In books lies the soul of the whole Past Time: the articulate audible voice of the Past, when the body and material substance of it has altogether vanished like a dream.

Thomas Carlyle

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 39
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1801 / 45
Cập nhật: 2016-06-18 07:57:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 30: Khí Phách Nguyễn Biểu
guyễn Biểu sinh năm nào không rõ, chỉ biết nguyên quán của ông là đất Bình Hồ, La Sơn, Nghệ An (nay là đất Đức Thọ, Hà Tĩnh). Năm Kỉ Sửu (1409), khi các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, Nguyễn Chương... cùng tôn Trần Quý Khoáng lên ngôi Hoàng đế để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Nguyễn Biểu cũng ứng nghĩa mà theo về, được Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng cho giữ chức Đài quan. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 12, tờ 37 và 38) chép rằng:
"Trước đây, đế Quý Khoáng thấy mình bị thua luôn, lương thực không được tiếp tế đầy đủ, mới cho bọn Nguyễn Súy, Đặng Dung theo đường biển ra tuần tiễu ở Hải Đông, Vân Đồn và các vùng biển khác để kiếm lương ăn và chặn đánh bọn lính nhà Minh đóng rải rác ở những nơi này. (Đánh xong) lại kéo về Nghệ An, quân chỉ còn lại độ ba bốn phần mười.
Đến nay (tháng 4 năm Quý Tị, 1413 - ND), Trương Phụ lại đem quân đến đánh, (Vua) bèn chạy đến Hóa Châu (vùng Bình - Trị - Thiên cũ - ND) rồi sai bầy tôi là Nguyễn Biểu sung làm sứ cầu phong. Khi (Nguyễn Biểu) đem phẩm vật đến Nghệ An, (Nguyễn) Biểu bị (Trương) Phụ giữ lại (Nguyễn) Biểu giận, mắng (Trương) Phụ rằng:
- Trong bụng thì toan tính việc đánh chiếm nước người ta mà bề ngoài thì lại lớn tiếng là quân nhân nghĩa, trước nói lập con cháu họ Trần, bây giờ lại đặt quận huyện, không những cướp bóc của cải, lại còn giết hại nhân dân, mày thật là thằng giặc bạo ngược.
(Trương) Phụ giận, sai giết (Nguyễn Biểu).”
Bởi kính trọng nghĩa khí quật cường ấy, nhân dân Nghệ - Tĩnh đã lập đền thờ ông, tôn ông là Nghĩa vương. Trong Nghĩa sĩ truyện, Hoàng Trừng (người thế kỉ XVI và là cháu chắt bên ngoại của Nguyễn Biểu) có kể rằng, khi thấy Nguyễn Biểu đến doanh trại, chủ tướng giặc là Trương Phụ đã thử khí phách của Nguyễn Biểu bằng cách mời ông ăn cỗ đầu người. Nguyễn Biểu vừa ăn vừa làm bài thơ bằng chữ Nôm Ăn cỗ đầu người rất được người đời truyền tụng. Nguyên văn bài thơ chữ Nôm này như sau:
Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi,
Gia hào thêm có cỗ đầu người.
Nem công chả phượng còn thua béo,
Thịt gấu gân lân hẳn kém tươi.
Ca lối Lộc Minh so cũng một,
Vật bày thỏ thủ bội hơn mười.
Kia kìa ngon ngọt tày vai lợn,
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời.
Cũng trong sách trên, Hoàng Trừng còn ghi lại cả một bài văn tế của Trùng Quang Đế, đế là Tế Nguyễn Biểu;nguyên văn bằng chữ Nôm như sau:
Than rằng:
Sinh sinh hóa hóa, cơ huyền tạo mờ mờ,
Sắc sắc không không, bụi hồng trần phơi phới.
Bất cộng thù, thiên địa chứng cho,
Vô cùng hận, quỷ thần thề với.
Nhớ thuở tiên sinh giơ cao mũ trãi,
Chăm chắm ở nơi đài gián, dành làm cột đá để ngăn dòng.
Tới khi tiên sinh xa gác vó câu, hăm hăm chỉ,
Cán cờ mao, bỗng trở gió vàng bèn nên nỗi.
Thói tinh chiên Hồ tặc chỉn hăm,
Gan thiết thạch Tô công dễ đổi.
Quan Vân Trường gặp Lữ Mông dễ sa cơ ấy,
Mảng thấy chữ phệ tề hà cập dạ những bùi ngùi.
Lưu Huyền Đức giận Lục Tốn, mong trả thù này,
Nghĩ đến câu thường đảm bất vong lòng thêm dọi dọi.
Sầu kia không lấp cạn dòng,
Thảm nọ dễ xây nên núi.
Lấy chi báo chưng hậu đức, rượu kim tương một lọ,
Vơi vơi mượn chuốc ba tuần.
Lấy chi ủy thửa phương hồn, văn dụ tế mấy câu,
Thăm thẳm ngõ thông chín suối.
Bài Tế Nguyễn Biểu tuy chưa phải là bài hay, càng chưa phải là đã viết đúng theo những quy cách vốn rất chặt chẽ của văn tế, song, cái tình của Trùng Quang Đế đối với Nguyễn Biểu thì ai cũng có thể nhận thấy được.
Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 4