This nice and subtle happiness of reading, this joy not chilled by age, this polite and unpunished vice, this selfish, serene life-long intoxication.

Logan Pearsall Smith

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 64
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1514 / 42
Cập nhật: 2016-06-20 21:01:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lời Chú Cuối Sách
Do có nguồn gốc trực tiếp từ các bộ chính sử cũ, sách này không sao tránh khỏi việc sử dụng các khái niệm và từ cổ, rất khó dịch. Để giúp bạn đọc khỏi mất công tra cứu, chúng tôi viết thêm Lời chú cuối sách. Lời chú các từ cổ và khái niệm xưa được sắp xếp theo thứ tự vần chữ cái của tiếng Việt. Ngay sau tên các khái niệm và từ cổ chúng tôi để số thứ tự của các giai thoại trong ngoặc đơn, cốt làm cho bạn đọc tiện tra ngược trở lại. Đây chỉ mới là lời chú gọn nhất, và hầu hết lời chú này chỉ đúng với thời Lê Sơ mà thôi.
Á THƯỢNG HẦU (31): Tên tước vị. Tước Hầu gồm năm bậc cao thấp khác nhau: Quốc hầu, Quận hầu, Huyện hầu, Hương hầu và Đình hầu. Mỗi bậc lại còn có ba hàng cao thấp khác nhau nữa, đó là Thượng hầu, Á thượng hầu và Hầu. Đây có lẽ là tước Quốc Á thượng hầu, vì chẳng bao lâu sau đó, Lê Ngân được phong lên tước Quốc thượng hầu.
AI LAO (02): Tên vương quốc. Nay, vương quốc này thuộc lãnh thổ Lào.
AN BANG (56): Tên đất. Đất này nay thuộc Hải Phòng và một phần tỉnh Quảng Ninh.
ÁO CỔN (27): Áo lễ Của nhà vua.
ẤN VÀNG (05): Quả ấn bàng vàng. Như đã nói trong lời mở đầu, do không có nguyên bản chữ Hán Đại Việt thông sử, cho nên, những giai thoại lấy từ Đại Việt thông sử, chúng tôi đều mượn bản dịch của ông Ngô Thế Long. Không rõ vì sao ông Ngô Thế Long lại dịch: ấn vàng (kim phù). Thực ra, ấn vàng không phải là kim phù.
ẤN TRUYỀN QUỐC (53): Quả ấn truyền từ đời vua này đến đời vua khác trong thời trị vì của một dòng họ nào đó. Đây chỉ quả ấn truyền qua nhiều đời vua Lê.
BẢN TÂM (15): Tấm lòng vốn có của mình. Đây chỉ tấm lòng nhân đức vốn có của Lê Lợi.
BẬC TỂ PHỤ (40): Quan đầu triều, quan có tước vị và chức hàm lớn nhất triều đình.
BÍ THƯ GIÁM XÁ NHÂN (54): Chức quan nhỏ, lo giữ giấy tờ, tài liệu lưu trữ của triều đình.
BÌNH CHƯƠNG QUÂN QUỐC TRỌNG SỰ (05), (28): Thời vua Lê Thái Tổ, đây là vinh hiệu ban tặng thêm cho một số công thần khai quốc. Thời vua Lê Thánh Tông đến thời vua Lê Uy Mục, vinh hiệu này bị bỏ. Từ thời vua Lê Tương Dực (1510 - 1516) trở đi, vinh hiệu này được dùng để ban tặng cho quan Tể tướng.
BỒ ẢI (07): Tên đất. Đất này thuộc phía Nam tỉnh Nghệ An.
CẦU KÊNH (37): Tên đất, nay thuộc Hà Nội.
CẦM BÀNH (06): Tướng của nhà Minh.
CÔNG PHỤC (27): Trang phục của quan lại mặc lúc vào triều làm việc, khác với lễ phục là trang phục mặc lúc dự lễ.
CỤC TẢ BAN TẤT TÁC (19): Tên một bộ phận thợ thủ công của triều đình. Bộ phận này do Bộ Công quản lí.
CUNG VƯƠNG KHẮC XƯƠNG (44): Tước hiệu (là Cung Vương) của Hoàng tử Lê Khắc Xương (con của vua Lê Thái Tông). Cung Vương Khắc Xương cũng chính là Tân Bình Vương.
CỬA BẢO KHÁNH (57): Tên cửa trong kinh thành Thăng Long. Cửa này nay không còn vết tích gì nữa.
CỬA ĐẠI HƯNG (50): Tên cửa trong kinh thành Thăng Long. Cửa này nay không còn vết tích gì nữa.
CỬA LỆ CẢNH (56): Tên cửa trong kinh thành Thăng Long. Cửa này nay không còn vết tích gì nữa.
CỬA THÁI MIẾU (55): Tên cửa trong kinh thành Thăng Long. Cửa này dẫn vào nhà Thái Miếu là nhà thờ các vị vua đã quá cố. Nay không còn vết tích gì nữa.
CỬA THÁI HỌC (57): Tên cửa trong kinh thành Thăng Long. Cửa này nay không còn vết tích gì nữa.
CỬA THANH DƯƠNG (55): Tên cửa trong kinh thành Thăng Long. Cửa này nay không còn vết tích gì nữa.
CHỈ HUY ĐỒNG TRI (9): Chức võ quan trong bộ chỉ huy đội quân làm nhiệm vụ thường trực bảo vệ ở hoàng thành, có hàm từ Tam phẩm trở xuống.
CHIẾT TỰ (37): Tách một chữ Hán thành từng bộ hoặc từng nét để có thể diễn đạt thành một ý khác với nguyên nghĩa của chữ, hoặc giả là để bói.
CHIÊU NGHI (01): Tên đất. Đất này nay thuộc Lam Sơn, Thanh Hóa.
CHỦ BẠ NAM ĐẠO (40): chức quan giúp việc ở Thừa Ti của Nam Đạo. Nam Đạo là vùng đất tương ứng với một phần của tỉnh Hải Dương, cộng với các tỉnh HàNam, Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình.
CHÙA KIM CỔ THIÊN HOA (60): Tên chùa. Chùa này ở Hà Nội.
CHUYỂN VẬN PHÓ SỨ HUYỆN VĂN BÀN (40): Chức quan giúp việc thu nạp các khoản thuế của huyện Văn Bàn. Huyện Văn Bàn thuộc phủ Quy Hóa, thừa tuyên Hưng Hóa. Nay huyện này thuộc về vùng phía nam của đất Tuyên Quang. Xét về thứ bậc, trên chức Phó sứ còn có chức Chánh sứ nữa (thừa tuyên là đơn vị hành chánh địa phương lớn nhất thời Lê Sơ).
DANH SƠN ĐẠI XUYÊN VÀ THẦN KÌ CÁC XỨ (15): Núi và sông lớn nổi tiếng linh thiêng, cùng các vị thần có lắm phép lạ ở khắp mọi xứ.
DƯƠNG QUANG (61): Tên đất. Đất này nay thuộc Bắc Ninh.
DƯƠNG VŨ TĨNH NẠN CÔNG THẦN (28): Vinh hiệu. Vinh hiệu này có nghĩa là: bậc võ tướng có công lớn trong thời kì hợp mưu cứu nạn nước (tức thời kì khởi nghĩa Lam Sơn).
ĐẠI LỘ (27): Tên một loại xe riêng của vua. Xe này chỉ dùng để nhà vua dạo chơi trong hoàng thành, dùng người để kéo.
ĐẠI PHU (35): Đầu thời Lê Sơ, Đại phu hay Gián nghị đại phu là chức quan lớn, làm việc ở Môn Hạ Sảnh. Chức này do hai người nắm giữ là Tả và Hữu. Từ thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) trở đi, Đại phu chỉ là vinh hiệu dùng để ban tặng cho các quan cương trực mà thôi.
ĐẠI TƯ ĐỒ (20): Là một trong Tam tư: Tư đồ, Tư mã và Tư không. Chức này bát đầu có từ thời Trần (1225 - 1400), nhưng thật ra chỉ là vinh hiệu ban tặng thêm cho các bậc đại thần có họ hàng gần gũi với nhà vua mà thôi. Đầu thời Lê Sơ, chức này cũng được ban cho những bề tôi có công lớn. Đến đời vua Lê Thánh Tông, tất cả các chức Tam tư đều bị bỏ. Về thứ bậc, Tam tư ở dưới Tam công (hay Tam thái) là Thái sư, Thái phó,. Thái bảo, cũng ở dưới Tam thiếu là Thiếu sư, Thiếu phó và Thiếu bảo.
ĐẠI ĐÔ ĐỐC, PHIÊU KỊ THƯỢNG TƯỚNG QUÂN, ĐẶC TIẾN KHAI PHỦ NGHI ĐỒNG TAM TI, THƯỢNG TRỤ QUỐC, QUỐC THƯỢNG HẦU (31): Võ
quan chức Đại đô đốc, hàm Phiêu kị thượng tướng quân, vinh hiệu là Đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ti, lại có vinh hiệu khác là Thượng trụ quốc và tước vị là Quốc thượng hầu (cao nhất trong hàng tước Hầu).
ĐẠI YẾN (27): Bữa tiệc lớn của triều đình.
ĐÀI QUAN (35): Quan làm việc ở Ngự Sử Đài. Ngự Sử Đài là cơ quan lo việc can gián vua, chỉ trích sai sót hoặc lỗi lầm của quan lại. Chức này cũng gọi là Ngôn quan, Ngự sử quan...v.v.
ĐÀY CẬN XỨ (24): Đày đi xứ gần. Tên hình phạt xưa. Hình phạt này nhẹ hơn hình phạt đày viễn xứ là đày đi xứ xa.
ĐÀY VIỄN XỨ (24): Đày đi xứ xa. Tên hình phạt xưa.
ĐIỆN QUANG MỸ Ở PHƯỜNG LỆ VIÊN, HUYỆN QUẢNG ĐỨC (52): Quang Mỹ là tên cung điện. Phường Lệ Viên là một trong những phường của kinh thành Thăng Long. Kinh thành Thăng Long lúc này, nếu tính cả khu vực ngoại vi thì có tất cả 61 phường. Thăng Long thuộc phủ Phụng Thiện, phủ này có hai huyện là Quảng Đức và Thọ Xương
ĐIỆN TRƯỜNG QUANG (60): Tên cung điện trong kinh thành Thăng Long.
ĐÔ CHỈ HUY THIÊM SỰ (9): Chức võ quan có hàm từ Chánh tam phẩm trở xuống, tương tự như chức Điện tiền chỉ huy sứ thời Tiền Lê và thời Lý. Nhà Trần bỏ chức này, nhưng nhà Lê từ đời vua Lê Thánh Tông trở đi thì đặt lại.
ĐÔ ĐỐC (49): Vua Lê Thánh Tông lập ra năm phủ quân là Trung quân, Đông quân, Tây quân, Bắc quân và Nam quân, mỗi quân đặt hai chức Đô đốc để cai quản, là Tả và Hữu đô đốc.
ĐÔ GIÁM TRUNG THỪA (29): Thời Lê, đây là chức quan cao cấp, làm nhiệm vụ điều phối hoạt động của năm phủ quân.
ĐÔNG ĐẠO THAM TRI (34): Chức quan đứng đầu Đông Đạo. Đông Đạo là vùng tương ứng với một phần của Hải Hưng cũ và toàn bộ Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay. Đầu thời Lê, triều đình lập ra cơ quan Khu Mật Viện, các quan giữ trọng trách ở cơ quan này gọi là Tham tri. Đến thời Lê Thánh Tông, chức quan đứng đầu mỗi đạo thì gọi là Tham tri.
ĐỒNG TỔNG QUẢN (23): Chức võ quan, dưới quan Đại tổng quản và quan Tổng quản. Tất cả các quan ở hàng này đều ở dưới bậc Tướng quân.
GIA TĨNH MỤC ÔN CUNG NHU THUẬN, THÁI HOÀNG THAI HẬU (52): Tên Thụy (tên đặt sau khi đã mất) của Thái hoàng thái hậu (tức bà nội). Bà là thân mẫu của vua Lê Hiến Tông (1497 - 1504), tức là bà nội của vua Lê Uy Mục (1505 - 1509).
GIÁM SÁT NGỰ SỬ (37): chức quan làm việc ở Ngư Sử Đài là cơ quan lo việc can gián vua và chỉ trích sai sót hoặc lỗi lầm của quan lại.
HẠ VỆ (23): Chức hàm của võ quan hạng thấp.
HẢI TÂY ĐẠO ĐỒNG ĐÔ ĐỐC TỔNG QUẢN (28): Hải Tây đạo là đạo Hải Tây. Đạo này tương ứng với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên ngày nay. Đồng đô đốc cũng như Hữu đô đốc là chức võ quan ở dưới chức Tả đô đốc hay Đại đô đốc. Tổng quản ở đây không phải là chức hàm mà là bao quát mọi việc.
HÀN LÂM VIỆN THỊ GIẢNG, NGỰ TIỀN HỌC SINH CỤC PHÓ (29): Chức quan ở viện Hàn Lâm, giúp việc học tập của nhà vua và Hoàng tử.
HÀO LỤC TAM TRONG QUẺ GIẢI (38): Quẻ Giải là tên của một quẻ trong Dịch kinh đại toàn (quyển 10). Hào Lục Tam của quẻ này thuộc vế âm, bản chất nhu mềm, chỉ có thể ở dưới, đưa lên là sai, cũng như trường hợp Nguyễn Thúc Huệ và Bùi Thì Hanh là kẻ
thấp kém mà lại được cất nhắc lên ngôi vị cao là không được.
HOA HỒNG QUỲ (55): Tên một loài hoa khi đã nở thì có thể tự xoay theo hướng Mặt Trời, cũng như hoa hướng dương vậy. Hoa quỳ nhỏ, có nhiều màu, hoa quỳ màu hồng thì gọi là hồng quỳ. Xưa, hoa quỳ, hoa hoắc dược coi là biểu tượng của kẻ trung thành với bề trên.
HOA VĂN HỌC SINH (56): Chức ngoại ngạch, làm việc ở Trung Thư Giám. Nhà Lê quy định số lượng Hoa văn học sinh gồm tất cả 100 người.
HỌC SĨ (20): Người khoa bảng làm việc ở viện Hàn Lâm, dưới quyền của Đại học sĩ. Từ thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), chức này bị bỏ một thời gian khá dài.
HỘI THỀ LŨNG NHAI (05): Hội thề được Lê Lợi tổ chức năm 1416 tại Lũng Nhai (một vị trí ở gần Lam Sơn). Cũng có thể coi đây là lễ ra mắt dưới một dạng thức đặc biệt của Bộ chỉ huy Lam Sơn.
HÙNG TRƯỞNG (01): Người có thế lực mạnh, đương nhiên được coi là đứng đầu một khu vực hay một địa phương nào đó.
HUỆ PHI (31): Bậc thứ ba trong hàng thứ hai của vợ vua.
HƯ VỊ (17): Có chức vị mà không có quyền hành gì cả.
HỮU ĐÔ ĐỐC (62): Chức võ quan, dưới chức Tả đô đốc và cùng với quan Tả đô đốc trông coi một trong năm phủ quân.
HỮU TI (24): Tên của một trong hai ban làm việc tại Môn Hạ Sảnh của triều đình là Tả và Hữu ti. Hữu ti lo việc cấp giấy tờ cho quan lại đi công cán ở trong cũng như ngoài nước. Tả ti và Hữu ti thời Lê khác hẳn với Tả ti và Hữu ti thời Lý – Trần. Thời Lý - Trần, Tả ti và Hữu ti là hai ban lo việc giúp vua mỗi khi vua xuất hành đâu đó mà thôi.
HỮU TI THỊ LANG (34): Quan làm việc ở Hữu ti, có hàm Thị lang là hàm ở dưới hàm Thượng thư và được cùng với Thượng thư, chịu trách nhiệm về hoạt động của một bộ nào đó.
KÌ LÃO (20): Chức quan đặt ra mỗi khi cử sứ bộ ra nước ngoài. Chức này dưới quyền của quan Chánh sứ và quan Phó sứ.
KIỆU CHÍN RỒNG VÀ KIỆU BẢY RỒNG (27): Kiệu riêng của nhà vua, ngoài có chạm 9 con rồng hoặc 7 con rồng tùy loại. Kiểu kiệu này vốn là của các Hoàng đế Trung Quốc.
KIM QUA, PHỦ VIỆT, CHÀNG PHƯỚN, TINH KÌ, MAO TIẾT, CHƯƠNG PHIẾN LONG NGŨ PHƯỢNG (27): Qua vàng (qua là một loại vũ khí), búa rìu, các loại cờ quạt có thêu hình rồng và hình năm con phượng, tức những vật dụng đặc biệt của nhà vua.
KIM TỬ VINH LỘC ĐẠI PHU, TẢ LÂN HỔ VỆ TƯỚNG QUÂN, TƯỚC LIỆT HẦU (40): Người ở hàng tước Hầu, chức Tướng quân cai quản Tả lân hổ vệ, hàm Kim Tử Vinh Lộc đại phu.
KHẢ LAM (01): Tên đất. Đất này nay thuộc Lam Sơn, Thanh Hóa.
LAM SƠN (08): Tên đất, cũng là tên cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo. Đất này nay thuộc tỉnh Thanh Hóa. Khi khởi nghĩa, giải phóng đất đai tới đâu, Lê Lợi cho lập chính quyền tới đó. Hệ thống chính quyền này, người đương thời gọi là chính quyền Lam Sơn. Nhân thể, người ta cũng thường nói là quan lại Lam Sơn, chính sách Lam Sơn, quân pháp Lam Sơn...v.v.
LÀNG CHỦ SƠN, HUYỆN LÔI DƯƠNG (01): Tên đất. Huyện Lôi Dương nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
LÀNG PHÙ CHẨN (56): Tên làng, cũng là tên xã ở huyện Đông Ngàn, nay thuộc Bắc Ninh.
LẠNG SƠN VƯƠNG (41): Tước Vương, hiệu là Lạng Sơn. Tước hiệu này là của Lê Nghi Dân, con của vua Lê Thái Tông.
LĂNG NGỰ THIÊN (57): Tên lăng. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết lăng này ở huyện Ngư Thiên. Huyện Ngư Thiên đặt từ thời Lý, đến thời thuộc Minh đổi là huyện Khâm Đức, thời Lê lấy lại tên cũ là Ngư Thiên, thời Nguyễn
đổi là huyện Hưng Nhân. Như vậy, Ngự Thiên nay thuộc về Thái Bình. Tuy nhiên, chúng tôi có phần băn khoăn khi đọc lời chú này của sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Xin chờ kiểm chứng sau.
LỄ NGHI HỌC SĨ (33): Người có học nhưng không có bằng cấp gì lo việc dạy về lễ nghi. Chức này thời Lê Sơ, chừng như chỉ có Nguyễn Thị Lộ là người duy nhất được vua trao cho.
LÍNH NGŨ PHỦ (46): Quân lính trong ngũ phủ, tức trong năm phủ quân (là Trung, Đông, Tây, Nam, Bắc phủ)
LÍNH TAM GIANG (13): Lính ở đồn Tam Giang. Đồn này do quân Minh lập ra, cốt để án ngữ cả đường bộ lẫn đường thủy từ Vân Nam của Trung Quốc sang ta.
LỖ BỘ ĐẠI GIÁ (27): Lỗ bộ là đồ binh khí gồm nhiều loại, mỗi loại một thứ, đem gộp lại để chưng. Đại giá là giá lớn, dùng để chưng những binh khí nói trên. Xưa, cung vua, công đường, dinh thự của quan lại và cả đền miếu... đều có bày lỗ bộ trên giá, cốt để tăng sự uy nghiêm.
LỖ BỘ TI ĐỒNG GIÁM (29): Chức quan hàng phó ở Lỗ Bộ Ti. Lỗ Bộ Ti là cơ quan quản lí nghi trượng của vua và triều đình.
LỖI GIANG TRẤN PHỦ QUÂN, THƯỢNG TƯỚNG QUÂN (40): Chức võ quan hàm Thượng tướng, đứng đầu trấn Lỗi Giang.
MÃ LỘ (27): Tên một loại xe riêng của vua, chỉ dùng để đi trênđường lớn và xa, lấy ngựa để kéo. Đây là kiểu xe bắt chước của Trung Quốc.
MẪN LỆ (60): Chỉ vua Lê Uy Mục. Nhà vua tên thật là Lê Tuấn, lại cũng có tên khác là Lê Huyên, con thứ hai của vua Lê Hiến Tông, sinh năm 1488, lên ngôi năm 1505, mất năm 1509, miếu hiệu là Lê Uy Mục. Nhà vua bị Lê Tương Dực cướp ngôi và giáng xuống làm Mẫn Lệ Công nên người đời sau cũng nhân đó mà gọi Lê Uy Mục là Mẫn Lệ Công hay Mẫn Lệ.
MÔN HẠ HỮU TI LANG TRUNG, KIÊM THAM TRI TÂY ĐẠO (37): Chức Lang trung, làm việc ở cơ quan Hữu ti, thuộc Môn Hạ Sảnh, kiêm quyền đứng đầu Tây Đạo (Tây Đạo là vùng từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên ngày nay).
MŨ CHẦU (27): Loại mũ dùng để đội khi vào chầu triều. Mỗi hàng quan lại có một loại mũ chầu riêng.
MŨ MIỆN (27): Mũ của nhà vua đội lúc thiết triều.
MŨ SA ĐEN (27): Mũ bọc bằng sa màu đen, dành cho quan lại.
MUỐN CHO YÊN LÒNG DÂN MỚI QUY PHỤ (09): Lời dịch của ông Ngô Thể Long. Xin đảo ngược lại cho dễ hiểu hơn: Muốn cho dân mới theo về được yên lòng...
NĂM QUANG THUẬN THỨ NHẤT (47): Sử cũ chép việc theo thứ tự niên hiệu của nhà vua và thứ tự năm âm lịch, chứ không phải là theo thứ tự năm dương lịch như ngày nay. Vua Lê Thánh Tông đã đặt hai niên hiệu là Quang Thuận (1460 - 1469) và Hồng Đức (1470 - 1497). Như vậy, năm Quang Thuận thứ nhất là năm 1460.
NỘI MẬT VIỆN (20): Cũng tức là Khu Mật Viện, cơ quan cao nhất của triều đình về các vấn đề dân sự của quốc gia. Từ thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) trở đi, cơ quan này bị bãi bỏ, đến đời vua Lê Chiêu Thống mới lập lại.
NỘI MẬT VIỆN THAM TRI (34): Chức quan ở hàng thứ năm trong cơ quan Nội Mật Viện, sau chánh sứ, Phó sứ, Tri viện sự và Đồng tri.
NỘI NHÂN PHÓ CHƯỞNG (29): Tên chức quan hầu cận nhà vua, ở sau bậc nội nhân chánh chưởng.
NGHI TRƯỢNG (27): Cách chưng các đồ binh khí.
NGŨ HÌNH VIỆN (35): Cũng tức là Hình Viện. Cơ quan này, cuối thời Trần mới đặt, lúc đó gọi là Tự, đầu thời Lê bị bỏ, đến đời vua Lê Thánh Tông thì tái lập và đổi gọi là Viện. Hình Viện trông coi về án kiện, xét xử và ngục tụng.
NGỰ MÃ (55): Ngựa riêng của vua.
NGỰ TIỀN HỌC SINH CỤC PHÓ (29): Chức quan đứng hàng thứ hai của cơ quan quản lí các chức ngoại ngạch trong triều. Chức này đứng sau chức Chánh sứ.
NGỰ TƯỢNG (55): Voi riêng của vua.
NGOẠI THÍCH Ở HOA LĂNG (55): Hoa Lăng là tên xã, xã này xưa thuộc huyện Thủy Đường, nay là huyện Thủy Nguyên, Quảng Ninh. Ngoại thích nghĩa là họ ngoại, đây chỉ bà con bên ngoại của vua Lê Uy Mục.
NGÀY CHÍNH ĐÁN (27): Ngày mồng một tết. Ngày sinh của các vua cũng gọi là ngày Chính Đán.
NGÀY KHÁNH TIẾT (27): Ngày mừng lễ lớn.
NGỤY TRƯNG (23): Bề tôi xiểm nịnh của Trung Quốc đời Đường Thái Tông.
NHÀ NHUẬN HỒ (15): Tức nhà Hồ (1400 - 1407). Sử cũ coi nhà Hồ là kẻ thoán nghịch, không phải dòng vua chính thống, nên thường chép là nhà nhuận Hồ.
NHÀ TẨM ĐIỆN (53): Nhà ngủ của vua.
NHÃ NHẠC (27): âm nhạc tao nhã, chính đáng.
NHẠC CỬU TẤU (27): Nhạc gồm chín loại nhạc cụ cùng hòa âm. NHẠC THƯỜNG TRIỀU (27): Nhạc cử trong các buổi thiết triều bình thường (thường dùng nhạc ngũ tấu là loại nhạc dùng 5 thứ nhạc cụ càng hòa âm), khác với nhạc cử trong các buổi thiết đại triều (các buổi thiết triều lớn) là nhạc cửu tấu (là loại nhạc dùng 9 loại nhạc cụ cùng hòa âm).
NHÂN MỤC (55): Tên đất. Đất này nay thuộc huyện Từ Liêm, ngoại ô của thành phố Hà Nội.
NHÂN VÔ THẬP TOÀN (17): Người ta không ai được mười phân vẹn mười, nghĩa là không ai được trọn vẹn hoàn hảo cả.
NHẬP NỘI SUY TRUNG TÁN LÝ DƯƠNG VŨ CÔNG THẦN, KIÊM LỖI GIANG
TRẤN PHỦ QUÂN, THƯỢNG TƯỚNG QUÂN (40): Võ quan có công, hàm Tán lí (ngang với Tam thái nhưng được tham dự bàn việc quân cơ) nguyên là công thần khai quốc, hiệu là Thượng tướng quân, kiêm giữ chức đứng đầu trấn Lỗi Giang.
PHÙ CHẨN (55): Tên làng. Xưa, làng này thuộc huyện Đông Ngàn. Nay, làng này thuộc Bắc Ninh.
PHỤ ĐẠO (01): Người đứng đầu một địa phương nào đó.
PHỦ DOÃN PHỦ PHỤNG THIÊN (59): Quan đứng đầu phủ, nếu phủ ấy cũng là đất đóng đô của nhà vua thì gọi là Phủ Doãn. Phủ Phụng Thiên lúc bấy giờ là Hà Nội ngày nay. Phủ này quản lĩnh hai huyện là Quảng Đức và Thọ Xương.
PHỦ HẠ NAM SÁCH (34): Tên đất. Đất Phủ Hạ Nam Sách nay là Hải Dương.
PHIÊU KỊ THƯỢNG TƯỚNG QUÂN (31): Thời Trần, chức này chỉ để phong cho Hoàng tử. Đầu thời Lê, chức này được dùng để phong cho các bậc công thần khai quốc. Trong hàng tướng quân, đây là bậc cao nhất.
PHONG THỦY (02): Nghề coi hướng đất và mạch đất tốt xấu để cất nhà, làm mồ mả...v.v.
MŨ PHỐC ĐẦU (27): Tức mũ cánh chuồn.
PHƯƠNG VẬT (20): Sản vật địa phương, đặc sản.
QUAN HIỆU ÚY (60): Võ quan trông coi một nha hay một vệ quân nào đấy trong số các vệ quân thường trực của triều đình. Quan này thường có tước vị hàng tòng lục phẩm.
QUAN LANG TRUNG (35): chức quan làm việc ở Tả Ti và Hữu Ti của Môn Hạ Sảnh hoặc ở sáu bộ. Lang trung ở dưới Thị lang và Thượng thư. Quan Thượng thư thường có tước tòng Nhị phẩm, Thị lang thường có tước tòng Tam phẩm, trong lúc đó quan Lang trung chỉ có tước Chánh lục phẩm mà thôi.
QUAN NGŨ HÌNH (35): Quan trông coi việc xử phạt tội nhân trong cơ quan Ngũ Hình Viện.
QUAN THÁI BẢO (48): Quan có hàm Thái bảo. Thái bảo là một trong Tam thái, gồm Thái sư, Thái phó và Thái bảo. Các quan này đều có tước chánh nhất phẩm.
QUAN KIM NGÔ HỮU VỆ (57): Quân lính ở vệ Kim Ngô. Lúc này, quân Kim Ngô chia làm Tả và Hữu Vệ. Vệ là tên đơn vị quân đội thường trực ở kinh đô.
QUAN TÚC VỆ (62): Đội quân thường trực, chuyên lo bảo vệ nhà vua.
QUÁN CHẤN VŨ (60): Tên quán. Quán này nằm trong kinh thành, nay không còn vết tích gì nữa.
QUẬN THƯỢNG HẦU (40): Bậc thứ ba trong tước Hầu, sau Quốc thượng hầu và Quốc Á thượng hầu.
SÁCH QUẦN ĐỘI (02): Sách là đơn vị hành chánh ở vùng trung du và rừng núi hoặc vùng hẻo lánh xa xôi. Quần Đội là tên riêng. Sách Quần Đội ở huyện Lôi Dương. Huyện Lôi Dương nay là huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa.
SẮC VĂN (56): Sắc chỉ của vua. Lời văn truyền tải mệnh lệnh của vua.
SÔNG CHÂN PHÚC (53): Tên sông ở Nghệ An.
SÔNG NHỊ (61): Tức sông Hồng.
SƠN ĐÔNG (17): Tên đất. Đất này nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
SUY TRUNG ĐỒNG ĐỨC HIỆP MƯU BẢO CHÍNH LŨNG NHAI CÔNG THẦN (05): Tên vinh hiệu, đại để là: Vị công thần có công dốc lòng bàn mưu tính kế bảo vệ lẽ chính từ ngày dự hội thề ở Lũng Nhai.
SUY TRUNG TÁN TRỊ HIỆP TRUNG MƯU QUỐC CÔNG THẦN, NHẬP NỘI KIÊM HỮU TƯ KHẤU, BÌNH CHƯƠNG QUÂN QUỐC TRỌNG SỰ (28): vị công thần, hiện giữ chức Nhập nội kiểm hiệu tư khấu, từng có công trong thời kì khởi nghĩa giành độc lập, được ban vinh hiệu là Suy trung tán trị hiệp trung mưu quốc công thần, lại được ban thêm vinh hiệu là Bình chương quân quốc trọng sự.
SỨ TI QUỐC OAI (37): Chỉ chung cơ quan cai trị ở Quốc Oai. Cơ quan này nếu đầy đủ thì gồm có: Thừa Ti, Đô Ti và Hiến Ti, mỗi Ti có một Chánh sứ (có khi còn có thêm cả Phó sứ) cầm đầu.
TẢ ĐÔ ĐỐC PHỦ TRUNG QUÂN (59): Chức võ quan cao nhất ở phủ Trung Quân là một trong năm phủ quân thời Lê. Dưới Tả đô đốc là chức Hữu đô đốc.
TẢ HỮU NẠP NGÔN (34): Cũng tức là chức Tả hữu thuyết thư, hàm tòng Ngũ phẩm, ngang với quan Thiêm đô ngự sử hoặc quan Quốc tử giám tư nghiệp...v.v.
TẢ HỮU THỊ LANG BỘ LỄ (46): Đứng đầu mỗi bộ là quan Thượng thư hàm tòng Nhị phẩm. Dưới quan Thượng thư là các quan Thị lang, hàm tòng Tam phẩm, nhưng chức Tả thị lang bao giờ cũng lớn hơn chức Hữu thị lang một bậc. Sau Tả Hữu thị Lang là các chức Lang trung. Tả Hữu thị lang, đại để cũng như Thứ trưởng thứ nhất và Thứ trưởng thứ hai của một bộ. Triều đình xưa thường có sáu bộ, trong đó, bộ Lễ là bộ thuộc hàng lớn nhất.
TÁN LÍ QUÂN VỤ (62): Chức quan có hàm ngang với Tam thái nhưng có quyền dự bàn việc quân cơ.
TẾ GIAO (27): Tế trời. Điển lễ xưa quy định, chỉ Hoàng đế mới được quyền Tế Giao. Đàn Tế Giao bao giờ cũng đắp ở phía Nam kinh đô nên Tế Giao cũng gọi là Tế Nam Giao.
TẾ MIẾU (27): Đây chỉ tế Thái Miếu, tức tế ở nhà thờ các vị vua đã quá cố.
TẾ NGŨ TỰ (27): Theo thiên Nguyệt lệnh của Kinh Lễ thì tế Ngũ Tự là tế năm vị thần: Trung Lưu (thần trong nhà), Táo (thần bếp), Hộ (thần cửa nhà), Môn (thần cửa ngõ) và Hành (thần đi đường).
TÊN CHỮ, TÊN NÔM (10): Tên chữ là tên để đọc và viết theo chữ Hán, còn tên Nôm là để đọc và viết theo âm Nôm, tức là tên nôm na mà ta thường gọi.
TIẾN SĨ CẬP ĐỆ, ĐỆ NHỊ DANH (43): Người đỗ thứ hai trong kì thi Đình (hay thi Điện) là kì thi phụ được tổ chức ngay sau kì thi Hội.
TÒA KINH DIÊN (29): Nơi vua nghe giảng học, cũng là nơi làm việc của các quan Kinh diên. Nhiệm vụ của các quan Kinh diên là: Giảng sách cho vua nghe, chọn dâng điều hay việc dở để vua biết mà tránh...
TỔNG TRI VỆ BẮC BÌNH (43): Chức võ quan đứng đầu vệ Bắc Bình. Vệ là đơn vị quân đội, Bắc Bình là tên gọi. Xưa, mỗi vệ quân đều có một tên gọi riêng. Võ quan giữ chức Tổng tri thường có hàm tòng Thất phẩm.
TUYẼN CHÍNH SỨ TÂY ĐẠO (45): Tuyên chính là chức, Sứ là người giữ chức, còn Tây Đạo là tên đơn vị hành chính. Quan Tuyên chính cũng tức là quan Tuyên úy, hàm Tam phẩm. Tây Đạo là vùng đất tương ứng với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên
ngày nay.
TUYÊN PHỦ SỨ (20), (24): Quan đứng đầu một phủ.
TƯ KHẤU (31), (34): Tương tự như Thượng thư bộ Hình, chức quan chuyên lo việc xét xử và án kiện.
TƯ KHÔNG (21): Một trong Tam tư (Tư đồ, Tư mã, Tư không) là chức rất lớn, thường có hàm nhất phẩm (trên cả Thượng thư). Từ đời vua Lê Thánh Tông, chức này bị bãi bỏ.
TƯỚC HUYỆN THƯỢNG HẦU (05): Tước vị cao nhất trong hàng Huyện hầu, trên Huyện Á thượng hầu và Huyện hầu. Đặt trong toàn bộ hệ thống 15 bậc của Hầu tước, thì Huyện thượng hầu ở bậc thứ 7.
TƯỢNG LỘ (27): Xe riêng của vua, cỡ lớn, thường dùng để di xa, trên có trang trí nhiều vật dụng làm bằng ngà voi.
THÁI SỬ (18): Chức quan lo việc chép sử.
THÁI SỬ LỆNH (37): Người được giữ chức quan lo việc chép sử.
THAM NGHỊ CHÍNH SỰ (38): Chức quan được dự bàn những việc lớn của triều đình và quốc gia.
THANH CHƯƠNG (08): Tên đất. Nay là huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
THANH HOA (06): Tên đất. Đất này nay là Thanh Hóa. Hai chữ Thanh Hóa vốn có từ đầu đời nhà Lý, nhưng đến cuối đời Trần thì đổi làm phủ Thanh Đô. Thời Lê, đất này gọi là Thanh Hoa. Thời Nguyễn mới dùng lại tên cũ là Thanh Hóa. Sách này kể chuyện đời Lê nên viết là đất Thanh Hoa chứ không viết là đất Thanh Hóa.
THẨM HÌNH VIỆN PHÓ SỨ (34): Tên chức quan. Chức này ở sau chức Thẩm hình viện chánh sứ, và cùng với Thẩm hình viện chánh sứ trông coi cơ quan Thẩm Hình Viện là cơ quan chuyên lo việc xét xử án kiện.
THỊ NGỰ SỬ (29): Tên chức quan. Quan Thị ngự sử là quan làm việc tại Ngự Sử Đài. Chức này, sau đổi là Đô ngự sử.
THIẾT SƠN BÁ (61): Tước Bá, hiệu là Thiết Sơn.
THỜI TAM ĐẠI (35): Thời Hạ, thời Thương (cũng gọi là thời Ân) và thời Chu. Cả ba đều là của Trung Quốc cổ đại.
THÔN NHƯ ÁNG (01): Tên thôn. Thôn này thuộc làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương, nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
THỪA CHỈ LÊ TRÃI (22): Quan Thừa chỉ là Lê Trãi. Lê Trãi cũng tức là Nguyễn Trãi. Ông được ban quốc tính (họ của vua) nên sử chép là Lê Trãi. Theo quan chế đầu đời nhà Lê, người đứng đầu Hàn Lâm Viện gọi là Hàn lâm phụng chỉ. Đến đời Lê Thánh Tông, chức này đổi gọi là Thừa chỉ. Nguyễn Trãi mất khi Lê Thánh Tông vừa mới chào đời được 12 ngày (còn gọi là Hoàng tử Lê Tư Thành), mãi đến 18 năm sau mới lên ngôi, nhưng vì bộ sử này viết sau, chịu ảnh hưởng của quan chế đời Lê Thánh Tông nên mới chép là Thừa chỉ.
THỪA CHÍNH SỨ (53): Chức quan đứng đầu Thừa Ti là cơ quan chuyên lo về hành chính và thuế khóa.
TRỊNH CAO (05): Tên đất. Đất này nay thuộc vùng phía tây của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
TRUNG LỘ AN PHỦ SỨ (37): Chức đứng đầu phủ Trung Lộ.
TRUNG SỨ (56): Người nhận mệnh vua đi làm một công việc cụ thể nào đấy.
TRUNG THƯ HOÀNG MÔN THỊ LANG (20): Quan có hàm Thị lang, làm việc ở Hoàng Môn Sảnh, lo việc chép các tờ sắc phong.
TRUNG THỪA (34): Chức quan làm việc ở Ngự Sử Đài (hay Đài quan) ở dưới quan Thị ngự sử. Chức Trung Thừa cũng có Chánh và Phó.
VIỆT VƯƠNG CÂU TIỄN (17): Vua của nước Việt là Câu Tiễn. Nước Việt ở đây là nước Việt của Trung Quốc thời Xuân - Thu. Nước Việt bị nước Ngô đánh bại, Câu Tiễn bi vua Ngô là Phù Sai bắt làm tù binh, phải chịu bao nỗi đắng cay tủi nhục. Câu Tiễn quyết chí trả thù, ngoài mặt thì ẩn nhẫn chịu đựng, nhưng trong lòng oán hận không nguôi. Sau hai chục năm trời khổ luyện và bí mật chuẩn bị lực lượng, Câu Tiễn đã bất thình lình đánh Ngô Phù Sai. khiến Phù Sai bị bại trận mà thắt cổ tự tử.
VỆ OAI LÔI (46): vệ quân có tên là Oai Lôi. Vệ là đơn vị quân đội
XỨ HOA LĂNG, HUYỆN THỦY ĐƯỜNG (53): Tên đất. Đất này nay thuộc huyện Thủy Nguyên, Quảng Ninh.
XỨ PHẬT HOÀNG (02): Đất này nay thuộc Lam Sơn, Thanh Hóa.
YÊN LÃNG (61): Tên đất. Đất này nay thuộc Vĩnh Phúc.
Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 5