho tôi gặp nó dù chỉ một lần. Không phải là tôi đang nói linh tinh hay nói mà không suy nghĩ đâu. Tôi nói thật đấy. Hãy cho tôi gặp nó một lần thôi cũng được”.
“Bà ơi... Thực ra người đó bây giờ cũng đang phải chịu khổ sở lắm. Và chắc anh ta cũng không dám xin bà tha thứ cho tội lỗi mà anh ta đã gây ra đâu. Điều này Đức Chúa chắc cũng sẽ hiểu. Xin bà hãy để thời gian trôi đi... trôi đi và rồi đến một lúc nào đó khi cả hai bên cùng bình tâm lại... lúc ấy ta hãy đến...”
Cô Mônica nói như đang van xin. Bà lão lại tiếp tục nói như thể không nghe thấy mấy lời vừa rồi của cô.
“Cũng được gần hai năm rồi còn gì. Trước kia cũng có một ôngĐức Cha đến đây gặp tôi. Và ông ấy đã nói như thế...” Cả ba chúng tôi ngồi im lặng trong giây lát.
“Đức Cha đó nói thế này... Jeong Yoon Soo là đứa trẻ mồ côi, nghe bảo trước đó nó cũng có một đứa em trai bị mù rồi hình như bị chết ở ven đường. Từ nhỏ nó đã mất bố mẹ và lớn lên trong trại mồ côi, nó là đứa không có gia đình. Sau khi nghe những lời đó tôi đã nghĩ rất nhiều... Con gái tôi chết đi để lại hai đứa con thơ dại và tự dưng chúng cũng trở thành trẻ mồ côi. Mà trở thành trẻ mồ côi nghĩa là chẳng còn ai thân thuộc trên thế gian này quan tâm chăm sóc hay giáo dục, điều này thì tôi rõ hơn ai hết... Sơ ạ. Dạo này mỗi khi nấu cơm tôi lại bớt lại một ít gạo đấy. Cũng gần đến Tết rồi nên tôi định làm một ít bánh gạo và mang đến trại giam thăm thằng đó một lần”.
“Điều này...”
Tự dưng cô Mônica nhấc người và ngồi dịch về phía sau một chút. Đến tôi còn ngạc nhiên trước câu nói ấy của bà lão nữa là cô. Cô Mônica tỏ ra hơi khó xử. Nhưng bỗng bà lão nắm lấy bàn tay của cô và nói:
“Sơ ạ. Không phải là tôi có ý xấu gì đâu. Vì chắc cũng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi là thằng đó sẽ bị đem đi xử tử, nên tôi muốn gặp nó một lần trước khi nó chết. Bà già này vốn không được học hành tử tế gì cũng như chẳng hiểu biết gì nhiều nhưng... tôi chỉ muốn đến đó và nói với nó đúng một câu: Ta chính là mẹ của cô giúp việc mà anh đã giết chết đây! Tôi chỉ muốn nói với nó một câu ấy thôi vì tôi muốn tha thứ cho nó...”
Khuôn mặt cô Mônica chợt biến sắc. Mà có lẽ khuôn mặt tôi cũng vậy.
“Tôi định tha thứ cho nó thật đấy. Vì trước đây tôi cũng là trẻ mồ côi, rồi sau đó chồng tôi mất sớm nên một mình tôi phải vất vả nuôi con khôn lớn. Tôi cũng đã từng nhiều lần trải qua cảm giác cô đơn trống vắng mỗi khi Tết đến xuân về nên tôi biết. Tết là ngày dành cho tất cả mọi người, kể cả cho những kẻ phạm tội giết người nữa. Mà biết đâu đây lại là cái Tết cuối cùng của nó thì sao. Vì tôi nghe bảo cũng chưa biết hôm nay, ngày mai hay bao giờ nó bị xử tử mà. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ thằng đó bị đem đi xử tử là đáng đời cho nó lắm. Cái thằng tội lỗi tày trời ấy! Nhưng nếu nó chết mà con gái tôi có thể sống lại được thì chắc tôi phải mong cho nó bị xử tử đến cả trăm cả nghìn lần, hoặc tự tay tôi sẽ đến xé xác nó ra... Nếu cái chết của nó có thể làm cho mấy đứa cháu tôi vơi bớt đi những nỗi đau trong lòng... vì bà già này giờ có còn biết sợ gì nữa đâu. Nhưng nghĩ lại thì... Sơ ạ... đâu có làm vậy được phải không. Chính vì thế nên tôi muốn đi đến đó gặp nó một lần. Dù chỉ một lần thôi cũng được, để cho nó có thể thanh thản mà chết. Thực ra để cho cái thằng tội lỗi tày trời ấy có thể chết một cách thanh thản - trong suy nghĩ tôi cũng không hề muốn. Nhưng dù sao thì...”
“Bà ơi cái điều gọi là tha thứ ấy... điều ấy... nói thế nào nhỉ... giống như bà nghĩ đấy... cái điều ấy... nó như thế...”
Cô vừa nói vừa giơ hai tay huơ huơ lên phía trước. Đây là lần đầu tiên tôi thấy cô Mônica tỏ ra bối rối đến như thế. Cả việc cô nói ấp a ấp úng không ra câu nữa chứ. Bà lão nhìn thái độ của cô và tỏ ra khó hiểu, rồi sau một phút im lặng, bà ấy lại nói tiếp:
“Không phải là Sơ cũng đang muốn tôi làm cái việc đó hay sao? Cả Đức Cha cũng đã từng bảo tôi hãy làm việc đó đấy. Rồi cả những bà Sơ khác cũng thế. Những người tìm đến đây gặp tôi, cả những người đưa cho tôi quyển Kinh Thánh và hát Thánh ca cho tôi nghe nữa, tất cả họ ai cũng bảo với tôi là nên làm như vậy. Những người đó - họ tài cao học rộng, lại còn được nghe cả những lời dạy vàng ngọc của Chúa nữa, họ đã bảo tôi là hãy tha thứ... Hãy tha thứ! Đừng thù oán nhau nữa! Bảy lần chứ dù là bảy mươi lần thì cũng nên làm vậy. Mà chẳng phải là những người theo đạo như Sơ tất cả đều làm vậy hay sao!”
Cô Mônica đột nhiên chống một tay xuống nền nhà như thể toàn thân cô đang bị mất cân bằng, rồi cứ thế cô mím chặt môi ngồi yên lặng không nói một câu nào. Tôi ngồi sát lại gần cô hơn và giơ tay định đỡ cô nhưng cô bỗng gạt tay tôi ra. Cô Mônica đang khóc.
Hãy chờ đợi trong im lặng. Và hãy chờ đợi trong vô vọng
Bởi vì hi vọng đơn thuần chỉ là một điều lạc lối
Hãy chờ đợi trong vô cảm
Bởi tình yêu đó - đơn thuần - cũng chỉ là một tình yêu lạc lối.
Thomas Stearns Eliot - Bộ tứ nhạc cụ
Yêu Người Tử Tù Yêu Người Tử Tù - Park Jin Sung Yêu Người Tử Tù