Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội.

Albert Einstein

 
 
 
 
 
Tác giả: VnExpress
Thể loại: Tùy Bút
Số chương: 5239
Phí download: 44 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4221 / 45
Cập nhật: 2014-12-04 16:13:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Quá căng thẳng khi sống cùng bố mẹ chồng
hi tôi tự quyết định cho gia đình nhỏ của mình là gặp sự khó chịu và không hài lòng từ gia đình chồng. Với mẹ chồng, đôi khi tôi không hiểu được bà. Bà cứ đợi tôi làm sai để chửi, luôn cho rằng tôi không đủ trình độ để giáo dục con trai mình.
Tôi lấy chồng được 4 năm, có một con trai 3 tuổi và công việc làm ổn định. Tuy nhiên, tôi luôn sống trong sự mệt mỏi, buồn phiền và cô đơn. Tất cả xuất phát từ việc những bất đồng trong cách sống, cách suy nghĩ và cách giáo dục con cái với gia đình chồng. Tôi là một người phụ nữ miền Nam ngay thẳng, bộc trực và không được khéo léo, tôi về làm dâu gia đình miền Trung chính gốc.
Những ngày mới quen nhau, tôi về nhà anh chơi để tìm hiểu về gia đình. Khi đó tôi rất vui vì sự nề nếp, gia giáo và so với gia đình tôi thì gia đình anh ấm áp và thân tình hơn rất nhiều. Chuẩn bị đám cưới cho con trai, ba chồng tôi là người đi mua chiếu, chăn, giường, tủ và quyết định đặt chỗ nào theo ý ông. Mẹ chồng tôi chọn lựa nữ trang, vải, áo quần, chỗ may cho tôi. Thật sự tôi không được vui lắm vì không hợp với sở thích của mình, tuy nhiên vẫn nghĩ đó là niềm may mắn của mình vì ông bà quan tâm đến con cái rất nhiều.
Nhưng khi về làm dâu gia đình anh, sự khác biệt quá nhiều làm tôi khổ sở: tôi là người quyết đoán và khá lập trường, còn chồng tôi từ nhỏ quen với cách ba mẹ lo lắng và quyết định mọi việc, nên việc lớn nhỏ gì anh cũng để ba mẹ quyết. Có những lúc tôi tự quyết định cho gia đình nhỏ của mình là gặp sự khó chịu và không hài lòng từ gia đình chồng.
Đến khi tôi có con và là cháu trai đích tôn của dòng họ thì càng stress cùng cực. Con bị bệnh, đau ốm liên miên, chỉ cần hắt hơi, sổ mũi hoặc những khi ông bà tự đoán bệnh cho cháu là yêu cầu tôi phải đưa con đi khám bệnh. Lúc thì ông bà nói nó bị tim, lúc thì ông bà nói sao bụng to, sao xương bé quá, sao chậm nói, chậm đi. Dù bác sĩ có nói là con tôi chỉ bị viêm phế quản cấp, nhưng ông bà vẫn không tin, làm áp lực bằng những lời nói mỗi ngày, rồi đổ lỗi cho tôi không biết cách chăm sóc con.
Ông có lần nói với tôi: “Hãy nhìn mọi người xung quanh tôi, có được học hành giáo dục cao đâu, sao họ vẫn nuôi con được tốt, mập mạp khỏe mạnh”. Ông bà yêu cầu tôi phải tăng cường bồi dưỡng cho con, nhiều tháng tôi kẹt tiền quá phải cho con uống sữa Việt Nam, hay những bữa ăn của bé đơn giản với thịt và trứng là ông bà kêu ca trách móc; nhưng tuyệt đối không có bất kỳ sự hỗ trợ nào cho cháu.
Đến khi con tôi vượt mốc bệnh đau, bé trở nên hiếu động thế là áp lực về nuôi dạy con lại đè lên đôi vai tôi. Ba mẹ chồng tôi thay phiên nhau mỗi ngày làm áp lực. Nhà có hai đứa cháu cùng tuổi, một cháu trai, một cháu gái, ông bà cứ hay so sánh sao cháu gái rất ngoan, hiền, còn con tôi sao hiếu động và hay đòi khóc quá. Rất nhiều lần mẹ chồng nói với tôi: “Thằng này (con trai tôi) lớn lớn nhất định sẽ hư, theo cách giáo dục của mẹ nó thì nhất định thế nào cũng hư”. Rồi ba chồng thì bảo với tôi “Thằng nay ngoan lắm, dạy dỗ đúng cách thì rất ngoan, chứ không phải bản chất hư”.
Một đứa con nít chưa được ba tuổi nhưng ông bà muốn dạy bảo theo cách rập khuôn, không được xem ti vi, không được ngồi trước máy tính, ông bà nói một tiếng là phải nghe, cái gì cho thì mới được lấy, không được tự ý đòi và khóc khi không cho, không được khóc nhè, không được suốt ngày bu theo mẹ... còn rất nhiều cái không được nữa. Rồi đến áp lực tiền bạc đóng góp cho gia đình chồng. Mỗi tháng vợ chồng tôi phải gửi ít nhất là 4 triệu và nếu có thêm đám giỗ, tiệc tùng hay bà con vào thì sẽ gần 5 triệu.
Có lần chúng tôi không đủ khả năng để lo tiền ăn, xin giảm bớt thì mẹ chồng chửi tôi không ra gì, bảo tôi là đồ tính toán, ích kỷ, không có tiền thì ra ngoài đường mà ăn. Bao nhiêu lần tôi phải khóc và cố gắng chịu đựng vì con, tất cả những việc lớn nhỏ trong ngoài tôi đều không lên tiếng. Ba mẹ chồng kêu đóng góp hoặc phải làm gì tôi đều im lặng làm hết để đổi lấy sự bình yên mà đi làm, về đến nhà có những phút giây vui vẻ bên con trai của mình.
Rồi tôi nhìn lại tiền bạc, nữ trang cưới đã bán sạch vì con bị bệnh, đau ốm, vì những đóng góp quá nhiều so với thu nhập của vợ chồng tôi. Bạn bè thắc mắc hỏi tại sao tôi lại phải chịu đựng như vậy, trong khi có thể ra ngoài ở riêng và tự lập được. Tôi từng suy nghĩ đến việc này mỗi khi đau khổ và áp lực, tuy nhiên một thân một mình ở thành phố, nếu dọn ra riêng, con còn quá nhỏ, bệnh đau liên tục thì ai sẽ chăm giữ? Liệu chồng tôi có đủ mạnh mẽ để đấu tranh xin ra ngoài ở? Và nếu không chuẩn bị chu đáo thì tôi có thể bị mất công việc đang làm và người chịu thiệt thòi là con tôi.
Cứ như vậy tôi đã phải chịu đựng 3 năm. Trong 3 năm đó tôi cũng nghiệm ra được rằng ba chồng gia trưởng, phong kiến và đôi khi làm áp lực với tôi, nhưng đó cũng xuất phát từ tình yêu cháu nội rất thật. Nhưng với mẹ chồng tôi, đôi khi tôi không hiểu được bà. Bà cứ đợi tôi làm sai để chửi, luôn cho rằng tôi không đủ trình độ để giáo dục con trai mình.
Và nếu bà đang nói vấn đề gì mà tôi nói lại hoặc trình bày ý kiến của mình thì bà không ngại chửi tôi là hỗn hào, mất dạy, vì mẹ chồng nói thì con cái phải im lặng mà nghe. Bà bực mình vì chồng không nói được tôi và có vẻ sợ vợ. Bà luôn có tư tưởng nếu không có cháu đích tôn thì tôi sẽ không còn là con dâu bà, rằng tôi quá sung sướng, khi đi làm về tới nhà chỉ biết có con, chứ không làm việc nhà cho đúng bổn phận dâu con.
Hiện tại tôi đã có một quyết định quan trọng cho cuộc đời, tôi sẽ nghỉ việc ở công ty mặc dù rất yêu thích và tiếc nuối môi trường làm việc này. Năm đầu tiên tôi đi làm với mức lương 1,3 triệu, sau 6 năm phấn đấu tôi lên được vị trí giám đốc với mức lương 20 triệu/tháng. Nhưng chỉ có thể nghỉ việc thì tôi mới có thể chủ động về thời gian, sức khỏe và thoải mái để mẹ con tôi sẽ dọn ra ở riêng.
Tôi sẽ mở một văn phòng kinh doanh nho nhỏ đủ để mẹ con tôi sống với nhau. Tôi sẽ chuẩn bị trước tâm lý rằng có thể mình thu nhập được ít hơn nhiều so với công việc cũ, nhưng cái quan trọng mà tôi muốn đạt được chính là tôi được tự do, thoải mái, chủ động chăm sóc và dạy bảo con. Tôi sẽ không còn phụ thuộc vào mẹ chồng và gia đình chồng.
Bản thân tôi cũng không còn vất vả khi đi làm từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, vội vã tấp vào chợ mua đồ nấu ăn cho con tôi bữa cơm chiều, chăm con đến tận 10 giờ đêm mỗi ngày. Tôi sẽ có thời gian riêng tư cho bản thân, phấn đấu học tập nâng cao cho bản thân mình,
Mọi người sẽ hỏi sao không thấy tôi đề cập đến chồng trong quyết định của mình. Có lẽ tình cảm dành cho chồng không còn nhiều nữa, anh không đồng ý cũng chẳng sao, vì trong suốt thời gian sống chung với nhau, chồng tôi chưa bao giờ đồng cảm và chia sẻ với vợ. Mỗi ngày chúng tôi chỉ nói chuyện dăm câu và mọi thời gian rảnh là chồng tôi chỉ chơi game và xem tivi, không bao giờ chơi đùa và dạy bảo con. Nhưng nếu con trai tôi nghịch hay những lúc hư hỏng thì đó chính là lỗi của tôi. Vì với chồng, mẹ chồng luôn đúng và tôi luôn sai. Rất mong nhận được sự chia sẻ.
Huỳnh
VnExpress - Tâm sự (tổng hợp hơn 5000 bài viết) VnExpress - Tâm sự (tổng hợp hơn 5000 bài viết) - VnExpress VnExpress - Tâm sự (tổng hợp hơn 5000 bài viết)