The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go.

Dr. Seuss

 
 
 
 
 
Tác giả: VnExpress
Thể loại: Tùy Bút
Số chương: 5239
Phí download: 44 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4221 / 45
Cập nhật: 2014-12-04 16:13:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chị Hương nên ly dị vì con
hời gian của một cuộc hôn nhân có thể co giãn được chứ tuổi thơ của một đứa trẻ chỉ có thời gian nhất định thôi. Nếu nghĩ cho con thì không nên dùng dằng nữa, đứa trẻ cần có thời gian để quan sát cuộc sống quanh nó mà học lấy những nguyên tắc làm người sau này.
From: tien vu
To: vne-tamsu
Sent: Saturday, July 08, 2006 12:26 PM
Subject: Gop y voi chi Huong.
Chào chị Hương!
Thú thực là em cũng cảm thấy bản thân chẳng có mấy tư cách để góp ý về việc của chị, bởi lẽ em còn quá trẻ và chưa có gia đình. Đây là lần đầu tiên em viết thư góp ý như thế này vì em vốn không tin tưởng vào những kiểu hỏi đáp tâm sự chuyện riêng tư trên báo chí hay Internet, nhưng xem rồi thấy tình huống của chị thật quá bức xúc, đến mức em không thể không nói gì được. Em chưa làm mẹ bao giờ thì cũng đã, đang và sẽ làm con, em nói với tư cách của một người đã có kinh nghiệm... làm con vậy.
Chị ạ, một cái nhẫn có thể làm bằng rất nhiều thứ, có thể bằng cỏ mà cũng có thể bằng kim cương, chỉ là đồ trang sức hình tròn đeo vào ngón tay được thì nó được gọi là cái nhẫn. Như vậy nhẫn có giá bao nhiêu là quyết định ở nó làm bằng cái gì chứ không nằm ở việc nó có phải là cái nhẫn hay không, kim cương giá trị từ nghìn đến triệu đôla, cỏ thì đem bán chẳng ai mua.
Bất kỳ vật gì tồn tại trên thế gian này đều thế, mọi người trong một gia đình không phải là ngoại lệ. Một ông bố tốt cần cho con cái bởi vì ông ta làm bố tốt chứ không phải là vì ông ta là bố. Làm bố thì dễ không, làm ông bố thật sự cần cho con mới khó, cứ nhìn bố em làm bố là em biết làm bố khó khăn như thế nào rồi.
Chị nói là thương con, muốn con có bố, vậy em muốn hỏi: theo nhìn nhận của chính chị thì chồng chị có phải là một ông bố đủ tốt đến mức chị phải cố gắng chịu đựng ngần ấy đau khổ để giữ ông bố này cho con mình không?
Nếu câu trả lời là "có" thì em không dám có thêm ý kiến gì nữa, nếu câu trả lời là "không" thì em càng chẳng cần ý kiến nữa vì như thế là chị đã có quyết định dứt khoát của chị rồi.
Nhưng nếu câu trả lời của chị là "Tôi cũng không rõ..." thì em thấy chị nên dứt khoát ly dị đi thôi, bởi lẽ thời gian của một cuộc hôn nhân có thể co giãn được chứ tuổi thơ của một đứa trẻ chỉ có thời gian nhất định thôi.
Nếu là nghĩ cho con thì không nên dùng dằng nữa, đứa trẻ cần có thời gian để quan sát cuộc sống quanh nó mà học lấy những nguyên tắc làm người sau này, đấy chính là hình thành nhân cách, tạo cho con được môi trường học hỏi hợp lý trong quãng thời gian hình thành nhân cách chính là công việc của các bậc cha mẹ tốt, cũng là tác dụng chính của gia đình với trẻ.
Chắc chị không hy vọng khi con chị lớn lên sẽ coi việc mẹ không được tôn trọng là điều bình thường chứ? Hay sẽ coi việc không thông cảm mà lại xúc phạm người khác, đặc biệt là với những người yêu thương mình, là điều bình thường chứ?
Em đã từng đọc một câu chuyện cười ra nước mắt trong một tiểu thuyết về làng quê Trung Quốc như thế này, một anh ngờ vợ ngoại tình rất tức giận chạy đến kể với mẹ, mẹ anh ta bảo "cứ đánh cho nó một trận là xong". Anh này nghe mẹ, lập tức vớ ngay một thanh gỗ to định xách về bảo để đánh vợ, bà mẹ vội níu anh ta lại, giằng cây gỗ ra, đưa cho một cái roi mây bảo "đánh bằng cái này nó mới không chết được mà chỉ đau thôi, đánh bằng gỗ nó chưa kịp đau đã chết ngay".
Sau đó tác giả có giải thích một câu như thế này "tại sao bà lão lại biết là không đánh bằng gỗ được, đánh bằng roi mây mới có tác dụng (đau mà lại không chết được), đó là vì hồi trẻ bà vẫn bị chồng đánh bằng roi mây nên biết thế".
Tất nhiên, chị là người hiểu biết, chị sẽ chẳng bao giờ lâm vào tình trạng như bà mẹ này, từ trẻ bị chồng đánh sau lại rút ra được kinh nghiệm mà dạy con cách đánh người, nhưng mà chị có dạy hay không và con chị có tự học được hay không nhiều khi lại là hai chuyện khác nhau.
Em vẫn nghe mọi người nói là ly dị hại cho trẻ nhỏ, ly dị ảnh hưởng đến nhân cách trẻ ... Ai cũng nói thế mà ai cũng coi đó là chuyện đương nhiên phải thế, nhưng em quen người bạn, bao nhiêu năm tuổi thơ rất ít khi cười nói vui vẻ, cứ lúc có mặt đủ cả bố mẹ là rầu rĩ bởi lẽ bố mẹ anh ta vốn dĩ nên ly dị từ lâu nhưng cứ nấn ná mãi hàng chục năm, đến cả ly thân cũng không, giờ khi con đã sắp lấy vợ đến nơi họ mới ly dị thật.
Nhiều lúc em nghĩ kể ra bố mẹ anh ta sớm ly dị, rồi sớm tìm cho anh ta những bậc mẹ kế hay bố dượng tốt, xây đắp lại những gia đình êm ấm thì có lẽ tuổi thơ của anh ta đã trôi qua vui vẻ hơn, có không bằng tuổi thơ của những đứa trẻ có bố mẹ hạnh phúc không ly dị bao giờ thì chí ít với gia đình họ, như thế cũng là tốt hơn, ít ra thì anh ta không phải lớn lên với những hình ảnh bố đánh mẹ diễn ra hàng ngày.
Chị cũng đừng sợ việc con lớn lên không có bố là việc gì quá khó khăn. Với người mẹ có trình độ biết cách chăm sóc và dạy con, đứa trẻ vẫn có thể lớn lên là một công dân tốt được, những đứa trẻ mồ côi ngoan ngoãn và những đứa con từ các gia đình đầy đủ cả bố và mẹ vẫn trở nên hư hỏng là việc bình thường diễn ra hàng ngày ở bất kỳ đâu, vấn đề không phải tại có bao nhiêu người tham gia nuôi dạy chúng mà là nuôi dạy như thế nào thôi.
Tất cả những gì em nói chỉ có thế, em tuyệt nhiên không dám có ý kiến gì với quan hệ giữa vợ chồng chị cả mà hoàn toàn chỉ nói những gì có liên quan đến lợi ích của con chị thôi, bởi vì, như em đã nói ở trên, em chưa làm mẹ, chưa làm vợ, em là một người mới chỉ có đúng kinh nghiệm làm con.
VnExpress - Tâm sự (tổng hợp hơn 5000 bài viết) VnExpress - Tâm sự (tổng hợp hơn 5000 bài viết) - VnExpress VnExpress - Tâm sự (tổng hợp hơn 5000 bài viết)