Điều tôi quan tâm không phải là bạn đã thắng hay thua, mà là bạn có sẵn sàng đón nhận thất bại hay không.

Abraham Lincohn

 
 
 
 
 
Tác giả: VnExpress
Thể loại: Tùy Bút
Số chương: 5239
Phí download: 44 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4221 / 45
Cập nhật: 2014-12-04 16:13:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
5 năm trải đời từ ngày mất cả cha lẫn mẹ
ia đình từ bỏ, bạn bè không có, con đã lang thang qua những con phố sầm uất của đất Hà Thành với cơn đói cồn cào vì không đồng xu dính túi. Con từng nhếch nhác ngủ trên những mái hiên nhà tránh từng cơn gió lạnh ở những bước chân đầu tiên.
Vậy là thêm một mùa tết đã qua… giống như bao mùa tết đơn côi khác thiếu hơi ấm gia đình, thiếu bạn tay bố mẹ. Chợt nhớ chỉ còn hơn tháng nữa thôi là giỗ 5 năm ngày mất của bố. Cúi xuống con thở dài, thời gian sao mà trôi nhanh thật!
Vậy là đã bao mùa trăng đi qua, với con mọi thứ tưởng chừng như mới ngày hôm qua. Con cứ nhớ mãi ngày bố mất, vì sau đó chẳng bao lâu con bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới, mà cho đến bây giờ gần 5 năm rồi mà con vẫn còn tưởng nó là một giấc mộng của cuộc đời.
Phiên tòa của 9 năm về trước kết thúc với mức án cao nhất sau những bản kháng cáo là 16 năm tù. Nhìn hình dáng của bố ngã khuỵu xuống sau vòng mánh ngựa, đứa trẻ 12 tuổi lúc đấy là con, ở bên ngoài đã níu chặt tay chú cảnh sát khóc lóc và van xin để được cho bố về nhà. Khi ấy, con không còn quá nhỏ hay cũng đã đủ lớn để thấu hiểu được nỗi đau đớn thứ 2 sau ngày tháng mất mẹ chẳng được bao lâu.
Ánh mắt lo âu của bố nhìn con, con biết bố không sợ ngày tháng dài ở đằng sau kia song sắt với nỗi oan mà có lẽ bố lo rằng thời gian tới ai sẽ thay bố chăm sóc 3 chị em con. Khi mà mẹ cũng bỏ lại lỗi lầm cho bố và rời khỏi chị em con khi đứa em út tội nghiệp của con còn chưa kịp biết bò. Con cũng thầm trách, trách mẹ, trách trời, trách xã hội vì không có tiền nên đã không mua được công lý!
Một năm sau bản án được tuyên, trước ngày tết con được lên thăm bố. Ở khu rừng núi xanh ấy, sau cánh cửa con thấy bố bước ra. Nhìn bố tiều tụy quá, khi đó mới 36 tuổi thôi mà tóc bố đã bạc trắng đầu, đôi mắt bố trũng sâu, có lẽ những đêm không ngủ vì âu lo đã thành ra vậy. Sau khi gửi cho bố những vật dụng cần thiết, bố nắm tay dịu dàng dắt con đi dạo ở trong khuôn viên trại, giọng nói an ủi và dặn dò con đủ thứ.
Khoảnh khắc con giấu giếm dúi nhẹ tấm hình nhỏ của thằng út vào tay bố và nói “cu Đức nó giờ vẫn chưa biết đi bố ạ, người ta bảo nó bị não bẩm sinh nên không thể phát triển nhanh được…”. Con thấy bố run lên và cả con và bố cùng ôm nhau khóc. Hết 1 tiếng thăm nuôi, nhìn bóng dáng bố dần khuất xa sau những luồng cây, lòng con như có thêm một vết cứa đau thắt khi tưởng tượng về những ngày bố ở trong đó sống ra sao!
Vậy mà chỉ 2 năm sau đó thôi, bố được về sớm hơn mức phạt, thật ra là vì bệnh nặng nên bố được tạm cho về, thế mà con ngỡ tưởng từ giờ sẽ được ở bên cạnh bố, được bố yêu thương…không còn phải ở với người khác, không còn phải bị nghe mắng, bị la rầy, cốc đầu mỗi ngày qua nữa. Ấy thế mà bố lại cũng như mẹ, chỉ chưa đầy một năm vì bệnh nặng mà đã lỡ bỏ lại chị em con trong tiếng khóc gào gọi tên bố mà không thấy tiếng thưa vọng về!
10 năm tuổi thơ con có bố, vỏn vẹn trong 7 tháng con được bố hết mực yêu thương để bù đắp lại những thiệt thòi trong suốt mấy năm từ khi mẹ mất đã phải bỏ học và làm nhiều việc như một người mẹ đối với đứa em đang bị căn bệnh hoành hành. Ấy vậy mà trong 7 tháng ấy lại là những ngày tháng cho đến suốt cuộc đời này con vẫn còn ân hận vì đã không nghe lời bố. Tết đó vì có bố coi sóc em nên con được đi chơi với bạn bè nhiều lắm, chưa bao giờ con lại cảm thấy mình được tự do đến vậy. Con thả sức chơi đến quên cả giờ giấc.
Tuổi mới lớn ngốc nghếch con cũng tập tành chơi game như những chúng bạn khác, con đã quên những sự thật của gia đình mình, con lấy sự yêu thương của bố làm cái lý do mình đáng được bù đắp như thế và chơi game nhiều hơn. Bố cũng la con từ nhẹ nhàng khuyên bảo đến nhắc nhở nặng nhưng con vẫn cứ tính nào tật ấy…
Cho đến khi con kịp nhận ra thì đã quá muộn, bố cũng đã đi xa. Con lại trở về cuộc sống hàng ngày cùng với kiếp thân tầm gửi, mọi thứ thật cay đắng biết bao nhiêu khi sự đối xử với con ngày càng tệ. Đứa trẻ như con lại ngây ngô nhặt từng viên sỏi nhỏ bỏ vào chai nước khoáng 500ml đếm cho mình những ngày bình yên.
Cho đến 5 năm trước, rạng sáng 49 ngày bố mất, sau tất cả những chịu đựng, con gói vội mấy bộ quần áo vào chiếc cặp sách nhỏ, hôn lên trán đứa em nhỏ đang ngủ say, bắc thang hàng ngang và khênh chiếc xe đạp kỷ niệm bố mẹ mua cho con ném qua chiếc tường 1m2. Con bỏ đi trong đêm tối mịt mờ, nước mắt rơi. Thầm nghĩ giờ con biết đi về đâu?
Gia đình từ bỏ, bạn bè không có, con đã lang thang qua những con phố sầm uất của đất Hà Thành với cơn đói cồn cào vì không đồng xu dính túi. Con từng nhếch nhác ngủ trên những mái hiên nhà tránh từng cơn gió lạnh ở những bước chân đầu tiên. Để đến khi biết mình phải đứng lên để sống, sống đúng với mục đích khi đã bỏ đi thì con làm những công việc đầu tiên như rửa chén, lau nhà, dọn vệ sinh ở những quán ăn. Lang thang hết từ Bắc vào Nam để phấn đấu, tìm cho mình những cơ hội để thay đổi mọi thứ, để làm trái lại với những gì ông trời đã trao cho con.
Sau hơn một năm đầu với bao nhiêu khó khăn chồng chất lẫn những trận chửi rủa của người đời xung quanh mỗi khi con làm sai gì đó, đau khổ đến mức nhiều lúc đã tìm đến cái chết thì con vực dậy nhờ người quen tìm cơ hội vào Sài Gòn để mong có một điều tốt đẹp hơn sẽ đến. Có lẽ nhờ ông trời, bố mẹ thương cho, con đã gặp được nhiều bạn bè tốt và cũng kể từ đó con luôn gặp may mắn trong những khó khăn tưởng chừng không lối thoát, tự dặn mình không va vào những cạm bẫy tội lỗi của xã hội.
Con tích cóp tiền đi học lại, học ngoại ngữ. Vừa học vừa làm thêm đủ các ngành nghề, từ nhân viên tư vấn, giới thiệu sản phẩm hay cho đến giúp việc nhà ngắn hạn. Con cứ làm, miễn sao có tiền để được đi học, vì con hiểu chỉ có học mới có thể mang lại cho con và cả các em một tương lai sáng và bền vững. Quả thật không phụ những nỗ lực ấy, sau 2 năm nhờ vào vốn ngoại ngữ ít ỏi và sự đùm bọc của các thầy cô giáo con đã có thể xin được công việc tử tế đầu tiên, vừa phiên dịch không chuyên, vừa được dạy tiếng Việt cho người nước ngoài với mức lương khá.
Con được mở mang kiến thức rất nhiều, và cũng có cơ hội để tự mình cố gắng cùng mọi người giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác. Cho đến bây giờ, sau 5 năm, con cố gắng vượt qua khó khăn, vượt qua nỗi đau từng đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Vượt qua những lời rũ bỏ độc địa gắn cho con những điều không hay, không đúng sự thật từ phía một số người thân trong gia đình, con đã đạt được mong ước đầu tiên mà con không thể ngờ tới.
Thậm chí con cũng không thể tin được là con có thể được đi du học ở một đất nước văn minh và cho đến ngày hôm kia con đã được đổi visa từ học sinh học ngôn ngữ sang sinh viên đại học chính thức với 50% học bổng sau kết quả thi đạt điểm tốt đấy bố ạ. Lúc đó con đã khóc rất nhiều, con ước gì bố và mẹ còn sống, ước gì được gào to lên rằng con đã làm được đến như vậy cho cả thế giới này biết.
Cũng trong 2 năm gần đây con đã về nhà, cũng lo cho các em đỡ được phần nhỏ bé nào, xin cho thằng thứ 2 đi học lại để không nhỡ nhàng như con, và con cũng được mọi người nhìn nhận lại khác hơn. Những người từng đối xử tệ với con cũng yêu thương con dù mỗi đêm con vẫn còn buồn, khóc thầm và ám ảnh về quá khứ của gia đình mình rất nhiều, nhưng mỗi ngày con dặn mình phải cố gắng hơn, sống tốt hơn.
Có lẽ khi những nỗi đau đã vượt qua giới hạn chịu đựng của con người thì không gì không làm được. Con cũng nhận ra rằng cuộc sống này luôn mở cho con người ta những cơ hội, không có hoàn cảnh nào có thể dồn mình vào con đường xấu nếu như mình không muốn.
Con từng rất nhẫn tâm để đạt được điều mình muốn, rất bướng và cứng đầu khi không chịu từ bỏ những thứ mà con cố chấp tin rằng sẽ làm được, cho dù nhiều khi chính con lại là người nhận những tổn thương từ đấy. Và cái giá lớn nhất của con phải trả bây giờ là phải xa 2 đứa em mà con coi như là cuộc sống, là động lực của chính mình sau bao nhiêu năm và những lần gặp chóng vánh. Con cứ đi, đi mãi và bây giờ thật sự là con muốn trở về với tụi nhỏ.
“Vì tôi đã đủ những nỗi đau, nên bây giờ tôi mong muốn mình được hạnh phúc “, con cũng mong muốn như vậy, muốn có được cảm giác gia đình, muốn được sự quan tâm, bao bọc từ những người thân yêu. Nhưng con biết điều con cần làm bây giờ là ở đất nước Hàn Quốc xa xôi này con sẽ cố gắng vừa học vừa làm thêm thật tốt, vượt qua cả sự cô đơn và những khi trùn bước muốn bỏ cuộc để 4 năm sau khi con tốt nghiệp trở về có thể chăm lo những cái tết thật sự đúng nghĩa cho các em. Dù thiếu bàn tay của bố mẹ nhưng con hy vọng sẽ thay được bố mẹ để chăm lo cho các em cả quãng đời này về sau.
5 năm thật sự đã đi qua, con không thể kể hết hàng trăm hàng ngàn sự việc đã xảy ra với con, nhưng con tin bố mẹ vẫn luôn dõi theo bước chân của con mỗi ngày. Và dù là mất cả 10 năm đi chăng nữa, đối với con không bao giờ là muộn, là lâu để có thể thay những cái điều xấu từng đeo đẳng gia đình mình trở lên sáng và tốt đẹp hơn.
Ha Na
VnExpress - Tâm sự (tổng hợp hơn 5000 bài viết) VnExpress - Tâm sự (tổng hợp hơn 5000 bài viết) - VnExpress VnExpress - Tâm sự (tổng hợp hơn 5000 bài viết)