No person who can read is ever successful at cleaning out an attic.

Ann Landers

 
 
 
 
 
Tác giả: Đặng Thanh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 14824 / 185
Cập nhật: 2015-11-16 22:21:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18 - Kí Giả Phu-lít-xtơn
ài Gòn, một buổi chiều thứ bảy.
Ngồi trên bao lơn tầng gác ba, Tố Loan đăm chiêu nhìn cảnh cầu Bông nhộn nhịp. Những chiếc xe hơi lộng lẫy, những chiếc quân xa rầm rầm chạy trên lòng đường như thách thức dòng người tấp nập hai bên lề đường phố. Bỗng một tiếng rít phanh ghê rợn làm Tố Loan giựt mình: Hai chiếc xe vận tải lớn suýt đâm vào nhau ở đầu cầu. Hai tên Mỹ lái xe thò đầu ra chửi nhau một hồi, rồi lại rú ga phóng thục mạng.
Mấy phút sau, một chiếc xe hơi quân sự bốn chỗ ngồi từ phía cầu Kiệu lao tới, cướp đường vượt cầu cho gần, làm cho một người đi xe gắn máy Honda từ phía Gia Định sang, hết chỗ tránh phải quăng xe, nhảy xuống lạch ngòi, thoát chết. Chiếc xe hơi đứng lại ở giữa cầu sau khi đã đè gãy chiếc Honda nọ. Tên lái quân xa nhảy xuống. Đó là một tên Mỹ. Hắn chạy đến sừng sộ véo mũi anh cảnh sát đứng giữ trật tự giao thông ở đầu cầu. Hắn quát tháo hỏi tại sao lại để cho người ta cản trở đường đi của hắn. Thấy nạn nhân lấm be bét từ đầu đến chân đang ngoi ngóp lên bờ, một tên Mỹ khác ngồi trong xe, chân đưa ra ngoài đập thình thình vào thành xe, ra vẻ khoái chí.
- Đồ khỉ đột, thật là bỉ ổi! – Tố Loan thốt ra một câu căm phẫn.
Đã gần ba năm nay, từ khi được cha gửi vào Sài Gòn theo học trường đại học Luật khoa, cô vẫn thường mục kích những hiện tượng ngỗ ngược như thế và hơn thế nữa: Người Mỹ giết người cướp của; người Mỹ cướp phụ nữ Việt Nam giữa ban ngày, mang vào trại của chúng để luân phiên nhau hãm hiếp; người Mỹ phóng xe bất chấp luật lệ đi đường…
Từ một thanh nữ mơ mộng như nước sông Hương lững lờ trôi, bình thản như cánh đồng An Cựu nơi cô đã sống trong nhiều năm dưới sự yêu thương của người mẹ hiền, cô đã dần dần được phong trào yêu nước chống Mỹ của sinh viên làm cho mạnh dạn, bồng bột hẳn lên.
Nhiều lần, cô đã đứng trong hàng ngũ sinh viên biểu tình đòi Mỹ – Diệm nghiêm chỉnh thi hành hiệp nghị Giơ-ne-vơ, đả đảo phái đoàn MAAG của Mỹ… Tâm hồn của cô đã nhiều phen sục sôi khi nghe các bạn học cùng trường nói về truyền thống chống ngoại xâm, truyền thống anh dũng chiến đấu và chiến thắng của dân tộc ta, tham dự “những ngày xuống đường”, những đêm “hát cho đồng bào nghe” của sinh viên… Và mới tuần lễ trước đây, chính cô cũng đã lên diễn đàn trước đông đảo sinh viên luật khoa, nói về chủ quyền dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ theo luật pháp quốc tế. Cô đã tự hào thấy mình dám ám chỉ đến chế độ Ngô Đình Diệm bù nhìn và đến hành động can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ vào nước Việt Nam.
Buổi nói chuyện của cô được kết thúc bằng những tràng vỗ tay dài hoan nghênh và tên cô cũng được bọn mật vụ của “Sở nghiên cứu chính trị và xã hội” phủ tổng thống ghi vào sổ riêng.
Những việc phạm pháp của bọn Mỹ ở trước mắt đây làm cho cô thấy càng phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ nhân phẩm, bảo vệ trật tự luật pháp của người Việt Nam.
Tố Loan đang bâng khuâng suy nghĩ, thì người nhà lên báo là có một kí giả Hoa Kỳ xin đến phỏng vấn và đợi ở dưới phòng khách. Danh thiếp đề tên Uy-li-am Phu-lít-xtơn, phóng viên tờ “Diễn đàn Nữa Ước”. Tố Loan tự nhủ: “Đây cũng là một cơ hội để ta lợi dụng bọn nhà báo Mỹ, tố cáo những hành động phi pháp của chánh phủ Mỹ – Diệm”.
Trang điểm chỉnh tề xong, Tố Loan chậm rãi xuống phòng khách, như vừa đi vừa đếm từng bậc thang.
- Xin chào cô!
Tố Loan vừa bước vào phòng khách, thì Phu-lít-xtơn đã nhanh nhẹn đứng dậy, cúi đầu chào rất lễ phép. Hắn nói tiếp luôn để tự giới thiệu:
- Uy-li-am Phu-lít-xtơn, phóng viên tờ Diễn đàn Nữu Ước.
- Rất hân hạnh – Tố Loan bắt tay hắn trả lời.
- Xin cô tha thứ cho lỗi đường đột của tôi đến phỏng vấn cô mà không xin phép trước. Tôi là một nhà báo kiêm luật gia, một người Mỹ dân chủ. Tuần trước, may mắn tôi được dự cuộc nói chuyện của cô về chủ quyền dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ theo luật pháp quốc tế. Tôi rất hoan nghênh những luận điểm rất sắc sảo của cô. Hôm qua, trông thấy cô trong hàng ngũ biểu tình tuần hành, tôi lại thêm khâm phục lòng quả cảm của cô. Lời nói đi đôi với việc làm của cô chắc chắn sẽ thu hút được cảm tình nồng nhiệt của nhân dân Hoa Kỳ. Người Hoa Kỳ chúng tôi đang theo dõi hàng ngày vấn đề Việt Nam, đang muốn tìm hiểu nhiều về con người Việt Nam. Vì vậy, hôm nay tôi xin phép đến phỏng vấn cô về một vài vấn đề, mong được phản ảnh những ý kiến tốt đẹp của cô trên báo, thoả mãn được yêu cầu của nhân dân Hoa Kỳ chúng tôi.
Nhìn Phu-lít-xtơn, Tố Loan thấy hắn không giống những người Mỹ khác nhan nhản trên các đường phố từ Huế đến Sài Gòn. Cái áo sơ mi cộc tay của hắn không bằng ni-lông sặc sỡ chim cò bay hay những hình ảnh phụ nữ hớ hênh, mà bằng vải pô-pơ-lin trắng toát. Cái quần của hắn cũng không bó chặt lấy hông và cổ chân. Bộ tóc hung hung của hắn được cắt gọn, chứ không đít vịt hay xoã xuống chấm vai. Mặt mày hắn nhẵn nhụi, điểm một bộ ria kiểu Cơ-lắc Ghê-bơn hợp với lứa tuổi 30, 32 của hắn. Đặc biệt hơn nữa là Tố Loan thấy hắn lịch sự, nhã nhặn chứ không hung hăng, bắng nhắng, ngổ ngáo như bọn nhân viên dân sự và quân sự trong phái đoàn MAAG. Tố Loan mỉm cười:
- Hân hạnh!
Phu-lít-xtơn tắt điếu thuốc đang hút dở, bỏ vào cái hộp sứ Giang Tây đựng tàn để trên bàn khách, thong dong vào đề:
- Thưa cô, là nhà báo, chúng tôi rất tôn trọng sự thật và dám nói sự thật. Quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận đã được ghi rõ trong hiến pháp Hoa Kỳ. Tờ báo của chúng tôi, vì tôn trọng và bảo vệ sự thật, nên đã nhiều lần công kích gay gắt cố tổng thống Ai-xen-hao-ơ và đương kim tổng thống Ken-nơ-đi về chánh sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Chúng tôi rất vô tư muốn ngòi bút của mình phục vụ cho sự thật. Nay vì tình bầu bạn giữa hai dân tộc Việt – Mỹ và để cho chúng tôi là những người Hoa Kỳ tự do và dân chủ có tài liệu vững chắc đấu tranh chống những hành động phản tự do và phản dân chủ làm hại đến mối quan hệ Việt – Mỹ trong một bộ phận nhân viên dân sự và quân sự Mỹ ở miền Nam cũng như ở trong chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi xin cô cho biết tôn ý về hai ý kiến sau đây: Thứ nhất, theo cô thì người Hoa Kỳ ở Việt Nam tốt, xấu như thế nào? Thứ hai, nên làm thế nào đế phát huy những cái tốt và loại trừ những cái xấu đó?
Như gặp cơ hội thích hợp để bộc lộ ngay với một nhà báo ngoại quốc lí luận về chủ quyền quốc gia dân tộc của mình và đồng thời cũng do cảnh tượng vừa xảy ra ở cầu Bông kích thích, Tố Loan nói với giọng đầy tự tin:
- Trước khi vào đây, chắc ông đã có dịp chứng kiến cảnh tượng người Mỹ gây ra vừa rồi và thái độ của nhân viên quân sự Hoa Kỳ đối với người Việt Nam chúng tôi. Tôi chưa tìm ra được danh từ nào thích hợp để nói về thái độ đó của họ. Chính những người Mỹ đó đã trả lời hộ tôi về câu hỏi thứ nhất của ông rồi.
Còn câu hỏi thứ hai của ông, thì những khẩu hiệu do các đoàn biểu tình hôm qua của đủ các tầng lớp nhân dân Việt Nam chúng tôi cũng đủ trả lời một cách hùng hồn và chính xác. Xin nói thành thật với ông rằng, cái tốt mà chính phủ Hoa Kỳ cần làm, cần phát huy là bắt chước người Pháp rút lui về bên kia bán cầu, đừng can thiệp vào Việt Nam, đừng phá hoại hiệp nghị Giơ-ne-vơ để cho chúng tôi tiến hành tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất nước chúng tôi.
Phu-lít-xtơn khẽ gật đầu, mỉm cười đáp, rất bình thản:
- Xin tiếp thu những ý kiến tế nhị và xác đáng của cô. Những ý kiến đó thể hiện sự nhiệt tình của một người trí thức yêu nước. Tôi đã có dịp nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Tôi thấy người Mỹ và người Việt Nam giống nhau ở chỗ đều là những người phiêu lưu đầy nghị lực.
Ông cha chúng tôi từ khắp các nước châu Âu sang chinh phục châu Mỹ, còn ông cha người ở miền Nam Việt Nam cũng từ phía Bắc chinh phục nước Thuỷ Chân Lạp này. Tôi nghĩ rằng: trái đất có hai bán cầu, thì người Mỹ ở một bên, người Việt Nam ở một bên. Người ta không thể chặt trái đất ra làm hai thì bán cầu cũng không thể chia đôi được. Vậy người Mỹ và người Việt Nam cũng không thể đối lập nhau được. Chúng ta phải là những người bạn thân thiết của nhau. Giúp các bạn tiến lên con đường tự do, là sứ mệnh lịch sử của người Mỹ chúng tôi. Tôi rất căm phẫn trước thái độ của mấy nhân viên quân sự Hoa Kỳ lúc nãy. Hành động của họ đáng bị luật hình trừng trị. Thái độ của họ bị nhân dân Mỹ chúng tôi lên án. Nhất là họ xâm phạm đến các bạn Việt Nam thì lại càng nghiêm trọng hơn nữa. Tôi xin cô hiểu cho là: ở ngay nước chúng tôi, những vụ án nghiêm trọng gấp trăm nghìn lần hơn, như giết người, cướp của, hiếp dâm v.v… hằng ngày vẫn còn xảy ra rất nhìều. Những tai nạn xe hơi như kiểu lúc nãy thì không kể xiết. Can phạm là người Mỹ đã đành, mà nạn nhân cũng đều là người Mỹ, chứ không phải là người Việt Nam.
Cũng như kẻ phạm tội đó, nếu ở Hoa Kỳ thì gây hại cho người Hoa Kỳ, nếu ở Việt Nam thì gây hại cho người Việt Nam. Theo tôi nghĩ, đây không phải là vấn đề chủ quyền, hay can thiệp, mà là vấn đề phạm pháp của những người cá biệt. Ở Sài Gòn này cũng thế thôi! Báo chí hàng ngày cho biết có hàng nghìn vụ giết người, cướp của, hiếp dâm mà nạn nhân là người Việt Nam. Vậy đây chỉ là vấn đề quan hệ giữa cá nhân với nhau, chứ chẳng lẽ lại nói là người Việt Nam xâm phạm đến chủ quyền của chính mình ư?
Nói đến đây, Phu-lít-xtơn có vẻ trầm ngâm suy nghĩ, dò xét sự phản ứng cửa Tố Loan. Thoáng thấy nét mặt của Tố Loan biến đổi kín đáo, từ chỗ vội vã lúc ban đầu đến chỗ im lặng nghe, hắn tiếp tục tấn công:
- Thưa cô, kể ra thì trong nước chúng tôi, những việc giết người, cướp của không phải là hiếm. Đó là tất nhiên thôi. Bị cáo đều là người nghèo và đúng như Lom-bơ-rô-dô đã nói: họ đều là những tội phạm bẩm sinh. Bên nước bạn cũng thế. Nhưng về mức độ dã man, tàn ác, thì không có vụ nào sánh kịp một vụ án vừa xảy ra ở ngay nơi chôn nhau cắt rốn của cô, mới vài hôm nay thôi. Vụ án này chắc chắn sẽ làm sôi nổi dư luận khắp nước, ai nấy đều căm phẫn, cô đã biết rồi chứ?
- Thưa ông, chưa! – Tố Loan trả lời có vẻ hồi hộp, như đợi chờ một tấn kịch bất ngờ trên màn ảnh – Chưa có báo nào đăng tin cả.
- Nếu cô sẵn sàng tha thứ cho tôi về sự lạm dụng lòng nhẫn nại của cô, tôi sẽ xin trình bày lại vụ án đó. Cố nhiên, trước một luật gia, có những cái nhìn pháp lí rất sâu sắc, tôi sẽ trình bày đủ các tình tiết pháp lí của nó, chứ không kể chuyện như một kí giả. Nhưng để tránh lạc đề, xin phép hỏi thêm cô một câu để kết thúc cuộc phỏng vấn mà cũng là một cuộc trao đổi ý kiến vô cùng phong phú và hữu ích đối với tôi…
- Ông cứ hỏi.
- Là người Mỹ dân chủ, tôi rất khâm phục sự dũng cảm của cô trong các hoạt động chánh trị. Vậy xin cô cho biết mục đích của cô trong việc đấu tranh chống cái gọi là “cường quyền” ở Sài Gòn hiện nay, là để bảo vệ cái gì? Tổ quốc, gia đình của cô hay là lí tưởng Cộng sản?
- Tôi không phải là người Cộng sản. Tôi cũng chưa có dịp nghiên cứu về chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng nếu người Cộng sản đấu tranh chống ngoại xâm, mang lại độc lập cho Tổ quốc tôi, xây dựng nước tôi giàu mạnh, thì tôi cũng mong được thành người Cộng sản. Còn hiện nay, là một người yêu nước, tôi chỉ biết đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc tôi…
Đến đây, Phu-lít-xtơn chen vào:
- Và để bảo vệ gia đình!
Tố Loan tiếp theo ngay:
- Vâng, cố nhiên! Cố nhiên cũng là để bảo vệ gia đình tôi. Vì gia đình là tế bào của Tổ quốc.
- Cô có thể hi sinh thân mình để bảo vệ gia đình mình không?
- Vì Tổ quốc, vì gia đình, tôi chẳng tiếc gì cả.
- Xin kết thúc cuộc phỏng vấn của tôi ở đây. Xin cảm ơn cô. Giờ đây xin kể lại với cô vụ án mà lúc nãy tôi đã hứa. Vụ án này li kì lắm, nhưng cũng tàn ác vô cùng! Chắc chắn cô sẽ căm phẫn đến cực độ. Tôi đã tham gia vào cuộc điều tra vụ án này với tư cách là phóng viên.
- Chắc những khía cạnh pháp lí rắc rối, li kì của vụ án đã làm cho ngòi bút của nhà báo kiêm luật gia thêm đậm nét.
- Thưa cô, vâng. Có những bức ảnh chụp được cũng làm cho người ta có cái nhìn sâu sắc hơn, bao quát hơn. Tôi xin bắt đầu trình bày vụ án bằng những bức ảnh đó! Thưa cô, vụ án này đã xảy ra tại một biệt thự xinh đẹp bên bờ sông Hương, cách thành phố Huế 5 ki-lô-mét về phía Đông Nam. Ôi, cái biệt thự vô cùng xinh đẹp như một cảnh thần tiên! Lại cái tên gọi của nó nữa, gợi cảm biết bao: Bồng Lai!
- Tên gì, thưa ông? – Tố Loan tái mặt, sửng sốt hỏi Phu-lít-xtơn.
- Bồng Lai! Không ngờ Bồng Lai tiên cảnh mà lại thành ra thảm cảnh!
Phu-lít-xtơn chậm rãi bùi ngùi đáp lại. Qua sắc mặt của Tố Loan, thấy cô đã mất bình tĩnh, hắn cố lấy giọng bi ai nói tiếp:
-… Và cả Lam Kiều – Phu-lít-xtơn nhấn mạnh hai chữ Lam Kiều – chiếc cầu thơ mộng ấy, nối liền biệt thự với vườn hoa, lại là nơi ghi tội ác của bọn sát nhân!
Phu-lít-xtơn nói đến đây, Tố Loan đã run rẩy, hỏi dồn như cướp lời:
- Thưa ông… việc thế nào?
Phu-lít-xtơn mở chiếc cặp da, lấy ra một tập ảnh, đứng lên, trịnh trọng đưa cho Tố Loan, nói:
- Thưa cô, tôi vô cùng xúc động không thể trình bày được nữa, xin lấy tập ảnh này thay lời.
Tố Loan vội mở tập ảnh ra. Mới nhìn tới bức ảnh đầu, trái đất đã quay cuồng tối sầm trước mặt cô! Cô lảo đảo khuỵu xuống…
Và Phu-lít-xtơn cúi đầu như mặc niệm!
X30 Phá Lưới X30 Phá Lưới - Đặng Thanh X30 Phá Lưới