Love is as much of an object as an obsession, everybody wants it, everybody seeks it, but few ever achieve it, those who do will cherish it, be lost in it, and among all, never… never forget it.

Curtis Judalet

 
 
 
 
 
Tác giả: Tạ Nghi Lễ
Thể loại: Tuổi Học Trò
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1269 / 4
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1/4
uốt mấy hôm liền tôi trằn trọc không ngủ được. Ðầu óc tôi váng vất như lên cơn sốt. Tôi lãng đãng mơ hồ như đang sống ở một thế giới xa lạ. Tôi tự hỏi: Hay mình đã yêu? Và tôi khẽ nhăn mặt như ăn phải dấm chua khi đụng vào câu hỏi ấy.
Nhỏ Kiều Anh đến nhà chơi, thấy cái vẻ mặt thẩn thờ của tôi, vội, bằng cái giọng Huế ngọt ngào, trêu:
- Mi cứ thơ với thẩn. Rồi đời mi sẽ khổ Vi ạ! Hay là mi uống nhầm tương tư thảo của ai? Nói, rồi ta sẽ giúp cho. Và Kiều Anh xuống giọng, ngâm ư ừ: “Giúp em một thúng xôi vò. Một con lợn béo, một vò rượu tâm. Giúp em đôi chiếu em nằm. Ðôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo. Giúp em quan tám tiền cheo. Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau...”
- Thục Nguyên đang ngồi giở mấy trang sách ở bàn cũng xía vô đòi... hành nghề “bác sĩ tá phó”.
- Coi, mặt mũi nàng khi xanh khi đỏ, ngơ ngơ ngẩn ngẩn như ăn phải bùa mê thuốc lú. Mạch đập nhanh, huyết áp cao, đó là triệu chứng suy tim. Bệnh này phải đưa đi điều trị gấp, nếu không, một ngày nào đó sẽ: “Em ơi, nếu mộng không thành thì sao...?”
Tôi chấp tay vái:
- “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”. Mấy cô im cho tôi nhờ. Cái gì mà suy tim là tương tư thảo? Muốn làm thầy bói thì lên Lăng Ông. Muốn là bác sĩ thì đi học trường Y. Người ta mệt muốn chết mà cứ...
- A! Ðồ vô ơn! Người ta quan tâm lo lắng mới bày vẽ ý kiến giúp đỡ. Mi đã không biết ơn mà lại còn bày đặt chì chiết trách móc. Thôi tụi mình về nghen Thục Nguyên – Kiều Anh chẩu môi.
- Cô “Cổ tổ cao tằng” ơi! Tôi biết tỏng “tấm lòng trung hậu đảm đang” của cô rồi. Sự quan tâm của cô làm cho “kẻ hèn này thêm đau khổ”.
- Mi thấy chưa Thục Nguyên? Hắn dám dùng đến dòng tộc của “mệ”. Người ta là Công Tằng Tôn Nữ đài các như ai, hắn lại dám báng bổ là “Cổ tổ cao tằng”. Cha chả là tức. Thời trước, phạm húy như vầy là a-lê hấp “Tru di tam tộc”.
Thục Nguyên cười lớn:
- Thôi, tha cho “Nàng thơ” một bữa. À! Tối nay các bạn coi “Thái Hậu Dương Văn Nga” không? Có vé mời thường trực đây.
Kiều Anh giẫy nẩy:
- Xin gởi lại cải lương tuồng cổ cho Thục Nguyên. Thơ với thẩn cho Tường Vi. Riêng mình, mình chỉ khoái “xi la ma” – Rồi Kiều Anh xuống giọng “đầm”: “Oh, la vie sans cinéma comme l’auto sans gasoline”. Và Kiều Anh dịch liền tù tì: “Ôi! đời không xilama như xe ca hết... xăng dầu...!
Tôi và Thục Nguyên ôm bụng cười ngặt nghẽo trước vẻ hồn nhiên, nhí nhảnh của Kiều Anh.
Thục Nguyên, Kiều Anh và tôi là bạn học chung một lớp. Chúng tôi lại ở cùng một phố, đi về cùng chung một đường nên rất thân nhau, dù tính nết và sở thích mỗi người một khác.
Kiều Anh dáng người săn chắc, mạnh khỏe, bản tính lại ưa khôi hài, dí dỏm. Kiều Anh có mặt ở đâu là nơi đó không khí luôn sôi nổi, vui nhộn. Bố Kiều Anh làm phó giám đốc một công ty tư doanh, gia đình khá giả, nên Kiều Anh được cưng chìu đủ mọi thứ. Mỗi lần thấy Kiều Anh mang bộ đồ soọc trắng đi đánh tennis, tôi thèm được một thân hình cân đối, tràn đầy nhựa sống như Kiều Anh quá.
Thục Nguyên, trái lại, người “núc na, núc ních”, phì nhiêu màu mỡ như đồng bằnb sông Cửu Long (xin lỗi Thục Nguyên là người Nam Bộ). Khuôn mặt Thục Nguyên đầy đặn, phúc hậu y hệt mặt tượng phật Di Lặc mà tôi thường đọc thấy trong sách báo. Chúng tôi thường trêu Thục Nguyên: “Thục Nguyên có căn tu. Thôi về xuống tóc đi Thục Nguyên – Rồi Kiều Anh giả bộ chắp tay, xàng xê sáu câu: “Kìa... ai như Thục Nguyên...? Trời... Thục Nguyên em ơi, sao nỡ lòng xuống tóc đi tu, nương nhờ cửa Phật để anh phải chịu trăm nhớ ngàn thương, một mình mòn mỏi bơ vơ trên cỏi dương... trần...”
Thục Nguyên cười đến chảy nước mắt. Thục Nguyên vốn mê cải lương thuộc cỡ “quỉ khốc thần sầu”. Ðiều này cũng dễ hiểu: Hai bên nội ngoại của Thục Nguyên, hồi xưa dã có nhiều người theo nghề hát. Ngay nam danh ca cải lương của thành phố bây giờ, Hoàng Phong, chính là cậu ruột của Thục Nguyên. Thục Nguyên nhiều lần mời tôi và Kiều Anh đi xem hát, nhưng tôi bận quá, chưa có dịp, Kiều Anh lại tỏ ra chẳng mặn mà gì ngoài cái “xilama” và tennis của hắn. Thế nhưng tôi dặn lòng: Phải đi với Thục Nguyên một lần cho biết.
Riêng tôi, nói ra chỉ thêm xấu hổ. So với Thục Nguyên, Kiều Anh thì “Tôi là con gái trời bắt xấu”. Người tôi ốm yếu, gầy gò như que tăm. Bản tính tôi lại hay lãng đãng, mơ mộng. Tôi yêu thơ hơn mọi thứ trên đời. Thục Nguyên và Kiều Anh thường trêu tôi: “Mi có ‘hâm’ không Tường Vi? Bộ hết thứ mê rồi sao lại mê thơ”. Tôi chỉ cười. Có lần trong lớp, hai đứa lục tìm cuốn sổ thơ (cuốn mà tôi đã bỏ công sưu tầm, ghi chép những bài thơ tôi thích nhất) giấu biệt một nơi. Cuối giờ, khi phát giác ra, tôi òa khóc ngay giữa lớp. Kiều Anh và Thục Nguyên hoảng quá vội trả lại. Tôi giận không nói chuyện với hai đứa suốt mấy tuần liền.
Tôi yêu thơ, Kiều Anh và Thục Nguyên bảo tôi “hâm”. Nhưng Thục Nguyên và Kiều Anh đâu biết rằng sự yêu thích đó của tôi, lại bắt nguồn từ những ngày thơ ấu.
Hồi đó, ba tôi mất sớm, mẹ tôi đưa tôi về ở với ngoại. Nhà ngoại tôi nằm sát bên dòng sông Hiếu. Những trưa hè, nằm trên chiếc chõng tre kẽo kẹt, ngoại tôi đọc thơ cho tôi nghe. Ngoại tôi thuộc thật nhiều thơ:
 
Chàng thì đi cõi xa mưa gió.
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.
Ðoái trông theo đã cách ngăn.
Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh...
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy.
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu.
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?...
 
Những câu thơ Chinh Phụ Ngâm khúc ấy, hồi đó làm sao tôi hiểu được, nhưng giọng đọc trầm buồn của ngoại lại làm tôi thích. Và tôi thiếp đi lúc nào không biết.
Sau này, khi lớn thêm đôi ba tuổi, tôi đã hiểu biết những truyện thơ ngoại đọc. Tôi đã thấm được nỗi đau của Kiều:
 
Cậy em, em có chịu lời.
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư.
Giao loan chấp nối tơ thừa mặc em...
Người về chiếc bóng năm canh.
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi.
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường...
 
Hết truyện Kiều, ngoại lại đọc cho tôi nghe truyện Lục Vân Tiên:
 
Vân Tiên tả đột hữu xông.
Khác nào Triệu tử phá vòng Ðương Dương.
Lâu la bốn phía vỡ tan.
Ðều quăng gươm giáo tìm đường chạy ngay.
Phong Lai trở chẳng kịp tay.
Bị Tiên một gậy thác rầy thân vong.
Dẹp rồi lũ kiến chòm ong.
Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này”...
Có lần, tôi nghe tụi nhóc cùng tuổi nhại thơ Lục Vân Tiên:
Vân Tiên cõng mẹ chạy ra.
Ðụng phải cột nhà cõng mẹ chạy vô.
Vân Tiên cõng mẹ chạy vô.
Ðụng phải chày vồ cõng mẹ chạy ra...
 
Tôi về đọc cho ngoại nghe. Ngoại tôi nghiêm né mặt:
- Từ rày cháu không được nhại thơ như thế nữa nhé. Phải đọc thật đúng cháu ạ. Mình phải tôn trọng nhà thơ, nếu không, người ta sẽ cho mình là con nhà không có chữ nghĩa...
Những lời ấy của ngoại cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ.
Tôi ở với ngoại được dăm năm thì dì Hoa, em út của mẹ tôi, chồng mất sớm, bồng con về ở với ngoại. Dì có giọng ru con thật tuyệt vời. Tôi nằm ở chõng tre nghe tiếng ru hỡi ru hời của dì, trong buổi trưa thanh vắng, chỉ có tiếng tre xào xạc và tiếng lá rụng trong vườn, buồn ghê nơi:
“Ðói lòng ăn nửa trái sim.
Uống lưng bát nước đi tìm người thương”.
Hình như trong giọng ru của dì, có một nỗi niềm u uất nào đó mà qua những lời ca dao mộc mạc, dì muốn gửi gắm tâm sự:
 
“Trăm năm nhiều nỗi hẹn hò.
Cây đa bến cũ con đò khác đưa.
Cây đa bến cũ còn lưa.
Con đò đã thác năm xưa kia rồi.”
 
Hoặc:
 
“Ra về cởi áo lại đây.
Ðể khuya em đắp kẻo ngọn gió tây lạnh lùng”.
Thỉnh thoảng dì lại nhắc đến làng ngoại tôi:
“Ai xuôi ai ngược Ðông Hà.
Dừng chân ghé lại vào nhà em chơi.
Nhà em ở mé sườn đồi.
Một vùng khói trắng, một trời hoa bay”.
 
Tôi sống và lớn lên như được ướp bằng không khí thi ca lãng đãng của quê ngoại. Có lẽ vì thế mà, sau này, khi lớn lên, tôi vẫn luôn luôn hoài vọng về một thời thơ ấu với những câu hát, lời thơ sâu lắng, mượt mà. Và tôi đã yêu thơ, cũng vì thế. Yêu thơ là một điều bình thường, nhưng với tôi: tôi đã xúc động cùng tác giả. Hình như giữa tác giả và tôi có một sự đồng cảm. Tôi muốn nói đến thi sĩ Hoàng Hôn, người vừa có thơ đăng trên tuần báo “Tuổi Mộng”. Tôi đã thật sự yêu mến nhà thơ. Và tôi luôn nghĩ đến chàng. Phải chăng đó là tình yêu? Tôi chợt giật mình: Tường Vi ơi, mi có lãng mạn lắm không?
Yêu Một Người Làm Thơ Yêu Một Người Làm Thơ - Tạ Nghi Lễ