Books can be dangerous. The best ones should be labeled "This could change your life."

Helen Exley

 
 
 
 
 
Tác giả: Patrick Deville
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Peste Et Choléra
Dịch giả: Đặng Thế Linh
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 47
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1280 / 46
Cập nhật: 2017-05-20 08:52:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Ở Berlin
hưng trước hết anh còn phải kiên nhẫn chờ đợi suốt một năm dài. Trong một bức thư hồi tháng Bảy, anh viết rằng “như mọi khi, trời mưa, lạnh, Marburg đúng không phải là xứ sở mặt trời”. Việc giảng dạy y khoa cũng làm anh thất vọng như khí hậu. Suy tư của Yersin có tính thực dụng và thực nghiệm, anh cần nhìn thấy, chạm vào, điều khiển, dựng những con diều. Vị giáo sư cây cao bóng cả đón anh với một bộ mặt khổ hạnh, kiểu để trang trí tiền giấy. Người Mỹ có một từ để chỉ kiểu người này: dwem. Những nhà thông thái già tóc bạc, tao nhã và uyên bác, để râu cằm và đeo kính cặp mũi (Loại kính cổ, không có gọng cài tai).
Ở Marburg có bốn trường đại học, một nhà hát, một vườn bách thảo, một tòa án và một bệnh viện. Tất tật nằm dưới chân tòa lâu đài của các ông hoàng bang Hesse. Một điều tra viên, chuyên nghề viết lách, cầm cuốn sổ tay bìa bọc da chuột chũi, một bóng ma của tương lai trên đường dò lại dấu vết Yersin, đến ở khách sạn Zur Sonne, tản bộ trên những phố dốc theo chân người anh hùng trẻ tuổi, dọc theo sông Lahn, dễ dàng tìm ra ngôi nhà đá cao khung gỗ, ngay chính giữa ốc đảo văn hóa yên bình dưới bầu trời xám thấp tè, trong ngôi nhà ấy chàng trai nhỏ mắt xanh nghiêm nghị với bộ râu lún phún mặc sức buồn chán.
Bóng ma đi xuyên qua tường, xuyên qua thời gian, nhìn thấy đằng sau mặt tiền nhiều cột thứ gỗ sẫm màu của đồ đạc, thứ da thuộc sẫm màu của những ghế bành và những bìa sách dựng trong thư viện. Màu đen và nâu như trong một bức họa dòng Flamand. Buổi tối, ánh vàng những ngọn đèn dành cho cầu nguyện thì thào, bữa tối im lìm. Con lắc của đồng hồ treo tường tạo ánh phản chiếu. Trên cao hơn, nó đẩy cỗ máy chạy kêu lích kích. Ở gờ tường mặt tiền tòa Thị chính, mỗi giờ Thần Chết lại tiến đến gần hơn. Người ta không biết đến điều này. Cái hiện tại ấy là vĩnh viễn. Có tiến hóa nữa thì thế gian hẳn cũng không hơn được mấy. Nền văn minh này đã lên đến cực đỉnh. Vài chi tiết cần điều chỉnh nữa thôi. Có lẽ phải hoàn thiện một số thuốc men.
Ngự ở đầu bàn, là thần Zeus trang trọng và im ắng, tức giáo sư Julius Wilhelm Wigand tiến sĩ triết học, giám đốc Viện Dược học, giám quản Vườn Bách thảo, hiệu trưởng trường Đại học. Buổi tối, ông đón tiếp chàng trai người Vaud trong phòng làm việc của mình. Sự quan tâm của ông mang tính cha chú kẻ cả. Ồng những muốn dẫn dắt chàng thành niên trong con đường tiến thân học thuật, giúp anh tránh được những lầm lỗi. Bởi vậy mà ông trách anh cứ hay giao du với tay Sternberg kia, hạng bét đúng như tên gọi ấy (Trong từ “Sternberg”, có “stern” (tiếng Đức) nghĩa là “sau cùng”, “đuôi”). Ông khuyên anh gia nhập một hội đoàn. Nhưng thế đấy, Yersin, cậu sinh viên rụt rè đang ngồi trong ghế bành trước mặt ông, chưa bao giờ có cha. Cho đến bây giờ anh hoàn toàn bỏ qua được điều đó.
Dù học y, luật, thực vật học hay thần học, thì chín phần mười sinh viên ở Marburg đều có một điểm chung, là thuộc về một hội đoàn nào đó. Sau các nghi lễ tiếp nhận, tuyên thệ xong xuôi, tối tối hoạt động của bọn họ là đến cái quán rượu trên tường treo đầy gia huy ấy để uống đến say mèm và chiến đấu tay đôi. Quấn khăn để bảo vệ cổ, đeo lót ngực để bảo vệ tim, rút gươm ra khỏi bao. Ngừng tay khi giọt máu đầu tiên rơi. Những tình bạn bất khả phai nhạt ra đời. Họ trương trên người những vết xây xước giống như về sau đeo huân chương trên quân phục. Tuy nhiên một phần mười sẽ bị khai trừ khỏi thứ tình bằng hữu này. Đó là numerus clausus (Tiếng Latin, nghĩa là biện pháp hạn chế số lượng sinh viên tham gia) bắt buộc đối với những người Do Thái căn cứ theo luật của trường đại học.
Chàng trai nhỏ vận đồ đen chọn sự tĩnh tại của học tập, những chuyến đi bộ dạo chơi ở nông thôn, những cuộc tranh luận với Sternberg. Các giờ giải phẫu học và lâm sàng vẫn còn ở trên giảng đưởng, khi mà đôi bạn đã muốn biết thực tế bệnh viện. Phẫu tích. Lao vào cái sống động. Tại Berlin, nơi rốt cuộc Yersin đến ở, chỉ trong một tuần anh đã được dự hai ca mổ khoét vùng hông, trong khi ở Marburg thì một cuộc phẫu thuật như vậy chỉ xảy ra mỗi năm một lần. Cuối cùng anh cũng được dạo bước trên đường phố một thủ đô lớn. Năm ấy, các khách sạn đông đặc dân ngoại giao và thám hiểm. Berlin trở thành thủ đô của thế giới.
Theo sáng kiến của Bismarck (Chính trị gia, hồi ấy là thủ tướng Đức), tất cả các nước thực dân tập hợp về đây trước bản đồ để chia chác châu Phi. Đó là Hội nghị Berlin. Stanley huyền thoại (Tức Henry Morton Stanley (1841-1904), nhà thám hiểm miền Trung châu Phi rất nổi tiếng, người tìm ra David Livingstone (1913-1973), nhà thám hiểm người Scotland), người đã tìm lại được Livingstone mười bốn năm trước đó, đại diện cho vua Bỉ, chủ xứ Congo, tại hội nghị này. Yersin đọc báo, phát hiện ra cuộc đời của Livingstone, và Livingstone trở thành mẫu hình của anh: con người xứ Êcốt ấy là nhà thám hiểm, con người của hành động, nhà bác học, mục sư, người khám phá ra sông Zambèze và là thầy thuốc, suốt nhiều năm ròng lang thang ở các vùng đất không người biết đến ở Trung Phi và là người, khi rốt cuộc cũng được Stanley tìm thấy, chọn ở lại đó cho đến khi chết.
Một ngày nào đó Yersin sẽ là Livingstone mới.
Anh viết điều này trong một thư gửi Fanny.
Nước Đức, cũng giống nước Pháp và nước Anh, biến thành một đế chế nhờ gươm súng, thuộc địa hóa Camơrun, Namibia và Tanzania ngày nay cho đến tận Zanzibar. Cùng năm diễn ra Hội nghị Berlin đó, Arthur Rimbaud, tác giả Giấc mơ của Bisrnarck, dùng lạc đà chở hai nghìn khẩu súng trường và sáu mươi nghìn viên đạn đến cho vua Ménélik ở Abyssinia. Đó là một nhà thơ Pháp đã làm tăng ảnh hưởng của nước Pháp, chống lại những mưu mô xâm chiếm lãnh thổ của người Anh và người Ai Cập do Gordon cầm đầu. “Gordon của họ là một thằng ngu, Wolseley của họ là một con lừa, và tất cả các cơ đồ của họ chỉ là một loạt những điều phi lý điên rồ, những trò phá phách”. Chàng là người đầu tiên khẳng định tầm quan trọng chiến lược của hải cảng mà chàng viết là “Dhjibouti”, giống Baudelaire từng viết “Saharah”, soạn một báo cáo thám hiểm cho Hội Địa lý, gửi những bài báo phân tích địa lý-chính trị cho tờ Bosphore Ai Cập, chúng tạo được tiếng vang ở Đức, ở Áo, ở Ý. Chàng nói đến những tàn phá của chiến tranh. “Trong vòng vài tháng người Abyssinia đã ngốn ngấu hết số lúa dự trữ do người Ai Cập để lại, mà lẽ ra phải đủ dùng cho nhiều năm. Nạn đói và dịch hạch sắp xảy ra đến nơi rồi.”
Dịch hạch là do một loài côn trùng gieo rắc. Rận. Điều đó thì người ta còn chưa biết. Từ Berlin, Yersin sang Jena. Tại hãng Carl Zeiss anh mua chiếc kính hiển vi loại tiên tiến nhất, nó sẽ không bao giờ rời anh nữa, nằm trong hành lý của anh để chu du thiên hạ, chính nó mười năm sau đó sẽ xác định được trực khuẩn dịch hạch. Carl Zeiss là một dạng Spinoza, ở cả hai người, việc mài kính (Nhà triết học Spinoza đã từng làm nghề mài kính để sinh sống) rất hữu dụng cho suy tư và những ý nghĩ không tưởng. Baruch Spinoza cũng là người Do Thái, Sternberg bảo. Rồi hai chàng sinh viên lại quay về Marburg, lần lượt dán mắt vào nhãn kính mới toanh, điều chỉnh để quan sát một cánh chuồn chuồn. Yersin cũng đã tận mắt trông thấy những cuộc bài Do Thái rất bạo lực, những cửa kính bị đập nát, những cú đấm đá. Có lẽ trong câu chuyện của hai chàng sinh viên từ “dịch hạch” đang len lỏi vào.
Chừng nào còn chưa mắc dịch hạch và bệnh hủi, thì người ta vẫn thường lẫn lộn chúng với nhau. Đợt dịch hạch lớn hồi Trung cổ, Dịch hạch Đen, dân số đã giảm mất hai lăm triệu. Phân nửa dân châu Âu bị tiêu diệt. Chưa từng có cuộc chiến tranh nào gây ra nhiều chết chóc đến như vậy. Tầm vóc thảm họa ấy mang tính siêu hình học, nó chính là cơn thịnh nộ của thần linh, Sự Trừng Phạt. Người Thụy Sĩ không phải lúc nào cũng là những kẻ tốt bụng đầy khoan dung và chừng mực. Năm thế kỷ trước, người dân Villeneuve ven Hồ đã thiêu sống những người Do Thái bị buộc tội gieo rắc dịch hạch bằng cách bỏ thuốc độc xuống các giếng nước. Năm thế kỷ sau, sự ngu dốt đã giảm đi nhưng lòng thù hận thì vẫn còn y nguyên. Người ta cũng chẳng biết gì hơn về dịch hạch. Nó đến từ đâu, giết chóc rồi biến mất như thế nào. Có thể một ngày nào đó. Hai chàng sinh viên tin vào khoa học. Vào Tiến Bộ. Chữa được dịch hạch sẽ là làm một được hai, Sternberg nói. Yersin thông báo với bạn là mình sắp sang Pháp.
Năm tiếp đó, anh sẽ theo học ở Paris. Vào đúng năm diễn ra Hội nghị Berlin, trong khi Arthur Rimbaud mài gót chân trên các sa mạc gồ ghề đá, theo đuôi lũ lạc đà, Louis Pasteur vừa cứu sống thằng bé Joseph Meister. Chữa bệnh dại bằng vắcxin là tương lai đấy. Sắp tới, vấn đề không phải là chọn dịch hạch hay chọn thổ tả nữa, mà là phải chữa được cả hai bệnh ấy (Người Pháp có một ngạn ngữ “chọn dịch hạch hay thổ tả” để nói một cách bóng gió rằng thật khó khăn khi phải chọn một trong hai cái đều xấu. Ở đây tác giả dùng từ “dịch hạch” và “thổ tả” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Yersin có lợi thế vì dùng được hai ngôn ngữ như tiếng mẹ đẻ. Giả sử Sternberg nói được hai thứ tiếng như thế thì có lẽ anh lại do dự. Berlin hay Paris thì cũng như tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Nói đúng ra thì đó là một kẻ bi quan sáng suốt, cái chàng Sternberg ấy, nếu cách nói này không phải là một trùng ngữ. Mười năm sau, khi vụ Dreyfus (Vụ án rất nổi tiếng ở Pháp, điển hình về sự bài Do Thái ở phương Tây. Trong vụ án này có sự lên tiếng rất mạnh mẽ và can đảm của nhà văn Émile Zola) bắt đầu, người ta sẽ không thấy tên của Yersin bên dưới bất cứ bản kiến nghị nào. Quả là toàn bộ chuyện này, những nỗi kinh hoàng của châu Âu, sẽ nhanh chóng khiến người ta thích đi thật xa. Vào thởi điểm diễn ra phiên tòa Dreyfus thì Yersin đang ở Nha Trang hay Hồng Kông gì đó.
Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả - Patrick Deville Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả