Sở dĩ bạn thất bại là do bạn dám tiên phong đi tìm vùng đất mới, phương pháp thực hiện mới, và những cách thức thể hiện mới.

Eric Hoffer

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 39
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1801 / 45
Cập nhật: 2016-06-18 07:57:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 35: Nỗi Oan Khuất Của Phạm Luận
uối năm Canh Tí ( 1420), Lý Bân đập tan được cuộc khởi nghĩa Lê Ngã. Lê Ngã cùng Bế Thuần trốn thoát được nhưng rồi sau đó họ đi đâu không ai rõ. Trong lúc đó, nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ khác vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương khiến vua Minh lo lắng hạ chiếu buộc bọn quan lại đô hộ ở nước ta phải bắt cho bằng được vị thủ lĩnh kiệt hiệt là Lê Ngã. Chiếu lệnh quá gắt gao, bọn quan lại đô hộ sợ bị phạt tội nên tính kế tìm kẻ thế mạng cho Lê Ngã. Người chẳng may chịu tai vạ khủng khiếp này là Phạm Luận và gia thuộc của ông. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 7 - b) chép rằng:
“Tổng binh Lý Bân và Nội quan Lý Lượng của nhà Minh bắt Phạm Luận là sinh viên người huyện Giáp Sơn (thuộc Hải Dương) và buộc Luận phải nhận mình là Dương Cung (tức Lê Ngã, vì Lê Ngã đã tự đổi họ tên thành Dương Cung - ND) cốt để làm cho qua chuyện thi hành chiếu lệnh lùng bắt (Dương Cung). (Chúng) còn bắt cả gia thuộc (của Phạm Luận) là bọn Phạm Xã rồi giải về Yên Kinh.
(Có viên) Tri huyện tên là Đặc Khiêm nhận thực rằng đó không phải là tên (Dương) Cung. (Lý) Bân không nghe. Khiêm lấy bao vàng (bao đựng tấu thư gửi về triều - ND) dâng đại cáo, tâu thẳng về Yên Kinh. (Lý) Bân sai người chặn đường bắt về. Hoàng Phúc khuyên Khiêm rằng:
- Mọi người đều cho là đúng, chỉ mình ông bảo không đúng là làm sao?
Khiêm nói:
- Ai ra ngoài mà chẳng phải qua cửa ngõ (ý muốn nói tất cả mọi người đều cùng phe đảng của Hoàng Phúc - ND).
(Lý) Bân bèn cho giải cả (Đặc) Khiêm lẫn (Phạm) Luận về Yên Kinh, giao cho pháp ti xét hỏi. Khiêm xuýt nữa bị hành tội, may có người anh đánh trống đăng văn (đánh vào cái trống ở triều đình kêu oan để được cứu xét - ND) kêu oan nên được miễn tội. Sau, (Đặc Khiêm) được thăng đến chức Hữu bố chính ở nước ta, còn gia thuộc Phạm Luận cuối cùng bị chết trong ngục.”
Lời bàn: Sách Lễ kí của Trung Quốc có chép chuyện Hà chính mãnh ư hổ (chính sự hà khắc còn đáng sợ hơn cả cọp). Cứ ngỡ đó chỉ là chuyện riêng của Trung Quốc thời ông Khổng Tử, dè đâu lại có ở nước ta vào thời thuộc Minh. Nỗi oan khuất của Phạm Luận dẫu đến ngàn đời cũng chưa tan nổi.
Đặc Khiêm được miễn tội, hẳn nhiên là có chút nhờ cậy ở tiếng trống đăng văn, nhưng lí do miễn tội chính yếu, chẳng qua chỉ vì Đặc Khiêm là người Trung Quốc, chả gì cũng là đồng hương của quân xâm lăng. Còn như Phạm Luận, dẫu có cả đến trăm người cùng đánh trống đăng văn thì rơi đầu vẫn cứ là bị rơi đầu vì lưỡi gươm oan nghiệt. Lí do chính yếu chẳng qua chỉ vì Phạm Luận là người nước ta, là đồng hương của Dương Cung (tức Lê Ngã).
Bọn Lý Bân, Lý Lượng và Hoàng Phúc, trên thì sợ triều đình, nhưng dưới thì lại ra mặt tác oai tác phúc với dân. Thế mới biết là ở đời, đáng sợ nhất xưa nay vẫn là lũ đội trên đạp dưới. Ngẫm mà xem!
Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 4