A good book should leave you... slightly exhausted at the end. You live several lives while reading it.

William Styron, interview, Writers at Work, 1958

 
 
 
 
 
Tác giả: VnExpress
Thể loại: Tùy Bút
Số chương: 5239
Phí download: 44 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4221 / 45
Cập nhật: 2014-12-04 16:13:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hạnh phúc vì được là con của mẹ
hi gia đình còn túng thiếu, chưa năm nào mẹ có một cái Tết trọn vẹn, đến khi kinh tế ổn định hơn, mẹ cũng chưa một lần được ăn Tết với chồng con. Mẹ vẫn âm thầm hy sinh những niềm vui và hạnh phúc giản dị của mình để gia đình có được cuộc sống no đủ. (Hoan)
From: Phạm Hoan
Sent: Monday, January 10, 2011 3:31 PM
Chỉ còn hơn hai tuần nữa là được về nghỉ Tết nhưng tôi không có cảm giác háo hức, chờ đợi từng ngày như hầu hết các bạn sinh viên khác. Năm nào cũng vậy, cứ Tết càng đến gần, trong lòng tôi càng có cảm giác buồn man mác đến khó tả. Bởi lẽ, trong những ngày này, tôi lại càng nhớ và thương mẹ hơn bao giờ hết.
Đã 8 năm rồi, chưa một lần mẹ tôi được đoàn tụ với gia đình, người thân trong ngày lễ Tết. Cũng 8 năm rồi, mẹ tôi chưa một lần được ăn một bữa cơm với chồng con. Cuộc sống của mẹ vất vả, bộn bề với bao lo toan cơm áo gạo tiền. Và ở nơi đất khách quê người ấy, mẹ tôi lạc lõng, cô đơn giữa vô vàn người xa lạ với bao khó khăn về công việc và bất đồng ngôn ngữ.
Tôi biết, mẹ rất muốn đoàn tụ với gia đình, nhưng vì tương lai của các con mà mẹ tôi phải chịu nhiều cực nhọc. Vẫn biết, người phụ nữ nào cũng vất vả vì gia đình, nhưng đối với tôi, mẹ tôi là người cao thượng và trải qua nhiều đau khổ nhất mà tôi từng biết. Mẹ đã phải hy sinh hết tuổi thanh xuân của mình, hy sinh những niềm vui mộc mạc mà giản dị nhất để cho chồng con có một cuộc sống đầy đủ.
Năm tôi lên bốn tuổi, bố tôi bị tai nạn trong khi đang làm việc. Một mình mẹ lo tiền nong chạy chữa cho bố và chăm lo cho 2 đứa con thơ. Lúc ấy, tôi chưa biết được những khó khăn mà mẹ đang phải chịu và chẳng thể chia sẻ bất cứ việc gì với mẹ. Khi bố tôi ra viện, với sức khỏe yếu, một mình mẹ lại lo toan kinh tế. Nhưng có lẽ ông trời không để gia đình tôi sống một cuộc sống yên bình, mà từ ngày ấy, gia đình tôi ngày càng khó khăn, gặp biết bao trắc trở trong cuộc sống.
Sau khi sức khỏe dần hồi phục, hai mắt bố tôi lại không thể nhìn thấy gì. Mẹ lại phải chạy vạy ngược xuôi để chữa chạy cho bố. Kinh tế gia đình tôi ngày càng kiệt quệ và túng quẫn. Đến khi chị gái và tôi đến tuổi đi học, dường như vai mẹ càng thêm nặng gánh. Tôi nhớ, năm ấy tôi học lớp 6 ở một trường chuyên của huyện, mẹ đã không đủ tiền để lo cho tôi ăn học. Khi ấy tôi cũng không hề biết gia đình mình đang khó khăn như thế nào nên tôi nhất định không chuyển về quê học theo lời mẹ.
Đến khi nghe mẹ kể, tôi mới thấy đau lòng. Lần ấy, cả lớp tôi đã nộp hết tiền học phí, riêng có mình tôi là chưa nộp. Mẹ vay mượn khắp nơi mà không có nổi hơn một trăm ngàn cho tôi đóng học. Sợ tôi xấu hổ và lo nghĩ, mẹ đã phải bán hết mấy chục cân thóc cuối cùng trong nhà cho tôi lấy tiền nộp học. Và đó cũng là mốc quan trọng mà mẹ tôi quyết định đi xuất khẩu lao động.
Vẫn biết đó là con đường đầy gian nan và có không ít sự rủi ro nhưng bố mẹ tôi vẫn phải chấp nhận để mong một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngày mẹ đi vào miền Nam học tiếng, tôi tiễn mẹ lên xe ôtô mà khóc như mưa. Mắt mẹ đỏ hoe nhưng mẹ không khóc, lưng mẹ còng xuống vì chiếc balô trên vai như chính gánh nặng đè trên vai mẹ.
Tôi biết, mẹ đang cố giấu nước mắt vào trong và gửi gắm một hy vọng về tương lai tươi sáng vào chuyến đi này. Có lẽ, những năm tháng ấy là kỷ niệm khó quên đối với tôi. Mẹ gọi điện về, tôi chỉ khóc mà không nói được lời nào động viên mẹ. Và ngày ấy, tôi rất ghét những ai hỏi câu có nhớ mẹ không? Vì khi ấy, tôi lại khóc và nhớ mẹ vô cùng.
Từ ngày mẹ đi, kinh tế gia đình tôi cũng cải thiện nhiều. Chị gái tôi đã là một cô giáo, còn tôi thì đang là sinh viên nhưng mẹ tôi vẫn chưa hết vất vả. Mẹ vẫn còn miệt mài làm việc từ sáng sớm cho đến tối khuya để cho tôi ăn học. Tết đến, ai ai đi xa cũng tìm về quê hương đoàn tụ với gia đình nhưng riêng mình mẹ ở nơi xa ấy vẫn tiếp tục công việc của mình.
Mỗi bữa cơm ngày Tết, mẹ thường gọi điện về hỏi thăm mọi người, nghe giọng mẹ run run, tôi chỉ biết thương cho số phận của mẹ. Khi gia đình còn túng thiếu, chưa năm nào mẹ có một cái Tết trọn vẹn, đến khi kinh tế ổn định hơn, mẹ cũng chưa một lần được ăn Tết với chồng con. Mẹ vẫn âm thầm hy sinh những niềm vui và hạnh phúc giản dị của mình để gia đình có được cuộc sống no đủ.
Mỗi thời khắc giao thừa đến, lòng tôi lại dấy lên một cảm giác bâng khuâng, trống trải. Tiếng pháo nổ và từng chùm ánh sáng rực rỡ làm cho tôi cảm thấy nao lòng, nước mắt cứ rơi, không hiểu rơi vì hạnh phúc trong giây phút đầu năm hay vì một lẽ gì khác. Và khi ấy cũng chính là lúc tôi thương và nhớ mẹ tôi vô cùng.
Trong những ngày này, tôi chỉ muốn nói với mẹ một câu: Con yêu mẹ nhiều lắm! Nhưng không hiểu sao nó lại khó khăn đến thế mà tôi không thể cất thành lời. Dẫu biết những lời tâm sự này của tôi mẹ cũng chẳng đọc được, nhưng tôi vẫn muốn gửi đến mẹ lời chúc sức khỏe và hạnh phúc: "Con yêu và nhớ mẹ nhiều lắm. Mẹ mãi là một người mẹ tuyệt vời nhất trong lòng con và là tấm gương sáng để con noi theo".
Tôi cũng chúc tất cả mọi người một năm mới tràn đầy niềm vui và tiếng cười.
VnExpress - Tâm sự (tổng hợp hơn 5000 bài viết) VnExpress - Tâm sự (tổng hợp hơn 5000 bài viết) - VnExpress VnExpress - Tâm sự (tổng hợp hơn 5000 bài viết)